Wednesday, December 23, 2020

Thứ Năm Tuần Lễ Giáng Sinh – Năm B – 24-12-2020 – Lễ Vọng Giáng Sinh

Vong GS 

Luca 2:1-14

1Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. 2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. 3 Ai nấy đều về thành của mình mà khai tên tuổi. 4 Bởi thế, ông Giu-se cũng từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê, lên thành vua Đa-vít gọi là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình và dòng tộc vua Đa-vít. 5 Ông lên đó khai tên cùng với bà Ma-ri-a là người đã thành hôn với ông, lúc ấy bà đang có thai. 6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. 7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. 9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ sợ hãi kinh hoàng. 10 Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi loan báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân: 11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa. 12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” 13 Bỗng có đạo binh thiên quốc đông đảo hợp với sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa rằng: 14“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Giáng Sinh đã đến!  Giáng Sinh là Mùa của an bình, của yêu thương, nhưng có lẽ đây là mùa bận rộn nhất trong năm đối với nhiều người.  Giáng Sinh đã bị thương mại hóa, khiến ai nấy đều bận rộn cho mua sắm, chuẩn bị bên ngoài như làm hang đá, trang trí nhà thờ, tiệc tùng, mà thiếu đi những gì cần thiết nhất, quan trọng nhất của Mùa Giáng Sinh, đó là: một tâm hồn bình an để có thể chiêm ngắm thật sâu tình yêu rất lớn lao của Thiên Chúa dành cho con người, đặc biệt là cho tôi.  Trong những giờ chuẩn bị mừng sinh nhật Chúa Giêsu, tôi muốn tìm cho tôi những giờ phút thật lắng đọng, bỏ qua mọi lo lắng bên ngoài để ở thật yên, đem đầu trở về với tâm, để được ở thật gần bên Mẹ Maria và Thánh Giuse, không chỉ để hiểu được tâm trạng của các ngài lúc đó, nhưng quan trọng hơn đó là, xin các ngài giúp tôi biết đón Chúa Giêsu chào đời trong cuộc đời tôi hôm nay.  Tôi muốn hình dung và đặt mình vào trong bối cảnh của đoạn Tin Mừng trên, để cảm nghiệm những gì mà hai ngài đã đi qua năm xưa.  Thánh Luca cho tôi biết, các ngài từ nơi xa trở về quê quán để khai sổ bộ theo lệnh của vua.  Đường xá thật xa và đi lại rất khó khăn, nhưng lại càng khó khăn hơn khi bụng Mẹ Maria mang bầu và sắp đến ngày sinh.  Nỗi sợ vì biết ngày sinh đã có thể đến bất cứ khi nào, càng sợ cũng như tủi nhục hơn nữa khi không tìm được một chỗ nào để trọ giữa lúc rất nguy cập đó.  Giuse và Mẹ Maria đã làm gì những gì lúc ấy để bảo vệ nhau, đặc biệt để bảo vệ con sắp chào đời?  Tôi là ai trong bối cảnh này?  Tôi đã làm những gì để giúp họ chuẩn bị sinh Chúa Cứu Thế?  Tôi muốn nói gì với Thiên Chúa làm người giống như tôi, vì tôi và cho tôi?  Tôi sẽ sống và làm gì để xứng đáng với tình yêu cao cả này?

2.      Giáng Sinh là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời và cho cả nhân loại, vì món quà vô giá là Thiên Chúa làm người.  Khi tôi chiêm ngắm cảnh nghèo vô gia cư của Gia đình Thánh gia, không phải là để tôi cảm thấy tội nghiệp Gia đình Thánh gia, đặc biệt là tội nghiệp Chúa, để rồi mất đi niềm vui thật lớn này; trái lại, để hôm nay và từ nay trở đi tôi không muốn để mất một chút ơn thánh và tình yêu cao cả nào của Chúa dành cho tôi.  Luca chỉ cho tôi dấu chỉ để nhận ra Thiên Chúa đã sinh làm người, đó là: “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”  Hình ảnh này cho tôi thấy hai điều: Thứ nhất, tôi sẽ không thể tìm thấy Thiên Chúa ở những nơi cao sang, tráng lệ, sang trọng, nơi những tâm hồn cao ngạo, nhưng nơi nào nghèo hèn, đơn sơ và khiêm hạ sẽ là nơi Thiên Chúa sinh ra.  Thứ hai, Thiên Chúa như một trẻ sơ sinh trong máng ăn của súc vật muốn nói với tôi rằng, Ngài chính là của ăn cho muôn người.  Cả hai điều này đều liên quan đến người nghèo.  Bởi vậy Giáng Sinh sẽ ý nghĩa hơn khi tôi bắt chước Thiên Chúa, cũng đến với những người nghèo và đau khổ quanh tôi, bởi chỉ ở đó tôi mới gặp được Thiên Chúa.  Mà ở đâu có Chúa, ở đó là thiên đàng.  Như một người nào đó đã nói: Không ai có thể vào được thiên đàng nếu không có giấy giới thiệu của những người nghèo!  Tôi muốn làm gì và bằng những cách thức nào để gặp Chúa trong những người nghèo quanh tôi, ngay trong Mùa Giáng Sinh này?  Tôi xin Chúa cho lòng tôi biết rung cảm và quảng đại với những người nghèo, đau khổ quanh tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Đêm Đông,” của Hải Linh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=saLv6i87A4Y

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment