Monday, November 30, 2020

Thứ Ba Tuần I Mùa Vọng – Năm B – 1-12-2020

Thu Ba I MV

Isaia 11:1-10

1Ngày ấy, từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. 2 Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa. 3 Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, 4nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.  Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà. 5 Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành. 6 Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.  Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. 7 Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. 8 Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. 9 Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển. 10 Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.  Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.

(Trích Sách Isaia, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật đúng với ý nghĩa của Mùa Vọng, Isaia trình bày một hình ảnh đầy hy vọng.  Giữa cảnh nô lệ của người Do-thái ở chốn lưu đầy bên Babylon, ngôn sứ Isaia đã xuất hiện như một ánh sao chiếu xuyên qua màn đêm của kiếp nô lệ, mà những Do-thái đang kéo lê đời mình nơi xứ người.  Isaia tuyên bố, sẽ có ngày Do-thái được phục hồi, và ngày ấy họ sẽ có một vị vua rất công chính và đầy tín thành lãnh đạo và chăm lo cho họ.  Ngày ấy sẽ đầy hoan lạc, tựa chốn bồng lai, không ai còn phải sống trong sợ hãi, nhưng sẽ sống trong hạnh phúc và yêu thương chan hòa.  Isaia dùng những hình ảnh rất nên thơ và bình yên để nói với dân: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.  Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.  Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò.  Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.”  Tôi cảm thấy và nghĩ gì về những lời của Isaia trong bài đọc hôm nay?  Có khi nào, giữa những đau khổ và tuyệt vọng của cuộc sống mà tôi vẫn nói lên, hoặc nhìn ra được những tích cực, hy vọng và sức sống không?  Điều gì đã làm cho tôi chỉ thấy hoặc giữ tôi mãi trong những tiêu cực và bi quan?  Cái nhìn tiêu cực và bi quan về thực tại của tôi đã hủy hoại tôi và những người chung quanh như thế nào?  Tôi phải nghĩ và sống như thế nào trong Mùa Vọng này?  Tôi muốn nói gì với Chúa về những bi quan, yếm thế đang xảy ra trong tôi?

2.      Bài đọc hôm nay có thể là những lời thức tỉnh cho cuộc sống hiện tại của tôi chăng?  Giữa đại dịch corona ngày càng tăng, đang giết chết nhiều người, làm đảo lộn mọi trật tự trong xã hội, là một Kitô hữu của Mùa Vọng, tôi sẽ rao giảng niềm hy vọng như thế nào cho chính tôi và những người chung quanh?  Từ hậu bầu cử ở Mỹ vừa qua, vẫn còn nhiều những tranh cãi, xáo trộn và hoang mang, là một Kitô hữu của Mùa Vọng, tôi sẽ rao giảng niềm hy vọng như thế nào cho chính tôi và những người chung quanh?  Tôi muốn bắt chước Isaia trở nên ánh sao chiếu xuyên qua màn đêm của đại dịch cúm lúc này và của hậu bầu cử của Mỹ vừa qua.  Đây là ơn gọi và trách nhiệm của tôi là một Kitô hữu.  Ngày nào tôi không còn hy vọng, ngày nào tôi không rao giảng niềm hy vọng, mà chỉ rao giảng sự bi quan, chia rẽ và hận thù, ngày ấy tôi không còn là Kitô hữu nữa.  Tôi bàn chuyện này với Chúa, xem: phải sống niềm hy vọng và rao giảng niềm hy vọng cho những ai và như thế nào trong mọi ngày sống của tôi?     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Gương Thành Công - WALT DISNEY BỊ CHO LÀ THIẾU SÁNG TẠO

 Uoc Mo va Sang Tao

Một trong những thiên tài sáng tạo nhất của thế kỷ 20 đã từng bị sa thải khỏi một tờ báo vì bị cho là thiếu sáng tạo.  Cố gắng kiên trì, Disney đã thành lập công ty hoạt hình đầu tiên của mình, được gọi là Laugh-O-Gram Films.  Ông đã quyên góp được 15.000 Mỹ kim cho công ty nhưng cuối cùng đã buộc phải đóng cửa Laugh-O-Gram, sau khi một đối tác phân phối quan trọng bị đóng cửa.

Tuyệt vọng và hết tiền, Disney tìm đường đến Hollywood và đối mặt với nhiều chỉ trích và thất bại hơn nữa cho đến khi, một vài bộ phim kinh điển đầu tiên của ông, cuối cùng đã trở nên nổi tiếng đến chóng mặt.

Hãy ước mơ và khám phá chính mình.  Bạn phải là người quyết định cho mọi thành công trong cuộc đời của bạn, chứ không phải chờ người khác quyết định thành công cho bạn.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, November 29, 2020

Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng – Năm B – 30-11-2020 – Lễ Thánh An-rê Tông Đồ

Thu Hai I MV 

Mt 4:18-22

18Khi ấy, Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.

21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an.  Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền.  Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có hai điểm đáng chú ý trong bài đọc hôm nay, đó là: Thứ nhất, những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu gọi đều là anh em với nhau.  Ở đâu và làm gì cũng thế, nếu có người cùng đi chung, cùng làm việc chung, cùng có lý tưởng chung, công việc sẽ nhẹ đi biết bao, sự thành công sẽ lớn hơn nhiều và niềm vui cũng tăng lên gấp bội.  Con đường theo Chúa và đời sống thiêng liêng cũng thế.  Điều này thật đúng như có người nào đã nói: “Không có ai là cô đơn trên con đường đi về vĩnh cửu.”  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể tự hỏi: Ai là những bạn đồng hành trong đời sống thiêng liêng của tôi?  Ai đã dẫn tôi đến gặp Chúa từ lúc đầu, hoặc giúp đời sống nội tâm của tôi thăng tiến đến mức hiện nay?  Họ đã giúp tôi như thế nào?  Bây giờ họ đang ở đâu?  Bản thân tôi đã là bạn đồng hành thiêng liêng của ai chưa?  Tôi đã dẫn họ đến với Chúa như thế nào?  Tôi cầu nguyện cho tất cả những người này được chăng?   

2.      Thứ hai, Chúa Giêsu gọi các môn đệ từ giữa lòng cuộc sống thường ngày.  Cả hai biến cố Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên, đều xảy ra khi họ đang bận rộn trong những sinh nhai thường ngày, không có ai đang nghiêm trang cầu nguyện trong thánh đường.  Điều này là một gợi ý cho tôi cần phải tỉnh tai, tỉnh mắt, tỉnh lòng trước những mời gọi của Chúa, không chỉ trong thánh đường và những giờ cầu nguyện nghiêm trang, nhưng còn giữa cuộc sống thường ngày, qua những công việc bình thường, với những người tôi gặp hằng ngày.  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi trở nên nhanh nhạy và tỉnh táo trước sự hiện diện và những lời mời gọi của Ngài.  Xin cho tôi có thái độ sẵn sàng và mạnh mẽ, như các môn đệ, theo Chúa mỗi khi Ngài mời gọi và cậy nhờ tôi.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Gương Thành Công - GEORGE STEINBRENNER - TỰ TẠO TÊN TUỔI TỪ THẤT BẠI

Tu Tao Ten Tuoi Tu That Bai

Trước khi Steinbrenner tạo dựng được tên tuổi để giành quyền sở hữu Đội Bóng Chày New York Yankees, ông đã sở hữu một đội bóng rổ nhỏ có tên, Cleveland Pipers, năm 1960.  Đến năm 1962, đội bóng này đã bị phá sản, dưới sự hướng dẫn của Steinbrenner.

Thất bại đó dường như theo sát Steinbrenner khi ông tiếp quản Yankees vào năm 1970, đúng lúc đội bóng này đang phải vật lộn với một số thất bại và thua lỗ trong suốt những ngăm 1980 và 1990.  Tuy nhiên, bất chấp sự sợ hãi của công chúng và những lời chỉ trích về quyết định đầy tranh cãi của Steinbrenner, ông ấy đã dẫn dắt đội banh đạt được những chiến thắng đáng kinh ngạc, với sáu lần đoạt giải World Series từ năm 1996 đến 2002, và kỷ lục là một trong những đội kiếm được nhiều tiền nhất trong Giải Bóng Chày Nhà Nghề.

Thất bại, chắc chắn ai cũng phải trải qua, nhưng hãy dùng những thất bại ấy làm bệ chân cho bạn bước lên thành công, thay vì cho phép chúng đè bẹp cuộc đời của bạn mãi!

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, November 28, 2020

Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng – Năm B – 29-11-2020

CN I MV

Isaia 64:5-7

5 Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế, mọi việc lành của chúng con khác nào chiếc áo dơ.  Tất cả chúng con héo tàn như lá úa, và tội ác chúng con đã phạm, tựa cơn gió, cuốn chúng con đi. 6 Không có ai cầu khẩn danh Chúa, cũng chẳng ai tỉnh dậy mà níu lấy Ngài, vì Ngài đã ngoảnh mặt không nhìn đến, và để cho tội ác chúng con phạm mặc sức hành hạ chúng con. 7 Thế nhưng, lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.

(Trích Sách Isaia, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay, Chúa Nhật I Mùa Vọng và cũng là ngày đầu tiên của Năm Phụng Vụ mới.  Lời Chúa, trích từ Sách Isaia cho bài đọc hôm nay, không chỉ là những tiếng tự vấn lương tâm, nhưng cũng là những lời diễn tả sự khao khát mong chờ Đấng Cứu Thế đến.  Isaia nhìn vào chính mình và vào dân tộc của ông như đang sống trong lầm than, tội lỗi.  Cuộc đời của họ như chiếc áo đã dơ và đang bị tội ác giày xéo hành hạ.  Chỉ Đấng Cứu Thế đến mới có thể giải thoát họ khỏi vòng tội lỗi, mới làm cho họ nên sạch trong.  Hôm nay là ngày đầu năm, nhân cơ hội này tôi cũng nhìn lại chính tôi: Tôi có đang sống trong vòng tỗi lỗi?  Ai có thể giải thoát tôi khỏi vòng tội lỗi?  Tôi cần và mong chờ Đấng Cứu Thế đến mức nào?  Tôi muốn thổ lộ cùng Chúa trong lúc này.

2.      Isaia đã khiêm tốn nhìn nhận sự mỏng giòn yếu đuối của chính mình.  Ông đã ví mình như đất sét trong tay thợ gốm, là chính Chúa.  Một hình ảnh khiêm tốn, tin tưởng và đầy phó tác cần phải có để Chúa có thể đến và tác động trong tôi.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi cũng bắt chước Isaia, đặt mình là đất sét và để cho Chúa là thợ gốm tài giỏi uốn nặn tôi.  Tôi để ý xem, tôi đang thuận theo đôi tay của Chúa ra sao.  Tôi có thấy Chúa hài lòng và vui sướng khi tôi chiều theo đôi tay của Ngài?  Tôi để ý đôi tay của Chúa đang ôm trọn lấy tôi, nặn và vuốt để tôi trở nên một tuyệt phẩm trong mắt của Ngài ra sao.  Tôi có biết Chúa đang có ý định nặn tôi nên tuyệt phẩm gì không?  Tôi có thể hỏi Chúa điều này.  Tôi để ý xem Chúa hạnh phúc và ngắm nghía tôi với tất cả niềm vui thích của Ngài ra sao.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Nguyện Trời Cao,” của Trọng Linh – Hoàng Khánh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=siTg9V0lc38

Phạm Đức Hạnh, SJ

Gương Thành Công - THẤT BẠI KHÔNG KÌM HÃM BILL GATES KHỎI NHỮNG KHÁM PHÁ MỚI

Khong Ngung Kham Pha Moi

Bill Gates hiện là người giầu thứ ba trên thế giới.  Ông sở hữu một khối lượng tài sản kếch xù lên tới 113.7 tỷ Mỹ kim.  Tuy nhiên, ông đã không có được khối tài sản kếch xù ấy bằng một con đường dễ dàng.  Gates bước vào lĩnh vực kinh doanh với một công ty có tên Traf-O-Data, nhằm xử lý và phân tích dữ liệu từ các băng ghi hình kiềm soát giao thông.  Ông đã cùng đối tác kinh doanh của mình là Paul Allen, cố gắng bán ý tưởng này, nhưng sản phẩm ban đầu ấy hầu như không hoạt động được.  Đó hoàn toàn là một thảm họa.  

Tuy nhiên, thất bại đã không kìm hãm Gates khám phá những cơ hội mới.  Vài năm sau, năm 1975, tại thành phố Albuquerque, tiểu bang New Mexico, ông và đồng nghiệp, Paul Allen, đã phát minh ra sản phẩm mới dùng cho máy điện toán cá nhân, gọi là: Altair 8800, mà sau này đã đổi thành Microsoft (viết tắt từ “microprocessor”“software”).  Con đường thành công của Gates bắt đầu từ đó.  Microsoft hiện nay là một công ty lớn vào bậc nhất trên thế giới với giá trị vốn thị trường lên đến một ngàn tỷ đô-la ($1 trillion) và chiêu dụng khoảng 163 ngàn công nhân.   

  
Đâu là những khám phá mới của bạn?  Cái gì đang làm bạn không muốn tìm tòi và khám phá nữa?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, November 27, 2020

Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên – Năm A – 28-11-2020

Thu Bay 34 TN 

Luca 21:34-36

34Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời của Chúa Giêsu hôm nay vẫn nằm trong một loạt những lời cảnh báo của Ngài về ngày tận thế, hoặc cụ thể hơn và gần hơn đó là ngày thần chết đến cướp đi mạng sống tôi khỏi Thiên Chúa và khỏi những người thân yêu của tôi.  Ngày mà Chúa Giêsu cảnh báo ấy, cho tôi thấy nó xuất hiện rất âm thầm và bất ngờ.  Âm thầm bởi những cảnh báo của Chúa thường xuyên nói cho tôi qua những người này người kia, qua những biến cố này biến cố nọ, ở mọi nơi tôi đến, mà vì quen quá nên tôi coi thường.  Có thể Chúa Giêsu tiếp tục cảnh báo tôi mỗi ngày qua Kinh Thánh, qua giáo hội, qua báo chí, qua bác sĩ, qua những người thân, nhưng tôi chẳng tha thiết, chẳng quan tâm nữa.  Thế rồi, bất chợt thần chết xuất hiện, tôi ngỡ ngàng, tôi vái tứ phương, tôi than trách Chúa.  Trong giây phút này tôi muốn ngồi bên Chúa, nhìn lại cả cuộc sống, đâu là những tiếng chuông Chúa đang dùng để thức tỉnh tôi.  Tôi xin cho tôi được nhạy bén, nghe được thật rõ những lời cảnh báo ấy và tôi biết chuẩn bị, biết sẵn sàng để có thể đứng vững khi ngày giờ ấy đến.

2.      Lời cảnh báo ngày giờ tận cùng của đời tôi có thể chưa hẳn là ngày tôi nằm bất động trong quan tài, nhưng có thể là ngày, dù vẫn sống, nhưng tôi đã mất tất cả: Thiên Chúa, gia đình, người thân.  Tôi chết mà vẫn thở!  Tôi có thấy tôi đang mất Thiên Chúa chăng?  Tôi có thấy tôi đang mất những người thân nào chăng?  Tôi hỏi Chúa, tôi hỏi chính mình và tôi cần làm gì để giữ lại hoặc có lại Thiên Chúa, cũng như người thân của tôi?  Chúa Giêsu chỉ cho tôi cách chuẩn bị và giữ gìn để không mất tất cả những gì là quý giá nhất, đó là: Cầu nguyện luôn.  Tôi tiếp tục cầu nguyện.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Gương Thành Công - ARIANNA HUFFINGTON – VƯƠN LÊN ĐỂ THÀNH CÔNG

Vuon Len De Thanh Cong          

Nếu bạn là người thích đọc tin tức bằng Anh Ngữ trên điện thoại hoặc trên màn ảnh vi tính tại bàn làm việc của bạn, hẳn bạn đã rất quen thuộc với một hãng tin, mang tên: Huffington Post.  Thật khó để tin rằng cái tên Huffington Post rất quen thuộc này đã từng có những kinh nghiệm cay đắng khi mới bước vào nghề cầm bút.  Cuốn sách thứ hai mà Huffington đã cố gắng xuất bản, trước khi cô ấy tạo ra đế chế Huffington Post được công nhận khắp nơi, đã bị từ chối 36 lần trước khi xuất bản.

Ngay cả bản thân Huffington Post cũng không thành công ngay lập tức.  Trên thực tế, khi nó ra mắt, đã có hàng chục đánh giá tiêu cực về chất lượng và tiềm năng của nó.  Rõ ràng, Huffington đã vượt qua những thất bại ban đầu đó và đã củng cố tên tuổi của mình như một trong những bộ mặt thành công nhất trên mạng lưới điện toán toàn cầu hiện nay. 

Có những chối từ hay thất bại nào đang làm bạn nản chí muốn buông xuôi thực hiện những ước mơ trong đời bạn không?  Hy vọng bạn không bỏ cuộc nhưng bắt chước Huffington tiếp tục tranh đấu và vươn lên cho những ước mơ của bạn được thành tựu. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, November 26, 2020

Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên – Năm A – 27-11-2020

Thu Sau 34 TN

Luca 21:29-33

29Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn.  Người nói: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. 30 Khi nhìn cây đâm chồi, thì anh em biết là mùa hè đã gần đến. 31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó [những điềm lạ trong Lc 21:25-28] xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. 32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay, mời gọi tôi phải tỉnh thức, phải có óc quan sát, biết đọc những dấu chỉ của thời gian về những gì quan trọng nhất trong cuộc đời.  Nếu tôi biết quan sát thời tiết, thiên nhiên và cảnh vật quanh tôi, đoán trước được tương lai và chúng đã xảy ra đúng như vậy, điều này thật đáng khen.  Nhưng đây là những chuyện thuộc về đời tạm này.  Tôi biết đọc và tiên đoán những gì hệ trọng đến đời sống vĩnh cửu của tôi không?  Đâu là những dấu chỉ Chúa đang nói trong đời sống thường ngày của tôi để tôi biết chuẩn bị cho những giá trị vĩnh cửu ấy?  Tôi có thể ngồi bên Chúa Giêsu trong lúc này và hỏi Ngài xem.  Tôi muốn mở lòng, mở mắt, mở trí để được Chúa dẫn dắt và chỉ bảo.

2.      Những lời của Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay có làm cho tôi hoang mang, sợ hãi không?  Tại sao tôi lại hoang mang và sợ hãi?  Phải chăng tôi đã chú tâm vào những giá trị của cuộc đời tạm này?  Phải chăng tôi rất thiếu những nhanh nhạy và sốt mến cho những giá trị Nước Trời, cho sự cứu rỗi linh hồn của tôi?  Tôi xin Chúa cho tôi biết khôn ngoan chọn lựa những giá trị đích thực trong đời sống, đúng ý Chúa, và can đảm dám chọn những giá trị ấy.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

GƯƠNG THÀNH CÔNG - ĐỪNG ĐÁNH MẤT HY VỌNG!

Dung De Ai That Vong Ban

Nhân Ngày Nữ Doanh Nhân (19/11), người Mỹ nhắc đến Collette Divitto, một cô gái trẻ, 30 tuổi, mắc hội chứng down.  Sau nhiều lần bị từ chối việc làm, cô đã quyết định mở tiệm bánh cho mình!  Bốn năm sau khi Collette Divitto mở tiệm Collettey's Cookies, cô ấy đã bán hàng trăm nghìn chiếc bánh và đã thuê 13 người khác làm công cho cô, trong đó một số người là khuyết tật.  "Đó là một cảm giác tuyệt vời, và tôi rất tự hào", cô nói.  Nhưng Collette biết rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là ước mơ giúp nhiều người khuyết tật tìm được việc làm. "Thách thức lớn nhất của tôi là đọc tất cả các email," cô nói. "Có rất nhiều email từ những người đang mong mỏi tìm việc làm, và tôi muốn giúp họ ngay."

Mới đầu, Collette đã tự làm bánh tại nhà; sau đó, cô đã biến niềm đam mê làm bánh thành một nghề.  Trước đó nhiều năm, Collette đã bị không biết bao nhiêu người từ chối mướn cô làm việc.  Collette nói: "Tôi cảm thấy rất đau đớn vì bị từ chối quá nhiều."  Cảm thấy chịu đựng bị chối từ đã quá đủ, cuối cùng cô quyết định làm bánh tại nhà với thương hiệu: Collettey’s Cookies, bánh sô-cô-la Amazing Cookie nhúng quế là bánh đặc trưng của cô.  Mới đầu, cô làm 100 chiếc bánh mỗi tuần, bỏ cho một cửa hàng tạp hóa địa phương.  Nhưng sau khi câu chuyện của cô được CBS Boston lan truyền vào năm 2016, sự ủng hộ đã tăng vọt, cho phép doanh nhân trẻ này chuyển từ kinh doanh tại nhà thành một tiệm bánh chuyên nghiệp ở Boston và với một số lượng sản xuất lớn.

Cuộc đấu tranh tìm việc làm của Collette trước khi bắt đầu kinh doanh là một cuộc đấu tranh tìm việc làm rất phổ biến mà những người khuyết tật phải trải qua.  Theo Cục Thống kê Lao động, 10,7% người khuyết tật đang chật vật vì tình trạng thất nghiệp trong năm 2015, gấp đôi tỷ lệ người không khuyết tật.  Đối với Collette, thực tế này "rất khó chịu... Rất khó tìm được một công việc trả lương cho những người có nhu cầu đặc biệt như tôi."  Vì lý do này, cô ấy hy vọng sẽ mở thêm nhiều địa điểm của Collettey trên khắp nước Mỹ trong tương lai.  Cô giải thích rằng, "đó là việc tìm kiếm việc làm cho tất cả những người xứng đáng có việc làm." Collette hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người khuyết tật khác theo đuổi ước mơ và tìm ra con đường thành công cho riêng họ. "Đừng để mọi người làm bạn thất vọng và đừng bao giờ bỏ cuộc", cô khẳng định.  "Nếu bạn thấy đường trước mặt bị tắc, hãy tìm đường khác."

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, November 25, 2020

Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên – Năm A – 26-11-2020 – Lễ Tạ Ơn Tại Hoa Kỳ

Thu Nam 34 TN

Luca 17:11-19

11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người.  Họ dừng lại đằng xa13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!"14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế."  Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" 19 Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Ngày Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ, năm nào Giáo hội Hoa Kỳ cũng dùng bài đọc này cho ngày lễ.  Bài đọc có thể rất quen thuộc với tôi.  Chúa Giêsu chữa lành cho mười người bị phong cùi, nhưng chỉ một người dân ngoại trởi lại tôn vinh và cảm tạ Ngài.  Chúa Giêsu thất vọng về sự vô ơn của chín người, vốn được gọi là “con nhà có đạo”!  Hôm nay là Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ, và cũng là thời điểm gần cuối năm khắp nơi trên thế giới, tôi muốn nhìn lại cả năm qua: Đâu là những ân huệ Chúa đã ban cho tôi trong cả năm qua?  Tôi đã sử dụng chúng như thế nào?  Tôi muốn cám ơn Chúa và diễn tả lòng biết ơn của tôi đối với Chúa một cách cụ thể ra sao?

2.      Có lẽ đối với bất kỳ văn hóa nào, “Biết Ơn” là bài học đầu tiên mà mọi người đã được dạy từ những ngày bập bẹ biết nói.  Chính vì thế mà người Việt cũng như người Tây đều kinh tởm những ai “vô ơn”.  Bởi hai chữ vô ơn như thể diễn tả trọn vẹn về một ai đó chưa thành nhân, ở dưới cấp của con người, thậm chí không bằng con vật nữa.  Nói về lòng biết ơn, người Việt Nam có rất nhiều chữ để diễn tả lòng biết ơn, chẳng hạn như: cám ơn, trả ơn, biết ơn, mang ơn, ghi ơn, tri ân, đội ơn.  Trong khi đó, văn hóa Tây Phương, hai chữ “cám ơn” là hai chữ luôn ở trên môi miệng mọi người.  Người Tây nói cám ơn luôn miệng.  Họ không chỉ cám ơn bằng miệng, họ còn có thiệp cám ơn, sổ ghi ơn, bằng ghi ơn, bảng ghi ơn.  Hằng năm, họ còn có những tiệc biết ơn.  Đặc biệt họ có ngày hôm nay, Ngày Tạ Ơn, không chỉ để tôi cám ơn Chúa, nhưng còn là dịp để tôi cám ơn mọi người nữa.  Vậy, hôm nay tôi biết ơn cuộc đời nhất ở điểm nào?  Tôi biết ơn Giáo hội nhất ở điều gì?  Tôi biết ơn tổ quốc nhất ở biến cố nào?  Tôi biết ơn gia đình ở những nghĩa cử nào?  Tôi biết ơn ai nhất trong năm nay?  Tôi biết ơn ai nhất trong ngày hôm nay?  Tôi biết ơn điều gì nhất trong lúc này?  Trong thời đại dịch hiện nay, tôi cũng muốn biết ơn các nhà khoa học đang nỗ lực tìm ra chủng ngừa, biết ơn các bác sĩ và y tá cùng những người lao công đã luôn đi tuyến đầu, giúp cho cuộc sống quanh tôi được sạch sẽ và cho tôi có sức khỏe tốt.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng một lời cầu nguyện cho tất cả những người và những gì mà tôi biết ơn.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát: “Khúc Cảm Tạ,” của Mai Nguyên Vũ, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=tEjoX4bQ5Jg

Phạm Đức Hạnh, SJ

CHIẾN THẮNG BẢN THÂN

Không có cuộc chiến nào cam go cho bằng cuộc chiến với chính mình.  Cam go vì nó là một cuộc chiến thầm lặng, kéo dài bằng mọi ngày sống, đòi buộc mọi hy sinh, nỗ lực và kiên trì chiến đấu ở mọi nơi và mọi lúc.  

Hôm qua trời ở đây đổ tuyết, sáng nay 5:30 tôi thức dậy, nhìn nhiệt kế trong điện thoại báo trời lạnh 24 độ F (-4.4 độ C)!  Uể oải và ngao ngán, phải mất 10 phút tôi mới lê xác ra khỏi giường được.  Nhưng rồi câu hỏi khác lại đến trong đầu: Có nên đi bộ sáng nay không đây?  Bao nhiêu những suy nghĩ tiêu cực bảo tôi: Đừng!  Thế rồi tôi cũng quyết định đi, nhưng phải đến 20 phút mới ra khỏi nhà, sau khi đã đụp rất kỹ từ đầu tới chân.  

Trời dạo này, 6:00 sáng mà vẫn còn tối.  Tôi phải mang theo đèn pin và bước đi cẩn thận, vì đường đóng đá do tuyết hôm qua, nhỡ trơn trượt là gãy xương!  Đi được vài bước, lòng thầm nhủ: Cố gắng lên!  Hy vọng sẽ đi được một dặm (1.6 km).  Thế rồi, tôi cũng đi được một dặm.  Tôi lại tiếp tục đi và trời đã sáng hơn, đỡ sợ té hơn.  Khi đã đi được hai dặm, tôi thấy có sự biến đổi trong tôi.  Thách đố lúc đầu là, liệu tôi có đi được một dặm không, nhưng khi đã đi được hai dặm thì câu hỏi khác xảy ra: Sao không đi tiếp nữa?  Thế là tôi đi tiếp và cũng hoàn tất cuộc đi bộ buổi sáng với 4 dặm 8 (7.7 km)!

Đó là chiến thắng ngày hôm nay.  Biết đâu, cái thắng hôm nay lại là khởi đầu của nhiều thành công khác trong 365 ngày của năm, và ít nhất cũng 30 năm sắp tới của cuộc đời còn lại!  Thôi, thắng ngày nào mừng ngày đó, và ngày mai sẽ còn nhiều thất bại, nhưng dù sao đi nữa cũng không được bỏ cuộc. 

Phạm Đức Hạnh, SJ        

Tuesday, November 24, 2020

Thứ Tư Tuần XXXIV Thường Niên – Năm A – 25-11-2020 – Lễ Thánh Catherine Thành Alexandrea, Đồng Trinh Tử Đạo

Thu Tu 34 TN

Luca 21:12-19

12Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. 14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. 16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp.  Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay, trích từ Phúc âm Luca, nghe cũng gần giống bài đọc hôm qua, trích từ Phúc âm Mát-thêu, nói về sự bách hại sẽ xảy đến trong giáo hội.  Không chỉ hai phúc âm này, mà Phúc âm Mác-cô và Phúc âm Gioan, cũng như toàn bộ Tân Ước đều có rất nhiều những lời cảnh báo và ghi nhận về biết bao nhiêu cuộc bách hại đã xảy ra với giáo hội.  Như vậy, sự bách hại đạo đã gắn liền với Kitô giáo; không thể sống đức tin mà không bị bách hại và chống đối.  Người ta chống đối Kitô giáo không phải vì những giáo lý sai, bởi cốt lõi của Kitô giáo là tuyên xưng một Thiên Chúa đầy yêu thương đã đến trong cuộc đời này, dạy cho người ta biết yêu thương nhau, yêu thương cả những kẻ giết hại mình.  Người ta chống đối giáo hội chỉ bởi những giáo lý đúng!  Chính vì những giáo lý đúng mà Kitô giáo trở thành một cái gai trong mắt mọi người.  Giáo lý dạy tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, trong khi đó cuộc đời dạy người ta vái tứ phương, tôn sùng lãnh đạo.  Giáo lý dạy một vợ một chồng, người ta cho đây là tà đạo, vì đi ngược với văn hóa truyền thống đa thê.  Giáo lý dạy người ta ăn ngay ở lành, thương người như thể thương thân, người ta cho là đạo dạy ngu, bởi triết lý cuộc đời là lấy mạnh thắng yếu.  Giáo lý dạy sống công bằng liêm chính, nhưng lòng người tham vô đáy, chuộng tham nhũng hối lộ và vì thế giáo hội là cái gai trong mắt họ.  Giáo lý dạy đón tiếp người di dân và tị nạn, người nghèo khó cơ bần, người già yếu cô thân cô thế, nhưng lòng người ích kỷ chỉ muốn vun quén cho mình nên cho rằng giáo hội mị dân.  Giáo lý dạy người ta phải tu thân sửa mình, nhưng người nào cũng sợ thay đổi.  Giáo lý dạy mọi người sống tinh thần nghèo khó, cuộc đời lại cổ võ: thành công là đạp lên đầu lên cổ người khác mà tiến…  Chính vì những giáo lý này mà giáo hội không ngừng bị bắt bớ, vu khống, hiểu lầm và giết hại.  Tôi thuộc về thế giới nào: Thiên Chúa hay trần thế?  Tôi có cảm thấy sống đức tin khó không?  Tôi đang bị chao đảo hay thách đố nào khi sống và diễn tả đức tin trong gia đình, nơi sở làm, nơi học đường và chợ đời?

2.    Chúa Giêsu cảnh báo sống đức tin không dễ chút nào, tôi sẽ bị bắt bớ, vu khống và hãm hại không chỉ từ những người xa lạ, nhưng có thể từ chính những người thân thích trong gia đình và bạn bè của tôi.  Tôi có thể muốn đi lễ, muốn đi tĩnh tâm, nhưng người phối ngẫu của tôi lại cấm cản.  Tôi có thể muốn sống công chính, nhưng người thân của tôi lại sống gian lận, lừa lọc.  Tôi cảm thấy khó để giữ mình liêm chính không; hay, khi cả thế giới lưng còng, một mình thẳng lại sợ trở thành dị hợm?  Tôi nói chuyện với Chúa về những thách đố đức tin mà tôi đang phải đối diện.  Tôi đọc lại những lời cảnh báo của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay để được vững tin hơn.          

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, November 23, 2020

Thứ Ba Tuần XXXIV Thường Niên – Năm A – 24-11-2020 – Lễ Thánh An-rê Dũng Lạc và Các Bạn Tử Đạo Việt Nam

Thu Ba 34 TN
Mát-thêu 10:17-22

17[Khi ấy Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng]: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. 21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.  Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Lịch sử Kitô giáo là một lịch sử đặc biệt, không ngừng được viết bằng dòng máu của các thánh tử đạo.  Kể từ cái chết đẫm máu của Chúa Giêsu cho đến hôm nay, hầu hết các môn đệ và vô số các Kitô hữu trên thế giới đã và đang bị bắt bớ và giết hại bằng nhiều cách khác nhau.  Hôm nay Giáo hội mừng kính 118 thánh tử đạo Việt Nam, một con số tượng trưng, trong thực tế có vô số những Kitô hữu khác đã và vẫn đang bị bắt bớ, giam cầm và giết chết từ thời gian Kitô giáo được truyền vào Việt Nam cho đến nay.  Tôi có cảm nghĩ gì về ngày lễ hôm nay?  Tôi có cảm nghĩ gì về đức tin của tôi hiện nay?  Tôi tự hào và thể hiện đức tin này như thế nào?  Tôi biết ơn các thánh tử đạo Việt Nam và thể hiện lòng biết ơn này ra sao?  Tôi được thôi thúc phải sống đức tin trong thế giới hôm nay như thế nào?

2.      Chúa Giêsu không bao giờ hứa cho bất cứ Kitô hữu nào ăn bánh vẽ.  Ngài luôn cảnh báo sự bắt bớ, thậm chí bị giết hại, sẽ xảy ra cho tất cả những ai muốn theo Ngài.  Tôi cảm thấy như thế nào khi nghe những lời cảnh báo của Chúa Giêsu?  Tôi còn muốn theo Ngài, tiếp tục trở thành Kitô hữu nữa hay thôi?  Tôi có đang bị bắt bớ và chống đối vì niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu?  Tôi can đảm hay thoái thác?  Tôi có cảm thấy an tâm hơn về những lời trấn an của Chúa Giêsu rằng, Chúa Thánh Thần sẽ ở cùng tôi và chỉ cho tôi phải nói những gì, mỗi khi bị bắt bớ?  Tôi đã làm những gì để làm chứng và bảo vệ cho niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu?  Tôi cần những ơn gì để đối diện vớ thực tế của tôi?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu trong lúc này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Đức Tin Son Sắt và Bài Ca Nghìn Trùng,” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=EeISQ0TyIQI

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, November 22, 2020

Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên – Năm A – 23-11-2020 – Lễ Thánh Miguel Pro, SJ

Thu Hai 34 TN
Luca 21:1-4

1Khi ấy, Đức Giê-su đang giảng dạy trong Đền Thờ.  Người ngước mắt lên nhìn, thì thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. 2 Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. 3 Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. 4 Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, tuy thật túng thiếu, đã bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay tuy ngắn nhưng cũng mang những ý nghĩa rất quan trọng cho đời sống đức tin của tôi.  Thứ nhất, nhận xét của Chúa Giêsu về những người bỏ tiền vào đền thờ, trong đó có những người giầu bỏ tiền từ một phần những đồng tiền mà họ có, lại có một bà góa bỏ được hai đồng tiền kẽm, nhưng đó lại là tất cả những gì bà có.  Chúa Giêsu chú ý, quý mến và khen tấm lòng quảng đại của bà.  Tôi nghĩ gì về nhận xét của Chúa Giêsu?  Ngài đang muốn nói với tôi như thế nào về những gì tôi dâng cho Chúa?  Cụ thể hơn, thời gian tôi đang dâng cho Chúa trong lúc này?  Hôm nay cũng đang vào những ngày cuối năm, tôi có thể dùng giây phút này nhìn lại cả một năm qua: Tôi đã nhận được những gì từ Chúa và tôi đã dâng lại cho Chúa như thế nào?  Nên nhớ rằng, Chúa thấy!  Tôi để ý, lắng nghe, xem Chúa nói gì với tôi và tôi nói gì với Ngài.   

2.   Thứ hai, bối cảnh về nhận xét của Chúa Giêsu qua việc dâng cúng trong đền thờ xảy ra khi Ngài đã đến Giê-ru-sa-lem, điểm cuối cùng trong hành trình rao giảng của Ngài, và rồi sẽ bị giết một cách ô nhục tại đó.  Luca đang muốn tôi hiểu như thế nào về bà góa quảng đại này?  Thiên Chúa có phải như là bà góa này, đã trao ban người con duy nhất của Ngài cho nhân loại, trong đó có tôi?  Tôi cảm thấy như thế nào, khi Thiên Chúa yêu thương tôi cho đến cùng, cho tôi tất cả?  Tôi đáp trả lại tình yêu này như thế nào?      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, November 21, 2020

Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên – Năm A – 22-11-2020 – Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

CN 34 TN

Ê-dê-ki-en 34:11-12, 15-16

11Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. 12 Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày người ấy ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy.  Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. 15 Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. 16 Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng.  Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.

(Trích Sách Ê-dê-ki-en, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Lễ Kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ.  Tuần tới, một Năm Phụng Vụ mới nữa sẽ bắt đầu, với Chúa Nhật Mùa Vọng I.  Tước hiệu “Chúa Kitô Vua” dường như chẳng hấp dẫn gì với tôi, có thể vì hai lý do: Thứ nhất, thời quân chủ đã qua, chẳng còn mấy nước trên thế giới còn vua, bởi thế hình ảnh ông vua hay hoàng đế nghe sao xa lạ quá; thứ hai, nhìn vào lịch sử của nước Việt Nam và lịch sử các nước trên thế giới trong mấy ngàn năm qua, chẳng có được bao nhiêu vua đã để lại cho hậu thế những hình ảnh đẹp về họ, nhưng hầu hết là những hình ảnh xấu và đầy tiêu cực như: hà khắc, ác độc, dâm đãng, ngu dốt, độc đoán, hèn với giặc mà ác với dân.  Để mừng lễ này cho đúng, có lẽ tôi phải trở về với lịch sử và ý nghĩa của ngày lễ.  Trước hết, Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ được ĐGH Pi-ô XI thiết lập, năm 1925, nhằm để chống lại sự bùng phát của Chủ nghĩa Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội lúc bấy giờ, ở Châu Âu.  Khi mừng lễ này, Giáo hội muốn nhắc nhở tôi rằng, chỉ có Chúa Kitô là quan trọng nhất, là trung tâm điểm của đời sống và trường tồn mãi, còn bất cứ chính thể nào hay triết lý nào cũng chỉ đến rồi đi trong một thời gian.  Đồng thời, tất cả các bài đọc dùng cho ngày lễ hôm nay đều trình bày một Chúa Kitô Vua rất khác với tất cả các vua quan trần thế.  Chúa Kitô ấy không làm vua của tôi bằng quân đội và những chính sách hà khắc, nhưng bằng lòng từ ái.  Ngài chăm sóc tôi như một mục tử nhân lành, như đã được Tiên tri Ê-dê-ki-en tiên báo trong bài đọc hôm nay, và được hiện thực hóa trong đời sống yêu thương và phục vụ cho đến chết của Chúa Giêsu.  Giờ đây tôi muốn thể hiện Chúa Giêsu Kitô thật sự là vua, là trung tâm điểm đời sống của tôi như thế nào?  Có điều gì mà tôi muốn Ngài biết và quan tâm chăng?  Tôi thân thưa với Ngài.

2.      Những lời của Tiên tri Ê-dê-ki-en thật đẹp và thật đúng với những gì Chúa Giêsu Kitô đã nói và đã làm: Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ...  Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng.  Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.”  Tôi cảm nhận như thế nào về những lời này?  Tôi có kinh nghiệm được Chúa chăm sóc bao giờ chưa?  Có những vết thương, những nỗi khổ đau nào mà tôi cần được Chúa quan tâm chăm sóc không?  Tôi chọn ra một trong những câu nói trên của Ê-dê-ki-en mà tôi cảm thấy tâm đắc nhất, rồi lập đi lập lại trong lòng, để câu ấy tiếp tục vang lên mãi trong giờ cầu nguyện này, trong cả ngày sống của tôi hôm nay, và cả tuần lễ này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ