Wednesday, January 31, 2018

Thứ Năm – Tuần IV Thường Niên – Năm B - II – 1-2-2018

Thu Nam IV TN

1 Vua 2:1-3

1 Khi thấy mình đã gần đất xa trời, vua Đa-vít truyền dạy Sa-lô-môn con mình rằng:2 "Cha sắp bước vào đoạn đường mà mọi người trên đời phải đi qua; con hãy can đảm lên và sống cho xứng bậc nam nhi.3 Hãy tuân giữ các huấn lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của con, mà đi theo đường lối của Người, là giữ các giới răn, mệnh lệnh, luật pháp, và chỉ thị của Người, như đã ghi trong Luật Mô-sê. Như thế con sẽ thành công trong mọi việc con làm và trong mọi hướng con đi.
(Trích Sách Các Vua I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Lời trăn trối của Đa-vít dành cho con của ông, Sa-lo-mon, thật đẹp.  Nhà vua thì không ai có thể sánh bằng về vật chất, danh vọng và quyền lực, nhưng ông lại không để cho con di sản đó, trái lại ông chỉ để cho con niềm tin, và chỉ tin cậy một mình Chúa mà thôi.  Điều Đa-vít làm cho con của ông có làm tôi suy nghĩ không?  Cả cuộc đời tôi có thể chỉ nghĩ đến vật chất, làm hết việc này qua việc khác chỉ để làm sao có nhiều tiền cho con cái sau này, làm việc nhiều và mệt mỏi đến mức tôi không còn có giờ cho Chúa nữa, tôi cũng không dạy cho con cái về Thiên Chúa phải là số một trong đời sống nữa.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem lại đời sống của tôi, đâu là những ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, đâu là điều quan trọng nhất mà tôi muốn để lại cho thế hệ mai sau?
2.      Tôi muốn đọc lại những lời dặn dò trên của Đa-vít đối với Sa-lo-mon và có thể viết riêng cho tôi những điều tôi muốn để lại cho hậu thế.  Đây có thể sẽ là lời tôi muốn trăn trối cho gia đình và người thân của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, January 30, 2018

Thứ Tư – Tuần IV Thường Niên – Năm B - II – 31-1-2018

Thu Tu IV TN

Mác-cô 6:1-6

1 Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo.2 Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?3 Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Và họ vấp ngã vì Người.4 Đức Giê-su bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi."5 Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ.6 Người lấy làm lạ vì họ không tin.
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Chúa Giêsu đã thất bại ngay chính ở quê nhà và với người thân của Ngài.  Người ta đặt rất nhiều câu hỏi mà không cần câu trả lời, họ tự trả lời, họ tự cho rằng là biết hết về Chúa Giêsu rồi.  Cái tự mãn này đã khép kín lòng họ.  Thái độ “Bụt nhà không thiêng” đã ngăn cản con mắt đức tin của họ và Chúa Giêsu đành phải bó tay, không làm được gì.  Có một cái gì đang ngăn cản sự mở lòng của tôi với Chúa không?  Có một cái gì đang xảy ra trong tôi khiến Chúa bó tay, không làm được gì cho tôi?  Lạy Chúa xin mở lòng con, mở mắt con, mở tai con, mở tâm con để con được Chúa chiếm hữu và được Ngài biến đổi hoàn toàn.
2.      “Người lấy làm lạ vì họ không tin.”  Chúa có cảm thấy lạ đối với tôi không, khi mà tôi đi đạo đã bao nhiêu năm, nhưng lối sống của tôi cũng chẳng khác những người vô thần, hoặc còn tệ hơn họ nữa?  Sự an tâm của tôi, nào là: “tôi là con nhà có đạo, tôi thuộc đạo gốc, tôi cầu nguyện và lễ lạy đầy đủ cả…!”  Chúa có thể rất ngạc nhiên và bất lực đối với tôi vì những suy nghĩ an tâm này.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Tôi muốn xin Chúa điều gì trong lúc này, phải chăng xin cho tôi được sự khiêm nhường, nhìn nhận tôi vẫn chưa là gì trên con đường nhân đức, cần được Chúa giúp? 
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Monday, January 29, 2018

Thứ Ba – Tuần IV Thường Niên – Năm B - II – 30-1-2018

Thu Ba IV TN2 Samuel 18:9-17, 24-33

9 Áp-sa-lôm bị bề tôi vua Đa-vít bắt gặp. Áp-sa-lôm đang cưỡi con la đi vào dưới một cây vân hương lớn, cành lá chằng chịt. Đầu y mắc vào cây vân hương và y bị treo giữa trời và đất, còn con la y cưỡi thì đi mất.10 Một người trông thấy và báo tin cho ông Giô-áp: "Này, tôi thấy Áp-sa-lôm treo trên một cây vân hương."11 Ông Giô-áp nói với người đã báo tin cho ông: "Này, anh đã thấy, sao anh không hạ nó ngay tại chỗ? Như thế, hẳn ta đã phải cho anh ba lượng bạc và một cái thắt lưng rồi!"12 Người kia nói với ông Giô-áp: "Giả như người ta cân ngay vào tay tôi ba trăm lượng bạc, tôi cũng không dám ra tay hại hoàng tử, vì chính tai chúng tôi đã nghe đức vua ra lệnh cho ông, ông A-vi-sai và ông Ít-tai rằng: "Dù là ai đi nữa, các người cũng phải giữ gìn cậu Áp-sa-lôm!13 Cho dù tôi liều mạng làm điều thất trung ấy, thì cũng chẳng có gì giấu được đức vua, còn ông, ông sẽ đứng xa."14 Ông Giô-áp nói: "Tôi không mất thời giờ với anh như thế nữa", rồi ông cầm lấy ba cây thương trong tay, đâm vào tim Áp-sa-lôm, khi y vẫn còn sống, treo trên cây vân hương.15 Rồi mười thanh niên, người hầu cận của ông Giô-áp, xúm lại đánh Áp-sa-lôm và giết y.16 Ông Giô-áp cho thổi tù và, cùng lúc đó quân binh thôi không đuổi theo Ít-ra-en nữa, vì ông Giô-áp đã giữ quân binh lại.17 Người ta đem Áp-sa-lôm quăng vào một cái hố lớn trong rừng, rồi chất một đống đá rất lớn lên trên…24 Vua Đa-vít đang ngồi giữa hai cửa thành. Người lính canh đi tới sân thượng cửa thành, trên tường thành. Anh ngước mặt lên nhìn thì thấy một người đang chạy một mình.25 Người lính canh kêu lên và báo tin cho vua. Vua nói: "Nếu nó chỉ có một mình, tức là nó có tin mừng để báo." Trong khi người này tiếp tục đi đến gần,26 thì người lính canh thấy một người khác đang chạy. Anh gọi người giữ cửa và nói: "Kìa, một người nữa đang chạy một mình." Vua nói: "Cả người ấy cũng báo tin mừng."27 Người lính canh nói: "Tôi thấy kiểu chạy của người thứ nhất như kiểu chạy của anh A-khi-ma-át, con ông Xa-đốc." Vua nói: "Anh ta là một người tốt, anh đến để đem tin mừng, tin tốt đấy!"28 A-khi-ma-át kêu lên và nói với vua: "Kính chúc bình an!" Rồi anh sấp mặt xuống đất lạy vua và nói: "Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngài, đã nộp những kẻ giơ tay chống lại đức vua là chúa thượng của con!"29Vua hỏi: "Cậu Áp-sa-lôm có được bình an không?" A-khi-ma-át trả lời: "Con thấy có đông người xôn xao khi ông Giô-áp sai một tôi tớ đức vua và tôi tớ ngài đây, nhưng con không biết có chuyện gì."30 Vua nói: "Hãy lui ra một bên và đứng đó." Anh lui ra một bên và đứng chờ.31 Bấy giờ người Cút đến. Người Cút nói: "Xin đức vua là chúa thượng tôi nghe tin mừng. Hôm nay ĐỨC CHÚA đã phân xử để ngài thoát khỏi tay tất cả những kẻ đứng lên chống lại ngài."32 Đức vua hỏi người Cút: "Cậu Áp-sa-lôm có được bình an không?" Người Cút trả lời: "Ước chi các kẻ thù của đức vua là chúa thượng tôi và mọi kẻ đứng lên chống lại ngài để làm hại ngài, đều phải chung một số phận như cậu ấy!"
(Trích Sách Sa-mu-en II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện tuyệt đẹp về tình phụ tử và sự tha thứ.  Chuyện là Áp-sa-lôm đã cướp vua cha mình, là Đa-vít và ăn năm với các vợ cũng như cung phi của cha.  Đất nước bị chia rẽ thành phe của cha và phe của con.  Dầu Đa-vít muốn khôi phục lại vương triều của mình và cho quân tiêu diệt kẻ thù, nhưng vẫn ra lệnh cho binh lính không được giết Áp-sa-lôm.  Khi quân Đa-vít phục kích và bắt gặp Áp-sa-lôm, họ đã giết hắn ta.  Họ đưa tin cho Đa-vít, nhưng điều ông mong đợi không phải là Áp-sa-lôm đã bị giết, nhưng là hắn ta có bình an không.  Tình cha con này mới đẹp làm sao!  Tôi có thể học được gì ở Đa-vít?  Tha thứ cho kẻ thù của tôi là những người ngoài, có thể khó tha, nhưng nếu đó là người thân, tôi tha không?  Tôi muốn đọc lại câu chuyện trên và kể cho Chúa nghe về những người tôi rất khó tha thứ trong lúc này.
2.    Tình phụ tử của Đa-vít trong Cựu Ước được dùng để nói đến tình Chúa và tôi, mà tôi cũng sẽ bắt gặp câu chuyện tương tự trong Tân Ước, dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Lc 15:11-32).  Tôi có thể ở với Chúa trong giờ cầu nguyện này để cảm nghiệm thật sâu tình yêu của Ngài đang dành cho tôi.      
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, January 28, 2018

Thứ Hai – Tuần IV Thường Niên – Năm B - II – 29-1-2018

Thu Hai IV TN

Mác-cô 1:21-28

1 Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa.2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người.3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích.4 Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được.5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình.6 Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người7 và kêu lớn tiếng rằng: "Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!"8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: "Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!"9 Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm."10 Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy.11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi.12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng: "Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia."13 Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó.14 Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra.15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ.16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo.17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.18 Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người.19 Nhưng Người không cho phép, Người bảo: "Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào."20 Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Một trong những điều thường thấy ở những người bị quỷ nhập, là làm cho những người thân của họ phải đau khổ.  Đau khổ này thường kinh hoàng và tàn ác hơn những đau khổ do thiên thai, chiến tranh hay do những người xa lạ gây nên.  Ngày hôm nay người ta thường hiểu quỷ nhập không có tính huyền bí, trái lại rất gần gũi và phổ biến đó là những chứng nghiện ngập như: ma rượu, ma túy, ma cô…  Những người mắc những chứng nghiện này hành xử không khác những người bị ma nhập mà Thánh Kinh thường hay nhắc đến, họ quay lại cắn xé gia đình của họ.  Những lúc không rượu, không thuốc, không cờ bạc, họ thật là những con người dễ thương, nhưng khi có rượu, thuốc, cờ bạc vào thì họ trở thành một con người hoàn toàn khác, không còn biết gia đình là gì và sẵn sàng hãm hại, ngay cả giết chết người thân.  Tôi đang có những thứ ma này trong tôi không?  Hãy xin Chúa chữa lành.  Gia đình tôi đang có những thứ ma này không?  Xin Chúa chữa lành. 

2.     Người bị quỷ ám sau khi được chữa lành muốn theo Chúa, nhưng Chúa Giêsu nói anh ta hãy về và loan báo những gì Thiên Chúa đã làm cho anh ta, thế là đủ.  Hóa ra rao giảng tin mừng tức là nói cho mọi người về tình thương của Chúa như thế nào và đặc biệt là chính tôi cảm nghiệm được sự yêu thương đó như thế nào.  Tôi có cảm nghiệm được Chúa yêu thương tôi như thế nào không?  Nếu có tôi mới nói về Chúa một cách đúng nhất.  Nếu tôi chưa có, giây phút này là giây phút tôi có thể ngồi bên Chúa, nói chuyện với Ngài và cảm nghiệm được tình yêu Ngài đang dành cho tôi.    
Phạm Đức Hạnh, SJ 


Chúa Nhật – Tuần IV Thường Niên – Năm B - II – 28-1-2018

Chua Nhat IV TN

Mác-cô 1:21-28

21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng:"Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!"25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!"26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!"28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Trong hội đường nơi Chúa Giêsu đang hiện diện, có một người bị thần ô uế nhập, đã la lên: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!"  Câu nói này có thể hiểu là hãy để chúng tôi yên, tôi không muốn thay đổi gì hết.  Tôi có thể thấy kiểu nói này cũng có nơi cộng đoàn, gia đình và nơi bản thân tôi.  Thay đổi thật phiền phức và tôi không muốn có sự thay đổi.  Nhưng nếu tôi không thay đổi, tôi sẽ chết.  Chúa Giêsu là Thiên Chúa đầy yêu thương nên Ngài muốn cho mọi người phải được sống.  Chúa Giêsu bất chấp lời người bị thần ô uế la lớn tiếng, Ngài đã chữa cho họ.  Có một cái gì đang ám ảnh cả cuộc sống của tôi, khiến tôi không muốn gặp Chúa, không muốn cho Chúa đụng chạm và thay đổi tôi?  Tôi muốn lấy hết can đảm đến gặp Chúa trong giờ cầu nguyện này.
2.     Có lẽ đã đến lúc tôi không thể ôm mãi câu nói của cha ông chúng ta, “Đừng vạch áo cho người xem lưng”.  Câu nói này đã có sức mạnh giam hãm biết bao nhiêu người không đau khổ và bệnh tật một cách cô đơn và lẻ loi.  Một khi tôi không dám bộc lộ những yếu điểm, những thói hư tật xấu, tật xấu ấy tiếp tục làm chủ tôi chứ không phải tôi làm chủ tôi.  Tôi sống trong khép kín và sợ hãi.  Có một sự sợ hãi nào đang xảy ra trong tôi lúc này?  Tôi có sống trong tự do không?  Tôi xin Chúa giúp tôi can đảm nhìn vào những yếu đuối và xin Ngài chữa lành.

 Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, January 26, 2018

Thứ Bảy – Tuần III Thường Niên – Năm B - II – 27-1-2018

Thu Bay III TN

2 Samuel 12:1-7a

1 ĐỨC CHÚA sai ông Na-than đến với vua Đa-vít. Ông vào gặp vua và nói với vua: "Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo.2 Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm.3 Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái.4 Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông."5 Vua Đa-vít bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Na-than: "Có ĐỨC CHÚA hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết!6 Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót."7 Ông Na-than nói với vua Đa-vít: "Kẻ đó chính là ngài!” 
(Trích Sách Sa-mu-en II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Có lẽ có nhiều lý do để người ta bỏ đạo và bỏ cầu nguyện, nhưng một trong những lý chính đó là người ta sợ đối diện với sự thật, đối diện với chính Chúa và chính mình.  Bởi lời Chúa không bao giờ chỉ là một câu chuyện hay một pho sách cổ đọc cho vui, chẳng liên can gì đến đời sống hiện tại của tôi.  Trái lại lời Chúa như lưỡi gươm rọc vào tận xương tủy của người đọc, soi rõ lương tâm bất chính con người.  Câu chuyện Đa-vít trong bài đọc hôm nay nói lên điều này.  Chẳng có gì dấu kín khỏi mặt Chúa.  Tôi muốn trong giờ cầu nguyện này được nhìn thật sâu vào trong đời sống của tôi, được biết những ngõ ngách bất chính của lòng tôi.  Tôi xin Chúa cho tôi can đảm để nhìn vào con người của tôi và xin Chúa tha thứ cũng như chữa lành cho tôi.
2.      Cũng một trong những lý do chính khác nữa khiến nhiều người bỏ đạo vì cho rằng: “Tại sao trong thực tế, người công chính lại phải gặp toàn những sự ác?”  Không phải thế.  Mà thực tế là: 1) Tại người ta cứ cho rằng sự ác phải xảy ra với người ác, mới là đúng; 2) Sự ác xảy ra với mọi người, người tốt cũng như kẻ xấu, và 3) Sự ác tiếp tục xảy ra mãi là do sự thờ ơ trước sự dữ của người công chính bằng thái độ: “Đèn nhà ai nhà ấy sáng”, một thái độ lạnh lùng: “Đó không phải là việc của tôi, và chuyện đó làm gì sẽ xảy đến với tôi!”  Lời Chúa hôm nay nói rất rõ: Thiên Chúa nghe và quan tâm đến sự bất công mà những người công chính phải chịu và Ngài sai Na-than đi răn đe sự ác đó.  Thiên Chúa cũng đang mời gọi tôi trước những bất công đang xảy ra quanh tôi, ngay trong gia đình tôi, trong cộng đoàn của tôi, trong xã hội tôi.  Tôi có can đảm dám chống lại bất công không, hay tôi cứ ôm mãi câu hỏi: “Tại sao sự dữ lại xảy đến cho người công chính?” và tôi chẳng làm gì cả.  Tôi muốn hỏi Chúa tôi có thể làm gì trước bất công mà anh chị em xung quanh đang gặp phải, và xin cho tôi được can đảm dám làm điều Chúa đang thôi thúc tôi.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, January 25, 2018

Thứ Sáu – Tuần III Thường Niên – Năm B - II – 26-1-2018 – Lễ Thánh Ti-mô-thê-ô và Thánh Ti-tô

Thu Sau III TNLc 10:1-9

1 Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.2 Người bảo các ông:3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!"6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.   Bài đọc Phúc âm Luca hôm nay thường hay được dùng để nói về ơn gọi làm tu sĩ, linh mục.  Nhưng xin đừng để thói quen này làm sao nhãng lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với tôi ngay trong lúc này.  Chúa Giêsu sai bảy-mươi-hai người, điều này có nghĩa là đông lắm, nhu cầu cần thiết lắm.  Liệu trong số đông này có tôi cũng được sai đi không?  Nếu có, tôi đã từng rao giảng những gì?  Chúa Giêsu nói điều đầu tiên cần rao giảng là sự bình an, sau đó mới là Nước Thiên Chúa đã đến gần bên.  Tôi nhìn lại chính tôi, cả cuộc đời tôi đã gieo an bình, yêu thương, hay chia rẽ, hận thù và sự trừng phạt, cho dù đó là trừng phạt mà tôi cho là từ Chúa?  Tôi muốn thay đổi lối sống và cách thức rao giảng của tôi phải là tin MỪNG, chứ không phải tin DỮ.
2.     Cơm áo là những gì căn bản và cần thiết nhất, ấy vậy mà Chúa bảo đừng lo mang gì—tiền bạc, giầy dép, hay bao bị.  Thật sự Chúa sai tôi vào giữa sói, trong khi tôi chỉ là chiên.  Đứng trước bầy sói, chắc không ai nghĩ đến cơm áo gạo tiền, mà chỉ nghĩ làm sao cho được bình tĩnh, làm sao cho được khôn ngoan và có những cách ứng biến, thuyết phục tốt nhất.  Tôi có đang đứng giữa bầy sói nào không?  Một khó khăn trong gia đình chẳng hạn?  Một thách đố sống đức tin?  Một chướng ngại trong công sở?  Tôi ứng xử thế nào?  Hãy áp dụng lời của Chúa Giêsu hôm nay, trước tiên hãy đem bình an, tôi sẽ cảm thấy khác hẳn.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, January 24, 2018

Thứ Năm – Tuần III Thường Niên – Năm B - II – 25-1-2018 – Lễ Thánh Phao-lô Trở Lại

Thu Nam III TN
Cv 22:3-16
Ông [Phao-lô] nói tiếp:3 "Tôi là người Do-thái, sinh ở Tác-xô miền Ki-li-ki-a, nhưng tôi đã được nuôi dưỡng tại thành này; dưới chân ông Ga-ma-li-ên, tôi đã được giáo dục để giữ Luật cha ông một cách nghiêm ngặt. Tôi cũng đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa như tất cả các ông hiện nay.4 Tôi đã bắt bớ Đạo này, không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà,5 như cả vị thượng tế lẫn toàn thể hội đồng kỳ mục có thể làm chứng cho tôi. Tôi còn được các vị ấy cho thư giới thiệu với anh em ở Đa-mát, và tôi đi để bắt trói những người ở đó, giải về Giê-ru-sa-lem trừng trị.6 "Đang khi tôi đi đường và đến gần Đa-mát, thì vào khoảng trưa, bỗng nhiên có một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ lấy tôi.7 Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: "Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?8 Tôi đáp: "Thưa Ngài, Ngài là ai? Người nói với tôi: "Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.9 Những người cùng đi với tôi trông thấy có ánh sáng, nhưng không nghe thấy tiếng Đấng đang nói với tôi.10 Tôi nói: "Lạy Chúa, con phải làm gì? Chúa bảo tôi: "Hãy đứng dậy, đi vào Đa-mát, ở đó người ta sẽ nói cho anh biết tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm.11 Vì ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy nữa, nên tôi đã được các bạn đồng hành cầm tay dắt vào Đa-mát.12 "Ở đó, có ông Kha-na-ni-a, một người sùng đạo, sống theo Lề Luật và được mọi người Do-thái ở Đa-mát chứng nhận là tốt.13 Ông đến, đứng bên tôi và nói: "Anh Sa-un, anh thấy lại đi! Ngay lúc đó, tôi thấy lại được và nhìn ông.14 Ông nói: "Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, được thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng Đấng ấy phán ra.15 Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe.16 Vậy bây giờ anh còn chần chừ gì nữa? Anh hãy đứng lên, chịu phép rửa và thanh tẩy mình cho sạch tội lỗi, miệng kêu cầu danh Người.
(Trích Công vụ Tông đồ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Đời sống đức tin của Phao-lô thật sự đáng cho tôi suy nghĩ về đời sống đức tin của tôi.  Phao-lô là một con người nhiệt thành và là một con người rất tốt, ông giữ đạo một cách nghiêm ngặt và ông tưởng thế là ý Chúa.  Tuy nhiên việc tuân giữ lề luật mà không có trái tim, không có tình thương là một lối sống chống lại Thiên Chúa mạnh mẽ nhất.  Ông đã nhân danh Chúa để lên án, bắt bớ, cầm tù và hãm hại người khác.  Tôi có thái độ sống đức tin kiểu này không?  Đã có bao nhiêu người đã chết, hay bị thương dưới cặp mắt xét đoán, và miệng lưỡi chê bai, chỉ trích của tôi?  Hôm nay lễ Thánh Phao-lô, tôi muốn xin Chúa cho tôi được sự tỉnh ngộ như Phao-lô.
2.      Sự trở lại của Phao-lô cũng là một sự khích lệ cho tôi.  Dẫu Phao-lô trong quá khứ có bách đạo, hôm nay Chúa vẫn dùng ông để cho việc của Chúa.  Điều này cho tôi thấy dù tôi hay những người xung quanh có như thế nào trong quá khứ, nếu mở lòng cho Chúa, Ngài sẽ biến tôi trở thành cánh tay đắc lực của Chúa.  Tôi đọc lại những lời tự thuật của Phao-lô để có can đảm trở về với Chúa, với yêu thương, chứ không phải lề luật.  Lạy Chúa, xin biến đổi con!
Phạm Đức Hạnh,SJ

Tuesday, January 23, 2018

Giáo dân học hỏi Kinh Thánh: việc cần làm ngay!

Hoc Hoi Thanh Kinh
Giáo dân học hỏi Kinh Thánh: việc cần làm ngay!
1/22/2018 1:14:39 PM
Giáo Hội muốn giáo dân học hỏi Kinh Thánh
Giáo dân học hỏi Kinh Thánh không phải là một điều mới mẻ. Cách đây hơn nửa thế kỷ, Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố trong Hiến Chế về Mặc Khải, Dei Verbum: “Thánh Công Đồng ân cần và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, nhất là các tu sĩ, hãy đạt đến ‘sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh. ‘Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô’. Vì thế họ phải siêng năng tìm đến với chính bản văn Kinh Thánh, hoặc nhờ Phụng vụ thánh chứa đựng dồi dào Lời Chúa, hoặc nhờ những lớp học hỏi thích hợp và những phương tiện khác hiện đang được phổ biến khắp nơi với sự chuẩn nhận và quan tâm của các vị Chủ Chăn trong Giáo Hội” (DV 25). Như thế, đối với Công Đồng, việc học hỏi Kinh Thánh là việc của mọi Kitô hữu, của mọi giáo dân. Giáo dân được mời gọi tiếp xúc với chính bản văn Kinh Thánh, qua tham dự phụng vụ Lời Chúa, qua việc đọc Lời Chúa riêng tư, hay qua việc tham dự các khóa học và qua những phương tiện truyền thông khác.

Giám mục là người có nhiệm vụ dạy cho các tín hữu “biết sử dụng cho đúng các Sách Thánh, nhất là Tân Ước và đặc biệt là các sách Tin Mừng” nhờ đó họ có thể “tiếp xúc với Lời Chúa cách an toàn và ích lợi, và thấm nhuần tinh thần Kinh Thánh” (DV 25). “Đọc và học hỏi Sách Thánh” là lời khuyên cuối cùng và quan trọng của Hiến Chế Mặc Khải (DV 26).

Trong Tông Huấn Lời Chúa, Verbum Domini (2010), Đức Bênêđíctô XVI nhắc lại nhiệm vụ này khi nói về Lời Chúa và giáo dân: “Giáo dân cần được đào tạo để biết biện phân ý muốn Thiên Chúa nhờ một cuộc sống thân tình với Lời Thiên Chúa, Lời được đọc và được học hỏi trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của các vị Mục tử hợp pháp” (VD 84). Ngài đòi “chúng ta phải giúp người trẻ có sự tín nhiệm và thân quen với Kinh Thánh, để Kinh Thánh trở thành như chiếc la bàn chỉ cho biết con đường phải theo” (VD 104). Đức Bênêđíctô còn nhấn mạnh đến việc “cần phải chuẩn bị chu đáo các linh mục và giáo dân để họ có thể dạy dỗ Dân Thiên Chúa tiếp cận Kinh Thánh một cách chân thực” (VD 73). Ngài cũng nói đến việc giáo dân có thể được học tại các trường dạy Kinh Thánh, hay được giáo phận huấn luyện (VD 75 và 84).

Theo cùng một đường hướng như trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, Evangelii Gaudium (2013) cũng khẳng định: “Việc học hỏi Kinh Thánh phải là một cánh cửa rộng mở cho mọi tín hữu” (EG 175). Đối với Ngài, người loan báo Tin Mừng cần có sự thân mật với Lời Chúa. Bởi đó Ngài kêu gọi: “các giáo phận, giáo xứ và các hội đoàn Công giáo tổ chức các cuộc học hỏi nghiêm túc và thường xuyên về Kinh Thánh, đồng thời khuyến khích các cá nhân và cộng đoàn đọc Kinh Thánh với tâm tình cầu nguyện” (EG 175).

Tại sao phải học hỏi Kinh Thánh?

Có thể nói Giáo Hội Công giáo từ hơn 50 năm nay đã không ngừng muốn cho mọi giáo dân có cơ hội học hỏi Kinh Thánh dưới nhiều hình thức. Phải nhìn nhận rằng đây không phải là điều dễ dàng. Người Công giáo Việt Nam quen đọc kinh lần chuỗi và thực hành những hình thức đạo đức khác. Có người giáo dân nghĩ rằng việc học Kinh Thánh là điều khó, là việc dành riêng cho các linh mục tu sĩ, chính vì thế họ sợ tiếp cận với Sách Thánh. Có người không thấy hứng thú khi đọc Lời Chúa, nên cuốn Tân Ước vẫn nằm yên một chỗ. Có nhóm thích chia sẻ Lời Chúa, nhưng lại không thấy cần tìm hiểu xem bản văn Lời Chúa thật sự muốn nói gì.

Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã lấy sách Đệ-nhị-luật để nói với tên cám dỗ trong hoang địa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3). Người Công giáo chẳng những được nuôi bằng bàn tiệc Mình Chúa mà còn bằng bàn tiệc Lời Chúa nữa (DV 21). Thiếu một trong hai, là đặt mình trong tình trạng thiếu thốn. Chúng ta đã có nhiều hình thức biểu lộ sự kính trọng đối với Bí Tích Thánh Thể như dọn mình rước lễ, rước kiệu hay chầu Mình Thánh Chúa. Điều đó là tốt, nhưng Công Đồng Vaticanô II nhắc chúng ta: “Giáo Hội đã luôn luôn tôn kính Kinh Thánh như đã tôn kính chính Thánh Thể Chúa” (DV 21). Làm sao bày tỏ sự tôn kính đối với Kinh Thánh nếu không phải là cầm lấy sách Thánh mà đọc, nghiền ngẫm, tìm hiểu ý nghĩa, cầu nguyện với sách Thánh bằng cách suy niệm hay chiêm niệm, và cuối cùng là thực hành Lời Chúa? Có người bảo nếp sống đạo của người Việt còn hời hợt, hình thức, chưa có bề sâu, chưa có nền vững. Điều đó có đúng không? Dựa vào Công Đồng, ta có thể tìm thấy câu trả lời: “Toàn thể việc rao giảng trong Giáo Hội cũng như chính nếp sống đạo của người Kitô hữu phải được Kinh Thánh nuôi dưỡng và hướng dẫn” (DV 21). Chúng ta đã quá quen với câu này: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105), nhưng quả thật nhiều người Công giáo ở Việt Nam vẫn còn xa lạ với Lời Chúa.

Để thân quen với Lời chúa, chúng ta cần dành thời gian để học hỏi. Kinh Thánh là một bộ sách cổ, được viết trong nhiều thế kỷ. Ngay bộ Tân Ước cũng đã cách xa chúng ta gần hai ngàn năm. Các tác giả Sách Thánh là những người Do-thái sống trong những thời đại lịch sử khác nhau, sống trong nền văn hóa, xã hội và phụng tự khác chúng ta. Chính vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi gặp những đoạn văn khó hiểu và thậm chí gây sốc trong Kinh Thánh. Vô tri bất  mộ, để có “lòng yêu mến nồng nàn và sống động đối với Kinh Thánh” (Hiến Chế về Phụng Vụ số 14) người giáo dân cần học hỏi không ngừng qua các bài dẫn nhập, các sách chú giải, và những khóa học.

Đứng trước sự kiện thời nay xuất hiện nhiều giáo phái phổ biến một cách đọc Kinh Thánh lệch lạc và lèo lái, Đức Bênêđíctô cảnh báo: “Ở đâu các tín hữu không trau dồi cho mình một sự hiểu biết Kinh Thánh phù hợp với đức tin của Giáo Hội và dựa trên Truyền Thống sống động của Giáo Hội, thì ở đó người ta để lại một khoảng trống rỗng mục vụ, là nơi mà các thực tại như các giáo phái có thể gặp được một vùng đất mầu mỡ để bám rễ” (VD 73). Nói cách khác, để tránh bị lôi kéo bởi các giáo phái lầm lạc, phải học Kinh Thánh một cách chính thống trong Giáo Hội.

Khi mừng lễ Ngôi Lời của Thiên Chúa mang lấy thân xác yếu đuối của con người, chúng ta cũng mừng Lời của Thiên Chúa được nói với chúng ta bằng ngôn ngữ loài người để chúng ta có thể hiểu được. Dù ngôn ngữ loài người có nhiều giới hạn và khiếm khuyết, nhưng bộ Kinh Thánh chúng ta đọc và học hỏi vẫn có thể đưa chúng ta đi vào cuộc gặp gỡ và trò chuyện thân tình với chính Thiên Chúa, nhờ đó có sức sống ở đời này và ơn cứu độ đời sau.

(dongten.net 21.01.2018)

http://conggiao.info/giao-dan-hoc-hoi-kinh-thanh-viec-can-lam-ngay-d-44054

Thứ Tư – Tuần III Thường Niên – Năm B - II – 24-1-2018

Thu Tu III TN Mác-cô 4:1-9
1 Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ.2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:3 "Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống.4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm."9 Rồi Người nói: "Ai có tai nghe thì nghe!"
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Dù Chúa Giêsu bị gia đình hiểu lầm và bị các kinh sư kết án là dùng quỷ vương mà trừ quỷ, dân chúng vẫn đi theo Ngài.  Hôm nay họ theo Chúa đông đến mức Ngài phải đứng dưới thuyền để giảng để khỏi bị chen lấn.  Giờ cầu nguyện này có thể tôi hình dung đám đông đang nghe Ngài giảng.  Họ đông bao nhiêu người?  Họ là những ai?  Làm thế nào họ biết Ngài?  Họ đến với Ngài vì mục đích gì: giáo lý mới lạ, để mong chữa bệnh, hiếu kỳ về Ngài và thân thế của Ngài, hay bị cuốn hút bởi tài diễn xuất của Ngài…?  Tôi để ý họ tiếp thu lời Chúa và cảm thấy lời ấy đang biến đổi ra sao trong họ?  Đặc biệt hơn cả tôi để ý đến thái độ của tôi đến với Chúa hôm nay.  Có hồ hởi hay uể oải?  Tôi để ý đến lời của Chúa đang biến đổi trong tôi ra sao.
2.      Chúa Giêsu quả là nhà giảng thuyết giỏi bởi biết dùng những gì rất tầm thường và thật gần với cuộc sống của mọi người, như gieo giống, như chim chóc, như đất sỏi đá, khô cằn hay mầu mỡ để nói về những chuyện cao siêu nhiệm mầu khiến ai cũng có thể hiểu.  Lời Chúa gieo chắc chắn sẽ nảy mầm, đây là một sự lạc quan của Chúa.  Lời ấy hôm nay đã và đang được gieo trong lòng tôi, nhưng nó đang nảy mầm và lớn lên trong tôi như thế nào, như trên vệ đường, đất sỏi đá, đất đầy gai, hay đất mầu mỡ?
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Monday, January 22, 2018

Thứ Ba – Tuần III Thường Niên – Năm B - II – 23-1-2018

Thu Ba III TN
Mác-cô 3:31-35
31 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!"33Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?"34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi."
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Có lẽ có không ít những người theo Chúa ngày xưa đã thầm ước giá mà họ được là mẹ, là người nhà của Chúa.  Não trạng “thấy sang bắt quàng làm họ” đó cũng không loại trừ tôi ngày hôm nay, có thể đã hơn một lần nào đó tôi đã thầm nghĩ, giá tôi được là người thân, giá tôi là mẹ Đấng Cứu Thế, chắc là tôi sẽ sung sướng lắm.  Nhưng bài đọc hôm nay, chính Chúa Giêsu lại khẳng định, ai cũng có thể là mẹ, là người thân của Ngài được, miễn sao người đó thi hành ý muốn của Thiên Chúa.  Tôi có thể làm được điều này không?  Tôi có muốn làm điều này không?  Cái gì ngăn cản tôi không thể thi hành thánh ý Thiên Chúa.  Tôi muốn để giờ ra suy niệm về những gì Chúa Giêsu nói trong Phúc âm Mác-cô hôm nay.

2.      Nếu vẽ về bài đọc hôm nay, tôi có thể vẽ những gì đang xảy ra trong bài đọc thành hai vòng tròn.  Vòng ngoài là Mẹ Maria và những người thân của Chúa.  Vòng trong là những người đang ngồi xát bên Chúa Giêsu để nghe lời giảng của Ngài.  Tôi thấy những người đứng ở bên ngoài, cách xa Chúa, vậy mà họ được là Mẹ và là người thân của Chúa, trong khi đó những người đang ở gần xung quanh Chúa chưa thể là Mẹ và là người thân của Chúa.  Điều này cho tôi thấy một điều rất rõ đó là nếu tôi chỉ nghe thấy những gì Chúa nói qua cầu nguyện, qua thánh lễ mỗi ngày thì chưa đủ, nhưng còn phải thực hành nữa.  Chính việc thực hành những gì Chúa dạy mới làm cho tôi được trở thành Mẹ và người thân của Chúa Giêsu, tôi muốn không?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu trong giây phút này.
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Sunday, January 21, 2018

Thứ Hai – Tuần III Thường Niên – Năm B - II – 22-1-2018

Thu Hai III TN
Mác-cô 3:22-30
22 Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.24 Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền;25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.27 Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.28 "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha.29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời".30 Đó là vì họ đã nói "ông ấy bị thần ô uế ám."
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài đọc hôm Thứ Bảy nói người nhà của Chúa Giêsu nói Ngài bị điên, trong khi đó bài đọc hôm nay các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem thì lại nói Chúa Giêsu thờ quỷ.  Tôi có thể thấy ngay những giây phút đầu tiên của sứ vụ của Chúa Giêsu đã gặp sự chống đối và hiểu lầm.  Ấy thế mà Ngài không bỏ cuộc, Ngài vẫn một mực thi hành sứ vụ Chúa Cha trao cho đến hơi thở cuối cùng trong cuộc chống đối Ngài cho đến chết.  Tôi nghĩ sao về lời mời gọi theo Chúa?  Tôi đi tìm sự dễ dãi ư?  Tôi trốn tránh bắt bớ và chống đối sao?  Nếu Chúa Giêsu mà còn bị hiểu lầm và chống đối không chỉ bởi người ngoài mà con bởi người ruột thịt, tôi sẽ không khác hay không thoát khỏi những khó khăn trên khi theo Chúa.
2.     “Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.”  Đây có thể là dấu chỉ Chúa Giêsu cho tôi biết cách phân biệt thần loại.  Nếu tôi nói là theo Chúa mà tôi lại phân tán, chia sẽ gia đình tôi, cộng đoàn tôi thì tôi đang theo sự dữ chứ không phải theo Chúa.  Điều mà tôi nhân danh Chúa để chia rẽ người khác làm mất bình an và yêu thương ở mọi nơi tôi đến, điều đó chẳng khác gì tội phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ chẳng được tha.  Không phải là Chúa không tha mà là tôi cố chấp.  Tôi cho là biết rồi, là được Chúa sai đi gieo rắc sự bất an thì Chúa cũng chẳng làm gì được để cứu tôi. Tôi đang có thái độ này không?  Tôi đang đối nghịch với tình trạng bởi người khác gây nên không?  Tôi muốn nói gì cùng Chúa trong lúc này?  Tôi muốn Ngài giúp tôi thế nào?
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, January 20, 2018

Chúa Nhật – Tuần III Thường Niên – Năm B - II – 21-1-2018

Chua Nhat III TN
Mác-cô 1:14-20
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17 Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Chúa Giêsu rao giảng, “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).  Đúng vậy phải sám hối mới đón nhận được Tin Mừng, hay một cách bình dân hơn đó là “hãy thay đổi não trạng”, có một đầu óc quân tử, cao thượng, mở rộng chứ không phải đầu óc tiểu nhân, hẹp hòi, thiển cận, cố hữu thì mới có thể đón nhận được những gì mà Chúa Giêsu rao giảng.  Tôi có thấy tôi cần phải thay đổi không?  Tôi xin Chúa mở lòng, mở trí, mở tai, mở miệng, mở mắt luôn hướng đến cái gì cao thượng chứ không đầu óc tiểu nhân để có thể đón nhận Tin Mừng của Chúa.

2.      Sau khi nói những lời đầu tiên của cuộc đời rao giảng, Chúa Giêsu cũng bắt đầu tuyển mộ những người có thể giúp Ngài.  Mác-cô ghi nhận là Chúa Giêsu kêu gọi họ ngay giữa những bận rộn của cuộc sống đời thường.  Điều này có thể Ngài cũng sẽ gọi tôi ngay trong những bận rộn của cuộc sống tôi hôm nay nữa.  Tôi muốn cả ngày hôm nay và mỗi ngày để ý hơn tới những lần Chúa đến với tôi.  Tôi để ý Ngài cậy nhờ gì ở tôi và tôi đáp lại lời mời gọi của Ngài như thế nào?    
Phạm Đức Hạnh, SJ