Saturday, February 29, 2020

Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm A – 1-3-2020


CN I MC

Sáng Thế 2:7-9; 3:1-7

2/7Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.  8Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.  9Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.  3/1Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra.  Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?’  2Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.  3Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.’”  4Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu!  5Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.”  6Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn.  Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.  7Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.

(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trong những bản văn cổ nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại, 1450 TCN.  Tuy nhiên, đây lại là Kinh Thánh, chính vì thế mà bản văn này bị nhiều người ngày nay chỉ trích nhất, vì chẳng thể tin được—làm gì có chuyện Chúa lấy đất nắn thành người, hoặc làm gì có chuyện rắn biết nói.  Sự chỉ trích này đúng thôi.  Nhưng người có niềm tin trưởng thành, ai mà tin vào những điều này, bởi đây chỉ là những biểu tượng nhằm để nói về một cái gì rất thật và sâu xa trong đời sống của con người.  Sự thật ấy là: Không ai tự mình mà có, nhưng tất cả đều đã được sinh ra, được dựng nên bởi một ai đó, và người có niềm tin gọi Đấng ấy là Thiên Chúa.  Đồng thời, càng trưởng thành, con người càng nhận ra một điều nữa: Thân phận con người thật tầm thường, mỏng giòn, yếu đuối và tạm bợ như đất, cứ đứng lên nhưng rồi lại té hoài, cứ hứa sống thánh thiện nhưng rồi lỗi lầm liên miên, sống mãi rồi cũng có ngày chết tiêu tan; ấy vậy mà, Thiên Chúa Hằng Sống lại chọn con người làm cộng sự viên, làm con cưng của Ngài.  Chính đây là những điều người Kitô tin, từ bản văn này.  Tôi nghĩ sao về việc tôi được Chúa sinh ra?  Tôi hãnh diện là con của Chúa, Đấng Tạo Thành Trời Đất không?  Tôi nghĩ sao, khi tôi nhận ra sự bất toàn và yếu đuối chất chồng trong tôi, vậy mà Chúa vẫn yêu thương đón nhận tôi làm bạn của Ngài?  Tôi nói gì với Chúa trong giây phút này?

2.      Chẳng người Kitô hữu trưởng thành nào lại tin vào chuyện con rắn biết nói và biết cám dỗ con người.  Điều mà những người Kitô hữu trưởng thành tin đó là, sự cám dỗ bao giờ cũng diễn ra rất tinh vi, êm đềm, nhẹ nhàng; đặc biệt, nó đến từ những gì rất gần gũi, thân quen và hấp dẫn, khiến tôi không dễ gì nhận ra hoặc cưỡng lại được.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn nhìn lại đời sống của tôi, đặc biệt những lỗi lầm và vấp té cứ lập đi lập lại hoài trong tôi.  Phải chăng, những yếu đuối ấy đã bắt đầu từ rất lâu trong đời sống, bằng những hình ảnh, lời nói, ý tưởng rất thân thương, gần gũi, nhẹ nhàng, hấp dẫn, và rất có lý, để rồi tôi mãi trơn trượt không đứng dậy được, cứ té hoài như té tuyết?  Tôi muốn nói gì với Chúa về những yếu đuối này?  Tôi để ý Ngài nói gì với tôi, mỗi lần tôi té ngã hoặc mỗi lần tôi đứng dậy?  Ngài đã giúp tôi như thế nào và tôi thật sự muốn Ngài giúp tôi đứng dậy ra sao?            

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, February 28, 2020

Thứ Bảy Sau Lễ Tro – Năm A – 29-2-2020


Thu Bay sau Thu Tu Le Tro

Isaia 58:9b-11

9b Đức Chúa phán như sau: “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, 10nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.  11Đức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp.  Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ. 

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có lẽ vì tiếng Việt dịch mùa phụng vụ trước Tuần Thánh là “Mùa Chay,” nên mỗi khi Mùa Chay về, hoặc mỗi khi nói, nghĩ đến Mùa Chay, nhiều người Công giáo Việt Nam thường nghĩ ngay đến việc ăn chay, hoặc chỉ nghĩ việc ăn chay là một thực hành quan trọng nhất, nếu không nói là duy nhất, xuyên suốt Mùa Chay, buộc mọi người phải giữ.  Buồn!  Lạ!  Bởi Mùa Chay nào cũng có ba thực hành chính, không chỉ có mỗi ăn chay (1), mà còn cầu nguyện (2) và làm việc bác ái (3) nữa.  Mặt khác, nếu theo dõi các bài đọc Kinh Thánh trong cả Mùa Chay, việc ăn chay được nhắc đến rất ít; trong khi đó, nói đến cầu nguyện và làm việc bác ái rất nhiều, và đặc biệt, Chúa rất ưa việc cầu nguyện và làm việc bác ái nhằm góp phần biến đổi xã hội, hơn chỉ là việc ăn chay cho riêng mình.  Có lẽ trong giây phút này, tôi muốn coi lại cách sống Mùa Chay của tôi bao lâu nay, có phải tôi đã chỉ lo giữ luật ăn chay mà thôi?  Tôi đã cầu nguyện như thế nào trong suốt Mùa Chay?  Tôi đã làm việc bác ái đến đâu trong suốt Mùa Chay?  Tôi trả lời như thế nào với Chúa trong lúc này?

2.      Tôi đọc lại bài đọc trên và, để ý Chúa mỏi mòn trông chờ tôi sống Mùa Chay một cách thiết thực và cụ thể, nhằm góp phần làm cho cuộc sống càng ngày càng tốt đẹp hơn, như thế nào.  Những điều Chúa nói trong bài đọc hôm nay thật đẹp, nhưng bao lâu nay sao tôi chẳng làm, hoặc không nhận ra?  Cái gì đang cản bước hay làm nản lòng tôi, không muốn làm những điều Chúa mong đợi, như Ngài đã thổ lộ trong bài đọc hôm nay?  Có phải tôi chẳng tin vào lời hứa của Chúa rằng, cuộc đời tôi sẽ được no thỏa và tươi mát như có một dòng nước không bao giờ cạn, luôn tưới tắm cuộc đời tôi?  Tôi nói gì với Chúa đây?         

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, February 27, 2020

Thứ Sáu Sau Lễ Tro – Năm A – 28-2-2020


Thu Sau Sau Le Tro

Isaia 58:3-9a

 [Đức Chúa là Thiên Chúa phán]: “3Chúng nói: ‘Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?’  Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình.  4Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.  Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách.  5Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế?  Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?  6Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?  7Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?  8Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.  Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa bao bọc phía sau ngươi.  9aBấy giờ, ngươi kêu lên, Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: ‘Có Ta đây!’”

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Ăn chay có lẽ là một trong những điểm thực hành quan trọng mà mọi tôn giáo đều có, nhưng mỗi tôn giáo có mỗi kiểu ăn chay và mục đích khác nhau.  Tuy nhiên, ăn chay trong Do-thái giáo và Kitô giáo không khác nhau mấy.  Cụ thể bài đọc hôm nay, Sách Tiên tri Isaia của Do-thái giáo, viết khỏang năm 750 TCN, cũng vẫn còn là lời kêu gọi thích hợp cho mọi Kitô hữu ngày nay, và cũng gần với những lời khuyên ăn chay của ĐTC Phan-xi-cô: Kiêng nói xấu nhưng sống tử tế, kiêng phiền muộn nhưng tập biết ơn, kiêng giận dữ nhưng biết kiên nhẫn, kiêng bi quan nhưng biết hy vọng, kiêng ôm đồm nhưng tập phó thác, kiêng càm ràm nhưng suy tưởng đơn giản, kiêng ức chế nhưng tập cầu nguyện, kiêng bẳn gắt nhưng tập vui tươi, kiêng ích kỷ nhưng sống độ lượng, kiêng ganh ghét nhưng biết hòa hoãn, kiên buôn chuyện nhưng tập lắng nghe.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn xem lại cách thức ăn chay của tôi bao lâu nay, hoặc chương trình ăn chay của tôi năm nay như thế nào, có khác với những lời trong Sách Isaia và của ĐTC Phan-xi-cô không?  Đặc biệt, có bị Chúa khiển trách như Ngài đã nói trong Sách Isaia không? 
2.      Tôi đọc lại đoạn sách Isaia hôm nay về cách ăn chay mà Chúa ưa thích: Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm, chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, cho áo che thân, và không ngoảnh mặt làm ngơ trước anh chị em cốt nhục.  Tôi nói chuyện với Chúa về những điều này và suy nghĩ những việc làm cụ thể hơn cho từng ngày sống của tôi.  Tôi cũng xin ơn trợ lực từ Chúa, hầu giúp tôi giữ vững quyết tâm sống Mùa Chay cho thật ý nghĩa.       
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, February 26, 2020

Thứ Năm Sau Lễ Tro – Năm A – 27-2-2020


Thu Sau Sau Thu Tu Le Tro

Luca 9:22-25

22Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”  23Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.  24Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.  25Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Nói đến Mùa Chay là nói đến ăn chay.  Ăn chay bao giờ cũng là từ bỏ một cái gì đó, chẳng hạn như thức ăn.  Từ bỏ thức ăn trong ăn chay Kitô giáo không bao giờ là để giảm cân, để có sức khỏe tốt hay có thân hình thon gọn, nhưng là để ý thức hai điều: Thứ nhất, thức ăn vật chất không phải là thứ tối quan trọng của cuộc sống, khiến tôi cứ long đong, lận đận, vất vả kiếm tìm nó; chưa kể, vì nó mà tôi đã sẵn sàng gian lận, bán rẻ lương tâm, giết hại người khác và đánh mất Thiên Chúa.  Không.  Cuộc sống của tôi không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ bởi lời Chúa nữa, như Chúa Giêsu đã nói (Mt 4:4).  Thứ hai, từ bỏ thức ăn là để tôi có cơ hội chia cơm sẻ áo cho những người kém may mắn hơn tôi, tức làm việc bác ái.  Như vậy khi ăn chay, là làm cho cuộc sống của tôi trở nên phong phú, cao thượng và đầy yêu thương, kết hiệp hơn với Chúa và với tha nhân, chứ không ở mãi trong lối sống tầm thường, nặng vật chất, nặng trần thế, ích kỷ và xa cách.  Tôi muốn kết hiệp với Chúa ngay trong giây phút này và qua sự kết hiệp với Ngài, tôi muốn mở lòng để Ngài dẫn tôi đến với những người kém may mắn quanh tôi.

2.     Bên cạnh từ bỏ thức ăn, lời Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay còn mời gọi tôi từ bỏ chính mình, như Chúa Giêsu đã từ bỏ chính Ngài và chết cho tôi.  Từ bỏ chính mình có nghĩa là, xác định vai trò của Chúa trong đời sống của tôi.  Ngài chính là Chúa của tôi, chỉ mình Ngài mới có quyền phán xét, lên án, chứ không phải tôi.  Từ bỏ chính mình còn có nghĩa là, xác định lại vai trò của tha nhân trong đời sống của tôi; họ là anh chị em của tôi, như vậy cuộc sống của tôi càng ngày sẽ thêm bạn mà bớt thù.  Cuộc sống sẽ đẹp hơn vì có thêm người cộng tác để làm cho cuộc đời này đẹp hơn, thay vì chia rẽ hay co cụm lại cho riêng tôi, khiến cuộc sống trở nên nghèo nàn và tẻ nhạt.  Như vậy, khi tôi từ bỏ chính mình, tôi sẽ được cả thế giới, đời này lẫn đời sau!  Ngày hôm nay tôi sẽ từ bỏ gì?  Hôm nay, tôi sẽ sống một ngày chay ý nghĩa nhất như thế nào?  Tôi bàn chuyện này với Chúa trong giây phút này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, February 25, 2020

Thứ Tư Lễ Tro – Năm A – 26-2-2020

Thu Tu Le Tro
2 Cô-rin-tô 5:20-6:1

5/20Thưa anh em, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy.  Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.  21Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.  6/1Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. 

(Trích Thư Cô-rin-tô II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trọng tâm của Mùa Chay bao giờ cũng thế, mời gọi tôi: làm hòa với Thiên Chúa (cầu nguyện), làm hòa với tha nhân (làm việc bác ái) và làm hòa với chính mình (ăn chay).  Có điều gì đang khiến tôi bối rối, sợ hãi, ngại ngùng, nghi ngờ khi ngắm nhìn Thiên Chúa trong lúc này không?  Thánh Phao-lô trong bài đọc hôm nay khuyến khích tôi, hãy làm hòa với Chúa.  Có điều gì đang khiến tôi buồn khổ, bực tức, căm ghét, thù oán khi gặp gỡ người nào đó trong gia đình, trong cộng đoàn, nơi công sở với tôi không?  Mùa Chay này, Giáo hội mời gọi tôi làm hòa với họ.  Có điều gì đang khiến tôi không hài lòng, ghen tị, thiếu tự tin, hoặc khắt khe với chính mình, mỗi khi nhìn về chính tôi không?  Mùa Chay là mùa chuẩn bị đón nhận ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, Đấng đã chết cho tôi, Ngài là chủ của tôi, Ngài tha thứ và yêu thương tôi hết mình, sao tôi không dám tha thứ và yêu thương chính mình?  Tôi ngồi bên Chúa trong những giây phút đầu tiên của Mùa Chay, để được làm hòa với Chúa, với tha nhân và với chính mình.
2.      Thánh Phao-lô khuyên tôi, đừng để những ân huệ của Thiên Chúa trở nên vô hiệu.  Tôi muốn ngồi bên Chúa trong giây phút này, lên một kế hoạch cụ thể: Tôi sẽ cầu nguyện, làm việc bác ái và ăn chay như thế nào trong Mùa Chay năm nay?  Chắc chắn, tôi không thể làm những điều này vì thói quen, vì luật buộc, vì sợ tội, nhưng tôi sẽ làm chỉ vì lòng mến, để không một ân huệ nào của Chúa trở nên vô hiệu trong tôi. 
Phạm Đức Hạnh, SJ        

Monday, February 24, 2020

Thứ Ba Tuần VII Thường Niên – Năm A – 25-2-2020


Thu Ba VII TN

Gia-cô-bê 4:1-8

1Anh em thân mến, bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?  2Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin3anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.  4Hỡi những kẻ ngoại tình, các người không biết rằng: yêu thế gian là ghét Thiên Chúa sao?  Vậy ai muốn là bạn của thế gian thì tự coi mình là thù địch của Thiên Chúa.  5Hay các người nghĩ rằng lời Kinh Thánh sau đây là vô nghĩa: Thần Khí mà Thiên Chúa đã đặt trong chúng ta, ước muốn đến phát ghen lên?  6Nhưng ân sủng Người ban còn mạnh hơn; vì thế, có lời Kinh Thánh nói: Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.  7Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa.  Hãy chống lại ma quỷ; chúng sẽ chạy xa anh em.  8Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em.  Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can.

(Trích Thư Gia-cô-bê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Lời mở đầu của chương 4 Thư Gia-cô-bê nghe rất giống với triết lý về đau khổ của Đức Phật, ngài dạy rằng: Đầu mối của mọi đau khổ của con người là do Tam Độc, tức tham (ham muốn), sân (giận dữ), si (mê muội).  Nếu muốn mượn lời của Đức Phật để giải thích những lời của Thánh Gia-cô-bê trong bài đọc hôm nay, tôi có thể thấy, những cái tham thường dẫn tôi đến đau khổ là do ham muốn bất chính, từ đó dẫn đến những sân như, giận dữ, ghen tức và chém giết nhau.  Quan trọng hơn cả là cái si, tức là sự mê muội không nhận biết Thiên Chúa, mà lại phụng thờ ma quỷ, chống lại Thiên Chúa.  Tôi muốn lấy những lời dạy của hai bậc thánh hiền này mà suy niệm trong giờ cầu nguyện hôm nay: Đâu là những ham muốn lệch lạc, bất chính đang gây nên đau khổ trong tôi và người thân của tôi?  Đâu là những ham muốn lệch lạc, đến mức tôi quay lưng lại với Thiên Chúa bao lâu nay?  Tôi xin Chúa ơn ánh sáng để nhận ra những ham muốn lệch lạc này, và tâm hồn khiêm nhường đủ để đón nhận sức mạnh từ Chúa, dám thay đổi.

2.      Những lời cuối trong đoạn trích Thư Gia-co-bê hôm nay: “Anh em hãy phục tùng Thiên Chúa.  Hãy chống lại ma quỷ...  Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em.”  Tôi muốn lấy những lời này làm đèn soi cho mọi bước chân tôi đi trong ngày hôm nay để, chống lại ma quỷ, để luôn đến gần Thiên Chúa, bởi Ngài luôn ở bên tôi, khi tôi mở lòng đón nhận Ngài. 

Phạm Đức Hạnh, SJ


Sunday, February 23, 2020

Thứ Hai Tuần VII Thường Niên – Năm A – 24-2-2020


Thu Hai VII TN

Gia-cô-bê 3:13-18

13Anh em thân mến, trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết?  Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan.  14Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật.  15Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ.  16Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa.  17Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.  18Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.

(Trích Thư Gia-cô-bê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Những lời Thư Gia-cô-bê trong bài đọc hôm nay là những chỉ dẫn thật rõ ràng về hai lối sống thuộc về Chúa, hoặc thuộc về ma quỷ.  Đời sống của tôi bao lâu nay đang thuộc về ai?  Tôi đang bị/được hấp dẫn hay lôi kéo về lối sống nào hơn?  Điều gì đã dụ dỗ và giữ chân tôi ở mãi trong sự dữ?  Có một khuynh hướng nào đã lập đi lập lại, đã trở thành lối mòn trong đời sống của tôi, khiến tôi quá quen với tội lỗi, không còn phân biệt đâu là tội, không một chút bận tâm hoặc muốn thay đổi?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?

2.     Tôi muốn lấy câu nói của Gia-cô-bê trong bài đọc hôm nay mà hướng dẫn đời sống của tôi từ nay trở đi: Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.  Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.”  Tôi đọc lại nhiều lần lời này để nhập tâm, và xin Chúa giúp tôi sống mỗi ngày thuộc về Chúa hơn.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Tôi Xin Chọn Người,” do Ngọc Kôn, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=HJeoGbjLMtU    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, February 22, 2020

Chúa Nhật Tuần VII Thường Niên – Năm A – 23-2-2020


CN VII TN

Lê-vi 19:1-2, 17-18

1ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê rằng: 2"Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh…  17Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.  18Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.

(Trích Sách Lê-vi bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có thể rất gần với một câu nói của Việt Nam, “Cha nào con nấy” (Like father like son).  Câu nói này có thể hiểu từ hai hướng: tiêu cực hoặc tích cực, nhưng người Việt Nam thường dùng câu này với hướng tiêu cực.  Nếu áp dụng câu này với bài đọc hôm nay, tôi có thể hiểu câu này theo hướng tích cực.  Hướng tích cực ấy là, tôi phải nên thánh vì Chúa của tôi là Đấng Thánh, đời sống của tôi phải phản ảnh những đặc nét của Cha tôi ở trên trời.  Có bao giờ tôi đã lấy câu này làm định hướng cho ngày sống hoặc năm mới của tôi chưa, như: Ngày hôm nay hoặc năm nay, tôi sẽ cố gắng sống thánh thiện vì tôi tin và yêu vào một Thiên Chúa cực thánh?  Vì thế, mọi hành động và lời nói của tôi sẽ phải thể hiện cái thánh, cái lành, cái thiện của Chúa.

2.      Chúa đưa ra một hướng đi cụ thể cho tôi phải thánh ở điều gì: đức yêu thương và tha thứ.  Tôi phải yêu thương đồng loại như chính mình.  Tôi phải tha thứ không hờn giận.  Được như vậy tôi sẽ rất thánh, rất lành, rất tốt, rất đáng yêu.  Nhưng tôi biết, để làm được những điều này không dễ chút nào.  Tôi muốn ngồi bên Chúa trong giây phút này, chiêm ngắm lòng nhân hậu của Ngài và tìm sức mạnh trong lòng nhân hậu ấy, hầu giúp tôi can đảm dám tha thứ và dám sống yêu thương.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, February 21, 2020

Thứ Bảy Tuần VI Thường Niên – Năm A – 22-2-2020 – Lễ Lập Tông Tòa Thánh Phê-rô


Thu Bay VI TN

Mát-thêu 16:13-19

13Khi ấy, Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”  14Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”  15Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  16Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”  17Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.  18Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.  19Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có thể nói, bài đọc hôm nay là đỉnh cao của Phúc âm Mát-thêu.  Bởi vì kể từ đầu Phúc âm cho đến đoạn trích hôm nay, Mát-thêu luôn cố gắng giúp độc giả đi tìm cho mình lời giải đáp cho câu hỏi: Chúa Giêsu thật sự là ai?.  Bằng cách, ngài dẫn độc giả qua những sự kiện cụ thể về cuộc đời Chúa Giêsu như: gia phả, phép rửa, ăn chay trong sa mạc, những phép lạ chữa bệnh, trừ quỷ, bánh hóa nhiều, cùng những bài giảng trên núi...và cuối cùng là sự đối đáp về căn tính của Chúa Giêsu với các môn đệ, trong đoạn trích của bài đọc hôm nay.  Như thế, tưởng cũng đủ để độc giả, tức là tôi hôm nay, có thể biết được Chúa Giêsu thật sự là ai.  Giả sử trong giờ cầu nguyện này, Chúa Giêsu không hỏi tôi, người ta bảo Ngài là ai, nhưng hỏi, tôi nói Ngài là ai, tôi sẽ trả lời như thế nào?  Chắc chắn, tôi chỉ có thể trả lời câu này từ kinh nghiệm rất riêng tư của bản thân với Chúa, chứ không thể dựa vào câu trả lời của bất cứ ai.  Tôi đã là Kitô hữu bao nhiêu năm, đi lễ mỗi tuần và cầu nguyện mỗi ngày, tôi trả lời câu hỏi này được không?

2.     Chẳng ai muốn chia sẻ những ước mơ lớn và thầm kín của mình cho người dưng nước lã, nhưng chỉ chia sẻ cho người nào đó đáng tin, đáng mến mà thôi.  Sau khi Phê-rô trả lời Chúa Giêsu thật sự là ai, từ xác tín của ông, tương quan giữa ông với Chúa Giêsu đã đặc biệt đáng tin và đáng mến hơn, Chúa Giêsu đã bắt đầu bộc bạch cho ông những ước mơ của Ngài.  Tương quan giữa tôi với Chúa đáng tin đáng mến đến mức độ nào?  Liệu Chúa sẽ chia sẻ những ước mơ của Ngài cho tôi không?  Tôi đón nhận như thế nào?  Liệu tôi có thân Chúa đủ, để dám chia sẻ tất cả những chuyện thầm kín và mơ ước của tôi cho Ngài nghe không?  Tôi nói gì với Ngài trong lúc này?      

Phạm Đức Hạnh, SJ

 


Thursday, February 20, 2020

Thứ Sáu Tuần VI Thường Niên – Năm A – 21-2-2020


Thu Sau VI TN

Gia-cô-bê 2:14-24, 26

14Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì?  Đức tin có thể cứu người ấy được chăng 15Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, 16mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?  17Cũng vậy, đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết.  18Đàng khác, có người sẽ bảo: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động.  Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.  19Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất.  Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ.”  20Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không?  21Ông Áp-ra-ham tổ phụ chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông hiến dâng con mình là I-xa-ác trên bàn thờ đó sao 22Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo.  23Như thế ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép: Ông Áp-ra-ham tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính, và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa.  24Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi  26Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.

(Trích Thư Gia-cô-bê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời thư của Thánh Gia-cô-bê trong bài đọc hôm nay thật cần thiết cho mọi Kitô hữu ở mọi thời đại, cụ thể là cho tôi hôm nay.  Thánh nhân khẳng định và chỉ rõ, chỉ tin thôi, không đủ; nhưng đức tin đích thực và hữu dụng, luôn phải đi đôi với hành động.  Như vậy đời sống đạo của tôi không chỉ là “đạo tại tâm” mà đã đủ, nhưng còn phải vươn ra với mọi người bằng những hành động cụ thể.  Đời sống đức tin của tôi phải góp phần biến đổi xã hội, nếu không niềm tin của tôi chỉ là rác rưởi, kinh tởm.  Trong giây phút này, tôi muốn nhìn lại đời sống đức tin của tôi bao lâu nay: thụ động hay năng động, tích cực hay tiêu cực, mở ra vươn tới mọi người một cách quảng đại hay thu gọn cho bản thân một cách ích kỷ?  Tôi muốn nói gì với Chúa về sống đức tin của tôi bao lâu nay?

2.      Thánh Gia-cô-bê cho rằng chỉ tin có Chúa thôi, tôi không khác quỷ lắm, bởi chúng cũng tin Chúa hiện hữu.  Tin có Chúa, nhưng còn phải trở nên công chính và làm bạn với Ngài như Áp-ra-ham, đức tin ấy mới đáng kể.  Tôi có thể sống công chính trong những việc tôi làm và những lời tôi nói trong ngày, kể từ hôm nay không?  Tôi có thể và muốn trở thành bạn của Chúa ngay từ giây phút này không?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Hạt Giống Tình Yêu” do Lm Phương Anh sáng tác, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=A-QGmquj0Wk

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, February 19, 2020

Thứ Năm Tuần VI Thường Niên – Năm A – 20-2-2020


Thu Nam VI TNGia-cô-bê 2:1-9

1Thưa anh em, anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư.  2Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, 3và giả như anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói: “Đứng đó!” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!”, 4thì bấy giờ, anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?  5Anh em thân mến của tôi, anh em hãy nghe đây: nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?  6Thế mà anh em, anh em lại khinh dể người nghèo! Chẳng phải những người giàu áp bức anh em đó sao?  Chẳng phải họ lôi anh em ra toà đó sao?  7Chẳng phải họ nói xúc phạm đến Danh Thánh cao đẹp mà anh em được mang đó sao?  8Đã hẳn, anh em làm điều tốt, nếu anh em chu toàn luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.  9Nhưng nếu anh em đối xử thiên tư, thì anh em phạm một tội và bị Lề Luật kết án là kẻ vi phạm.

(Trích Thư Gia-cô-bê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Thiên tư, một thứ ký sinh trùng, dơ bẩn như chấy rận cứ bám chặt vào đời sống của con người bao nhiêu ngàn năm qua, mặc cho lời Chúa hoặc những khuyên răn của những thánh hiền, như những thứ xà phòng, tẩy rửa mãi vẫn không sạch hết được.  Trái hẳn với chấy rận, chúng chỉ sống và phát triển mạnh ở những người nghèo khổ, dơ dáy, thiên tư lại thường phát triển mạnh ở những người quyền cao chữ nhiều, và lắm tiền nhiều của.  Tôi thuộc hạng người nào: Giầu có, quyền cao chức trọng hay bình dân, bần cố nông?  Lần mà tôi đã đối xử rất tốt, rất tôn trọng với người đồng loại, dù họ thua kém tôi về vật chất cũng như địa vị xã hội, là lần nào?  Tôi có cần lời Thánh Gia-cô-bê nhắc nhở không?  Tôi cũng xin Chúa chữa lành những vết thương do tôi đã đối xử bất công với người đồng loại, trong quá khứ, và tẩy trùng tôi mọi thứ ký sinh thiên tư, vẫn còn bám chặt vào tôi trong hiện tại.

2.       Tôi đọc lại những lời của Thánh Gia-cô-bê trên, và kể từ hôm nay, tôi tập bớt thiên tư với những người đồng loại.  Tôi cũng muốn lấy giây phút này mà xét mình:  Ai là người đã dạy tôi bài học đầu tiên về tôn trọng người nghèo?  Tôi cám ơn và cầu nguyện cho người đó được không?  Tôi đã dạy hay đã nêu gương cho ai về sự tôn trọng người nghèo?  Ai là người nghèo quanh tôi hôm nay?  Tôi muốn thực hành những lời dạy của Thánh Gia-cô-bê ngay sau giờ cầu nguyện này.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, February 18, 2020

Thứ Tư Tuần VI Thường Niên – Năm A – 19-2-2020


Thu Tu VI TN

Gia-cô-bê 1:19-27

19Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, 20vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa.  21Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em.  22Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.  23Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình.  24Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào.  25Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm.  26Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.  27Có lòng đạo đức tinh tuyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian.

(Trích Thư Gia-cô-bê bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có lẽ những lời của Thư Gia-cô-bê vẫn còn cần thiết cho mọi người ở thế kỷ 21 này, đặc biệt cho đời sống tương quan giữa tôi với gia đình và mọi người xung quanh.  Thánh Gia-cô-bê khuyên tôi cần phải “mau nghe và đừng vội nói.”  Quả đúng như vậy!  Bởi Chúa tạo dựng mỗi người chỉ chó một cái miệng, nhưng đến hai lỗ tai.  Như vậy, tôi cần sử dụng những gì Chúa cho theo tỉ lệ thuận, vì tôi có tai nhiều hơn miệng nên cũng phải dùng tai nhiều hơn miệng.  Đây cũng là những gì mà các nhà tâm lý ngày hôm nay vẫn khuyên mọi người trong thuật đối thoại.  Tôi có thể tập ngay trong giây phút này của giờ cầu nguyện: Tôi để ý và lắng nghe Chúa nói hơn là tôi nói và đọc kinh.  Tôi muốn áp dụng ngay sau giờ cầu nguyện này, trước hết với gia đình tôi, tôi sẽ tập nghe mọi người hơn là tôi chực nói hoặc giành nói.  Bớt nói sẽ bớt chuyện, bớt giận, và bớt sự gian tà.

2.      Thánh Gia-cô-bê cũng khuyên tôi biết dùng lời Chúa như tấm gương soi, mà soi thì phải nhớ, chứ đừng quên.  Lời Chúa luôn thúc bách tôi phải ra khỏi con người của tôi mà đến với những người xung quanh, đặc biệt những người bị loại ra bên lề xã hội.  Tôi lấy lời Chúa làm đèn soi cho mỗi bước đi của tôi hôm nay.  Tôi xin cho được sự mở lòng và can đảm để Chúa dẫn dắt tôi hôm nay.    

Phạm Đức Hạnh, SJ