Tuesday, December 22, 2020

Thứ Tư Tuần IV Mùa Vọng – Năm B – 23-12-2020 – Lễ Thánh Gioan Kanty

Thu Tu IV MV

Luca 1:57-66

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được!  Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ.  Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”  Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

(Trích Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Ít nhất có hai điểm đáng cho tôi suy nghĩ và cầu nguyện từ bài đọc hôm nay, trong mùa lễ này.  Điểm thứ nhất, những người láng giềng và thân thích đã đến chia vui và chúc mừng ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét, vì Chúa đã tỏ lòng thương xót mà ban cho ông bà có được một người con khi tuổi đã già.  Đây chẳng phải là phong tục của những người ngày xưa trong văn hóa Do-thái, mà là chuyện thường tình, bất cứ ai, bất kỳ văn hóa, cũng như thời đại nào cũng làm như vậy, mỗi khi ai đó có được một niềm vui.  Kể cả tôi cũng đã nhiều lần được người khác chúc mừng và chia vui, và chính tôi cũng đã chúc mừng và chia vui với nhữnng người khác.  Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, có những khi người khác vui và thành đạt nhưng tôi lại chẳng vui với họ, trái lại còn ghen tức, thậm chí nói xấu họ nữa.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn nhìn vào những thói xấu đó của tôi, những lúc tôi xấu ăn xấu ở với những người chung quanh, những lúc tôi đã rất hà tiện về lời khen, lời cám ơn, chúc mừng và nâng đỡ khuyến khích người khác.  Vấn đề không phải là thành công của họ mà tôi ghen tức, vấn đề là tôi ích kỷ đến bệnh hoạn, khiến tôi không nghĩ tích cực được, không nói được những lời cao đẹp trước sự thành công của người khác.  Tôi xin Chúa chữa lành những bệnh hoạn trong tôi để từ nay, tôi luôn biết vui với người vui và khóc với người khóc.    

2.      Điểm thứ hai, tám ngày sau bà con hàng xóm đến chúc mừng ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét trong ngày ông bà đặt tên cho con của họ.  Ngày hôm nay để hệ thống hóa dân số, một số nước đã có giấy khai sinh và khai tử cho mỗi người, chính vì thế mà việc đặt tên xảy ra ngay trong bệnh viện, chứ không tám ngày sau khi sinh như ngày xưa ở Do-thái, và ở Việt Nam, nhiều nơi, lại còn lâu hơn nữa, mãi khi lập gia đình mới có tên thật.  Nói về lễ đặt tên trong bài đọc hôm nay, cách đặt tên của Việt Nam khá phức tạp.  Tùy triều đại, giai cấp, vùng miền, văn hóa địa phương, trình độ học vấn, tuổi tác, giới tính mà người ta có “tên tục” (Tên cha mẹ gọi lúc mới sinh, chỉ gọi lúc còn bé, và thường là những tên xấu, rất tục như: Hĩm, Thẹp, Bùi (Buồi), Cược (Cặc), Cu, Cò, Cún, Đẹt, Còm, Đực, Đĩ… Bởi do mê tín dị đoan tin rằng, đặt tên xấu để dễ nuôi con và để ma quỷ khỏi bắt), “tên tộc” (Tên của người cha hoặc của người mẹ, như: Ông A sinh ra con trai B, nên gọi B là ‘Thằng Cu A’), “tên thụy” (Tên trong giới nho sĩ do người còn sống đặt cho người đã qua đời.  Có hai loại tên thụy: Công thụy - do vua đặt và Tự thụy - do con cháu, bạn bè hoặc đồ đệ đặt), “nhũ danh” (Tên lúc còn măng sữa, do chữ “nhũ” nghĩa là sữa, dùng cho cả nam lẫn nữ.  Ngày nay, người ta thường hiểu “nhũ danh” là nói về tên thật của người vợ trước khi lập gia đình), “tên cúng cơm” hay còn gọi là “tên hèm” (Tên chính thức dùng để khấn khi cúng giỗ, phân biệt với các tên khác đã được đặt ra khi còn sống), “tên tự” hay “tên chữ” (Cách đặt tên này do lấy chữ của một câu trong những sách thánh hiền, có liên quan đến tên húy, và tên này chỉ đặt cho con trai khi đến tuổi trưởng thành), “tên húy” (Tên của hoàng tộc, do cha mẹ vua đặt khi nhỏ, khi đã lớn thì được gọi bằng tên khác và mọi người phải tránh không được nói đến tên ấy.  Chính vì thế trong tên tiếng Việt đã có nhiều tên và chữ được gọi chệch đi, dù hai chữ phát âm khác nhau nhưng cùng nghĩa, để tránh phạm húy, như: hoa thành huê, tùng thành tòng, cảnh thành kiểng, Phúc thành Phước, Chu thành Châu, vì có Chúa Phúc Chu, Hoàng thành Huỳnh vì có Chúa Nguyễn Hoàng...  Những người Do-thái đã muốn dựa vào truyền thống và tập tục của họ mà đặt tên cho người con của ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét.  Tuy nhiên, ông bà đã không đồng ý và muốn tên con của họ phải được đặt theo những gì Chúa đã dạy bảo.  Da-ca-ri-a đã câm lặng trong chín tháng, chắc hẳn ông đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện ông bà có con một cách lạ lùng, và cũng nghĩ rất nhiều về cái tên mà thiên thần nói ông phải đặt cho con của họ, Gioan.  Khi hai ông bà đặt tên cho con là Gioan, bỗng dưng ông nói được.  Gioan trong tiếng Do-thái có nghĩa là Thiên Chúa là Đấng Từ Bi.  Quả thực, Ngài là như vậy trong kinh nghiệm tỏ tường của ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét.  Tôi hôm nay đã biết Chúa, là con cái của Chúa, tôi có còn mê tín dị đoan khi đặt tên cho con không?  Tôi đã là con cái Chúa, cách đặt và gọi tên cho con cái có phản ảnh tôi là một người có niềm tin và thật sự tin vào Thiên Chúa, để mỗi lần gọi tên con cũng là lúc tôi cất lời ca tụng Chúa, để mỗi lần gọi tên con, cả một khung trời kỷ niệm giữa tôi với Chúa khi Ngài ban tặng cho tôi người con này người con kia, cùng những lời nguyện tôi đã luôn cầu xin cùng Chúa khi tôi mang thai chúng?  Tôi muốn nói gì với Chúa về từng đứa con của tôi?  Tôi đã có những ước mơ gì khi mang thai và đặt tên cho chúng?  Tôi cầu nguyện và cộng tác một cách đắc lực với ơn Chúa để những ước mơ ấy cho con cái được thành hiện thực.  Tên tôi là gì?  Cha mẹ tôi đã ước mơ về tôi như thế nào khi đặt cho tôi tên ấy?  Tôi dâng lời cầu nguyện cho cha mẹ của tôi.  Chúa có ước mơ gì về tôi?  Tôi muốn hỏi Ngài trong lúc này và tôi sẽ làm gì để ước mơ của Chúa nơi tôi được thành hiện thực?    

Phạm Đức Hạnh, SJ    

0 comments:

Post a Comment