Luca 1:5-25
5Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm
A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông tên là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư
tế A-ha-ron. 6 Hai ông bà đều là người công chính trước
mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê
trách được điều gì. 7 Nhưng họ lại không có con, vì bà
Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi, và cả hai đều đã cao niên.
8 Vậy một ngày kia ông Da-ca-ri-a đang lo việc tế tự trước nhan Thiên
Chúa khi đến phiên của nhóm ông. 9 Theo tục lệ của hàng tư
tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10 Trong
giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài.
11 Bấy giờ một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương
án. 12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và phát sợ. 13 Nhưng
sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông
cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai, và ông phải đặt
tên cho con là Gio-an. 14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và
nhiều người cũng được hỷ hoan vì con trẻ chào đời. 15 Vì
em sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Em sẽ
không uống rượu và thức có men. Em sẽ
được đầy Thánh Thần ngay khi còn trong lòng mẹ. 16 Em sẽ
đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17 Được
đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để đưa
tâm hồn cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng
về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” 18 Ông
Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã
già, và nhà tôi cũng đã cao niên.” 19 Sứ thần đáp: “Tôi là
Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và
loan báo tin mừng ấy cho ông. 20 Này đây ông sẽ bị câm,
không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời
tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi.” 21 Dân
chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như
thế. 22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và họ biết
là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh.
Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.
23 Khi thời gian phục vụ đã mãn, ông trở về nhà. 24 Ít
lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. 25 Bà
tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người đoái thương cất nỗi hổ nhục
tôi phải chịu trước mặt người đời.”
(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Hôm qua tôi đã đọc và suy ngẫm câu chuyện thiên thần truyền tin cho
Giuse, hôm nay tôi được mời gọi suy ngẫm về câu chuyện thiên thần truyền tin
cho Da-ca-ri-a. Cả hai câu chuyện đều
rất lạ, đầy huyền bí, nghe cứ như Truyện Thánh Gióng của Việt Nam. Kinh Thánh không chỉ có hai câu chuyện này,
nhưng Cựu Ước có rất nhiều những câu chuyện như vậy, chẳng hạn: Chuyện bà Xa-ra
vợ ông Áp-ra-ham, hai ông bà đều hiếm muộn và đã rất già, vậy mà Chúa đã cho họ
sinh ra I-xa-ác (St 18:1-15; 21:1-7), rồi câu chuyện của Sam-sôn chào đời khi mẹ
của ông là người hiếm muộn và đã già (Tl 13:2-25), và câu chuyện của bà An-na
mẹ của Sa-mu-en, một người hiếm muộn. Bà
đã cầu nguyện, khóc như một người say rượu, và Chúa đã nhớ đến bà, cho bà sinh
con trai, sau này đã trở thành Tiên tri Sa-mu-en (1Sam. 1:1-20)… Thật khó để kiểm chứng thực hư những câu
chuyện như thế này; tuy nhiên, đây là những câu chuyện của niềm tin, được viết
với múc đích của niềm tin. Bởi thế,
trong tất cả những câu chuyện này đều có những điểm giống nhau, nhằm giúp đức
tin của tôi thêm mạnh, chẳng hạn như: 1) tất cả những người này là những người
đạo hạnh, 2) tất cả đều khốn khổ vì hiếm muộn, 3) tất cả đều có niềm tin mạnh
mẽ vào Thiên Chúa. Như vậy, một truyền
thống lâu đời bắt nguồn từ Cựu Ước, đã luôn cổ xúy rằng: “Người hiền đức được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là
chỗ họ dung thân. Chúa bang trợ và giải
thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào
Người” (Tv 36:39). Niềm tin ấy giáo
hội đã luôn lưu truyền và tuyên xưng cho đến ngày nay. Tôi tin những giáo huấn này không? Tôi tin rằng Chúa nghe lời tôi cầu nguyện
không? Tôi dám tin Chúa những lúc khốn
quẫn không? Chúa có chỗ đứng nào trong
tôi những khi tôi gặp khó khăn và lâm cảnh khốn cùng?
2.
Câu chuyện truyền tin trong bài đọc hôm nay có một kết thúc mở. Tức là, dù chuyện kể đã chấm dứt, nhưng nó để
lại trong lòng người một câu hỏi day dứt: Tại sao Chúa phạt Da-ca-ri-a chỉ vì
ông không tin? Dù chuyện kể đã kết thúc,
nhưng vẫn còn kéo dài cho đến khi vợ Da-ca-ri-a, tức là bà E-li-sa-bét mang
thai và sinh con, rồi ông đặt tên con trẻ là Gioan, khi ấy Da-ca-ri-a mới nói
được trở lại, khi ấy câu chuyện mới thực sự kết thúc. Có nhiều cách lý giải tại sao Da-ca-ri-a bị
câm. Bài đọc hôm nay nói, ông bị câm là
vì ông không tin. Có thể ông bị câm là
bởi biến cố xảy ra với ông trong đền thờ quá kinh hoàng, choáng ngợp sức tưởng
tượng của ông, nên câm ở đây có thể là, cứ há hốc miệng ra mà chẳng nói được
lời nào, là tất cả mọi ngôn từ khi ấy đều là què quặt, chẳng có thể diễn tả nổi
những gì ông đã tai nghe mắt thấy chăng?
Có thể “sự câm” của Da-ca-ri-a là do ông chưa chắc chắn, còn nghi ngờ về
những gì ông đã thị kiến, bởi vậy ông cần thời gian để kiểm chứng, nên đã chẳng
nói năng gì chăng? Tôi có kinh nghiệm
này bao giờ chưa? Phải chăng, có những
lúc tôi cũng đã bán tín bán nghi, có những lúc tôi đã há hốc miệng mà chẳng nói
được lời nào vì đã quá ngạc nghiên và quá sức tưởng tượng của tôi? Có khi nào tôi đã chứng kiến một chuyện gì
xảy ra trước mắt tôi, và tôi đã giữ im lặng mãi cho đến cả chục năm sau mới nói
ra, chỉ vì tôi cảm thấy chưa tin đủ, hoặc mọi người chưa sẵn sàng để nghe những
chia sẻ của tôi? Dù gì đi nữa, kết thúc
của bài đọc hôm nay cũng làm cho tôi suy nghĩ và thắc mắc. Tôi chỉ có thể có câu trả lời chính xác nhất,
khi tôi đặt tôi vào hoàn cảnh Da-ca-ri-a, hoặc tôi hỏi chính Chúa về chuyện
này. Tôi ngồi bên Chúa, bàn chuyện này
với Chúa và Da-ca-ri-a xem sao. Tôi kết
thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Hãy
Ký Thác Đường Đời Cho Chúa,” của Thành Tâm, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=mxVzP-p6neM
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment