Saturday, November 30, 2019

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm A – 1-12-2019

CN I MV

Isaia 2:1-5

1 Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.2 Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.  Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,3 nước nước dập dìu kéo nhau đi.  Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.  Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền.4 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc.  Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.  Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.5 Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường!

(Trích Sách Isaia bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/cuuuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Nhiều người Tây Phương có thói quen đề ra cho bản thân một nếp sống mới vào mỗi dịp đầu năm, với những quyết tâm mới (new resolutions), sao cho cả năm mới được khỏe mạnh hơn và tốt đẹp hơn năm cũ.  Hôm nay, ngày đầu Năm Phụng Vụ mới, lời Chúa như nhắc nhở tôi cần có một hướng đi mới, lối sống mới, trong niềm vui, hy vọng và an hòa.  Có thể đây là quyết tâm mới của tôi chăng?  Tôi có thể ngồi bên Chúa lúc này, cùng Ngài viết ra những quyết tâm mới, những cam kết mới giữa tôi với Chúa, để cả Năm Phụng Vụ mới này, tôi và Chúa được hiểu nhau nhiều hơn, trở nên thân tình với nhau hơn.

2.  “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.  Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.”  Câu Thánh Kinh này đã được đúc cùng với tượng đài rất lớn (hình trong bài này), ngay cổng chính của Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York.  Hóa ra, dù lời Kinh Thánh này đã được viết ra khoảng năm 750, TCN, vậy mà nó vẫn còn cần thiết cho thế giới ngày nay.  Lời này đã trở thành như tôn chỉ và mục đích của Hội đồng Liên Hợp Quốc: kiến tạo hòa bình.  Tuy nhiên, hòa bình không thể xảy ra khi tâm hồn mỗi người chưa được bình an.  Tâm hồn mỗi người chưa bình an, sẽ không thể có những gia đình bình an.  Những gia đình chưa bình an, sẽ không có những cộng đồng bình an.  Những cộng đồng chưa bình an, sẽ không có những đất nước và giáo hội bình an.  Tôi muốn dành những giây phút này để cầu nguyện, trước nhất, cho tâm tôi an, sau đó, cho gia đình tôi hòa, cho đất nước tôi bình, và cho thế giới này lạc.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, November 29, 2019

Thứ Bảy Tuần XXXIV Mùa Thường Niên – Năm C – 30-11-2019 – Lễ Thánh An-rê, Tông Đồ


Thu Bay XXXIV TN

Mát-thêu 4:18-22

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.19 Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Một điểm khá đặc biệt trong bài đọc hôm nay, đó là việc Chúa Giêsu chọn những môn đệ đầu tiên của Ngài.  Tôi không thấy Chúa Giêsu gọi họ, lúc họ đang trập trung cầu nguyện trong đền thờ, nhưng giữa những bận rộn của công ăn việc làm hằng ngày của họ: đánh cá.  Có lẽ đây là nét đặc biệt mà tôi cần phải lưu ý.  Chúa có thể gọi tôi ở bất cứ nơi đâu, lúc bận rộn hay nhàn rỗi, trong cầu nguyện hay bên ngoài giờ cầu nguyện.  Điều quan trọng, tôi cần phải để ý tiếng gọi và sự hiện diện của Ngài.  Tôi muốn tập trung để ý Ngài nói gì với tôi trong giờ cầu nguyện này, và mời gọi tôi sống như thế nào trong ngày sống hôm nay, hoặc giải quyết vấn đề như thế nào, đối với những khó khăn mà tôi đang phải đối diện? 

2.     Điểm đáng lưu ý thứ hai trong bài đọc hôm nay nữa, đó là: Sự đáp trả một cách mau mắn và dứt khoát của các môn đệ trước lời mời gọi của Chúa Giêsu.  Cuộc sống của tôi có thể có rất nhiều những vướng bận khiến tôi khó nói “vâng” với Chúa, chẳng hạn như gia đình, sự nghiệp, khả năng giao tiếp, trình độ học vấn, cá tính và kinh nghiệm sống.  Tôi sẽ có muôn vàn lý do để nói “không” với Chúa.  Tuy nhiên, tôi phải biết rằng: Chúa gọi ai, Người sẽ huấn luyện dần dần (Rm 8:30).  Chúa cũng không gọi ai tuyệt hảo, nhưng gọi những người bất toàn và tầm thường để rồi, biến họ trở nên những con người phi thường.  Cứ nhìn vào các vị thánh lớn trong Giáo hôi, chẳng hạn như Thánh An-rê trong lễ kính hôm nay.  Tôi dám nói “vâng” với tiếng gọi của Chúa gọi tôi hôm nay không?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, November 28, 2019

Thứ Sáu Tuần XXXIV Mùa Thường Niên – Năm C – 29-11-2019


Thu Sau XXXIV TN

Luca 21:29-33

29 Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: "Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác.30 Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi.31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra.33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn và dạy tôi cần phải có óc quan sát.  Nếu tôi đã biết quan sát cây cối, thời tiết để biết được những chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp, thường là tôi đúng, vậy, tôi có óc quan sát về những chiều sâu lâm linh, đời sống tinh thần, và đời sống vĩnh cửu không?  Nếu có, chuyện gì sẽ xảy đến và tôi phải chuẩn bị tránh những gì, hoặc để đón nhận dồi dào hơn?  Nếu không, tôi muốn nói chuyện với Chúa trong lúc này, xin Ngài giúp tôi trở nên tinh tường và nhạy bén, biết lo lắng cho đời sống nội tâm của tôi.

2.     Chúa Giêsu nói có những dấu chỉ cho tôi biết Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần hay không.  Mà Thiên Chúa là ai thì triều đại của Ngài sẽ tràn ngập những điều ấy.  Thiên Chúa là tình yêu, vậy khi tôi đón nhận, chia sẻ và sống yêu thương, đây chính là những dấu chỉ rõ ràng của Triều Đại Thiên Chúa đang ở bên và ở trong tôi.  Tôi có thấy điều này đang xảy ra trong lòng tôi không?  Nếu có, tôi cảm thấy hạnh phúc, vui sướng và bình an như thế nào?  Nếu không, tại sao lại không?  Cái gì đang cản lối sự hiện diện của yêu thương, an bình và hy vọng trong tim tôi?  Tôi xin Chúa giúp tôi trở nên biết yêu thương hơn, hy vọng hơn, tự do hơn.  Thánh I-nha-xi-ô có lần nói: “Người nào mang Chúa ở trong tim sẽ mang cả thiên đàng ở mọi nơi mà người ấy tới.”  Câu nói này có thể là phương thức giúp tôi biết đọc những dấu chỉ của Triều Đại Thiên Chúa quanh tôi. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, November 27, 2019

Thứ Năm Tuần XXXIV Mùa Thường Niên – Năm C – 28-11-2019 – Lễ Tạ Ơn Ở Hoa Kỳ


Thu Nam XXXIV TN

Huấn Ca 50:22-24

22 Giờ đây hãy chúc tụng Thiên Chúa muôn loài, Đấng đã làm những điều vĩ đại ở khắp nơi, Đấng đã làm cho đời sống chúng ta nên cao quý ngay từ thuở ta còn trong lòng mẹ, và đối xử với chúng ta theo lòng lân tuất của Người.23 Xin Thiên Chúa ban cho tâm hồn chúng ta niềm hoan hỷ, và cho đời chúng ta được hưởng phúc bình an…đến muôn thuở muôn đời!24 Xin Thiên Chúa hằng tỏ lòng lân tuất với chúng ta, và giải cứu chúng ta trong những ngày chúng ta đang sống!

(Trích Sách Huấn Ca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/cuuuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Lời Chúa trong Sách Huấn Ca mà tôi đang đọc trong lúc này, viết ra vào khoảng 200 năm trước công nguyên, lời ấy thật thích hợp với mọi ngày sống của tôi.  Lời ấy gọi mời tôi sống biết ơn với Thiên Chúa, Đấng đã sinh thành ra tôi và chăm sóc mọi ngày sống của tôi.  Tôi đọc lại những tâm tình trên nhiều lần, bao nhiêu có thể, để lời dạy sống biết ơn này thấm nhập trong con người tôi, giúp tôi trở nên là một người biết ơn Chúa, biết ơn cuộc đời hơn, mỗi ngày.

2.     Hôm nay là Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ.  Người Mỹ có lễ này để tạ ơn Chúa và cám ơn những thổ dân ở đây đã cứu sống họ cách đây 200 năm.  Sống tâm tình biết ơn là một đức luân lý căn bản và đầu tiên của mọi dân tộc, dù vô thần hay hữu thần, dù văn hóa nào, cũng dạy cho người ta lòng biết ơn.  Trong ngày hôm nay tôi muốn cầu nguyện cho đất nước mà tôi đang sống.  Gia đình mà tôi đang có.  Bạn hữu mà tôi đang liên hệ.  Cuộc đời, công ăn việc làm và sức khỏe mà tôi đang lãnh nhận, từng giây phút của cuộc sống.  Tôi cám ơn Chúa và tôi cám ơn tất cả.  Xin cho tôi ý thức sống biết ơn mỗi ngày.  Vì càng sống biết ơn bao nhiêu, tôi càng trở thành người bấy nhiêu.  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, Cám Ơn Người, qua đường dẫn sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=KYUwptjZ0rk

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, November 26, 2019

Thứ Tư Tuần XXXIV Mùa Thường Niên – Năm C – 27-11-2019


Thu Tu XXXIV TN

Luca 21:12-18

12 "Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy.13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào.15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được.16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em.17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nối tiếp bài đọc hôm qua, nói về ngày cánh chung.  Một lần nữa Chúa Giêsu muốn trấn an tôi.  Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, thiên tai, loạn lạc, chiến tranh và bắt bớ, hãy an tâm vì chính Ngài sẽ ở bên tôi, hãy tiếp tục làm chứng cho tình yêu của Ngài, hãy tiếp tục sống yêu thương, và trở nên mối yêu thương nâng đỡ mọi người trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt trong những lúc kinh hoàng ấy (Ga 13:35).  Tôi tin ở lời Chúa Giêsu không?  Tôi có sự bình an trong lúc này không, khi mà những tai ương chưa xảy ra?  Nếu không, tôi làm sao bình tĩnh khi những chuyện kinh hoàng kia xảy đến?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này? 

2.     Một trong những khủng hoảng có thể xảy đến đó là, tôi sẽ bị ghen ghét và bắt bớ không chỉ bởi những người xa lạ, mà còn bởi chính những người thân trong cộng đoàn và gia đình của tôi.  Có phải không, ngày nay khi tôi tin vào Chúa, thường hay bị chính vợ, chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em chê cười và chống đối?  Tôi đừng ngạc nhiên, đừng thất vọng.  Điều quan trọng hãy tiếp tục sống yêu thương, chính đời sống yêu thương là một lời chứng mạnh mẽ nhất, có tính thuyết phục nhất.  Chỉ trong sự kết thân với Chúa Giêsu tôi mới có thể sống yêu thương được.  Chính Ngài sẽ giúp tôi biết phải nói gì và làm gì.  Tôi đang cần sự giúp đỡ của Ngài không?  Tôi nói chuyện với Ngài trong lúc này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, November 25, 2019

Thứ Ba Tuần XXXIV Mùa Thường Niên – Năm C – 26-11-2019


Thu Ba XXXIV TNLuca 21:5-11

5 Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo:6 "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào."7 Họ hỏi Người: "Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?"8 Đức Giê-su đáp: "Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: "Chính ta đây", và: "Thời kỳ đã đến gần"; anh em chớ có theo họ.9 Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu".10 Rồi Người nói tiếp: "Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ.11 Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Câu chuyện giữa Chúa Giêsu và các môn đệ trong bài đọc hôm nay đề cập đến hai vấn đề lớn, có thể đáng cho tôi suy nghĩ trong giờ cầu nguyện này.  Thứ nhất, sự ngưỡng mộ về cảnh tráng lệ của đền thờ.  Không có gì sai khi tôi ngưỡng mộ một công trình hay kiến trúc to lớn và đẹp.  Tuy nhiên, Chúa Giêsu dùng ngay sự việc trước mắt mọi người để hướng đến một cái gì lâu bền hơn, có tính vĩnh viễn.  Chẳng có một công trình nào, hoặc bất cứ cái gì của con người lại có thể tồn tại vĩnh viễn.  Bởi thế, điều quan trọng nhất trong cuộc đời là tận dụng những thứ chóng qua ở đời này, để chúng giúp tôi đạt đến những gì có tính vĩnh cửu, chẳng hạn như giờ cầu nguyện mỗi ngày là tìm và xây đắp một tương lai mật thiết giữa tôi với Chúa, giữa tôi với mọi người xunh quanh.  Chỉ hai điều này mới có thể trường tồn mà thôi.

2.     Thứ hai, cuộc đời này rồi cũng sẽ đến hồi chấm dứt.  Cứ vào cuối mỗi năm, ở góc đường này, ở bích chương kia, ở chương trình truyền hình nọ, đâu đâu tôi cũng có thể nghe thấy người ta rao giảng rằng, sắp tận thế rồi!  Những lời này có lẽ được lập đi lập lại mỗi năm, trong hai ngàn năm qua, không chừng cả trước khi Chúa Giêsu sinh ra nữa.  Nhưng khi nào thì tận thế xảy ra?  Chẳng ai biết được, kể cả các thiên thần và Chúa Giêsu (Mt 24:36; Mc 13:32)!  Chúa Giêsu căn dặn tận thế sẽ xảy ra, nhưng đừng để ai lừa mình, cũng đừng vì những tin đồn như vậy làm cho cuộc sống của mất bình an, hoặc hoang mang.  Có thể xem những lời cảnh báo như những lời cảnh báo trước khi máy bay cất cánh, chiêu đãi viên căn dặn hành khách phải biết chuẩn bị nếu máy bay gặp sự cố, tuy nhiên mọi người hãy có một chuyến bay vui và bình an.  Tôi đọc lại những lời cảnh báo của Chúa Giêsu, hầu có thể sống từng giây phút một cách vui tươi, bình an và lạc quan để, dù tận thế có xảy ra đêm nay hay ngày mai, tôi vẫn sống vui và sống khỏe?  Tôi bàn chuyện với Chúa về cách hiểu, nỗi lo trong lòng tôi lúc này về ngày tận thế.  Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, Phù Vân, của Lm Xuân Đường, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=1cD9qTTKfe8

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, November 24, 2019

Thứ Hai Tuần XXXIV Mùa Thường Niên – Năm C – 25-11-2019


Thu Hai XXXIV TN

Luca 21:1-4

1 Ngước mắt lên nhìn, Đức Giê-su thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền.2 Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm.3 Người liền nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.4 Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay, quan sát vấn đề bỏ tiền trong đền thờ.  Ngài, chắc hẳn phải là, đang ở trong sảnh đường dành cho nữ giới, trong đền thờ.  Trong sảnh đường này, có bảy thùng tiền thuế để những người dự lễ nộp thuế đền thờ; đồng thời, cũng có sáu thùng tiền dâng cúng, để ai muốn dâng bao nhiêu tùy ý.  Chúa Giêsu thấy những người giầu có và một bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng tiền dâng cúng.  Trước mặt các môn đệ, Ngài ca ngợi tấm lòng của bà góa này, dù rằng bà chỉ dâng vỏn vẹn hai đồng tiền kẽm.  Số tiền của bà quá ít, chắc là khi bà bỏ tiền vào thùng, nó chẳng vang được một tiếng; trong khi đó, những người giầu kia bỏ nhiều tiền, số tiền ấy chắc đã tạo nên những tiếng vang to lắm.  Đó là chưa kể, bên thùng tiền luôn có một người hướng dẫn mọi người bỏ tiền.  Người này có nhiệm vụ xướng tên và số tiền vừa được dâng cúng, chẳng hạn: “Nguyễn Văn A vừa dâng cúng $100,” tựa như nhiều nhà thờ Công Giáo hiện nay vẫn xướng tên và số tiền dâng cúng là bao nhiêu, vào đầu hoặc cuối mỗi Thánh lễ Chúa Nhật.  Xướng tên và số tiền của người dâng cúng là điều tốt vì nó tạo sự minh bạch, nhưng cũng rất tai hại vì nó là cách để moi tiền người khác, kích thích cái tôi nơi lòng mỗi người, đồng thời tạo một mặc cảm xấu đối nơi những người nghèo.  Một khi đã thành thói quen, người ta quên dần ý nghĩa cao đẹp của dâng cúng, không vì Chúa nữa mà chỉ vì cái tôi của mình.  Có khi nào tôi dâng cúng chỉ để tên tôi được vang cả nhà thờ không?  Có khi nào tôi cảm thấy tổn thương vì chẳng ai rao tên tôi, hoặc không biết tôi đã "hảo tâm" đến mức nào cho cộng đồng ?  Bài đọc hôm nay nói gì với tôi về cách dâng cúng?

2.      Chúa Giêsu nhân cơ hội này dạy các môn đệ của Ngài một điều quan trọng: của cho không bằng cách cho.  Bài đọc hôm nay cũng có thể đọc song song với câu nói của Phao-lô: “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2Cor. 9:7).  Vấn đề không phải là cho bao nhiêu, nhưng cho một cách quảng đại và vui vẻ.  Bà góa nghèo trong bài đọc hôm nay đã cho đi tất cả những gì đang nuôi sống bà, trong khi đó, những người giầu cho đi cái dư thừa của họ.  Cũng có nhiều cách dâng cúng, không hẳn chỉ là tiền bạc, nhưng còn là tài năng, thời giờ.  Chẳng hạn như giờ cầu nguyện bên Chúa mỗi ngày.  Tôi quảng đại với Chúa, Đấng đã rất quảng đại với tôi, tôi dâng lại cho Ngài một số thời giờ trong ngày như thế nào?  Nếu tôi vui vẻ dâng hiến một cách quảng đại, tôi sẽ đón nhận một cách trào tràn tình thương của Ngài.  Tôi muốn áp dụng ý nghĩa của bài đọc hôm nay ngay giây phút này và từ nay trở đi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, November 23, 2019

Chúa Nhật Tuần XXXIV Mùa Thường Niên – Năm C – 24-11-2019 – Lễ Chúa Kitô Vua


CN XXXIV TN

Luca 23:35-43

35Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!"36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống37 và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!"38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua người Do-thái."39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!"40 Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!"42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!"43 Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay dẫn tôi vào một sự thật đáng sợ.  Sự thật đáng sợ đó là, những lời thách thức và cười nhạo của dân chúng, của tên trộm, cũng như của lính tráng đối với Chúa Giêsu, khi Ngài đang chết dần trên thập giá, gợi cho tôi nhớ về lời của ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu, khi Ngài ăn chay 40 đêm ngày trong sa mạc: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!" (Lc 4:9).  Sau khi thua cơn cám dỗ cuối cùng ấy, ma quỷ đã “bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lk 4:13).  Bài đọc hôm nay là một trong những thời cơ mà ma quỷ đã trở lại.  Đây là một điều đáng sợ!  Bởi ma quỷ luôn tìm mọi thời cơ để cám dỗ Chúa Giêsu, vậy tôi là ai mà chúng không dám cám dỗ liên tục?  Điều này nhắc nhở tôi phải luôn tỉnh táo trước những trò lừa của ma quỷ.  Đâu là những việc làm, lối sống mà ma quỷ đang dắt tôi xa Chúa?  Tôi nương tựa vào Chúa để chống trả với ma quỷ như thế nào?  Tôi muốn nói gì và xin gì cùng Chúa trong lúc này để giúp tôi chống lại những cám dỗ trong tôi? 

2.      Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Giáo hội mừng lễ Chúa Kitô làm Vua, nhưng bài đọc hôm nay lại không nói Chúa Giêsu đi trên thảm đỏ với kèn trống, kiệu mũ, rước sách linh đình, cùng đoàn xe tăng và pháo binh, mà chỉ thấy Chúa Giêsu chết trần trụi và tất tưởi trên thập giá, như một tội nhân.  Tuy nhiên, đây mới chính là hình ảnh đẹp nhất và đúng nhất về Chúa Giêsu là vua của lòng tôi.  Ngài không là vua theo kiểu hống hách, làm cha thiên hạ, hà khắc hay bóc lột dân, nhưng Ngài là một vị vua yêu tôi hết mình và dám chết cho tôi.  Điều này khiến Ngài đáng làm vua của tôi và của cả nhân loại.  Trong giây phút này tôi muốn bày tỏ lòng tôn kính, thuần phục, ngơi khen và cảm tạ Chúa Giêsu Kitô là vua của lòng tôi và là vua của mọi người.  Lạy Chúa Giêsu Kitô, con hãnh diện về Ngài, con yêu mến Ngài!

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, November 22, 2019

Thứ Bảy Tuần XXXIII Mùa Thường Niên – Năm C – 23-11-2019


Thu Bay XXXIII TN

Luca 20:27-40

27 Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại.28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết.30 Người thứ hai,31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào.32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết.33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? "34 Đức Giê-su đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng,35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng.36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại.37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp.38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: "Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm."40 Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật thích hợp cho tôi suy niệm, bởi nó đề cập đến những câu hỏi rất lớn của con người: Tôi là ai?  Tôi sống trên đời này để làm gì và chết rồi tôi sẽ đi đâu?  Có sự sống đời sau hay không?  Rất nhiều người cho rằng tôi là cái tôi có, cái tôi làm, cái tôi sở hữu, chính vì thế người ta vất vả, vật lộn, tranh đấu và khốn khổ để làm sao sở hữu thật nhiều vật chất của cải.  Vì vậy, người ta sẵn sàng bán rẻ lương tâm, đành mất gia đình và bạn bè để có được nhiều tiền của, bằng mọi giá để mang danh trong đời, mang tông giống trong đời.  Tuy nhiên, chẳng ai trong cuộc đời này đã mang đi được bất cứ thứ gì ở đời này sau khi chết.  Tất cả những gì họ làm ra đều tiêu tan, đều bị quên lãng và đều để người khác hưởng dùng.  Tôi có đang rơi vào trong vòng luẩn quẩn này không?  Tôi đang vất vả để được gì?  Tôi muốn suy xét lại lối sống của tôi như vậy có đáng không hay, cuối cùng rồi cũng chỉ đi vào bế tắc, trống rỗng? 

2.     Pierre Teilhard de Chardin, SJ, (1881-1955), một linh mục Dòng Tên và là một triết gia, một nhà địa chất học và một nhà cổ sinh vật học đã nói: “Chúng ta không phải là những phàm nhân cưu mang kinh nghiệm thần thánh.  Chúng ta là những sinh linh mang kinh nghiệm phàm trần.”  Đúng vậy! Tôi chỉ có thể biết được tôi là ai và chết rồi tôi sẽ đi đâu khi, tôi hướng về Thiên Chúa, Đấng đã làm ra tôi.  Ngài biết rõ tôi và tương lai tôi sẽ như thế nào.  Như Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay: Tôi sẽ sống như các thiên thần, và sống mãi với Thiên Chúa hằng sống.  Sống mãi là chuyện đương nhiên, nhưng sống với ai là một sự lựa chọn: Với Chúa hay với ma quỷ.  Vậy, tôi sẽ làm gì trong cuộc sống này để rồi tôi sẽ sống với Thiên Chúa sau này, chứ không phải sống đời đời với ma quỷ?  Chỉ khi nào tôi biết chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau, tôi mới tìm thấy cuộc đời hiện tại bình an, tự do, hạnh phúc, và siêu thoát khỏi những vướng bận của thế trần.  Tôi muốn suy ngẫm về những điều này.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, November 21, 2019

Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên – Năm C – 22-11-2019 – Lễ Thánh Cecilia


Thu Sau XXXIII TN

Luca 19:46-48

45 Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán46 và nói với họ: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!"47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy.48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trước hết phải nói rằng, biến cố Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ là một biến cố rất quan trong, được ghi nhận bởi cả bốn phúc âm (Lc 19:46-48; Mt 21:2-4; Mc 11:15-19; Ga 2:3-6).  Đây không phải là một ghi nhận về sự nóng tính thiếu kiểm soát của Chúa Giêsu.  Điều các thánh sử ghi nhận ở đây mang một ý nghĩa thiêng liêng: thanh tẩy đền thờ.  Ngài thanh tẩy đền thờ cũng là thanh tẩy tôn giáo, Do-thái giáo lúc bấy giờ.  Một tôn giáo có bề dầy về lịch sử và trọng hình thức, khiến cho tín hữu khó gặp Chúa, không thể gặp Chúa trực tiếp, và bị giam hãm trong những lễ nghi rườm rà và lề luật cồng kềnh, chằng chịt.  Nói chung, đây là một hành động cách mạng về tôn giáo của Chúa Giêsu.  Ngài muốn lật đổ, phá đổ tất cả những gì là lỗi thời và sai trái, để mọi người có thể có một cái nhìn đúng đắn nhất về Thiên Chúa và có thể đến với Ngài một cách tự do, thân mật và thoải mái.  Tôi muốn xem lại đời sống của tôi, của giáo hội và giáo xứ tôi, đâu là những thứ rườm rà, nhùng nhằng, khiến tôi và mọi người không thể đến được với Chúa một cách tự do, thoải mái và thân tình?  Tôi xin Chúa cũng làm một cuộc cách mạng nơi tôi, nơi giáo hội tôi, nơi xứ đạo tôi.  Tôi xin cho được can đảm dám đón nhận cuộc cách mạng của Chúa.

2.     Chúa Giêsu lật đổ cảnh buôn bán, cảnh gian lận và bóc lột lẫn nhau như băng đảng trong đền thờ, để rồi đền thờ ấy được trở về tính nguyên thủy của nó, nơi thờ phượng Chúa Cha đích thực.  Tôi có nhận thấy thân xác tôi, cuộc đời tôi là đền thờ, như Thánh Phao-lô nói (1Cor. 6:19-20), cũng đã trở thành nơi gian dối và trộm cướp không?  Thiên Chúa không còn được tôn sùng trong lòng tôi nữa, hoặc có chăng Ngài cũng chỉ được xếp ngang hàng với những đồ đạc lỉnh kỉnh trong lòng tôi, việc thờ phượng Chúa cũng chỉ được xếp vào hàng rốt hết sau các sinh hoạt thường ngày, sau khi đã gian lận và cãi vã suốt ngày, sau khi đã mệt nhoài vì đủ mọi công việc?  Tôi nghĩ tâm hồn tôi có cần được thanh tẩy không?  Tôi mở lòng với Chúa để tâm hồn tôi, sau hôm nay sẽ là đền thờ của Thiên Chúa, Ngài sẽ là quan trọng nhất trong ngày sống của tôi.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, November 20, 2019

Thứ Năm Tuần XXXIII Mùa Thường Niên – Năm C – 21-11-2019 – Lễ Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thờ


Thu Nam XXXIII TN

Mát-thêu 12:46-50

46 Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.47 Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy."48 Người bảo kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? "49 Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.50 Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hai điều có thể khiến tôi chia trí với bài đọc hôm nay, đó là: 1) Cách đối đáp giữa Chúa Giêsu và một người trong đám đông về Mẹ của Ngài và anh em Ngài.  2) Anh em của Chúa Giêsu.  Trước hết, không phải Chúa Giêsu lạnh nhạt với Mẹ của Ngài.  Bài đọc hôm nay không có ý dạy tôi về luân lý, nhưng dạy về đức tin.  Chính vì thế, cả bài đọc chỉ nói về thế nào để thuộc về gia đình của Chúa, trong đức tin.  Thứ đến, ngôn ngữ gia đình của Do-thái thời bấy giờ cũng giống như ngôn ngữ gia đình Việt Nam.  Ý niệm về gia đình rất rộng, trong đó không chỉ có cha mẹ và con cái, như kiểu gia đình thời đại ngày nay ở các nước tiên tiến, nhưng gia đình còn có anh em họ hàng, làng xóm nữa.  Vì thế chữ “anh em” được dùng chung để chỉ anh em ruột, anh em họ, cũng như những người hàng xóm.  Hiểu như vậy, tôi sẽ không thấy mâu thuẫn với niềm tin Công Giáo tin rằng, Đức Mẹ không có người con nào khác, ngoại trừ một mình Chúa Giêsu.  Điều quan trọng trong giờ cầu nguyện này đó là, tôi muốn tự hỏi: Tôi có là thành viên gia đình của Chúa Giêsu không?  Nếu có, tôi cảm thấy hãnh diện không?  Nếu có, tôi đã làm gì để giữ gìn và phát triển tình gia đình này ngày càng mạnh hơn?   
2.   Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn suy ngẫm đến câu nói của Chúa Giêsu: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi."  Chúa Giêsu đề cao việc thuộc về gia đình với Chúa quan trọng hơn cả tình huyết thống máu mủ.  Ngài cũng mở rộng tình gia đình ấy cho mọi người, miễn là tôi biết lắng nghe và thực hành ý Chúa Cha.  Tôi đã sống thánh ý Chúa trong đời sống như thế nào?  Tôi muốn lắng nghe Ngài nói với tôi phải làm những gì và sống như thế nào trong ngày hôm nay.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, November 19, 2019

Thứ Tư Tuần XXXIII Mùa Thường Niên – Năm C – 20-11-2019

Thu Tu XXXIII TN
2Macabê 7:1,20-31

1 Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm… 20 Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.21 Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con:22 "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con.23 Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình."24 Vua An-ti-ô-khô cho là người mẹ sỉ nhục mình nhưng vẫn khinh thường những lời mạt sát đó. Bởi vậy chẳng những vua khuyên người con trai út còn sống sót, mà lại thề hứa làm cho anh được giàu sang hạnh phúc, nếu anh bỏ tục lệ của tổ tiên. Ngoài ra, vua còn coi anh là bạn hữu và trao cho anh những chức vụ quan trọng.25 Nhưng vì người thiếu niên không thèm để ý gì tới, nên vua mới cho gọi bà mẹ đến và nhờ bà khuyên nhủ hầu cứu mạng cho anh.26 Vua phải mất nhiều lời bà mới bằng lòng thuyết phục người con.27 Nghiêng mình về phía anh, bà chế nhạo tên bạo chúa và dùng tiếng mẹ đẻ nói với anh những lời sau đây: "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu.28 Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy.29 Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."30 Bà vừa dứt lời thì người thiếu niên nói: "Các người còn chờ đợi gì nữa, tôi chẳng nghe theo lệnh vua đâu, nhưng tôi chỉ vâng theo lệnh của Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho cha ông chúng tôi qua ông Mô-sê.31 Còn vua đã bày ra đủ thứ trò độc ác để hại người Híp-ri; vua sẽ chẳng thoát khỏi bàn tay Thiên Chúa.”

(Trích Sách Macabê II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/cuuuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một trong những câu chuyện về bách hại tôn giáo trong lịch sử Do-thái giáo.  Ở đó, tôi đọc thấy sự dũng cảm của bảy mẹ con người Do-thái, can đảm sống đúng với giáo lý của họ, dù có phải chết.  Điều này cho thấy, họ là những người sống có mục đích, có lý tưởng.  Họ đã không để cho bất cứ ai, bất quyền lực nào, hoặc bất cứ cái gì có thể lay chuyển đời sống lý tưởng của họ.  Đời sống dũng cảm của họ có thể gợi nhớ trong tôi câu nói của Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900), một triết gia lừng danh người Đức, từng nói: “Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh.”  Giờ cầu nguyện này tôi muốn tự hỏi:  Tôi đang sống có mục đích không?  Mục đích hay lý tưởng sống của tôi là gì?  Cái gì đang điều khiển cuộc sống của tôi?  Danh vọng, tiền bạc, đam mê, vật chất, hay niềm tin vào Thiên Chúa? 
2.     Điểm rất đẹp trong bài đọc hôm nay đó là, đời sống gương mẫu và sự dạy bảo khôn ngoan của người mẹ dành cho con cái.  Điều này nói gì với tôi là những người làm cha làm mẹ, tôi đã dạy con cái sống đức tin như thế nào?  Có phải tôi chỉ dạy con cái đi lễ, cầu kinh trong nhà thờ, còn đời sống bổn phận và trách nhiệm với công bằng xã hội của một công dân, tôi đã thờ ơ, thậm chí không sống, hoặc đã dạy sai?  Tôi đã dạy con cái sống đức tin như thế nào trước bạo quyền?  Là con cái tôi đã thụ hưởng đức tin từ ai?  Tôi cầu nguyện cho người đã dẫn tôi đến con đường đức tin hôm nay chăng?  Đức tin đó bây giờ đã lớn mạnh như thế nào và đang giúp gì cho cuộc sống hiện tại của tôi và mọi người xung quanh?  Tôi đọc lại câu chuyện trên và có thể noi chuyện với người mẹ của bảy người con này, nhờ vậy tôi học được sống như thế nào là có mục đích và lý tưởng.     
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, November 18, 2019

Thứ Ba Tuần XXXIII Mùa Thường Niên – Năm C – 19-11-2019


Thu Ba XXXIII TN

Luca 19:1-10

1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!"6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!"8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn."9 Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có thể là một câu chuyện tôi đã rất quen.  Điểm thú vị trước nhất là Da-kêu, ông tưởng là chỉ hiếu kỳ muốn xem Chúa Giêsu; nhưng không, Chúa Giêsu đã bắt chuyện trước, và Ngài muốn gặp ông một cách nghiêm túc, chứ không chỉ thỏa mãn sự hiếu kỳ cho ông.  Ông tưởng là chỉ có thể gặp Chúa ở trên cao, ở chỗ không thoải mái, ở chỗ không phải là nhà của ông, trong khi đó Chúa lại muốn gặp ông ở dưới đất thấp, ở chỗ thoải mái nhất và quen thuộc nhất, nhà của ông.  Điều này nói gì với tôi trong cách thức tôi tìm gặp Chúa mỗi ngày?  Phải chăng nhiều khi, tôi phải đi hành hương chỗ này chỗ kia, đến những nơi xa lạ để gặp Chúa, trong khi đó tôi lại không tìm gặp Chúa ngay trong Thánh lễ mỗi ngày ở giáo xứ của tôi, tại nhà của tôi, trên giường ngủ, nơi bàn ăn, tại sở làm, nơi trường học, những nơi tôi quen thuộc và gần gũi nhất?  Phải chăng mỗi khi cầu nguyện, tôi thích ngước nhìn lên cao, ít khi nhìn vào trong, nhìn xuống, nhìn ra xung quanh để thấy Chúa đang ở trong lòng tôi, và ở trong mọi người?  Giờ đây tôi muốn nói chuyện thân tình với Chúa Giêsu, Ngài đang chờ đợi trong tim tôi lúc này.

2.      Điểm thú vị thứ hai nữa đó là sự biến đổi nội tâm nơi Da-kêu từ sự gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu.  Trước khi gặp Chúa Giêsu, Da-kêu tưởng cuộc đời giá trị và an toàn hơn khi tích lũy nhiều của cải, bất kể là của cải ấy đến từ sự lương thiện hay bất lương.  Khi đã gặp Chúa Giêsu rồi, Da-kêu thấy tất cả những gì ông tích lũy trước kia giờ đây không còn là cái duy nhất ông phải bám víu, nhưng phải buông bỏ, để được tự do, để được sống.  Ông đã được biến đổi.  Có lẽ trong giờ cầu nguyện ngày, tôi muốn nhìn vào Da-kêu và những việc ông làm khi gặp Chúa Giêsu, để bắt chước ông và tự hỏi: Đâu là những cái đang ràng buộc tôi, khiến tôi mất tự do, khiến tôi sống trong mặc cảm tội lỗi, khiến tôi xa Chúa và anh chị em xung quanh?  Tôi muốn xin cho được ơn biến đổi.  Tôi xin cho được can đảm đón nhận lời mời gọi biến đổi từ Chúa, để dám buông bỏ và để được tự do hơn.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

 


Sunday, November 17, 2019

Thứ Hai Tuần XXXIII Mùa Thường Niên – Năm C – 18-11-2019


Thu Hai XXXIII TN

Luca 18:35-43

35 Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường.36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì.37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó.38 Anh liền kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!"39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!"40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi:41 "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh ta đáp: "Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được."42 Đức Giê-su nói: "Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật đẹp về cuộc gặp gỡ rất ấn tượng giữa Chúa Giêsu và anh mù.  Tôi có thể nhận thấy sự ao ước của anh mù muốn gặp Chúa Giêsu, mạnh mẽ như thế nào, dù cho có bị mù, anh ta đã dùng tai để nghe ngóng, nhận biết điều gì quan trọng đối với anh ta, dù cho có bị những người xung quanh bịt họng, anh vẫn cố la to hơn để được Chúa Giêsu chú ý.  Khi đã gặp và được Chúa Giêsu hỏi anh ta muốn gì, anh đã nói ngay lòng muốn của mình.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem lòng ao ước của tôi muốn gặp Chúa như thế nào?  Có mạnh mẽ, mau mắn và sáng tạo không?  Nếu Chúa Giêsu hỏi tôi ngay lúc này: “Con muốn gì?”, tôi trả lời ra sao với Ngài? 

2.      Câu chuyện này thực hư như thế nào, không quan trọng.  Điều quan trọng là câu chuyện này được ghi nhận trong Kinh Thánh.  Mà Kinh Thánh là một quyển sách về đức tin nên, nhân vật chính trong câu chuyện này không phải là anh mù hai ngàn năm trước, mà là tôi, người đang đọc câu chuyện này.  Có thể tôi muốn hỏi tôi: Tôi có đang bị mù không?  Nếu tôi đang bị mù, tôi có muốn được sáng không?  Tôi có tin là Chúa Giêsu có thể giúp tôi sáng mắt không?  Khi sáng mắt, tôi sẽ làm gì và sống như thế nào như một người mắt sáng?  Nếu tôi không mù, sao tôi không thấy Chúa?  Nếu tôi mù mà nhận rằng mù, tôi thật sự sáng.  Nếu tôi mù, nhận rằng tôi mù và khao khát được Chúa Giêsu cho sáng mắt, chắc chắn tôi sẽ được như ý.

Phạm Đức Hạnh, SJ