Friday, July 31, 2020

Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 1-8-2020 – Lễ Thánh An-phon-xô

Thu Bay XVII TN

Giê-rê-mi-a 26:11-16

11Bấy giờ, các tư tế và ngôn sứ nói với các thủ lãnh và toàn dân về ông Giê-rê-mi-a rằng: “Con người này đáng lãnh án tử, vì ông ta đã tuyên sấm chống lại thành này, như chính tai các ông đã nghe!” 12 Nhưng ông Giê-rê-mi-a đã trả lời tất cả các thủ lãnh và toàn dân như sau: “Chính Đức Chúa đã sai tôi tuyên sấm mọi lời liên quan đến Nhà này cũng như thành này mà các người đã nghe. 13 Vậy giờ đây, các người hãy cải thiện đường lối và hành vi của các người và hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của các người; bấy giờ Đức Chúa sẽ hối tiếc về tai hoạ Người đã quyết định để lên án các người. 14 Còn tôi, này tôi ở trong tay các người, các người cứ xử với tôi thế nào như các người coi là tốt đẹp và chính đáng. 15 Có điều xin các người biết rõ cho rằng: Nếu các người giết tôi, thì chính các người sẽ phải chuốc lấy máu vô tội cho mình, cho thành này và dân cư trong thành.  Vì quả thật là Đức Chúa đã sai tôi đến với các người để công bố cho các người nghe tất cả những điều trên đây.” 16 Bấy giờ, các thủ lãnh và toàn dân nói với các tư tế và ngôn sứ: “Con người này không đáng lãnh án tử, vì ông ta đã nói với chúng ta nhân danh Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta.”

(Trích Sách Giê-rê-mi-a bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời tiên tri có thể là những lời sấm nói về những chuyện sẽ xảy đến trong tương lai.  Tuy nhiên, những lời tiên tri cũng có thể là những tiếng nói lương tâm Chúa nói cho toàn dân về một lối sống sai trái trong hiện tại.  Một khi dân chúng đang đi sai đường, nuông chiều theo những dục vọng và làm điều ác, những tiếng nói lương tâm thường rất khó được chấp nhận, mọi người cảm thấy những tiếng nói ấy như thách thức và lên án đời sống của họ trong hiện tại.  Đâu là những tiếng nói hiện nay mà tôi cảm thấy như những lời tiên tri đang thách thức lương tâm của nhân loại và xã hội quanh tôi hôm nay?  Chẳng hạn, tiếng nói của những người ủng hộ bình đẳng giới tính, giai cấp, chủng tộc, những tiếng nói bảo vệ sự sống của thai nhi, người già, những tiếng nói tranh đấu cho nhân quyền, nhân phẩm, tự do tôn giáo…  Tôi đã thừa hưởng những phúc lợi nào từ những tranh đấu không mệt mỏi của những người này?  Những tiếng nói này có đang thách đố tôi không?  Tôi nói chuyện với Chúa về những tiếng nói này và xin cho được sức mạnh dám góp lửa cho những tranh đấu này.        

2.      Nhiều người đang đe dọa mạng sống của Giê-rê-mi-a, nhưng không vì thế mà ông chối từ mệnh lệnh của Chúa.  Ông vẫn hiên ngang nói lời của Chúa, đồng thời coi mình là không, phó thác mạng sống trong tay Chúa.  Chính nhờ vậy ông đã đủ bình tĩnh để rao giảng sứ điệp của Chúa mà vẫn tránh được những đe dọa mạng sống đối với ông.  Đây quả là sự khôn ngoan của Giê-rê-mi-a, nhưng cũng là sự quan phòng của Chúa đã giúp ông thoát chết.  Tôi có kinh nghiệm nào giống Giê-rê-mi-a không?  Tôi đã làm gì để giữ được sự bình tĩnh đối chất và tiếp tục sống đời sống chứng nhân?  Tôi đọc lại bài đọc để học sự khôn ngoan của Giê-rê-mi-a, đồng thời thêm can đảm dám nói lời sự thật và chống lại bất công , áp bức.   

Phạm Đức Hạnh, SJ


Thursday, July 30, 2020

Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 31-7-2020 – Lễ Thánh I-nha-xi-ô Loyola

Thu Sau XVII TN

Gioan 1:35-39

35 Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. 36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa." 37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. 38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: "Các anh tìm gì thế?" Họ đáp: "Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?" 39 Người bảo họ: "Đến mà xem."  Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.  Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là lễ Thánh I-nha-xi-ô Loyola, vị sáng lập Dòng Tên, tức là Dòng Chúa Giesu.  Chính ngài đã viết ra sách Linh Thao, một tập sách bao gồm những phương pháp giúp các thao viên làm những phân định thiêng liêng, tìm gặp Chúa trong mọi sự và đi vào những kinh nghiệm riêng tư và đầy huyền bí với Thiên Chúa.  Bài đọc hôm nay bao gồm hai câu hỏi; nhưng có thể nói, hai câu hỏi này như tóm lược toàn bộ tập sách Linh Thao của Thánh I-nha-xi-cô.  Câu hỏi thứ nhất, Chúa Giesu hỏi các môn đệ của Gioan: “Các bạn tìm gì thế?”  Câu hỏi này cũng có nghĩa là: “Các bạn muốn gì?”  Đây chính là câu hỏi mà Thánh I-nha-xi-ô muốn mọi người làm linh thao phải hỏi chính mình trong mọi giờ cầu nguyện, hỏi chính mình trong suốt tiến trình phân định thiêng liêng của cả khóa linh thao 30-ngày.  Tưởng đây cũng là câu hỏi tôi cần hỏi chính tôi: “Tôi muốn gì trong giờ cầu nguyện này?”  Một khi tôi biết tôi muốn gì và trả lời với Chúa, tôi sẽ thấy giờ cầu nguyện dễ tập trung hơn, trở nên tỉnh táo hơn trong giờ cầu nguyện.  Đây cũng là câu tôi cần hỏi tôi mỗi khi đắn đo, phân vân, tính toán để làm một chọn lựa giữa muôn chọn lựa trong cuộc sống, sao cho những gì tôi chọn giúp tôi trở thành người môn đệ mang những giá trị của Chúa Giesu hơn.

2.      Câu hỏi thứ hai các môn đệ của Gioan hỏi Chúa Giesu: “Thưa Thầy, Thầy đâu?”  Chúa Giesu đã đáp lại câu hỏi bằng cách mời các môn đệ đến chỗ Ngài ở.  Họ đã đến và “ở” với Chúa Giesu chiều hôm ấy, khoảng giờ thứ mười.  Các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng, chữ “ở” của Phúc âm Gioan có một ý nghĩa rất sâu: Thứ nhất, “ở” (remain) là chữ chỉ về cầu nguyện trong Phúc âm Gioan.  Như vậy cầu nguyện có nghĩa là ở với Thiên Chúa.  Cầu nguyện không chỉ là nói bô ba hay oang oang trên miệng, nhưng là ở thật sâu lắng với Thiên Chúa.  Chữ “ở” này được lập đi lập lại hoài trong toàn bộ Phúc âm Gioan.  Chữ “ở” này không phải như hai người ở trong một căn phòng, nhưng là nên một như cây với cành, như tay chân với thân mình, 15:1-9.  Một khi tôi ở và nên một với Thiên Chúa, thì Chúa ở đâu, tôi ở đó, và tôi đi đâu hay làm bất cứ điều gì, Chúa cũng ở đó với tôi.  Tôi có thể tìm thấy Chúa trong mọi sự, mọi người và mọi nơi trong một ngày sống của tôi.  Tôi dám Chúa ở với tôi mọi nơi, mọi lúc, trong mọi người và mọi việc trong ngày sống của tôi không?  Tôi có thấy Chúa đã ở với tôi những khi tôi làm những điều cao đẹp, những nghĩa cử ân tình, những nơi tôi thích và những người tôi yêu không?  Tôi có thấy Chúa cũng đã ở với tôi những khi tôi làm điều ác, gian dối, nói xấu người khác?  Chúa phản ứng và nói gì với tôi mỗi khi tôi làm những điều cao đẹp hoặc xấu xa ấy?  Trong lúc này, tôi muốn phó thác cả ngày sống của tôi trong tay Chúa, qua bài hát: “Mong Chẳng Còn Gì,” của Thi sĩ Tagore, https://www.youtube.com/watch?v=o7ZFVOjDpjk  

Phạm Đức Hạnh, SJ            


Wednesday, July 29, 2020

Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 30-7-2020

Thu Nam XVII TN

Giê-rê-mi-a 18:1-6

1Có lời Đức Chúa phán với ông Giê-rê-mi-a rằng: 2 “Ngươi hãy trỗi dậy và xuống nhà thợ gốm, ở đó Ta sẽ cho ngươi nghe lời Ta.” 3 Tôi xuống nhà thợ gốm, và này anh ta đang sử dụng chiếc bàn xoay hai bánh. 4 Nhưng chiếc bình anh đang nắn bị hỏng, như có lúc xảy ra khi thợ gốm nặn đất sét.  Anh làm lại một chiếc khác đúng như anh thấy cần phải làm. 5 Bấy giờ có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: 6 “Hỡi nhà Ít-ra-en, đối với các ngươi, Ta lại không thể làm được như người thợ gốm này hay sao?  Sấm ngôn của Đức Chúa.  Này hỡi nhà Ít-ra-en, đất sét ở trong tay người thợ gốm thế nào, các ngươi ở trong tay Ta cũng như vậy.”

(Trích Sách Giê-rê-mi-a bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay tuyệt đẹp, rất dễ thương và đầy hy vọng.  Trong đó, Chúa mời gọi Giê-rê-mi-a đến nhà người thợ gốm để ở đó, chỉ cho ông thấy Ngài có thể biến mọi sự nên đẹp, mọi đổ vỡ trở nên những tuyệt phẩm.  Thiên Chúa chính là thợ gốm tài giỏi, nghệ nhân tài ba.  Điều này có làm cho tôi hy vọng hơn ở Chúa không?  Điều này có làm cho tôi mạnh dạn đến với Chúa, dù tôi có là người như thế nào, và đã làm những sai trái tầy trời như thế nào?  Tôi lấy can đảm và sự tin tưởng để trở về với Chúa, phó thác trọn vẹn con người của tôi trong tay Chúa lúc này. 

2.      Tôi muốn đọc lại bài đọc trên và để ý, đâu là những mảnh vỡ trong cuộc đời của tôi.  Tôi muốn đặt để con người tôi vào tay Chúa, thợ gốm tài giỏi và nghệ nhân tài ba để Ngài biến những đổ vỡ trong tôi trở nên những tuyệt phẩm.  Tôi hình dung tôi đang ở trong tay Chúa lúc này.  Đôi tay điêu luyện và uyển chuyển của Ngài đang quyện lấy tôi, uốn nắn tôi trở nên tuyệt đẹp trở lại.  Tôi để ý tâm tình, ước mơ và hy vọng của Chúa đang đặt trọn vào trong đôi tay của Ngài khi uốn nắn tôi, không một chút buồn bực, không một chút thất vọng về những đổ vỡ trong tôi.  Tôi muốn buông lỏng, hoàn toàn phó thác con người tôi trong sự uốn nắn của Ngài.  Nói một cách khác, từ nay trở đi tôi xin được ý thức hơn và ao ước luôn lấy ý Chúa làm ý tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ


Tuesday, July 28, 2020

Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 29-7-2020 – Lễ Thánh Mác-ta

Thu Tu XVII TN

Gioan 11:19-27

19Khi ấy, nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô là La-da-rô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người.  Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23 Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” 24 Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25 Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống.  Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.  Chị có tin thế không?” 27 Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có.  Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là lễ Thánh Mác-ta.  Dù bà chỉ được nhắc đến rất ít trong Tân ước, nhưng bà lại rất nổi tiếng, nhờ cách viết tài giỏi của Luca và Gioan làm cho mọi người, dù chỉ đọc qua hay nghe qua một lần về bà cũng sẽ, nhớ mãi về bà.  Lần duy nhất bà được nhắc đến trong Phúc âm Luca đó là khi Chúa Giêsu đến thăm và dùng bữa với bà cùng em gái của bà là Maria, 10:38-42.  Bà được nhớ mãi trong câu chuyện này như là người rất yêu Chúa Giêsu qua sự bận rộn phục vụ.  Lần thứ hai bà được nhắc đến trong Tân ước, Phúc âm Gioan, đó là bài đọc hôm nay, khi Chúa Giêsu đến chữa cho em trai của bà là La-da-rô được sống lại, 11:1-39.  Bà được nhớ mãi trong câu chuyện thứ hai này như là người có đức tin mạnh mẽ, đã tuyên tín Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.  Một lần nữa bà được nhắc đến trong Phúc âm Gioan, 12:2, đó là câu chuyện giống trong Phúc âm Luca, khi bà bận rộn phục vụ Chúa Giêsu, còn em của bà xức dầu ở chân Ngài.  Hình ảnh nào về Mác-ta gây ấn tượng nhất trong tôi?  Có khi nào tôi đã rất giống Mác-ta trong tương quan với Chúa như: bận rộn trong phục vụ, hoặc niềm tin xác tín?  Hình ảnh nào đã dẫn tôi đến gần, để hiểu và yêu mến Chúa Giêsu nhất?  Tôi muốn dùng hình ảnh nào để diễn tả tương quan giữa tôi với Chúa Giêsu cho mọi người xung quanh trong ngày hôm nay?

2.      Mác-ta đã cho người đi tìm Chúa Giêsu để báo cho Ngài biết em trai của bà đang đau nặng.  Bà cũng là người đã chạy ra gặp Chúa Giêsu, khi nghe tin Ngài đến.  Câu đầu tiên của bà với Chúa Giêsu đó là trách móc sự chậm trễ của Ngài, vì em trai của bà đã chết bốn ngày rồi.  Tôi có thể hình dung sự thất vọng của Mác-ta về Chúa Giêsu lớn như thế nào, khi bà biết Chúa Giêsu như người thân trong nhà của bà.  Bà lại còn được biết Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ ở nhiều nơi và với nhiều người, vậy mà bà lại không được Ngài chiếu cố, đến đúng lúc để chữa và cứu sống cho em của bà.  Sự thất vọng đến nỗi phát thành những lời trách móc, chảy thành lệ rơi, nói lên sự thân mật, thân thiện và thoải mái của bà đối với Chúa Giêsu.  Có khi nào tôi đến với Chúa Giêsu một cách thoải mái, thân thiện và bộc trực, không một chút e dè, ngại ngùng như vậy không?  Tôi cũng có thể hình dung niềm vui của bà lớn như thế nào, niềm tin của bà mạnh mẽ như thế nào khi được Chúa Giêsu đến an ủi, trấn an cho đức tin của bà rằng, em trai bà sẽ sống lại.  Có khi nào tôi cũng cảm thấy được Chúa Giêsu chiếu cố, an ủi, nâng đỡ và trấn an tôi, mỗi khi tôi gặp khó khăn hoặc bị chao đảo trong cuộc sống?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?  Trách móc Ngài, tuôn lệ ra với Ngài, hay xin Ngài củng cố niềm tin và trấn an tôi?  Tôi có điều gì muốn được Chúa Giêsu quan tâm trong lúc này không?  Tôi để ý Ngài nói gì và phản ứng thế nào với tôi trong lúc này.     

Phạm Đức Hạnh, SJ


Monday, July 27, 2020

Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 28-7-2020

Thu Ba XVII TN

Mát-thêu 13:36-43

36Khi ấy, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà.  Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” 37 Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian.  Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời.  Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ.  Mùa gặt là ngày tận thế.  Thợ gặt là các thiên sứ. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ.  Ai có tai thì nghe.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là phần giải thích dụ ngôn Lúa và Cỏ lùng trong bài đọc của Chúa Nhật tuần trước, 16.  Dù bài đọc hôm nay nói là, các môn đệ xin Chúa Giêsu giải thích dụ ngôn này cho họ, nhưng thực ra những lời giải thích này là của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.  Từ dụ ngôn này Chúa Giêsu đã cho mọi người thấy, thế giới luôn có sự hiện diện đối lập giữa Thiên Chúa và Ma Quỷ, giữa những người làm sự thiện và những người làm sự ác.  Sự phân rẽ này cũng không thay đổi trong xã hội hôm nay.  Như vậy, Thiên Chúa đã không bứng rễ, hay hủy diệt những người làm điều ác khỏi cuộc đời này ngay, mà lại để cho cả hai thiện ác sống chung cho đến ngày phán xét.  Tôi phản ứng như thế nào về sự thật này?  Tôi thấy lòng nhân từ và sự kiên nhẫn của Chúa đối với những người làm điều ác nói với tôi điều gì?

2.      Thế giới luôn có lúa và cỏ lùng, thiện và ác, những người làm điều lành và những người làm điều dữ, và cuối cùng Thiên Chúa sẽ hủy diệt sự ác.  Tôi thấy tôi thuộc nhóm người nào, hay tôi khi thế này, khi thế khác, hoặc tôi thuộc nhóm ở giữa?  Tôi cảm thấy kinh nghiệm thuộc về một phía nào đó như thế nào? Dù tôi thuộc nhóm nào, tôi muốn nói với Chúa về hiện trạng của tôi lúc này.  Tôi cần làm gì lúc này để tôi thuộc về sự thiện hơn mỗi ngày?

Phạm Đức Hạnh, SJ


Sunday, July 26, 2020

Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 27-7-2020

Thu Hai XVII TN

Mát-thêu 13:31-33

31Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác.  Người nói: “Nước Trời giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” 33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Mấy tuần này, Giáo hội muốn tôi suy niệm về Nước Trời qua những dụ ngôn của Chúa Giêsu.  Trước hết, cần phải tránh sự hiểu lầm trong cách viết của Mát-thêu về hai chữ, “Nước Trời,” nằm ngay đầu dụ ngôn của Chúa Giêsu, một kiểu viết rất khác với Mác-cô và Luca, “Nước Thiên Chúa”.  Sở dĩ Mát-thêu dùng kiểu viết “Nước Trời” là vì, ngài viết Phúc âm cho người Do-thái, mà người Do-thái lại rất giống người Việt Nam ở chỗ, kiêng nói đến tên của những người cao trọng.  Vì thế, thay vì viết “Nước Thiên Chúa,” Mát-thêu đã tránh dùng chữ “Thiên Chúa,” nên đã viết “Nước Trời,” để tránh phạm húy.  Tuy nhiên, hai chữ này rất dễ làm cho tôi nghĩ, “Nước Trời” là nơi mà sau khi chết tôi sẽ được Chúa thưởng, chứ nơi ấy không có ở đời này.  Không.  Nước Trời, mà Chúa Giêsu nói, đang xảy ra quanh tôi, đó là nơi của những mối tương quan yêu thương giữa tôi với những người chung quanh ngay tại đời này.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói Nước Trời bắt đầu rất nhỏ, như hạt cải, nhỏ đến mức không ai để ý, nhưng khi mọc lên lại có thể trở thành chỗ nương náu cho chim chóc.  Tôi có thể nhìn vào lịch sử Giáo hội để thấy những lời Chúa Giêsu nói là thật.  Chẳng hạn, trong hai ngàn năm qua, Nước Trời đã rủ bóng qua sự tranh đấu cho quyền con người, quyền được tôn trọng nhân phẩm từ khi sinh đến khi chết, quyền giới lao động, phẩm giá của người di dân và tị nạn, những nỗ lực mở mang giáo dục từ sơ cấp đến đại học, sự quan tâm săn sóc những người già, người nghèo, người khuyết tật, những người bị xã hội ruồng bỏ vì mắc phải những chứng bệnh lây lan và hiểm nghèo như: bệnh cùi, Si-đa, Covid-19…  Bản thân tôi đã được hưởng những ích lợi nào từ Nước Trời, tức Giáo hội ngày nay?  Tôi có thể là khởi điểm cho nước trời tiếp tục lớn lên trong cuộc đời này không?  Dù những gì tôi có chỉ nhỏ như hạt cải, hãy quảng đại, tin tưởng và lạc quan để Chúa dùng, nó sẽ trở thành nơi nương náu cho nhiều người.

2.     Chúa Giêsu cũng ví Nước Trời như một chút men trong bột có thể làm cả khối bột dậy men.  Nước Trời mà Chúa Giêsu nói, nhỏ bé đến vô hình, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh.  Dù thực tế có như thế nào, tôi có muốn là men, ẩn mình, vô hình, nhưng tác động rất lớn ở mọi nơi tôi hiện diện?  Tôi có thể là men trong gia đình tôi, cộng đoàn giáo xứ và cuộc đời này không?  Trong giây phút này tôi để ý, xem Chúa muốn tôi là men ở đâu và như thế nào trong ngày hôm nay? 

Phạm Đức Hạnh, SJ


Saturday, July 25, 2020

Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên – Năm A – 26-7-2020

CN XVII TN

1 Các Vua 3:5, 7-12

5Hồi ấy, tại Ghíp-ôn, đang đêm Đức Chúa hiện ra báo mộng cho vua Sa-lô-môn, Thiên Chúa phán: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” 7 Vua Sa-lô-môn thưa: “Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con còn trẻ người non dạ, không biết cầm quyền trị nước. 8 Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, đông không đếm nổi. 9 Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” 10 Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó. 11 Thiên Chúa phán với vua: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, 12 thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.”

(Trích Sách Các Vua II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay tôi cầu nguyện với Sách Các Vua, qua câu chuyện khởi đầu vương triều của Vua Sa-lô-môn.  Sách Các Vua hình thành vào khoảng đầu thế kỷ thứ 6 T.C.N, cuối thời kỳ lưu đầy của Dân Do-thái tại Babylon.  Truyền thống cho rằng, sách này do Tiên tri Giê-rê-mi-a viết, nhưng các học giả Thánh Kinh ngày nay đều cho rằng, sách này đã do nhiều người viết, mỗi người mỗi phần, và tác giả là những nhân vật nổi bật trong mỗi phần của sách.  Tuy nhiên, toàn bộ Sách Các Vua I & II đều có một cái nhìn chung đó là giải thích, mang tính thần học, về sự điêu tàn của Nhà Giu-đa đã dẫn đến cuộc lưu đầy bên Babylon (960-560 T.C.N), và đặt nền cho sự trở về sau cuộc lưu đầy.  Bài đọc hôm nay, Thiên Chúa báo mộng cho Vua Sa-lô-môn: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.”  Điều này nghe như trong các truyện thần thoại, mỗi khi con người gặp khó khăn, họ cầu cứu thần tiên.  Thường là, một ông hay tiên bà tiên nào đó xuất hiện và nói: “Con muốn xin gì, ta sẽ cho con ba điều ước!”  Vua Sa-lô-môn vừa lên ngôi và còn non trẻ, nhưng lại phải lãnh đạo một dân đông đúc không kể xiết, ông bối rối và cảm thấy khó khăn.  Chúa đã đến và nâng đỡ ông.  Có điều gì đang chiếm cả cõi lòng tôi lúc này, làm tôi khó ăn, khó ngủ, đứng ngồi không yên, sợ hãi và lo lắng ngập tràn?  Trong giây phút của giờ cầu nguyện này, nếu Chúa hỏi tôi như đã hỏi Vua Sa-lô-môn, tôi sẽ nói gì với Ngài?  Tôi suy nghĩ và tôi để ý, Chúa gặp tôi và nói gì với tôi trong lúc này.

2.      Vua Sa-lô-môn đã xin gì?  Ông xin: Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái.”  Ông đã xin cho biết cai trị dân bằng sự LẮNG NGHE, không bằng quyền lực.  Ông cũng xin cho sự KHÔN NGOAN TRONG PHÂN ĐỊNH, BIẾT PHẢI BIẾT TRÁI.  Thiên Chúa thật hài lòng về những gì Vua Sa-lô-môn xin, và Ngài đã ban cho ông hơn cả điều ông xin, hơn cả điều ông tưởng: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.”  Đẹp quá!  Cách thức cầu nguyện của Vua Sa-lô-môn có làm đảo ngược hoặc đặt một thách đố về cách cầu nguyện của tôi bao lâu nay không?  Tôi muốn xin điều mà Vua Sa-lô-môn đã xin không, hay tôi sẽ xin những gì cần và muốn, nhưng không phải là quan trọng nhất?  Có điều gì tôi muốn thương lượng với Chúa trong lúc này?  Trong giây phút này, tôi muốn gặp Chúa và giãi bày tâm sự với Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ


Friday, July 24, 2020

Thứ Bảy Tuần XVI Thường Niên – Năm A – 25-7-2020

Thu Bay XVI TN

2 Cor. 4:7-12

7Thưa anh em, chúng tôi mang sứ vụ tông đồ nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. 8 Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; 9 bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. 10 Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. 11 Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi. 12 Như thế, sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì lại hoạt động nơi anh em.

 (Trích Thư Cô-rin-tô II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Phao-lô, một mẫu gương sáng của đời sống tông đồ.  Ông tự hào vì được phục vụ Chúa và mọi người.  Tuy cho rằng ông được kêu gọi để giới thiệu Chúa Giêsu đến cho mọi người, đặc biệt dân ngoại, sứ vụ này cao cả lắm, nhưng ông lại cảm thấy sự cao cả này được chứa trong sự mỏng giòn và yếu đuối của ông, mỏng giòn ấy ví tựa bình sành dễ vỡ.  Chính cái nhìn rất thật về sự mỏng giòn yếu đuối của mình mà ông thấy, tất cả những gì ông đã làm hoàn toàn là do ơn Chúa, chứ không tự sức mình.  Sự khiêm nhường của Phao-lô soi sáng và nâng đỡ đời sống phục vụ của tôi ra sao?  Đời sống phục vụ Chúa trao cho tôi bao lâu nay có thể là, làm cha mẹ, thầy cô, tu sĩ, lãnh đạo cộng đoàn.  Dù rằng, tôi có nhiều lỗi lầm như: tham lam, đam mê, ích kỷ, tự cao tự đại, biếng nhác, hận thù…, ấy vậy mà Chúa vẫn chọn tôi.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Có điều gì tôi muốn thân thưa với Chúa để được trợ giúp, hầu thi hành tốt vai trò của tôi chăng?    

2.      Phao-lô tâm sự, dù đã nhiều lần yếu đuối, hoang mang, bị ngược đãi, bị dồn ép tư bề, nhưng vẫn không bị đè bẹp, không tuyệt vọng, không cảm thấy bị bỏ rơi, không bị tiêu diệt, bởi vì ông luôn mang trong mình sự sống của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu chính là nguồn sống, động lực giúp Phao-lô đứng lên và đi tiếp cho hành trình ơn gọi của ông.  Bao lâu nay, tôi có cậy dựa vào Chúa Giêsu để thực thi vai trò và ơn gọi của tôi không, hay chỉ cậy dựa vào chính mình hoặc quyền lực trần thế?  Hằng ngày tôi tìm gặp Chúa bằng cách nào và ở đâu?  Thánh Thể chăng?  Các giờ cầu nguyện chung của cộng đoàn, hoặc gia đình chăng?  Các giờ cầu nguyện âm thầm và riêng tư với Chúa chăng?  Tôi muốn dành giây phút này ngồi bên Chúa để được Ngài tiếp sức.     

Phạm Đức Hạnh, SJ


Thursday, July 23, 2020

Thứ Sáu Tuần XVI Thường Niên – Năm A – 24-7-2020

Thu Sau XVI TN

Mát-thêu 13:18-23

18Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. 19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. 20 Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận; 21 nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nông nổi nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. 22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời, khiến Lời không sinh hoa kết quả. 23 Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nối tiếp dụ ngôn Gieo Giống, trong Mt. 13:4-9.  Bài đọc hôm nay là phần giải thích cho dụ ngôn ấy.  Các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng, Chúa Giêsu đã kết thúc những lời giảng của Ngài về dụ ngôn ấy ở câu “Ai có tai thì nghe” (Mt 13:9).  Như vậy, những lời giải thích dụ ngôn trong bài đọc hôm nay không phải là lời của Chúa Giêsu nói lúc bấy giờ, nhưng là những lời của cộng đồng Kitô hữu tiên khởi.  Họ giải thích dụ ngôn dựa trên những kinh nghiệm có thực trong cộng đoàn về, cách thức đón nhận những lời dạy của Chúa Giêsu và sinh hoa trái trong cuộc sống của mỗi người.  Tôi có thể dùng những lời giải thích dụ ngôn của công đoàn Kitô hữu tiên khởi để, nhìn vào cuộc đời của chính tôi hôm nay.  Tôi đã lãnh nhận lời Chúa như thế nào?  Những hạt giống lời Chúa đã trổ bông kết trái như ra sao? 

2.      Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi nhận thấy Thiên Chúa là người gieo và gieo một cách rộng lượng, thoải mái, chỗ nào Ngài cũng gieo: đất bên đường, đất sỏi đá, đất đầy gai góc, đất mầu mỡ.  Tôi có thể thấy ngay: Thiên Chúa là một nhà nông thật giầu có và quảng đại.  Bởi không một nhà nông nào vương vãi hạt giống của mình như vậy.  Thứ đến, Thiên Chúa là một nhà nông đầy hy vọng.  Ngài gieo và hy vọng rằng hạt sẽ nẩy mầm, dù ở chỗ nào.  Tôi nghĩ sao về lòng rộng lượng của Thiên Chúa?  Tôi nghĩ sao về sự lạc quan và hy vọng của Thiên Chúa khi Ngài gieo Chúa Giêsu vào cuộc đời tôi, bất kể tôi là ai: vệ đường, sỏi đá, bụi gai hay mầu mỡ?  Cuối cùng hạt gieo vào đất mầu mỡ, đã sinh rất nhiều hoa trái, tuy nhiên không đồng đều: Có hạt sinh được gấp trăm, hạt sáu chục, hạt ba chục.  Tôi thuộc loại nào, sinh nhiều hay sinh ít?  Điều gì khiến tôi sinh ít hoa trái?  Điều gì đã giúp tôi sinh nhiều hoa trái?  Chúa có thất vọng hay rất tự hào về tôi?  Tôi có thể bắt chước Chúa Giêsu rộng lượng và lạc quan, chia sẻ Chúa cho những người quanh tôi, dù cuộc đời họ là vệ đường, sỏi đá, gai góc, hoặc mầu mỡ?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Người Gieo Giống” của Hoàng Đức, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=TtSgLnOUXgA

Phạm Đức Hạnh, SJ


Wednesday, July 22, 2020

Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên – Năm A – 23-7-2020

Thu Nam XVI TN

Thánh vịnh 36:6-11

6Lạy Chúa, tình thương Ngài cao ngất trời xanh,
lòng thành tín vượt ngàn mây biếc.

7abCông lý của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn,
quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm.

8Lạy Thiên Chúa, tình thương Ngài quý trọng biết bao!
Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn.

9Họ được no say yến tiệc nhà Ngài,
nơi suối hoan lạc, Ngài cho uống thoả thuê.

10Ngài quả là nguồn sống,
nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng.

11Xin hằng thương những kẻ biết Ngài,
và hằng xử công minh với những ai có lòng ngay thẳng.

(Trích Thánh Vịnh bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Thánh Vịnh 36 mà tôi được đọc hôm nay thuộc loại Thánh Thi Ngợi Ca, trong đó Đa-vít ca ngợi lòng thương xót và quan phòng của Chúa dành cho ông và dân của ông.  Tôi có thể cùng Đa-vít ca ngợi Thiên Chúa về những ơn lành Chúa đã ban trong cuộc đời tôi từ bé cho đến giờ, hay ít ra là trong thời gian gần đây, hoặc ít hơn nữa là trong ngày hôm nay.  Tôi biết ơn Chúa điều gì nhất trong ngày hôm nay?  Tôi biết ơn ai điều gì nhất trong ngày hôm nay?  Điều gì, kinh nghiệm nào, hoặc ai đó đã giúp tôi nhận ra, hoặc ở gần Chúa nhất trong ngày hôm nay? 

2.      Tôi chọn một câu nào đó đánh động tôi nhất và suy chiêm về câu ấy trong thời gian còn lại của giờ cầu nguyện hôm nay.  Tôi cũng để cho câu này vang vọng trong tim tôi suốt cả ngày sống của tôi hôm nay. 

Phạm Đức Hạnh, SJ