Tuesday, February 28, 2017

Thứ Tư Lễ Tro - 01-03-2017

Matthêu 6:1-6, 16-18
Thu Tu Le Tro6 1 "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5 "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
16 "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
(Trích từ Phúc âm Matthêu theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ trong Website http://kinhthanhvn.net/tin-mung-mat-theu-nhom-pd-cgkpv/)
Gợi ý cầu nguyện
1.    Hôm nay Giáo hội chính thức bước vào Mùa Chay, một tiến trình “lột xác.”  Lột xác trong đời sống bác ái với tha nhân, lột xác trong tương quan với Thiên Chúa qua cầu nguyện, và lột xác trong cách tu luyện bản thân như ăn chay hãm mình.  Chúa Giêsu hôm nay mời gọi tôi phải làm những điều này một cách âm thầm và kín đáo tuyệt đối, đến nỗi không ai biết mà chỉ có một mình Chúa biết.   
2.    Dù tôi đang ở đâu, tôi có thể nói chuyện với Thiên Chúa ngay trong lúc này được chăng, một cách âm thầm mà ngay những người đang ở bên cạnh tôi cũng không biết?  Tôi có thể hỏi Chúa xem đâu là góc cạnh trong đời sống của tôi đang cần được lột xác, được biến đổi để mỗi ngày tôi càng cảm mến anh chị em xung quanh hơn và càng có trái tim giống Chúa hơn?
3.     Tôi có cảm thấy lời mời lột xác để trở nên một con người mới, thật thân tình với Chúa và thật dễ thương với mọi người xung quanh, là một thách đố?  Tôi có thể tâm sự với Chúa những phản ứng của tôi về lời mời gọi này.


Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, February 27, 2017

Vấn đề từ ngữ: Kinh Thánh hay Thánh Kinh?

Vấn đề từ ngữ Kinh Thánh hay Thánh Kinh
Vấn đề từ ngữ: KINH THÁNH hay THÁNH KINH ?

An-be-tô Trần Phúc Nhân

Để chỉ các Sách Thánh của Ki-tô giáo, chúng ta thấy người ta dùng hai từ ngữ : Khi thì Thánh Kinh khi thì Kinh Thánh. Chúng ta tìm hiểu lý do của sự khác biệt này.

1. Từ kinh và thánh
Đây là hai từ Hán-Việt :
Kinhlà sách thời xưa, dùng làm khuôn mẫu, quy luật cho một tôn giáo, như Ngũ Kinh trong Nho Giáo, Kinh Phật trong Phật Giáo, Kinh  Coran trong Hồi Giáo. Từ này còn được dùng để chỉ lời cầu nguyện, như trong từ ngữ “Kinh cầu các thánh”.
Thánhlà một cái gì cao siêu, có khi thuộc giới thần linh.

2. Cặp từ Kinh Thánh / Thánh Kinh
Trong cặp từ này kinh là danh từ, thánh là tính từ. Trong chữ Hán, tính từ đi trước danh từ, ví dụ : bạch yến, ác nhân. Còn trong tiếng Việt, tính từ thường đi sau, ví dụ : mèo đen, người tốt. Như vậy Thánh Kinh là từ ngữ dùng theo chữ Hán, còn Kinh Thánh là từ ngữ dùng theo tiếng Việt.

3. Các từ điển dùng từ ngữ nào ?
Tra cứu một số từ điển, chúng ta thấy cách dùng không đồng nhất :
* Chỉ dùng Thánh Kinh :
   – Từ điển Việt-Pháp của JFM Génibrel (1898)
   – Từ điển Việt-Hoa-Pháp của Gustave Hue (1937), Eugène Gouin (1957)
   – Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh (1932), Nguyễn Văn Khôn (1960)
   – Từ điển Pháp-Việt của Đào Duy Anh (1957), Thanh Nghị (1967)

Chỉ dùng Kinh Thánh :
   – Từ điển Pháp-Việt của Lê Khả Kế (1988), Nguyễn Thành Thống (2001)
   – Từ điển Anh-Việt của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (1991)
   – Từ điển Anh-Anh-Việt của Nguyễn Sanh Phúc (1999)

Dùng cả Thánh Kinh và Kinh Thánh : Rất nhiều từ điển coi hai từ ngữ này như đồng nghĩa ; dưới đây xin nêu ra một số :
   – Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895)
   – Việt Nam tân tự điển của Thanh Nghị (1967)
   – Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ (1970)
   – Từ điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí (1971)
   – Từ điển  Việt Pháp của Viện Ngôn Ngữ (1989)
   – Từ điển Việt-Anh của Bảo Phụng (1993)
   – Từ điển tiếng Việt của Minh Tân (1998)
   – Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (1998)
   – Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (2000)
   – Từ điển tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ học (2002)
   – Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (2007)


4. Các bản dịch Kinh Thánh dùng từ ngữ nào ?
* Dùng Thánh Kinh :
Các bản dịch của
   – Gérard Gagnon (1962-1963)
   – An Sơn Vị (1983)
   – Trần Văn Kiệm (1993)

Dùng Kinh Thánh :
Bản dịch đầu tiên dùng từ này là bộ Kinh Thánh cứ bản Vulgata của Albertus Schlicklin (Cố Chính Linh) (1913-1916)
Sau đó là các bản dịch của
   – Trần Đức Huân (1970)
   – Nguyễn Thế Thuấn (1976)
   – Trịnh Văn Căn (1985)
   – Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ (từ 1994)
Các bản dịch Tin Lành cũng dùng từ này.
Từ việc tìm hiểu trên, chúng ta thấy tiếng Việt chấp nhận cả hai từ ngữ Thánh Kinh và Kinh Thánh, người dùng có thể lựa chọn.


Ngày 27/10/2011

https://ktcgkpv.org/articles/get-articles?id=58

Mùa Chay

MÙA CHAY
Mùa ChayMột thói quen rất phổ biến nơi đại đa số những người Công giáo đó là, mỗi khi Mùa Chay đến thì ăn chay, bố thí và xếp hàng đi xưng tội.  Một khi làm được ba điều này thì kể như là mình đã sống trọn Mùa Chay.  Mặc dù đây là những việc làm tốt, nhưng nếu chỉ chu toàn cho xong ba bổn phận này thì chưa thể gọi là đã sống trọn lời mời của Mùa Chay.  Đó là chưa kể cách thức thực hành những điều trên, có những nơi người ta đánh lộn, chửi nhau chỉ vì tranh nhau chuyện xếp hàng xưng tội, hoặc người nào đó xưng tội quá lâu, còn bị mắng, “Tội gì mà lắm thế!”  Có những người hướng việc ăn chay không còn mang tính tôn giáo nữa mà coi đó như cơ hội để giảm cân.  Còn việc bố thí thì nhỏ giọt, chỉ đủ đầy chiếc rice bowl, kiểu nuôi heo đất!     
Một chữ mà có thể nói đã gói trọn ý nghĩa, và bao trùm cả không gian lẫn thời gian của Mùa Chay đó là “metanoia.”  Metanoia theo ngôn ngữ của Thánh Kinh, cụ thể là Tân Ước, một tiếng cổ Hy-lạp, vẫn thường được dịch sang tiếng Việt là, “sám hối,” và được dịch sang tiếng Anh là “repent.”  Cả hai tiếng Việt và tiếng Anh đều mang nghĩa giống nhau.  Bên tiếng Việt, “sám hối” là một từ Hán Việt và là chữ của Nhà Phật dùng để chỉ sự thú tội và hối lỗi.  Trong khi đó, metanoia mang một nghĩa rộng hơn và lớn hơn nhiều.  
Để lột tả được hết ý nghĩa của nó, metanoia phải được dịch là “thay đổi não trạng.”  Thay đổi não trạng không chỉ là thay đổi từ một tình trạng tội lỗi qua tình trạng hết tội, bằng cách đi xưng tội.  Thay đổi não trạng còn là thay đổi nếp sống, cách nghĩ, cùng mọi hành vi cư xử trong cuộc sống, không chỉ là từ xấu sang tốt, mà còn là từ tốt đến tốt hơn, tức là trở thành một con người mới hoàn toàn.  Có thể nói metanoia là “lột xác,” tựa như một con sâu biến thành con bướm, hay từ một cô gái trở thành người mẹ.  Nếu không có một nỗ lực hết mình, hy sinh hết mình để lột xác, để biến đổi, con sâu không thể trở thành một cánh bướm rực rỡ được; người thiếu nữ khó có thể cho cuộc đời một con người đẹp, khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú được.  Như vậy, lời mời gọi metanoia của Mùa Chay là để mọi Kitô hữu chuẩn bị cho mình đón nhận một cái gì rất lớn, siêu thường và ngoài sức tưởng tượng của mọi người.  Cái siêu thường đó là Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, đã đi vào và chia sẻ với con người trong mọi đau khổ tột cùng của cuộc sống, để rồi phục sinh, dẫn con người vào một cuộc sống mới hoàn toàn. 
Vậy liệu việc xưng tội, cầu nguyện, hy sinh, và làm việc bác ái của tôi trong Mùa Chay năm nay có đủ để giúp tôi lột xác không hay tôi còn phải làm cái gì khác hơn nữa?  Nếu không, tôi không thể nào đi vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, điểm đến của mọi Mùa Chay.           

Mùa Chay Denver, 2017 - Phạm Đức Hạnh, SJ

Tìm Hiểu Thánh Kinh

Tìm Hiểu Thánh Kinh
TÌM HIỂU THÁNH KINH
Chúng tôi ước mong quý vị tìm mọi cơ hội học hỏi thêm về Thánh Kinh, nhiều bao nhiêu có thể.  Chúng tôi đề nghị quý vị ngồi lại thành từng nhóm tại các giáo xứ của quý vị và nhờ một linh mục, hay một ai đó có kiến thức về Thánh Kinh, giúp quý vị học hỏi Thánh Kinh mỗi tuần độ 30 phút. Như thế sau một thời gian, quý vị sẽ có một chút vốn liếng căn bản về Thánh Kinh, nhờ vậy quý vị sẽ cảm thấy say mê Thánh Kinh và dễ cầu nguyện hơn.  Nếu quý vị có thể ghi danh các lớp Thánh Kinh tại đại học hoặc chủng viện gần nơi quý vị ở thì không còn gì bằng.  

Những tài liệu về tìm hiểu Thánh Kinh ở đây là những gì chúng tôi gom góp được và muốn chia sẻ cùng quý vị.  Mời quý vị nhớ đón xem mỗi khi có cập nhật.

Phương Pháp Cầu Nguyện Với Thánh Kinh

Phương Pháp Cầu Nguyện
PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN
Có nhiều phương pháp cầu nguyện với Thánh Kinh.  Mỗi người có thể thấy một hay vài phương pháp nào đó thích hợp với mình.  Bằng cách thực tập nhiều lần các phương pháp khác nhau, chúng ta sẽ trở nên giỏi dang khi sử dụng phương pháp thích hợp cho đoạn Thánh Kinh và hòa hợp với nhu cầu cá nhân và cá tính của chúng ta.  Một khi tôi đã tìm được một phương pháp cầu nguyện riêng cho mình, xin cứ theo phương pháp cầu nguyện đó.    

Công Thức 4P + 1R

Ý Thức Sự Hiện Diện của Chúa (Presence of God)
  • Cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa qua hơi thở và cảm giác lắng đọng
  • Ý thức nơi tôi đang ngồi là “Đất Thánh” – “Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đứng là đất thánh.” (Xh 3:5)

Ơn Xin (Petition for Grace)
  • Đọc từ tốn “Tôi Muốn Gì” trong tờ thao luyện
  • Lắng đọng một chút và suy nghĩ về Ơn Xin
*Cầu Nguyện với Thánh Kinh (Passage of Scripture)
§  Suy niệm, chiêm niệm, đối thoại với Chúa và đáp trả tiếng Chúa
Lời Nguyện Kết (Prayer)
§  Kết thúc bằng lời nguyện riêng của mình hay lời nguyện trong tờ thao luyện
§  Phó thác tương lai cho Chúa

Kiểm Điểm (Review)
  • Viết Nhật Ký Thiêng Liêng.
  • Tư tưởng nào đánh động tôi nhất?  Những ơn đã nhận được trong giờ cầu nguyện
  • Xem lại cách cầu nguyện, khung cảnh có giúp tôi dể dàng hơn.

*Cầu Nguyện với Thánh Kinh (Passage of Scripture)

Cầu nguyện là cuộc đối thoại giữa hai người.  Do đó nó có hai phần: phần của tôi và phần của Chúa.  Tôi ráng làm tròn phần của tôi rồi Chúa sẽ đem đến phần của Ngài.  Nhiều khi Ngài đến không như ý tôi muốn hay ước mong.  Tôi có yêu đủ để không chối từ một điều gì với Ngài và để cho Ngài hoàn toàn tự do không?

Phần của Tôi

Đọc đoạn Thánh kinh chậm rãi qua hết một lần.  Có thể đọc đoạn trước đó hoặc sau đó để biết bối cảnh (context) câu chuyện.  Thí dụ: Câu chuyện Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều.

Sau đây là những cách cầu nguyện với Thánh kinh:

1. Suy Niệm

Khi suy niệm, chúng ta đến với đoạn Thánh kinh như với một lá thư tình; hình thức này rất hữu ích khi cầu nguyện với những đoạn thơ như Thánh Vịnh.

Phương Pháp

  1. Đọc đoạn Thánh kinh thật chậm, lớn tiếng hay thì thầm, để cho các chữ bao trùm lên bạn, và nghiền ngẫm từng chữ.
  2. Dừng lại ở những chữ đặc biệt làm bạn chú ý; hấp thụ chúng như người khát mong uống nước mưa trời.
  3. Lập lại một chữ hay một câu nhiều lần, nhận thức những cảm giác đang được đánh thức dậy.
  4. Đọc, và đọc lại đoạn Thánh kinh nhiều lần một cách trìu mến, y như đọc một lá thư tình, hay như khi bạn hát nhẹ nhàng điệp khúc của một bài ca.

 

2. Chiêm Niệm

Khi chiêm niệm, chúng ta bước vào một biến cố hay một đoạn kể chuyện trong Thánh Kinh. Chúng ta bước vào đoạn này bằng sự tưởng tượng, và sử dụng tất cả các cảm quan của chúng ta.  Các nhà thần học dạy rằng qua chiêm niệm, chúng ta có thể "nhớ lại và hiện diện trong những mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô".  Thần Trí Chúa Giê-su hiện diện trong chúng ta qua phép rửa tội, dạy dỗ chúng ta y như Chúa Giê-su đã dạy dỗ các tông đồ. Thần Trí gợi lại và làm sống động các mầu nhiệm chúng ta bước vào qua việc cầu nguyện.  Cũng như ở trong Thánh Thể, Chúa Giê-su lên trời đã làm hiện diện mầu nhiệm Phục Sinh, trong việc chiêm niệm, Thánh thần đem tới biến cố đặc biệt mà chúng ta chiêm niệm và Thánh thần tự xuất hiện trong mầu nhiệm ấy.

Phương Pháp

Trong khi chiêm niệm, chúng ta bước vào câu chuyện y như chính chúng ta có mặt ở đó:
  1. Quan sát những gì xảy ra; lắng nghe những gì đã được nói.
  2. Trở nên một thành phần của mầu nhiệm; lãnh vai trò cuả một nhân vật.
  3. Nhìn từng nhân vật; nhân vật đó đang có kinh nghiệm gì? Nhân vật đó đang nói với ai?
  4. Nếu tôi nghe được lời Chúa nói với tôi trong đoạn thánh kinh đó thì có ảnh hưởng gì đến đời sống của tôi, gia đình tôi, xã hội tôi?
Trong câu truyện Thánh kinh, bước vào một cuộc đối thoại với Chúa Giê-su:
1. Có mặt ở đó với Chúa và vì Chúa.
2. Ước muốn Chúa, thèm khát Chúa.
3. Lắng nghe Chúa.

 

3. Cầu Nguyện Tập Trung

Cầu nguyện tập trung là một hình thức cầu nguyện rất giản dị, rất trong sáng, thường thì không ra lời; đó là cách mở trái tim chúng ta cho Thánh Thần đến ngự trị trong chúng ta.  Trong cầu nguyện tập trung, chúng ta tuột dốc xoáy ốc để đi sâu xuống vào tận đáy tâm hồn chúng ta.  Đó là điểm yên tĩnh trong ta nơi đa số chúng ta cảm nghiệm đã được cấu tạo bởi một Thiên Chúa thương yêu đã thổi hơi thở cho chúng ta được sống.  Muốn bước vào sự cầu nguyện tập trung, chúng ta phải tuyên xưng sự phụ thuộc của chúng ta vào Chúa và đầu hàng trước tinh thần yêu thương của Ngài.
"... Thánh Thần cũng đến để giúp đỡ chúng ta những lúc yếu đuối.  Thánh Thần trình bày nhừng lời cầu xin của chúng ta dưới những hình thức không thể diễn tả bằng lời..."(Ro-ma 8:26)
Thánh thần của Chúa Giêsu kêu lớn trong chúng ta "A-ba, Lạy Cha" (Ro-ma 8:15).

Phương Pháp

"Dừng lại một lát và nhận biết Ta là Thiên Chúa" (Thánh Vịnh 46:10).
  1. Ngồi yên lặng, thoải mái và dễ chịu.
  2. An nghỉ trong mong muốn và ao ước Chúa.
  3. Di chuyển vào trung tâm sâu xa của bản thể chúng ta. Sự di chuyển này có thể dễ dàng nếu tưởng tượng như khi chúng ta đang tụt xuống trong một cầu thang máy, hay khi đang bước xuống một cầu thang dài, hay khi đang leo xuống một triền núi, hay lặn sâu xuống một hồ nước.
  4. Trong sự yên tịnh, cố nhận thức được sự hiện diện của Chúa; hấp thụ tình yêu Chúa một cách an bình.

4. Lời Nguyện Lập Lại

Một hình thức cầu nguyện tập trung khác là sử dụng lời nguyện lập lại.  Lời nguyện lập lại có thể là một chữ hay một câu.  Có thể là một chữ trong đoạn Thánh Kinh, hay một chữ được xuất phát tự đáy tim chúng ta.  Chữ hay câu này biểu tượng cho ta sự hiện hữu đầy đủ của Chúa.
Một hình thức thay đổi của lời nguyện lập lại có thể bao gồm tên "Giêsu" hay hình thức đã được mệnh danh là "Kinh Giêsu", "Lạy Chúa Giêsu, Con của Chúa Trời hằng sống, xin đoái thương đến con, là kẻ có tội."

Phương Pháp

Chữ hay câu được lập lại nhẹ nhàng, bên trong tâm hồn để cho hòa hợp với hơi thở.  Thí dụ, phân nửa đầu của Kinh Giêsu được đọc trong khi hít vào, và phân nửa sau được đọc khi thở ra.

 

5. Đọc Chiêm Niệm

"Tôi há miệng ra; Người ban cho tôi cuốn Thánh Thư để ăn và nói, "hãy ăn đi và cảm thấy no đủ về cuốn Thánh Thư ta cho con.' Tôi đã ăn và Thánh Thư có vị ngọt như mật ong" (Ezekiel 3:2-3).  Đọc như vậy luôn luôn giúp cho đời sống cầu nguyện của chúng ta được phong phú hơn.  Phương pháp được mô tả sau đây đặc biệt có ích khi chúng ta cảm thấy khô khan nguội lạnh.

Phương Pháp

Đọc một cách chậm rãi, ngưng lại nhiều lần để cho các chữ các câu xâm nhập vào cơ thể chúng ta.  Khi một tư tưởng vang động sâu xa, dừng lại ở đó, để cho ý nghĩa đầy đủ của chúng, xâm nhập tâm hồn chúng ta.  Tận hưởng những chữ đã cảm nhận được.  Đáp trả một cách tự nhiên y như khi đối thoại.

 

6. Viết Nhật Ký

"Nếu các bạn đọc các dòng chữ của tôi, các bạn sẽ có một khái niệm về chiều sâu tôi đã cảm nhận được trong mầu nhiệm của Chúa Kitô" (Ephêsô 3:4).  Viết nhật ký là một hình thức viết trong chiêm niệm.  Khi chúng ta đặt bút trên giấy, linh hồn và thân thể hỗ trở để giải tỏa bản thể thật sự của chúng ta.
Có sự khác biệt giữa hình thức cầu nguyện này với cách chúng ta viết nhật ký hàng ngày.
Cầu nguyện bằng nhật ký là cảm nhận trong ánh sáng mỗi khi các hình ảnh mới được phát xuất từ tiềm thức của chúng ta được ban cho những ý nghĩa mới.  Cầu nguyện bằng nhật ký đòi hỏi phải bỏ sang một bên những thành kiến và những sự kiềm chế đã có sẵn.
Viết trong chiêm niệm giống như viết thư cho một người yêu. Các kỷ niệm được gợi lại, các niềm tin được làm cho sáng tỏ và tình cảm nổi dậy mãnh liệt trong chúng ta.  Trong khi viết, chúng ta có thể khám phá rằng các cảm xúc được tăng cường và kéo dài.  Vì thế viết nhật ký có thể giúp cho chúng ta nhận định được các cảm xúc bị che dấu, bị đè nén, như tức giận, sợ hãi và thù hận.  Cuối cùng, cầu nguyện bằng nhật ký có thể giúp chúng ta tôn trọng hơn những chữ những câu đã được viết trong Thánh Kinh.

Phương Pháp

Có nhiều hình thức khác nhau khi cầu nguyện bằng nhật ký:
  1. Viết một lá thư cho Chúa.
  2. Viết một cuộc đối thoại giữa chúng ta và người khác; người khác có thể là Giêsu, hay một người nào quan trọng. Cuộc đối thoại có thể được ghép theo một biến cố, một kinh nghiệm hay một giá trị.  Thí dụ, sự chết, sự chia ly, sự khôn ngoan, một tài khéo; và được tưởng tượng ra y như đang nói chuyện với người ấy.
  3. Viết câu trả lời cho một câu hỏi, chẳng hạn "Con muốn Ta làm gì cho con?" (Maccô 10:51) hay "Tại sao con khóc?" (Gioan 20:15).
  4. Để cho Giêsu hay một nhân vật khác trong Thánh Kinh nói với chúng ta qua ngòi bút của chúng ta.

7. Lập Lại

"Tôi sẽ tiếp tục chiêm niệm về điểm trong đó tôi đã khám phá ra điều tôi mong ước, và không muốn đi xa thêm trước khi tôi hoàn toàn hài lòng." - Thánh I-nhã thành Loyola.  Lập lại là việc trở về một thời gian cầu nguyện trước đó với mục đích để cho những hoạt động của Chúa ăn sâu trong trái tim chúng ta.  Qua sự lập lại, chúng ta tô điểm cho sự nhạy cảm của chúng ta đối với Chúa và đối với cách thức Chúa nói với chúng ta qua việc cầu nguyện và trong những hoàn cảnh của cuộc đời chúng ta. Cầu nguyện lập lại giúp cho kinh nghiệm của sự tổng hợp điều chúng ta là ai với điều Chúa đang bầy tỏ cho chúng ta biết Chúa là ai. 
Lập lại là một cách để tôn kính Lời Chúa nói với chúng ta trong các buổi cầu nguyện trước.  Đó là nhớ lại và suy nghĩ về một cuộc đối thoại trước đây của chúng ta với một người chúng ta yêu mến.  Cũng giống như khi chúng ta nói với Chúa, "Lạy Chúa xin hãy nói lại với con điều ấy; con đã nghe thấy Chúa nói gì với con?"  Trong cuộc đối thoại tiếp theo hay lập lại này, chúng ta mở lòng cho sự hiện diện chữa lành thông thường có mãnh lực để biến cải những sự đau buồn và bối rối chúng ta đã cảm nhận được trong các buổi cầu nguyện trước đó.  Khi lập lại, không những các sự an ủi (vui sướng, ấm áp, bình an) được mạnh mẽ hơn, mà các sự thất vọng (đau khổ, buồn bã, và bối rối) thường đưa tới một trình độ mới để thấu hiểu và chấp nhận kế hoạch Chúa dành cho chúng ta.

Phương Pháp

Giai đoạn cầu nguyện chúng ta lựa chọn để lập lại là buổi cầu nguyện trong đó chúng ta đã kinh nghiệm một xúc động đáng kể về vui mừng, buồn khổ hay bối rối. Cũng có thể là một giai đoạn trong đó không có gì xảy ra, có lẽ vì chúng ta thiếu chuẩn bị.
  1. Nhớ lại những cảm xúc của lần trước.
  2. Sử dụng để làm một điểm khởi đầu, một khung cảnh, môt câu chữ, hay một cảm xúc đáng kể trong lần trước.
  3. Để cho Thánh Thần hướng dẫn các động tác nội tâm của trái tim trong buổi cầu nguyện này.

Phần của Chúa


Chúa rất nhân từ có khi đem tôi gần trong lòng Ngài.  Tôi không có khả năng đem tôi đến gần Chúa, nhưng chính Ngài là Đấng hay thương xót đem tôi vào cung lòng của Ngài, đem tôi thật gần, đem tôi vào chiêm ngưỡng (contemplation).  Tôi đắm chìm trong đại dương của tình yêu (ocean of love), vì lòng nhân từ của Ngài.

Phương Pháp Cầu Nguyện Theo Thánh I-Nhã

Cầu Nguyện Theo Phương Pháp của Thánh Inhaxio
Phương Pháp Cầu Nguyện Theo Thánh I-Nhã
Áp Dụng Cho Cuộc Sống Cầu Nguyện Hằng Ngày
Năm 1983 tôi có dịp viếng thăm cha Pedro Arrupe nhiều lần. Trong những trao đổi thân mật giữa hai cha con, một hôm tôi hỏi ngài về đời sống cầu nguyện theo phương pháp của Thánh I-nhã và trình độ các cha thánh thiện thường đạt tới theo phương pháp đó. Ngài trả lời ngay là, Thánh I-nhã muốn tuân theo thánh ý Chúa trên hết mọi sự, và mục đích chính của đời sống cầu nguyện theo I-nhã là hiểu biết Chúa muốn tôi làm gì và mở lòng mình cho Thánh Ý Ngài, để tôi không chỉ hiểu biết mà còn ôm Thánh Ý Chúa vào lòng, đến khi Thánh Ý biến thành ý muốn của tôi.  Ngài cắt nghĩa thêm rằng: “Khi mới bước theo Chúa, chúng ta luôn luôn mang theo những ý riêng mình, kể cả lúc dấn thân phục vụ và vâng lời.  Ý muốn và ích lợi của riêng mình vẫn còn rất mạnh trong lòng chúng ta.  Tiến bộ trên đường kết thân với Chúa, nghĩa là từ từ coi nhẹ ý muốn riêng và lấy ý Chúa thành ước muốn và ý chính của chúng ta.”
Mọi Kitô hữu đều có thể thân mật cầu nguyện với Thiên Chúa.  Thánh I-nhã tin rằng mọi người đều có thể cảm nhận và kết thân với Thiên Chúa.  Theo Karl Rahner: “Sự đóng góp quan trong nhất của I-nhã cho Hội Thánh là ngài tin chắc rằng mọi Kitô hữu có thể trực tiếp cảm nhận Thiên Chúa một cách thuần tuý, và Thiên Chúa để dành hồng ân này cho mọi Kitô hữu.”  Nói một cách khác: Chúa muốn nói với tất cả chúng ta và mong chúng ta có thể hiểu Ngài.
Có một phương pháp cầu nguyện theo I-nhã không? Trong khoá Linh Thao, I-nhã chỉ cho chúng ta cách cầu nguyện. Nghĩ đến những lời hướng dẫn này, chúng ta có thể nói đó là phương pháp cầu nguyện theo I-nhã:
  1. Tìm nơi chốn thích hợp với từng kiểu cầu nguyện: vui buồn, suy hay chiêm niệm...
  2. Cách dùng tư thế ngồi, quỳ gối, đứng…
  3. Cách đọc, suy niệm và chiêm niệm một đoạn Kinh Thánh và một biến cố cuộc sống của Ðức Kitô.
  4. Biết trình bày những lời gợi ý cầu nguyện vừa ngắn gọn vừa thích hợp với tình trạng của mỗi người.
  5. Biết cách đương đầu với cám dỗ và phân biệt thần loại lúc gặp sầu khổ và an ủi.
  6. Biết xét gẫm và nhìn lại giờ cầu nguyện vừa xong.
Giản dị hoá đời sống cầu nguyện. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta không cầu nguyện được với một đoạn Kinh Thánh hay sách thiêng liêng nào cả. Rất có thể rằng lúc đó chúng ta cần một lối cầu nguyện tự do, giản dị và nghiền ngẫm hơn. Nhận xét đầu tiên về đời sống cầu nguyện theo I-nhã là, nếu áp dụng đúng phương pháp, đời sống cầu nguyện sẽ ngày càng giản dị, có tính cách chiêm niệm và thinh lặng. Còn nếu sau vài năm cầu nguyện theo một phương pháp nào đó, đời sống cầu nguyện chẳng có gì thay đổi, chúng ta cần xét lại lối cầu nguyện đó hoặc cách áp dụng phương pháp.
Muốn giản dị hoá đời sống cầu nguyện, điều quan trọng là biết tìm và hưởng những giây phút thinh lặng nghiền ngẫm, nhất là biết hiện diện trước mặt Thiên Chúa đang hiện diện trong lòng chúng ta. Muốn kết hiệp với Chúa như vậy, chúng ta cần ý thức mình đang sống như thế nào, sống cho ai, mình mong muốn gì. Sống ý thức và thành thật với chính mình là điều kiện cần thiết để hiện diện và kết hiệp với Chúa. (Phút Hồi Tâm có thể giúp chúng ta tiến lên trên đường này)
Khi cầu nguyện chúng ta nhắm mục đích gì? Nếu có sự biến đổi trong đời sống cầu nguyện, thì cũng có sự biến đổi trong mục đích chúng ta mong ước đạt tới. Lúc đầu, khi chúng ta muốn tìm kiếm Thiên Chúa và tâm tình với Ngài, thì có lẽ chúng ta chưa quen với tiếng nói của Ngài và chưa biết nhận ra những tác động trong tâm hồn mình. Thánh Gioan Thánh Giá nói: Thiên Chúa nói với chúng ta qua tác động trong tâm hồn. Sau một thời gian, chúng ta không cầu nguyện để tìm kiếm Thiên Chúa: Ngài đã tìm ra chúng ta rồi! Chúng ta cầu nguyện để Thiên Chúa ngày càng hiện diện trong cuộc sống chúng ta và chính chúng ta lại hiện diện nơi Ngài trong suốt cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Từ từ chúng ta biết cầm lòng cầm trí để nghiền ngẫm, có một tâm hồn tự do, trong suốt, biết tôn trọng nội tâm của mỗi người, không ép ai theo một phương pháp cầu nguyện quy tắc.
Tại sao thánh I-nhã cho rằng: trong một trăm người thường xuyên cầu nguyện, thì có chín mươi người theo ảo tưởng? Dù đều đều và trung thành để dành thời giờ cầu nguyện, chưa chắc chúng ta đang kết hiệp với Chúa Hằng Sống. Chính sự trung thành với phương pháp lại có thể biến thành mục đích của cầu nguyện. Làm như vậy, chúng ta trung thành một cách cứng nhắc. Sở dĩ cứng nhắc có lẽ là vì chúng ta chưa tin tưởng đủ là Thiên Chúa thương mến và ưa thích chúng ta.
Trung thành với Thần Khí. Ðức Kitô trung thành và đều đều cầu nguyện vì Ngài luôn mở lòng cho Thần Khí và tìm những gì đẹp lòng Chúa Cha. Cha muốn con làm gì? I-nhã cũng vậy: Spiritum ducentem sequebatur, non praeibat (I-nhã dõi theo sự hướng dẫn của Thần khí, chứ không đi trước). Chúng ta không nên đi trước Thần Khí. Ngài đóng vai trò chủ động khi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô. Sự đóng góp chính của chúng ta là mang mọi phạm vi của cuộc sống đặt dưới ảnh hưởng của Thần Khí. 
Vai trò của Thần Khí là nối kết chúng ta với Chúa Cha, với Ðức Kitô và với anh em trong tình yêu. Chính Thần Khí là tình yêu, và tình yêu biến đổi những ai được nối kết. Việc thánh hóa con người là những biến đổi mà Thần Khí tình yêu luôn luôn mang đến khi nối kết chúng ta với Thiên Chúa và anh em trong tình yêu. Thánh I-nhã có một sư phạm riêng để giúp con người mở lòng cho Thần Khí. Ðặc biệt trong Linh Thao ngài:
  • Cung cấp một nguyên lý nền tảng và chỉ ra giá trị của lòng bình tâm,
  • Dẫn đến ăn năn hối cải qua lòng thướng xót của Chúa,
  • Mời kết thân với Ðức Kitô với tình bạn thân thiết,
  • Chỉ cách chiêm niệm các mầu nhiệm cuộc sống Ðức Kitô,
  • Ý thức sự khác nhau giữa cạm bẫy của ma quỷ và chiến thuật của Ðức Kitô (Hai cờ hiệu),
  • Đo lường tình yêu qua các trình độ khiêm nhường (Ba trình độ Khiêm Nhường),
  • Mời chúng ta đối diện các đam mê còn đang ràng buộc trái tim mình (Ba loại người) ...
Ðiều quan trọng là chúng ta hỏi: Chúa muốn con làm gì? và để Thần Khí mở mắt tâm hồn và thúc đẩy chúng ta đi từng bước một cách thoải mái, vui vẻ, tự do, thật thà và biết ơn Chúa. I-nhã chú trọng đặc biệt đến lòng biết ơn. Ngài đã vượt qua lòng tham vọng và các nết xấu khác, nhất là qua lòng biết ơn.
Bằng chứng chắc chắn chúng ta cầu nguyện với Chúa Hằng Sống là chính đời sống thường ngày. Ðức Kitô nói: Qua hoa trái chúng ta biết cây. Chúng ta muốn tìm kiếm và nhận ra Thiên Chúa khắp mọi nơi. Chúng ta thực sự đang kết thân với Chúa qua cách chúng ta tiếp xúc với anh em, làm trọn bổn phận và biết xử dụng thời gian ngày càng vui vẻ và tràn đầy tình yêu.
Như vậy chúng ta nên cầu nguyện bao lâu? Năm 1554, cha Nadal báo cáo cho I-nhã ý muốn của tỉnh Tây Ban Nha muốn tăng thêm thời gian cho các thầy cầu nguyện. Cha I-nhã tha thiết đáp lại một người thực sự đang từ bỏ mình chỉ cần mười lăm phút để kết thân với Chúa trong cầu nguyện. Mỗi người cần để dành nhiều thời giờ cầu nguyện hay ít tuỳ mình và tuỳ hoàn cảnh đang sống. Ðôi khi cần 30 phút, khi khác nhiều thời giờ hơn. Ðiều quan trọng là suốt ngày và đều đều chúng ta 'ngưng và lắng nghe Thần Khí'. Làm như vậy Ngài sẽ biến đổi tận đáy lòng của mình nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô, ngày càng đồng tâm nhất trí với Thánh Ý Chúa Cha.

Eli Thành SJ

http://www.donghanh.org/main/05/tl-001.htm

Các Phương Pháp

Các Phương Pháp
CÁC PHƯƠNG PHÁP

Phần này sẽ bao gồm các phương phương pháp cụ thể về: 1) Cầu nguyện với Thánh Kinh; 2) Phương pháp làm Phút Hồi Tâm mỗi ngày; 3) Cách thức Chia sẻ Nhóm đức tin, và 4) Cách thức Điều Hợp Viên điều hành nhóm.

Mỗi thao viên cần xem kỹ phương pháp cầu nguyện với Thánh kinh để áp dụng cho đúng và để khỏi bị chia trí hay lung túng, trước khi bước vào giờ cầu nguyện riêng mỗi ngày.

Mọi người nên hiểu rõ cách thức sẻ tâm linh trước khi đến chia sẻ những hoa trái từ các giờ cầu nguyện trong tuần.  Tránh tình trạng biến giờ chia sẻ tâm linh thành giờ thảo luận và tranh luận Thánh kinh.

Mỗi nhóm chia sẻ cần phải có một điều hợp viên, ĐHV, để hướng dẫn nhóm của mình.  Điều cần thiết nhất của ĐHV là sự lắng nghe, ân cần và quan tâm đến từng thao viên.  Chúa có thể được nhận biết và tôn vinh rất nhiều từ sự ân cần, quan tâm và lắng nghe của bạn dành cho từng thao viên.  Đừng lên giọng giảng thuyết, hay có thái độ khuyên giải, kẻo dẫm chân lên Chúa, khiến Ngài mất cơ hội làm việc trong các thao viên.


Cuối cùng chúng tôi mong đợi mỗi ĐHV, đừng quên cầu nguyện cho từng thao viên trong nhóm của mình, mỗi tối.  Hãy nói chuyện và gởi gắm những nhu cầu của họ cho Chúa.  Xin Ngài chăm sóc họ, cũng xin Ngài hướng dẫn bạn phải làm gì để danh Chúa càng ngày càng được nhận biết hơn nơi chính cuộc sống của họ.


Thực Hành

Thực Hành
THỰC HÀNH

Thực Hành là phần chính của toàn bộ Chương trình VDTL.  Phần này sẽ được đăng tải mỗi ngày, kể từ Thứ Tư Lễ Tro ngày 1 tháng 3, năm 2017, bao gồm những trích đoạn từ những bài đọc Lời Chúa trong các Thánh lễ theo Lịch Phụng Vụ của Giáo hội, cùng những câu hỏi gợi ý để giúp quý vị cầu nguyện.  Chúng tôi mong đợi quý vị dùng những bài này để cầu nguyện mỗi ngày, đó là những giây phút chúng ta sẽ chạy VDTL với nhau.  
Cũng giống như cuộc chạy việt dã thể lý, VDTL cũng đòi hỏi ở mỗi tham dự viên nhiều hy sinh để có một nếp sống điều độ và kỷ luật cao.  Dinh dưỡng chính cho VDTL này là Lời Chúa.  Quý vị cần sử dụng dinh dưỡng này theo đúng phương pháp và lịch trình đều đặn, mỗi ngày tại nhà theo như hướng dẫn được trình bày trong Phần Phương Pháp Cầu Nguyện.  Kỷ luật của VDTL là thời gian cầu nguyện từ 15-50 phút mỗi ngày.  Nếu không thể có được 50 phút cùng một lúc, quý vị có thể chia ra 5-10 phút lúc này, 5-10 phút lúc khác, tùy theo thời khóa biểu thích hợp của quý vị.  Hy vọng sau một thời gian cầu nguyện chuyên cần, VDTL có thể trở thành một nếp sống cầu nguyện trong hành trình tâm linh của quý vị.  Quý vị sẽ quen thuộc với việc cầu nguyện trên nền tảng Thánh Kinh, một phương pháp vốn đã có từ lâu trong Giáo hội.
Một lần nữa, tập Thực Hành này không để cho quý vị chỉ có đọc mà thôi, chúng tôi muốn quý vị dùng để cầu nguyện mỗi ngày, theo một kỷ luật và lịch trình nhất định mà quý vị tự sắp xếp cho chính mình.  Nên nhớ, Lời Chúa không được viết ra chỉ để đọc cho qua, hay để thỏa mãn tính hiếu kỳ, nhưng Lời Chúa là Lời Hằng Sống, luôn đặt những thách đố trong mỗi người đọc, nhằm biến đổi, thánh hóa, khiến cho đời sống của họ càng ngày càng  trở nên phong phú hơn.  Bởi thế cần tránh não trạng tâm thần khi đọc lời Chúa, mà rất nhiều người dễ mắc phải, tức là chỉ có đọc mà không cầu nguyện; tựa như người nào đó vào nhà hàng chỉ có đọc thực đơn, nhưng không gọi các món ăn, rồi đứng lên trả tiền ra về, và rồi luyên thuyên nói với mọi người về nhà hàng đó, ngon hay dở!

Chúc quý vị kiên nhẫn và chạy hết mình trong hành trình VDTL này! 

Hành Trình Tâm Linh

Hành Trình Tâm Linh
HÀNH TRÌNH TÂM LINH

Hành Trình Tâm Linh là phần phụ thêm của Chương trình VDTL.  Nơi đây, quý vị sẽ tìm thấy những bài về tu đức mà chúng tôi góp nhặt đó đây.  Hy vọng quý vị tìm thấy một ích lợi nào đó cho đời sống tâm linh của quý vị từ những bài tu đức này.  Những bài tu đức sẽ tiếp tục được giởi đến quý vị trong tương lai.

Đừng Né Tránh Tiếng Chúa

Đừng Né Tránh Tiếng Chúa

ĐỪNG NÉ TRÁNH TIẾNG CHÚA
Chúa nói với ta là để dạy dỗ ta. Tuy nhiên, ta dễ tìm ra nhiều chỗ núp để tránh né sự dạy dỗ ấy. Ta có thể tránh né bằng cách mải lo việc của người khác, bằng cách hài lòng với quá khứ hoặc thêu dệt tương lai, bằng cách làm những việc bên ngoài.

1. Con Chứ Không Phải Người Khác 
Cách dễ nhất và cũng đáng buồn nhất để tránh né điều Chúa dạy là quay sang lo việc người khác. Một phụ nữ dễ 'nói chuyện với Chúa' hằng giờ về những thiếu sót của chồng và không hề tự hỏi gì về bổn phận làm vợ, làm mẹ của mình. Người cha gia đình có thể than thở với Chúa rất nhiều về những đứa con lớn của ông, nhưng lại không muốn hỏi Chúa xem trong việc giáo dục con cái, ông đã sai trái thế nào! Một linh mục có thể rất bận tâm tới phần rỗi mọi người và quên mất rằng Chúa đang chờ đợi chính cha sửa đổi đời sống! Con cái dễ trách móc cha mẹ, bề trên phàn nàn về bề dưới, giáo dân than phiền cha sở... để khỏi đối diện với những điều Thiên Chúa đang đòi hỏi bản thân họ.  
Ðôi khi ta còn nhanh nhẩu lo sửa giùm lầm lỗi của kẻ qua đường, của người hàng xóm. Ta không có giờ suy nghĩ những vấn đề của ta vì ta đang bận phê bình các thế hệ người xưa và các tầng lớp xã hội ngày nay. 
Trước mắt Chúa, ta cần tự hỏi: 'Chúa muốn dạy con điều gì?' chứ đừng hỏi: 'Chúa muốn con dạy người kia điều gì?' 

2. Lúc Này Chứ Không Phải Lúc Khác 
Nếu không mắc cái tệ 'việc mình thì lười, việc người thì siêng', ta lại có thể tránh né tiếng Chúa bằng cách mải miết nghĩ đến những 'thành quả' nào đó trong quá khứ. Ta yên tâm vì mình không đến nỗi tệ... Ta hãnh diện vì đã biết đáp lại tiếng Chúa. Làm như là đã nắm vững ý Chúa, đã giải quyết xong đâu đó rồi, không còn vấn đề nữa.  
Như thế là quên rằng Chúa đang dìu ta từng bước một, mỗi lúc Ngài đều muốn ta tiến thêm. Không ai khám phá tiếng Chúa một lần thay cho tất cả, và nếu không muốn lùi lại thì cũng không ai có thể cho rằng mình đã đáp lại tiếng Chúa xong rồi. 
Lắm lúc ta lại có rất nhiều lý do tốt đẹp để thêu dệt vẽ vời tương lai, mải lo giải quyết những chuyện chưa đến, mất thời giờ vì những chuyện nằm trong giả thuyết. Không, nếu hiện tại ta không yêu thì lấy gì bảo đảm rằng tương lai ta sẽ yêu? 
Mỗi giây phút Chúa đều có điều muốn dạy ta, ta cần tỉnh táo luôn luôn để nghe được điều Chúa dạy dỗ.
  
3. Chính Tâm Hồn Con Chứ Không Phải Chuyện Bên Ngoài 
Sự lẩn tránh đôi khi thật tinh vi. Ta có thể cố gắng làm những việc thật lớn lao, nhưng chỉ là những việc bên ngoài, để dựa vào đó mà khỏi lo hoàn thiện chính mình. Hãy nhớ lời Chúa nói: 'Ta muốn tấm lòng chứ không muốn của lễ'. 
Tĩnh tâm chính là dịp ta đến với Chúa, để Chúa hoán cải tâm hồn ta nên giống như Chúa, 'có được những tâm tư như đã có nơi Ðức Kitô-Giêsu' (Phil 2:5), rung cảm, muốn và hành động như Ngài.

4. Học Từ Bỏ 
Tập linh thao là tập xa bỏ những xu hướng lệch lạc để gắn bó với thánh ý Thiên Chúa. Công cuộc này bắt đầu từ những chọn lựa nhỏ nhặt và kết quả hay không phần lớn đều do thái độ của ta trước những cám dỗ 'chẳng ra gì' này.
Ví dụ:
-   không kìm hãm một câu hỏi, một cái nhìn, một điếu thuốc ...
-   ươn lười trong cách ngồi nguyện ngắm
-   rút ngắn giờ nguyện ngắm
-   mải lo nghĩ về những điều sẽ làm hay có thể làm thay vì tập trung vào sự gặp gỡ Thiên Chúa. 
Ai trung tín trong việc nhỏ sẽ trong tín trong việc lớn. Càng cương quyết trước những quyến luyến lặt vặt, ta càng có sức mạnh đáp lại những đòi hỏi lớn lao của Thiên Chúa. Ngược lại, chỉ một nhượng bộ nhỏ cũng có thể mở đầu cho một chuỗi đầu hàng làm cho ta yếu hẳn đi, lùi lại rất xa và rồi coi thường cả những nguy cơ trầm trọng gây thiệt hại cho linh hồn mình và người khác. 
Cuộc linh thao có kết quả nhiều hay ít là tùy ta dám từ bỏ nhiều hay ít. Việc từ bỏ nói đây trước hết là từ bỏ ý riêng, cả những cái có vẻ rất chính đáng. Ngay từ những ngày chuẩn bị đi linh thao, hãy tập vui vẻ đón nhận mọi chuyện trái ý. Nếu những ngày trước tĩnh tâm, ta đã cố gắng để tự thắng, vui vẻ từ bỏ ý riêng, thì trong thời gian tĩnh tâm sẽ dễ tỉnh táo trước những gợi ý có vẻ rất nhỏ mọn của Chúa. 
Ðừng quên rằng những cái nhỏ ấy đang chuẩn bị cho những cái lớn. Nước trời bao giờ cũng bắt đầu như một hạt cải, nhỏ hơn mọi thứ hạt ... Có quảng đại với Chúa trong những việc dễ mới có thể nói không với mình trong những chuyện khó, khi phải buông bỏ những điều ta vẫn chủ quan cho là tốt nhất để chọn những điều có vẻ rất bấp bênh, ít hữu hiệu nhưng lại là điều Thiên Chúa đề nghị. Lắm lúc Thiên Chúa chỉ đòi hỏi ta để yên cho Ngài làm. Ðáng mừng biết bao nếu lúc ấy ta biết nhỏ lại để Ngài được lớn lên. 



http://www.donghanh.org/main/01-hd/1td_hd_020_dung_ne_tranh_tieng_Chua.htm