Friday, September 30, 2022

Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên – Năm C –1-10-2022 – Lễ Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu

 Thu Bay XXVI TN

Mát-thêu 18:1-5

1Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. 5 Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Những lời dạy của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay về sự khiêm nhường, trở nên như trẻ nhỏ, dù đã rất quen thuộc, nhưng không dễ gì thực hành.  Bởi nó đi ngược lại với những tiêu chuẩn của trần thế.  Từ bé, ai cũng được dạy cho thế giới này là thế giới của kẻ mạnh được yếu thua, vì thế phải mạnh mẽ, phải hơn người, phải cạnh tranh, không để ai lấn át…  Đồng thời, cuộc đời này ngắn ngủi; hy sinh làm gì, khiêm nhường làm chi!  Thế giới này, chỉ ai ngu mới nhường nhịn; chỉ ai dại dột mới trở nên thấp bé!  Tôi có cảm thấy khó thực hiện những gì Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay?  Khó, nhưng không có nghĩa là không thực hiện được.  Có khi nào tôi đã trở nên nhỏ bé và khiêm nhường trước người khác?  Tôi cảm thấy thế nào những lúc ấy?  Người đời đã đón nhận tôi với tất cả sự tôn trọng, hay coi thường tôi?  Tôi có cảm thấy gần với Chúa hơn mỗi khi tôi thực hành đức khiêm nhường?  Tôi để ý xem Chúa đang vui và hãnh diện về những lần tôi khiêm nhường, không kiêu căng tự đắc.

2.     Khiêm nhường cũng chính là còn đường mà Thánh Tê-rê-xa đã khám phá và áp dụng cho chính mình, từ những lời dạy của Chúa Giêsu.  Bà đã dùng con đường nhỏ khiêm nhường và đơn sơn để đi lên tới trời, và trở thành một trong những vị thánh lớn trong Giáo hội, Tiến sĩ Hội thánh.  Tôi muốn đọc lại những lời dạy trên của Chúa Giêsu và áp dụng chúng vào trong ngày sống của tôi hôm nay.  Tôi muốn dùng con đường nhỏ, khiêm nhường và đơn sơ của Chúa Giêsu để đi đến với anh chị em xung quanh hôm nay, đi đến với Chúa trong giây phút này và đi vào thiên đàng ngay tại thế này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng Lời Nguyện Rabbouni # 109, sau đây:

Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.

 Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.

 Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.

 Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.

 Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tươi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.

 Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.

 Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.

Phạm Đức Hạnh, SJ


Thursday, September 29, 2022

Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên – Năm C –30-9-2022 – Lễ Thánh Giê-rô-ni-mô

Thu Sau XXVI TN

Gióp 38:1, 12-21; 40:3-5

38/1Bấy giờ, giữa cơn bão táp, Đức Chúa lên tiếng trả lời ông Gióp như sau: 12“Trong cả đời ngươi, đã có lần nào ngươi từng ra lệnh cho buổi sáng, chỉ định vị trí cho hừng đông, 13để hừng đông nắm chắc mười phương đất, giũ cho sạch hết bọn gian tà? 14 Bấy giờ, đất thay màu đổi sắc tựa màu đất sét dùng làm ấn niêm phong, và muôn loài xuất hiện tựa tấm áo lộng lẫy huy hoàng. 15Nhưng ác nhân thấy mình mất đi ánh sáng, cánh tay từng tung hoành, nay bị bẻ gãy. 16 Có bao giờ ngươi đã đến tận nguồn biển cả và lang thang ở đáy vực sâu? 17 Có ai từng mở cho ngươi lối vào âm phủ và ngươi thấy được cửa dẫn tới âm ty? 18 Có khi nào ngươi hiểu mặt đất rộng chừng nào?  Nếu ngươi biết hết mọi điều đó thì cứ nói đi! 19 Con đường nào dẫn đến nơi ở của ánh sáng, đâu là nơi bóng tối cư ngụ, 20để ngươi đưa nó đến miền nó ở, và nhận ra đường về nhà nó? 21 Điều này, hẳn ngươi biết rõ, vì khi ấy, ngươi đã chào đời, và đời ngươi đã qua bao năm tháng!”... 40/3Ông Gióp thưa lại Đức Chúa: 4“Vâng, con đây tầm thường bé nhỏ, biết nói chi để trả lời Ngài?  Con sẽ đưa tay lên che miệng. 5 Đã nói một lần rồi, con không lặp lại nữa, có nói lần thứ hai, cũng chẳng thêm được gì!”

(Trích Sách Gióp, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1. Tuần này cả giáo hội đã đọc và suy niệm về Sách Gióp, một tập sách được xem là lâu đời nhất trong toàn bộ Kinh Thánh Kitô giáo và là một tập sách nổi tiếng trong nền văn chương khôn ngoan của nhân loại, nói về đau khổ.  Đau khổ là một thực tại của cuộc sống.  Không ai sống trong cuộc đời này mà không phải trải qua đau khổ.  Trong thực tế, có những người cứ bị đau khổ theo bám cả đời, đến còng cả lưng!  Thế nên, Việt Nam mới có câu: “Gánh khổ mà đổ lên non, cong lưng bỏ chạy khổ còn đuổi theo.”  Đau khổ, tự nó là một câu hỏi khó trả lời.  Nhưng, Sách Gióp còn giúp tôi đối diện với một câu hỏi lớn hơn nữa, đó là: Tại sao người công chính phải đau khổ?  Ông Gióp là một người công chính; thế nhưng, ông đã phải trải qua không biết bao nhiêu tai ương, khốn khó.  Bài đọc hôm nay chính là câu trả lời cho câu hỏi lớn nhất này.  Dù đau khổ là một mầu nhiệm và chẳng ai có thể hiểu được nó; tuy vậy, Gióp vẫn không mất lòng trông cậy ở Chúa.  Cuối cùng Gióp đã thoát khổ.  Friedrich Nietasche (1844-1900), một triết gia lỗi lạc người Đức nói, “Sống thì phải đau khổ; để sống còn thì phải tìm ý nghĩa trong đau khổ - To live is to suffer, to survive is to find some meaning in the suffering.”  Một khi tôi tìm thấy ý nghĩa trong đau khổ, đau khổ sẽ tự nó biến mất!  Tôi đã và đang trải qua những đau khổ nào?  Tôi đi đâu để tìm thấy câu trả lời và ý nghĩa?  Đức tin có giúp tôi tìm thấy ý nghĩa cho những đau khổ của tôi?  Chúa có còn là Đấng tôi cậy trông, hay tôi thất vọng về Ngài?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?

2.  Chẳng phải chỉ có người công chính đau khổ, nhưng mọi người đều đau khổ: người xấu, người tốt, người công chính, kẻ bất lương.  Vậy, sự oán than của tôi về đau khổ đến từ đâu?  Từ sự công chính của tôi hay từ sự bất nhân của tôi?  Từ tính kiêu căng của tôi hay từ sự khiêm nhường của tôi?  Từ sự khôn ngoan của tôi hay từ sự thiếu hiểu biết của tôi?  Cùng lắm cho đến giờ, tôi đã sinh được bằng này người con; tôi đã thủ đắc được bằng này bằng cấp; tôi đã làm ra được bằng này tiền; tuy nhiên, dù tôi là ai và dù tôi sở hữu được bao nhiêu, tất cả sẽ như cát rơi tuột khỏi tay tôi.  Tôi đọc lại bài đọc trên của Gióp và để ý, tôi biết gì và đã làm được gì, khiến tôi trách móc Thiên Chúa đã để tôi đau khổ?  Ai cũng thế, sẽ có một ngày, mọi người đều chỉ có thể nói được như Gióp: “Tôi sinh ra trần truồng, giờ đây tôi chết cũng trần truồng!”  Sự thật này có giúp tôi bớt khổ ra sao?  Tôi nói chuyện với Gióp và tôi nói chuyện với Chúa.  Đặc biệt tôi ngắm nhìn Thiên Chúa, Đấng là chủ thể muôn loài, vậy mà đã chịu đau khổ để chia sẻ với mọi đau khổ của tôi.  Nhận thức điều này có giúp tôi bớt khổ chút nào không?  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, September 28, 2022

Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên – Năm C –29-9-2022 – Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael

Thu Nam XXVI TN 

Gioan 1:47-51

47Khi ấy, Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?”  Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin!  Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Đọc toàn bộ các Phúc âm, tôi có thể dễ nhận ra một điều, đó là có hai hướng mô tả về Chúa Giêsu: Nhân tính và Thiên tính.  Chẳng hạn, ba Phúc âm Nhất Lãm Mát-thêu, Mác-cô và Luca thường mô tả về nhân tính của Chúa Giêsu.  Trong đó, Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng nay đã sinh xuống thế, mặc lấy xác phàm nhân để cứu độ muôn người, để cho mọi người biết Ngài yêu thương con người như thế nào, Ngài không phải là một Thiên Chúa chỉ ở trên chín tầng mây, nhưng ở rất gần trong mọi cách sống và đi qua mọi khổ đau như tôi.  Bởi thế trong ba Phúc âm Nhất lãm, tôi thường gặp những hình ảnh rất người của Chúa Giêsu.  Ngài cũng biết đau, biết đói, biết vui cười, biết yêu thương và biết sợ, đồng thời cũng không biết trước sự việc, giống tôi.  Ngài trình bày những giáo lý cũng rất gần với cuộc sống của mọi người, khiến ai nghe cũng cảm thấy là câu chuyện của họ, xảy ra xung quanh họ.   Trong khi đó, Phúc âm Gioan nhấn mạnh rất nhiều về thiên tính của Chúa Giêsu.  Ở đó, Chúa Giêsu nói những mầu nhiệm cao siêu.  Ngài biết trước mọi sự, biết những gì sẽ xảy ra và biết cả những gì trong đầu của người ta nghĩ.  Chẳng hạn như bài đọc hôm nay, Ngài nói với Na-tha-na-en những điều khiến ông ta phải giật mình: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”  Có khi nào tôi nghĩ, thấy Chúa biết rất rõ về tôi trước khi tôi bước vào giờ cầu nguyện này: vì yêu mến hay vì giả hình, vì tự do muốn gặp Chúa hay vì cảm thấy bị ép buộc…?  Ngoài những cái biết này, Chúa còn biết gì về tôi nữa?  Những điều Chúa sẽ nói với tôi có làm cho tôi ngạc nhiên, sợ, xấu hổ hay hãnh diện?  Chúa biết hết về tôi, vậy tôi muốn nói gì với Ngài?

2.     Na-tha-na-en biết được Chúa Giêsu là nhờ Phi-li-phê giới thiệu.  Đây là một điều rất thật, thường xảy ra với mọi người.  Bởi có mấy ai đã tự biết về Thiên Chúa được đâu?  Ai biết về Thiên Chúa đều là do mạc khải của Chúa.  Nếu không trực tiếp từ Chúa, cũng từ giáo hội, thiên nhiên, gia đình và kinh nghiệm sống đã giúp tôi gần Chúa, hiểu biết Chúa và yêu mến Chúa.  Ai là người đã dẫn tôi, đã giới thiệu tôi về Chúa?  Tôi dâng một lời nguyện để cám ơn họ.  Ai là người tôi đã dẫn họ đến với Chúa?  Tôi cầu nguyện cho họ được tiếp tục kiếm tìm Chúa.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, September 27, 2022

Thứ Tư Tuần XXVI Thường Niên – Năm C –28-9-2022

Thu Tu XXVI TN

Luca 9:57-62

57Khi ấy, đang khi Đức Giê-su đi đường cùng các môn đệ, thì có kẻ đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 58 Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” 59 Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!”  Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” 60 Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.  Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” 61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” 62 Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay ghi nhận ba loại người theo Chúa.  Loại người thứ nhất, tự động đến với Chúa Giêsu và ngỏ ý muốn theo Ngài, vô điều kiện.  Chúa Giêsu nói với anh ta, hành trình theo Ngài sẽ không dễ, nhưng rất gian khổ: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”  Loại người thứ hai, Chúa Giêsu lên tiếng trước, mời người ấy theo mình, nhưng người ấy đặt điều kiện.  Ngài lắc đầu, vì không thể có một điều kiện nào lớn hơn điều kiện Nước Trời: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.  Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.”  Loại người thứ ba, tự động đến với Chúa Giêsu và xin theo Ngài, nhưng cũng đặt điều kiện.  Cũng như loại người thứ hai, Chúa Giêsu đòi những ai đi theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát, không lưỡng lự: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”  Chẳng biết, thật sự đã có ba con người gặp Chúa Giêsu lúc ấy để nói về việc theo Ngài hay không, bởi cách viết của Luca dường như cho tôi thấy, bài đọc như là một bài nói chuyện về ơn gọi của cộng đoàn Luca; trong đó, ba giả thuyết được đặt ra qua hình ảnh của ba con người, nhằm dạy cho tôi biết thế nào là theo Chúa và theo đúng nghĩa.  Vậy, trong ba loại người trên, tôi thuộc loại người nào?  Lời Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay có làm tôi giật mình?  Sợ?  Tôi còn muốn theo Chúa nữa hay thôi?  Tôi phải làm gì và thay đổi thế nào để việc theo Chúa được trọn vẹn? 

2.     Trong cả ba loại người theo Chúa Giêsu, Ngài đều đặt ra những điều kiện rõ ràng.  Điều kiện đầu tiên, đó là: tôi sẽ phải chịu gian khổ đến cùng cực.  Tuy nhiên, điều kiện này dù cực nhưng vẫn nghe được.  Điều kiện thứ hai, Nước Trời phải là ưu tiên hàng đầu, trên cả việc chôn cất cha mẹ.  Điều này khó nghe quá!  Sao Chúa Giêsu khắt khe vậy?  Bởi chôn cất người thân là một điều cần thiết và là một nghĩa cử của lòng hiếu thảo.  Có gì sai đâu?  Đây là một kiểu nói ví von, và tôi không nên hiểu theo nghĩa đen.  Điều Chúa Giêsu thực sự muốn nói ở đây đó là, Nước Trời quý và quan trọng đến mức tôi dám bỏ mọi sự, kể cả những gì mà cuộc đời này cho là quan trọng nhất, cao quý nhất, cần thiết nhất, như chuyện chôn cất người thân, để có được Nước Trời.  Đồng thời, tôi phải quyết tâm, dứt khoát mới xứng với Nước Trời.  Một lần nữa, cũng như nhiều chỗ khác trong Phúc âm Luca, theo Chúa là một chọn lựa trưởng thành, suy nghĩ chín chắn, nghiêm túc, đầy tự do, không thể là thiếu suy nghĩ, thiếu trưởng thành, bị bắt buộc, thích thì theo không thích thì thôi, hoặc theo chỉ vì bố mẹ đã rửa tội cho từ bé nên phải theo, chứ tôi chẳng có một chút tự do và tâm nguyện gì.  Tôi muốn dành giây phút này nghĩ về đời sống ơn gọi theo Chúa của tôi bao lâu nay.  Tôi đã theo Chúa thật sự hay vẫn cứ giả bộ?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, September 26, 2022

Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên – Năm C –27-9-2022 – Lễ Thánh Vincent de Paul

Thu Ba XXVI TN 

Luca 9:51-56

51Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước.  Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” 55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay ghi nhận một kinh nghiệm rất thật mà Chúa Giêsu và các môn đệ đã phải trải qua, đó là: bị chối từ.  Tôi muốn đi vào những cảm nghiệm của các ngài và đi vào kinh nghiệm của chính tôi.  Chúa Giêsu chuẩn bị lên đường đi Giê-ru-sa-lem, nơi Ngài biết trước sẽ bị bắt và bị giết chết.  Ngài sai các môn đệ đi trước đến làng Sa-ma-ri để chuẩn bị, nhưng dân làng đã không đón tiếp Ngài.  Sự chối từ của dân làng đã khiến các môn đệ tức điên lên, đến nỗi muốn khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi cả làng!  Tôi có thể thắc mắc, tại sao các môn đệ phản ứng mạnh như vậy?  Nên nhớ, lúc bấy giờ, Chúa Giêsu đang rất nổi tiếng trong lời dạy và việc làm.  Ngài đi đến đâu dân chúng cũng chen nhau bu quanh Ngài, đến mức Ngài và các môn đệ không có giờ ăn, đến mức gia đình của Ngài không thể gặp được Ngài, đến mức người ta phải gỡ mái nhà nơi Ngài đang ngồi để thả bệnh nhân xuống trước mặt Ngài.  Ấy thế mà, hôm nay dân làng Sa-ma-ri lại không đón tiếp Ngài, người mà các môn đệ rất yêu mến và tự hào.  Bởi thế, các môn đệ cảm thấy đây là một sự sỉ nhục nặng.  Có lẽ hai câu hỏi tôi cần phải đặt ra ở đây: Thứ nhất, dù Chúa Giêsu rất nổi tiếng, nhưng dân làng Sa-ma-ri cũng chưa biết Ngài lắm chăng, nên không tiếp rước Ngài.  Dễ hiểu!  Còn tôi, tôi biết Chúa Giêsu là ai, tôi tiếp đón Ngài như thế nào trong mỗi ngày sống của tôi?  Tôi trả lời với Ngài trong lúc này.  Thứ hai, có khi nào tôi cũng bị chối từ, bị hất hủi, bị đối xử không xứng với địa vị, danh vọng, quyền hành và con người của tôi?  Tôi cảm thấy như thế nào những lúc ấy?  Tôi trải lòng mình ra với Chúa Giêsu, kể cho Ngài nghe nỗi đau bị sỉ nhục, bị xúc phạm và để ý, kinh nghiệm Ngài bị chối từ và khinh thường đang an ủi, nâng đỡ và chữa lành tôi ra sao.

2.     Khi Chúa Giêsu bị chối từ, không được đón tiếp, các môn đệ đã đùng đùng nổi giận muốn gọi lửa từ trời xuống thiêu rụi cả dân làng.  Nhưng Chúa Giêsu đã quở mắng các môn đệ và muốn họ đi qua làng khác.  Có khi nào tôi cũng nổi điên, phùng mang trợn mắt, muốn vả vào mặt, muốn đấm cho vỡ mặt những người có những suy nghĩ, lời nói và thái độ phỉ báng đạo và Thiên Chúa?  Tôi nghĩ thái độ của tôi những lúc ấy có đúng không?  Tôi nghĩ Chúa Giêsu muốn tôi phải làm gì những lúc ấy?  Trong giây phút này, tôi muốn hỏi Chúa Giêsu về cách hành xử của tôi và học ở Ngài cách đối diện cùng hướng giải quyết vấn đề sao cho đẹp nhất và đúng ý Chúa nhất.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, September 25, 2022

Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên – Năm C –26-9-2022 – Lễ Thánh Cosma và Damian, Tử Đạo

Thu Hai XXVI TN

Luca 9:46-50

46Khi ấy, một câu hỏi chợt đến với các môn đệ: Trong các ông, ai là người lớn nhất? 47 Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình 48 và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.  Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”

49 Ông Gio-an lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ.  Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.” 50 Đức Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta.  Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay bao gồm hai ý tưởng và chúng có thể rất gần với tôi.  Thứ nhất, bài đọc hôm nay khởi đầu bằng một câu rất lạ: Khi ấy, một câu hỏi chợt đến với các môn đệ: Trong các ông, ai là người lớn nhất?”  Câu này gợi nên nhiều suy nghĩ.  “Khi ấy” có nghĩa là các môn đệ đang ở trong một sự kiện nào đó và “bất chợt” họ nghĩ đến câu hỏi: ai sẽ là người lớn nhất trong họ.  Sự kiện ấy là gì?  Sự kiện ấy chính là, Chúa Giêsu vừa nói cho họ biết Ngài sẽ phải bị nộp và bị chết cách nào (Lc 9:44-45).  Mặc dù đây là lần thứ hai Chúa Giêsu tiên báo về cái chết của Ngài, nhưng Luca nói, họ chẳng hiểu gì cả!  Mặc dù trước khi Chúa Giêsu nói về cái chết của Ngài, Ngài đã nói: “Hãy lắng tai nghe cho kỹ các lời sau đây” (9:44), nhưng họ cũng chẳng nghe cho kỹ, chẳng hiểu, mà chỉ nghĩ ai sẽ là người lớn nhất trong họ, sau khi Thầy của họ bị giết!  Tranh giành địa vị, tranh giành quyền lợi xuất hiện ở khắp nơi.  Nhan nhản!  Chuyện này có xảy ra trong gia đình tôi?  Khi cha hoặc mẹ đang hấp hối hoặc vừa qua đời, con cái đã nghĩ đến chuyện, thậm chí cãi nhau, đứa nào sẽ có cái nhà, đứa nào sẽ có cái xe, đứa nào được hưởng gia tài nhiều…, mặc thây xác bố, xác mẹ nằm đó!  Tôi muốn dành giây phút này, đi vào những cảm nghĩ của Chúa Giêsu để hiểu Ngài, yêu mến Ngài, khi Ngài phải chứng kiến các môn đệ của Ngài tranh giành địa vị, khi anh chị em tôi tranh giành tài sản thừa kế…  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này về tôi, về những người trong gia đình tôi?  Tôi sẽ chọn lối sống và cách hành xử như thế nào diễn tả đúng những gì Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay?

2.  Các môn đệ đồng chí hướng và cùng lý tưởng với nhau mà còn tranh giành với nhau, nên chẳng lạ khi họ cũng tranh giành cả với những người ngoài nữa.  Gioan lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ.  Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.”  Chuyện tranh giành quyền lợi và quyền lực có đang xảy ra trong giáo xứ và đất nước của tôi?  Đầu óc bộ tộc, não trạng đồng hương ở đâu và thời nào cũng có.  Nhan nhản!  Hội đoàn nào cũng phục vụ giáo xứ, dòng tu nào cũng ca vinh Chúa, nhưng không ca tụng nhau!  Chỉ có hội đoàn tôi, giáo xứ tôi, dòng tu của tôi, Giáo hội của tôi là chính thống, là phục vụ hăng say đóng góp nhiều nhất, là yêu mến Chúa nhất, là biết cách thờ phượng Chúa đúng nhất!  Bởi thế, chúng tôi nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Giáo hội để lên án và chống báng các nhóm khác.  Trong giây phút này, một lần nữa, tôi muốn đi vào những cảm nghĩ của Chúa Giêsu để hiểu, để yêu Ngài hơn, khi Ngài phải chứng kiến những chia rẽ trong giáo xứ, trong Giáo hội, trong cộng đồng và đất nước của tôi.  Tôi muốn nói gì với Chúa và muốn làm gì để tạo sự hiệp nhất trong giáo xứ, Giáo hội, và xã hội quanh tôi?  Tôi lấy câu nói của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay để tập sống mỗi ngày trong mọi sinh hoạt của giáo xứ và cộng đồng: “Đừng ngăn cản người ta.  Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, September 24, 2022

Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên – Năm C –25-9-2022

CN XXVI TN

Luca 16:19-31

19Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.  Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham.  Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ 25 Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.  Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’

27“Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28vì con hiện còn năm người anh em nữa.  Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ 29 Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ 30 Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ 31 Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay đã là Chúa Nhật 26 Mùa Thường Niên, dấu chỉ cho tôi biết, cuối Năm Phụng Vụ đã gần bên.  Chính vì thế, các bài đọc, dường như mang cùng một chủ đề về những gì sau cùng nhất của cuộc đời.  Trong những ngày qua, các bài đọc từ Sách Giảng Viên đã chỉ ra những cái rất thực của cuộc đời: mong manh, chóng qua, hay đổi thay, nhưng chỉ có Thiên Chúa là bền vững.  Từ đó tác giả mời gọi tôi phải sống như thế nào cho có ý nghĩa và xứng đáng với ơn gọi làm người và làm con cái Chúa, bởi đây chính là những gì tôi sẽ phải trả lời với Chúa ở những giây phút cuối ngày và vào lúc cuối đời.  Bài đọc hôm nay cũng thế, hướng tôi về những ngày sau cùng nhất của cuộc đời, khiến tôi phải tự hỏi: Tôi đã và đang sống như thế nào, để cuối ngày tôi cảm thấy bình an, để cuối đời tôi thấy, tôi đã có một đời  sống thật hạnh phúc, để khi gặp Chúa, Ngài mỉm cười và hãnh diện về tôi, vì tôi đã sống một đời sống rất ý nghĩa, rất tròn đầy, rất mãnh liệt?

2.     Phúc âm Luca được gọi bằng rất nhiều tên: Phúc âm của Cầu nguyện; Phúc âm của Bình đẳng Nam Nữ; Phúc âm của Lòng Thương Xót; Phúc âm của Người Nghèo.  Dường như tôi có thể bắt gặp một trong những chủ đề này trong từng trang Phúc âm Luca.  Có một điểm đáng chú ý ở Phúc âm Luca, đó là: cầu nguyện và phục vụ là hai chủ đề thường đi song song với nhau.   Chẳng hạn như bài đọc hôm nay.  Chúa Giêsu kể dụ ngôn La-da-rô và Viên Phú Hộ cho những người Pha-ri-sêu, vốn được xem là những người rất đạo đức nhưng lại thường dửng dưng trước những người bị loại ra bên lề trong xã hội.  Cầu nguyện và phục vụ thật quan trọng và cần thiết.  Bởi cầu nguyện mà không gắn liền với phục vụ, là một sự ươn lười và là một kiểu trốn đời.  Nếu không phục vụ, không chắc tôi đã cầu nguyện với Chúa; có thể tôi đã chỉ cầu nguyện với chính tôi, tệ hơn nữa, tôi đang cầu nguyện với quỷ.  Nếu phục vụ mà không cầu nguyện, tôi đã biến mình thành Chúa.  Bao lâu nay tôi đã cầu nguyện như thế nào và các giờ cầu nguyện đã thúc bách tôi hướng đến phục vụ những người quanh rôi ra sao?  Bài đọc hôm nay là một dụ ngôn nổi tiếng trong Phúc âm Luca: La-da-rô và Người Phú Hộ.  Cả cuộc đời La-da-rô đau khổ, đói nghèo và bị hất hủi; trong khi đó, phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, chẳng nghĩ đến ai.  Nhưng, giầu cũng chết và nghèo cũng chết; La-da-rô được lên lòng Abraham, còn phú hộ phải sa hỏa ngục.  Lưu ý, toàn bộ dụ ngôn không hề lên án người giầu, cũng chẳng khen người nghèo.  Dụ ngôn chỉ nhấn mạnh và lên án: lối sống vô cảm, ích kỷ, không biết thương người.  La-da-rô, hình ảnh của những người nghèo vẫn hiện diện rất gần, ngay trước cửa nhà tôi, gần đến nỗi, chó nhà tôi cũng làm bạn với những người nghèo ấy, thế mà tôi không nhận ra sự hiện diện của họ.  Giờ cầu nguyện này tôi muốn nhìn lại: Tôi đã sống quảng đại ra sao?  Ai đang là những La-da-rô trong gia đình, trong cộng đoàn, nơi sở làm, giữa những bạn hữu của tôi?  Tôi nghĩ Chúa phán xét tôi như thế nào khi tôi dửng dưng với những La-da-rô quanh tôi?  Từ bài đọc hôm nay, tôi muốn chọn lối sống như thế nào?  Leo Tolstoy (1828-1910), một nhà văn nổi tiếng người Nga nói thế này: “Nếu bạn cảm thấy đau, chứng tỏ bạn còn sống.  Nhưng nếu bạn cảm được nỗi đau của người khác, bạn là con người – If you feel pain, you’re alive.  If you feel other people’s pain, you’re a human being.”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, September 23, 2022

Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên – Năm C –24-9-2022

Thu Bay XXV TN

Giảng Viên 11:9-12:8

11/9Này bạn thanh niên,
cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn,
và làm cho tâm hồn được hạnh phúc
trong những ngày còn trẻ:
cứ chiều theo ước muốn của lòng mình
và những gì mắt mình ưa thích.
Nhưng bạn phải biết rằng:
về tất cả những điều đó,
Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử.
10Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn,
khử trừ đớn đau khỏi thân xác,
vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả.
12/1Giữa tuổi thanh xuân,
bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình.
Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới,
đừng chờ cho năm tháng qua đi,
những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói:
“Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả!”
2Đừng chờ đến khi mặt trời với ánh sáng,
mặt trăng cùng tinh tú đều trở thành tối tăm,
và mây đen tụ lại khi cơn mưa đã dứt.
3Ngày ấy, người giữ nhà sẽ run lẩy bẩy,
chàng trai vạm vỡ phải khòm lưng,
các cô xay bột không còn xay tiếp vì không đủ người xay,
các bà nhìn qua cửa sổ : chỉ nhìn thấy lờ mờ.
4Ngày ấy, cánh cửa ngó ra đường sẽ đóng lại,
tiếng cối xay bột từ từ nhỏ đi,
người ta trỗi dậy khi vừa nghe tiếng chim hót
và mọi cô ca sĩ sẽ phải lặng thinh.
5Ngày ấy, đường hơi dốc cũng làm người ta sợ,
chân bước đi mà lòng thật kinh hoàng.
Ngày ấy, hoa hạnh đào nở ra trắng xoá,
loài châu chấu trở nên chậm chạp nặng nề,
trái bạch hoa hết còn hương vị.
Bởi vì con người tiến đến nơi ở ngàn thu,
bên đường đầy những người khóc than ai oán.
6Đừng chờ đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ,
vò nước bể ngay tại hồ chứa nước,
ròng rọc gãy, vụt rơi xuống giếng sâu.
7Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất,
khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa
hơi thở Người đã ban cho mình.
8Ông Cô-he-lét nói:
“Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả!”

(Trích Sách Giảng Viên, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Những lời của Sách Giảng Viên hôm nay tiếp tục khuyên tôi nhìn vào thực tế cuộc đời này.  Tất cả mọi sự đều sẽ qua đi và một khi đã qua đi, chẳng bao giờ lấy lại được.  Tất cả mọi người, ai cũng có một đời để sống, một lần để sống, và sẽ không có cơ hội trở lại sống lần thứ hai.  Bài đọc hôm nay dẫn tôi đi qua từng giai đoạn của một đời người, từ lúc trẻ đến thời thanh xuân, rồi đến trung niên và khi về già.  Mỗi người hãy sống cho có mục đích.  Hãy sống cho thật vui, thật khỏe và tràn đầy sức sống, để chẳng bao giờ phải tiếc nuối nhưng, cũng đừng bám víu; bởi, đời là phù vân và mọi sự đều là phù vân!  Dù phù vân, nhưng tôi cũng phải chọn cách sống sao cho có trách nhiệm, làm những điều đúng, không sống buông thả, để chẳng bao giờ phải hối hận khi về già, hoặc khi tôi phải trả lại hơi thở cho Thiên Chúa.  Lời khuyên này đã viết ra cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng cũng không xa với những khám phá của khoa tâm lý học ngày nay, khi người ta nhận thấy rằng: Người nào khi còn trẻ mà tạo cho mình được những bước đi thành công trong học vấn, nghề nghiệp hoặc quảng giao, khi về già, người ấy sẽ rất hạnh phúc và không cảm thấy tiếc nuối.  Tôi đang là thiếu niên, thanh niên, trung niên hay lão niên?  Tôi đã sống như thế nào?  Mục đích sống của tôi là gì?  Tôi đọc lại bài đọc trên và trả lời trước mặt Chúa về cách sống của tôi lúc này.  Để ý Chúa, xem Ngài có hài lòng không, hay tôi cần phải thay đổi, trước khi mọi sự quá trễ. 

2.     Cách đây hơn hai ngàn năm Cô-he-lét đã nhắc nhở nhân loại về cội nguồn của mỗi người: là đất và sẽ trở về đất, là thuộc về Thiên Chúa và sẽ trở về với Thiên Chúa.  Nên hãy sống cho sung mãn như Chúa đã dựng và mong đợi ở tôi.  Năm trăm năm trước đây, Thánh Inhaxio cũng nhắc nhở mọi người về mục đích và cội nguồn của con người, ở trong Thiên Chúa.  Ngày nào tôi chọn Chúa, sống kết hiệp với Ngài, ngày đó tôi có sức mạnh buông bỏ, tìm được ý nghĩa sống, được tự do, hạnh phúc và bình an.  Tôi có thể đọc và suy niệm Nguyên Lý Nền Tảng và Mục Tiêu Cuộc Đời của Thánh Inhaxio Loyola sau đây, để cũng vạch ra cho tôi một hướng đi, một mục đích sống, sao cho tròn đầy và mãnh liệt: Mục tiêu cuộc đời là sống mãi với Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta cuộc sống vì thương yêu chúng ta.  Khi chúng ta ngợi khen, tôn kính, và phục vụ Ngài, tâm linh chúng ta được cứu thoát.  Mọi sự trên mặt đất đều là những phương tiện Thiên Chúa ban ngõ hầu chúng ta hiểu biết Ngài và đáp trả tình thương Ngài ban.  Vậy, chúng ta phải sáng suốt Nhận Định và xử dụng mọi sự theo mức độ ích lợi để trở thành một người biết yêu thương HƠN.  Thiên Chúa sẽ bị loại xuống hàng thứ yếu và sự triển nở sẽ gặp cản trở khi một trong những món quà Chúa ban trở thành tâm điểm cuộc sống con người.  Như thế, trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải biết giữ lòng Bình Tâm, thăng bằng đối với mọi sự trên mặt đất, không thiên bên nào, cho đến khi thấy rõ lối đưa mình đến mục đích hữu hiệu HƠN; chẳng hạn: sức khỏe hay bệnh tật, của cải hay nghèo khó, thành công hay thất bại, sống lâu hay chết yểu…  Biết đâu một trong những sự kiện trên có thể gợi lên trong chúng ta sự đáp trả tình thương của Chúa một cách sâu xa HƠN.  Do đó, ước muốn duy nhất của chúng ta phải là: Tôi muốn và tôi lựa chọn con đường nào dẫn đến cuộc sống làm con Thiên Chúa cách sung mãn HƠN HẾT!” (Thánh Inhaxio Loyola - Trích từ Ca Nguyện Linh Thao)

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, September 22, 2022

Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên – Năm C –23-9-2022

Thu Sau XXV TN

Giảng Viên 3:1-11

1Ở dưới bầu trời này,
mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:
2một thời để chào đời, một thời để lìa thế;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây;
3một thời để giết chết, một thời để chữa lành;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng;
4một thời để khóc lóc, một thời để vui cười;
một thời để than van, một thời để múa nhảy;
5một thời để quăng đá, một thời để lượm đá;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;
6một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi;
7một thời để xé rách, một thời để vá khâu;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;
8một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.

9Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì? 10 Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm. 11 Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc.  Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.

(Trích Sách Giảng Viên, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm qua và bài đọc hôm nay đều được trích từ Sách Giảng Viên, một tập sách thuộc kho tàng văn chương khôn ngoan của nhân loại.  Bài đọc hôm qua, mặc dù nói đến những cái bất định của cuộc đời, Phù vân, quả là phù vân.  Tất cả chỉ là phù vân”, nhưng tác giả Cô-he-lét tô vẽ chúng bằng một gam mầu rất ảm đạm và đầy bi quan.  Trong khi đó, cũng cùng tác giả ấy, bài đọc hôm nay cũng nói đến những cái thiên biến vạn biến ấy, Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế…”, nhưng lại trải dài sự thật bằng những cung bậc của thanh âm đầy hy vọng.  Như vậy tác giả Cô-he-lét muốn nói gì?  Tác giả dường như muốn nói với tôi rằng, thực tế cuộc đời ở đâu và thời nào cũng thế, vẫn thiên biến vạn biến, nhưng đau khổ hay không là tùy ở cách nhìn của tôi.  Nói như David Kessler, là một nhà văn và nhà diễn thuyết nổi tiếng của Mỹ, đồng thời cũng là chuyên gia về sự chết và đau khổ, nói: “Đau đớn là điều không thể tránh khỏi, nhưng đau khổ là một lựa chọn – Pain is inevitable; suffering is optional.”  Đúng vậy.  Đau đớn là những gì xảy đến trong cuộc sống mà phần nhiều không do tôi chọn; trong khi đó đau khổ luôn là điều tôi chọn, thậm chí tôi tạo ra.  Chẳng hạn, người mẹ nào cũng không thể tránh khỏi đau đớn khi sinh con, nhưng không vì thế mà họ đau khổ, hoặc không phải ai cũng đau khổ.  Hoặc, có những người mẹ sinh con không một đau đớn gì, nhưng họ lại rất đau khổ.  Một bệnh nhân phải trải qua những ca mổ nghiêm trọng và lâu giờ, đau có, sợ có, nhưng đau khổ thì không.  Như vậy, đau đớn thuộc về thể xác, còn đau khổ thuộc về tinh thần.  Đau đớn đến từ trải nghiệm về thể lý, còn đau khổ đến từ suy diễn của cái trí.  Tôi muốn theo sự hướng dẫn của tác giả trong bài đọc hôm nay, điểm qua những thiên biến vạn biến trong cuộc đời, đặc biệt những gì đã và đang xảy đến cho tôi và tìm một cách hiểu sao cho bớt đau khổ, đồng thời cũng đầy hy vọng.

2.     Ở phần hai của bài đọc hôm nay, tác giả đặt một câu hỏi mang tính thức tỉnh: “Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì?” Mục đích của câu hỏi này không phải để làm cho tôi sợ hãi và chán nản, nhưng là để nhận thức thực tế về mục đích cuối cùng của cuộc sống.  Đây là một câu hỏi có định hướng, đòi tôi phải suy nghĩ và phải trả lời.  Cuộc đời tôi khổng thể như con dã tràng xe cát, nhưng phải có một ý nghĩa.  Tôi chỉ có thể tìm được câu trả lời đúng nhất khi nhìn về Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài và là chủ thể của vạn vật.  Vậy, phẩm chất và mục đích sống của tôi lúc này là gì?  Một ngày sống của tôi dành cho việc tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Hằng và Bất Biến, hay tôi đang tìm kiếm một thứ khác mà tôi không chắc sẽ có, hoặc có thể sẽ chẳng có mãi?  Tôi có luôn giữ liên hệ với Thiên Chúa của tôi mật thiết đến nỗi, bất kể điều gì xảy ra và khi nào, tôi sẽ chạy đến với Ngài, hiệp nhất nên trọn với Ngài?  Tôi về bên Chúa trong lúc này, ngắm nhìn Ngài, trải ra tất cả những gì là khắc khoải trong tôi và xin được Ngài giúp đỡ.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Còn Gì Dâng Ngài” sáng tác của Phanxico, do Triệu Ngọc Yến trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=25NTejFPtxk

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, September 21, 2022

Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên – Năm C –22-9-2022

Thu Nam XXV TN

Giảng Viên 1:2-11

2Ông Cô-he-lét nói: “Phù vân, quả là phù vân.  Phù vân, quả là phù vân.  Tất cả chỉ là phù vân. 3 Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? 4 Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. 5 Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. 6 Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. 7 Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy.  Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. 8 Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn.  Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới. 9 Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ? 10 Nếu có điều gì đáng cho người ta nói: “Coi đây, cái mới đây này!”, thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. 11 Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.”

(Trích Sách Giảng Viên, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có lẽ ngày nay nhiều người đã rất quen với kiểu nói được xem là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo, đó là: “vô thường”.  Theo Phật học, “vô thường” là một trong ba tính chất của các sự vật hay còn gọi là Tam Pháp Ấn (ấn vô thường, ấn khổ và ấn vô ngã), ở đó mọi sự đều phải trải qua bốn tiến trình chính, đó là: thành (hình thành), trụ (tồn tại), hoại (lão hóa) và không (diệt).  Nói chung, “vô thường” là nói đến tính không chắc chắn, hay thay đổi, không vĩnh viễn trường tồn của các sự vật.  Thế nhưng, đây có phải là triết lý riêng của Phật giáo, hay còn là một sự hiểu biết chung trong kho tàng khôn ngoan của nhân loại, mà bất cứ ai có óc quan sát và nhận xét về cuộc đời đều có thể nhận ra tính vô thường của các sự vật?  Có chăng, Phật giáo đã đưa ra một phạm trù rõ ràng và đặt tên cho từng tiến trình vô thường của sự vật.  Không chỉ Phật giáo, bài đọc trong Thánh lễ của Kitô giáo hôm nay, trích từ Sách Giảng Viên, cũng nói đến sự bất định của sự vật, nhưng gọi bằng một tên khác, đó là: “Phù vân” (Vanity);  "phù” là trôi nổi, “vân” là mây.  Sách Giảng Viên được viết ra vào khoảng thế kỷ 2 hoặc 3 TCN, vốn được xem là của Vua Sa-lô-môn, dưới bút hiệu là Cô-he-lét.  Tuy nhiên, nhiều học giả ngày hôm nay không công nhận đây là sách của Sa-lô-môn.  Sách Giảng Viên không phải là một quyển sách giáo khoa được trình bày lớp lang, có hệ thống rõ ràng từ căn bản đến phức tạp, cho bằng, đây như là một quyển nhật ký, ghi nhận tất cả những gì mắt thấy tai nghe về cuộc sống.  Bởi vậy, để hiểu được nội dung Sách Giảng Viên, tôi cần hiểu rõ tác giả Cô-he-lét.  Ông là con người mạnh mẽ, dám nói, dám làm, dám suy nghĩ và can đảm tự vạch ra cho mình một con đường sống, một con đường mà thường những người khác không dám theo.  Ông cũng chẳng muốn theo lối mòn của người khác, dù đó là truyền thống hay.  Theo quan sát của ông, cuộc đời này có thể ví như một con đường hầm đầy tăm tối, mà chẳng biết khi nào mới thấy ánh sáng ở cuối đường.  Cứ thế, Cô-he-lét, cũng như bao nhiêu người khác, phải mò mẫm, dò dẫm và bước đi, gặp gì nói nấy, quan sát mọi điều, nói lên mọi sự một cách thành thực, từng ngày từng ngày một.  Có lẽ vì tính thành thật và trung thực ghi nhận từ những quan sát trong cuộc sống mà ông bị gán thuộc đủ mọi thứ học thuyết.  Chẳng hạn, độc giả có thể thấy rất rõ một chủ đề xuyên suốt và lập lại nhiều lần trong toàn bộ tập Sách Giảng Viên, đó là: “Phù vân, quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân.”  Chính bởi câu này mà nhiều người cho rằng, tác giả Cô-he-lét là một người thuộc thuyết bi quan.  Bởi bầu khí bi quan bao trùm trên toàn bộ tác phẩm, như ở một chỗ khác trong sách, ông than: Tất cả chỉ là phù vân, là công dã tràng xe cát” (1:14), và “càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn, càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau” (1:18).  Người ta còn cho rằng, ông là người theo chủ thuyết duy vật khoái lạc, khi viết: “Con người chẳng hơn gì thú vật”, cả hai đều “cùng chung một số phận” (3:19).  Từ đó ông cho rằng, cuộc đời này hy sinh làm chi, chịu khổ làm gì, và cuộc đời này còn gì hạnh phúc hơn là, hãy: “Cứ ăn, cứ uống, cứ vui hưởng, cứ vui vẻ thoải mái...” (2:24-25; 3:12, 22; 5:17-19; 8:15; 9:7-10; 11:8-10).  Cũng có người nghĩ, ông theo thuyết định mệnh.  Người nào có số phận của người đó, không ai cưỡng lại được.  Bởi, “cái gì đã cong, uốn làm sao nổi, cái gì đã thiếu, đếm làm sao ra?”, và những gì “Thiên Chúa đã bẻ cong, nào ai uốn thẳng được?” (1:15; 7:13).  Lại cũng có người cho ông thuộc thuyết bất khả tri, khi ông lập lại nhiều lần câu nói: “Con người không sao biết được” (3:11, 22; 6:12; 7:14; 8:7,17; 9:12; 10:14; 11:5).  Vậy nét độc đáo của sách Giảng viên nằm ở đâu?  Sách này có đáng cho tôi đọc và cầu nguyện không?  Sách này giúp tôi sống đức tin như thế nào?  Đây là một tác phẩm lớn trong kho tàng Kinh Thánh Kitô Giáo và kho tàng văn chương thế giới, lớn không phải vì số lượng cho bằng chất lượng.  Toàn bộ tập sách cho tôi một cái nhìn về cuộc sống.  Cuộc sống này không phải là một vấn đề để giải quyết mà là một mầu nhiệm để sống, được Thiên Chúa dựng nên từ sự tốt lành và quan phòng của Ngài.  Từ niềm tin vào Thiên Chúa như vậy, tôi cần phải vận dụng lý trí và tất cả sức lực của mình để sống, để tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời, một cách thành thực, không mặc cảm, không che giấu, không sợ sệt.

2.     Tôi đọc lại nhiều lần bài đọc trên và dừng lại ở những câu nào tôi tâm đắc nhất.  Tại sao câu đó lại tâm đắc với tôi?  Câu đó đang nói gì với tôi trong lúc này?  Có một kinh nghiệm buồn, một vết thương, một mặc cảm nào đã giữ chân tôi, đã làm cho tôi mất vui, mất tự do, mất ý lực để sống?  Câu nói tâm đắc ấy có thể giúp giải thoát tôi như thế nào?  Tôi ngồi bên Chúa, Đấng Hằng Hữu, Bất Biến, để giúp tôi biết bám víu lấy Ngài, hơn là bám víu vào những cái bất định bao lâu nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Phù Vân,” của Xuân Đường, với sự trình bày của Hiền Thục, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=ImLANGzypMA

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, September 20, 2022

Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên – Năm C –21-9-2022 – Lễ Thánh Mát-thêu Tông Đồ

Thu Tu XXV TN 

Mát-thêu 9:9-13

9Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó.  Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!”  Ông đứng dậy đi theo Người. 10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.  Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là lễ kính Thánh Mát-thêu Tông đồ và cũng là tác giả của bài đọc hôm nay.  Tôi có thấy điều gì lạ trong bài đọc hôm nay không?  Mát-thêu viết về ơn gọi của mình rất lạ.  Ông viết: Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó.  Người bảo ông: ‘Anh hãy theo tôi!’  Ông đứng dậy đi theo Người. Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy…”  Tôi để ý, Mát-thêu viết về mình ở ngôi thứ ba: “Mát-thêu”, hoặc “ông ấy”, chứ không viết ở ngôi thứ nhất: “Tôi”.  Cách viết này bộc lộ nhiều điều về ông.  Trước hết, ông kể rõ tên ông là Mát-thêu, làm nghề thu thuế.  Chỉ một câu, đủ để nói ông là người như thế nào đối với dân tộc của ông.  Xét về chủng tộc, ông bị xếp vào loại “kẻ thủ của nhân dân” vì làm tay sai cho ngoại bang; xét về tôn giáo, ông bị xếp vào loại “người tội lỗi”; bởi, người Do-thái tin rằng, chẳng có người làm thuế nào mà liêm chính, ai cũng “ăn bẩn”.  Như thế, ông là người bị loại ra khỏi dân tộc và cộng đồng giáo hội của ông.  Có thể, do những mặc cảm luôn là người bị loại ra bên lề dân tộc và hội đường của mình đã khiến Mát-thêu viết rất khiêm tốn về mình, ở ngôi thứ ba?  Có lẽ cũng ở sự khiêm nhường này, đã khiến Mát-thêu có thể theo Chúa một cách dễ dàng như vậy; dù túi ông lúc ấy, tiền cũng còn đủng đỉnh lắm?  Chúa Giêsu quý ông ở điểm này: khiêm nhường.  Dù ông bị dân chúng xa tránh khinh ghét, nhưng ông không để Chúa ghét ông.  Dù ông giầu có, nhưng ông không để sự giầu có làm ông xa cách Chúa.  Chúa gọi, ông đứng phắt dậy và đi theo.  Tôi thấy gì và học được gì ở Mát-thêu?  Tôi đang là loại người nào?  Chúa có đang gọi tôi không?  Tôi đáp lại tiếng gọi của Ngài ra sao?

2.     Mát-thêu viết tiếp câu chuyện đổi đời ấy.  Có lẽ, từ khi bước vào nghề làm thuế, chẳng người Do-thái nào đã thèm nói chuyện hay muốn làm bạn với ông.  Hôm nay, bỗng dưng một người Do-thái, tên Giêsu, gọi ông đi theo mình.  Niềm vui này chắc phải lớn lắm.  Ngay lập tức, ông đã mời Chúa Giêsu về nhà mình ăn.  Đang khi ăn, mấy người Pha-ri-sêu mất lịch sự, có lẽ không được mời vào ăn và đang đứng ngoài cửa, vặn hỏi móc họng các môn đệ Chúa Giêsu: Tại sao Thầy mấy người lại ăn uống ở nhà của Mát-thêu, một người tội lỗi?  Chúa Giêsu liền trả lời thay cho các môn đệ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.  Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.  Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”  Có lẽ, Mát-thêu thích câu này của Chúa Giêsu lắm, và đã cẩn thận viết câu nó vào nhật ký của mình, để không bao giờ quên!  Bởi, câu nói này như chìa khóa thần tháo cởi mọi xiềng xích đã cột trói tâm hồn ông, hoặc như thuốc tiên đã chữa lành tâm hồn của ông bao lâu nay.  Có lẽ, chưa bao giờ ông cảm thấy thật tự do, thật hạnh phúc và thật gần Thiên Chúa như thế.  Tôi có thấy câu nói này Chúa Giêsu cũng nói cho tôi?  Tôi có cần câu nói này của Chúa Giêsu không?  Câu nói này đang mở ra cho tôi những cánh cửa nào?  Ai đang cần câu nói này từ tôi, để họ cũng được tự do, hạnh phúc và chữa lành?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?            

Phạm Đức Hạnh, SJ