Tuesday, June 30, 2020

Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – Năm A – 1-7-2020

Thu Tu XIII TN


A-mốt 5:14-15, 21-24

21Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. 22 Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu... những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,
chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. 23Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa. 24 Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.

(Trích Sách A-mốt bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay được trích từ sách Tiên tri A-mốt, một tập sách có vào khoảng thế kỷ thứ 8 T.C.N.  Tiên tri A-mốt là một tiên tri đầu tiên của Cựu ước, nổi tiếng là một tiên tri rất thẳng thắn và mạnh mẽ chống lại bất công áp bức.  Ông cũng là người đã tiên tri về miền bắc Do-thái sẽ bị tàn phá.  Nếu đọc Thánh Kinh Cựu Ước, tôi sẽ thấy rõ sự thực hành niềm tin tiến triển thành ba giai đoạn rõ rệt.  Khởi đầu là lối thực hành niềm tin trọng lề luật.  Điều này có thể thấy rõ trong bộ Ngũ Kinh, tức năm quyển đầu tiên của Thánh Kinh.  Người ta phải giữ luật một cách tỉ mỉ mới được xem là đẹp lòng Chúa, chẳng hạn như giữ luật tế tự như trong Sách Đệ Nhị Luật, chương 2-7.  Lối thực hành niềm tin trưởng thành hơn, không phải là giữ luật tỉ mỉ nữa, mà là thực thi công lý, tranh đấu chống lại mọi bất công áp bức.  Điều này thể hiện rõ trong các sách tiên tri, cụ thể như bài đọc hôm nay.  Cuối cùng cách thể hiện đức tin ở mức độ cao nhất, không phải chỉ ở việc giữ luật tỉ mỉ, cũng chẳng phải là tranh đấu chống lại áp bức bất công mà thôi, nhưng là tỏ lòng thương xót.  Điều này xuất hiện nhiều trong loại sách Khôn Ngoan, chẳng hạn như: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.  Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, như xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (Tv. 25:6-7).  Nhìn như vậy, tôi có thể thấy, chẳng phải chỉ thời Cựu Ước mới có ba nhóm người thực hành đức tin kiểu vậy, nhưng mà ngày nay ở trong mọi tôn giáo, mọi xứ đạo cũng đều xuất hiện ba loại người này.  Có người coi trọng việc đọc kinh đi lễ, rước lễ bằng lưỡi hay bằng tay mới đúng, nhưng lại chẳng để ý đến chuyện đấu tranh chống lại áp bức bất công.  Loại một này có thể thấy rất nhiều trong các xứ đạo Việt Nam.  Lại có những người không quan trọng lắm việc rước lễ kiểu nào, đi lễ đều đặn hay không, nhưng là có quan tâm đến những bất công trong xã hội hay không.  Và rồi có nhóm người dung hòa cả hai, miễn sao làm mọi sự trong yêu thương là được, như Chúa Giesu, sẵn sàng phá luật để cứu người.  Tôi thuộc nhóm người nào?  Bao lâu nay tôi vẫn giữ luật một cách cứng nhắc mà thiếu uyển chuyển yêu thương ư?  Bao lâu nay tôi vẫn đòi hỏi người này người kia sòng phẳng với tôi, theo kiểu có qua có lại mới toại lòng nhau ư?  Tôi ngồi bên Chúa trong lúc này và hỏi Ngài, về những cách thực hành niềm tin bao lâu nay của tôi, có phải là cách Chúa ưa thích không?  

2.      Tôi cũng muốn lấy lời Chúa qua miệng Tiên tri A-mốt trong bài đọc hôm nay, mà suy ngẫm đêm ngày, và làm cho lời này trở thành hiện thực trong mọi ngày sống của tôi: Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.” 

Phạm Đức Hạnh, SJ


Monday, June 29, 2020

Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên – Năm A – 30-6-2020

Thu Ba XIII TN


Mát-thêu 8:23-27

23Khi ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. 24 Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. 25 Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” 26 Đức Giê-su nói: “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. 27 Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

(Trích Phúc Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật hay.  Dù chỉ trong một đoạn rất ngắn, nhưng cũng đủ để tôi suy niệm lâu giờ về những gì mà Mát-thêu ghi nhận.  Trong phúc âm, hình ảnh chiếc thuyền thường được dùng như biểu tượng để nói về giáo hội.  Như vậy trong bối cảnh của bài đọc này, Mát-thêu đang nói về giáo hội, cộng đồng của ngài đang gặp sóng gió mạnh, khiến mọi người hoảng loạn tưởng rằng sẽ chết, tưởng rằng sẽ tan rã.  Trước tình cảnh ấy, họ đã kêu cầu, đánh thức Chúa Giêsu dậy.  Giáo hội, giáo xứ, gia đình tôi (một giáo hội thu nhỏ), hoặc con người tôi đang gặp sóng gió nào, nguy hiểm đến mức nào?  Ai đang ngủ trong hoàn cảnh hiện nay: Chúa Giêsu hay tôi?  Tôi có nhận ra sự hiện diện của Chúa và cầu cứu Ngài, trong lúc hoảng loạn này, hay chỉ thấy dông bão thôi?  Tôi muốn đánh thức Chúa Giêsu và đánh thức chính tôi, để cùng với Chúa Giêsu, có những hành động cụ thể cứu giáo hội, giáo xứ, gia đình và tôi.   

2.      Tôi để ý chuyện gì sẽ xảy ra khi kêu cứu, đánh thức Chúa Giêsu dậy.  Tôi có tin đủ không?  Sóng gió có lặng yên chút nào trong tâm hồn tôi, gia đình tôi, xứ đạo tôi, giáo hội tôi không?  Chúa Giêsu sẽ nói gì khi Ngài tỉnh dậy?  Liệu tôi có bị cho là kém lòng tin? 

Phạm Đức Hạnh, SJ


Sunday, June 28, 2020

Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên – Năm A – 29-6-2020 – Lễ Kính Thánh Phê-rô và Phao-lô

Thu Hai XIII TN

Mát-thêu 16:13-19

13Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” 14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

(Trích Phúc Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay bao gồm hai câu hỏi: “Người ta nói Con Người [Thầy] là ai?,” và “Anh em nói Thầy là ai?”.  Câu hỏi thứ nhất thuộc loại giáo lý và câu trả lời nằm ở trên đầu.  Tôi có thể dựa trên giáo lý, giáo hội, nhà thờ, các cha, các sơ, các phụ huynh để trả lời câu hỏi thứ nhất này.  Nếu Chúa Giêsu hay bất cứ ai hỏi tôi câu hỏi này, tôi có thể trả lời rất rành mạch và lưu loát.  Tuy nhiên, câu trả lời cho câu hỏi này chỉ đủ chứng tỏ cho mọi người biết: Tôi chịu đọc sách đến đâu, kiến thức giáo lý của tôi như thế nào, chứ không nói gì về tương quan giữa tôi với Thiên Chúa!  Chúa Giêsu dường như chẳng quan tâm lắm về câu trả lời loại thứ nhất này.  Câu hỏi thứ hai thuộc loại kinh nghiệm cá nhân, và câu trả lời nằm ở con tim.  Tôi không thể dựa vào giáo lý, sách vở, giáo hội, nhà thờ, các cha, các sơ, các phụ huynh để trả lời cho Chúa Giêsu được, nhưng phải nhìn vào chính đời sống cầu nguyện của tôi mỗi ngày, đi vào kinh nghiệm riêng tư, thân mật và mang tính cá vị với Chúa Giêsu để trả lời câu hỏi thứ hai này.  Giây phút này, tôi muốn xem lại: Câu trả lời nào đã là trung tâm điểm đời sống đức tin của tôi?  Bao lâu nay tôi đến với Chúa bằng cái đầu hay bằng con tim?  Bao lâu nay tôi gặp Chúa, biết Chúa trực tiếp hay vẫn chỉ là qua người khác?  Nếu Chúa Giêsu hỏi tôi nói Ngài là ai, tôi sẽ trả lời với Ngài như thế nào?

2.     Sau khi Phê-rô trả lời cho Chúa Giêsu câu hỏi thứ hai, Ngài khen ông và nói là ông được Chúa Cha mạc khải nên mới có thể trả lời được như thế.  Thiên Chúa tiếp tục mạc khải cho mọi người về Ngài qua cầu nguyện, qua kinh nghiệm gặp gỡ Chúa trong cuộc sống.  Tôi muốn đặt mình, chìm đắm mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa, ngay giây phút này.  Tôi muốn xin được Chúa vén mở cho tôi biết một chút về Ngài, tỏ cho tôi biết một chút ước mơ của Ngài về tôi, nói cho tôi biết Ngài muốn tôi phải thể hiện cách sống như thế nào với mọi người xung quanh trong ngày hôm nay. 

Phạm Đức Hạnh, SJ


Saturday, June 27, 2020

Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên – Năm A – 28-6-2020

CN XIII TN


Mát-thêu 10:40-42

40[Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng]: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. 41 “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. 42 “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

(Trích Phúc Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hiếu khách là chủ đề của giờ cầu nguyện hôm nay.  Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ và cũng là cho tôi thấy Thiên Chúa quý trọng việc hiếu khách của con người.  Việc đón tiếp Chúa Giêsu, các ngôn sứ, người công chính, hay bất cứ ai, dù họ là những người tầm thường nhỏ bé, Thiên Chúa đều ghi nhận, Ngài kể việc đón tiếp ấy chính là đón tiếp Ngài, và như thế tôi trở thành ân nhân của Thiên Chúa.  Có khi nào tôi đã đón tiếp ai với tất cả tấm lòng thành và cảm thấy như tôi đã đón tiếp Thiên Chúa?  Có khi nào tôi cảm thấy được Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất đón tiếp tôi, mỗi khi tôi bước vào giờ cầu nguyện?  Giờ cầu nguyện không phải là, tôi mời Chúa đến thăm căn nhà tâm hồn tôi cho bằng nhận ra, Chúa đã mở cửa và chờ đợi tôi vào cung lòng của Ngài từ bao giờ rồi.  Tôi mạnh dạn bước vào nhà của Chúa ngay bây giờ.     

2.      Có khi nào tôi đã được ai đón tiếp một cách quảng đại chưa?  Tôi cảm thấy như thế nào về sự rộng lượng và yêu thương đón tiếp của họ?  Tôi có được thúc đẩy để làm những nghĩa cử như vậy với những người khác không?  Có khi nào tôi đã bị ai đó chối từ, bị xua đuổi chưa?  Cảm nghiệm ấy như thế nào?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa, xin Ngài chữa lành nỗi đau bị hất hủi ấy.  Ai là người mà tôi đang hất hủi, không muốn đón tiếp họ trong lúc này?  Tôi xin Chúa giúp tôi được can đảm, mở lòng và đón nhận họ một cách quảng đại.

Phạm Đức Hạnh, SJ


Friday, June 26, 2020

Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên – Năm A – 27-6-2020

Thu Bay XII TN

Mát-thêu 8:5-13

5Khi ấy, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” 7 Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. 9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi.  Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.” 10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. 11 Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. 12 Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” 13 Rồi Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào, sẽ được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.

(Trích Phúc Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm qua, Chúa Giêsu chữa người phong hủi.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu chữa người bại liệt.  Đây là phép lạ thứ hai trong mười phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm, sau những bài giảng trên núi.  Điểm chung các phép lạ của Chúa Giêsu đó là, người ta phải có niềm tin.  Câu chuyện hôm nay làm nổi bật đức tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng, một lính La-mã, không phải là người Do-thái.  Ấy vậy mà, câu nói diễn tả đức tin của ông đã là lời cửa miệng của người Công giáo mượn để tuyên xưng niềm tin của mình, trước khi rước Mình và Máu Chúa Giêsu, trong mọi Thánh Lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà linh hồn con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con xẽ được lành mạnh.”  Tôi đã đọc lời này với niềm tin mạnh mẽ như thế nào, trước khi rước Chúa vào lòng?  Lời này đã tác động trong tôi như thế nào, mỗi khi tôi tuyên xưng thật lòng, và ao ước được rước Chúa thật sự? 

2.      Điều đáng chú ý nữa trong câu chuyện chữa bệnh hôm nay đó là, đức tin của viên đại đội trưởng mạnh mẽ đến mức Chúa Giêsu phải ngạc nhiên, vì ngay cả dân Do-thái cũng không có ai đã có đức tin mạnh mẽ như vậy.  Hình ảnh đức tin của viên sĩ quan này có thể gần giống hình ảnh đức tin của Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, một người Phật giáo, nhưng cũng đã thổ lộ một chút niềm tin của ông nơi Thiên Chúa, qua bài hát nổi tiếng do ông sáng tác, “Trời Chưa Muốn Sáng,” trước cuộc nội chiến Việt Nam, dai dẳng, không biết khi nào chấm dứt: “Lạy Chúa tôi, con người không đạo, nhưng tin có Chúa ở trên cao… Lạy Chúa tôi, tuy người không đạo, nhưng yêu nhớ lắm nhạc chuông khuya… Chúa ơi, Chúa ơi, con người không đạo, nhưng tin Chúa giúp đời thương đau.”  Đức tin của tôi có mạnh mẽ như đức tin của viên đại đội trưởng này không?  Đức tin của tôi có mạnh đến nỗi Chúa Giêsu ngạc nhiên không?  Có khi nào tôi đã gặp một ai đó, không phải là Kitô hữu, vậy mà đức tin của họ lại mạnh hơn cả đức tin của tôi?  Kinh nghiệm ấy giúp tôi nhình lại đức tin của tôi như thế nào?  Có khi nào tôi là người Công giáo, vậy mà tôi có thể phải ở vào nhóm người Do-thái, bị tống ra ngoài nơi khóc lóc và nghiến răng, vì niềm tin yếu kém của tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này về niềm tin của tôi?      

Phạm Đức Hạnh, SJ


Thursday, June 25, 2020

Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên – Năm A – 26-6-2020

Thu Sau XII TN


Mát-thêu 8:1-4

1Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. 2 Bỗng có một người mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 3 Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong. 4 Rồi Đức Giê-su bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

(Trích Phúc Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Sau khi giảng trên núi xong, ở bài đọc hôm qua, Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay, bắt đầu chữa bệnh cho nhiều người.  Người được Chúa Giêsu chữa lành trong bài đọc hôm nay, là người bị bệnh phong hủi.  Bệnh phong hủi là một căn bệnh rất nguy hiểm không thể chữa trị, thời bấy giờ.  Nó hủy hoại cơ thể người bệnh đến dị dạng.  Có thể nói, sự kinh tởm của bệnh phong hủi là bệnh nhân phải chứng kiến chính thân xác của họ bị thối rữa và chết dần mỗi ngày.  Bệnh này lại dễ lây lan.  Chính vì thế, người bệnh bị xã hội và cộng đồng xa tránh, cô lập, như tôi có thể thấy chỉ dẫn rõ ràng trong hai chương 13-14 của Sách Lê-vi: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’  Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: ‘Nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại’” (Lv 13:45-46).  Người mắc bệnh phong này mất hết tất cả, bị hất hủi bởi chính cộng đồng và gia đình của mình.  Có lẽ vậy mà trong tiếng Việt, bệnh phong cùi còn được gọi là bệnh phong hủi, vì người bệnh phong bị hất hủi.  Chúa Giêsu thấy người phong hủi đến với mình và xin được chữa lành, Ngài đã động lòng trước tình cảnh của anh ta, nên đã chữa cho anh ta lành.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn chiêm ngắm, tôi muốn đi vào trong tâm hồn và hoàn cảnh của anh bị bệnh phong hủi, để hiểu được sự khốn cùng mà anh ta phải chịu.  Đồng thời, tôi muốn chiêm ngắm và đi vào tâm hồn của Chúa Giêsu, để hiểu sự thương cảm, tính nhạy bén và cách hành xử nhanh nhạy của Ngài đối với người bị phong hủi.

2.      Dù rằng bệnh phong hủi ngày hôm nay đã có thuốc chữa, nhưng cuộc sống quanh tôi vẫn còn đầy những người đang bị những chứng phong hủi kiểu khác.  Họ đang bị chính tôi, cộng đồng đức tin, và xa hội cô lập, chỉ vì họ khác mầu da, khác văn hóa, khác niềm tin với tôi, chỉ vì họ là đồng tính luyến ái, chỉ vì họ mắc các chứng nghiện ngập, chỉ vì họ bị nhiễm si-đa (HIV/AIDS), và ngay trong thời điểm này, chỉ vì họ bị nhiễm covid-19.  Giờ cầu nguyện này tôi muốn mang tâm tình của Chúa Giêsu để, nhìn vào một trong những người đang mắc những chứng “phong hủi” tân thời này.  Tôi có thể làm gì để giúp họ?  Nên nhớ, người bị phong hủi thời Chúa Giêsu bị xem là ô uế, mọi người phải xa tránh, bất cứ ai đụng đến họ thì cũng trở thành ô uế.  Chúa Giêsu đã đụng chạm đến anh phong hủi, để cho anh ta được sạch, còn Ngài lại trở thành ô uế, một việc làm bác ái đến thiệt thân.  Tôi có thể xin một hướng dẫn từ Chúa Giêsu, giúp tôi biết giúp những người bị những chứng phong hủi tân thời này như thế nào.      

Phạm Đức Hạnh, SJ


Wednesday, June 24, 2020

Thứ Năm Tuần XII Thường Niên – Năm A – 25-6-2020

Thu Nam XII TN


Mát-thêu 7:21-29

21Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu!  Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’ 23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: ‘Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!’

24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.

(Trích Phúc Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Phúc âm Mát-thêu bao gồm bảy phần chính: 1) Giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu (Ch. 1-2); 2) Công bố Nước Trời (Ch. 3-7); 3) Rao giảng Nước Trời (Ch. 8-10); 4) Mầu nhiệm Nước Trời (Ch. 11-13); 5) Giáo hội: Bước đầu của Nước Trời (Ch. 14-18); 6) Nước Trời: Triều đại Thiên Chúa đã gần bên (Ch. 19-25); 7) Thương khó và Phục sinh (Ch. 26-28).  Bài đọc hôm nay là điểm kết của phần: Công bố Nước Trời.  Những lời Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay là một thức tỉnh mang tính quyết định, Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu!  Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”  Hóa ra, bao lâu nay tôi cứ nghĩ là đi lễ mỗi tuần, đọc kinh sáng tối để khỏi bị tội, cũng có nghĩa là đủ để có được tấm vé vào thiên đàng, nhưng Chúa Giêsu lại bảo những việc làm này chẳng đảm bảo tí nào!  Bởi các kinh sư và luật sĩ cũng đã làm những điều này, và họ có thể còn làm tốt hơn tôi nữa.  Chúa Giêsu đòi hỏi tôi phải trổi vượt hơn họ, phải thi hành ý muốn của Chúa Cha nữa.  Mà ý muốn của Chúa Cha chính là, thực hành những gì Chúa Giêsu vừa rao giảng trên núi về Nước Trời, như: Tám mối phúc, Cầu nguyện, Ăn chay, Bố thí, Trở thành muối và ánh sáng, Yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, Không xét đoán…  Trong những điều này tôi đã làm được những điều nào?  Tôi cảm thấy như thế nào khi thực hành những gì Chúa Giêsu dạy?  Tôi có nhận thấy những điều Chúa Giêsu dạy như những đá tảng vững chắc, mà tôi có thể xây nhà trên đó không?    

2.      Kết thúc bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra hai chọn lựa: Tôi muốn trở thành người khôn ngoan, hoặc người ngu dại.  Chúa Giêsu khuyến khích tôi nên chọn làm người khôn ngoan.  Tôi xem lại đời sống thường ngày, tôi có đang là người khôn ngoan, hay người ngu dại?  Điều gì đã dẫn tôi và giữ chân tôi ở mãi trong ngu dại?  Tôi sẽ làm gì, nghĩ gì từ nay trở đi, để có thể được gọi là người khôn ngoan?  Tôi có thể đọc lại bài đọc trên nhiều lần để giúp tôi trở nên sáng suốt hơn trong mọi chọn lựa. 

Phạm Đức Hạnh, SJ


Tuesday, June 23, 2020

Thứ Tư Tuần XII Thường Niên – Năm A – 24-6-2020 – Lễ Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả

Thu Tu XII TN

Luca 1:57-66

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được! Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

(Trích Phúc Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nếu đọc Thánh Kinh, tôi có thể thấy một điều rất phổ biến, lập đi lập lại rất nhiều trong từng câu chuyện và biến cố, đó là: tất cả những gì Chúa làm đều ngoài sức tưởng tượng, dự tính, kiểm soát và suy nghĩ của con người.  Bài đọc hôm nay chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện hết sức lạ lùng được ghi nhận trong Thánh Kinh.  Gioan được sinh ra trong một gia đình bị mang tiếng là hiếm muộn, và khi cha mẹ của ông đã hết thời sinh nở.  Tôi đọc lại câu chuyện trên và để ý xem, có bao nhiêu điều lạ trong đó, bao nhiêu người cảm thấy ngạc nhiên trong đó, đặc biệt, chính tôi có cảm thấy câu chuyện này đầy ngạc nhiên không?  Nhờ ánh sáng của câu chuyện này, tôi muốn nhìn vào đời sống quanh tôi: Có khi nào tôi đã chứng kiến những việc Chúa làm đầy lạ lùng, hết sức ngạc nhiên, ngoài sự hiểu biết, vượt tầm kiểm soát và óc phán đoán, xung quanh cuộc đời tôi không?  Cụ thể, có chuyện gì lạ đã xảy đến với tôi trong ngày hôm nay mà tôi cho là từ Chúa?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?  Chúc tụng Chúa như Da-ca-ri-a, cha của Gioan, đã làm chăng?     

2.      Gioan, theo Thánh Kinh, có nghĩa là Thiên Chúa nhân từ.  Mà quả thật, Thiên Chúa đã nhân từ đối với cha mẹ của Gioan!  Xã hội Do-thái, cũng như xã hội Việt Nam, là một xã hội nặng tính phụ hệ.  Điều quan trọng trong xã hội phụ hệ là, nối dõi tông đường.  Chính vì thế, có con là vấn đề rất quan trọng.  Chưa hết, Thánh Kinh còn nói rằng: “Này con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127:3).  Bởi vậy, nếu có đôi vợ chồng nào mắc phải cảnh hiếm muộn, thiên hạ sẽ dễ cho rằng, họ đã bị Thiên Chúa chúc dữ.  Đủ mọi lời ong tiếng ve của thiên hạ sẽ dèm pha, chế diễu cặp vợ chồng hiếm muộn ấy.  May mắn thay, Thiên Chúa tỏ lòng nhân từ đối với vợ chồng già và hiếm muộn Da-ca-ri-a và E-li-za-bét.  Ngài đã cất đi khỏi họ nỗi nhục không con, mà họ đã phải chịu bao lâu nay.  Tôi muốn nhìn vào đời sống của tôi: có nỗi nhục nào mà tôi đang phải đối diện trong lúc này, tôi kể cho Chúa nghe được không?  Biến cố nào, kinh nghiệm nào đã giúp tôi nhận ra Chúa là một Đấng từ bi và nhân hậu?  Tôi muốn nói chuyện cùng Chúa trong lúc này.

Phạm Đức Hạnh, SJ


Monday, June 22, 2020

Thứ Ba Tuần XII Thường Niên – Năm A – 23-6-2020

Thu Ba XII TN

Mát-thêu 7:12-13

12“Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.  13 “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. 14 Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có thể tôi đã quen với câu nói, “Đừng làm cho người khác, điều bạn không muốn họ làm cho mình.”  Câu này được xem là khuôn vàng thước ngọc (Golden rule) trong rất nhiều văn hóa và tôn giáo.  Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay cũng nói tương tự như thế, nhưng không hẳn như thế, Ngài nói: “Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy cũng hãy làm cho người ta.”  Sự khác biệt nằm ở chỗ, câu nói khuôn vàng thước ngọc kia, dẫu rằng rất đúng, nhưng lại mang tính tiêu cực.  Tôi có thể lấy câu nói ấy làm phương châm sống bằng cách, không làm gì cả.  Trong khi đó, câu nói của Chúa Giêsu đầy tính tích cực, muốn tôi đi bước trước, làm cho người khác những điều mà tôi muốn họ làm cho tôi.  Điều gì tôi muốn làm cho người khác trong ngày hôm nay, đặc biệt trong đại dịch trên thế giới hiện nay, hoặc trong cuộc khủng hoảng về chủng tộc tại Mỹ cũng như tại Châu âu hiện nay?  Tôi muốn một môi trường sạch, không lây nhiễm quanh tôi ư?  Hãy làm một điều gì cụ thể, ngay sau giờ cầu nguyện này.  Tôi muốn mọi người tôn trọng phẩm giá của tôi ư?  Hãy tôn trọng phẩm giá của người khác trước, tránh tất cả những kiểu nói và chuyện tếu đầy tính kỳ thị trong tôi.

2.      Điều Chúa Giêsu nói, nghe có vẻ thuận tai, có lý, nhưng không dễ thực hiện tí nào.  Nó giống như đi qua cửa hẹp, mà cửa hẹp lại chẳng mấy người muốn đi.  Tuy nhiên, chính cửa hẹp mới đem tôi đến sự sống.  Tôi muốn một môi trường sạch, không lây nhiễm ư?  Con đường rộng thênh thang là, tôi xả rác bừa bãi, chẳng phải bận tâm nghĩ suy nó có gây tác hại đến môi trường chung như thế nào, và hậu quả kéo dài bao lâu.  Trong khi đó con đường hẹp là, tôi phải mất công bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ, lau chùi những gì tôi đang gây bẩn đến vệ sinh chung.  Tôi muốn một xã hội bình đẳng, mọi người biết tôn trọng phẩm giá của nhau ư?  Con đường hẹp là tôi phải tìm hiểu, kiểm chứng các nguồn thông tin báo chí nào đáng tin tưởng, đầy trách nhiệm, mới đọc, để giữ cho tâm an, lòng ngay, và trí sáng suốt, giúp tôi trở về với con người mà Chúa đã dựng nên trong ý định tốt lành của Ngài, giúp nhìn ra những vẻ đẹp, phẩm giá, cũng như quyền sống của những người khác ngang hàng như tôi.  Con đường rộng là giữ mãi những thành kiến và óc hẹp hòi cũ, là gặp tin nào cũng đọc, ai nói cũng nghe, chẳng cần phải kiểm chứng, và vào hùa với những thông tin sai lạc, nhảm nhí để nép đá những người khác, một cách vô tội vạ.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này về những cách hành xử và nghĩ suy về chính mình và người khác bao lâu nay.      

Phạm Đức Hạnh, SJ


Sunday, June 21, 2020

Thứ Hai Tuần XII Thường Niên – Năm A – 22-6-2020

Thu Hai XII TN

Mát-thêu 7:1-5

1Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, 2 vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. 3 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? 4 Sao anh lại nói với người anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? 5 Hỡi kẻ đạo đức giả!  Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Một điểm rất rõ trong các phúc âm đó là, khi Chúa Giêsu chọn ai, Ngài không chờ hay đòi hỏi họ phải hoàn hảo mới chọn, nhưng chọn trước, mời gọi họ trước, rồi Ngài dạy dỗ, huấn luyện cho họ tốt dần mỗi ngày.  Bài đọc hôm nay là một trong những lời dạy Chúa Giêsu với các môn đệ về một căn bệnh, một tật xấu mà ai cũng dễ thường xuyên mắc phải.  Các môn đệ cũng như tôi, thích xét đoán!  Chúa Giêsu nói tôi đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán.  Điều này nói dễ nhưng làm thật khó.  Tôi có thể xem lại nhóm người nào, hoặc ai là người mà tôi hay xét đoán nhất, mỗi ngày?  Những việc nào mà người nào đó làm dễ khiến tôi xét đoán họ?  Tôi hay trở nên xét đoán dễ dàng hơn vào những lúc nào trong ngày, và những ngày nào trong tuần?  Tôi để ý lại những thói xấu này, và xin Chúa Giêsu giúp tôi chừa thói xấu thích xét đoán người khác.  Hãy nhớ lời Mẹ Tê-rê-xa nhắn nhủ: “Nếu bạn xét đoán người khác, bạn sẽ không còn giờ để yêu thương họ.”

2.      Chúa Giêsu nói, tôi rất dễ mù quáng trước những lỗi lầm khổng lồ của tôi, nhưng lại rất sáng suốt trong những lỗi nhỏ tí ti của người khác.  Nhà thần học nổi tiếng Tin Lành, thuộc Phái Luther, Dietrich Bonhoeffer, cũng đưa ra một nhận định tương tự: “Xét đoán người khác làm cho chúng ta mù quáng, trong khi yêu thương lại làm cho chúng ta tỏa sáng.”  Lời Chúa Giêsu dạy hôm nay có giúp tôi sống sáng suốt hơn trong cơn đại dịch Covid-19 này chăng?   Chẳng hạn như, tôi chỉ nghĩ đến quyền của tôi, sức khỏe của tôi mà chẳng thấy quyền và sức khỏe của cộng đồng?  Lời Chúa Giêsu dạy hôm nay có giúp tôi sống sáng suốt hơn trong những vụ biểu tình vì khủng hoảng chủng tộc hiện nay trên nước Mỹ và trên thế giới chăng?  Chẳng hạn như, tôi chỉ thấy quyền và cuộc sống của tôi đang được bảo đảm và an bình, và chẳng thấy rằng, biết bao nhiêu mạng sống của những người khác đang bị đe dọa từng giây, từng phút, mỗi ngày?  Tôi thấy khi người khác lên tiếng cho sự sống còn của họ, tôi lại dễ dàng xét đoán những người ấy là gây rối, là quá đáng, là lợi dụng?  Tôi muốn đem tất cả những lời xét đoán của tôi về tất cả những người xung quanh và đặt dưới chân Chúa Giêsu, hỏi Ngài xem, tôi xét đoán về những người xung quanh có đúng không, và Chúa sẽ đối xử với tôi như thế nào, dựa theo cách tôi đã đối xử với những người đồng loại?          

Phạm Đức Hạnh, SJ