Saturday, August 31, 2019

Chúa Nhật Tuần XXII Mùa Thường Niên – Năm C – 1-9-2019


CN XXII TN

Luca 14:1,7-14

1Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người…7Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: 8"Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." 12Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_03Luca.html#14)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay đưa ra hai lời khuyên: Một, cho khách dự tiệc; hai, cho người chủ tiệc.  Nhìn chung, Chúa Giêsu khuyên cả hai loại người chỉ có một điều: khiêm nhường.  Khiêm nhường là một đòi hỏi nghiêm túc của Chúa Giêsu.  Không khiêm nhường, khó có một tình yêu thật.  Nếu có cái gì gọi là tình yêu mà không khiêm nhường, tình yêu ấy hẳn chỉ là giả tạo, hoặc tình yêu ấy chỉ nhằm trục lợi người khác.  Đặt mình vào vị thế của một người dự tiệc, tôi muốn xem lại chính tôi, đã khiêm nhường đủ chưa mỗi khi được mời dự tiệc, mỗi khi đi tham dự Thánh lễ?  Chỉ mình tôi biết động lực nào đã khiến tôi chọn ăn mặc như thế nào, nói năng như thế nào và ngồi chỗ nào mỗi khi dự tiệc.  Tôi muốn nói gì cùng Chúa Giêsu trong lúc này?  Tôi muốn học ở Chúa Giêsu, phải khiêm nhường như thế nào, khi tôi thấy Ngài chết tất tưởi trên thập giá.

2.     Thứ đến, đặt mình vào trong vị thế của người chủ tiệc.  Dĩ nhiên tôi không thể và chẳng ai mời khách theo kiểu dụ ngôn Chúa Giêsu nói tức là, mời những người què quặt, đui mù, nghèo khổ.  Điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây thực sự là, cần xem lại động lực nào khiến tôi mời khách này mà không mời khách kia?  Để khoe khoang?  Để kiếm tiền?  Để “đòi nợ”?  Tôi thấy điều Chúa Giêsu nói có khó quá không?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa về khó khăn này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, August 30, 2019

Thứ Bảy Tuần XXI Mùa Thường Niên – Năm C – 31-8-2019


Thu Bay XXI TN

Mát-thêu 25:14-30

14"Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. 15Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, 16người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. 17Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. 18Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. 19Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. 20Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây ." 21Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" 22Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây." 23Ông chủ nói với người ấy: "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!" 24Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: "Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. 25Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!" 26Ông chủ đáp: "Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, 27thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! 28Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. 29Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 30Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng."

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#25)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Dụ ngôn những nén bạc là một lời mời gọi thức tỉnh.  Thức tỉnh về những món quà mà Chúa đã đặt để trong đời sống của tôi.  Dụ ngôn gồm hai phần: Trước khi ông chủ đi xa, và khi ông chủ trở về.  Trước khi ông chủ đi xa, tôi có thể tự hỏi:  Đâu là những món quà mà Chúa đã đặt để trong đời sống của tôi như: thời giờ, sự sống, sức khỏe, gia đình, công ăn việc làm, môi trường sống, nước sạch, cơm ngon, tình thương của mọi người xunh quanh, trí tuệ minh mẫn, tính tình dễ thương…?  Có một món quà nào mà tôi đang có lại không đến tự Chúa không?  Chúa đã đặt để những món quà ấy trong đời sống của tôi với mục đích gì?  Tôi đã dùng những món quà đó như thế nào?

2.     Phần hai, khi ông chủ trở về: Liệu ông ấy sẽ khen thưởng về những món quà mà tôi đã sinh lợi?  Tôi phản ứng thế nào trước lời nói của ông chủ?  Đâu là những món quà tôi phải sinh lợi trước khi ông chủ về?  Liệu ông ấy sẽ phạt tôi?  Tại sao tôi đã chọn cách thức không sinh lợi và đem chôn món quà mà tôi đã lãnh nhận?  Tôi có tâm tình gì muốn nói với Chúa trong lúc này?  Một lời tạ ơn chăng?  Một lời trách móc và bất bình chăng?  Một lời than phiền và bối rối chăng?  Dù tâm tình nào đi nữa, hãy thổ lộ cùng Chúa. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, August 29, 2019

Thứ Sáu Tuần XXI Mùa Thường Niên – Năm C – 30-8-2019


Thu Sau XXI TN

Mát-thêu 25:1-13

1"Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. 3Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi!" 7Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!" 9Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn." 10Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. 11Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!" 12Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!" 13Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#25)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Dụ ngôn Nước Trời trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu kể với hai chủ đích: Thứ nhất, mọi người phải tỉnh thức.  Tỉnh thức luôn là một chủ đề quan trọng trong Tân Ước: tỉnh thức như đề phòng kẻ trộm, tỉnh thức như chờ chủ đi ăn cưới về.  Tuy nhiên, những hình ảnh Chúa Giêsu nói về tỉnh thức thường bị hiểu rất tiêu cực, như thể Thiên Chúa rất đáng sợ, luôn rình rập tôi những khi tôi không ngờ, đến cướp đi mạng sống, niềm vui của tôi.  Không phải.  Thiên Chúa không bao giời muốn cướp đi hạnh phúc, niềm vui và sự sống của tôi, nhưng mà là sự chết.  Chúa Giêsu chỉ mời gọi tôi: phải tỉnh thức, kẻo cái chết xảy đến bất kỳ khi nào, mà tôi lại chưa chuẩn bị sẽ chẳng vào được Nước Trời.  Đây là điều mất mát lớn.  Tôi có sẵn sàng để vào Nước Trời bất cứ khi nào chưa? Tôi phải làm gì để chuẩn bị cho thời điểm bất chợt này?  Nói chuyện với Chúa mỗi ngày có thể là cách giúp tôi tỉnh thức.  Tôi bắt đầu ngay lúc này chăng?

2.     Thứ hai, dụ ngôn này có thể làm cho tôi cảm thấy tức anh ách vì sự ích kỷ của năm cô khôn ngoan, không giúp năm cô khờ dại.  Cái tức thứ hai đó là sự nghiêm khắc của chàng rể.  Quả thực, Chúa Giêsu không kể dụ ngôn này để dạy tôi bài học về luân lý rằng, người ta phải sống quảng đại với nhau; cho bằng, Ngài muốn nói rằng, phần rỗi thiên đàng là chuyện riêng của mỗi người.  Chuyện thiên đàng cũng giống như chuyện sức khỏe.  Ai ăn đủ bổ dưỡng thì người đó hưởng.  Chẳng ai có thể ăn giùm người khác, sống giùm người khác, dù tôi có thương người nào đó hết mình.  Nước Trời cũng như thế, mỗi người phải biết tự chuẩn bị cho chính mình, không thể ỷ lại người khác cho phần rỗi đời đời của mình được.  Tôi muốn xin Chúa Giêsu điều gì trong lúc này về cách thức sống đạo của tôi bao lâu nay?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, August 28, 2019

Thứ Năm Tuần XXI Mùa Thường Niên – Năm C – 29-8-2019 – Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả


Thu Nam XXI TN

Mác-cô 6:17-29

17Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18mà ông Gio-an lại bảo: "Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!" 19Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.

21Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con." 23Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được." 24Cô gái đi ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì đây?" Mẹ cô nói: "Đầu Gio-an Tẩy Giả." 25Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm." 26Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cộ 27Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_02Macco.html#6)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Dù Gioan Tẩy Giả xuất hiện tại thời điểm chuyển tiếp giữa Cựu Ước và Tân Ước, ông đã nổi bật trong Tân Ước vì đời sống khiêm nhường rất mẫu và chứng nhân đầy can đảm.  Ông đã không bám víu và tự tôn dù, cuộc đời đang rất ưu đãi ông, dân chúng đang tôn sùng ông.  Ông đã không sợ làm chứng cho sự thật và chân lý dù phải đối chất trước bạo quyền, và tính mạng bị đe dọa.  Đời sống của Gioan mời gọi tôi sống thế nào trong thế giới của tôi hôm nay?  Một đời sống khiêm nhường chăng?  Một đời sống chứng nhân chăng?  Cả hai lối sống này thật không dễ chút nào.  Tôi muốn nói chuyện với Gioan trong giờ cầu nguyện này và xin ông giúp tôi sống được một chút nhân đức như ông.

2.    Bài đọc hôm nay có thể để lại trong tôi một sự chua chát, cay đắng trong lòng vì hành động thô bỉ của sự hận thù và độc ác của bóng tối.  Nhưng đáng sợ hơn cả là sự nuông chiều của lòng người chỉ muốn nghe theo tiếng gọi của bóng tối, sẵn sàng chối bỏ sống trong ánh sáng, bất chấp công lý và sẵn sàng mạng sống của người vô tội.  Tôi nhận thấy Chúa mời gọi tôi sống chứng nhân như thế nào trong lễ kính Thánh Gioan hôm nay?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, August 27, 2019

Thứ Tư Tuần XXI Mùa Thường Niên – Năm C – 28-8-2019 – Lễ Thánh Augustine


Thu Tu XXI TN

I Thê-xa-lô-ni-ca 2:8-12

8Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi. 9Thưa anh em, hẳn anh em còn nhớ nỗi khó nhọc vất vả của chúng tôi: đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em, suốt thời gian chúng tôi loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa cho anh em. 10Anh em làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám, rằng với anh em là những tín hữu, chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được. 11Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con; 12chúng tôi đã khuyên nhủ, khích lệ, van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa, Đấng kêu gọi anh em vào Nước của Người và chia sẻ vinh quang với Người.

(Trích Thư Thê-xa-lô-ni-ca I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_13Thexalonica1.html#2)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật đáng cho tất cả các cấp bậc lãnh đạo trong Giáo hội như: Giáo hoàng, giám mục, linh mục, chủ tịch cộng đoàn, trưởng các ban ngành, gia trưởng, đọc và cầu nguyện.  Phao-lô đã nêu gương cho các tín hữu về, thế nào là sống đời phục vụ như Chúa Giesu đòi hỏi.  Tôi muốn xem lại đời sống của tôi, bao lâu nay có là một gánh nặng cho gia đình và cộng đoàn không?  Tôi đã lãnh nhận chức vụ và hết mình phục vụ đến quên mình, hay là làm để được danh tiếng?  Chỉ một mình tôi và Chúa hiểu rõ động lực từ thâm tâm của lòng tôi.  Tôi muốn kể cho Chúa nghe về lòng nhiệt thành mà tôi đã dành cho gia đình và cộng đoàn bao lâu nay, lòng nhiệt thành này đến từ đâu?  Tôi cũng có thể kể cho Chúa nghe sự ươn lười trong trách nhiệm của tôi với gia đình và cộng đoàn.  Tôi để ý lắng nghe Chúa nói với tôi thế nào.

2.     Tôi đọc lại những tâm tình của Phao-lô dành cho cộng đoàn của ngài năm xưa.  Tôi chọn một ý tưởng, một thái độ phục vụ nào đó mà Phao-lô đã chia sẻ ở trên để, từ nay trở đi áp dụng cho gia đình, hoặc cộng đoàn của tôi.  Tôi muốn nói chuyện với Phao-lô, có thể phải tham vấn ngài, hầu giúp tôi trở thành người phục vụ cộng đoàn một cách xứng đáng. 

Phạm Đức Hạnh, SJ


Monday, August 26, 2019

Thứ Ba Tuần XXI Mùa Thường Niên – Năm C – 27-8-2019 - Lễ Thánh Monica

Thu Ba XXI TN

Mát-thêu 23:23-26

23"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. 24Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà. 25"Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. 26Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#23)
Gợi ý cầu nguyện
1.      Bài đọc hôm nay là một lời cảnh cáo quan trọng cho đời sống đức tin của tôi: đạo đức giả.  Tôi muốn nhìn lại đời sống đức tin của tôi: Tôi đã bận rộn giữ đạo hay sống đạo?  Tôi đã bối rối giữ những điều nhỏ mọn như chia trí trong cầu nguyện, bỏ đọc kinh tối sáng, ăn chay không đúng luật, trong khi đó lại coi nhẹ việc ăn nói chân thành, sống liêm chính, liên đới trong yêu thương, thao thức trước những bất công trong xã hội?
2.      Chúa Giêsu mời gọi những kinh sư và Pha-ri-sêu, cũng là mời gọi tôi, phải để ý đến những quan yếu nhất của đời sống, chứ không phải là những phô trương bên ngoài.  Nói theo kiểu Việt Nam, Chúa Giêsu vẫn trọng: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn!”  Mỗi ngày sống, tôi đã dâng cho Chúa những hàng thật hay hàng mã?  Tôi muốn xem lại đời sống đức tin của tôi bao lâu nay, đã đến với Chúa với lòng thành hay chỉ là sự giả dối, vì yêu thương hay sợ sệt, vì lòng mến hay mong hưởng thiên đàng?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?   Tôi muốn chọn một lối sống mới như thế nào sau giờ cầu nguyện này, đúng với lời Chúa Giêsu dạy hôm nay?   


Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, August 25, 2019

Thứ Hai Tuần XXI Mùa Thường Niên – Năm C – 26-8-2019


Thu Hai XXI TN

I Thê-xa-lô-ni-ca 1:1-5

1Chúng tôi là Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê, kính gửi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúc anh em được ân sủng và bình an. 2Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, 3và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. 4Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, 5vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa.

(Trích Thư Thê-xa-lô-ni-ca I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_13Thexalonica1.html#1 )

Gợi ý cầu nguyện

1.       Bài đọc hôm nay là phần đầu lá thư của Phao-lô gởi cho Cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca.  Trong đó ngài ca ngợi tinh thần, niềm tin và tấm lòng của mọi người trong cộng đoàn.  Qua lá thư, tôi có thể đọc được tâm tình trìu mến và tấm lòng đầy yêu thương của người mục tử đối với cộng đoàn.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể dành đặc biệt cầu nguyện cho các linh mục, xin cho họ có một tấm lòng nhân ái, đầy yêu thương, như Phao-lô, đối với đàn chiên mà họ được Chúa trao phó.  Đặc biệt, tôi muốn cầu nguyện cho những mục tử đang lơ là với đàn chiên, để đàn chiên đói khổ, thậm chí giày xéo đàn chiên khiến, người này người kia tản mát khỏi đàn chiên.

2.       Viết thư dường như đang trở thành lỗi thời, bởi những phương tiện truyền thông hiện đại như, điện thoại di động và internet.  Ngày nay người ta dùng tin nhắn nhiều hơn viết thư.  Nhưng dù viết thư hay gởi tin nhắn, tôi có thể bắt chước Phao-lô được không?  Khi liên lạc với ai, đặc biệt với con cái và người thân ở xa, tôi sẽ bắt chước Phao-lô, dùng những ngôn từ đầy ắp yêu thương, trào dâng niềm tin vào Chúa, nói về những điều cao đẹp, ca ngợi những việc làm cụ thể, và biết ơn về những điều tốt mà người thân đã làm, hơn là gởi những tin nhắn cộc lốc, lời nhắn thô lỗ thiếu tao nhã.  Tôi phải gởi tin nhắn làm sao để, người nhận đọc được tình thương của tôi và tìm thấy Chúa trong tin nhắn của tôi, dù tôi chẳng có một chữ nào nói về Chúa.  Tôi muốn đọc lại đoạn thư của Phao-lô, để học ở ngài cách liên đới với những người thân của tôi.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, August 24, 2019

Chúa Nhật Tuần XXI Mùa Thường Niên – Năm C – 25-8-2019


CN XXI TN

Do-thái 12:5-11

5Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. 6Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. 7Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? 8Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức. 9Vả lại, chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời để được sống. 10Cha trần thế sửa dạy chúng ta trong một thời gian ngắn, và theo sở thích của mình; còn Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người. 11Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính. 

(Trích Thư Do-thái bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_19DoThai.html#12)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Bài đọc hôm nay có thể khiến nhiều người lợi dụng để bào chữa cho những hành vi bạo hành trong gia đình giữa: chồng-vợ, cha mẹ-con cái, chủ-tớ.  Những câu nói như: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”; hoặc, “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” đã bị lạm dụng hoặc áp dụng bừa bãi gọi là, để dạy người khác, nhưng thật sự là lạm dụng người thân để xả giận theo kiểu, “Giận cá chém thớt,” đánh con như đánh chó, đánh vợ như đánh kẻ cướp.  Quá dã man và đầy thú tính!  Để rồi, biết bao nhiêu tâm hồn tan vỡ, biết bao nhiêu vết thương chẳng bao giờ lành.  Giờ cầu nguyện hôm nay, có lẽ tôi muốn xem lại con người của tôi.  Tôi đã nhân danh Chúa, nhân danh đạo đức làm tổn thương những ai về thể lý, hoặc tâm lý?  Tôi muốn cầu nguyện xin ơn chữa lành cho những người đó.  Đồng thời, tôi muốn tìm dịp để xin lỗi trực tiếp người đó, dù đó là con cái, dù đó là vợ, chồng, tớ trai, tớ gái. 

2.       Lời Chúa trong bài đọc hôm nay nói về một sự sửa dạy khác kìa!  Sửa dạy trong yêu thương; sửa dạy vì yêu thương.  Cũng như tôi không thể chấp nhận những cha mẹ vô trách nhiệm trong việc dạy dỗ con cái, sinh chúng ra và để chúng lớn lên như cỏ hoang, hoặc nuông chiều con cái một cách quá đáng, tôi cũng không muốn tôn thờ một Thiên Chúa vô trách nhiệm với con người.  Điều tôi mong đợi là một Thiên Chúa quan tâm, dạy dỗ tôi trong yêu thương, dù cho có nhũng lúc vì đam mê đường xấu mà tôi chán ghét việc sửa dạy của Chúa.  Tôi muốn ở lại lâu hơn với bài đọc hôm nay.  Đọc lại nhiều lần và xin Chúa sửa dạy tôi, cũng như tiếp tục sửa dạy những lỗi lầm yếu đuối trong tôi để, càng ngày tôi càng đẹp hơn trong con mắt của Chúa và càng ngày tôi càng dễ thương hơn với mọi người xung quanh.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Lễ Khấn Trọng Thể 8/25


Friday, August 23, 2019

Thứ Bảy Tuần XX Mùa Thường Niên – Năm C – 24-8-2019 – Lễ Thánh Batôlômêô, Tông Đồ


Thu Bay XX TN

Gioan 1:45-51

45Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét." 46Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?" Ông Phi-líp-phê trả lời: "Cứ đến mà xem!" 47Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối." 48Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." 49Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!" 50Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." 51Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_04Gioan.html#1)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Tôi có thể thắc mắc: Tại sao lễ Thánh Ba-tô-lô-mê-ô mà bài đọc hôm nay lại không nhắc gì đến tên của ông, trong khi đó chỉ nhắc đến Na-tha-na-en?  Lưu ý, trong toàn bộ Phúc âm Gioan, không hề nhắc đến một tông đồ nào có là Ba-tô-lô-mê-ô; Ba-tô-lô-mê-ô chỉ được nhắc đến trong Phúc âm Nhất lãm (Mát-thêu, Luca, Mác-cô).  Đồng thời, mỗi khi Phúc âm Nhất lãm nhắc đến tông đồ Ba-tô-lô-mê-ô thì luôn nhắc đến một tông đồ khác nữa, đó là Phi-líp-phê.  Cũng vậy, mỗi khi Phúc âm Gioan nhắc đến Na-tha-na-en thì luôn nhắc đến Phi-líp-phê.  Chính vì thế mà đến thế kỷ 9, nhiều học giả đã cho rằng Ba-tô-lô-mê-ô cũng chính là Na-tha-na-en.  Trở lại với bài đọc hôm nay, Na-tha-na-en (Ba-tô-lô-mê-ô) gặp được Chúa Giêsu là do Phi-líp-phê giới thiệu.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn nhìn lại đức tin của tôi, từ đâu mà có?  Ai đã dẫn tôi đến gặp Chúa để có đức tin ngày hôm nay?  Có phải là cha mẹ, bạn hữu, thầy cô, các cha, chác sơ…?  Trong giây phút này, tôi muốn cầu nguyện cho những người đã giúp tôi gặp được Chúa trong cuộc đời.

2.      Na-tha-na-en (Ba-tô-lô-mê-ô) hú hồn vì lần đầu tiên gặp Chúa Giêsu, mà Ngài lại biết rõ về ông!  Điều này đã khiến cho Na-tha-na-en (Ba-tô-lô-mê-ô) phải thốt lên: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!"  Tôi nghĩ Chúa Giêsu biết rõ tôi như Ngài đã biết Na-tha-na-en không?  Tôi phản ứng như thế nào khi biết, Chúa biết rất rõ về tôi?  Tôi có thái độ nào khi đến với Chúa, Đấng biết rất rõ về tôi?  Tôi muốn nói gì với Ngài trong lúc này?      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, August 22, 2019

Thứ Sáu Tuần XX Mùa Thường Niên – Năm C – 23-8-2019

Thu Sau XX TN
Mát-thêu 22:34-40

34Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36"Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" 37Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#22)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Người thông luật đã hỏi thử Chúa Giêsu về luật.  Dù đây là câu hỏi để gài bẫy Chúa Giêsu, nó cũng là câu hỏi nghiêm túc đặt ra cho chính tôi.  Có bao giờ tôi đặt câu hỏi với chính tôi về: lề luật, đức tin?  Chúa Giêsu nói, chỉ có hai luật quan trọng nhất: Mến Chúa và Yêu Người.  Phải chăng bao lâu nay tôi đã giữ đủ mọi thứ luật, ngoại trừ luật yêu thương?  Phải chăng bao lâu nay tôi vẫn biết đức tin là một món quà quý, nên tôi đã luôn GIỮ ĐẠO (giữ đủ mọi thứ luật, rước sách linh đình nào cũng có mặt, thuộc đủ mọi thứ kinh câu bổn, đọc vang cả nhà thờ), nhưng tôi đã không SỐNG ĐẠO (bỏ thực hành luật yêu thương, và thiếu diễn tả yêu thương bên ngoài nhà thờ và bên ngoài giờ cầu nguyện)?  Tôi muốn nhìn lại đời sống đức tin của tôi, và bàn với Chúa Giêsu về một hướng thực hành đức tin đúng ý Chúa hơn.

2.      Chúa Giêsu không bác bỏ luật Mô-sê và các tiên tri, khuyến dụ người ta phải mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.  Tôi hiểu câu này như thế nào?  Tôi muốn hỏi Chúa Giêsu xem, rồi để ý Ngài giải thích như thế nào.  Điều răn thứ hai là phải yêu tha nhân như chính mình.  Tôi đã thực hành điều này như thế nào khi tôi gặp một người bị nạn?  Khi họ là những người nghèo, ăn xin?  Khi họ là những người di dân và tị nạn?  Khi họ là những người già, khuyết tật, neo đơn, cô đơn, đau khổ, bệnh tật, bị kỳ thị vì mầu da, phái tính, niềm tin…?  Nên nhớ, chỉ khi nào tôi yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, tôi mới có đủ sức, đủ sáng tạo, đủ bén nhạy để yêu tha nhân như chính mình được.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, August 21, 2019

Thứ Năm Tuần XX Mùa Thường Niên – Năm C – 22-8-2019 – Lễ Đức Maria Nữ Vương


Thu Nam XX TN

Mát-thêu 22:1-10

1Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: 2"Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!" 5Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, 6còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. 7Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới." 10Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://www.phimconggiao.com/kinh-thanh/TanUoc_01Matthieu.html#22)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Dụ ngôn Nước Trời mà Chúa Giêsu kể trong bài đọc hôm nay, thật đặc biệt và đầy xúc cảm.  Trong giờ cầu nguyện này, trước hết tôi muốn cảm nghiệm tâm trạng của nhà vua, cũng chính là Thiên Chúa.  Nhà vua đi từ tâm trạng thật vui mừng, phấn khởi và hy vọng đến thất vọng, và rồi đến giận dữ về các khách được mời.  Vui mừng và phấn khởi vì đây là tiệc cưới của con mình; hy vọng vì nghĩ rằng tiệc cưới sẽ đầy ắp khách dự tiệc.  Tuy nhiên, nhà vua đã phải thất vọng vì chẳng mấy người muốn đến, thậm chí còn hành hạ những đầy tớ của vua, khiến ông giận dữ.  Tôi muốn hình dung tâm trạng của nhà vua suy sụp và biến dạng dần dần.  Tôi muốn nói gì với nhà vua?  Tôi muốn chia sẻ gì với nhà vua? 

2.       Dụ ngôn nói, tiệc đã được chuẩn bị sẵn sàng với bò tơ và thú béo, chỉ việc đến dự tiệc thôi!  Điều này nói lên niềm vui của nhà vua, vui mừng biết mấy, mong tôi dự tiệc.  Tiệc cưới này chính là Thánh lễ mỗi ngày; tiệc cưới này chính là thiên đàng, luôn rộng mở cho tôi.  Chúa vui mừng và hy vọng tôi đến dự tiệc, còn tôi mang tâm trạng nào mỗi khi tham dự Thánh lễ?  Những lần đi dự tiệc cưới của một ai đó, tôi đã đến với tâm trạng vui tươi, phấn khởi hay, gò bó bắt buộc, sợ không đi thì xuống hỏa ngục?  Tôi nhìn lại mỗi lần tôi đi dự tiệc do Chúa, Đấng tạo thành trời đất, mời tôi, tôi đã có những tâm trạng nào?  Kể từ hôm nay tôi muốn đến với mọi Thánh lễ trong thái độ nào?    

Phạm Đức Hạnh, SJ