Saturday, December 31, 2022

Chúa Nhật Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A –1-1-2023 – Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa

CN GS

Luca 2:16-21

16Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem.  Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo. 21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay ngày đầu năm mới, Giáo hội mừng Lễ Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, một tước hiệu đã có từ thế kỷ I, Theotokos (Theo tiếng Hy-lap có nghĩa là Đấng cưu mang Thiên Chúa – God-bearer).  Đây là một ngày lễ rất đặc biệt không chỉ mừng trong Giáo hội Công Giáo, mà cả Giáo Hội Chính Thống, các Giáo phái lớn Tin Lành.  Kitô hữu trong thế kỷ đầu ấy đã không ngần ngại gọi Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa; tuy nhiên, tước hiệu này có thể làm tôi cảm thấy khó chịu, bởi Mẹ Ma-ri-a là một thụ tạo giống như tôi, được Thiên Chúa dựng nên, làm sao Mẹ có thể là mẹ Thiên Chúa được?  Nếu tôi có cảm giác khó chịu như vậy, cũng là chuyện bình thường; và nếu tôi lý luận như thế, quả cũng không sai.  Bởi tước hiệu này đã trở nên tranh cãi sôi nổi vào khoảng thế kỷ V, cũng với lập luận giống tôi hôm nay.  Một trong những người nổi tiếng và bị Giáo hội kết án lạc giáo, đó là: Nestorius.  Lập luận của Nestorius là, Chúa Giêsu có hai bản tính: Thiên Chúa và Con Người, khi Mẹ Maria cưu mang và sinh Chúa Giêsu, thì Mẹ chỉ sinh ra bản tính con người của Chúa Giêsu thôi, chứ Mẹ không sinh ra bản tính Thiên Chúa.  Vì thế chỉ nên gọi Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Chúa Kitô chứ không thể là Mẹ Thiên Chúa.  Cái sai của ông là ở chỗ, tách biệt hai bản tính nơi Chúa Giêsu.  Chính vì thế mà Công đồng Ê-phê-xô, năm 431, đã lên án lạc thuyết Nestorius, và Giáo hội xác định Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, không phải Mẹ sinh ra Thiên Chúa, nhưng Mẹ sinh ra Chúa Giêsu, Ngài vừa là Thiên Chúa thật và cũng vừa là người thật.  Hai bản tính này không thể tách rời nhau, không phải khi này Chúa Kitô mang bản tính này và khi khác thì mang bản tính khác.  Xét cho cùng, khi nói Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, tước hiệu này không nhằm đề cao Mẹ cho bằng, tôn vinh Chúa Kitô, Ngài là Thiên Chúa thật, chứ không phải là một con người mà tôi tôn vinh thành Chúa.  Giáo hội đặt Lễ Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa vào ngày đầu tiên trong năm mang một ý nghĩa tích cực là, trao phó cả Giáo hội và nhân loại cho Đức Mẹ che chở, và trong suốt cả năm mới này được Chúa Kitô, Đấng mà tôi thấy trong máng cỏ ngày Lễ Giáng Sinh, cũng chính là Thiên Chúa thật đã đến trong kiếp người và trong kiếp khó nghèo đến tận cùng của kiếp người để chia sẻ mọi đau khổ với thế giới này.  Tôi muốn nói gì với Mẹ Ma-ri-a trong ngày đầu năm?  Tôi muốn nói gì với Chúa Kitô trong giây phút đầu năm này?

2.     Giáo hội chọn bài đọc của Lễ Vọng Giáng Sinh cho ngày lễ kính Mẹ Ma-ri-a hôm nay, một lần nữa như muốn nhắc lại xác tín của Công đồng Ê-phê-xô về Chúa Giêsu mà Đức Mẹ sinh ra, đặt nằm trong máng cỏ, không chỉ là người thật nhưng còn là Thiên Chúa thật, được các thiên thần ca hát khi sinh ra và được đặt tên như đã được thiên thần báo trước.  Tôi đọc lại bài đọc trên cho thật kỹ và chiên ngắm Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, để ý tôi có dám xác tín rằng trẻ thơ giữa chuồng bò ấy lại cũng chính là Thiên Chúa?  Tôi có nghi ngờ gì về Chúa Giêsu, hãy nói chuyện với Ngài, xin Ngài mạc khải cho tôi về Ngài?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Mary, Mẹ Có Biết?”, sáng tác do Mark Lowry, lời Việt do Jean Kiệt, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=d7wNC9T7a_c

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, December 30, 2022

Thứ Bảy Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A –31-12-2022

Thu Bay GS
Gioan 1:1-14

1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.
7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là khởi đầu của Phúc âm Gioan và tôi cũng đã có dịp suy niệm về bài này vào chính ngày Lễ Giáng Sinh.  Có một chủ đề xuyên suốt cả Phúc âm Gioan đó là Ánh Sáng và Bóng Tối.  Khởi đầu Phúc âm, Gioan đã giới thiệu cho độc giả của mình về Chúa Kitô là Ánh Sáng đích thực từ Thiên Chúa và Ngài là Thiên Chúa.  Ánh Sáng ấy hôm nay đã đến thế gian để xóa tan đi mọi Bóng Tối trong cuộc đời này.  Ánh Sáng đã đến và Bóng Tối đã không cưỡng lại được.  Tôi có thể dừng ở hình ảnh này để suy niệm.  Tôi đã là Kitô hữu bao lâu nay, tức tôi đã lãnh nhận Nến Sáng từ Chúa Kitô qua Bí tích rửa tội, tôi có thật sự đang sống trong và bước đi trong Ánh Sáng?  Ở một chỗ khác trong Phúc âm Gioan, Chúa Giêsu nói: Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời.  Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!” (Ga 11:9-10).  Ánh Sáng của Chúa có còn sáng trong tôi hay tôi đã để Bóng Tối chiếm ngự lòng tôi bằng những đam mê và dễ dãi, chiều theo sự dữ?  Có lẽ ơn xin mà tôi cần phải xin mỗi ngày, đó là xin cho: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119:105), là hướng dẫn cho mọi chọn lựa của con trong cuộc sống.

2.  Thiên Chúa đã đến thế gian, để bất cứ ai đón nhận Ngài thì Ngài ban cho họ quyền được trở thành con của Thiên Chúa.  Bí tích rửa tội là một lời nói từ tôi, hoặc của những người yêu thương tôi đại diện cho tôi, muốn đón nhận Thiên Chúa và lời nói ấy đã giúp tôi được trở thành con của Ngài.  Tôi có cảm thấy đây là một tự hào?  Tôi được trở thành con của Thiên Chúa, chứ không còn là con của sự dữ, của ma quỷ.  Tôi đã sống và thể hiện trong cuộc sống của tôi như thế nào, để mọi người thấy tôi là con của Thiên Chúa chứ không phải là con của sự dữ?  Tôi ngồi bên Chúa là cha là mẹ của tôi trong giây phút này, để cảm nghiệm tất cả yêu thương và chăm sóc của Ngài, và để ngày sống của tôi hôm nay thực sự bước đi trong Ánh Sáng, sống trong Ánh Sáng, làm theo hướng dẫn của Sự Sáng.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Thursday, December 29, 2022

Thứ Sáu Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A –30-12-2022 – Lễ Thánh Gia Thất

Thu Sau GS

Cô-lô-xê 3:12-21

12Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương.  Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. 13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia.  Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. 14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. 15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó.  Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. 16 Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú.  Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan.  Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. 17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su, và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha. 18 Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. 19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. 20 Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. 21 Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.

(Trích Thư Cô-lô-xê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Sống chung, dù là tương quan nào đi nữa, gia đình, hàng xóm, đồng nghiệp, hội đoàn, cộng đoàn, giáo hội hay quốc gia, sớm hay muộn, cũng sẽ có những mâu thuẫn, xung khắc với nhau.  Ấy vậy mà, lời Chúa khi nào cũng đòi hỏi tôi phải yêu thương và tha thứ.  Việc làm này khó quá!  Bài đọc hôm nay, khi mời gọi tôi yêu thương tha thứ những người thân trong gia đình, Phao-lô nhắc nhở lý do tôi cần phải sống yêu thương tha thứ, đó là: “Thưa anh em, anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương.”  Nếu tôi luôn ý thức tôi được Thiên Chúa tuyển chọn, được thánh hiến và đặc biệt được Ngài yêu thương, tôi sẽ dễ yêu thương và tha thứ hơn.  Nhưng làm sao tôi có thể ý thức được những điều này và dù ý thức được những điều này, cũng không dễ sống yêu thương và tha thứ, nếu tôi không cầu nguyện.  Trong giây phút này tôi muốn cầu nguyện và đặc biệt xin cho tôi cảm nghiệm được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến và yêu thương để tôi có được sự can đảm, quảng đại dám yêu thương và tha thứ cho những người mà tôi cảm thấy rất khó thương, khó tha thứ trong lúc này.  Đồng thời tôi cũng cầu nguyện, để những người xung quanh tôi cũng cảm thấy họ được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến và yêu thương giúp họ dám yêu thương và tha thứ cho tôi.      

2.     Hôm nay là Lễ Thánh Gia Thất, bài đọc hôm nay thật thích hợp cho ngày lễ này, trong đó Phao-lô nhắc nhở mọi thành phần trong gia đình đều phải yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ lẫn nhau, chứ không phải chỉ có con cái mới phải yêu thương cha mẹ, hoặc vợ phải yêu thương chồng, mà cha mẹ hoặc chồng không phải sống tốt, không phải đối xử đúng với những người trong gia đình, nhưng tất cả mọi thành phần trong gia đình đều phải yêu thương tôn trọng lẫn nhau.  Tôi đọc lại bài đọc trên nhiều lần, để ý thức rõ hơn phải sống thế nào cho đúng với vai trò của tôi trong gia đình.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng lời nguyện cho gia đình như sau: Lạy Chúa Giêsu, sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét, Chúa đã thành một người chín chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.  Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách của Chúa.  Chúa đã học nơi thánh Giuse sự lao động miệt mài, sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa, sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.  Chúa đã học nơi mẹ Maria sự tế nhị và phục vụ, sự buông mình sống trong lòng tin phó thác và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.  Xin nhìn đến gia đình chúng con, xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt, biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ.  Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn, Giáo hội chúng con thánh thiện hơn, nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan và tràn đầy ơn Chúa.  Amen.”  (Lời Nguyện Rabbouni #56)

Phạm Đức Hạnh, SJ      

Wednesday, December 28, 2022

Thứ Năm Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A –29-12-2022

Thu Nam GS

Luca 2:22-40

22Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn.  Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.  Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: 29“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.” 33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên.  Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.  Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” 36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se.  Bà đã nhiều tuổi lắm.  Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi.  Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. 39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là trình thuật về gia đình Thánh Giuse và Mẹ Maria lên đền thờ làm lễ thanh tẩy và dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa, theo những gì Luật dạy.  Theo Luật ấy, mọi người dâng con lên đền thờ đều phải mang theo các lễ vật để dâng cúng, nhà nghèo lắm cũng phải mang ít là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.  Hôm Lễ Giáng Sinh, tôi đã được chiêm ngắm sự khó nghèo của Thánh Gia Thất khi họ phải sinh con nơi hang đá chuồng bò; hôm nay tôi chứng kiến họ lên đền thờ với những lễ vật thật đơn sơ, ít ỏi, chỉ một đôi chim gáy.  Điều này cho thấy sự khó nghèo của Thánh Gia Thất.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể ở lại bên Thánh Gia Thất, chiêm ngắm sự khó nghèo của họ.  Chẳng ai có thể chọn cho mình nơi sinh ra, ngoại trừ Thiên Chúa, khi xuống thế làm người, Ngài đã chọn sinh ra trong một gia đình rất nghèo, trong một hoàn cảnh rất khốn cùng.  Chúa muốn nói gì với tôi trong sự chọn lựa đầy khó nghèo của Ngài như vậy?  Phải chăng Chúa chẳng ngại đến với tôi dù tôi có là gì, dù tôi chẳng có gì?  Đừng chờ khi nào giầu, tôi mới yêu Chúa, mới quảng đại phục vụ, mới rộng rãi giúp người.  Cũng đừng nghĩ hoàn cảnh khó nghèo của tôi là do Chúa bỏ rơi tôi và không thương tôi.  Phải chăng Chúa muốn chỉ cho tôi cách thức tìm kiếm Ngài?  Ở đâu nghèo khó, ở đó tôi dễ gặp Thiên Chúa nhất.  Đừng tìm kiếm Chúa ở những nơi ngạo mạn, hay ở những tâm hồn vênh vang, huênh hoang tự đắc.  Tôi chiêm ngắm thật kỹ sự khó nghèo của Thánh Gia Thất.

2.     Khi Thánh Gia Thất lên đền thờ, họ đã gặp hai tiên tri: Si-mê-on và An-na.  Niềm vui Si-mê-on được gặp Chúa Giêsu đã khiến ông cảm thấy mãn nguyện trong cuộc đời, đến nỗi nếu Chúa muốn cất mạng sống ông, ông cũng vui lòng.  Còn Tiên tri An-na sau khi gặp Chúa Giêsu, bà cũng không ngớt lời ca khen Thiên Chúa.  Dấu chỉ gặp Chúa là như vậy đó, là cảm thấy no thỏa mãn nguyện, là vui hát mừng Chúa không ngơi.  Giáng Sinh này tôi đã gặp Chúa chưa?  Cuộc đời Kitô hữu của tôi bao lâu nay đã gặp được Chúa chưa?  Tôi có cảm thấy vui muốn ca khen Thiên Chúa mãi, cảm thấy no thỏa và chỉ muốn tìm gặp Chúa luôn?  Nếu có tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Nếu chưa, tôi có thể xin được gặp Chúa trong giây phút này, hoặc trong ngày sống của tôi hôm nay. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, December 27, 2022

Thứ Tư Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A –28-12-2022 – Lễ Các Thánh Anh Hài

 Thu Tu Anh Hai

Mát-thêu 2:13-18

13Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. 16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. 17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nói: 18Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Giống như hai hôm trước, ngay sau Lễ Giáng Sinh là Lễ Thánh Tê-pha-nô tử đạo.  Hôm nay bầu khí Giáng Sinh vẫn còn rất mới, Giáo hội mừng kính Lễ Các Thánh Anh Hài, tức các thánh anh hùng trẻ thơ đã bị Vua Hê-rô-đê ra lệnh giết, khi ông nghe tin Chúa Giêsu mới chào đời.  Câu chuyện Kinh Thánh này dù đã diễn ra cách đây hai ngàn năm và tôi không thể biết được bao nhiêu trẻ đã bị giết, chỉ biết là nhiều lắm, nhưng ngày lễ kính nhớ các thánh anh hài này vẫn có tính thời sự trong thế giới hôm nay và ở ngay bên cạnh tôi.  Khi Vua Hê-rô-đê được các nhà chiêm tinh từ phương đông đến báo cho biết vua Do-thái mới sinh, ông bỗng hoang mang, tức giận và sợ hãi.  Bởi, ông vẫn còn sống, ấy vậy mà lại có người khác lăm le chiếm quyền của ông, dù ông vua tương lai đó chỉ mới sinh.  Để bảo vệ ngai vàng của mình, để bảo vệ thanh danh, quyền lực và tài sản của mình, Hê-rô-đê đã ra lệnh giết tất cả các bé trai Do-thái từ hai tuổi trở xuống, vậy là chắc ăn theo kiểu, “Thà giết lầm hơn bỏ sót”!  Chỉ để bảo vệ quyền lợi, quyền lực và thanh danh cho mình mà biết bao nhiêu trẻ em vô tội bị giết.  Cái tính thời sự của ngày Lễ Các Thánh Anh Hài nằm ở đây, đó là: ngày hôm nay, biết bao nhiêu người cha người mẹ chỉ vì ích kỷ, chỉ vì bảo vệ thanh danh, quyền lợi, quyền lực, sắc đẹp, sự tự do thân xác cho mình, họ đã phá thai, giết hại biết bao nhiêu trẻ em từ trong bụng dạ của họ.  Thống kê của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết, hiện nay trên thế giới có từ 40-50 triệu bào thai bị phá mỗi năm, tức là khoảng 125 ngàn bào thai bị phá mỗi ngày.  Riêng ở Mỹ có khoảng 85 ngàn bào thai bị phá trong năm nay, 2022.  Như vậy, Lễ Các Thánh Anh Hài không phải là câu chuyện của hai ngàn năm trước, không chỉ nhắc lại tội ác của Hê-rô-đê, nhưng còn là câu chuyện của ngày hôm nay, và lời cảnh báo về tội ác của con người ngày hôm nay.  Tôi dành giây phút này để lòng thật tĩnh lặng, hầu giúp tôi nghe được những tiếng gào thét của các em bé ngày xưa khi bị những người lính đâm chém, giựt ra khỏi tay cha mẹ của chúng, và tôi cũng nghe được những tiếng khóc đang thét lên từ các em bé ngày nay đang bị cắt thành từng mảnh, bị kéo ra khỏi bào thai và bị vứt vào thùng rác mỗi ngày. Tôi thành khẩn cầu nguyện cho thế giới càng ngày càng bớt đi tình trạng phá thai.  Tôi cũng cầu nguyện cho sự sống và bảo vệ sự sống, không chỉ bảo vệ các thai nhi mà thôi, nhưng còn bảo vệ cuộc sống của cả những trẻ em đã chào đời, những người lớn, và người già nữa. 

2.     Tôi có thể thấy trong bài đọc hôm nay một sự đối lập rõ rệt giữa Thánh Giuse và Vua Hê-rô-đê.  Thánh Giuse để ý, lắng nghe, nhạy bén trước tiếng nói và thúc đẩy của thần lành, thiên thần, nhờ vậy ông đã bảo vệ được Chúa Hài Đồng.  Trong khi đó, Vua Hê-rô-đê chỉ nghe lắng nghe chính ông, lắng tiếng nói thần dữ xuất phát từ sự ích kỷ, sợ hãi, ghen tị, cho nên biết bao nhiêu em bé đã phải chết.  Tôi có thấy điều này cũng đang xảy ra hàng ngày quanh tôi và trong tôi?  Mỗi khi tôi lắng nghe theo tiếng nói của thần lành, tôi thường cảm thấy bình an, hạnh phúc, yêu thương, hòa hợp và tràn đầy sức sống; nhưng, nếu tôi lắng nghe tiếng nói của thần dữ, tôi sẽ chỉ cảm thấy bất an, bối rối, sợ hãi, giận dữ, chia rẽ, bế tắc và chết chóc.  Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý thật kỹ cách thức Thánh Giuse lắng nghe và thực hành ý Chúa như thế nào.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, December 26, 2022

Thứ Ba Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A –27-12-2022 – Lễ Thánh Gioan Tông Đồ

 Thu Ba GS

Gioan 20:2-8

2Sáng sớm ngày Phục Sinh, bà Ma-ri-a Mác-đa-la chạy đi gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến.  Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” 3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi.  Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7và khăn che đầu Đức Giê-su.  Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào.  Ông đã thấy và đã tin.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong Tân Ước có bốn Phúc âm: Mát-thêu, Mác-cô, Luca và Gioan.  Bốn Phúc âm này đều trình thuật về cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu, nhưng Phúc âm Gioan lại có một cách viết rất khác so với ba Phúc âm kia.  Phúc âm Gioan nhấn mạnh đến thiên tính của Chúa Giêsu, thiên tính ấy từ Thiên Chúa và là Thiên Chúa, đã đến cứu độ trần gian.  Phúc âm Gioan còn nhấn mạnh đến tương quan giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha và với các môn đệ, một tương quan rất sâu đậm, đầy thân mật.  Bởi thế lời lẽ trong Phúc âm Gioan phần nhiều rất cao siêu và trừu tượng, khiến cho không ít người thích đọc Phúc âm này, vì rất khó hiểu.  Tuy nhiên những ai thích Phúc âm Gioan sẽ cảm thấy, đây là một tập truyện tình mà trong đó, lai láng tình cảm, thấm đậm tình yêu.  Tình yêu vốn dĩ là cái gì rất sâu kín ở trong mỗi con người, mà nhiều khi ngôn từ trở nên như què quặt, không đủ để diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của tình yêu.  Bởi thế, người ta thường phải dùng rất nhiều cách nói mang tính biểu tượng để diễn tả về tình yêu.  Chẳng hạn thi sĩ Xuân Quỳnh đã dùng rất nhiều biểu tượng để nói về nỗi nhớ, sự trống trải của đôi tình nhân khi họ xa cách nhau qua bài, “Biển Nỗi Nhớ và Em”:  

Em xa anh, trăng cũng chợt lẻ loi thẫn thờ
Biển vẫn thấy mình dài rộng thế
Xa cánh buồm, một chút đã cô đơn

Gió âm thầm không nói
Mà sao núi phải mòn
Anh đâu phải là chiều
Mà nhuộm em đến tím…

2.     Hôm nay là lễ kính Thánh Gioan, tác giả của Phúc âm Gioan.  Bài đọc hôm nay nhắc đến những con người yêu mến, gắn bó một cách mật thiết với Chúa Giêsu; nhưng trong những người ấy có một người mà Chúa Giêsu rất yêu mến, mà người này lại không có tên.  Nhờ cách viết mang tính biểu tượng như vậy mà tôi có thể thấy, Gioan đang viết về tôi, ngài dành chỗ cho tôi trong cách viết của ngài, không chỉ là một độc giả, nhưng quan trọng hơn tôi là một môn đệ được Chúa Giêsu yêu.  Người môn đệ Chúa Giêsu yêu đã được gọi ra mộ của Thầy Giêsu, người ấy đã vào trong mồ nơi chôn cất Thầy yêu dấu của mình.  Sau khi quan sát, người môn đệ Chúa Giêsu yêu đã nhận ra và đã tin.  Đúng là khi yêu, người ta trở nên rất nhạy bén về sự hiện diện của người mình yêu, người ta rất hiểu về người mình yêu, người ta cũng nhớ rất kỹ về từng cử chỉ và lời nói của người mình yêu.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thấy tôi là người môn đệ Chúa Giêsu rất yêu mến không?  Tôi muốn đi vào trong mồ nơi đã chôn cất Chúa Giêsu, để quan sát, để suy ngẫm, để hiểu về Ngài hơn.  Tôi để ý tôi nhanh nhạy, nhớ, hiểu Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi ở lại trong sự hiện diện và tình yêu của Chúa Giêsu.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, December 25, 2022

Thứ Hai Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A –26-12-2022 – Lễ Thánh Tê-pha-nô Tử Đạo

Thu Hai GS

Công Vụ Tông Đồ 6:8-10; 7:54-60

6/8Thời đó, ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. 9 Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô. 10 Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.

7/54Khi nghe những lời ông nói, họ giận điên lên, và nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô. 55 Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. 56 Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” 57 Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông 58rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá.  Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. 59 Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.” 60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.”  Nói thế rồi, ông an nghỉ.

(Trích Công vụ Tông đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Mới ngày hôm qua, đi đâu tôi cũng thấy quang cảnh rực sáng, khắp nơi người người ca hát thật vui nhộn, trào tràn hy vọng, và đầy lạc quan; vậy mà hôm nay, các phẩm phục trong Thánh Lễ đã đổi thành mầu đỏ, mầu của bắt bớ và tử đạo.  Hôm nay Giáo hội mừng lễ Thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội.  Cách sắp xếp ngày lễ tử đạo ngay sau ngày Lễ Giáng Sinh, hai hình ảnh rất đối lập nhau, chắc hẳn có một chủ đích mạnh mẽ.  Nếu cuộc đời của Chúa Giêsu sinh ra là để yêu và yêu cho đến dám thí mạng sống vì tôi, niềm tin Kitô của tôi cũng phải như thế; tức là, bên cạnh những vui nhộn của ngày Lễ Giáng Sinh, tôi đừng quên chuẩn bị đón nhận những bắt bớ và thử thách.  Đây chính là một thực tế của niềm tin Kitô.  Niềm tin Kitô không thể chỉ là tin Chúa theo Chúa mọi chuyện sẽ rất dễ dãi, cuộc đời sẽ luôn là mầu hồng, sẽ luôn bằng phẳng không một khó khăn sóng gió.  Chúa Kitô đã từng bị xua đuổi, bắt bớ và cuối cùng bị giết treo trên thập giá, đời sống đức tin của mọi Kitô hữu cũng sẽ gặp muôn vàn khó khăn, chống đối, bách hại và cũng có thể sẽ bị giết như Chúa Kitô.  Như vậy, hôm nay mừng lễ Thánh Tê-pha-nô là một lời nhắc nhở tôi phải luôn sẵn sàng.  Tôi sợ không?  Tôi dám tin và theo Chúa nữa không?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu về niềm tin và lòng ao ước của tôi.

2.     Ba cuộc tử đạo rất nổi bật trong Kinh Thánh: cuộc tử đạo của Thánh Gioan Tẩy giả, của Chúa Giêsu và của Thánh Tê-pha-nô.  Tuy nhiên, cuộc tử đạo của Chúa Giêsu mới đánh dấu một sự chuyển biến lớn, đặt nền cho căn tính Kitô giáo.  Trước Chúa Giêsu, Thánh Gioan Tẩy giả đã bị giết vì đời sống chứng nhân của ngài, tuy nhiên tôi không thể tìm thấy trong đó một dòng tư tưởng nào nói về sự tha thứ trong cuộc tử đạo của Thánh Gioan.  Chỉ trong cái chết của Chúa Giêsu, tôi mới gặp, trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Ngài.  Kể từ đó, những Kitô hữu đã bắt chước Chúa Giêsu cũng tha thứ cho những kẻ giết mình, chẳng hạn như câu chuyện của Tê-pha-nô hôm nay và biết bao nhiêu cuộc tử đạo của các Kitô hữu khác.  Tôi đọc lại bài đọc trên và muốn bắt chước Chúa Giêsu cũng như Thánh Tê-pha-nô, sống tha thứ cho những người hiểu lầm, chống đối, chỉ trích và hãm hại tôi.  Đây là việc làm rất khó.  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu hoặc Thánh Tê-pha-nô để tìm sức mạnh và sự can đảm dám tha thứ. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, December 24, 2022

Chúa Nhật Giáng Sinh – Năm A –25-12-2022

CN GS

Gioan 1:1-12,14

1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.  Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. 3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.  Điều đã được tạo thành 4ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. 5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. 6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. 7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. 8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. 9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. 10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa14 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.  Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Đại Lễ Giáng Sinh, kỷ niệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.  Dù bài đọc hôm nay hơi khó hiểu, nhưng là một bài đọc rất quan trọng, rất hay, và rất đáng để tôi nghiền ngẫm từ câu từng chữ trong giờ cầu nguyện này.  Đây là một bản văn nói về gia phả của Đấng Cứu Thế, nhưng không giống những gia phả mà tôi vẫn quen, bởi Chúa Giêsu có hai bản tính: thiên tính và nhân tính.  Không giống Phúc âm Mát-thêu và Luca, nhấn mạnh về nhân tính của Chúa Giêsu, nên khi viết gia phả của Chúa Giêsu, các ngài đã bắt đầu từ các tổ phụ loài người, như: Ap-ra-ham hoặc A-đam và E-và, Phúc âm Gioan nhấn mạnh về thiên tính của Chúa Giêsu, nên Gioan viết gia phả của Chúa Giêsu, bắt đầu từ Thiên Chúa.  Tôi có thể dừng ở ngay hai câu đầu tiên của bài đọc hôm nay để suy niệm: Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.  Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.  Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.”  Ngôi Lời chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã không do ai sinh ra nhưng tự mình mà có, từ ban đầu; bởi thế, Ngôi Lời cũng chính là Thiên Chúa thật và nhờ Ngài mà mọi vật, mọi loài được hiện hữu.  Hôm nay, tức hai ngàn năm trước, Ngôi Lời vốn ở bên kia thời gian, nay đến ở trong thời gian và trở nên xác phàm trong một hình ảnh cụ thể, Đức Giêsu Kitô, sống giữa mọi người và như mọi người để cứu độ mọi người.  Đây quả là điều lạ lùng và hạnh phúc, vượt quá sự tưởng tượng và hiểu biết của con người.  Cuộc sống của tôi, giỏi lắm sống được một trăm năm; trong khi đó, các nhà khoa học cho biết, vũ trụ này có niên đại khoảng 13.7 tỉ năm, và trái đất trẻ nhất cũng khoảng 4.5 tỉ tuổi.  Như vậy, tuổi đời tôi chẳng là gì so với tuổi của vũ trụ.  Các nhà khoa học còn cho biết, số dải ngân hà trong vũ trụ này, những dải có thể trông thấy được, nhiều đến mức không thể đếm được.  Có thể ví số dải ngân hà nhiều như cát trên trái đất, có bao nhiêu hạt cát thì cũng có bấy nhiêu dải ngân hà.  Mỗi dải ngân hà lại có đến khoảng bảy mươi nghìn tỉ tỉ ngôi sao (7021), mà mỗi một ngôi sao là một hành tinh như trái đất.  Theo thống kê dân số thế giới, trái đất hiện nay có gần tám tỉ người.  Như vậy, nếu đặt cuộc đời tôi vào trong chiều kích của vũ trụ, tôi chẳng là gì, không được như một hạt bụi, ấy vậy mà Tin Mừng Gioan lại nói Thiên Chúa không quên tôi, Ngài đến để cứu độ tôi.  Niềm tin này quả là siêu thường!  Trong giây phút này, tôi muốn suy ngẫm về tình yêu Thiên Chúa nhập thể cứu độ tôi.  Có lẽ, tôi không thể dùng cái đầu hoặc con tim, để hiểu hay cảm được mầu nhiệm này, mà phải để Thiên Chúa mạc khải cho tôi.  Tôi khiêm nhường, tôi phủ phục, tôi tôn thờ Thiên Chúa đã dám đến ở trong thân phận nhỏ bé và yếu hèn của tôi chỉ dạy tôi phải hiểu, phải tin và phải yêu như thế nào. 

2.     So với sự hiện hữu của vũ trụ này, cuộc đời tôi quả là rất nhỏ nhoi và tăm tối.  Ấy thế nhưng ngày hôm nay, Ngôi Lời là Ánh Sáng đã chiếu soi trong cuộc đời đầy tối tăm này, đã chiếu đến tận cuộc đời tôi để làm cho cuộc đời tôi rực sáng lên, rạng rỡ lên.  Cuộc đời tôi có thể ví như chiếc lồng đèn, trở nên đẹp lung linh trong cuộc đời là nhờ sự hiện diện của Chúa, nguồn sáng đích thực ở trong tôi.  Tôi muốn ngắm nhìn Ngôi Lời là nguồn sáng đích thực nằm trong máng cỏ, để ở những nơi thấp nhất, tăm tối nhất và xấu xa nhất của cuộc đời này cũng đang được rực sáng và đẹp lên.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Một đời tạ ơn cũng chẳng đủ, chỉ biết phủ phục, tôn thờ trước mầu nhiệm tình yêu thật cao cả của Thiên Chúa đang dành cho tôi.  Nếu hình ảnh nổi bật của Giáng Sinh là những dây đèn tỏa sáng lung linh khắp nơi, tôi cũng cần phải nhắc nhở, chính tôi phải trở nên những dây đèn sáng đẹp lung linh trong cuộc đời này.  Bởi chỉ khi nào tôi trở nên những dây đèn sáng đẹp lunh linh trong cuộc đời, người ta mới nhận ra Thiên Chúa đã làm người thật và đang ở trong tôi.  Nếu không, thế giới nhìn vào những dây đèn lung linh khắp nơi trong ngày Lễ Giáng Sinh, sẽ chỉ thấy những ông chúa Made in China mà thôi!  Tôi quyết tâm gì trong Mùa Giáng Sinh ngày và năm mới sắp đến?  Trong lúc này, tôi muốn ngồi bên hang đá, đọc lại bài đọc trên nhiều lần, giãi bày mọi suy nghĩ, tâm tư, cùng ước mơ của tôi với Chúa Hài Nhi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Mùa Đông Năm Ấy,” sáng tác của Hoài Đức, do Phương Anh trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=K48kn882DUM

Phạm Đức Hạnh, SJ

     


Friday, December 23, 2022

Thứ Bảy Tuần IV Mùa Vọng – Năm A –24-12-2022 – Lễ Vọng Giáng Sinh

Luca 2:1-14

1Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. 2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. 3 Ai nấy đều về thành của mình mà khai tên tuổi. 4 Bởi thế, ông Giu-se cũng từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành vua Đa-vít gọi là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình và dòng tộc vua Đa-vít. 5 Ông lên đó khai tên cùng với bà Ma-ri-a là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai. 6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. 7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. 8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. 9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ sợ hãi kinh hoàng. 10 Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ.  Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: 11Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. 12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” 13 Bỗng có đạo binh thiên quốc đông đảo hợp với sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa rằng: 14“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Giáng Sinh là một lễ rất trọng trong năm, nhưng cũng là một dịp bận rộn nhất trong năm.  Hôm nay trước ngày Giáng Sinh, tôi muốn dành thời gian này để chậm lại, để dừng lại suy niệm thật sâu về Mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người.  Tôi hiểu rõ như thế nào về Giáng Sinh, không chỉ mừng Chúa Giêsu đã sinh ra cách đây hai ngàn năm, nhưng quan trọng hơn đó là mừng Ngài sinh ra trong lòng tôi?  Những người ngày xưa đã bận rộn, đã ích kỷ không thể mở cửa để Chúa Giêsu được sinh ra trong nhà của họ, khiến Ngài phải sinh ra nơi chuồng bò; tôi có quá bận tay, bận chân, và bận lòng về những chuyện bên ngoài như trang hoàng, quà cáp, ca hát, ăn uống, toan tính, cùng những thứ bên trong như hận thù, giận hờn, ghen tương, đố kỵ, tham lam, ích kỷ khiến Chúa Giêsu không thể sinh ra trong lòng tôi, mà vẫn cứ phải sinh ra ở bên ngoài cuộc đời của tôi?  Tôi muốn lấy câu nói của thiên thần đã loan báo và được Luca nhắc đến hai lần trong bài đọc hôm nay: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ,” làm câu chủ chốt trong giờ cầu nguyện này.  Tôi lập đi lập lại nhiều lần để những lời này trở thành hiện thực trong lòng tôi, giúp tôi chạm được Thiên Chúa.  Tôi xin Đức Mẹ cho tôi được ẵm Chúa Hài Đồng trong giây phút này, để tôi được hát ru Ngài và những hơi ấm của tôi giúp cho Ngài được ngủ thật ngon trên đôi tay của tôi.

2.     Thiên thần nói: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ,” câu này giúp cho tôi hiểu rõ hơn, Thiên Chúa ưa đến trong hình ảnh nghèo nàn và đơn sơ giữa cuộc đời này.  Nếu Giáng Sinh, tôi chỉ bận rộn tìm Chúa ở những trang hoàng đèn chớp lộng lẫy trên các đường phố hoặc trong những siêu thị, tôi đã tìm sai chỗ; nơi đó chắc chắn tôi sẽ chỉ tìm thấy rất nhiều thiên chúa Made in China, chứ không phải Thiên Chúa thật, Đấng đã dựng nên cả đất trời.  Thiên Chúa đích thực nằm trong máng thức ăn của bò lừa, giữa những đống phân hôi hám của bò lừa.  Một hình ảnh tuyệt đẹp mà Luca đã báo trước về Bí tích Thánh thể, Thiên Chúa trở thành của ăn nuôi sống con người, để ai ăn Ngài thì sẽ không bao giờ phải đói nữa.  Tôi muốn lập lại nhiều lần câu nói trên của thiên thần và xin một ơn duy nhất trong Mùa Giáng Sinh này và trong cả cuộc đời này, đó là: Xin cho con được no thỏa chính Chúa để con chẳng còn phải đói tìm bất cứ thứ gì khác.  Tôi muốn tiếp tục nhắc nhở tôi sứ điệp chính của Giáng Sinh qua bài hát, “Hang Be-lem,” sáng tác của Hải Linh và Minh Châu, do Ngọc Huệ trình bày, qua đường dẫn sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=jPHLewh_j1Q

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, December 22, 2022

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Vọng – Năm A –23-12-2022

Thu Sau IV MV

Luca 1:57-66

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được!  Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.”  Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”  Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nói về Gia đình ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét làm lễ cắt bì cho người con duy nhất của họ, Gioan Tẩy Giả.  Cắt bì là một nghi lễ rất quan trọng của người Do-thái, tựa như Bí tích Rửa tội của người Kitô.  Cắt bì hay rửa tội là một nghi lễ để tỏ lòng biết ơn với Thiên Chúa về người con mà họ vừa sinh ra.  Giống như ngày lãnh lương đầu tiên của công việc đầu tiên trong đời, tôi dành đồng lương đầu tiên đó biếu cha mẹ, hoặc dùng đồng lương ấy mời cha mẹ đi ăn một bữa ăn thật ngon, hoặc mua áo quần hoặc hoa tặng cha mẹ.  Đây là một việc làm thật đẹp để tỏ lòng biết ơn với những ai đã sinh thành và giúp đỡ tôi.  Trong nghi lễ cắt bì hay rửa tội để tỏ lòng biết ơn ấy, người ta dâng người con mới chào đời trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.  Đây không chỉ là tạ ơn Thiên Chúa, nhưng còn là một việc làm rất khôn ngoan, bởi họ chẳng mất mát gì, trái lại, còn được Thiên Chúa lưu tâm giữ gìn chở che; mà trong cuộc đời này, ai quyền năng hơn Thiên Chúa nữa để bảo vệ con mình!  Tôi sống lòng biết ơn với Thiên Chúa như thế nào khi sinh con?  Tôi đã dâng cho Chúa để tỏ lòng biết ơn?  Một năm đã đi qua, tôi muốn biết ơn Chúa ở điều gì nhất?  Mỗi ngày thức dậy hay mỗi khi chiều xuống, tôi sống tâm tình biết ơn Chúa như thế nào về một ngày sống?  Tôi muốn thể hiện lòng biết ơn Chúa ngay giây phút này.

2.     Gia đình Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét đã già rồi mà bây giờ mới có được một mụn con; đây quả là một phép lạ.  Bởi thế trong ngày lễ cắt bì, một nghi lễ quan trọng của người Do-thái, chắc chắn đã có rất nhiều người đến, không chỉ đến để chia vui, nhưng còn hiếu kỳ về phép lạ này.  Khi làm phép cắt bì, người ta cũng có nghi thức đặt tên cho trẻ sơ sinh.  Họ đã đặt tên theo truyền thống của Do-thái, nhưng Da-ca-ri-a đã không đồng ý.  Ông muốn đặt tên cho con của ông như những gì thiên thần đã truyền, và không ngờ, một phép lạ nữa đã xảy ra, đó là: Ông Da-ca-ri-a đã nói lại được sau hơn chín tháng trời im lặng.  Thiên Chúa luôn có những ý nghĩ riêng, trái ngược và vượt trên mọi suy tính của con người.  Tôi có kinh nghiệm này bao giờ chưa?  Chẳng hạn, khi tôi toan tính làm một điều gì, nhưng một chuyện gì đó lại xảy ra khiến tôi hụt hẫng, ngỡ ngàng, để rồi lại trầm trồ ngưỡng mộ và tạ ơn vì Chúa đã để điều ngoài ý muốn ấy xảy ra, làm cho mọi sự xảy ra vượt trên tất cả những mong đợi và toan tính của tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa từ những kinh nghiệm rất ngạc nhiên, ngoài sự mong đợi của tôi?      

Phạm Đức Hạnh, SJ