Friday, April 30, 2021

Thứ Bảy Tuần IV Phục Sinh – Năm B –1-5-2021 - Lễ Thánh Giuse Thợ

Thu Bay IV PS

Gioan 14:7-14

7Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy.  Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” 8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư?  Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.  Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng
con thấy Chúa Cha’? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?  Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra.  Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm.  Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. 13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. 14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Tôi có thể đọc thấy tâm trạng của các môn đệ trước lời từ biệt của Chúa Giêsu đối với họ: bối rối, buồn, lo, bất an, hiếu kỳ…  Chẳng hạn như, Phi-líp-phê hiếu kỳ đặt câu hỏi với Chúa Giêsu, nếu Thầy nói là Thầy về cùng Chúa Cha, vậy: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”  Đây là một câu hỏi đúng và rất hay.  Bởi ngoại trừ Chúa Giêsu, không ai có thể cho tôi một câu trả lời đúng nhất về Chúa Cha.  Có lẽ, tôi cũng phải tự hỏi: Tôi biết Chúa Cha như thế nào và đến mức nào?  Bao lâu nay tôi tìm kiếm Thiên Chúa qua ai?  Tuy nhiên, tôi để ý câu trả lời của Chúa Giêsu mới thú vụ và đáng cho tôi suy ngẫm trong giờ cầu nguyện này: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư?  Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.  Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?  Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?”  Có lẽ nào Chúa Giêsu cũng hỏi tôi như đã hỏi Phi-líp-phê không?  Nếu Chúa Giêsu cũng hỏi tôi cùng một câu hỏi ấy, tôi cảm thấy thế nào và trả lời Ngài ra sao?  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn đi vào mẩu đối thoại này với Chúa Giêsu.

2.      Cuối cùng, Chúa Giêsu trấn an các môn bằng lời hứa trước khi rời xa họ, Ngài nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm.  Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.  Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.  Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.”  Giáo hội đã ghi nhận lời hứa này một cách nghiêm túc.  Chính vì thế, trong mọi lời nguyện của Giáo hội ở bất cứ nơi đâu và trong mọi hoàn cảnh, luôn kết thúc bằng câu: “Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.”  Và cộng đoàn thưa: “Amen.”  Tôi có cảm thấy bình an và hy vọng nhờ những lời này của Chúa Giêsu?  Có điều gì tôi muốn nói, muốn thưa, muốn xin Chúa qua danh Chúa Giêsu, Con Một của Ngài?  Tôi muốn lấy tất cả niềm xác tín, hy vọng mà thân thưa với Chúa qua Chúa Giêsu điều tôi cần Chúa giúp trong lúc này.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, April 29, 2021

Thứ Sáu Tuần IV Phục Sinh – Năm B –30-4-2021 - Lễ Thánh Pius V, Giáo Hoàng

Thu Sau IV PS

Gioan 14:1-6

1Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến!  Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.” 5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” 6 Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường là sự thật và là sự sống.  Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một phần của Diễn Từ Biệt Ly của Chúa Giêsu trong Phúc âm Gioan.  Chúa Giêsu trăn trối những lời cuối cùng với các môn đệ.  Lời trăn trối bao giờ cũng linh thiêng và quan trọng.  Bởi nó là những lời cuối cùng, quan trọng nhất của một người để lại cho những người thân yêu của họ và mong mọi người lưu giữ, thi hành.  Bởi vậy, tôi cũng muốn đọc những lời trên trong một thái độ nghiêm túc, trang trọng, như Chúa đang trăn trối cho tôi.  Tôi để ý đến câu nói của Chúa Giêsu: “Các con đừng xao xuyến!  Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.   Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với các con rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho các con.   Nếu Thầy đi dọn chỗ cho các con, thì Thầy lại đến và đem các con về với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó.  Và Thầy đi đâu, thì các con biết đường rồi.”  Tôi muốn nhẩm đi nhẩm lại những lời này và đặt chúng ở trong tim, để tôi có thể hiểu và cảm nhận tâm tình mà Chúa Giêsu đang nói với tôi.  Thầy ở đâu, các con cũng ở đó với Thầy.  Tôi muốn được ở thật gần Chúa Giêsu trong lúc này, như Ngài đang muốn ở thật gần tôi.  Tôi muốn tựa vào lòng Chúa trong lúc này.  Tôi muốn được Ngài ôm ấp, xoa dịu, an ủi, đỡ nâng những đau khổ, mệt mỏi, khó khăn trong ngày sống của tôi.  Tôi muốn Ngài chia vui với tôi về những niềm vui tôi đang có trong ngày từ gia đình, bạn bè, cộng đồng, môi trường sống quanh tôi. 

2.      Chúa Giêsu trả lời với Tô-ma: “Chính Thầy là con đường là sự thật và là sự sống.  Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”  Đây cũng có thể là lời mà tôi đang cần nghe không?  Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống.  Tôi có thấy những lời dạy của Ngài là con đường dẫn tôi đến hạnh phúc và sự sống?  Tôi có đang sống trong sự thật, không gian dối, không lừa lọc, ưa chuộng lẽ phải và sự thật?  Nếu có và nếu tôi đang sống và làm theo sự thật, lẽ phải, tôi sẽ có sự sống trong tôi và tôi sẽ được gặp Chúa Cha.  Tôi nhìn vào đời sống của tôi và để ý lời nói của Chúa Giêsu đang mời gọi tôi sống theo đường ngay nẻo chính ra sao, từ trong gia đình của tôi, từ ngày sống hôm nay của tôi.  Lối sống của tôi đang dẫn tôi đến gần Chúa Cha như thế nào.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, April 28, 2021

Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh – Năm B –29-4-2021 – Lễ Thánh Catherine of Siena, Tiến Sĩ Đồng Trinh

Thu Nam IV PS

Gioan 13:16-20

16Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! 18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm qua kết thúc Sách về Các Dấu Lạ trong Phúc âm Gioan, bài đọc hôm nay nằm ở phần mở đầu của Sách về Sự Vinh Quang trong Phúc âm này, ngay sau việc làm đầy ngạc nhiên của Chúa Giêsu cho các môn đệ, đó là: rửa chân cho họ.  Tiếp sau việc rửa chân, Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn và rồi phục sinh.  Như vậy, Gioan muốn tôi phải hiểu thế nào là vinh quang đối với Chúa Giêsu, đó là: yêu thương và phục vụ đến quên mình.  Tôi có thấy hấp dẫn và muốn theo đuổi vinh quang kiểu này, hay muốn theo đuổi vinh quang kiểu trần thế: chạy theo danh vọng, tiền tài và làm cha thiên hạ?  Tôi muốn nói với Chúa Giêsu về những suy nghĩ của tôi: đồng ý, không đồng ý, hoặc khó khăn trong việc phục vụ và yêu thương đến quên mình.

2.      Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa, vậy mà lại cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, một việc làm của những đầy tớ.  Rửa chân xong, Ngài nói: Anh em đã biết những điều đó [phục vụ trong khiêm nhường và yêu thương], nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!”  Tôi có thấy đây là một cái phúc cho tôi không?  Tôi cảm thấy được thôi thúc phục vụ ai và ở đâu trong ngày hôm nay?  Gia đình?  Cộng đoàn?  Đất nước?  Giáo hội?  Dù ở đâu đi nữa, nếu tôi sống và làm theo những gì Chúa Giêsu đã làm thì phúc cho tôi, và chắc chắn cả những người được tôi phục vụ nữa.  Trong giây phút này, tôi muốn xin cho được can đảm, dám và mau mắn thực hiện những lời dạy của Chúa Giêsu.  

Phạm Đức Hạnh, SJ      

Tuesday, April 27, 2021

Thứ Tư Tuần IV Phục Sinh – Năm B –28-4-2021 – Lễ Thánh Louis Mary de Montfort

Thu Tu IV PS
Gioan 12:44-50

44Khi ấy, Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; 45 ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. 46 Tôi là ánh sáng, tôi đã đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47 Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48 Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49 Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 50 Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bố cục của Phúc âm Gioan bao gồm: 1) Lời Mở Đầu (1:1-18); 2) Sách về Những Dấu Lạ (1:19-12:50); 3) Sách về Sự Vinh Quang (13:1-20:31); 4) Lời Kết (21:1-25).  Như vậy hai phần chính của Phúc âm Gioan là Sách về Những Dấu Lạ và Sách về Sự Vinh Quang.  Bài đọc hôm nay nằm trong phần cuối cùng của Sách về Những Dấu Lạ.  Nếu các Phúc âm Mát-thêu, Luca và Mác-cô gọi những việc làm siêu thường của Chúa Giêsu là những “phép lạ”, Gioan gọi những việc làm đó là những “dấu lạ”.  Có bảy dấu lạ Chúa Giêsu đã làm trong Sách về Những Dấu Lạ của Phúc âm Gioan: 1) Nước hóa thành rượu ở tiệc cưới Cana; 2) Chữa lành con trai của một sĩ quan; 3) Chữa lành người bại liệt; 4) Nuôi năm ngàn người; 5) Đi trên mặt nước; 6) Chữa người mù được sáng mắt; 7) Chữa La-za-rô sống lại.  Tất cả những dấu lạ mà Chúa Giêsu đã làm là để cho mọi người nhận biết Ngài là ai và tin vào Ngài. 

2.      Sau khi làm những dấu lạ, Chúa Giêsu nói: Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi.  Tôi là ánh sáng, tôi đã đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.”  Tôi đã không chỉ biết bảy dấu lạ về những việc làm của Chúa Giêsu mà Gioan kể, tôi còn thấy việc làm của Chúa trong suốt dòng chảy lịch sử nhân loại; đặc biệt, những việc Chúa đang làm trong cuộc đời của tôi, từ lúc thụ thai trong lòng mẹ cho đến bây giờ.  Những việc làm của Chúa ấy có đủ để tôi nhận ra Ngài là ai và tin vào Ngài không?  Tôi có đang ở trong ánh sáng, hay muốn ở trong ánh sáng?  Nếu có, tôi cảm thấy như thế nào?  Nếu không, điều gì đang cản ngăn hoặc giữ chân tôi cứ ở mãi trong bóng tối?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?  Tôi đọc lại những lời trên của Chúa Giêsu và suy ngẫm về những gì Ngài nói.       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, April 26, 2021

Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh – Năm B –27-4-2021

 Thu Ba IV PS

Gioan 10:22-30

22Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ.  Bấy giờ là mùa đông. 23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. 24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ?  Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” 25 Đức Giê-su đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin.  Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. 26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. 27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30 Tôi và Chúa Cha là một.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trong giờ cầu nguyện này, trước hết, tôi muốn dừng lại ở câu hỏi của những người Do-thái hỏi Chúa Giêsu: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ?  Nếu ông là Đấng Kito, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.”  Những người Do-thái rất mong mỏi Đấng Kitô xuất hiện, người mà họ hiểu là sẽ lãnh đạo họ giúp giải phóng dân tộc của họ khỏi ách đô hộ của người La-mã.  Bởi vậy, khi thấy Chúa Giêsu có những quyền năng chữa bệnh và làm nhiều phép lạ, họ tưởng họ đã gặp được Đấng Kitô, mẫu người mà họ đang mong đợi.  Chúa Giêsu thật sự là Đấng Kitô đang đứng trước mặt họ, nhưng không phải như mẫu người mà họ đã định kiến, mà là một nhà lãnh đạo tinh thần, đến để giải thoát tâm hồn mọi người và hướng họ về Chúa Cha.  Có khi nào tôi cũng hiểu sai về Chúa Giêsu, như những người Do-thái không?  Chẳng hạn trong các lời cầu nguyện hằng ngày của tôi, có phải tôi đã chỉ cầu xin cho khỏi thiếu thốn, đau khổ và được những thứ này thứ kia, rất là trần thế?  Lời nguyện của tôi có xin cho được nên một với Thiên Chúa trong mọi lúc, được một sự tự do nội tâm, để nghe và phân định ý Chúa, ao ước làm theo thánh ý Chúa, chứ không phải ý tôi?  Một khi tôi đã có sự tự do nội tâm, tâm hồm bình an và kết hiệp với Thiên Chúa, tôi sẽ có thể coi những thứ vật chất kia chẳng còn là gì, và sẽ can đảm hơn đối diện với mọi đau khổ trong cuộc sống.  Tôi muốn nói chuyện với Chúa trong lúc này, xin cho được kết hiệp với Ngài luôn và xin cho được thuộc về đàn chiên của Ngài luôn.  

2.      Tiếp đến, tôi đọc lại nhiều lần những lời của Chúa Giêsu: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.  Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.”  Tôi để cho từng lời này thấm thật sâu vào lòng tôi và tự hỏi: Bao lâu nay, tôi có quen tiếng Chúa vẫn nói trong tôi không?  Trong tôi đang có những tiếng nói nào mạnh nhất?  Tôi thích nghe tiếng nào nhất?  Tiếng đó có phải là tiếng của Chúa không?  Tiếng đó thường dẫn tôi đi đâu?  Tôi cảm thấy như thế nào sau mỗi lần nghe theo tiếng nói ấy?  Chúa Giêsu nói, tiếng của Ngài sẽ dẫn người nghe đến sự sống đời đời.  Tôi muốn xin cho được nhạy bén và ao ước nghe theo tiếng nói của Ngài luôn.  Ngài cũng không muốn và không để ai cướp mất những người Ngài thương.  Tôi cảm thấy như thế nào về tâm tình này của Chúa Giêsu đang nói với tôi?  Tôi xin cho được có Ngài luôn và không bao giờ mất Ngài.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, April 25, 2021

Thứ Hai Tuần IV Phục Sinh – Năm B –26-4-2021

 Thu Hai IV PS

Tông Đồ Công Vụ 11:1-18

1Hồi ấy, các Tông Đồ và các anh em ở miền Giu-đê nghe tin là cả dân ngoại cũng đã đón nhận lời Thiên Chúa. 2 Khi ông Phê-rô lên Giê-ru-sa-lem, các người thuộc giới cắt bì chỉ trích ông, 3 họ nói: “Ông đã vào nhà những kẻ không cắt bì và cùng ăn uống với họ!” 4 Bấy giờ ông Phê-rô bắt đầu trình bày cho họ đầu đuôi sự việc, ông nói: 5 “Tôi đang cầu nguyện tại thành Gia-phô, thì trong lúc xuất thần, tôi thấy thị kiến này: có một vật gì sà xuống, trông như một tấm khăn lớn buộc bốn góc, từ trời thả xuống đến tận chỗ tôi. 6 Giương mắt nhìn kỹ, tôi thấy các giống vật bốn chân sống trên đất, các thú rừng, rắn rết và chim trời. 7 Và tôi nghe có tiếng phán bảo tôi: ‘Phê-rô, đứng dậy, làm thịt mà ăn!’ 8 Tôi đáp: ‘Lạy Chúa, không thể được, vì những gì ô uế và không thanh sạch không bao giờ lọt vào miệng con!’ 9 Có tiếng từ trời phán lần thứ hai: ‘Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế!’ 10 Việc ấy xảy ra đến ba lần, rồi tất cả lại được kéo lên trời.

11“Ngay lúc đó, có ba người đến nhà chúng tôi ở: họ được sai từ Xê-da-rê đến gặp tôi. 12 Thần Khí bảo tôi đi với họ, đừng ngần ngại gì.  Có sáu anh em đây cùng đi với tôi.  Chúng tôi đã vào nhà ông Co-nê-li-ô. 13 Ông này thuật lại cho chúng tôi nghe việc ông đã thấy thiên sứ đứng trong nhà ông và bảo: ‘Hãy sai người đi Gia-phô mời ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô. 14 Ông ấy sẽ nói với ông những lời nhờ đó ông và cả nhà ông sẽ được cứu độ.’

15“Tôi vừa mới bắt đầu nói, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên họ, như đã ngự xuống trên chúng ta lúc ban đầu. 16 Tôi sực nhớ lại lời Chúa nói rằng: ‘Ông Gio-an thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì sẽ được rửa trong Thánh Thần.’ 17 Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?” 18 Nghe thế, họ mới chịu im, và họ tôn vinh Thiên Chúa mà nói: “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sự sống!”

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trang Nhật Ký Truyền Giáo khá thú vị, nó ghi lại một kinh nghiệm rất lớn đối với Phê-rô.  Nếu Thánh Phao-lô có câu chuyện “ngã ngựa” (Cv 9:1-20), với biến cố Chúa Giêsu hiện ra và đã biến đổi ông hoàn toàn, có lợi cho chương trình của Chúa, Thánh Phê-rô cũng có câu chuyện thị kiến, như tôi thấy trong bài đọc hôm nay, để không chỉ cho ông mà còn cho các người Do-thái được sáng mắt, nhận biết ơn cứu độ cũng được ban tặng không chỉ cho người Do-thái mà còn cả dân ngoại nữa.  Có khi nào tôi cũng mang đầu óc hẹp hòi về ơn sủng của Chúa, cao ngạo về lòng đạo đức chăng, chẳng hạn như: chỉ Công giáo mới là tôn giáo tốt nhất, hay nhất, đúng nhất và tôi coi thường các tôn giáo khác?  Chỉ có giáo xứ của tôi, gia đình của tôi mới đẹp lòng Chúa, còn giáo xứ khác hay các gia đình Công giáo khác sống đạo chẳng ra gì, và tôi tội nghiệp cho họ?  Chỉ có đoàn thể của tôi mới ngắm cuộc thương khó Chúa hay nhất, hội đoàn tôi mới dâng hoa kính Đức Mẹ đẹp nhất, nhóm tôi mới đọc kinh nhiều nhất, còn các đoàn thể khác, hội đoàn khác, nhóm khác, ôi họ sao mà…!  Lòng tự cao tự đại này đã ở trong tôi bao lâu rồi?  Tôi có cần một cuộc “ngã ngựa” như Phao-lô, hoặc một thị kiến như Phê-rô để tôi được sáng mắt không?  Tôi nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?  Tôi chia sẻ và nói chuyện với Phê-rô để học nơi ông kinh nghiệm sáng mắt.      

2.      Câu chuyện của Phê-rô, trong bài đọc hôm nay, kết thúc bằng một tâm tình rất đẹp: “Vậy, nếu Thiên Chúa đã ban cho họ cùng một ân huệ như Người đã ban cho chúng ta, vì chúng ta tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, thì tôi là ai mà dám ngăn cản Thiên Chúa?... Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sự sống!”  Tâm tình này rất đẹp vì: thứ nhất, Phê-rô và những người Do-thái đã nhận ra những việc làm của Chúa vượt tầm suy nghĩ cũ kỹ của họ; thứ hai, họ đã khiêm nhường tránh ra để Chúa làm việc, hay nói đúng hơn dám để Chúa thách thức họ, nhờ đó họ lớn lên.  Có khi nào vì óc thành kiến, lối nghĩ hẹp hòi và cố chấp của tôi khiến tôi luôn là người ngăn cản Thiên Chúa?  Xin Chúa cho tôi khiêm nhường đủ để được lớn lên trong Chúa.  Tôi nghĩ Chúa đang mời gọi tôi đến với những ai, nhóm người nào, mà từ trước đến giờ tôi vẫn chê bai chỉ trích họ, cho họ là những người đáng bị nguyền rủa và xa tránh?  Có thể họ là những người không cùng đảng phái chính trị với tôi, không cùng đạo với tôi, không phải là đồng hương của tôi, không cùng mầu da và đẳng cấp với tôi, hoặc họ là những người cùi, người vô gia cư, hay người đồng tính?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa về óc thành kiến, hẹp hòi, kỳ thị trong tôi và để ý Ngài có suy nghĩ gì về những vấn đề này.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, April 24, 2021

Chúa Nhật Tuần IV Phục Sinh – Năm B –25-4-2021 – Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi Tu Trì

CN IV PS

Gioan 10:11-16

11Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành.  Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy.  Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, 13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. 14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành.  Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, 15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. 16 “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này.  Tôi cũng phải đưa chúng về.  Chúng sẽ nghe tiếng tôi.  Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một hình ảnh rất đẹp.  Chúa Giêsu ví Ngài như là một mục tử tốt lành luôn lo lắng cho sự an toàn và no đủ của đàn chiên; đặc biệt, Ngài dám xả thân vì đàn chiên, không giống như mục tử làm thuê bỏ chạy, bỏ mặc đàn chiên mỗi khi thú dữ đến sát hại đàn chiên.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể bắt đầu bằng việc hình dung, thả mình trước đồng cỏ xanh tươi bên dòng nước trong cảnh nắng chiều vàng nhạt, ngắm nhìn Chúa Giêsu vị mục tử tốt lành dẫn trước đàn chiên, chúng lắng nghe tiếng gọi, tiếng huýt gió của Ngài và đi theo.  Những con chiên béo mập trong bộ lông dầy sạch sẽ; con nào trông cũng nũng nĩnh ục ịch, tung tăng và bình an vô sự theo sau Ngài, vì biết chủ chăn của chúng là một người tốt lành.  Từ hình ảnh này tôi có thể ví mình như con chiên đang được Chúa chăn dắt.  Tôi có thấy Chúa là một mục tử tốt lành như Ngài nói không?  Có khi nào tôi bị thương, bị sói tấn công và Chúa đã hiện diện bên tôi, nâng đỡ tôi, xả thân cứu tôi?  Tôi cảm thấy thế nào những lúc tôi bị thương, đau khổ, lỗi lầm, Ngài đã ôm và vác tôi lên vai, chăm sóc tôi cẩn thận?  Tôi là chiên của Ngài, nhưng tôi có thật sự biết Ngài không, có quen với tiếng gọi của Ngài và vâng nghe theo Ngài, hay tôi thường thích nghe tiếng gọi của những chủ chăn khác, thường làm ngơ tiếng của Ngài, bỏ đàn mà đi theo những tiếng gọi khác, hoặc ý riêng của tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?  Tôi để ý giọng nói, sự ân cần, tấm lòng yêu thương Ngài đang dành cho tôi.

2.      Hôm nay cũng là Chúa Nhật cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi tu trì trong Giáo hội.  Tôi muốn dành giây phút này cầu nguyện cho tất cả các linh mục, nam nữ tu sĩ trong Giáo hội, đặc biệt những linh mục, nam nữ tu sĩ mà tôi quen biết.  Xin cho họ mỗi ngày biết bắt chước và trở nên giống Chúa Giêsu Mục Tử hơn, qua việc chăm sóc đàn chiên trong Giáo hội.  Tôi cũng cầu nguyện cho có nhiều người trẻ có lòng quảng đại, dám dấn thân theo Chúa Giêsu trong ơn gọi tu trì, với một mục đích được phục vụ Chúa Giêsu và tha nhân, không tìm cách hướng mọi người phục vụ họ.  Giáo hội thật cần những mục tử giống Chúa Giêsu, không sợ mang mùi hôi của chiên.  Cần lắm!  Tôi cầu nguyện cho Giáo hội trong ý chỉ này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, April 23, 2021

Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh – Năm B –24-4-2021

Thu Bay III PS

Tông Đồ Công Vụ 9:31-42

31Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.

32Bấy giờ ông Phê-rô rảo khắp nơi, xuống thăm cả dân thánh cư ngụ tại Lốt. 33 Nơi đây ông gặp thấy một người tên là Ê-nê liệt giường đã tám năm, vì anh bị tê bại. 34 Ông Phê-rô nói với anh ta: “Anh Ê-nê, Đức Giê-su Ki-tô chữa anh khỏi.  Anh hãy đứng dậy và tự dọn giường lấy.”  Lập tức anh đứng dậy. 35 Tất cả những người cư ngụ ở Lốt và đồng bằng Sa-ron thấy anh, và họ trở lại cùng Chúa.

36Ở Gia-phô, trong số các môn đệ có một bà tên là Ta-bi-tha, có nghĩa là Linh Dương.  Bà này đầy công đức vì những việc lành và bố thí bà đã làm. 37 Trong những ngày ấy, bà mắc bệnh và qua đời.  Người ta tắm xác cho bà và đặt ở lầu trên. 38 Vì Lốt gần Gia-phô, nên khi các môn đệ nghe biết ông Phê-rô ở đó, liền cử hai người đến mời: “Xin ông đến với chúng tôi, đừng trì hoãn.”

39Ông Phê-rô đứng dậy cùng đi với họ. Tới nơi, người ta đưa ông lên lầu trên.  Các bà goá xúm lại quanh ông, vừa khóc vừa cho ông xem những áo dài và áo choàng bà Linh Dương đã may khi còn sống với họ. 40 Ông Phê-rô cho mọi người ra ngoài, rồi quỳ xuống cầu nguyện.  Sau đó, ông quay lại về phía thi hài và ra lệnh: “Bà Ta-bi-tha, hãy đứng dậy!”  Bà ấy mở mắt ra, và khi thấy ông Phê-rô, liền ngồi dậy. 41 Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi dân thánh và các bà goá lại và cho thấy bà đang sống. 42 Cả thành Gia-phô đều biết việc này, và có nhiều người tin vào Chúa.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trong mấy ngày qua, có lẽ không ngày nào tôi không đọc thấy từ các bài đọc, các Kitô hữu tiên khởi bị bắt bớ và tù đầy, đủ đường.  Phải đến bài đọc hôm nay tôi mới gặp thấy những hàng chữ này: Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.”  Lịch sử Giáo hội là một lịch sử của những cuộc bị bách hại và tù đầy, khởi đi từ cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.  Những hàng chữ đầu tiên của bài đọc hôm nay làm cho tôi cảm thấy thở phào, nhẹ nhàng và bình an.  Tuy nhiên, trong suốt hai ngàn năm qua và ngay trong lúc này, khi chỗ này lúc chỗ kia, luôn có những Kitô hữu đang bị bách hại vì niềm tin của họ.  Tôi muốn dành giây phút này cầu nguyện cho các Kitô hữu đang gặp khó khăn, bắt bớ và tù đày.  Xin cho họ được can đảm giữ vững niềm tin và tìm thấy sự đỡ nâng của Chúa và mọi người xung quanh.  Tôi cũng nhìn vào cuộc sống của tôi và cám ơn Chúa vì sự bình an thực hành đức tin một cách tự do mà tôi đang có trong lúc này. 

2.      Bài đọc hôm nay là câu chuyện Phê-rô chữa lành người bại liệt và cho người chết sống lại.  Đây chính là những năng quyền mà Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ khi đi rao giảng Tin Mừng.  Tôi cũng được lãnh nhận những năng quyền này khi lãnh nhận phép rửa.  Dĩ nhiên, chữa lành, cứu sống người khác không thể dừng ở nghĩa đen nhưng còn là kiểu nói đầy tính biểu tượng để nói về nhiều cách chữa lành khác mà qua trái tim và lời nói yêu thương của tôi cũng có thể làm cho người khác hạnh phúc, tìm ra ý nghĩa để tự chữa lành và thêm ý lực sống.  Tôi đã sử dụng những năng quyền này như thế nào?  Tôi đọc lại câu chuyện của Phê-rô ở trên để được thúc đẩy làm những gì mà Chúa đang mời gọi tôi.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, April 22, 2021

Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh – Năm B –23-4-2021

Thu Sau III PS

Tông Đồ Công Vụ 9:1-20

1Bấy giờ, ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế 2 xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem.

3Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đa-mát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. 4 Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” 5 Ông nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai?”  Người đáp: “Ta là Giê-su mà ngươi đang bắt bớ. 6 Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” 7 Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai. 8 Ông Sao-lô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì.  Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đa-mát. 9 Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống.

10Bấy giờ ở Đa-mát có một môn đệ tên là Kha-na-ni-a.  Trong một thị kiến, Chúa phán với ông: “Kha-na-ni-a!” Ông thưa: “Dạ, lạy Chúa, con đây.” 11 Chúa bảo ông: “Đứng lên, đi tới phố gọi là Phố Thẳng, đến nhà Giu-đa tìm một người tên là Sao-lô quê ở Tác-xô: người ấy đang cầu nguyện 12 và thấy một người tên là Kha-na-ni-a đi vào, đặt tay trên mình để làm cho mình lại thấy được.” 13 Ông Kha-na-ni-a thưa: “Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa tại Giê-ru-sa-lem. 14 Còn ở đây, người ấy được các thượng tế cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa.” 15 Nhưng Chúa phán với ông: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ít-ra-en. 16 Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta.” 17 Ông Kha-na-ni-a liền đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Sao-lô và nói: “Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giê-su, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây.  Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần.” 18 Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Sao-lô, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. 19 Rồi ông ăn và khoẻ lại.

Ông ở lại Đa-mát với các môn đệ mấy hôm, 20rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng Đức Giê-su trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Câu chuyện trở về của Phao-lô trong bài đọc hôm nay đã trở thành nổi tiếng.  Nhắc đến Phao-lô, chắc ai cũng nhớ đến câu chuyện này, nó là một phần cuộc đời của ông; thậm chí, nó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời của ông.  Phao-lô là người rất nhiệt thành với niềm tin của mình.  Ông sẵn sàng xả thân cho niềm tin ấy.  Đến nỗi, ông xem tất cả những ai không cùng quan điểm và ủng hộ niềm tin của ông đều là kẻ thù đáng sợ, cần phải bắt giam và tử hình.  Có thể ví Phao-lô như một người quá khích, một tên khủng bố hiện nay.  Ấy thế mà, ông đã bị Chúa Giêsu khuất phục và trở thành một tông đồ cột trụ trong Giáo hội.  Có người cho rằng: Chúa Giêsu chỉ đưa ra đường hướng và lối sống của Giáo hội, nhưng chính Phao-lô mới là người thiết lập Giáo hội.  Chẳng biết câu nói này có quá đáng không, điều quan trọng đó là: Phao-lô là một con người chống phá tất cả những người theo Chúa Giêsu cách hung bạo, nhưng khi gặp được Chúa Giêsu và bị Ngài cảm hóa, ông đã trở thành một con người rất đắc lực cho công việc của Chúa.  Câu chuyện này có là một hy vọng cho tôi?  Tôi đã có một quá khứ tội lỗi ngập đầu ư?  Tôi đã rất ghét Thiên Chúa và chống phá đạo của Chúa hết mình ư?  Hãy quỳ xuống, hãy mở lòng trước Thiên Chúa đi, tôi sẻ là một con người mới, trở thành rất hữu ích cho Thiên Chúa và nhân loại.  Thiên Chúa có thể biến đổi tôi từ tầm thường trở nên siêu thường.  Tôi muốn không?  Tôi muốn mở lòng và xin được Chúa sử dụng tôi cho những ước mơ của Ngài, sử dụng tôi như khí cụ bình an, yêu thương, hòa hợp của Chúa trong mọi môi trường tôi sống.

2.      Nhiều người vẫn nói cuộc trở về của Phao-lô xảy ra từ một cuộc ngã ngựa, khi ông đang trên đường đi bắt bớ các Kitô hữu tiên khởi.  Nhưng cả bài đọc hôm nay, không có một chỗ nào nói Phao-lô đang cưỡi ngựa.  Có thể nói, đây là kiểu nói để ám chỉ Phao-lô đang ở mức cao ngạo nhất, tự hào là mình đúng, tự hào về những việc làm của mình là đang phục vụ Chúa cách đắc lực nhất; thế rồi, ông té cái lầm!  Cái ngã này đau lắm, nhưng cũng đã mở mắt cho ông nhìn ra chân lý đích thực, và Thiên Chúa đích thật mà ông phải phụng thờ là ai.  Giờ cầu nguyện hôm nay, có thể là những giây phút tôi muốn nhìn lại những cuộc “ngã ngựa” trong cuộc đời của tôi.  Cuộc ngã ngựa ấy có thể là một thất bại lớn trong sự nghiệp, một sự vỡ mộng về một ai đó, một thời gian lao tù, một lần thất nghiệp, một cơn bạo bệnh, một đổ vỡ trong hôn nhân, một sự ra đi của người thân…  Kinh nghiệm ngã ngựa nào là ấn tượng nhất trong cuộc đời của tôi?  Cái ngã ấy đã biến đổi cuộc sống, đức tin, lối suy nghĩ và cách hành xử của tôi ra sao?  Chúa đã dùng tôi như thế nào kể từ cuộc ngã ngựa ấy?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?        

Phạm Đức Hạnh, SJ  

Wednesday, April 21, 2021

Thứ Năm Tuần III Phục Sinh – Năm B –22-4-2021

Thu Nam III PS

Tông Đồ Công Vụ 8:26-40

26Ngày ấy, thiên sứ của Chúa nói với ông Phi-líp-phê: “Đứng lên, đi về hướng nam, theo con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Ga-da; con đường này vắng.” 27 Ông đứng lên đi.  Khi ấy có một viên thái giám người Ê-thi-óp, làm quan lớn trong triều của bà Can-đa-kê, nữ hoàng nước Ê-thi-óp.  Ông này làm tổng quản kho bạc của bà.  Ông đã lên Giê-ru-sa-lem hành hương 28 và bấy giờ đang trên đường về.  Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ I-sai-a. 29 Thần Khí nói với ông Phi-líp-phê: “Tiến lên, đuổi kịp xe đó.” 30 Ông Phi-líp-phê chạy lại, nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ I-sai-a, thì hỏi: “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?” 31 Ông quan đáp: “Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?”  Rồi ông mời ông Phi-líp-phê lên ngồi với mình. 32 Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn này: Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. 33 Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ.  Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt.

34 Viên thái giám ngỏ lời với ông Phi-líp-phê: “Xin ông cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai?  Về chính mình hay về một ai khác?” 35 Ông Phi-líp-phê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giê-su cho ông.

36 Dọc đường, các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói: “Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?” 37 Ông Phi-líp-phê đáp: “Nếu ngài tin hết lòng, thì được.”  Viên thái giám thưa: “Tôi tin Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa.” 38 Ông truyền dừng xe lại.  Ông Phi-líp-phê và viên thái giám, cả hai cùng xuống chỗ có nước, và ông Phi-líp-phê làm phép rửa cho ông quan. 39 Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Phi-líp-phê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa.  Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. 40 Còn ông Phi-líp-phê thì người ta gặp thấy ở Át-đốt.  Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Xê-da-rê.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trang nhật ký truyền giáo rất hấp dẫn về việc một viên quan thái giám Ê-thi-óp được lãnh phép rửa.  Từ trang nhật ký này, tôi có thể thấy tiến trình tiếp nhận một người vào đạo xưa kia và ngày nay cũng không khác nhau lắm, luôn luôn phải trải qua một giai đoạn học hỏi tìm hiểu trước khi gia nhập đạo.  Tuy nhiên có một điểm đặc biệt trong câu chuyện của viên thái giám này, đó là: ông được Phi-líp-phê giúp cho hiểu đoạn Kinh Thánh, mà Isaia đã tiên báo về Chúa Giêsu.  Điều này cũng gợi nhớ cho tôi về câu chuyện hai môn đệ được Chúa Giêsu hiện ra trên đường đi Emmaus (Lc 24:13-35).  Chúa Giêsu đã hiện ra, cùng đi với họ, và giải thích Kinh Thánh cho họ hiểu về Ngài.  Như vậy, con đường không thể bỏ qua để đến được với Chúa Giêsu phải là Kinh Thánh.  Điều này cũng đúng với cảm nghiệm của Thánh Giê-rô-ni-mô sau này đã nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô, mà ai không biết Chúa Kitô thì không đáng được gọi là Kitô hữu.”  Có lẽ tôi muốn xem lại: Bao lâu nay tôi đã giúp những người tân tòng và con cháu của tôi hiểu biết đạo qua con đường nào?  Tôi có giúp họ gặp Chúa Giêsu qua Kinh Thánh không?  Tôi có lấy Kinh Thánh làm nền cho mọi điều tôi dạy không?  Tôi cũng đặt câu hỏi với chính tôi: Tôi am hiểu, học hỏi, yêu mến và cầu nguyện với Kinh Thánh mỗi ngày như thế nào?  Nếu không có Kinh Thánh, mọi hiểu biết của tôi về Chúa Kitô sẽ chỉ mập mờ, không có nền tảng.  Tôi đọc lại câu chuyện trên và đưa ra một quyết tâm học hỏi cũng như cầu nguyện với Kinh Thánh mỗi ngày cho chính mình.

2.      Bài đọc hôm nay kết thúc rất có hậu.  Viên thái giám mở lòng và ao ước được theo Chúa Giêsu.  Sau khi lãnh phép rửa, Phi-líp-phê được Thần Khí cất đi khỏi, viên thái giám tiếp tục hành trình mà lòng đầy niềm vui.  Dấu chỉ gặp Chúa Giêsu bao giờ cũng là niềm vui và sự biến đổi trong tâm hồn.  Có khi nào tôi đã kinh nghiệm được sự biến đổi, niềm vui chan hòa sâu kín nhờ học hỏi Kinh Thánh, hoặc cầu nguyện với Chúa Giêsu chưa?  Kinh nghiệm ấy kéo dài bao lâu và còn ở với tôi tới bây giờ không?  Kinh nghiệm ấy dẫn tôi đến gần Chúa Giêsu ra sao?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu một cách thân tình trong lúc này, để ý những cảm nghiệm gì sẽ xảy ra và chúng dẫn tôi đến gần Chúa Giêsu như thế nào.  

Phạm Đức Hạnh, SJ      

Tuesday, April 20, 2021

Thứ Tư Tuần III Phục Sinh – Năm B –21-4-2021 – Lễ Thánh Anselm, Giám mục – Tiến sĩ

Thu Tu III PS

Gioan 6:35-40

35Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Chính tôi là bánh trường sinh.  Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! 36 Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. 37 Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38 vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39 Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40 Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Từ những bài đọc trích từ Phúc âm Gioan của những ngày này, Giáo hội muốn tôi chú tâm nhiều vào Bí tích Thánh Thể: Chúa Giêsu là bánh hằng sống.  Tôi muốn cùng Giáo hội suy ngẫm về câu nói của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay: “Chính tôi là bánh trường sinh.  Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!”  Giáo hội thật khôn ngoan khi đặt chủ đề bánh hằng sống ngay sau Lễ Phục Sinh, nhằm giúp tôi nhận biết tình yêu thật cao cả của Thiên Chúa đang dành cho tôi.  Nếu cuộc tử nạn của Chúa Giêsu là đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi; Ngài đã dám chết cho tôi, khi tôi vẫn còn là một tội nhân thì, lời dạy của Chúa Giêsu: “Ngài là bánh hằng sống” sẽ giúp tôi không bao giờ còn đói khát một thứ của ăn nào nữa.  Chúa Giêsu không chỉ yêu tôi đến chết, Ngài còn muốn ở với tôi luôn mãi trong hình thức đơn sơ và khiêm tốn nhất: của ăn cho tôi.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn nhìn lại cách tôi đến với Bí tích Thánh Thể và đón nhận Thánh Thể bao lâu nay như thế nào.  Tôi có tin Thánh Thể tôi rước mỗi lần là chính Chúa Giêsu?  Nếu có, tôi có cảm thấy no thỏa đến mức không cần những thứ khác, hay ít ra Ngài là #1 trong tôi, có Ngài là đủ, là thỏa lòng?  Nếu có, tôi sốt sắng, sáng tạo và tìm mọi cách để mau đến gặp Ngài và rước lấy Ngài mỗi ngày, mỗi tuần như thế nào?  Nói về Chúa Giêsu trở nên của ăn cho sự sống đời đời của tôi, Thánh Augustine có lần nói: “Nếu chúng ta lãnh nhận Thánh Thể một cách xứng đáng, chúng ta sẽ trở thành những gì chúng ta lãnh nhận.”  Mỗi ngày, tôi có cảm thấy giống Chúa Giêsu hơn chưa?  Tôi muốn từ nay ý thức hơn về việc tham dự và rước Thánh Thể; đặc biệt ao ước càng ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu Thánh Thể hơn.  Mỗi khi tôi rước Chúa Giêsu vào lòng, tôi cũng ý thức phải trở nên Chúa Giêsu cho những người xung quanh nữa.

2.      Ở phần kết của bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói sứ mạng của Ngài là làm theo ý của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài.  Mà ý của Chúa Cha chính là, bất cứ ai thấy và tin vào Chúa Giêsu thì sẽ có sự sống đời đời.  Đây là một hy vọng và rất quan trọng cho tôi.  Một số người thích nghĩ và tin vào một Thiên Chúa ưa rình rập tội lỗi con người để đánh phạt họ.  Chúa Giêsu khẳng định: Ý định của Chúa Cha là yêu thương và muốn con người được sống vĩnh hằng với Ngài. Ngài không phải là một Thiên Chúa độc ác, hung dữ, lạnh lùng, nhỏ mọn và thù vặt.  Tôi muốn lấy lời khẳng định của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay, để sửa lại mọi lối nghĩ lệch lạc trong tôi về Thiên Chúa.  Tôi muốn dựa vào lời khẳng định của Chúa Giêsu như chiếc nạng hy vọng chắc chắn nhất giúp tôi đứng lên mỗi khi vấp té, giúp tôi khỏi té khi tôi yếu đuối, giúp tôi được lành sau khi té ngã.  Tôi muốn tâm sự với Chúa Giêsu trong lúc này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Ta Là Bánh Hằng Sống,” của Kim Long, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=8X2Cvvfo3ok

Phạm Đức Hạnh, SJ