Friday, May 18, 2018

Linh Hướng Là Gì?

Đâu Là Những Mong Đợi Trong Linh Hướng Kitô Giáo *
Thomas Hart
Ngày hôm nay nhiều người cảm thấy muốn thăng tiến đời sống tâm linh.  Bên cạnh bao nhiêu những băn khoăn, người ta luôn tự hỏi, “Tôi có nên tìm một vị linh hướng để giúp cho đời sống tâm linh của tôi chăng?”  Nhưng rồi câu hỏi này lại sinh ra những câu hỏi khác.  Thật sự linh hướng là gì?  Làm thế nào để có linh hướng, và ích lợi của linh hướng là gì? 
LHLG
Là một linh hướng và đã từng dạy linh hướng cũng như đã hướng dẫn nhiều tập sự linh hướng viên trong bao nhiêu năm qua, tôi muốn chia sẻ một vài giải đáp cho những câu hỏi trên.  Thay vì nói về linh hướng một cách trừu tượng, hay nói về những vị linh hướng ở ngôi thứ ba, tôi muốn nói về linh hướng trong tương quan cụ thể tôi-với-bạn (I-thou).  Tôi muốn nói từ kinh nghiệm của chính mình và nói với bạn về những gì mà chúng ta sẽ làm nếu bạn đến gặp tôi để xin linh hướng.  Tôi hy vọng sự thẳng thắn này sẽ không chỉ giúp bạn có một hình ảnh khá chính xác về những gì mà hầu hết các linh hướng thường làm, nhưng còn cung cấp cho bạn một vài cảm nghiệm về tương quan tôi-với-bạn, một tương quan thực sự trong linh hướng.

Tôi muốn bắt đầu bằng một phác họa về người linh hướng là loại người nào và làm thế nào mà chúng ta bước vào lãnh vực này.  Sau đó, tôi sẽ mô tả về diễn tiến của buổi gặp mặt đầu tiên với vị linh hướng để bạn có một ý niệm rõ ràng hơn phải bắt đầu một cuộc trao đổi tâm linh như thế nào.  Cuối cùng, tôi sẽ trình bày tiến trình của linh hướng, về lâu về dài, đồng thời chia sẻ một vài suy nghĩ về mục đích của linh hướng là giúp thăng tiến đời sống tâm linh, tựa như tiến trình trưởng thành trong đời sống thể lý.
Bạn rất dễ dàng nhận ra quan điểm và nguồn gốc của tôi là một Kitô hữu.  Nhưng dù thuộc truyền thống tu đức nào, tất cả đều đang đi tìm thượng đế, và tôi tin rằng những gì tôi trình bày ở đây dễ có thể được xem như là một hướng dẫn, một nguồn cảm hứng cho các vị linh hướng thuộc các truyền thống khác.  
Linh Hướng
Tôi cũng như bạn, một người đang lần mò trong đời sống tâm linh.  Tôi chưa đạt đến đích; tôi vẫn còn đang trên đường kiếm tìm.  Tôi muốn tìm một ý niệm sống động hơn về Thiên Chúa trong đời sống của tôi, một tương quan thân mật hơn, một sự liên kết hoàn hảo hơn với những chương trình của Thiên Chúa.  Tôi muốn là khí cụ của Chúa trong cuộc đời và giúp xây dựng cho triều đại của ngài.  Mặc dù tôi vẫn cầu nguyện, nhưng tôi muốn cầu nguyện tốt hơn.  Tôi cố gắng noi theo những hướng dẫn của Chúa bao nhiêu có thể, mỗi khi tôi nhận định chúng, để tôi có thể theo Chúa một cách chắc chắn và quảng đại hơn.  Những người bạn của tôi vẫn thường nói, tôi có rất nhiều đức tính tốt, tuy nhiên tôi vẫn khắc khoải với nhiều thói xấu cần phải chừa bỏ.  Có những người cũng cho rằng tôi rất khôn ngoan, nhưng tôi không chắc lắm điều đó, chỉ biết chắc một điều là tôi vẫn còn nhiều vấp té.  Trong những lần gặp mặt giữa tôi với bạn sẽ không thể nói hết về tôi, nhưng tôi tin bạn có thể nắm bắt được phần nào. 
LHLG
Làm thế nào mà tôi trở thành một vị linh hướng?  Tôi cho rằng khám phá này cũng giống như khám phá ra bạn có một giọng nói tốt hay có tính khôi hài, mà trực tiếp hay gián tiếp, bạn vẫn nghe những người xung quanh nói với bạn.  Dường như đã từ lâu rồi, nhiều người đã tin tưởng kể cho tôi những câu chuyện rất riêng tư về họ.  Và rồi họ xin tôi góp ý kiến cũng như giúp họ làm những quyết định cho những vấn đề quan trọng đã xảy đến trong đời sống của họ.  Khi kể cho tôi những chuyện về đời tư của họ, dường như họ có cảm tưởng là tôi sẽ có câu trả lời cho những vấn đề của họ.  Hầu hết mọi người đều biết là tôi rất coi trọng đời sống tâm linh, và rồi dường như người ta muốn thử xem nó như thế nào.  Tôi phải thú nhận rằng khi giúp đỡ người khác trong những cách thức này đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui.  Nhiều người đã khuyến khích tôi nên chọn linh hướng như là công việc chính của tôi.  “Bạn là một người biết lắng nghe.  Bạn nên làm nghề linh hướng đi.”  Được khích lệ từ những dấu hiệu về những món quà và tài năng của mình, tôi thấy có lẽ đây là một ơn gọi.  Tôi đã đi học thần học và tu đức, rồi trải qua những huấn luyện về kỹ năng tư vấn căn bản.  Tôi đã lý luận rằng, nếu tôi muốn làm công việc linh hướng cho đàng hoàng, tôi cần tạo cho mình có một nền tảng vững chắc, đồng thời cũng cần tạo cho mình một uy tín cao.  Cho nên, đó là lý do tại sao tôi đã bước vào công việc linh hướng.   
            Vai trò thực sự của tôi là gì đối với bạn nếu tôi là linh hướng của bạn?  Vâng, bạn có thể nghĩ tôi là một người đồng hành, một người anh, một người chị có nhiều kinh nghiệm cùng đi với bạn trong hành trình khai phá và lớn lên về tâm linh.  Vai trò của tôi là vừa hướng dẫn vừa nâng đỡ.  Có thể bạn nghĩ tôi là một người cố vấn.  Hành trình tâm linh thì rất dài và đầy khó khăn.  Về điều này, cũng như nhiều vấn đề khác trong đời sống con người, thật là không tốt nếu phải đi một mình.  Trong đơn độc, chúng ta có thể dễ rơi vào tình trạng quẩn trí, cứ đi lòng vòng mà khó tìm ra được một hướng đi, một cái nhìn phiến diện về vấn đề, đôi khi cho rằng vấn đề không có gì là đáng quan ngại, hoặc tệ hơn nữa là coi vấn đề không hề hiện hữu.  Trong vai trò linh hướng, để giúp bạn giải quyết vấn đề, tôi sẽ góp ý kiến, đề nghị, và chỉ ra những phương hướng giúp bạn giải quyết vấn đề.  Tôi cũng sẽ quan tâm, khuyến khích bạn bao nhiêu có thể để giúp bạn tìm ra cái mà bạn đang kiếm tìm.   
Trên hết, bạn sẽ thấy tôi là một người lắng nghe cẩn thận.  Trong các buổi gặp gỡ trao đổi giữa bạn và tôi, bạn sẽ đóng vai trò chủ động trong việc chia sẻ hơn là tôi.  Vì nói cho cùng, những lần gặp mặt là cho bạn và đời sống của bạn, hơn là cho tôi.  Cũng như tôi thường lắng nghe tiếng Chúa nói trong đời sống của tôi như thế nào, tôi cũng sẽ lắng nghe tiếng Chúa nói trong bạn như thế.  Chúng ta sẽ là những người đồng hành và là những người cùng lắng nghe tiếng nói đó.   
            Tôi sẽ không nói cho bạn nên làm gì; vì tôi chẳng biết những gì bạn nên làm trong những vấn đề hệ trọng của cuộc đời bạn.  Những gì bạn có, những hoàn cảnh, những chọn lựa và số phận là những cái gì rất đặc biệt trong đời sống của bạn.  Vị linh hướng đích thực của bạn chính là Thiên Chúa, Đấng đã ở trong bạn từ ban đầu và luôn nhắc nhở bạn một cách nhẹ nhàng, âm thầm.  “Các bạn không biết rằng thân xác các bạn là đền thờ của Thiên Chúa và là nơi Thánh Thần ngự sao?” (1 Cor 3:16).  Bạn đang sống trong đời sống tâm linh.  Nếu không phải thế, bạn đã không đến gặp tôi.  Vai trò của tôi chỉ là trợ tá, không phải là người hướng dẫn.  Tôi có thể đề nghị, nhưng tối hậu vẫn là Thiên Chúa, đấng hằng lôi kéo bạn và bạn có tất cả tự do để đáp lại  lời mời gọi của ngài.
            Thánh I-nha-xi-ô thành Lô-dô-la, người đã khởi xướng một phương pháp tĩnh tâm tuyệt vời thường được biết đến với tên gọi Linh Thao, đòi hỏi vị linh hướng khi hướng dẫn người làm tĩnh tâm phải “giữ thái độ trung dung, để cho Đấng Tạo Hóa tác động trực tiếp với thao luyện viên, và thao luyện viên với Đấng Tạo Hóa.”  Điều này cũng áp dụng cho linh hướng, và đó là nguyên tắc linh hướng của tôi.  Vì vậy nếu bất cứ khi nào bạn cảm thấy là tôi thúc ép bạn, ví dụ, phải theo một kiểu cầu nguyện nào đó, hoặc một lối sống nào đó, xin hãy nói cho tôi biết vì tôi đang vượt quá giới hạn của mình và dẫm chân lên phần việc của Chúa. 
Khởi Đầu
Tiến trình của linh hướng khai mở dần dần theo thời gian.  Nó là một chuỗi các cuộc trao đổi, mỗi lần độ chừng một tiếng, có thể một tháng một lần.  Để cảm nhận được tất cả lợi ích của nó, bạn phải cho nó thời gian.  Tôi cần phải biết bạn và thế giới của bạn.  Bạn cũng cần phải biết tôi nữa, như vậy lòng tin của bạn vào tôi có thể phát triển từ từ và cởi mở dần dần.  Tất cả điều này đều phát triển một cách hữu cơ.
            Vậy chúng ta bắt đầu thế nào đây?  Tôi sẽ dẫn đầu.  Tôi muốn hỏi bạn một số câu hỏi.  Hãy nói cho tôi biết điều gì đã dẫn bạn đến đây trong lúc này.  Hãy nói cho tôi biết bạn mong đợi gì trong tương quan giữa bạn và tôi.  Hãy nói cho tôi về đời sống của bạn trong lúc này.  Bạn đang sống với ai?  Công việc làm và học hành của bạn như thế nào?  Sự hiểu biết của bạn ra sao?  Bạn bè của bạn là những ai?  Sức khỏe của bạn ra sao?  Bây giờ chúng ta trở lại một chút.  Gia đình của bạn như thế nào?  Tương quan giữa bạn với những người trong gia đình của bạn như thế nào?  Bạn có thể nói đôi nét về hành trình tâm linh của bạn cho tôi nghe được không, ít ra là những nét chính, từ đầu đến giờ? 
            Bạn sẽ thấy rằng, chủ yếu là tôi lắng nghe bạn, đôi khi hỏi thêm để cho rõ vấn đề, hoặc để khai triển vấn đề, và mời gọi bạn khai mở vấn đề sâu hơn nữa.  Chắc phải mất một thời gian tôi mới có thể cho bạn những ý kiến hữu ích.  Nhưng có lẽ bạn nhận thấy rằng chính tâm trí của bạn cũng trở nên thông suốt hơn khi diễn tả những kinh nghiệm của bạn qua lời nói của mình cho người khác.  Đây là điều rất bổ ích cho mỗi lần gặp gỡ giữa bạn và tôi, ngay cả khi tôi không có nhiều phản hồi lắm trước những suy nghĩ của bạn.  Tôi hy vọng bạn cũng cảm nghiệm, trong khi chúng ta trao đổi với nhau, sự đón nhận không một chút xét đoán của tôi, sự tôn trọng của tôi, sự chú tâm và nâng đỡ của tôi dành cho bạn.   
Vâng, hôm nay tôi đã hỏi bạn hơi nhiều.  Để cho công bằng, bạn cũng phải có cơ hội hỏi tôi như vậy.  Bạn có câu hỏi nào về tôi không? 
Thật là chúng ta không thể đi qua tất cả mọi vấn đề trong buổi gặp mặt đầu tiên này.  Chúng ta vẫn có thể có nói tiếp những gì mà chúng ta chưa bàn tới hay chưa bàn xong vào lần tới.  Cuối cùng trước khi kết thúc buộc gặp mặt này, chúng ta có thể bàn đến một vài vấn đề thiết thực khác, chẳng hạn sắp xếp ngày giờ cho các lần gặp tới.  Tôi cũng muốn biết bạn cảm thấy thế nào trong lần gặp mặt đầu tiên hôm nay.
LHLG
Quá Trình Diễn Tiến
Một khi chúng ta đã có được những cái gì gọi là căn bản rồi, chúng ta nên xúc tiến như thế nào trong những ngày tháng kế tiếp?  Chúng ta sẽ nói về những điều gì?  Tôi muốn đề nghị một hướng đi.   
Không có một khía cạnh nào trong đời sống của bạn mà không liên quan đến những gì chúng ta đang trao đổi với nhau.  Toàn bộ đời sống của bạn chính là đời sống tâm linh của bạn.  Thiên Chúa có mặt trong mọi góc cạnh của đời bạn.  Vì thế thật là sai lầm nếu chỉ giới hạn những buổi trao đổi tâm linh của chúng ta trong một vài lãnh vực như cầu nguyện, những vấp té, ơn gọi, những cám dỗ, mục vụ và giáo hội.  Đời sống của bạn còn lớn hơn nhiều so với tất cả những lãnh vực vừa nêu, những vấn đề thuộc về tâm linh còn vượt xa hơn hẳn những vấn đề này.  Ví dụ, điều gì làm cho bạn vui nhất trong cuộc sống?  Có điều gì đang làm cho bạn cảm thấy khắc khoải?  Bạn nghĩ nhiều về điều gì trong ngày?  Bạn hay mơ về điều gì trong đêm?  Bạn cảm thấy thế nào về chính mình?  Điều gì làm cho bạn cảm thấy chán nản, mệt mỏi?  Bạn kinh nghiệm thế nào về tính dục của bạn?  Mối quan hệ nào là quan trọng trong đời sống của bạn?  Bạn nhìn cuộc đời này như thế nào?  Thiên Chúa ở trong tất cả những điều này, để hướng dẫn, làm cho bạn vui thích, thách đố bạn, và cho bạn những cơ hội để lớn lên, để đào sâu và để vươn rộng hơn.  Thực tế là, Thiên Chúa không ngừng kiến tạo con người của bạn qua chính những kinh nghiệm của bạn, và bạn là một cộng sự viên không thể thiếu được trong công trình sáng tạo của ngài.  Mọi sự xảy đến trong cuộc đời bạn đều nhiệm mầu và là một tiến trình kết thúc mở đầy sáng tạo. 
Tôi muốn đề nghị một nguyên tắc hướng dẫn có thể giúp bạn trả lời câu hỏi, “Tôi phải nói những gì trong lần gặp mặt tới?”  Đó là: “Bất cứ hành động nào trong đời bạn đều có Chúa ở đó và tác động trong bạn.  Cả những lúc bạn làm những chọn lựa mà nó sẽ quyết định cho bạn trở thành một người như thế nào.  Đó chính là điểm mà chúng ta cần phải chú tâm trong trao đổi.  Ví dụ, bạn đang khắc khoải về một mối tương quan cụ thể nào đó trong lúc này?  Bạn đang phải chiến đấu với một chứng nghiện nào đó của bạn?  Đặc biệt bạn có cảm thấy cô đơn hoặc không hài lòng trong lúc này?  Bạn có bình an, hạnh phúc, biết ơn?  Đây là những điểm mà thường làm bạn bị giao động, và vì thế mỗi khi những giao động này xảy ra thì Chúa, một cách đặc biệt, cũng tương tác chung với bạn.  Đây là những vấn đề mà chúng ta cần tiếp tục khám phá, và không ngừng tìm kiếm ý nghĩa tâm linh của chúng.  Đôi khi chúng ta cần phải bàn đi bàn lại những vấn đề này.  Một cách tự nhiên, mỗi lần gặp mặt trao đổi chúng ta sẽ tập trung vào một điểm nào đó.
Giả sử như bạn cho tôi biết bạn đang gặp khó khăn trong việc chăm sóc cha mẹ già hoặc bạn mới biết là bạn sẽ bị thôi việc.  Giả sử như bạn vừa được bác sĩ chuẩn đoán là bị ung thư, hoặc một người nào đó rất thân với bạn đang bị ung thư.  Giả sử như bạn phải lòng yêu một ai đó.  Giả sử như bạn đang gặp phải một thách đố lớn lao nào đó trong lúc này từ những đòi hỏi không ngừng của công việc và gia đình.  Đây chính là những điểm đang làm bạn giao động, có đúng không?  Trong tất cả những tình huống này, câu hỏi của tôi đối với bạn sẽ là: Chúa ở đâu trong tất cả những biến cố này?  Hay nói một cách khác, Chúa đang mời gọi bạn như thế nào trong những tình huống này?  Đâu là những món quà mà Chúa đang dành cho bạn qua tình huống ngày, hay Chúa đang cho bạn những cơ may gì để học hỏi và lớn lên từ kinh nghiệm mà bạn đang phải đối diện?  Chúng ta có thể tìm được câu trả lời, khi chúng ta cùng trao đổi với nhau về những vấn đề này.  Chẳng hạn, khi bạn chăm sóc cho mẹ già, rõ ràng là bạn được mời gọi phải kiên nhẫn và độ lượng với mẹ.  Cũng có thể bạn được mời gọi cần có một cái nhìn bao quát hơn—như cần phải chăm sóc chính mình một cách chu đáo để mình không bị kiệt sức hay trở nên cáu kỉnh nổi nóng mỗi khi chăm sóc mẹ?  Đây là điều mà nhiều khi khó nhận ra hơn là lòng độ lượng với mẹ.  Có thể trong những buồn chán vì thất nghiệp cũng ẩn chứa những món quà ở đó—chẳng hạn như món quà được nghỉ ngơi sau một thời gian dài làm việc, và món quà là một cơ hội để nhìn lại và định hướng về lối sống của mình sau một thời gian dài vì bận rộn với công việc.  Hòa lẫn trong những biến cố này có thể là một lời mời gọi đặt tin tưởng vào Chúa, Đấng sẽ quan phòng mọi sự dù rằng bây giờ bạn chưa hình dung được cuộc sống của bạn sẽ như thế nào.  Nếu bạn tìm thấy một tình yêu mới, thì đây là thời gian bạn cần tận hưởng và biết ơn, vì Chúa rất tuyệt vời luôn ban phát ân huệ cho ta.  Đây cũng là những cơ hội để lớn lên thực sự và sống có trách nhiệm mỗi khi bạn học biết thêm về thế nào là yêu (và được yêu) một cách trưởng thành.  Đây chỉ là một vài ý tưởng trong lãnh vực tâm linh xuyên qua những kinh nghiệm của cuộc sống.  Bổn phận của chúng ta là khám phá ra sự phong phú của những biến cố, lớn nhỏ, xảy đến với mình trong cuộc sống.             
LHLG

Dĩ nhiên là trước mặt Chúa bạn cần cởi mở chính mình hơn qua qúa trình linh hướng, và tôi cũng sẽ hỏi bạn thường xuyên hơn để biết chắc đâu là những bối cảnh mà bạn ưa thích, nhằm phát triển những gì là cốt lõi trong tương quan giữa bạn và tôi.  Một bối cảnh phong phú luôn bao hàm nhiều yếu tố.  Chuyên cần cầu nguyện hoặc chiêm niệm là yếu tố căn bản.  Một nếp sống điều độ với những món ăn tình thần như đọc sách thiêng liêng, hay vừa an ủi mà cũng đầy thách đố như đọc Kinh thánh, cũng là yếu tố khác nữa.  Sống chung trong một cộng đoàn bao gồm những người cũng có một niềm khao khát tâm linh chung là một nguồn trợ lực rất cần thiết, vì hành trình tâm linh đôi khi có thể rất cô đơn, đặc biệt là khi những người xung quanh dường như theo đuổi những giá trị hoàn toàn khác với mình.  Phục vụ tha nhân là một sự kết hợp giữa vai trò môn đệ của một Kitô hữu với một sự phát triển tự nhiên của một đời sống nội tâm lành mạnh.
            Nếu bạn muốn, tôi sẽ rất vui nếu được cầu nguyện với bạn mỗi khi chúng ta gặp nhau.  Điều này có thể quan trọng đối với một số người, nhưng đối với những người khác lại thích dành toàn thời gian để trao đổi các vấn đề.  Đôi khi tôi cũng có thể đề nghị cầu nguyện trong những lần chúng ta gặp mặt, nếu tôi cảm thấy có sự thôi thúc trong tôi.  Dù chúng ta có cầu nguyện chung hay không, tôi tin rằng bạn sẽ vẫn cầu nguyện như những gì căn bản nhất cần phải làm thường xuyên, và bạn có thể an tâm rằng, tôi cũng luôn cầu nguyện—không chỉ cho bao nhiêu chuyện khác, nhưng quan trọng là cho bạn và cho tương quan trao đổi của chúng ta sinh nhiều hoa trái.  Cho dù chúng ta có cầu nguyện nhiều với nhau hay không, chúng ta có thể tin rằng Chúa vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta trong những lần trao đổi, vì “ở bất cứ nơi đâu có hai hay ba người họp nhau lại nhân danh Ta, thì có Ta ở giữa họ” (Mt 18:20).     
            Bạn có thể có những đòi hỏi khác đối với tôi.  Một số người muốn tôi cho họ một số đoạn Kinh thánh để cầu nguyện trong tháng.  Một số khác muốn tôi đưa ra một bài tập cụ thể nào đó, một việc gì đó giúp họ xây dựng những gì vừa trao đổi trong lần gặp mặt vừa qua.  Một số khác lại muốn dành độ năm phút cuối của buổi gặp mặt để, một cách vắn tắt, nhìn lại những điểm quan trọng vừa mới thảo luận.  Đôi khi họ muốn tôi tổng hợp lại tất cả những gì tôi đã thấy—và những gì tôi chia sẻ lại với họ từ cái nhìn của tôi có thể làm họ rất ngạc nhiên, vì nó hoàn toàn khác với góc nhìn của họ.  Tôi sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của bạn.             
LHLGĐây chỉ là một ví dụ cho một buổi linh hướng được hiệu quả hơn.  Bạn và tôi đều có trách nhiệm làm cho những lần gặp gỡ của chúng ta được tốt đẹp.  Nếu bạn cảm thấy không hài lòng về điều gì, xin đừng dấu giếm nó, nhưng hãy nói cho tôi biết.  Nếu bạn nghĩ là tôi hiểu lầm, nếu ý kiến của tôi chưa thỏa mãn bạn, nếu những đề nghị của tôi không được phong phú, nếu bạn cảm thấy chúng ta không hợp nhau, xin nói cho tôi biết để chúng ta cùng xem xét với nhau.  Đây có thể là điều rất khó nói đối với bạn, nhưng nếu bạn nói cho tôi biết những cảm nghĩ của bạn, chắc chắn sẽ giúp ích nhiều cho cả hai chúng ta.  Tôi cũng muốn được lớn lên từ những gì chúng ta trao đổi với nhau, và trên hết tôi muốn là thời gian mỗi khi trao đổi với nhau không bị lãng phí và phải thật sự hữu ích cho bạn.  Tôi có thể đón nhận tất cả những ý kiến tiêu cực.  Chúng ta sẽ học được cái gì đó từ việc nhìn lại những gì mà đã không thực sự giúp ích cho cả hai chúng ta, và thường là chúng ta có để đưa ra những nhận định xác thực và cần thiết.  Hoặc chúng ta có thể phải đi đến kết luận rằng chúng ta không hợp với nhau và bạn nên tìm gặp vị linh hướng khác.  Nhưng trước khi chia tay chúng ta cần nói chuyện với nhau để có một kết thúc tốt đẹp, vì như thế sẽ tốt cho cả hai chúng ta.  Nếu vì thất vọng mà bạn âm thầm ngưng, không bao giờ đến gặp tôi nữa, điều này chỉ làm tổn thương cả hai chúng ta.
Nếu tương quan giữa bạn và tôi diễn tiến tốt đẹp, bạn có thể muốn tiếp tục đến gặp tôi mãi nhằm mưu ích cho sự tăng trưởng tâm linh.  Thật là hữu ích khi đối diện với những gì đang diễn ra trong đời sống của bạn và những gì mà Chúa đang âm thầm làm việc trong bạn.  Những buổi gặp gỡ của chúng ta sẽ xoay quanh những vấn đề như thế.  Giống như hầu hết mọi người, bạn sẽ cảm nghiệm được giá trị của thanh âm đối với nhiều vấn đề vang vọng trong ý thức của bạn, đồng thời đón nhận những ý kiến của một người thật sự quan tâm lắng nghe dành cho bạn.  Tôi sẽ lắng nghe nhiều hơn nói.  Tôi, sẽ cố gắng bao nhiêu có thể, cật vấn những gì tôi đón nhận từ bạn, đặt câu hỏi nếu cần trong lúc lắng nghe bạn nói, trao đổi những ý kiến mà nó xảy đến với tôi khi nghe bạn, và chia sẻ những cảm nhận mạnh mẽ trong tôi về bạn mà tôi nghĩ là sẽ tốt cho bạn.  Tôi nói là chúng ta có thể tiếp tục những lần gặp gỡ trao đổi tâm linh này mãi, vô hạn định, nhưng một lúc nào đó có thể là bạn hoặc tôi, cảm thấy là tôi đã chia sẻ hết những gì tôi có với bạn, và chắc là sẽ tốt hơn cho bạn nếu bạn đi tìm vị linh hướng mới. 
Lớn Lên Trong Đời Sống Tâm Linh
Những gì bạn đang kiếm tìm đó là sự trưởng thành trong đời sống tâm linh.  Nhưng điều này nghĩa là gì?  Đâu là những dấu chỉ để tôi có thể nhận biết sự trưởng thành tâm linh? 
Trong bức thư gởi tín hữu Galát, Phao-lô viết về cái ông gọi là “hoa trái của Thánh Thần.”  Ngài nói đến một sự biến đổi mang tính cá nhân xảy ra từ từ trong mỗi chúng ta, nếu chúng ta chấp nhận để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn.  “Hoa trái của Thánh Thần là tình yêu, niềm vui, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tự chủ” (Gal 5:22-23).
Thật khó có thể tưởng tượng được một người có chiều sâu nội tâm, dù là trong truyền thống nào đi nữa, lại phủ nhận tính quan yếu của những giá trị này.  Tất cả những truyền thống tu đức lớn đều trân quí những lí tưởng này.  Họ xem những giá trị này như đặc nét của một con người có chiều sâu tâm linh đích thực, và những giá trị này có thể mở rộng ra nữa như: tính trung thực, niềm hy vọng, sự chấp nhận chính mình và người khác, lòng từ tâm, sự bất bạo động, lòng độ lượng, sự khiêm nhường, lòng vị tha, một lối sống đơn giản, tinh thần phục vụ tha nhân, và một đời sống chuyên cần cầu nguyện.  Ngay cả những người không cho mình là những người có chiều sâu tâm linh cũng nhìn nhận mà nói rằng, họ khâm phục những người có được những đặc tính trên, và tận thâm sâu đáy lòng, họ cũng ước ao cho chính họ được trở nên như những người có chiều sâu tâm linh kia. 
Vậy làm thế nào để có thể nói rằng bạn đang có những tiến triển trong đời sống thiêng liêng?  Có lẽ câu hỏi cần đặt ra là, đời sống của bạn có đang trở nên tràn đầy hy vọng hơn, thanh thản hơn?  Lối sống của bạn có trở nên bình dị hơn?  Quảng đại hơn với những người khác?  Có đón nhận người khác một cách dễ dàng hơn như họ là?  Có sẵn sàng tha thứ hơn không?  Bạn có đang quan tâm đến những đau khổ của nhân loại và muốn làm cho cuộc sống của tha nhân tốt hơn không?  Bạn có bén rẽ sâu hơn trong trong mầu nhiệm ân sủng để sống từ và sống cho những người khác không?  Bạn có bớt lo âu, bớt ngoan cố và biết tin tưởng hơn không?  Đây chính là dấu chỉ của đời sống tâm linh.  Đây chính là cách thực hành của một lối sống thánh thiện.  Đây quả là một thách đố rất lớn.  Đó là tình yêu đối với Thiên Chúa, một con đường thăng tiến đóng mở đầy mạo hiểm, một dự phóng kéo dài cả đời người.
Kết Luận
           Tôi hy vọng bây giờ bạn đã hiểu rõ hơn những diễn tiến trong linh hướng.  Tôi có thể tóm lược những gì tôi đã nói như sau.  Không có một phần thưởng nào hay một cái gì thân thương với bản năng mà chúng ta được tạo dựng có thể lấp đầy những khát khao tâm linh.  Nhưng cũng không có một cái gì mà chúng ta cố gắng lại khó khăn đến thế.  Đó là lý do mà chúng ta cần có linh hướng, một người bạn đường, một người hướng dẫn chúng ta trong hành trình tâm linh.  Chúng ta sinh ra vốn có xã hội tính, chúng ta cần đến nhau để tồn tại và phát triển trong mọi lãnh vực của đời sống.  Điều này, đặc biệt, rất thật trong việc theo đuổi đời sống tâm linh.  Nếu bạn muốn phát triển về tâm linh, hãy đến gặp tôi thường xuyên hơn, hoặc một ai đó giống như tôi, người mà có thể giúp bạn nhiều điều.  Linh hướng sẽ giúp cho bạn luôn ý thức đến đời sống tâm linh.  Nó sẽ giúp cho bạn sống ý thức và có trách nhiệm hơn.  Nó sẽ cho bạn cơ hội sống một đời sống bình thường, tìm kiếm xem Chúa dẫn dắt bạn như thế nào, cho dù có những lúc cảm thấy đầy an ủi, nhưng cũng có những khi đầy thách đố.  Khi chúng ta gặp nhau, chúng ta sẽ cùng chiêm ngắm những tác động của Chúa ở mọi khía cạnh trong đời sống của bạn, đặc biệt những chỗ mà những giao động đang xảy ra trong lúc này.  Bất cứ khía cạnh nào chúng ta tập trung trong mỗi lần gặp gỡ trao đổi, bạn có thể tin tưởng ở tôi, một người sẽ luôn lắng nghe bạn với tất cả quan tâm và chia sẻ với bạn những ý kiến chân thành.  Ít ra là tôi sẽ chia sẻ với bạn một góc nhìn khác của một người cũng đang kiếm tìm và khao khát phát triển đời sống tâm linh.  Tôi cũng sẽ cố gắng bao nhiêu có thể để trở nên một người bạn đồng hành tâm linh sáng giá với bạn
* Linh muc Phạm Đức Hanh, SJ chuyển ngữ từ Thomas Hart, “What to Expect in Christian Spiritual Direction” Contexts & Cultures Vol. 13 No. 1 (March 2007): 39-44.

0 comments:

Post a Comment