Thursday, December 31, 2020

Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 1-1-2021 – Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa

Thu Sau BNGS 

Luca 2:16-21

16Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem.  Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo. 21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nếu có một lúc nào đó tôi tự hỏi: Làm sao Ông Giêsu bằng xương bằng thịt, giống như tôi, mà lại là Thiên Chúa được?  Nếu tôi có thắc mắc này, tôi không lẻ loi.  Bởi chính người Do-thái đã rất dị ứng với kiểu tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa; họ cho đây là tội phạm thượng, và một trong những lý do họ tử hình Đức Giêsu cũng vì tội phạm thượng này.  Tôi có thể rất khó hiểu hay khó tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng nếu hỏi: Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất, có thể tự biến mình thành một con người như tôi được không?  Có lẽ tôi sẽ dễ dàng mà nói: Đương nhiên!  Nhưng tôi không phải là người duy nhất đặt nghi vấn về Đức Giêsu có phải là Thiên Chúa không, dọc theo chiều dài lịch sử đã có rất nhiều người nghi vấn như tôi.  Đó chính là lý do tại sao có ngày lễ: Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa.  Trước hết, Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa là một lễ được mừng long trọng bên Giáo hội Chính Thống Đông Phương Constantinople, thế kỷ 7.  Mãi đến thế kỷ 13 hay 14, Giáo hội Công giáo La-mã mới đón nhận lễ này, không phải để tôn vinh Mẹ Maria được làm mẹ Thiên Chúa cho bằng, để tiếp tục tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật mà cũng là người thật.  Sau nữa, điểm rất đẹp của ngày lễ này đó là, không chỉ Chính Thống Giáo, Công Giáo, mà cả Anh Giáo và Tin Lành đều mừng lễ này.  Tức là cả thế giới Kito giáo đều tuyên xưng cùng một niềm tin: Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật.  Vậy có gì sai đâu khi nói, Mẹ Maria đã là mẹ sinh ra Đức Giêsu, là người thật, mẹ cũng phải là mẹ Thiên Chúa nữa?  Tuy nhiên, giờ cầu nguyện hôm nay tôi phải hỏi chính tôi: Niềm tin này ảnh hưởng gì và giúp gì cho đời sống của tôi?  Tôi thường cầu nguyện với Thiên Chúa vẫn còn trên mây, hay tôi cầu nguyện với Thiên Chúa đang ở dưới đất này, ở trong lòng tôi lúc này?  Sự kiện Thiên Chúa xuống làm người có giúp cho cuộc sống của tôi vững tin hơn, mạnh mẽ hơn, lạc quan hơn, hy vọng hơn, vì không một đau khổ nào tôi đang phải chịu mà Thiên Chúa không biết, hoặc không từng đi qua?  Tôi nói gì với Chúa trong lúc này?  Tôi nói gì với Mẹ Maria trong lúc này?  

2.      Bài đọc hôm nay nói, các mục đồng sau khi gặp Đức Mẹ, Thánh Giuse và Chúa Giêsu Hài Đồng nằm trong máng cỏ, họ liền loan tin cho mọi người về những điều mắt thấy tai nghe, và vừa đi vừa chúc tụng Thiên Chúa.  Chứng tỏ họ đã nhận ra hài nhi trong máng cỏ không phải là người thường, nhưng là chính Thiên Chúa, như họ đã được thiên thần loan báo.  Chắc đã hơn một lần tôi ngắm nhìn hang đá máng cỏ, tôi thấy gì ở đó?  Tôi có nhận ra hài nhi Giêsu cũng là Thiên Chúa không?  Tôi cảm thấy gì và đã làm gì khi nhận ra điều này?  Đời sống của tôi có là một đời sống loan tin mừng, giống như các mục đồng không?  Đời sống tôi có được biến đổi và khấp khởi mừng vì được gặp Chúa không?  Tôi tiếp tục chiêm ngắm Chúa Hài Đồng trong giờ cầu nguyện này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát, “Mẹ Ơi, Mẹ Có Biết?” lời Việt của Xuân Đường, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=UOBtwu1Hoag

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, December 30, 2020

Thứ Năm Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 31-12-2020

Thu Nam BNGS 

Gioan 1:1-12

1
Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.  Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.  Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. 10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. 12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Ngày Thứ Bảy trong Tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh, tức là giáo hội vẫn đang mừng Lễ Giáng Sinh.  Có lẽ vì bài đọc hôm nay mà điểm nổi bật nhất trong cách trang hoàng Lễ Giáng Sinh ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng không thể thiếu ánh sáng.  Ánh sáng tràn ngập trong Lễ Giáng Sinh, để nói rằng Thiên Chúa, tức Ngôi Lời nhập thể giữa lòng nhân loại là Ánh Sáng đích thực và không bóng tối nào đã có thể tiêu diệt được Ánh Sáng này.  Tôi đang mừng Lễ Giáng Sinh, tôi có cảm nhận được Ánh Sáng đích thực đang làm rực sáng tâm hồn tôi không?  Đâu là những bóng tối, những góc khuất trong đời sống của tôi rất cần Ánh Sáng này ngự trị?  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể ngồi bên hang đá, hoặc có một hình ảnh hang đá trước mặt tôi và tôi chiêm ngắm Ngôi Lời là Ánh Sáng đang ở trước mặt tôi.  Tôi để cho Ánh Sáng này bao trùm con người tôi.  Tôi muốn hấp thụ và cảm nhận hết Ánh Sáng đích thực đang tỏa sáng trên tôi lúc này, đồng thời để cả ngày sống của tôi được bước đi trong Ánh Sáng.

2.     Thánh Gioan viết: Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.   Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.   Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.”  Hóa ra, tôi có mặt trên đời này và hiện hữu đến vĩnh cửu là do Ngôi Lời Thiên Chúa, chứ chẳng phải do bố mẹ tôi mà thôi, chẳng phải do tiền bạc, danh vọng và sức khỏe do tôi tự tạo ra!  Tôi muốn đọc lại những lời này của Thánh Gioan nhiều lần, và để những lời này thấm thật sâu trong lòng tôi giúp tôi thuộc trọn về Chúa, ngay từ giây phút này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Hang Bê-lem” của Hải Linh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=t0Zg4_LSIcA

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, December 29, 2020

Thứ Tư Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 30-12-2020

Thu Tu BN GS

Luca 2:36-40

36Khi ấy, có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se.  Bà đã nhiều tuổi lắm.  Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi.  Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Luca , bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một phần của bài đọc hôm Chúa nhật vừa qua, Lễ Thánh Gia Thất.  Ít nhất có hai điểm đáng cho tôi chú ý suy niệm trong bài đọc này: Thứ nhất, Bà An-na nói tiên tri về Hài Nhi Giêsu cho tất cả những người đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Gie-ru-sa-lem.  Bà có thể làm được điều này là vì bà có một đời sống đạo hạnh, ăn chay, cầu nguyện đêm ngày, yêu mến, và gắn bó với Thiên Chúa.  Một lẽ rất thường trong đời sống đó là, khi yêu ai, tôi thường nghĩ về người ấy luôn luôn và trở nên rất tinh nhạy về sự hiện diện của người đó.  Dù họ có xuất hiện ở đám đông, tôi cũng rất dễ dàng nhận ra.  Bà An-na đã có thể nhận ra Hài Nhi Giêsu là người của Thiên Chúa, bởi vì bà yêu mến Ngài.  Tôi yêu Chúa đến mức nào?  Có phải Chúa, hay ai khác, hoặc cái gì đó đêm ngày đang chiếm ngự tâm hồn, trí nhớ, trí tưởng của tôi?  Nếu tôi luôn mơ tưởng về Chúa, tôi sẽ rất dễ để nhận ra Ngài trong mọi nơi tôi hiện diện.  Tôi có thể nhận ra sự hiện diện của Ngài ngay trong giờ cầu nguyện này không?  Hãy để ý, chiêm ngắm, tôn thờ và chia sẻ niềm vui về Ngài cho mọi người chung quanh tôi, trong ngày sống của tôi.

2.      Thứ hai, Hài Nhi Giêsu ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.  Đây là một điểm quan trọng trong đời sống tu đức.  Tôi sẽ thật sự bước vào đời sống tu đức, khi tôi nhận ra tôi luôn là con cưng của Thiên Chúa.  Khi ấy, tôi sẽ mạnh dạn trong từng bước đi của cuộc sống, cảm thấy mọi việc tôi làm như là phúc lành của Thiên Chúa, và tìm thấy sự hiện diện của Ngài luôn ở bên tôi.  Trong lặng lẽ của giờ cầu nguyện này, tôi muốn xin cho được ơn này, là: nhận biết tôi luôn là con cưng của Thiên Chúa, và Ngài hằng yêu mến bênh vực tôi.  Tôi cảm thấy thế nào khi được ơn này?  Hãy cảm nghiệm và trân quý thật sâu món quà này.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, December 28, 2020

Thứ Ba Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 29-12-2020

Thu Ba BNGS 

1 Gioan 2:3-11

3Anh [chị] em thân mến, căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. 4 Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. 5 Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.  Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa. 6 Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi. 7 Anh [chị] em thân mến, đây không phải là một điều răn mới tôi viết cho anh [chị] em, nhưng là một điều răn cũ mà anh [chị] em đã có ngay từ lúc khởi đầu.  Điều răn cũ ấy là lời mà anh [chị] em đã nghe. 8 Nhưng đó cũng là một điều răn mới tôi viết cho anh [chị] em, -điều ấy thật là thế nơi Đức Giê-su và nơi anh [chị] em-, bởi vì bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật đã tỏ rạng. 9 Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh [chị] em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. 1 0 Ai yêu thương anh [chị] em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. 11 Nhưng ai ghét anh [chị] em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.

(Trích Thư Gioan I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay trích từ Thư Gioan I, vẫn còn thích hợp với đời sống của tôi hiện nay.  Từ thời Thánh Gioan cho đến nay vẫn thế, lắng nghe lời Chúa thì thật dễ nhưng thực hành thật khó biết bao, đặc biệt là lời dạy về đức yêu thương và tha thứ.  Trong những ngày của Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, tuần lễ đặc biệt tôn kính và kỷ niệm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh cho tôi, kể từ hôm nay trở đi tôi muốn xin biết sống yêu thương hơn trong mọi môi trường sống quanh tôi.  Làm được như vậy chính là tuân giữ luật của Chúa.  Tôi ngồi bên Chúa trong lúc này và lắng nghe Chúa dạy tôi phải sống như thế nào trong ngày hôm nay, trong tương quan với trời đất, với mọi người và với mọi sinh vật.  Tôi sẽ làm gì, nói gì để chứng tỏ tôi thật sự thuộc về Chúa và tôi thật sự là người hơn.

2.      Ở phần cuối của bài đọc hôm nay, Gioan diễn tả rõ hơn ích lợi của việc tuân giữ luật Chúa, và đâu là dấu chỉ của một đời sống có Chúa.  Đó chính là: “Ai yêu thương anh [chị] em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.  Nhưng ai ghét anh [chị] em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.”  Tôi đọc lại câu nói này nhiều lần và để ý tôi đang sống trong ánh sáng hay bóng tối?  Ánh sáng đang cho tôi những gì và dẫn tôi đi đâu?  Bóng tối đang thỏa mãn tôi điều gì và đang dẫn tôi đi đâu?  Tôi lắng đọng và để ý Chúa đang chờ đợi tôi ở đâu: trong ánh sáng hay bóng tối?   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Gương Thành Công - STEVEN SPIELBERG – NGƯỜI ĐÃ DÁM BIẾN ƯỚC MƠ THÀNH HIỆN THỰC

Mo Uoc

Spielberg sinh, 1948, tại Cincinnati, Ohio.  Cha của ông là một kỹ sư điện, người đã góp phần cho sự phát triển của vi mạch trong máy tính và ghi dữ liệu cho băng ghi âm.  Vì kinh nghiệm làm việc của cha, gia đình thường xuyên di chuyển nhiều nơi khi ông còn nhỏ, và cuối cùng đã định cư ở California.  Ông theo học tại một trường Do Thái, 1953-1957, và đã gặp phải nhiều thành kiến về tôn giáo của mình.  Điều này đã ảnh hưởng đến việc học, khiến ông chỉ đạt ở mức điểm trung bình.

Spielberg là một nhà làm phim nghiệp dư khi còn nhỏ.  Năm 8 tuổi, Spielberg được bố đưa đi xem một bộ phim về xiếc, có tựa đề: The Greatest Show on Earth.  Khi ấy, ông tưởng rằng mình đang xem xiếc thật.  Một cảnh trong phim về một vụ tai nạn tàu hỏa đã làm ông chú ý.  Sau đó, ông đã xin bố một bộ đồ chơi xe lửa để tái hiện lại những gì đã thấy trong phim, nhưng bố không cho.  Ông đã phải tìm cách quay phim một vụ đụng xe lửa để có thể xem đi xem lại mà không làm hỏng đồ chơi.  Kể từ đó, ông bắt đầu say mê điện ảnh.

Sau trung học và vì điểm quá yếu, Spielberg đã bị trường điện ảnh University of Southern California (USC) từ chối cho nhập học.  Thay vào đó, ông theo học ngành Anh Văn tại California State University, Long Beach.  Trong thời gian này, ông xin thực tập trong ban biên tập tại Universal Studios Hollywood (Universal Studios Hollywood là một phim trường và công viên giải trí ở khu vực Thung lũng San Fernando của Quận Los Angeles, California.  Đây là một trong những phim trường lâu đời nhất và nổi tiếng nhất của Hollywood vẫn còn được sử dụng).  Nhờ thực tập ở Universal mà ông đã được phép làm một bộ phim ngắn.  Bộ phim có tên: “Amblin,” sau đó đã được tham dự Liên hoan phim ở Atlanta, 1969.  Bộ phim ấy đã được đón nhận một cách nồng nhiệt và được chiếu tại một số liên hoan phim khác và trong một số lượng hạn chế tại các rạp.  Điều này đã gây chú ý đến Universal Studios, khiến ông được họ ký một hợp đồng 7 năm để làm đạo diễn.

Spielberg bắt đầu sự nghiệp của mình tại Universal bằng việc đạo diễn các chương trình giải trí truyền hình nhiều tập.  Ông đã đạo diễn cho Night Gallery, Marcus Welby, M.D.Columbo, cùng những chương trình khác.  Sau đó, ông đã nhận được những cơ hội làm đạo diễn cho những chương trình lớn hơn, bao gồm cả việc đạo diễn cho một phim dài 90 phút của The Name of the Game, có tên: “L.A. 2017”.  Các giám đốc điều hành đã rất ấn tượng, đến mức họ đã ký hợp đồng với ông để nhờ đạo diễn cho 4 bộ phim.  Bộ phim đầu tiên mà ông đạo diễn là: Duel, 1971, được xem là phim đầu tay chính thức của ông.  Duel đã hấp dẫn một lượng khán giả lớn và được phát hành tại các rạp bên ngoài Hoa Kỳ, nhờ đó đã đưa Spielberg lên đài danh vọng.  

Mặc dù phản ứng tích cực dành cho Duel đáng kể để gợi ý rằng, bước đột phá của Spielberg đang đến gần, nhưng điều đó đã không xảy ra như dự đoán.  Thay vào đó, sự nghiệp của Spielberg đã lùi lại một bước trước khi tiến lên một lần nữa.  Sau Duel, Spielberg được mời làm đạo diễn nhiều bộ phim khác nữa.  Ông đã duyệt nhiều kịch bản nhưng không tìm thấy điều gì khiến ông quan tâm.  Về cơ bản, ông đã rút lui khỏi hãng phim để thực hiện một dự án riêng của mình, đó là: The Sugarland Express, 1974.  Mặc dù bộ phim này được giới phê bình đánh giá cao, nhưng không thành công lắm ở các rạp.

Spielberg có lẽ là đạo diễn và là nhà sản xuất phim nổi tiếng nhất trong làng phim Hollywood, ở mọi thời đại.  Ông nổi tiếng với việc tạo ra những bộ phim giải trí thu hút được nhiều đối tượng khán giả.  Điển hình như Jaws, The Indiana Jones, Jurassic Park, E.T. và War of the Worlds.  Tuy nhiên, các bộ phim của ông không chỉ thu hút được sự yêu thích rộng rãi, mà còn được giới phê bình đánh giá cao.  Spielberg đã được đề cử đến 18 Giải Oscar, một cho giải Đạo diễn xuất sắc, và một cho giải Phim hay nhất.  Một số phim nổi tiếng được giới phê bình đánh giá cao bao gồm Saving Private Ryan, The Color Purple, Lincoln, MunichSchindler’s List.  Tổng cộng, ông đã tham gia với tư cách là đạo diễn trong 32 bộ phim và đã thu về tổng cộng hơn 10 tỷ đô la tại các phòng vé trong nước.  Ngoài vai trò đạo diễn, Spielberg còn là một nhà sản xuất quan trọng.  Ông đã giúp sản xuất nhiều bộ phim rất nổi tiếng, bao gồm Back to the Future, Gremlins, The Goonies, Who Framed Roger Rabbit, Twister, Men in BlackTransformersNăm 1994, ông đồng sáng lập hãng phim Dreamworks SKG, được Paramount Pictures mua lại vào năm 2005.

Ồ, sau khi nổi tiếng, Spielberg đã được USC, trường mà đã từ chối ông nhập học trước kia, trao bằng danh dự!

Ước mơ của bạn là gì?  Bạn sẽ làm gì kể từ hôm nay để biến ước mở của bạn trở thành hiện thực?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, December 27, 2020

Thứ Hai Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 28-12-2020 – Lễ Các Thánh Anh Hài

Thu Hai Bat Nhat Giang Sinh

Mát-thêu 2:13-18

13Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập. 16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. 17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: 18Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rỉ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.   Tôi có thể cảm thấy những ngày này rất bận rộn, không chỉ cuộc sống bên ngoài với những tiệc tùng, chợ búa, quà cáp và thiệp mừng, nhưng còn những giao động nội tâm nữa với những ý lễ rất lớn, rất quan trọng và rất phong phú cho đời sống đức tin.  Mới mấy hôm trước Giáo hội mừng Đại lễ Giáng Sinh, sau đó là lễ Thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi, hôm qua là lễ Thánh Gia Thất và hôm nay là lễ Các Thánh Anh Hài, tức những trẻ thơ bị Vua Hê-rô-đê giết, như được mô tả trong bài đọc hôm nay.  Các thánh hài nhi chết vì sự độc tài, và tàn ác của Vua Hê-rô-đê khi biết tin Chúa Giêsu ra đời để trở thành vị vua cao cả của cả nhân loại.  Điều này làm Hê-rô-đê ghen tức.  Sự độc tài và ghen tương dễ có thể làm người ta hành xử thiếu bình tĩnh và lý trí.  Tôi có kinh nghiệm này không?  Có thể sự ghen tức của tôi chưa đến hành động cầm giao hay súng giết người vô tội thật sự, nhưng tôi đã dùng cái miệng thối, cái tâm mục rữa và “cặp mắt mang hình viên đạn” của tôi giết chết những người vô tội xung quanh tôi một cách không thương tiếc, qua những cái nhìn hiềm kỵ và lời xấu chê bai, bịa chuyện về những người tôi không ưa.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn được thấy những lần tâm tôi rất độc, lời tôi rất cay, ánh mắt tôi rất sắc ấy, và xin được sửa đổi, chữa lành.  Xin cho từ nay trở đi, không người vô tội nào quanh tôi phải chết hay mang thương tích vì tôi nữa.

2.    Chuyện Chúa Giêsu đã là một trẻ tị nạn trốn qua Ai-cập đã 2000 năm, xưa lắm rồi.  Hôm nay mừng lễ Các Thánh Hài Nhi, tôi có thấy những trẻ em vẫn đang bị giết, vẫn đang phải là những trẻ em tị nạn không?  Đó là các trẻ em bị cắt, bị băm khỏi lòng mẹ.  Đó là những trẻ em di dân và tị nạn bị chính quyền giật và giam hãm khỏi gia đình của chúng ở những vùng biên giới.  Đó là những em bị bắt cóc, bị bán làm mãi dâm trên thế giới.  Đó là những em bị ruồng bỏ bởi chính cha mẹ của các em.  Đó là các trẻ em vô gia cư.  Đó là các em bị tách ra khỏi mái ấm gia đình vì cha mẹ ly dị.  Đó là các em tị nạn ngay chính trong gia đình của các em khi cha mẹ đánh đập và bỏ rơi các em.  Đó là các em đang bị lạm dụng tình dục bởi những người lớn chung quanh chúng.  Tôi muốn dành giây phút này cầu nguyện cho tất cả các thánh hài nhi đang sống chung quanh tôi và trong đất nước của tôi lúc này.  Xin cho tôi biết cảm thông, quảng đại, nhạy bén và rung động, biết giúp đỡ những trẻ em đang bị lấy đi mạng sống và tuổi thơ hôm nay.    

Phạm Đức Hạnh, SJ  

 

 

Saturday, December 26, 2020

Chúa Nhật Bát Nhật Lễ Giáng Sinh – Năm B – 27-12-2020 – Lễ Thánh Gia Thất

Thanh Gia That

Luca 2:22-40

22Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn.  Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.  Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: 29“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên.  Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.  Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se.  Bà đã nhiều tuổi lắm.  Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Lễ Thánh Gia Thất, tức là lễ kính gia đình Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu.  Tôi thường hay nghĩ gì về gia đình rất thánh này?  Có phải đó là một gia đình hoàn hảo, không bao giờ cãi cọ xích mích và hiểu lầm với nhau?  Có phải đó là một gia đình luôn có thiên thần rỉ tai cho biết đâu là ý Chúa, đâu là những khó khăn sắp xảy ra để tránh?  Nếu tôi hiểu gia đình rất thánh này như vậy, việc mừng lễ kính Thánh Gia Thất hôm nay vô nghĩa.  Bởi, họ chẳng giúp ích gì cho tôi và gia đình tôi hôm nay.  Mặt khác, không bao giờ có một gia đình như vậy.  Kể cả Thánh Gia Thất cũng có muôn vàn khó khăn, cũng rất chật vật trong việc tìm kiếm thánh ý Chúa.  Tôi có thể thấy những khó khăn ấy xảy ra ngay từ khi họ vừa được thiên thần truyền tin, rồi đến khi sinh con, sau đó phải đem con đi tị nạn, và trở về quê hương…  Tôi có thấy Thánh Gia Thất đã trải qua những khó khăn rất người giống tôi không?  Những kinh nghiệm thực tế đời sống và đức tin của họ giúp gì cho đời sống và đức tin của tôi hiện nay?  Tôi muốn nói chuyện với các Ngài trong lúc này và xin một sự giúp đỡ từ các Ngài chăng?

2.      Bài đọc hôm nay mở đầu bằng một hình ảnh rất đẹp, rất đạo đức, đầy tin tưởng phó thác vào Chúa và rất thật với đời thường của Thánh Gia Thất.  Họ là những người đạo hạnh, lên đền thờ theo như luật dạy và với cả niềm tin.  Kết thúc bài đọc, hình ảnh rất đẹp và thơ mộng ấy bị bao phủ bằng những lời của Tiên tri Simeon.  Lời của tiên tri nói về Chúa Giêsu như làm cho lòng Đức Mẹ và Thánh Giuse chùng xuống bởi những nỗi lo.  Tuy nhiên, tôi cũng đọc thấy ở đây một niềm tin vững mạnh ở Chúa và sự mở lòng cho ơn Chúa làm việc nơi họ.  Đức tin của tôi đang đóng một vai trò như thế nào trong đời sống của tôi hiện nay?  Giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, đức tin của tôi đang ở đâu?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời Kinh Thánh Gia Thất: Lạy Thánh Gia, xưa Thánh Cả Giuse đã dẫn đưa Mẹ Maria và Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập, Thánh Gia đã chia sẻ những gian nan trong đời sống.  Xin cho gia đình chúng con, biết cảm thông và sống theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh, biết lắng nghe và kính trọng nhau lúc vui cũng như lúc buồn, biết nhẫn nhục và hòa giải khi tính tình và cách cư xử khác nhau, biết hiếu nghĩa và chung thủy từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, biết lấy gương lành mà dưỡng dục con cái.  Giêsu, Maria, Giuse, đời chúng con sóng gió ba đào, xin Thần Linh Chúa ban ơn can đảm, kiên trì.  Gia đình chúng con trẻ già xung khắc, xin ban ơn quảng đại tha thứ, để chúng con an vui chấp nhận lẫn nhau.  Giáo Hội Chúa cần nhiều tín hữu nhiệt thành sốt mến, xin cho chúng con biết phụng sự, tin yêu, để cùng nhau xây dựng nước Chúa muôn đời. Amen.”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, December 25, 2020

Thứ Bảy Tuần Lễ Giáng Sinh – Năm B – 26-12-2020 – Lễ Thánh Tê-pha-nô, Tử Đạo Tiên Khởi

Thu Bay GS 

Công Vụ Tông Đồ 6:8-10, 7:54-60

6/8Thời đó, ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. 9 Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô. 10 Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.

7/54Khi nghe những lời ông nói, họ giận điên lên, và nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô. 55 Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. 56 Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” 57 Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông 58 rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá.  Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. 59 Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.” 60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.”  Nói thế rồi, ông an nghỉ.

(Trích Công vụ Tông đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm qua Giáo hội mới mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, một ngày lễ đầy vui mừng, hy vọng, yêu thương và rất tráng lệ.  Hôm nay, Giáo hội lại mừng lễ Thánh Tê-pha-nô tử đạo!  Hai bức tranh đối lập nhau quá lớn giữa sống và chết, giữa vui mừng và đau khổ.  Như vậy, Giáo hội đã muốn nhắc nhở tôi con đường theo Chúa, không phải ngày nào cũng là ngày Giáng Sinh với ca hát và quà cáp tưng bừng, nhưng sẽ có những ngày sợ không còn máu mặt, đau khổ, trốn chui trốn nhủi, bị đánh đập và bị giết.  Tôi cảm thấy nào về con đường theo Chúa?  Tôi chuẩn bị và sẵn sàng theo Chúa như thế nào trong năm nay?  Tôi cần Chúa giúp gì trong hành trình theo Ngài? 

2.      Ba cuộc tử đạo nổi bật nhất trong Tân Ước, đó là: cuộc tử đạo của Thánh Gioan Tẩy Giả, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và cuộc tử đạo của Thánh Tê-pha-nô.  So sánh ba cuộc tử đạo này tôi thấy, có một mốc điểm rõ ràng giữa Do-thái giáo và Kitô giáo.  Thánh Gioan Tẩy Giả là giao điểm giữa Cựu Ước và Tân Ước.  Kể từ Thánh Gioan trở về Cựu Ước đã có rất nhiều những cuộc cấm và bách hại đạo, nhưng phải từ sau Thánh Gioan tôi mới thấy có sự khác biệt nơi các vị tử đạo.  Trong tường thuật về cuộc tử đạo của Thánh Gioan không thấy có sự tha thứ, nhưng kể từ khi Chúa Giêsu bị tử hình trên thánh giá, sự tha thứ đã xuất hiện.  Từ trên thánh giá trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những người đã giết Ngài.  Kể từ đó, Thánh Tê-pha-nô cũng đã cầu nguyện cho những người giết ngài, trước khi ngài chết.  Rồi, biết bao nhiêu Kitô hữu khác đã bị giết hại, các ngài cũng đã dám cầu nguyện xin ơn tha thứ cho những người đã giết các ngài.  Họ đã theo sát những gì Chúa Giêsu đã dạy: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ các con (Mt 5:43-44).  Tôi có thể sống lời dạy tha thứ của Chúa Giêsu như Thánh Tê-pha-nô đã sống qua không?  Tôi có đang gặp khó khăn với một ai, và cảm thấy rất khó thương họ không?  Trong giây phút này, tôi muốn quỳ xuống và cầu nguyện cho người ấy.  Tôi cũng xin Chúa chữa lành những vết thương do người ấy gây nên, và xin ơn can đảm để dám yêu người.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Mây Ơi Mưa Xuống,” của Nguyễn Duy, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=8rAv7wX6aJw

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, December 24, 2020

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH ĐẾN TẤT CẢ GIA ĐÌNH VÀ BẠN HỮU

Thiep GS



 

Thứ Sáu Tuần Lễ Giáng Sinh – Năm B – 25-12-2020 – Đại Lễ Giáng Sinh

Le GS

Luca 2:15-20

15Khi các thiên sứ rời những người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: “Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.” 16 Họ liền hối hả ra đi và gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là ngày Lễ Giáng Sinh và lời Chúa từ Phúc âm Luca kể rằng, các mục đồng khi được báo tin về Đấng Cứu Thế đã sinh ra, họ liền hối hả đi tìm gặp Hài Nhi Cứu Thế và họ đã gặp.  Trong Lễ Giáng Sinh hôm nay, tôi muốn soi lòng tôi xem, có một chút hăm hở tìm gặp Chúa không?  Lòng tôi đang giao động vì chuyện gì?  Lòng tôi có thấp thỏm đi tìm Chúa không, hay tôi đang đi tìm ai và tìm cái gì khác?  Tôi lắng nghe xem lòng tôi đang ở đâu.

2.      Giáng Sinh là ngày lễ của vui mừng.  Vui mừng vì cả nhân loại được món quà rất lớn và độc nhất đó là, chính Chúa làm người và ở giữa mọi người.  Các mục đồng đã gặp và trở về trong niềm vui, ca tụng Thiên Chúa.  Tôi có vui không khi tôi đã được gặp Chúa, từ ngày tôi gia nhập Kitô giáo?  Tôi có vui không, mỗi lần tham dự Thánh lễ và cầu nguyện?  Tôi có vui không mỗi khi Noel về, và đặc biệt là Noel này?  Nếu tôi chẳng bao giờ vui vì được là Kitô hữu, mỗi lần đi tham dự Thánh lễ cầu nguyện, và mỗi khi Noel về, chắc chắn tôi chưa bao giờ gặp Chúa.  Tôi có thể nói chuyện với các thiên thần, các mục đồng trong lúc này, xin họ chỉ cho tôi cách tìm gặp Chúa trong Giáng Sinh này.  Tôi cũng xin Chúa cho tôi có lòng khao khát tìm gặp Chúa luôn, không chỉ trong Mùa Noel này mà cả cuộc đời còn lại của tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Đêm Thánh Vô Cùng”, lời Việt của Hùng Lân, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=4b0Kpp_E3As

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, December 23, 2020

Thứ Năm Tuần Lễ Giáng Sinh – Năm B – 24-12-2020 – Lễ Vọng Giáng Sinh

Vong GS 

Luca 2:1-14

1Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. 2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. 3 Ai nấy đều về thành của mình mà khai tên tuổi. 4 Bởi thế, ông Giu-se cũng từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành vua Đa-vít gọi là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình và dòng tộc vua Đa-vít. 5 Ông lên đó khai tên cùng với bà Ma-ri-a là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai. 6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. 7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. 9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ sợ hãi kinh hoàng. 10 Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: 11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. 12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” 13 Bỗng có đạo binh thiên quốc đông đảo hợp với sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa rằng: 14“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Giáng Sinh đã đến!  Giáng Sinh là Mùa của an bình, của yêu thương, nhưng có lẽ đây là mùa bận rộn nhất trong năm đối với nhiều người.  Giáng Sinh đã bị thương mại hóa, khiến ai nấy đều bận rộn cho mua sắm, chuẩn bị bên ngoài như làm hang đá, trang trí nhà thờ, tiệc tùng, mà thiếu đi những gì cần thiết nhất, quan trọng nhất của Mùa Giáng Sinh, đó là: một tâm hồn bình an để có thể chiêm ngắm thật sâu tình yêu rất lớn lao của Thiên Chúa dành cho con người, đặc biệt là cho tôi.  Trong những giờ chuẩn bị mừng sinh nhật Chúa Giêsu, tôi muốn tìm cho tôi những giờ phút thật lắng đọng, bỏ qua mọi lo lắng bên ngoài để ở thật yên, đem đầu trở về với tâm, để được ở thật gần bên Mẹ Maria và Thánh Giuse, không chỉ để hiểu được tâm trạng của các ngài lúc đó, nhưng quan trọng hơn đó là, xin các ngài giúp tôi biết đón Chúa Giêsu chào đời trong cuộc đời tôi hôm nay.  Tôi muốn hình dung và đặt mình vào trong bối cảnh của đoạn Tin Mừng trên, để cảm nghiệm những gì mà hai ngài đã đi qua năm xưa.  Thánh Luca cho tôi biết, các ngài từ nơi xa trở về quê quán để khai sổ bộ theo lệnh của vua.  Đường xá thật xa và đi lại rất khó khăn, nhưng lại càng khó khăn hơn khi bụng Mẹ Maria mang bầu và sắp đến ngày sinh.  Nỗi sợ vì biết ngày sinh đã có thể đến bất cứ khi nào, càng sợ cũng như tủi nhục hơn nữa khi không tìm được một chỗ nào để trọ giữa lúc rất nguy cập đó.  Giuse và Mẹ Maria đã làm gì những gì lúc ấy để bảo vệ nhau, đặc biệt để bảo vệ con sắp chào đời?  Tôi là ai trong bối cảnh này?  Tôi đã làm những gì để giúp họ chuẩn bị sinh Chúa Cứu Thế?  Tôi muốn nói gì với Thiên Chúa làm người giống như tôi, vì tôi và cho tôi?  Tôi sẽ sống và làm gì để xứng đáng với tình yêu cao cả này?

2.      Giáng Sinh là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời và cho cả nhân loại, vì món quà vô giá là Thiên Chúa làm người.  Khi tôi chiêm ngắm cảnh nghèo vô gia cư của Gia đình Thánh gia, không phải là để tôi cảm thấy tội nghiệp Gia đình Thánh gia, đặc biệt là tội nghiệp Chúa, để rồi mất đi niềm vui thật lớn này; trái lại, để hôm nay và từ nay trở đi tôi không muốn để mất một chút ơn thánh và tình yêu cao cả nào của Chúa dành cho tôi.  Luca chỉ cho tôi dấu chỉ để nhận ra Thiên Chúa đã sinh làm người, đó là: “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”  Hình ảnh này cho tôi thấy hai điều: Thứ nhất, tôi sẽ không thể tìm thấy Thiên Chúa ở những nơi cao sang, tráng lệ, sang trọng, nơi những tâm hồn cao ngạo, nhưng nơi nào nghèo hèn, đơn sơ và khiêm hạ sẽ là nơi Thiên Chúa sinh ra.  Thứ hai, Thiên Chúa như một trẻ sơ sinh trong máng ăn của súc vật muốn nói với tôi rằng, Ngài chính là của ăn cho muôn người.  Cả hai điều này đều liên quan đến người nghèo.  Bởi vậy Giáng Sinh sẽ ý nghĩa hơn khi tôi bắt chước Thiên Chúa, cũng đến với những người nghèo và đau khổ quanh tôi, bởi chỉ ở đó tôi mới gặp được Thiên Chúa.  Mà ở đâu có Chúa, ở đó là thiên đàng.  Như một người nào đó đã nói: Không ai có thể vào được thiên đàng nếu không có giấy giới thiệu của những người nghèo!  Tôi muốn làm gì và bằng những cách thức nào để gặp Chúa trong những người nghèo quanh tôi, ngay trong Mùa Giáng Sinh này?  Tôi xin Chúa cho lòng tôi biết rung cảm và quảng đại với những người nghèo, đau khổ quanh tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Đêm Đông,” của Hải Linh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=saLv6i87A4Y

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, December 22, 2020

Thứ Tư Tuần IV Mùa Vọng – Năm B – 23-12-2020 – Lễ Thánh Gioan Kanty

Thu Tu IV MV

Luca 1:57-66

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được!  Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ.  Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”  Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

(Trích Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Ít nhất có hai điểm đáng cho tôi suy nghĩ và cầu nguyện từ bài đọc hôm nay, trong mùa lễ này.  Điểm thứ nhất, những người láng giềng và thân thích đã đến chia vui và chúc mừng ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét, vì Chúa đã tỏ lòng thương xót mà ban cho ông bà có được một người con khi tuổi đã già.  Đây chẳng phải là phong tục của những người ngày xưa trong văn hóa Do-thái, mà là chuyện thường tình, bất cứ ai, bất kỳ văn hóa, cũng như thời đại nào cũng làm như vậy, mỗi khi ai đó có được một niềm vui.  Kể cả tôi cũng đã nhiều lần được người khác chúc mừng và chia vui, và chính tôi cũng đã chúc mừng và chia vui với nhữnng người khác.  Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, có những khi người khác vui và thành đạt nhưng tôi lại chẳng vui với họ, trái lại còn ghen tức, thậm chí nói xấu họ nữa.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn nhìn vào những thói xấu đó của tôi, những lúc tôi xấu ăn xấu ở với những người chung quanh, những lúc tôi đã rất hà tiện về lời khen, lời cám ơn, chúc mừng và nâng đỡ khuyến khích người khác.  Vấn đề không phải là thành công của họ mà tôi ghen tức, vấn đề là tôi ích kỷ đến bệnh hoạn, khiến tôi không nghĩ tích cực được, không nói được những lời cao đẹp trước sự thành công của người khác.  Tôi xin Chúa chữa lành những bệnh hoạn trong tôi để từ nay, tôi luôn biết vui với người vui và khóc với người khóc.    

2.      Điểm thứ hai, tám ngày sau bà con hàng xóm đến chúc mừng ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét trong ngày ông bà đặt tên cho con của họ.  Ngày hôm nay để hệ thống hóa dân số, một số nước đã có giấy khai sinh và khai tử cho mỗi người, chính vì thế mà việc đặt tên xảy ra ngay trong bệnh viện, chứ không tám ngày sau khi sinh như ngày xưa ở Do-thái, và ở Việt Nam, nhiều nơi, lại còn lâu hơn nữa, mãi khi lập gia đình mới có tên thật.  Nói về lễ đặt tên trong bài đọc hôm nay, cách đặt tên của Việt Nam khá phức tạp.  Tùy triều đại, giai cấp, vùng miền, văn hóa địa phương, trình độ học vấn, tuổi tác, giới tính mà người ta có “tên tục” (Tên cha mẹ gọi lúc mới sinh, chỉ gọi lúc còn bé, và thường là những tên xấu, rất tục như: Hĩm, Thẹp, Bùi (Buồi), Cược (Cặc), Cu, Cò, Cún, Đẹt, Còm, Đực, Đĩ… Bởi do mê tín dị đoan tin rằng, đặt tên xấu để dễ nuôi con và để ma quỷ khỏi bắt), “tên tộc” (Tên của người cha hoặc của người mẹ, như: Ông A sinh ra con trai B, nên gọi B là ‘Thằng Cu A’), “tên thụy” (Tên trong giới nho sĩ do người còn sống đặt cho người đã qua đời.  Có hai loại tên thụy: Công thụy - do vua đặt và Tự thụy - do con cháu, bạn bè hoặc đồ đệ đặt), “nhũ danh” (Tên lúc còn măng sữa, do chữ “nhũ” nghĩa là sữa, dùng cho cả nam lẫn nữ.  Ngày nay, người ta thường hiểu “nhũ danh” là nói về tên thật của người vợ trước khi lập gia đình), “tên cúng cơm” hay còn gọi là “tên hèm” (Tên chính thức dùng để khấn khi cúng giỗ, phân biệt với các tên khác đã được đặt ra khi còn sống), “tên tự” hay “tên chữ” (Cách đặt tên này do lấy chữ của một câu trong những sách thánh hiền, có liên quan đến tên húy, và tên này chỉ đặt cho con trai khi đến tuổi trưởng thành), “tên húy” (Tên của hoàng tộc, do cha mẹ vua đặt khi nhỏ, khi đã lớn thì được gọi bằng tên khác và mọi người phải tránh không được nói đến tên ấy.  Chính vì thế trong tên tiếng Việt đã có nhiều tên và chữ được gọi chệch đi, dù hai chữ phát âm khác nhau nhưng cùng nghĩa, để tránh phạm húy, như: hoa thành huê, tùng thành tòng, cảnh thành kiểng, Phúc thành Phước, Chu thành Châu, vì có Chúa Phúc Chu, Hoàng thành Huỳnh vì có Chúa Nguyễn Hoàng...  Những người Do-thái đã muốn dựa vào truyền thống và tập tục của họ mà đặt tên cho người con của ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét.  Tuy nhiên, ông bà đã không đồng ý và muốn tên con của họ phải được đặt theo những gì Chúa đã dạy bảo.  Da-ca-ri-a đã câm lặng trong chín tháng, chắc hẳn ông đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện ông bà có con một cách lạ lùng, và cũng nghĩ rất nhiều về cái tên mà thiên thần nói ông phải đặt cho con của họ, Gioan.  Khi hai ông bà đặt tên cho con là Gioan, bỗng dưng ông nói được.  Gioan trong tiếng Do-thái có nghĩa là Thiên Chúa là Đấng Từ Bi.  Quả thực, Ngài là như vậy trong kinh nghiệm tỏ tường của ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét.  Tôi hôm nay đã biết Chúa, là con cái của Chúa, tôi có còn mê tín dị đoan khi đặt tên cho con không?  Tôi đã là con cái Chúa, cách đặt và gọi tên cho con cái có phản ảnh tôi là một người có niềm tin và thật sự tin vào Thiên Chúa, để mỗi lần gọi tên con cũng là lúc tôi cất lời ca tụng Chúa, để mỗi lần gọi tên con, cả một khung trời kỷ niệm giữa tôi với Chúa khi Ngài ban tặng cho tôi người con này người con kia, cùng những lời nguyện tôi đã luôn cầu xin cùng Chúa khi tôi mang thai chúng?  Tôi muốn nói gì với Chúa về từng đứa con của tôi?  Tôi đã có những ước mơ gì khi mang thai và đặt tên cho chúng?  Tôi cầu nguyện và cộng tác một cách đắc lực với ơn Chúa để những ước mơ ấy cho con cái được thành hiện thực.  Tên tôi là gì?  Cha mẹ tôi đã ước mơ về tôi như thế nào khi đặt cho tôi tên ấy?  Tôi dâng lời cầu nguyện cho cha mẹ của tôi.  Chúa có ước mơ gì về tôi?  Tôi muốn hỏi Ngài trong lúc này và tôi sẽ làm gì để ước mơ của Chúa nơi tôi được thành hiện thực?    

Phạm Đức Hạnh, SJ