Thursday, April 30, 2020

Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh – Năm A – 1-5-2020 – Lễ Thánh Giuse Thợ


Thu Sau III PS

Sáng Thế 1:26-31

1/26Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." 

27Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,

Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. 

28Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất."  29Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.  30Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy."  31Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. 

(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Năm 1955, để thúc đẩy lòng sùng kính sâu sắc đối với Thánh Giuse, và để đối lại Ngày Lễ Lao Động, mồng 1 tháng Năm, trong thế giới Cộng sản, Đức Giáo hoàng Pius XII đã chọn Thánh Giuse làm đấng bảo hộ cho giới cần lao và thiết lập ngày lễ kính Thánh Giuse Thợ, nhằm đề cao những giá trị lao động và bênh vực quyền lợi của mọi công nhân.  Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II sau này cũng nhắc lại mục đích của ngày lễ, ngài nói: “Giáo hội coi nhiệm vụ của mình là luôn luôn chú ý đến phẩm giá và quyền của mọi công nhân, lên án những tình huống mà nhân phẩm và những quyền đó bị vi phạm, đồng thời giúp hướng dẫn những thay đổi [xã hội] để đảm bảo tiến bộ đích thực của con người và xã hội.”  Chẳng phải chờ đến năm 1955, giá trị lao động của mọi công nhân mới được nhìn nhận, nhưng từ ban đầu, Thiên Chúa đã đặt để con người giữ gìn và phát triển công trình sáng tạo của Ngài.  Như vậy, phẩm giá của mọi công nhân, không chỉ là những người mang hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng còn mỗi khi lao động, họ trở thành cộng sự viên của Ngài, tiếp tục sáng tạo và làm cho thế giới này đẹp hơn.  Ngày nào tôi ươn lười, ngày đó tôi đánh mất ơn gọi của tôi.  Nên nhớ, một câu Kinh Thánh khác cũng khiển trách tôi, “Ai không làm thì đừng có ăn!”(I Tx 3:10).  Bài đọc hôm nay kết thúc công việc của Chúa bằng câu, “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!”  Trong giây phút này hoặc cuối mỗi ngày, tôi cũng có thể nói như vậy về những việc làm của tôi trong ngày không?  Thế giới có đang được tận hưởng những thành quả lao động của tôi không?  Tôi có thấy Chúa cũng rất hài lòng về những việc làm bao lâu nay của tôi không? 
2.      Bài đọc hôm nay không nhắc gì đến Thánh Giuse, nhưng chỉ nói về công việc.  Trong đó, tôi nhận thấy Chúa làm việc và cũng mời gọi con người cùng làm việc cộng tác với Ngài.  Chứng tỏ Chúa yêu quý công việc, Ngài cũng trân quý sự lao công của con người.  Tôi muốn cầu nguyện cho tất cả mọi công nhân, mọi người đang làm việc vất vả ngày đêm cho công ích xã hội, đặc biệt các bác sĩ, y tá, những người lao công quét dọn vệ sinh trong các bệnh viện giữa cơn đại dịch Covid-19 này, họ là những người đang mạo hiểm cả tính mạng của họ để bảo vệ và giữ gìn cho thế giới khỏi nhiễm bệnh.  Tôi cầu nguyện cho mọi công nhân, dù ở ngành nghề nào đi nữa, luôn biết dùng quyền lợi và nghĩa vụ của họ góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.  Tôi cầu nguyện cho tất cả những người bị thất nghiệp trong đại dịch Covid-19 này, khiến gia đình họ trở nên điêu đứng vì không có tiền để sống.  Tôi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới biết tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của mọi công nhân, đặc biệt những người nghèo và thấp kém trong xã hội.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, April 29, 2020

Thứ Năm Tuần III Phục Sinh – Năm A – 30-4-2020


Thu Nam III PS

Gioan 6:44-47

44Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy; và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.  45Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ.  Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.  46Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.  47Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Câu đầu tiên của bài đọc hôm nay có thể là điều tôi cần suy ngẫm trong giờ cầu nguyện này.  Chúa Giêsu nói, “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy.”  Như vậy, đức tin vào Chúa Giêsu mà tôi có được hôm nay không phải ngẫu nhiên, cũng chẳng do tự tôi mà có, nhưng là một quà tặng của Chúa Cha.  Đây là quà từ Trời, thiên ân đấy, lộc Trời đấy!  Chắc chắn, Chúa Cha không hữu hình hoặc trực tiếp trao cho tôi tặng phẩm rất quý giá này, nhưng những cộng sự viên của Ngài, đó là: Giáo hội, cha mẹ, thầy cô, bạn hữu, hoặc những biến cố vui buồn đã xảy đến trong cuộc đời tôi, dẫn tôi đến tin nhận Chúa hôm nay.  Có bao giờ tôi trân quý món quà đức tin mà tôi đã lãnh nhận không?  Tôi đã đang sử dụng món quà này như thế nào?  Đâu là những hoa lợi mà tôi đang thụ hưởng từ lộc Trời (Chúa Cha) này?  Trong lúc này, tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu?  Với Chúa Cha?  Với những người đã dẫn tôi đến niềm tin này?  Với những biến cố vui buồn đã đến trong cuộc đời của tôi?
2.      Vậy món quà thiên ân này là gì?  Trước hết, đó chính là Chúa Giêsu, Đấng rất yêu thương tôi.  Có ai đã yêu tôi hơn Chúa Giêsu không?  Có ai nói yêu tôi và dám chết vì tôi, như Chúa Giêsu đã dám không?  Thứ đến, đó chính là sự sống đời đời, điều mà Chúa Giêsu đã hứa.  Chính điều này mà cuộc đời tôi có ý nghĩa hơn, sống đời đời với Thiên Chúa.  Cuộc sống của tôi không phải chỉ là tồn tại trên mặt đất này độ trăm năm: sinh ra, lớn lên, vật lộn với cuộc sống, đau khổ và bệnh tật, cùng những thất bại, nói chung buồn nhiều hơn vui, rồi chết!  Nếu cuộc đời thật sự là như vậy thì lãng xẹc và vô nghĩa quá.  Lời Chúa hôm nay nói với tôi, chỉ qua Chúa Giêsu tôi mới tìm thấy ý nghĩa cho cuộc sống này.  Dĩ nhiên, niềm tin vào Chúa Giêsu hoàn toàn là một món quà nhưng không, tôi muốn nhận và sử dụng nó, cất giấu nó trong tủ, hoặc tệ hơn nữa, quăng nó vào thùng rác, vẫn là sự tự do chọn lựa của tôi.  Tôi nghĩ như thế nào về món quà đức tin này?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu, hoặc Chúa Cha trong lúc này?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Tin Hay Không Tin,” của Nguyễn Lý, qua đường dẫn sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=s2Xpiw2IfUo       
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, April 28, 2020

Thứ Tư Tuần III Phục Sinh – Năm A –29 -4-2020


Thu Tu III PS

Tông Đồ Công Vụ 8:1b-8

1bHồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội.  Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri.
2Có mấy người sùng đạo chôn cất ông Tê-pha-nô và khóc thương ông thảm thiết.
3Còn ông Sao-lô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục.
4Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa.
5Ông Phi-líp-phê xuống một thành miền Sa-ma-ri và rao giảng Đức Ki-tô cho dân cư ở đó.  6Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Phi-líp-phê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm.  7Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám.  Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành.  8Trong thành, người ta rất vui mừng.

(Trích Công Vụ Tông Đồ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trong những trang sử của Giáo hội sơ khai, những trang sử của những cuộc bách hại.  Trong đó Sao-lô, mà sau này là Thánh Phao-lô, một trong hai vị thánh cột trụ của Giáo hội, đã bách hại những người theo Chúa Giêsu một cách tàn bạo, khiến các Kitô hữu phải trốn chạy và tản mát khắp nơi.  Tuy nhiên, dù ở đâu và dù bị bách hại như thế nào, các Kitô hữu đã luôn loan truyền danh Chúa Giêsu, Đấng mà họ luôn tìm thấy sức mạnh, nguồn hy vọng, và sự sống đích thực.  Chính vì thế, khi càng bị bắt bớ, tin mừng về Chúa Giêsu càng được lan nhanh, lan mạnh, và Giáo hội càng phát triển.  Đã có một chút cơ may nào, niềm tin vào Chúa Giêsu đã được loan truyền từ đời sống của tôi chưa?  Chẳng hạn như đời sống cầu nguyện, gương nhân đức, và nếp sống hòa hợp yêu thương của tôi, khiến mọi người nhận ra Chúa trong tôi và yêu mến Chúa hơn. 
2.      Có người nói Thiên Chúa mà người Kitô hữu tôn thờ là Thiên Chúa của cơ hội, tức là không ai là quá tội lỗi và quá trễ để trở về với Ngài.  Sao-lô là một ví dụ cụ thể.  Dù là một người bắt bớ tàn bạo những ai theo Chúa Giêsu, ông đã được hoán cải và trở thành Thánh Phao-lô, một người đầy nhiệt huyết, yêu mến Chúa Giêsu hết mình, và sẵn sàng chết cho niềm tin vào Chúa Giêsu.  Ngài đã trở thành một trong hai vị thánh lớn nhất của Giáo hội, thậm chí có người coi ngài như là vị sáng lập Kitô giáo.  Có tội lỗi nào hay rào cản nào đang làm cho tôi xa cách, hoặc thiếu tin tưởng vào tình yêu của Chúa không?  Dù tôi tội lỗi hay thánh thiện, trong giây phút này tôi muốn chiêm ngắm Chúa, xem Ngài đang chiêm ngắm tôi như thế nào.  Tôi để ý xem, Ngài đã chờ đợi tôi bao lâu?  Ngài đang có ước mơ hay dự định gì cho tôi?  Tôi để ý lòng tôi đang muốn đáp trả như thế nào với Ngài.        
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, April 27, 2020

Thứ Ba Tuần III Phục Sinh – Năm A –28-4-2020


Thu Ba III PS

Tông Đồ Công Vụ 7:51-8:1a

7/51Bấy giờ, trước mặt đám đông dân chúng, các kỳ mục và kinh sư, ông Tê-pha-nô tuyên bố: “Hỡi những người cứng đầu cứng cổ, lòng và tai không cắt bì, các ông luôn luôn chống lại Thánh Thần.  Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy.  52Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến; còn các ông, nay đã trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy.  53Các ông là những người đã lãnh nhận Lề Luật do các thiên sứ công bố, nhưng lại chẳng tuân giữ.”
54Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô.
55Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa.  56Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.”  57Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông 58rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá.  Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô.  59Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.”  60Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.”  Nói thế rồi, ông an nghỉ.
8/1aPhần ông Sao-lô, ông tán thành việc giết ông Tê-pha-nô.

(Trích Công Vụ Tông Đồ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một ghi nhận rất quan trọng trong lịch sử Kitô giáo, cuộc tử đạo đầu tiên trong Giáo hội, thánh Tê-pha-nô.  Tôi có thể thấy sự can đảm phi thường và đầy tự tin tuyên tín niềm tin của ngài vào Chúa Giêsu, trước khi bị ném đá cho đến chết.  Chắc chắn, sự can đảm và đầy xác tín của Tê-pha-nô phải đến từ những kinh nghiệm rất sâu đậm với Chúa Giêsu Phục Sinh.  Tôi có thể đọc lại bài đọc trên, để chiêm ngắm mẫu gương tử đạo đầu tiên trong Giáo hội, và xin cho gương đức tin của Thánh Tê-pha-nô làm cho niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu Phục Sinh cũng được mạnh mẽ hơn.
2.     Một điểm cũng rất quan trọng trong trình thuật tử đạo của Thánh Tê-pha-nô, đó là: sự tha thứ.  Ba câu chuyện tử đạo nổi bật đầu tiên trong Tân Ước: 1) Cuộc tử đạo của Thánh Gioan Tẩy Giả, 2) cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và 3) cuộc tử đạo của Thánh Tê-pha-nô.  Bắt chước Chúa Giêsu, từ trên thập giá, đã tha thứ cho những người giết mình, Thánh Tê-pha-nô cũng đã tha thứ cho những người ném đá mình.  Một sự tha thứ chưa thấy xuất hiện trong trình thuật về cuộc tử đạo của Gioan Tẩy Giả.  Như vậy, sự tha thứ là một nét đặc biệt của Kitô Giáo, khởi đầu từ một trong những bài giảng trên núi của Chúa Giêsu về sự tha thứ (Mt 5:43-48; Lk 6:27-28, 32-36).  Chúa Giêsu không chỉ dạy tôi phải tha thứ cho kẻ thù, chính Ngài từ trên thập giá, cũng đã tha thứ cho những người giết Ngài (Lc 23:34).  Tha thứ là một nhân đức cao quý mà mọi tôn giáo và mọi văn hóa đều quý trọng.  Tuy nhiên, tha thứ không bao giờ dễ, đặc biệt tha thứ cho những người giết mình.  Tôi có cảm nghiệm được Chúa tha thứ bao giờ chưa?  Tôi có kinh nghiệm về tha thứ cho ai bao giờ chưa?  Điều gì đã khiến tôi muốn tha thứ, hay đã cho tôi sức mạnh để tha thứ?  Tôi cảm thấy thế nào trong tâm hồn khi tha thứ?  Bình an?  Tự do?  Gần Chúa?  Tôi có đang gặp khó khăn tha thứ cho ai trong lúc này không?  Tôi có thể nói chuyện với Thánh Tê-pha-nô và Chúa Giêsu trong lúc này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Hãy Tha Thứ Bảy Mươi Lần Bảy,” của Minh Kỳ và Công Huỳnh, qua đường dẫn sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=pLXoXqDnRe4
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, April 26, 2020

Thứ Hai Tuần III Phục Sinh – Năm A –27-4-2020


Thu Hai III PS

Tông Đồ Công Vụ 6:8-15

8Thời đó, ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân.  9Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô.  10Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.  11Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Mô-sê và Thiên Chúa.”  12Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng.  13Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: “Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật.  14Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giê-su người Na-da-rét sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Mô-sê đã truyền lại cho chúng ta.”  15Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Tê-pha-nô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ.

(Trích Công Vụ Tông Đồ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Điểm rất nổi bật trong bài đọc hôm nay, đó là: sự ác.  Bài đọc rất ngắn chỉ tám câu, vậy mà sáu câu nói về những người làm điều ác.  Điểm đáng chú ý đó là, các người lãnh đạo lúc bấy giờ đã xúi người ta làm bậy, xuyên tạc sự thật để chống lại người công chính.  Hóa ra chẳng phải ngày hôm nay, các thể chế độc tài mới sách động quần chúng bằng những dư luận viên và côn đồ để, đàn áp, bịt miệng và hãm hại những tiếng nói lương tâm, bảo vệ quyền của người dân, và lên án những sai trái trong chính quyền và giáo hội.  Những dư luận viên này, ở đâu và thời buổi nào đi nữa, đều rất giống nhau.  Họ không ngu, cũng chẳng dốt.  Nói theo kiểu nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, họ cuồng tín!  Họ từ chối sử dụng lý trí, một món quà rất quý giúp phân biệt giữa đúng và sai, giữa thiện và ác, và đặc biệt giữa người và vật.  Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là lúc tôi nhìn lại chính tôi: Đâu là những lúc tôi đã là những dư luận viên ăn lương, hoặc không ăn lương, đánh mất lý trí, xuyên tạc sự thật, nói hành nói xấu người công chính trên Facebook, hoặc trong đời thường?  Sức mạnh nào đang lôi kéo tôi theo con đường vô tâm, vô tính và vô nhân này?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?   

2.      Dù sự ác chiếm phần lớn số chữ trong bài đọc, nhưng sự thiện nơi Tê-pha-nô vẫn trổi vượt và bừng sáng trong bài đọc, khiến Thượng Hội Đồng ngạc nhiên, thấy mặt ông giống mặt thiên sứ.  Điều gì đã làm cho Tê-pha-nô được như vậy?  Chắc chắn ông đã dựa vào Chúa và lý trí.  Có khi nào tôi cũng đã kinh nghiệm như Tê-pha-nô, những khi tôi lắng nghe tiếng Chúa nói qua lương tâm, qua lý trí của tôi, giúp tôi nhận biết và sống theo sự thật?  Phải chăng những lúc ấy, lòng tôi đã trở nên nhẹ như bông, như có thể đi trên mặt nước, và trái tim tôi chan hòa niềm vui?  Tôi muốn dành giây phút này chiêm ngắm tâm hồn tươi mát và thanh thoát của Tê-pha-nô và của chính tôi nếu có, đồng thời nói chuyện với ngài.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Chúa Là Con Đường,” qua đường dẫn sau đây:  https://www.youtube.com/watch?v=IerzJ7HDo7Y  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, April 25, 2020

Chúa Nhật Tuần III Phục Sinh – Năm A –26-4-2020


CN III PS

Luca 24:13-35

13Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.  14Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.  15Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.  16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.  17Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. 
18Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.”  19Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét.  Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.  20Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.  21Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en.  Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.  22Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc.  Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.  24Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”
25Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả!  Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!  26Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?  27Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.  29Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”  Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.  30Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.  31Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.  32Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
33Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.  34Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”  35Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện khác nữa kể về việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, nhưng đây là buổi chiều.  Chúa Giêsu hiện đến với hai môn đệ khi lòng họ đang đầy buồn chán, thất vọng, và đang trên đường trở về quê sau khi Thầy của họ là Chúa Giêsu đã bị bắt và giết chết, coi như họ phải làm lại cuộc đời từ đầu.  Có thể nói, biến cố Chúa Giêsu bị bắt và bị giết đang bao trùm mọi suy nghĩ và cảm nghĩ của họ mấy ngày qua, khiến họ bị hụt hẫng, đau buồn, sợ hãi, thất vọng, hoang mang, và mất hướng sống.  Những điều này đã ảnh hưởng họ rất nhiều đến nỗi, chính Chúa Giêsu hiện ra với họ, đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho họ mà họ vẫn không nhận ra Ngài.  Có bao giờ tôi cũng rơi vào tâm trạng khổ đau, thất vọng và chán nản chưa?  Chẳng hạn trong đại dịch covid-19 này?  Tôi có nhận ra Chúa đang hiện diện và đỡ nâng tôi những lúc đó không?  Bây giờ tôi có nhận ra Chúa đã ở đó và giúp tôi những lúc đó không, hay vẫn không nhận ra Ngài?  Cái gì đã hoặc đang ngăn cản tôi không nhận ra Ngài? 

2.       Bài đọc hôm nay kết thúc thật có hậu!  Tâm trạng hai môn đệ ở cuối bài, khác hẳn so với tâm trạng của họ ở phần đầu bài đọc.  Sau khi nhận ra Chúa Giêsu đã phục sinh, bỗng dưng họ như hoa được tưới nước, họ trở nên mạnh mẽ, vui tươi và có ý lực để sống.  Ban đầu, Chúa Giêsu Phục Sinh NÓI Kinh Thánh với hai môn đệ, nhưng họ đã không nhận ra Ngài.  Mãi cho đến khi Ngài BẺ BÁNH, tức bẻ cuộc đời của Ngài, lúc ấy họ mới nhận ra Ngài.  Điều này nói gì cho cuộc sống đức tin của tôi hôm nay?  Nói nhiều hay yêu nhiều?  Có phải đã nhiều lần tôi nói giáo lý, tôi giảng lời Chúa, tôi dạy kinh nguyện mà chẳng thấy có một sự biến đổi nào xảy ra nơi những người tôi nói?  Tuy vậy, một cử chỉ nhỏ yêu thương, một lời nói ân cần, một việc làm bác ái của tôi, những người quanh tôi đã như cá gặp nước, như hoa gặp ánh nắng xuân, như người mới bước vào yêu, và họ nhớ hoài, nhắc mãi về những nghĩa cử yêu thương đó của tôi.  Họ đã gặp Chúa qua những nghĩa cử bẻ bánh của tôi, tức bẻ cuộc đời của tôi cho họ.  Giờ cầu nguyện này tôi muốn xem lại: Lần cuối cùng tôi đã bẻ bánh cho những người thân xung quanh là khi nào?  Tôi đã chứng kiến những ai đã bẻ bánh trong cuộc đời của tôi?  Tôi cảm thấy thế nào khi chứng kiến những nghĩa cử bẻ bánh ấy?  Tôi nghĩ sao về việc Chúa Giêsu đã bẻ cuộc đời Ngài cho tôi?  Tôi vui không?  Hạnh phúc không?  Sống mạnh mẽ không?  Muốn làm cho những người quanh tôi cũng sống mạnh mẽ hơn không?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Trên Đường Emmaus,” của Lm. Thành Tâm, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=qZLfGkHANiM    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, April 24, 2020

Thứ Bảy Tuần II Phục Sinh – Năm A –25-4-2020 – Lễ Thánh Mác-cô


Thu Bay II PS

1 Phê-rô 5:5b-14

5bAnh em thân mến, anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.  6Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định.  7Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.  8Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.  9Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.  10Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Ki-tô.  Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường.  11Kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời.  A-men.  12Nhờ tay anh Xin-va-nô mà tôi coi là một người anh em trung tín, tôi viết ít lời để khuyên nhủ anh em và làm chứng rằng đó thật là ân sủng của Thiên Chúa: anh em hãy sống vững vàng trong ân sủng đó.  13Hội Thánh ở Ba-by-lon, cũng được chọn như anh em, và Mác-cô, con tôi, gửi lời chào anh em.  14Anh em hãy hôn chào nhau trong tình yêu thương.  Chúc tất cả anh em, những người đang sống trong Đức Ki-tô, được bình an.

 (Trích Thư Phê-rô I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một lời khuyên, trích từ thư của Phê-rô gởi cho cộng đoàn của ngài.  Lời khuyên này cũng còn rất hợp thời, thật đẹp và cần thiết cho đời sống đức tin của tôi trước mặt Chúa và mọi người hôm nay.  Lời khuyên này khuyên nhủ tôi hãy trút tất cả mọi nỗi lo âu và khó khăn cho Chúa.  Hơn bao giờ hết, khi mà cả thế giới hôm nay đang sống trong sợ hãi và khép kín vì đại dịch Covid-19, tôi có còn khiêm nhường đủ trước mặt Chúa nữa hay thôi?  Tôi còn tin tưởng ở Chúa nữa hay thôi trong việc chống đại dịch?  Tôi còn yêu thương đủ, dám mở ra và vươn đến mọi người nữa hay chỉ muốn khép kín, lo cho bản thân của tôi mà thôi?  Tôi muốn cầu nguyện như thế nào trong lúc này cho tôi, cho thế giới trong cơn đại dịch này?  Tôi đọc lại lời khuyên này để, nhắc nhở tôi một lần nữa sống khiêm nhường và yêu thương trước mặt Chúa và mọi người, trong mọi ngày sống của tôi. 

2.      Lời khuyên này nhắc nhở tôi về sự ác luôn rình rập quanh tôi, nhằm giựt tôi ra khỏi Thiên Chúa, đánh mất sự bình an trong tâm hồn, và làm nghèo đi khả năng yêu thương.  Tôi có thể xem lại đời sống của tôi: Điều gì đang làm cho tôi sống vui, sống khỏe, sống lạc quan, sống yêu thương, sống biết ơn hôm nay?  Lối sống yêu thương và lạc quan đang thúc đẩy tôi làm gì trong ngày mai?  Điều gì đang chi phối, lôi kéo tôi xa dần Thiên Chúa, đánh mất sự bình an và khả năng yêu thương trong tôi hôm nay?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này để, ngày mai tôi trở nên người của Chúa và người của mọi người hơn?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Tôi Xin Chọn Người,” của Ngọc Kôn, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=HJeoGbjLMtU

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, April 23, 2020

Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh – Năm A –24-4-2020


Thu Sau II PS

Tông Đồ Công Vụ 5:34-42

34Bấy giờ có một người Pha-ri-sêu tên là Ga-ma-li-ên đứng lên giữa Thượng Hội Đồng; ông là một kinh sư được toàn dân kính trọng.  Ông truyền đưa các Tông Đồ ra ngoài một lát.  35Rồi ông nói với Thượng Hội Đồng: “Thưa quý vị là người Ít-ra-en, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này.  36Thời gian trước đây, có Thêu-đa nổi lên, xưng mình là một nhân vật và kết nạp được khoảng bốn trăm người; ông ta đã bị giết, và mọi kẻ theo ông cũng tan rã, không còn gì hết.  37Sau ông, có Giu-đa người Ga-li-lê nổi lên vào thời kiểm tra dân số, và lôi cuốn dân đi với mình; cả ông này cũng bị diệt, và tất cả những người theo ông ta đều bị tan tác.  38Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này.  Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ39còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.”  Họ tán thành ý kiến của ông.  40Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra.  41Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.  42Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Ki-tô Giê-su.

(Trích Công Vụ Tông Đồ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nối tiếp bài đọc hôm qua, nhưng những lời của Ga-ma-li-ên, một người Pha-ri-sêu nói về việc làm của các Tông Đồ, quả là một lời tiên tri: “Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này.  Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.”  Bởi những lời rao giảng về Chúa Giêsu Phục Sinh của các Tông Đồ thất học hai ngàn năm trước mà, Giáo hội vẫn tồn tại, và lớn mạnh lên đến 2.18 tỉ người, gần 1/3 tổng dân số thế giới hiện nay.  Đây quả là một công trình của Thiên Chúa, đây quả là một bằng chứng của một đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa mà, trải qua biết bao nhiêu cuộc bách hại trong hai ngàn năm qua do đủ mọi thể chế và bạo quyền, vẫn không dập tắt nổi sức sống trong lòng Giáo hội.  Điều gì đã làm Giáo hội đứng vững trong hai ngàn năm qua?  Niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.  Tôi đang làm gì để cộng tác cho công trình của Chúa là Giáo hội đây tiếp tục phát triển vững mạnh?

2.      Ngày hôm nay, nhiều người biết lái xe hơi, nhưng không biết cái xe họ vận hành thế nào.  Tuy nhiên họ không phủ nhận chiếc xe của họ vẫn chạy tốt, nhờ vào sự di chuyển của nó.  Nhiều người luôn có điện thoại di động bên mình, nhưng không biết điện thoại của họ làm việc thế nào.  Tuy nhiên họ không phủ nhận chiếc điện thoại của họ vẫn còn sử dụng được, nhờ họ nghe được giọng nói của người bên kia đầu dây.  Nhiều gia đình hôm nay đã có lò nướng V-3 (microwave), nhưng không hiểu lò nướng ấy vận hành thế nào.  Tuy nhiên họ không phủ nhận lò nướng của họ vẫn hoạt động tốt, nhờ thấy thức ăn của họ đã được nóng lên, hoặc nấu chín chỉ trong vài phút.  Cũng vậy, nhiều người không hiểu niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh có ích gì.  Tuy nhiên họ không phủ nhận tác động của niềm tin ấy trong cuộc sống này, nhờ thấy có những con người trở nên rất mạnh mẽ, can đảm sống xả kỷ dấn thân và dám chết cho tha nhân.  Bài đọc hôm nay là một bằng chứng.  Thượng Hội Đồng trở nên hoang mang và sợ hãi vì những người tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, dù trước kia họ thất học và quê mùa vậy mà, giờ đây họ có thể làm nhiều phép lạ, mạnh mẽ giảng hiên ngang trong các hội đường, không sợ bắt bớ và giết chóc, họ trở nên xuất chúng và toàn dân nghe theo họ.  Tôi muốn đọc lại trình thuật trên để cảm nghiệm sức mạnh của niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đang thôi thúc tôi vươn lên trong cuộc sống hôm nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng liên khúc, “Đức Tin Sắt Son & Bài Ca Ngàn Trùng,” do Angelo Band và Cđ Mai Tâm thực hiện, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=EeISQ0TyIQI

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, April 22, 2020

Thứ Năm Tuần II Phục Sinh – Năm A –23-4-2020


Thu Nam II PS

Tông Đồ Công Vụ 5:27-33

27Bấy giờ, viên lãnh binh Đền Thờ cùng các thuộc hạ điệu các Tông Đồ đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: 28“Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy [Danh Chúa Giêsu] nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”  29Bấy giờ ông Phê-rô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.  30Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, 31và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội.  32Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.”  33Nghe vậy, họ giận điên lên và muốn giết các ông.

(Trích Công Vụ Tông Đồ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện


1.      Tôi có thể cảm nhận được sức mạnh trong từng lời nói của các Tông Đồ trước mặt Thượng Hội Đồng.  Đây cũng chính là thái độ khẳng khái của ngàn ngàn lớp lớp các Kitô hữu trong hai ngàn năm qua đã mạnh dạn tuyên tín, dù cho có bị bắt và giết hại.  Do đâu mà họ có được sức mạnh và lòng can đảm này?  Chúa Giêsu Phục Sinh!  Chính sự phục sinh của Chúa Giêsu mà các Kitô hữu đã kinh nghiệm trong cầu nguyện đã ban cho họ sức mạnh phi thường trước mọi bạo quyền, không còn sợ hãi, sẵn sàng chết để làm chứng cho sự thật, sẵn sàng lên tiếng một cách mạnh mẽ, chống lại mọi bất công áp bức của mọi thế lực, cho dù phải chết.  Tôi muốn đọc lại những lời các Tông Đồ trên để được truyền cảm hứng từ gương chứng nhân của các ngài, và xin Chúa Giêsu Phục Sinh cũng làm cho tôi được mạnh mẽ sống đời chứng nhân cho lẽ sống và sự thật suốt đời tôi.

2.      Các Tông Đồ đã mạnh dạn tuyên bố trước Thượng Hội Đồng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.”  Vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm cũng có nghĩa là vâng theo sự thật, sự thiện, sự mỹ, sự công bằng chứ không phải bạo quyền, áp bức, bất công và gian trá, bất kể thuộc thể chế hay nhóm người nào.  Đó chính là đời sống của các tù nhân lương tâm trên toàn thế giới trong suốt lịch sử nhân loại, đã sẵn sàng ngồi tù và sẵn sàng chịu chết cho những chân lý bất diệt đó của Chúa.  Tôi muốn lấy câu nói của các Tông Đồ trong bài đọc hôm nay làm phương châm cho đời sống đức tin của tôi.  Trong giây phút này, tôi muốn xin Chúa giúp tôi có lòng ao ước muốn vâng nghe Chúa hơn vâng nghe lời người phàm, một sự tỉnh táo biết lắng nghe những giá trị của Chúa hơn những giá trị trần thế, một tâm hồn biết phân định luôn muốn đặt ưu tiên cho những giá trị Nước Trời trên hết.  Xin Chúa đặt trong tôi lòng ao ước muốn ao ước Chúa luôn mãi.


Phạm Đức Hanh, SJ

Tuesday, April 21, 2020

Thứ Tư Tuần II Phục Sinh – Năm A –22-4-2020


Thu Tu II PS

Gioan 3:16-21

16“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.  17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.  18Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.  19Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.  20Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.  21Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Một câu nói xuất phát từ tận đáy lòng và thường được thốt ra nơi cửa miệng, như một lời thề của hai người yêu nhau đó là, họ nguyện trao cho nhau tất cả những gì là quý giá nhất trong cuộc đời của họ.  Thiên Chúa, qua bài đọc hôm nay, cũng si mê và tỏ tình với tôi như thế: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”  Có thể nói, đây là một câu đẹp nhất trong Phúc âm Gioan, được nhiều người nhắc đến và thuộc lòng.  Ở Mỹ, tôi có thể thấy câu này thường được in hoặc khắc trên rất nhiều đồ vật như: các áo thun, bút viết, vòng đeo tay, miếng dán nam châm trên cửa tủ lạnh, áp phích dọc theo xa lộ, hoặc bích chương lớn được vẫy phất trong các vận động trường, hoặc tại các ngã tư của trung tâm thành phố, nơi có đông người qua lại.  Người ta dùng đủ mọi cách để nhắc nhở nhau về tình yêu rất lớn của Chúa dành cho con người.  Thiên Chúa yêu thương tôi vậy sao, Ngài trao cho tôi chính Con Một của Ngài!  Tôi muốn nhẩm đi nghĩ lại lời này trong cả giờ cầu nguyện hôm nay, và để lời này khắc ghi trong tim, rằng tôi có một Thiên Chúa yêu tôi đến “mù quáng,” chứ không phải là một Thiên Chúa thích trừng phạt như một số người vẫn nói.

2.      Người Con Một của Chúa ấy chính là Ánh Sáng đích thực đã đến trong cuộc đời này, để cho tất cả những ai tin nhận Ngài sẽ không còn ở trong bóng tối sự chết nữa.  Ánh sáng và bóng tối là hai thực tại không thể sống chung.  Ai ở trong Sự Sáng, tức là trong Chúa, sẽ tìm thấy sự sống, tự do, bình an, và hoan lạc.  Người nào ở trong bóng tối, tức sự dữ, sẽ chỉ tìm thấy sự chết, bất an, lo lắng, đau buồn và sợ hãi.  Tôi hiểu rất rõ điều này, và lời Chúa trong bài đọc hôm nay như con dao hai lưỡi rọc vào tận xương tủy tôi.  Bởi một khi tôi phạm tội hoặc sống trong tội, tôi rất yêu thích bóng tối và rất sợ, ghét Ánh Sáng.  Giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem tôi đang ở đâu?  Dấu hiệu giúp tôi nhận ra điều này là lắng nghe tận cõi lòng tôi, đang có bình an và sự sống hay không.  Nếu không, cái gì đang lôi kéo và giữ tôi ở mãi trong bất an và thiếu tự do này?  Tôi xin Chúa giúp tôi có sức mạnh, dám chạy về phía sự sáng, yêu mến sự sáng và ở trong sự sáng của Chúa luôn mãi.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, April 20, 2020

Thứ Ba Tuần II Phục Sinh – Năm A –21-4-2020


Thu Ba II PS

Tông Đồ Công Vụ 4:32-37

32Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý.  Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.  33Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại.  Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.  34Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35đem đặt dưới chân các Tông Đồ.  Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.  36Ông Giô-xếp, người được các Tông Đồ đặt tên là Ba-na-ba, nghĩa là người có tài yên ủi, có một thửa đất. Ông là một thầy Lê-vi quê quán ở đảo Sýp.  37Ông bán đất đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ.

(Trích Công Vụ Tông Đồ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay tiếp nối những gì tôi đã được đọc trong Thánh Lễ Chúa Nhật II Phục Sinh vừa qua về cộng đoàn của các Kitô hữu tiên khởi.  Đọc lại đời sống của các Kitô hữu tiên khởi tôi có thể nhận thấy hai điều rất quý mà cả thế giới hôm nay vẫn kiếm tìm, đó là: Thứ nhất, sự bình an.  Bình an là món quà quý nhất và quan trọng nhất trong cuộc sống, đặc biệt trong những lúc bất an của cuộc đời.  Kể từ khi Chúa Giêsu bị bắt và giết chết, các môn đệ đã sống trong bất an và sợ hãi, mãi cho đến khi Chúa Giêsu sống lại, hiện ra với họ.  Lời chào đầu tiên và ở mọi lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, bao giờ cũng là: “Bình an cho các con!”  Kể từ khi lãnh nhận ơn bình an, họ đã mạnh mẽ tung ra khỏi nhà, không còn sợ hãi nữa, nhưng đi khắp nơi đem sự bình an và niềm vui đến cho mọi người.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi có thể tự hỏi: Tôi, gia đình tôi, cộng đoàn tôi, đất nước tôi có bình an không, đặc biệt trong mùa đại dịch covid-19 này?  Nếu không, sự thiếu bình an hoặc sự sợ hãi này đến từ đâu?  Tôi tìm ở đâu để có sự bình an đích thực?  Nên nhớ, sự bình an đích thực chỉ có thể có được từ Chúa Giêsu Phục Sinh mà thôi.  Tôi nói chuyện với Ngài trong lúc này.

2.     Thứ hai, sự tự do.  Các Kitô hữu tiên khởi vì toàn tâm toàn ý cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ, họ đã trở nên tự do, không còn bám víu vào những cám dỗ vật chất.  Thay vì sống ích kỷ, lo vun quén cho bản thân, các Kitô hữu đã dám bán đi tất cả và đặt những gì họ có dưới chân các tông đồ để làm của chung, chia sẻ cho tất cả những ai cần.  Trong giây phút này, tôi cũng muốn tự hỏi: Tôi có thật sự tự do không?  Cái gì đang ràng buộc tôi khiến tôi mất tự do?  Có phải là nghiện ngập, của cải vật chất, tội lỗi, những thành kiến, hay sự hận thù?  Tôi thật sự ao ước được tự do đến mức nào?  Nên nhớ, chỉ Chúa Giêsu mới có thể cho tôi được sự tự do đích thực (Ga 8:31-32).  Tôi đọc lại trình thuật trên của cộng đoàn Kitô tiên khởi, và xin cho tôi được sự bình an và tự do đích thực.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát: “Tôi Đi Tìm Bình An,” của Lm Xuân Đường, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=FiSgguaAAeA                      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, April 19, 2020

Thứ Hai Tuần II Phục Sinh – Năm A –20-4-2020


Thu Hai II PS

Ga 3:1-8

1Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do-thái.  2Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm.  Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến.  Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.”  3Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.”  4Ông Ni-cô-đê-mô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được?  Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?”  5Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.  6Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.  7Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.  8Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu.  Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nói đến Ni-cô-đê-mô, một nhân vật rất đáng chú ý trong Phúc âm Gioan.  Ông là người của nhóm Pha-ri-sêu, một nhóm chuyên chống đối và cuối cùng đã tìm cách giết Chúa Giêsu.  Tuy vậy, ông rất ngưỡng mộ Chúa Giêsu và đã bị Ngài thu phục.  Ông xuất hiện ba lần trong Phúc âm Gioan: Lần thứ nhất, ông lén lút đồng nghiệp đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm, như trong bài đọc hôm nay (Ga 3:1-8); lần thứ hai, ông công khai bảo vệ Chúa Giêsu trước các đồng nghiệp đang đằng đằng sát khí đòi bắt giết Chúa Giêsu (Ga 7:50-51), và lần thứ ba, ông đã đem theo chừng một trăm cân mộc dược và trầm hương, công khai đến bên thập giá để tẩm liệm xác Chúa Giêsu (Ga 19:39-42).  Tôi có thể thấy, Ni-cô-đê-mô đã bị Chúa Giêsu cảm hóa dần dần.  Nói theo ngôn ngữ của Phúc âm Gioan, Ni-cô-đê-mô đã đi từ trong bóng tối đến ánh sáng, đã được tái sinh bởi nước và Thánh Thần.  Ông đi từ ngưỡng mộ đến yêu mến, và rồi quy phục Chúa Giêsu.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể chiêm ngắm Ni-cô-đê-mô, chiêm ngắm hành trình biến đổi nội tâm của ông.  Hành trình đức tin của tôi có giống của Ni-cô-đê-mô không?  Tôi đã được cảm hóa và bị Chúa Giêsu chiếm đoạt như thế nào?  Tôi yêu mến Chúa Giêsu đến mức nào, dám tự hào sống và chết cho tương quan giữa tôi với Chúa Giêsu đến mức nào?     

2.      Cuộc đàm đạo trong đêm tối giữa Ni-cô-đê-mô và Chúa Giêsu rất đáng chú ý.  Chúa Giêsu nói với Ni-cô-đê-mô rằng, ông ta phải tái sinh trong nước và Thánh Thần thì mới được vào Nước Thiên Chúa.  Điều ấy có nghĩa là ông phải trở về với những gì là cội rễ và nền tảng nhất của đời sống, trở về với Đấng Vô Hình phát sinh và đang hoạt động trong những gì là hữu hình.  Chính Đấng Vô Hình ấy, Thiên Chúa là nơi ông cần phải kết thân, phải có một tương quan với Ngài, chứ không phải là những gì ông đang tự hào là một Pha-ri-sêu, một người thông thạo luật pháp và lễ nghi, một người nghiêm ngặt luật lệ đến tỉ mỉ, tôn sùng luật lệ như ngẫu tượng.  Luật lệ và lễ nghi là những điều tốt, cần tuân giữ, điều này không sai, nhưng chúng chỉ là phương tiện giúp tôi đến với Thiên Chúa, chứ chúng không phải là Thiên Chúa.  Chúng chỉ là những bóng mát trên đường vào những ngày nắng gắt, chứ không phải là điểm đến.  Tôi có thể ngồi nghỉ một lát dưới những bóng mát đó, nhưng rồi phải đứng lên đi tiếp, chứ cứ ngồi mãi dưới những bóng mát đó tôi sẽ không bao giờ đến được Nước Trời.  Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, luật lệ và lễ nghi chỉ là ngón tay chỉ Mặt Trăng, chứ ngón tay không phải là Mặt Trăng.  Trong trầm lắng của giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem đâu là những bóng mát trong hành trình đức tin của tôi?  Tôi đã ngồi dưới những bóng mát đó bao lâu rồi?  Tôi còn tiếp tục hành trình đức tin của tôi nữa không, hay đã chọn bóng mát nào đó làm “quê hương” rồi?  Tôi cần những năng lực nào để giúp tôi tiếp tục hành trình về Nước Trời?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu hoặc Ni-cô-đê-mô trong giây phút này để xin một nâng đỡ, một hướng dẫn cho hành trình tiến về Nước Trời của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ