Thursday, March 31, 2022

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay – Năm C –1-4-2022

Thu Sau IV MC

Khôn Ngoan 2:1a, 12-22

1a Quân vô đạo suy tính sai lầm, chúng bảo nhau: 12“Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo. 13 Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa, xưng mình là con của Đức Chúa. 14 Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta, thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi. 15 Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị. 16 Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn.  Nó tuyên bố rằng thật lắm phúc nhiều may, hậu vận của người công chính.
Nó huênh hoang vì có Thiên Chúa là Cha. 17 Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào. 18 Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. 19 Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. 20 Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.” 21 Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra mù quáng. 22 Chúng không biết những bí nhiệm của Thiên Chúa, chẳng trông chờ người thánh thiện sẽ được thưởng công, cũng không tin kẻ tinh tuyền sẽ được ân thưởng.

(Trích Sách Khôn Ngoan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay cho tôi thấy cái nhìn, cái suy tính của những kẻ gian ác luôn tìm cách hãm hại người công chính.  Có khi nào tôi cũng đã bị lên án, kết án một cách bất công chỉ vì tôi cố gắng sống ngay lành, chỉ vì tôi là Kitô hữu?  Có khi nào niềm tin của tôi, lý tưởng sống theo Chúa Kitô mà tôi bị thử thách?  Tôi cảm thấy thế nào và đã phản ứng thế nào những khi ấy?  Tôi tìm đâu và tôi nương tựa vào ai để có sức mạnh những lúc ấy?  Tôi có cảm thấy sống theo Chúa Kito là một phiền toái không?  Nên nhớ, Paul Chappell, một mục sư thuộc Giáo hội Baptist của Mỹ và cũng là người sáng lập West Coast Baptist College, Lancaster Baptist School, nói: “Ma quỷ chẳng bách hại tín hữu nào chẳng làm nên tích sự gì trong cuộc đời -- The devil doesn’t persecute those who aren’t making a godly difference in the world.”  

2.      Tôi đọc lại bài đọc trên, để ý những câu nào đánh động tôi nhất.  Hãy để những câu ấy dẫn tôi về với những nghịch cảnh trong quá khứ để học hỏi, để chữa lành và để vững bước đi tới làm chứng cho niềm tin vào Chúa Kitô.  Tôi đọc lại những lời dạy của Chúa Giêsu để tìm sức mạnh: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.  Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.  Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.  Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:10-12)

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, March 30, 2022

Thứ Năm Tuần IV Mùa Chay – Năm C –31-3-2022

Thu Nam IV MC

Xuất Hành 32:7-8

7Ngày ấy, Đức Chúa phán với ông Mô-sê rằng: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. 8 Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi.  Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: ‘Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập’.” 

(Trích Sách Xuất Hành, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chỉ hai câu ngắn trích từ bài đọc hôm nay cũng đủ để tôi suy niệm trong giờ cầu nguyện hôm nay.  Dân chúng vừa được thoát cảnh nô lệ bên Ai-cập, họ đã vội quên ơn Thiên Chúa, vội hư hỏng quay sang thờ ngẫu tượng.  Sự vô ơn dường như là một tính xấu rất gần với con người.  Người ta vội quên ơn, dù trước đó người ta cầu nguyện thống thiết và thành tâm lắm.  Dân chúng vừa được Chúa dẫn ra khỏi Ai-cập, chứng kiến biết bao nhiêu việc lạ lùng Ngài đã làm, đáp trả biết bao nhiêu những than vãn của dân; ấy thế mà, họ đã quên Thiên Chúa ngay, họ quay qua thờ ngẫu tượng.  Đã ba ngàn năm qua, lòng người vô ơn dường như cũng chẳng khác lắm.  Bởi tôi thử nghĩ mà xem, chiến tranh Việt Nam đã để lại cảnh nước mất nhà tan, hàng triệu con người bỏ mình trong cuộc chiến, hàng ngàn người đi tù, hàng triệu người bị đẩy vào những vùng kinh tế mới, hàng triệu người bỏ nước ra đi, hàng ngàn người bị hải tặc hãm hiếp, hàng trăm ngàn người chết trên biển đông, rồi bơ vơ không tiếng nói, không một chút chuẩn bị cho cuộc sống nơi đất khách quê người, vô vàn những khó khăn mà người Việt đã phải trải qua.  Trong những lúc đau thương và đầy khốn khó ấy, tôi đã cầu nguyện như thế nào; tôi đã hứa hẹn những gì với Chúa?  Giờ đây cuộc sống đã bình an và ổn định hơn, tôi sống được bao nhiêu lời hứa ấy?  Niềm tin của tôi có mạnh mẽ như những lúc ấy?  Lời cầu nguyện của tôi có còn đầy tin tưởng, chân tình và biết ơn Chúa?  Chẳng phải trở về với những kinh nghiệm đau thương xa xưa, tôi chỉ cần nhớ đến một chuyện khó khăn hôm qua, sáng nay, lúc nãy, tôi đã cầu nguyện như thế nào?  Tôi đã cám ơn Chúa khi khó khăn ấy qua đi?  Tôi biết ơn Chúa như thế nào?  Văn hào Anh William Shakespeare (1564-1616) viết: “Gió đông thổi, cứ thổi cơn, nhưng chẳng lạnh bằng lòng của kẻ vô ơn - Blow, blow, thou winter wind, thou art not so unkind as man’s ingratitude.”  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?

2.      Thờ phượng, bái phục là một việc làm rất gần gũi và ở rất sâu trong tâm hồn của mỗi người.  Con người ở thời đại nào và văn hóa nào cũng không thể phủ nhận hoặc che giấu những thôi thúc thờ phượng trong tâm hồn họ.  Người ta, nếu không thờ Chúa thì cũng thờ Phật; không thờ Phật thì cũng thờ đủ những ngẫu tượng này, thần tượng kia.  Tiếc thay, có những người giận ghét hoặc thất vọng về Thiên Chúa, Đấng chân thật, đầy yêu thương và dựng nên muôn loài, họ bỏ Chúa, nhưng lại quay qua thờ đủ mọi ngẫu tượng, do chính con người làm ra và dựng nên.  ĐGH Phan-xi-cô nói về việc thờ ngẫu tượng như sau: “Chúng ta đã tạo ra những ngẫu tượng mới.   Việc thờ bò vàng cổ xưa đã trở lại trong một chiêu bài mới và tàn nhẫn trong việc sùng bái ngẫu tượng của tiền bạc và thể chế độc tài của một nền kinh tế phi nhân bản thiếu vắng mục đích thực sự của nhân sinh -- We have created new idols.  The worship of the ancient golden calf has returned in a new and ruthless guise in the idolatry of money and the dictatorship of an impersonal economy lacking a truly human purpose.”  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn nhìn vào đời sống đức tin của tôi: Bao lâu nay tôi tin Chúa nhưng tin đến mức độ nào?  Tôi thờ Chúa, nhưng tôi không tin lắm?  Tôi thờ Chúa và tôi cũng thờ cả những thần linh khác, những thứ khác nữa?  Tôi không tin Chúa lắm, nhưng tôi đang tin ai và tin cái gì hơn cả Chúa?  Tôi trả lời Chúa những câu hỏi này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Tuesday, March 29, 2022

Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay – Năm C –30-3-2022

Thu Tu IV MC

Gioan 5:17-24

17Khi ấy, sau khi chữa lành một người bệnh trong ngày sa-bát, Đức Giê-su tuyên bố với người Do-thái rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” 18 Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

19Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. 20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. 21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. 22 Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, 23 để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha.  Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con. 24 Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Phải nói ngay rằng, Chúa Kitô xuống thế làm người, không phải là để chết; vì thế, ơn gọi Kitô hữu của tôi cũng không phải là để đi tìm đau khổ và cái chết.  Chúa Kitô xuống thế làm người là để yêu và cứu vớt nhân loại, để đưa mọi người đến cùng Chúa Cha.  Ngài làm với tất cả tình yêu, một tình yêu yêu cho đến cùng, dù có phải chết.  Mở đầu bài đọc hôm nay tôi đã thấy, người Do-thái tìm cách giết Chúa Kitô vì cho rằng Ngài đã quá phạm thượng, dám gọi Thiên Chúa là cha, dám cho mình ngang hàng với Thiên Chúa.  Đối với người Do-thái, phạm thượng là tội rất nghiêm trọng, đáng phải chết.  Người Do-thái đã không nhận ra Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, đang ở giữa họ, vì họ cứng lòng tin.  Họ chối bỏ căn tính Thiên Chúa nơi Chúa Kitô và tìm cách giết Ngài.  Tôi có giống những người Do-thái cho rằng, Chúa Kitô đã quá phạm thượng?  Tôi không nhận ra căn tính Thiên Chúa nơi Chúa Kitô?  Hay, có thể tôi cũng công nhận, nhưng không mạnh mẽ lắm, chỉ nửa vời?  Điều gì khiến tôi còn cứng lòng tin, không tin nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa?  Tôi muốn đối diện với Chúa Kitô trong lúc này, chất vấn Ngài và để được Ngài chất vấn tôi.  Việc cứng lòng tin của tôi để lại trong lòng tôi điều gì?  Việc tin nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa xuống thế làm người đem lại cho tâm hồn tôi những an ủi và hy vọng nào? 

2.      Giữa Chúa Kitô và Thiên Chúa chỉ là một.  Sự gắn bó này vượt quá trí hiểu của con người.  Sự gắn bó đầy yêu thương ấy mật thiết đến mức, Chúa Kitô làm thế nào và làm những gì là vì Chúa Cha cũng làm thế ấy; Chúa Cha cứu sống, Chúa Con cũng cứu sống.  Bởi thế ai tin nhận Chúa Kitô, tôn thờ Ngài cũng là tin nhận và tôn thờ Thiên Chúa.  Tôi muốn chiêm ngắm sự nên một giữa Chúa Kitô và Chúa Cha.  Nhờ sự kết hiệp mật thiết giữa Chúa Cha với Ngài, tôi xin Chúa Kitô giúp tôi hiểu và yêu mến Chúa Cha hơn.  Sau đó, tôi xin cho được yêu mến Chúa Cha thật nhiều, quảng đại kết hợp mật thiết với Ngài luôn luôn.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 28, 2022

Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay – Năm C –29-3-2022

Thu Ba IV MC

Ê-dê-ki-en 47:1-9, 12

1Khi ấy, thiên sứ dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này: có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông.  Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ. 2 Người ấy đưa tôi ra theo lối cổng bắc và dẫn tôi đi vòng quanh theo lối bên ngoài, đến cổng ngoài quay mặt về phía đông, và này: nước từ phía bên phải chảy ra. 3 Người ấy đi ra phía đông, tay cầm dây đo, đo năm trăm thước rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến mắt cá chân. 4 Người ấy đo năm trăm thước nữa rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến đầu gối.  Người ấy lại đo năm trăm thước nữa rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến ngang lưng. 5 Người ấy còn đo năm trăm thước nữa: đó là một con sông, tôi không thể đi qua được vì nước đã dâng cao, khiến không thể đi qua mà chỉ bơi mới được thôi. 6 Người ấy bảo tôi: “Ngươi có thấy không, hỡi con người?”  Rồi người ấy dẫn tôi trở lại bờ sông. 7 Khi tôi trở lại, thì này: có rất nhiều cây cối ở hai bên bờ sông. 8 Người ấy bảo tôi: “Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng A-ra-ba, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hoá lành. 9 Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống.  Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống... 12 Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện.  Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc.”

(Trích Sách Ê-dê-ki-en, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay từ Sách Ê-dê-ki-en.  Một trong những tập sách quan trọng trong bộ Kinh Thánh Do-thái, viết ra vào khoảng năm 593 TCN.  Sách bao gồm những lời Tiên tri Ê-dê-ki-en, đại diện cho Thiên Chúa, cảnh báo đời sống tội lỗi của dân -- nếu họ không thay đổi, sẽ gặp những hậu quả khôn lường.  Quả thật, do họ không nghe, không thay đổi, khiến đất nước suy vong, giặc ngoại bang đã xâm chiếm đất nước và bắt dân đi đầy.  Nhưng, cũng tại chốn lưu đầy, Ê-dê-ki-ên lại đại diện cho Thiên Chúa, rao giảng niềm hy vọng cho dân – dù cuộc sống bây giờ đang bị lưu đầy, nhưng hãy hy vọng, Chúa sẽ tha thứ và giải thoát.  Ngày ấy sẽ đến, sẽ rất đẹp, đầy sức sống và hứa hẹn, như tôi thấy hình ảnh của nước trào tràn tứ phía từ trong đền thờ, nước chảy đến đâu cũng mang lại sức sống đến đó.  Đây có phải là những lời mà Chúa cũng đang nói cho tôi?  Đời sống bao lâu nay của tôi có đang là một lưu tâm mà Chúa muốn cảnh báo tôi?  Lời Chúa trong bài đọc hôm nay có là một hy vọng giúp tôi tìm ra những hướng đi trong những bế tắc hiện nay của tôi?

2.      Tôi đọc lại thật chậm những lời trên của Ê-dê-ki-en và để cho những lời này như nguồn nước đang tuôn chảy, đang trào tràn trong tâm hồn tôi, làm mới lại, làm sống lại, làm sinh hoa trái những góc cạnh khô cằn trong đời sống của tôi.  Tôi có thể đọc những lời trên của Ê-dê-ki-en trước khi tắm, khi nhâm nhi ly nước trên tay để cảm nghiệm nước đang tẩy rửa, đang thấm vào trong con người tôi, làm hồi sinh và làm mạnh mẽ con người mệt mỏi của tôi; qua đó tôi cũng thấy được, lời Chúa như nguồn nước đang thanh tẩy tâm hồn tôi, làm hồi sinh tâm hồn và mọi tương quan giữa tôi với Chúa và tha nhân.       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, March 27, 2022

Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay – Năm C –28-3-2022

Thu Hai IV MC

Isaia 65:17-21

17Đức Chúa phán như sau: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. 18 Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo.  Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. 19 Vì Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng.  Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. 20 Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn; vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa. 21 Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái.”

(Trích Sách Isaia, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Sách Isaia được viết cách Chúa Cứu Thế giáng sinh 740-700 năm, phản ánh đời sống của dân Chúa trong thời lưu đầy và hậu lưu đầy.  Đây là tập sách quan trọng trong bộ Kinh Thánh Do-thái Giáo và Kito Giáo, trong đó tôi có thể tìm thấy tình yêu và niềm hy vọng trải dài trong từ trang của Sách.  Bài đọc hôm nay thật thích hợp cho tôi trong Mùa Chay này, khi mà tôi được mời nhìn vào đời sống của tôi, đâu là những yếu đuối lỗi làm đang làm tôi xa Chúa, đang làm cuộc đời tôi héo úa, khô cằn vì thiếu ân sủng Chúa?  Tôi như người Do-thái ở chốn lưu đầy cùng cực.  Lời Isaia như cơn mưa trong sa mạc, như ngọn đuốc trong đêm và như hải đăng trong giông bão, đầy hy vọng và hứa hẹn.  Những lời này có thể vực tôi dậy từ những chán nản, thất vọng và sợ hãi.  Tôi đọc lại những lời trên và đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, xin Ngài cứu tôi.  Tôi hình dung Chúa đang vui mừng vì tôi như thế nào. 

2.      Tôi đọc lại những lời trên của Isaia và nhai đi nhai lại một câu nào đó đánh động tôi nhất.  Tôi để cho những lời này tắm gội tôi, rửa đi mọi tội lỗi, thất vọng, chán nản, ích kỷ và làm tươi mát tâm hồn tôi, biến tôi trở thành con người mới đầy hy vọng, lạc quan, yêu đời, quảng đại...  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng một lời tương tự từ Sách Ê-dê-ki-en: Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi.  Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt” (Ed 36:26).

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, March 26, 2022

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Chay – Năm C –27-3-2022

CN IV MC

2 Cô-rin-tô 5:17-21

17 Thưa anh em, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. 18 Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. 19 Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. 20 Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. 21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.

(Trích Thư Cô-rin-tô II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay đã là tuần thứ Tư của Mùa Chay, chỉ còn hai tuần nữa tôi sẽ bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kito.  Mùa Chay là mùa của thao luyện, mùa của trở về, mùa của đổi mới.  Bài đọc hôm nay như hướng tôi đến điều này. Phao-lô nói, nếu tôi thuộc về Chúa Kito, tôi là một thọ tạo mới.  Tôi có thấy tôi là một thọ tạo mới?  Tôi theo Chúa Kito bao lâu nay, nhưng đời sống của tôi, cách nghĩ của tôi có giống Chúa Kito, hay tôi vẫn cũ?  Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, bởi những cám dỗ cứ giữ tôi mãi trong những giá trị trần thế và sự ác.  Tôi cảm thấy những gì Chúa mời gọi, dù không sai, dù rất tốt, nhưng tôi dễ cho rằng quá lý tưởng; tôi không phải là thánh, nên tôi không muốn đổi mới, không muốn thực hành những gì giá trị Nước Trời mời gọi.  Tôi có thể ngồi bên Chúa Giêsu trong giây phút này, chia sẻ những khó khăn trong tôi, khiến tôi thật khó theo Chúa.  Tôi muốn xin Chúa giúp đỡ.

2.      Một trong những cách đổi mới và trở nên một tạo vật mới, đó là: tin nhận Thiên Chúa và trở về cùng Ngài, giải hòa với Ngài.  Đối với nhiều người Công giáo Việt Nam, cứ đến Mùa Chay là xếp hàng chờ đợi đi xưng tội.  Đây là một thói quen rất tốt nên làm thường xuyên, chứ không chỉ Mùa Chay.  Tuy nhiên, phải lưu ý: tôi không nên chỉ đi xưng tội vì tôi đã phạm tội, nhưng tôi đi làm hòa cùng Thiên Chúa và với tha nhân vì tình yêu của Chúa luôn chan hòa trong tôi.  Tôi không nên đi xưng tội chỉ vì giáo lý và luật buộc, hoặc vì sợ chết bất thình lình trong tình trạng tội lỗi, nhưng tôi đi làm hòa cùng Thiên Chúa vì tôi yêu mến Chúa.  Kể từ sau Công đồng Vatican II, Giáo hội đã thay đổi tên gọi và nhấn mạnh đến Bí Tích Hòa Giải, chứ không gọi là Bí Tích Giải Tội.  Bí Tích Hòa Giải là bởi vì Chúa đã luôn tha thứ cho tôi vô điều kiện, trước khi tôi xin lỗi, trước khi tôi biết tôi được tha.  Như vậy, Chúa đã làm phần của Chúa, việc tôi đi lãnh Bí Tích Hòa Giải là phần của tôi.  Qua Bí Tích Hòa Giải, tôi muốn xin lỗi Chúa, tôi muốn sửa mình và tôi muốn nối lại tình thân với Chúa.  Tôi đọc lại lời van nài của Phao-lô, kêu gọi tôi làm hòa cùng Thiên Chúa.  Tôi cũng muốn làm hòa với Chúa và tha nhân ngay từ giây phút này, chứ không chỉ chờ đi xưng tôi mới gọi là làm hòa. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Friday, March 25, 2022

Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay – Năm C –26-3-2022

Thu Bay III MC

Luca 18:9-14

9Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện.  Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.  Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Ôi, bài đọc hôm nay mới thực tế làm sao!  Dụ ngôn Chúa Giêsu kể như đụng vào thật sâu trong cõi lòng của tôi: tính tự kiêu.  Tự kiêu ai cũng có và rất dễ thể hiện ở bất cứ nơi đâu và với bất cứ ai.  Chúa Giêsu hôm nay cảnh báo tính tự kiêu ấy thể hiện cả trong cầu nguyện, dám khoe cả với Thiên Chúa!  C.S. Lewis (1898-1963), ông là một tác giả Kitô lừng danh người Anh với nhiều tác phẩm có tính thần học nổi tiếng như: The Screwtape Letters, The Chronicles of Narnia, The Space Trilogy, Mere Christianity, Miracles và The Problem of Pain.  Ông cũng nói về tự kiêu như sau: “Tự kiêu là chứng ung thư tâm hồn: nó gặm nhấm chính khả năng yêu thương, sự hài lòng, hoặc thậm chí cả sự hiểu biết tối thiểu của con người -- For pride is spiritual cancer: it eats up the very possibility of love, or contentment, or even common sense.”  Nếu tôi chẳng ưa gì những người thích khoe khoang, Thiên Chúa cũng nôn mửa với những người có tính tự phụ.  Tôi đọc lại dụ ngôn trên và để ý xem tính tự phụ, lòng tự kiêu lớn mạnh như thế nào trong tôi.  Tôi thường thể hiện tính tự kêu này ở những nơi đâu và với những ai?  Nó đã hủy hoại hoặc ngăn cản tôi kết thân với những người xung quanh và với Chúa như thế nào?  Tôi thường có thái độ tự kiêu này với Chúa như thế nào?  Thái độ tự kiêu làm cho tôi không thể khiêm nhường trước người khác đã đành, nó còn làm cho tôi không biết khiêm nhường trước mặt Chúa, thậm chí đuổi Ngài ra khỏi tâm hồn tôi.

2.      Tôi đọc lại dụ ngôn trên và để ý Chúa Giêsu yêu quý loại người nào trong dụ ngôn.  Ngài cũng đang nói gì với tôi qua dụ ngôn này?  Mùa Chay là mùa mời gọi tôi trở về.  Tôi sẽ không thể trở về nếu tôi tự hào rằng mình hoàn hảo, chẳng cần trở về, chẳng có gì cần phải thay đổi, và cũng chẳng cần Chúa.  Tôi lấy giây phút này để xét mình.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, March 24, 2022

Thứ Sáu Tuần III Mùa Chay – Năm C –25-3-2022 – Lễ Truyền Tin

Thu Sau III MC

Luca 1:26-38

26Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít.  Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

35Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật đẹp và phong phú.  Nhưng bài đọc hôm nay cũng rất khó hiểu, dù cũng đã rất quen với phần nhiều các Kitô hữu.  Nếu tôi để giờ ra và đọc kỹ, tôi sẽ có muôn vàn câu hỏi về bài đọc này.  Chẳng hạn như: Có bao giờ Mẹ Maria mơ được làm mẹ Đấng Cứu Thế không?  Mẹ có bao giờ gặp thiên thần chưa?  Nếu chưa, vậy đâu là dấu chỉ cho Mẹ biết đó là thiên thần?  Thiên thần hiện ra với dung mạo nào: người cõi trên hay người phàm?  Nếu là người cõi trên, vậy Mẹ có hoảng hốt, sợ hãi hay hiếu kỳ?  Nếu là người phàm, vậy Mẹ nghi ngờ đến mức độ nào?  Tại sao Chúa lại chọn Mẹ, mà không phải là những người khác?  Tại sao lại chọn Mẹ ở tuổi quá trẻ như vậy, sao Ngài không chọn Mẹ khi lớn tuổi hơn một chút?  Thiên thần truyền một tin quá lạ, đến không tưởng, vậy Mẹ có sợ, có hoang mang...?  Càng đặt nhiều câu hỏi bao nhiêu càng giúp tôi mất hút vào trong câu chuyện bấy nhiêu.  Cũng nhờ hỏi nhiều câu hỏi mà Chúa có cơ hội tiếp cận tôi bằng con đường rất riêng tư của tôi, không một người nào có cảm nghiệm giống tôi.  Còn những câu hỏi nào tôi muốn hỏi Chúa, hỏi thiên thần, hỏi Mẹ?  Tôi để ý các Ngài sẽ dẫn tôi đi đâu.

2.  Câu chuyện truyền tin là một câu chuyện lớn có thể kinh thiên động địa.  Bởi chẳng có ai có thể tưởng tượng được mình sẽ là mẹ Đấng Cứu Thế.  Một Thiên Chúa cao cả nay trở nên xác phàm như tôi, tin này lớn hơn bất cứ tin động trời nào trong lịch sử thế giới.  Vậy mà Mẹ Maria dám thưa xin vâng qua vài câu hỏi đơn sơ.  Không biết Mẹ cần bao lâu để dám thưa “Xin vâng”?  Nhưng dù sớm hay muộn, lời xin vâng của Mẹ đã nói lên Mẹ có một tâm hồn thật tự do.  Có khi nào tôi đã phải đắn đo suy tính cho một quyết định nào chưa?  Tôi đã mất bao lâu mới cảm thấy có câu trả lời, hay mất bao lâu tôi mới dám quyết định?  Quyết định rồi, tôi có chắc là tôi đã quyết định đúng?  Tôi muốn ngồi bên Mẹ, nói chuyện với Mẹ về những băn khoăn, đắn đo của tôi trong lúc này, và xin Mẹ giúp tôi nhận định.  Tôi kết thúc giờ này bằng “Kinh Kính Mừng” để bắt chước Mẹ, dám nói lời “Xin vâng” với Chúa.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, March 23, 2022

Thứ Năm Tuần III Mùa Chay – Năm C –24-3-2022

Thu Nam III MC

Luca 11:14-23

14Khi ấy, Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm.  Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. 15 Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” 16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. 17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. 18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?... bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. 19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ?  Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. 20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. 21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. 22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được. 23 “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay cho tôi thấy, Chúa Giêsu đã không vui vì những chống đối và cứng lòng của những người Do-thái, mặc dù họ vừa chứng kiến việc Ngài trừ quỷ.  Người thì cho rằng, Ngài thờ quỷ; người khác lại đòi hỏi thêm những dấu lạ.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể trầm lắng bên Chúa Giêsu, để cảm nghiệm những chống đối mà Ngài đã trải qua, để hiểu Ngài đã nghĩ gì và cảm thấy thế nào trước những chống đối và cứng lòng của họ?  Có khi nào tôi cũng có những thái độ như những người Do-thái xưa, cũng cứng lòng, cũng xét đoán, cũng xuyên tạc những điều tốt lành của những người quanh tôi, như thể Chúa đã dùng họ để chứng tỏ sự hiện diện của Ngài?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?

2.      Chúa Giêsu trừ quỷ, một việc làm đầy ngoạn mục; ấy vậy mà bị diễn dịch là Ngài thờ quỷ.  Không.  Ngài dùng quyền năng của Thiên Chúa để chữa bệnh, trừ quỷ, giải thoát và đỡ nâng mọi người đau khổ.  Là con người và có thể là chủ gia đình hoặc đứng đầu những nhóm này, hội đoàn kia, tôi thường tìm sức mạnh và sự khôn ngoan ở đâu và ở những ai?  Tôi có tìm đến Chúa, nương tựa vào Ngài trước nhất, hay trước nhất tôi nương tựa vào thầy bói, tin vào ngày tốt giờ xấu, tin vào kỵ tuổi, tin ở người này người người kia, tin vào tiền bạc vật chất, tin vào chính mình?  Chúa ở đâu trong tất cả những lo lắng, ước mơ, vui buồn, khó khăn và thành công của tôi?  Tôi ngồi bên Chúa và nhìn lại chính mình. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Tuesday, March 22, 2022

Thứ Tư Tuần III Mùa Chay – Năm C –23-3-2022

Thu Tu III MC

Mát-thêu 5:17-19

17Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ.  Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời.  Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Lề luật luôn có một giá trị nhất định.  Không một tổ chức nào trên trần gian mà không cần lề luật, kể cả những tổ chức tội phạm cũng có những luật của nó, dù đó là luật rừng.  Hơn nữa, Luật Mô-sê là những thiết định giúp duy trì trật tự xã hội, trong đó mọi người biết tôn trọng quyền lợi của những người xung quanh, và học biết cách ăn ngay ở lành, biết quan tâm đến nhu cầu của tha nhân.  Bởi thế, Chúa Giêsu không bãi bỏ những Luật này, Ngài muốn kiện toàn chúng.  Kiện toàn là đem luật trở về đúng với mục đích của nó được tạo ra: phục vụ con người, chứ không phải con người phục vụ lề luật.  Tôi có nhận thấy tôi đã rất lệ thuộc vào lề luật và làm tôi cho lề luật?  Tôi xin Chúa giúp tôi được tự do, thoát khỏi kiếp nô lệ cho lề luật bao lâu nay.  Plato (424-347 TCN), một triết gia lỗi lạc Hy-lạp, tầm cỡ thế giới, nói: “Người tốt không cần luật nói cho biết phải hành xử như thế nào cho có trách nhiệm, trong khi đó người xấu tìm đủ mọi cách luồn lách luật pháp để trốn trách nhiệm -- Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.”

2.      Abraham Harold Maslow (1908-1970), tâm lý gia nổi tiếng của Mỹ và là người đã phát triển thuyết về Thang Bậc Những Nhu Cầu Nhân Sinh, trong đó ai cũng có những nhu cầu: trước là thể lý, sau là tâm lý và cuối cùng là tâm linh.  Bao lâu người ta vẫn còn bôn ba với những nhu cầu về thể lý và tâm lý như: ăn, uống, ngủ nghỉ, công ăn việc làm, kết bạn, ái ân, sinh con đẻ cái, danh vọng và quyền lực, người ta sẽ mãi còn lệ thuộc ở lề luật và làm tôi cho lề luật.  Người ta chỉ thật sự được tự do và khôn ngoan dùng luật pháp, thậm chí dám thay đổi luật pháp để phục vụ con người, dám đứng lên chống lại mọi sai trái trong xã hội, dám thể hiện mình, khi họ đạt đến những nhu cầu về tâm linh.  Nhưng, trong loài người chẳng có mấy ai đã đạt đến mức độ tự do tâm linh mà Maslow đã nói.  Tự do nội tâm cũng chính là đỉnh cao của hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, đó là: Ngài dẫn tôi đến sự tự do đích thực, nơi đó tôi gặp được Chúa.  Chính tự do đích thực mới giải thoát tôi (Ga 8:31), và chỉ những người nào thuộc về sự thật mới nghe theo Chúa Giêsu (Ga 18:37).  Tôi xin Chúa cho tôi dám ước mơ tự do và dám đi theo tiếng gọi tự do của Chúa.  Hành trình tự do này đầy khó khăn và thách đố, nhưng trước nhất luôn phải bắt đầu bằng một thái độ và quyết tâm từ nhỏ trong ngày hôm nay.  Tôi ngồi bên Chúa Giêsu để được dạy bảo, để được giúp đỡ trên hành trình đi tìm tự do đích thực.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 21, 2022

Thứ Ba Tuần III Mùa Chay – Năm C –22-3-2022

Thu Ba III MC

Mát-thêu 18:21-35

21Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?  Có phải bảy lần không?” 22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. 23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền.  Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có một nghịch lý trong cuộc sống, đó là: Tôi thường muốn được tha thứ, nhưng tôi lại không muốn tha thứ.  Đặc biệt, tôi rất muốn và cầu xin Chúa tha thứ cho tôi, nhưng tôi lại rất khó tha thứ cho người khác.  Bài đọc hôm nay làm rõ cái nghịch lý này trong tôi.  Tôi muốn được tha thứ bởi nó giúp chữa lành tôi; đặc biệt, nó giúp tôi trở thành người, một con người tự do.  Phê-rô trong bài đọc hôm nay dám tha thứ đến bảy lần, có vẻ rộng rãi hơn quan niệm của người Việt Nam: “Quá tam ba bận!”  Tuy nhiên, Chúa Giêsu đòi hòi ông phải tha thứ nhiều hơn thế: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy,” tức là tha thứ mãi mãi, tha thứ luôn luôn, giống như Chúa.  Một người nào đó đã nói: “Chúng ta sẽ như thú dữ khi chúng ta giết người; chúng ta sẽ như con người khi chúng ta xét đoán, nhưng chúng ta sẽ như Thiên Chúa khi chúng ta biết tha thứ -- We are like beasts when we kill.  We are like human beings when we judge.  We are like God when we forgive.”  Có một tổn thương nào khiến tôi không thể tha thứ trong lúc này?  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi can đảm dám tha thứ để được chữa lành.  Tôi có thật sự tự do khi không muốn tha thứ?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu, Đấng luôn luôn tha thứ, để có được sức mạnh dám tha thứ và để tôi được thực sự tự do.    

2.      Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cũng chỉ ra rằng, tha thứ là dấu chỉ của một tâm hồn mạnh mẽ và là một quá trình mà, nếu thực tập mỗi ngày sẽ giúp cho người ta có một sức khỏe tốt và tuổi thọ cao.  Tha thứ đóng vai trò bảo vệ người ta khỏi mắc những vấn đề về sức khỏe tâm lý cũng như thể lý.  Những quan niệm sai lầm về tha thứ có thể là rào cản trong việc duy trì một sức khỏe tốt.  Trong khi đó, ích lợi của tha thứ rất quan trọng, trước nhất đối với người bị hại, chứ không phải đối với người hại.  Không tha thứ đúng, hoặc không muốn tha thứ người ta tự biến mình trở thành một thứ động vật nhai lại, cứ nhai đi nhai lại mãi những tổn thương trong quá khứ, khiến chúng chẳng thể nào lành; đồng thời tức giận, lòng báo thù, nỗi oán hận sẽ càng ngày càng gia tăng, dẫn đến những tác hại về tâm lý và thể lý như: lo lắng, trầm cảm, tăng huyết áp, giảm hệ thống miễn dịch và viêm động mạch.  Tha thứ thực sự là con đường giải thoát, không chỉ dẫn tôi đến gần Chúa mà còn giúp tôi nếm cảm được thiên đàng tại thế, nơi tôi sẽ cảm thấy thanh thản, khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc về mọi mặt tâm linh, tâm lý, thể lý và xã hội.  Tôi đọc lại dụ ngôn trên của Chúa Giêsu và xin ơn giải thoát khỏi mọi báo thù.  Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời “Kinh Lạy Cha,” lời kinh dạy tôi hãy biết tha thứ như Chúa hằng tha thứ cho tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Sunday, March 20, 2022

Thứ Hai Tuần III Mùa Chay – Năm C –21-3-2022

Thu Hai III MC

Luca 4:24-30

24Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng, “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; 26thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.” 28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi.  Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay trình thuật về biến cố Chúa Giêsu trở về quê quán khi bắt đầu hành trình rao giảng của Ngài.  Tuy nhiên, Ngài đã bị chống đối và khinh khi quyết liệt.  Đúng như câu nói cửa miệng của nhiều người Việt Nam: “Bụt nhà không thiêng”!  Chúa Giêsu bị chống đối mạnh mẽ vì những người thân quen hàng xóm; họ tự hào là biết rất rõ gia cảnh và gia đình của Ngài.  Chính sự hiểu biết này đã là rào cản cho những gì Thiên Chúa muốn dành cho họ.  Tôi có kinh nghiệm này bao giờ chưa?  Chẳng hạn, những người ngoài gia đình tôi, ai cũng ngưỡng mộ, ai cũng hết lời khen mỗi khi tôi mở miệng hay làm một việc gì; trong khi đó, khi ở với gia đình, mở miệng nói câu nào cũng bị chê, làm việc gì cũng chẳng ai khen hoặc cám ơn một tiếng?  Tôi cảm thấy thế nào khi không được những người thân cận nhất khen tặng hoặc biết ơn?  Tôi muốn nói gì với Chúa về những tổn thương này?  Chúa Giêsu đã từng bị khinh bỉ tại quê hương, người làng của Ngài, Ngài hiểu những tổn thương của tôi.  Tôi tâm sự với Ngài.  Tôi cảm thấy thế nào khi không nhận ra hoặc biết ơn những người thân cận làm đủ chuyện cho tôi?  Cái gì đã làm tôi mù, điếc và câm trước những điều tốt lành người thân luôn làm cho tôi?  Tôi xin Chúa cho tôi được sáng mắt, nhạy bén trước mọi việc lớn nhỏ của những người thân quanh tôi, để cám ơn và khuyến khích, hầu những điều tốt được nhân đôi mỗi ngày và những điều xấu được bớt đi.

2.      Những người làng của Chúa Giêsu đòi hỏi Ngài phải làm những dấu lạ này phép lạ kia để họ tin.  Chúa Giêsu đã không làm.  Bởi phép lạ liên tục xảy ra nơi mỗi người, ở mọi nơi; vấn đề là, tôi có nhận ra hay không.  Tôi xin cho mắt tâm hồn tôi được sáng để có thể nhận ra những việc lạ lùng Chúa luôn thực hiện từng giây phút trong đời sống quanh tôi.      

Phạm Đức Hạnh, SJ