Thursday, December 31, 2020

Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm B – 1-1-2021 – Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa

Thu Sau BNGS 

Luca 2:16-21

16Khi ấy, các người chăn chiên hối hả ra đi đến Bê-lem.  Họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo. 21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nếu có một lúc nào đó tôi tự hỏi: Làm sao Ông Giêsu bằng xương bằng thịt, giống như tôi, mà lại là Thiên Chúa được?  Nếu tôi có thắc mắc này, tôi không lẻ loi.  Bởi chính người Do-thái đã rất dị ứng với kiểu tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa; họ cho đây là tội phạm thượng, và một trong những lý do họ tử hình Đức Giêsu cũng vì tội phạm thượng này.  Tôi có thể rất khó hiểu hay khó tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng nếu hỏi: Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất, có thể tự biến mình thành một con người như tôi được không?  Có lẽ tôi sẽ dễ dàng mà nói: Đương nhiên!  Nhưng tôi không phải là người duy nhất đặt nghi vấn về Đức Giêsu có phải là Thiên Chúa không, dọc theo chiều dài lịch sử đã có rất nhiều người nghi vấn như tôi.  Đó chính là lý do tại sao có ngày lễ: Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa.  Trước hết, Lễ Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa là một lễ được mừng long trọng bên Giáo hội Chính Thống Đông Phương Constantinople, thế kỷ 7.  Mãi đến thế kỷ 13 hay 14, Giáo hội Công giáo La-mã mới đón nhận lễ này, không phải để tôn vinh Mẹ Maria được làm mẹ Thiên Chúa cho bằng, để tiếp tục tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật mà cũng là người thật.  Sau nữa, điểm rất đẹp của ngày lễ này đó là, không chỉ Chính Thống Giáo, Công Giáo, mà cả Anh Giáo và Tin Lành đều mừng lễ này.  Tức là cả thế giới Kito giáo đều tuyên xưng cùng một niềm tin: Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật.  Vậy có gì sai đâu khi nói, Mẹ Maria đã là mẹ sinh ra Đức Giêsu, là người thật, mẹ cũng phải là mẹ Thiên Chúa nữa?  Tuy nhiên, giờ cầu nguyện hôm nay tôi phải hỏi chính tôi: Niềm tin này ảnh hưởng gì và giúp gì cho đời sống của tôi?  Tôi thường cầu nguyện với Thiên Chúa vẫn còn trên mây, hay tôi cầu nguyện với Thiên Chúa đang ở dưới đất này, ở trong lòng tôi lúc này?  Sự kiện Thiên Chúa xuống làm người có giúp cho cuộc sống của tôi vững tin hơn, mạnh mẽ hơn, lạc quan hơn, hy vọng hơn, vì không một đau khổ nào tôi đang phải chịu mà Thiên Chúa không biết, hoặc không từng đi qua?  Tôi nói gì với Chúa trong lúc này?  Tôi nói gì với Mẹ Maria trong lúc này?  

2.      Bài đọc hôm nay nói, các mục đồng sau khi gặp Đức Mẹ, Thánh Giuse và Chúa Giêsu Hài Đồng nằm trong máng cỏ, họ liền loan tin cho mọi người về những điều mắt thấy tai nghe, và vừa đi vừa chúc tụng Thiên Chúa.  Chứng tỏ họ đã nhận ra hài nhi trong máng cỏ không phải là người thường, nhưng là chính Thiên Chúa, như họ đã được thiên thần loan báo.  Chắc đã hơn một lần tôi ngắm nhìn hang đá máng cỏ, tôi thấy gì ở đó?  Tôi có nhận ra hài nhi Giêsu cũng là Thiên Chúa không?  Tôi cảm thấy gì và đã làm gì khi nhận ra điều này?  Đời sống của tôi có là một đời sống loan tin mừng, giống như các mục đồng không?  Đời sống tôi có được biến đổi và khấp khởi mừng vì được gặp Chúa không?  Tôi tiếp tục chiêm ngắm Chúa Hài Đồng trong giờ cầu nguyện này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát, “Mẹ Ơi, Mẹ Có Biết?” lời Việt của Xuân Đường, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=UOBtwu1Hoag

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment