Monday, May 31, 2021

Thứ Ba Tuần IX Thường Niên – Năm B –1-6-2021 – Lễ Thánh Justin, Tử Đạo

Thu Ba IX TN

Tô-bi-a 2:9-14

9Tôi là Tô-bít, ngay đêm lễ Ngũ Tuần, sau khi chôn cất người chết, tôi đi vào sân nhà tôi.  Tôi nằm dọc theo bức tường ở sân, mặt để trần vì trời nóng. 10 Tôi không biết là trong bức tường phía trên tôi có con chim sẻ.  Phân chim nóng hổi rơi xuống mắt tôi, tạo ra những vết sẹo trắng.  Tôi đến thầy thuốc xin chữa trị, nhưng họ càng xức thuốc cho tôi, thì các vết sẹo trắng càng làm cho mắt tôi loà thêm, cho đến khi tôi bị mù hẳn.  Suốt bốn năm, mắt tôi không nhìn thấy gì cả.  Tất cả anh em tôi đều lấy làm buồn cho tôi, và ông A-khi-ca cấp dưỡng cho tôi trong hai năm, trước khi ông đi Ê-ly-mai.

11Lúc bấy giờ, An-na, vợ tôi, nhận làm những công việc dành cho phụ nữ. 12 Nàng giao hàng cho chủ và họ trả tiền công cho nàng.  Ngày mồng bảy tháng Đy-trô, nàng xén tấm vải đã dệt xong, rồi giao cho chủ.  Tiền công bao nhiêu, họ trả hết cho nàng, lại còn thưởng cho một con dê con để ăn một bữa. 13 Khi nàng bước vào nhà, thì con dê bắt đầu kêu be be.  Tôi mới gọi nàng lại và hỏi: “Con dê nhỏ đó ở đâu ra vậy?  Có phải của trộm cắp không?  Đem trả lại cho chủ nó đi!  Vì chúng ta không có quyền ăn của trộm cắp.” 14 Nàng bảo tôi: “Đó là quà người ta thưởng cho tôi, thêm vào số tiền công!”  Tôi không tin nàng và cứ bảo nàng phải trả lại cho chủ.  Chuyện đó khiến tôi xấu hổ vì nàng.  Nàng còn nói với tôi: “Các việc bố thí của ông đâu?  Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi?  Đó, ông được bù đắp như thế nào, ai cũng đã rõ!”

(Trích Sách Tô-bi-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay trích từ Sách Tô-bi-a.  Đây là tập sách khá phổ biến với những người Công giáo, trong những dịp lễ cưới; tuy nhiên, đây là tập sách có nhiều tranh cãi trong giới học giả.  Trước hết, Sách Tô-bi-a bị xem là ngụy thư đối với Do-thái giáo và hầu hết các nhóm Tin Lành, trong khi đó Công giáo và Chính Thống giáo xem đây là một phần của bộ Kinh Thánh.  Sự tranh cãi này đã bắt đầu từ rất xa xưa.  Chẳng hạn, dù Thánh Giê-rô-ni-mô đã có công dịch sách này ra tiếng La-tinh cùng với những sách khác trong bộ Kinh Thánh, nhưng ngài không công nhận Sách Tô-bi-a thuộc vào quy điển Kinh Thánh, trong khi đó Thánh Augustine và Thánh Hipolito lại công nhận.  Cho đến ngày nay người ta vẫn chưa thống nhất với nhau về tác giả, nơi chốn và thời gian hình thành sách này.  Chẳng ai biết được tác giả sách này là ai, chỉ biết tác giả là một người Do-thái sùng đạo, công chính và rất bác ái đối với những người chết.  Ông thường tìm xác người chết và chôn cất cẩn thận.  Bởi thế Tô-bi-a thường được chọn làm bổn mạng của các nhà quàn và đội mai táng.  Có người cho rằng sách đã được viết ra vào thế kỷ VII, T.C.N, lại có nhiều người tin rằng, sách đã được viết ra vào khoảng thế kỷ III, T.C.N.  Người ta cũng khó đồng ý Sách Tô-bi-a thuộc thể văn nào.  Có người cho rằng, đây là một sách giáo huấn nhằm răn dạy người Do-thái sống đúng luật Chúa; lại có người cho rằng, đây là loại tiểu thuyết lịch sử, bởi sách nói nhiều đến những biến cố lịch sử.  Tuy nhiên, nhiều biến cố và địa lý mà sách nhắc đến đã không được chính xác về lịch sử và địa hình.  Dù sách gây nhiều tranh cãi về nhiều mặt, mọi người cũng đều nhận thấy sách nêu bật những vấn đề rất quan trọng trong niềm tin như: Thiên Chúa là Đấng công bình và tự do, Ngài thưởng người lành và phạt kẻ dữ.  Mọi đau khổ không phải là hình phạt mà chỉ là thử thách của Thiên Chúa, vì thế hãy kiên tâm và cậy trông.  Sách còn đề cao cầu nguyện, làm việc bác ái và ăn chay như là ba cột trụ của đời sống đức tin Do-thái giáo.  Hôm nay, tôi cầu nguyện với bài đọc được trích từ sách Tô-bi-a, tôi có thể bắt chước đời sống bác ái, ăn chay và cầu nguyện của Tô-bi-a được không? 

2.      Bài đọc hôm nay nêu bật, Tô-bi-a là một người công chính và luôn sống đúng luật Chúa.  Đời sống gương mẫu của Tô-bi-a nói gì với tôi, là một người Công giáo?  Tôi có những điểm nào giống nếp sống của Tô-bi-a?  Bài đọc cũng kết bằng một điểm rất đẹp đó là, sự khiêm nhường của Tô-bi-a, dám nhìn nhận lỗi lầm của bản thân từ cách hiểu sai và độc đoán của ông đối với An-na, vợ ông.  Tôi có thể khiêm nhường trước những lỗi lầm của bản thân, dám xây dựng lại mọi đổ vỡ trong gia đình và cộng đoàn?  Tôi có muốn xin Chúa giúp tôi việc này không?  Tôi nói chuyện với Chúa trong lúc này.    

Phạm Đức Hạnh, SJ  

Sunday, May 30, 2021

Thứ Hai Tuần IX Thường Niên – Năm B –31-5-2021 – Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Elizabeth

Thu Hai IX TN 

Luca 1:39-56

39Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

46Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. 48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. 49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! 50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. 51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. 52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. 53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. 54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, 55như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.” 56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có ít là hai điểm đáng cho tôi suy niệm trong giờ cầu nguyện này.  Thứ nhất, tâm tình của Bà Ê-li-sa-bét đối với những gì Chúa đã thực hiện nơi Mẹ Maria: vui vẻ đón chào, ca tụng, trân trọng và khích lệ.  Trong cuộc đời này, chẳng có một ân huệ nào lớn hơn ân huệ được cưu mang Đấng Cứu Thế, được làm mẹ Đấng Cứu Thế.  Đây là một ước mơ lớn mà các cô Do-thái nào cũng mong được vinh hạnh này.  Trong tất cả mọi người nữ Do-thái và trên thế giới, chỉ một mình Mẹ Maria đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, điều này có thể dễ sinh nghen tức, đố kỵ.  Ấy vậy mà, Bà Ê-li-sa-bét khi vừa được Đức Mẹ thăm chào, bà đã nói những lời đầy yêu thương, kính trọng, đầy phước lành và khích lệ dành cho Đức Mẹ.  Có khi nào tôi đã nói được như Bà Ê-li-sa-bét trước sự thành công của người khác?  Tôi có vui với người vui, hạnh phúc với những người thành công quanh tôi, khuyến khích họ tiếp tục đi tới nhiều thành công khác, hay tôi keo kiệt một lời chia vui, tỏ ra ghen tức vì sự thành công của họ, cảm thấy tự ti mặc cảm về chính mình?  Tôi muốn nói với Chúa về yếu đuối này và xin cho được lớn lên về khía cạnh này.

2.      Thứ hai, tâm hồn đầy khiêm nhường của Mẹ Maria.  Mẹ Maria đã rất khiêm nhường trước ân sủng và sự ưu ái của Thiên Chúa dành cho Mẹ.  Mẹ cũng rất khiêm nhường trước những người khác.  Mẹ đã đi ra chia sẻ niềm vui này cho người khác, không giữ cho riêng mình.  Mẹ nhìn nhận, đây là việc làm hoàn toàn vì tình thương nhiệm mầu của Chúa dành cho Mẹ, chứ không phải do sự tốt lành thánh thiện của Mẹ khiến Chúa phải chọn Mẹ.  Mẹ sống trong tâm tình biết ơn và khiêm nhường trước mặt Chúa.  Tôi có thể học được gì từ Mẹ Maria trong ngày lễ của Mẹ hôm nay?  Có điều gì tôi đang lãnh nhận mà chẳng phải từ Chúa chăng?  Vì sao tôi lại được như vậy?  Tôi có tự hào về những gì tôi có đến quên cả Chúa không?  Tôi muốn đọc lại lời đáp của Mẹ Maria trên và cúi mình tỏ lòng biết ơn Chúa về tất cả những gì Ngài đang ban tặng cho tôi trong cuộc đời này, trong năm này, trong tháng này, trong tuần này và trong ngày hôm nay.  Trong ngày lễ của Mẹ và ngày cuối cùng trong tháng Năm này, tháng dành riêng để kính Mẹ, tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh “Kính Mừng,” của Thiên Phúc, do Angelo Band trình bành, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=Vk2lDnnEQT4

Phạm Đức Hạnh, SJ

 

Saturday, May 29, 2021

Chúa Nhật Tuần IX Thường Niên – Năm B –30-5-2021 – Lễ Chúa Ba Ngôi

 CN IX TN

Mát-thêu 28:16-20

 16Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18Đức Giê-su đến gần, nói với các ông:  “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có thể mang một ý nghĩa thật gần với đời sống của tôi.  Chúa Giesu Phục Sinh đã mời gọi các môn đệ đến Ga-li-lê và từ đó Ngài sai họ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.  Ga-li-lê là gì và ở đâu, sao Chúa Giesu lại muốn họ về đó?  Chúa có thể sai họ đi ở bất cứ chỗ nào kia mà?  Ga-li-lê chính là nơi các môn đệ đã sinh ra, lớn lên, lập thân, lập nghiệp và là lần đầu tiên họ gặp Chúa Giesu, nơi đó họ được chứng kiến những phép lạ Ngài làm, được nghe Ngài dạy.  Chúa Giesu muốn gặp họ ở đó và sai họ đi sứ vụ từ đó.  Như vậy, công cuộc rao giảng Tin Mừng phải bắt đầu, trước nhất từ nhà của tôi, nơi tôi rất quen thuộc, nơi mọi người thân của tôi ở đó, đó chính là Ga-li-lê.  Nếu tôi không gặp Chúa ở ngay tại Ga-li-lê của tôi, nhà của tôi, gia đình của tôi, tôi sẽ chẳng gặp được Chúa Giesu Phục Sinh ở bất cứ nơi nào khác.  Nếu tôi không bắt đầu rao giảng Tin Mừng về Chúa Giesu Phục Sinh từ trong gia đình của tôi, đừng mong rao giảng Tin Mừng về Chúa Giesu Phục Sinh ở bất cứ nơi nào khác.  Điều này có thể nhắc nhở tôi về một câu nói của Đức Khổng Tử mà nhiều người Việt Nam đã quen, đó là: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”  Tôi cần phải tề gia trước nhất, tức biến gia đình tôi trở thành thiên đàng, trước khi giới thiệu thiên đàng đến những nơi khác.  Tôi muốn bắt đầu rao giảng Tin Mừng Phục Sinh từ đâu và như thế nào, tôi nói chuyện với Chúa Giesu trong lúc này. 

2.      Mát-thêu mở đầu phúc âm của ngài bằng chương một với câu nói: Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1:23).  Bài đọc hôm nay là những câu cuối cùng của Phúc âm Mát-thêu, ngài cũng kết thúc phúc âm của ngài cũng cùng ý tưởng đó: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”  Như vậy, Thiên Chúa vẫn ở cùng tôi trong từng giây phút của cuộc sống, trong mọi hoàn cảnh của ngày sống.  Tôi nhận ra sự hiện diện của Ngài không?  Tôi có cảm thấy vững tin hơn khi biết Chúa hằng ở với tôi, dù nghịch cảnh nào xảy đến trong ngày sống của tôi?  Tôi muốn nói chuyện với Ngài trong giây phút này.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, May 28, 2021

Thứ Bảy Tuần VIII Thường Niên – Năm B –29-5-2021

 Thu Bay VIII TN

Huấn Ca 51:12-20

12Con xin cảm tạ và ca ngợi Đức Chúa, và xin chúc tụng danh Ngài. 13 Thời còn trẻ, trước khi bôn ba đây đó, tôi đã công nhiên tìm kiếm đức khôn ngoan khi dâng lời cầu nguyện. 14 Nơi Thánh Điện, tôi hằng cầu xin, và cho đến mãn đời, tôi vẫn tìm kiếm đức khôn ngoan. 15 Như hoa tươi nở, tựa chùm nho chín, đức khôn ngoan làm hoan hỷ lòng tôi.  Chân tiến bước trên đường ngay nẻo chính, tôi dõi theo đức khôn ngoan từ thuở còn thanh xuân. 16 Chỉ lắng tai một chút mà tôi đã hấp thụ được, và tìm thấy cho bản thân một giáo huấn dồi dào. 17 Trong đức khôn ngoan, tôi tiến lên mãi, và tôi sẽ tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã cho tôi được khôn ngoan. 18 Vì tôi đã cương quyết sống theo đức khôn ngoan, tôi hăng say tìm điều thiện, và sẽ không xấu hổ thẹn thùng. 19 Trong đức khôn ngoan, hồn tôi đã phấn đấu, và chuyên cần tuân giữ Lề Luật.  Tôi đã giơ tay lên trời, tôi khóc than vì thiếu hiểu biết. 20 Tôi đã hướng lòng về đức khôn ngoan, và khi giữ mình trong sạch, tôi tìm được đức khôn ngoan.  Tôi đã để tâm tìm hiểu ngay từ đầu, nên tôi sẽ không bị ruồng bỏ.

(Trích Sách Huấn Ca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay được trích từ chương cuối cùng của Sách Huấn Ca.  Đây là tập sách bao gồm những lời dạy về luân lý Do-thái giáo, được viết bằng tiếng Do-thái, vào khoảng thế kỷ II T.C.N. do một tư tế Do-thái tên là Ben Sira ở Giê-ru-sa-lem biên soạn.  Sách này chỉ được Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống Đông phương công nhận đưa vào quy điển Kinh Thánh, nhưng không được các Giáo hội như Anh giáo và Tin lành Luther nhìn nhận.  Sách tập trung vào những chủ đề chính như: Sự sáng tạo trời đất, sự chết, tình bạn, hạnh phúc, vinh nhục, những vấn đề tiền bạc, tội lỗi, công bằng xã hội, diễn thuyết và nữ giới.

2.      Bài đọc hôm nay nói về tầm quan trọng của việc đi tìm đức khôn ngoan và kết quả của việc tìm kiếm ấy.  Đức khôn ngoan ở đây có ý nói về ơn Chúa.  Tôi đọc lại nhiều lần những lời trên và mở lòng để cho đức khôn ngoan tràn ngập tâm hồn tôi, hướng dẫn tôi luôn sống trong ân sủng của Chúa.  Tôi có thể chọn ra một câu tâm đắc nhất và để cho câu ấy tiếp tục hát vang trong cả ngày sống của tôi. 

Phạm Đức Hạnh, SJ   

Thursday, May 27, 2021

Thứ Sáu Tuần VIII Thường Niên – Năm B –28-5-2021

Thu Sau VIII TN

Mác-cô 11:15-18

15Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem.  Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc, và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. 16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. 17 Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao?  Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” 18 Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su.  Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. 

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nếu so sánh bài đọc hôm nay trong Phúc âm Mác-cô với cùng câu chuyện tẩy uế đền thờ này trong Phúc âm Gioan, tôi có thể thấy một sự khác biệt rõ rệt ở cách sắp đặt thứ tự các câu chuyện của Chúa Giêsu ở hai Phúc âm này.  Phúc âm Gioan đặt câu chuyện tẩy uế đền thờ vào phần đầu của Phúc âm (Ga 2:12-22), trong khi đó Phúc âm Mác-cô đặt câu chuyện này ở phần cuối của Phúc âm (Mc 11:15-18), tức gần cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.  Như vậy, cách sắp đặt các câu chuyện trong Kinh Thánh là có chủ đích của tác giả.  Câu chuyện tẩy uế đền thờ, trong bài đọc hôm nay, xảy ra khi Chúa Giêsu vừa vào thành Giê-ru-sa-lem và cũng ở lần đi này Ngài bị bắt và giết chết đúng như lời Ngài tiên đoán.  Như vậy, việc tẩy uế đền thờ đối với Mác-cô như là việc làm quan trọng cần phải làm của Chúa Giêsu, sau ba năm rao giảng giáo lý mới và trước khi chết.  Tôi nghĩ sao về việc Chúa Giêsu tẩy uế đền thờ?  Nếu Thánh Phao-lô nói thân xác tôi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cor. 6:19), vậy đền thờ là con người tôi có cần được Chúa Giêsu thanh tẩy không?  Đền thờ tôi, tức tâm hồn tôi, có đang là nhà cầu nguyện hay đang là hang trộm cướp?  Tôi có muốn thanh tẩy và sự thanh tẩy khẩn thiết như thế nào?  Tôi đem cuộc sống của tôi và hỏi Chúa Giêsu trong lúc này, xem tôi cần được thanh tẩy như thế nào.


2.      Các thượng tế và kinh sư ghét cay ghét đắng Chúa Giêsu vì việc tẩy uế đền thờ.  Bởi vì việc đổi tiền và mua bán trao đổi của lễ trong đền thờ đã là tập tục lâu đời của người Do-thái.  Tập tục này không chỉ có lợi cho nồi cơm của các kinh sư và thượng tế Do-thái, nhưng còn là gánh nặng trên mọi người dân Do-thái, đặc biệt những người nghèo.  Chính vì thế mà các nhà lãnh đạo Do-thái đã ghét cay ghét đắng Chúa Giêsu và tìm cách giết Ngài.  Có khi nào tôi cũng bảo thủ, cố chấp và không muốn thay đổi một lối sống, cách thực hành đức tin, cách sống đạo và cầu nguyện lỗi thời, dù Chúa Giêsu có mời gọi?  Tôi muốn xin Chúa Giêsu giúp tôi hiểu, mở lòng và nhìn ra đâu là những điều cần phải thay đổi hoặc giữ lại; đồng thời có sức mạnh thay đổi những điều cần phải thay đổi. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, May 26, 2021

Thứ Năm Tuần VIII Thường Niên – Năm B –27-5-2021 – Lễ Thánh Augustine of Canterbury

 Thu Nam VIII TN

Mác-cô 10:46-52

46Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô.  Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” 49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!”  Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51 Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?”  Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” 52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay trích từ Phúc âm Mác-cô và tôi có thể thấy Mác-cô có một dụng ý rất hay trong cách sắp đặt câu chuyện của bài đọc hôm nay.  Câu chuyện người mù Ba-ti-mê được chữa lành, trong bài đọc hôm nay, nằm ở cuối chương 10, tức sau câu chuyện người thanh niên giầu có và sau câu chuyện hai môn đệ Gia-cô-bê và Gioan phỗng tay trên với các môn đệ khác để nhỏ to với Chúa Giêsu xin cho được ngồi chỗ quan trọng nhất bên phải và bên tay hữu trong Nước Thiên Chúa.  Mác-cô kể là anh mù Ba-ti-mê khi nghe tin Chúa Giêsu sắp đi qua, anh liền la lên.  Dân chúng quát mắng anh phải im miệng lại, anh ta còn la to hơn nữa.  Hóa ra, Mác-cô như thể muốn kể cho tôi biết, người thanh niên kia mù, cả hai môn đệ Gia-cô-bê và Gioan cũng mù, chỉ có anh mù Ba-ti-mê là sáng, là nhận ra Chúa!  Người thanh niên giầu có bị của cải làm anh ta mù trước lời mời gọi của Chúa Giêsu; Gia-cô-bê và Gioan bị thói tham quyền, tham danh vọng, thói khôn lỏi làm cho họ mù trước những giá trị của Nước Trời về, thế nào là phục vụ.  Tôi có thể tự hỏi chính mình: Tôi có đang bị mù không trước những giá trị Nước Trời, trước những lời dạy của Chúa, trước sự hiện diện của Chúa ở khắp mọi nơi?  Cái gì đang làm cho tôi mù?  Tôi đã bị mù bao lâu rồi?  Tôi có muốn được sáng mắt như anh mù kia không?  Tôi khao khát được sáng đến mức muốn gào thật to, bất chấp bất cứ ai muốn bịt miệng tôi, miễn sao tôi được Chúa chú ý?

2.      Người thanh niên giầu có sa sầm nét mặt bỏ đi.  Gia-cô-bê và Gioan theo Chúa Giêsu nhưng thật sự chẳng theo Chúa mà chỉ theo đuổi những tham vọng của họ.  Anh mù sau khi được chữa lành đã theo Chúa Giêsu ngay.  Mác-cô lại đặt câu chuyện anh mù xin theo Chúa Giêsu sau khi Chúa Giêsu loan báo, lần thứ ba, rằng Ngài sẽ phải lên Gie-ru-sa-lem, bị bắt, bị giết và rồi sẽ sống lại.  Một lần nữa Mác-cô muốn dụng ý nói, anh mù này đã dám theo Chúa Giêsu mặc dù con đường trước mặt là đường thập giá.  Tôi muốn theo Chúa Giêsu không, khi Ngài cho tôi biết rằng Ngài sẽ phải chịu khổ hình rồi mới phục sinh?  Bao lâu nay tôi có theo Chúa Giêsu không?  Tôi theo Chúa Giêsu vì Ngài hay mong tìm lợi lộc gì?  Trong các giờ cầu nguyện của tôi bao lâu nay tôi thường xin gì: Xin cho có kẹo (những ân sủng của Chúa), hay xin cho có được Người cho kẹo (chính Chúa)?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?    

Phạm Đức Hạnh, SJ    

 

Tuesday, May 25, 2021

Thứ Tư Tuần VIII Thường Niên – Năm B –26-5-2021 – Lễ Thánh Phi-líp-phê Nê-ri

 Thu Tu VIII TN

Phi-líp-phê 4:4-9

4Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.  Tôi nhắc lại: vui lên anh em! 5 Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. 6 Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. 7 Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. 8 Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. 9 Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.

(Trích Thư Phi-líp-phê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay được trích từ thư của Phao-lô gởi Giáo đoàn Phi-líp-phê.  Thư này được gọi là “ngục thư” của Phao-lô vì ngài viết thư này khi đang bị cầm tù vì đức tin.  Theo lẽ thường những người ở bên ngoài viết thư an ủi và động viên những người ở trong tù.  Trong khi đó, Phao-lô đang bị giam cầm vì đức tin lại viết thư động viên các tín hữu của ngài phải sống đạo như thế nào.  Những lời lẽ trong thư thật lạc quan và đầy sức sống.  Giữa chốn lao tù vậy mà Phao-lô đã kêu gọi mọi người: Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.  Tôi nhắc lại: vui lên anh em!  Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến.  Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.  Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.”  Điều gì đã khiến Phao-lô có thể viết lên được những lời này, dù đang ở trong tù?  Ngài dựa vào đâu để có sức mạnh, sự lạc quan, hy vọng và yêu đời như vậy?  Tôi đang có những khó khăn nào và những lời này đang vực tôi lên như thế nào?  Tôi có thật sự vui vì niềm tin của tôi?  Tôi có bình an, sống hiền hòa và rộng rãi với mọi người ra sao?  Mọi người gặp tôi có gặp Chúa không?  Tôi đọc lại những lời đầy khích lệ này và đặt cho tôi một hướng đi phải sống và thể hiện đức tin mỗi ngày như thế nào.     

2.      Cuối cùng Phao-lô khuyên: Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.”  Nhờ những lưu tâm này mà tâm hồn tôi được bình an.  Tôi để ý tôi có đang được bình an?  Đây có phải là những điều tôi đang để ý và giữ trong tim tôi bao lâu nay, hay tôi đang để ý và nuôi dưỡng toàn những điều ngược lại?  Tôi nghĩ gì và muốn Chúa giúp tôi điều gì để tôi được bình an, lạc quan và yêu đời hơn?  Hôm nay tôi muốn chọn một điều đáng mến, một lời đức hạnh, một tiếng yêu thương để sống, để chia sẻ với mọi người quanh tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui,” của Trịnh Công Sơn, do Hồng Nhung trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=nRfVkPu0Uwo

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, May 24, 2021

Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên – Năm B –25-5-2021

 Thu Ba VIII TN

Mác-cô 10:28-31

28Khi ấy, ông Phê-rô lên tiếng thưa với Đức Giê-su rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” 29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. 31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay bắt đầu bằng câu nói của Phê-rô với Chúa Giêsu, ông nói: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”  Đúng ra đây là một câu hỏi, bởi trong mạch văn về câu chuyện xảy ra trước câu nói này và câu nói của Chúa Giêsu với Phê-rô, đó là: Chúa Giêsu đang nói về người giầu có vào Nước Thiên Chúa khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim.  Như vậy, ý của Phê-rô muốn hỏi Chúa Giêsu: Vậy chúng con đã bỏ mọi sự đi theo Thầy, chúng con sẽ được gì?  Chúng con có được vào Nước Thiên Chúa không?  Câu hỏi này có thể là câu hỏi của tôi trong lúc này chăng?  Thế nào là từ bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu?  Lối sống của tôi, những từ bỏ của tôi có là vé bảo đảm để tôi được vào Nước Thiên Chúa không?  Tôi hỏi với Chúa Giêsu trong lúc này và để ý Ngài sẽ trả lời tôi ra sao.

2.      Câu trả lời của Chúa Giêsu rất đáng cho tôi lưu ý trong giờ cầu nguyên hôm nay.  Thứ nhất, Chúa Giêsu không có ý dạy tôi phải ghét bỏ cha mẹ, gia đình, nhưng Ngài đòi hỏi tôi nếu muốn theo Ngài, tôi phải dám đặt Ngài và Tin Mừng lên trên tất cả gia đình, cha mẹ, của cải vật chất.  Thứ hai, nếu dám từ bỏ như vậy, tôi không chỉ được lợi gấp trăm lần ở đời này, cùng sự sống vĩnh cửu mai sau, nhưng đồng thời cũng phải trải qua những bách hại và đau khổ trong cuộc sống này.  Tôi có cảm thấy hấp dẫn và còn ham muốn đi theo tiếng gọi của Chúa Giêsu nữa không?  Bao lâu nay tôi đã theo Chúa để chỉ tìm những cái lợi, có khi nào tôi nghĩ đến những sự áp bức bất công mà tôi phải chịu?  Đời sống đức tin của tôi có phải là, theo Chúa những khi có lợi, nhưng bỏ Chúa khi gặp đau khổ?  Tôi có thể xin Chúa giúp tôi mạnh mẽ, can đảm và quảng đại với tiếng mời gọi của Chúa ngay từ giây phút này.

Phạm Đức Hạnh, SJ      

 

Sunday, May 23, 2021

Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên – Năm B –24-5-2021 – Lễ Đức Maria, Mẹ của Giáo Hội

Thu Hai VIII TN

Gioan 19:25-27

25Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." 27 Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh."  Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có lẽ văn hóa nào cũng trân quý hình ảnh của người mẹ.  Mẹ không chỉ là một hình ảnh thật thân thương, rất ấn tượng, nhưng mỗi khi nói đến mẹ, nhớ về mẹ, mẹ dường như hóa thiêng trong tâm hồn của hầu hết mọi người.  Bởi vậy, Mẹ Maria cũng đóng một vai trò thật thân thương, đầy trìu mến và rất thánh thiêng trong Giáo hội.  Nếu Giáo hội là nhiệm thể của Chúa Kitô, mà Mẹ Maria là Mẹ đã sinh ra Chúa Cứu Thế, vậy Mẹ cũng là Mẹ của Giáo hội.  Hôm nay là ngày lễ mừng Mẹ là Mẹ của Giáo hội và trong Tháng Mân-côi, tháng dành riêng để kính Mẹ, tôi muốn dành những giây phút này để ở bên Mẹ, nói chuyện, thân thưa với Mẹ, như một người con ép lòng bên mẹ.  Tôi có thể chào Mẹ với Kinh Kính Mừng bằng tất cả sự trang trọng, không máy móc qua loa như mọi lần tôi vẫn lần chuỗi.  Tôi để ý Mẹ vui vì tôi tin tưởng và đang muốn ở bên Mẹ; đặc biệt, Mẹ rất vui như thế nào vì tôi cho Mẹ thời gian để Mẹ được ở bên tôi trong giây phút này.

2.      Bài đọc hôm nay cho tôi biết, Mẹ đã đứng dưới chân thập giá, quặn đau và cảm thông với đau khổ cũng như cái chết của Chúa Giêsu, con của Mẹ.  Đây là một hình ảnh rất thực về tình mẫu tử.  Người mẹ nào cũng luôn muốn ở bên con, đặc biệt những khi con đau khổ, để chia sẻ, để đỡ nâng những đau khổ của con.  Mẹ Maria đã không chỉ đứng một lần dưới chân thập giá năm xưa, Mẹ vẫn hiện diện bên con cái của Mẹ khắp nơi mỗi khi có đau khổ.  Trong mọi cuộc hiện ra của Mẹ được ghi nhận trong lịch sử trên toàn thế giới, lần nào Mẹ hiện ra cũng là lúc con cái Mẹ đang bị bắt bớ và đau khổ.  Cụ thể đối với người Công giáo Việt Nam, đó là hình ảnh Mẹ La-vang, cùng những lần loạn lạc vì chiến tranh và vượt biên, Mẹ đã luôn ở bên con cái của Mẹ để bảo vệ, nâng đỡ và an ủi.  Có một nỗi khổ, bận tâm nào trong lúc này mà tôi muốn Mẹ biết không?  Tôi muốn nói gì và chia sẻ gì với Mẹ trong lúc này?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời kinh sau đây: Lạy Nữ Vương gia đình Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ mẹ con cùng nhau chia sẻ.  Xa mẹ chúng con biết cậy trong ai.  Đời chúng con gian nan khổ sở lắm.  Gia đình chúng con long đong tối ngày nhưng có mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày.  Mong ngày sau sung sướng cùng mẹ muôn đời trên Thiên Đàng.  A-men         

Phạm Đức Hạnh, SJ