Wednesday, October 31, 2018

Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên – Năm B – II –1-11-2018 – Lễ Các Thánh


Thu Nam XXX TN

Mát-thêu 5:1-12a

1Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng:3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện:

1.      Mahatma Gandhi, một vị lãnh đạo tinh thần nổi tiếng của Ấn Độ, không phải là một Kitô hữu, nhưng ông đã đọc và tìm thấy đoạn lời Chúa trên đầy hấp dẫn.  Nó đã cho ông nhiều cảm hứng, làm nền cho thuyết bất bạo động của ông, giúp ông lãnh đạo đất nước thoát khỏi thực dân Anh.  Tôi là một Kitô hữu, tôi có thấy yêu mến lời Chúa như Gandhi không?  Tôi có thấy đoạn lời Chúa trên là động lực giúp tôi đi qua những khó khăn, hoặc tìm ra những hướng đi cho những vấn đề của cuộc sống hiện tại của tôi không?

2.      Hôm nay là ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ, chắc hẳn các ngài đã sống qua ít là một trong tám mối phúc trên.  Tôi muốn đọc lại đoạn lời Chúa trên và chọn một trong tám mối phúc này làm nền cho ngày sống của tôi. 

Phạm Đức Hạnh, SJ



Tuesday, October 30, 2018

Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên – Năm B – II –31-10-2018


Thu Tu XXX TN

Ê-phê-sô 6:1-4

1 Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa:3 để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.4 Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.

(Trích Thư Ê-phê-sô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Ở Việt Nam, đã có một thời Kitô giáo bị coi là Tà đạo, và ngày hôm nay cũng vẫn còn có những người hiểu sai Kitô giáo vì họ cho rằng, Kitô giáo không dạy cho người ta biết hiếu thảo ông bà cha mẹ.  Điều này hoàn toàn sai.  Kitô giáo coi việc hiếu thảo cha mẹ là điều rất quan trọng, được nâng thành luật, điều 4 trong Mười Điều Răn.  Chưa hết, trong mọi Thánh lễ người Công giáo cử hành mỗi ngày và ở mọi nơi đều cầu nguyện cho tổ tiên thân bằng quyến thuộc.  Bên cạnh đó, Tháng 11 hàng năm được dành riêng để cầu nguyện cho mọi người thân đã qua đời.  Đó là chưa kể Thư Ê-phê-sô trong bài đọc hôm nay, được viết cách đây 2000 năm, khuyên dạy các Kitô hữu phải sống cho đúng phép tắc gia phong và đúng luật Chúa.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn cầu nguyện, gởi gắm cho Chúa tổ tiên thân bằng quyến thuộc của tôi, còn sống cũng như đã qua đời.  Xin cho tất cả được ở trong yêu thương và sự che chở của Chúa.

2.    Đạo hiếu Á đông là một điều hay, nhưng có lẽ lời từ Thư Ê-phê-sô về đạo hiếu còn hay hơn nữa, đi xa hơn Đạo hiếu Á đông.  Đạo hiếu Á đông mới chỉ dạy con cái phải hiếu thảo với cha mẹ, đây là bổn phận làm con, nhưng mới chỉ có một chiều: con cái đối với cha mẹ, không thấy nói gì bổn phận cha mẹ đối với con cái.  Trong khi đó Thư Ê-phê-sô đòi hỏi, không chỉ con cái phải kính trọng và yêu thương cha mẹ, nhưng cha mẹ cũng phải đối xử tốt với con cái, như Chúa dạy.  Đạo hiếu này có hai chiều: con cái với cha mẹ và cha mẹ với con cái.  Đồng thời, đạo hiếu này còn có giá trị đời đời.  Mỗi người hãy sống tốt và đúng vai trò của mình trong gia đình, không chỉ có phúc ở đời này mà còn phúc cả đời sau nữa.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem lại vai trò của tôi trong gia đình: là cha, mẹ, chồng, vợ, con cái, tôi đã sống đúng những gì lời Chúa dạy chưa?  Tôi muốn Chúa giúp tôi như thế nào để sống tốt hơn, là một thành viên trong gia đình?  Tôi muốn xin Chúa chúc lành cho những người thân trong gia đình của tôi, đặc biệt xin Ngài chữa lành những vết thương do tôi đã gây nên cho ai đó trong gia đình.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 29, 2018

Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên – Năm B – II –30-10-2018


Thu Ba XXX TN

Luca 13:18-21


18 Vậy Người nói: "Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được."20 Người lại nói: "Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì?21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.       Bài đọc hôm nay là những hình ảnh đẹp về Nước Thiên Chúa.  Chúa Giêsu ví Nước ấy bắt đầu nhỏ bé và tầm thường như một hạt cải, vậy mà khi nó lớn lên lại trở thành to lớn, là chỗ cho chim trời nương náu.  Có khi nào tôi nghĩ Nước Thiên Chúa đã gieo trong lòng tôi chưa, chẳng hạn như: tình thương, lòng nhân ái, sự ân cần quan tâm đến người khác, óc hướng thiện, tấm lòng yêu chuộng công bằng xã hội và hòa bình?  Nếu có, những hạt giống này đã lớn đến mức độ nào rồi?  Nó trở thành chỗ nương náu cho cuộc đời này ra sao?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này? 
2.      Nước Thiên Chúa lại được ví như một nắm men trong bột, nó vô hình đến mức tôi không thấy bằng mắt thường, vậy mà nó lại làm cho cả thúng bột dậy men, tạo ra những ổ bánh thơm ngon nuôi dưỡng con người.  Có bao giờ tôi đánh giá thấp về tôi, cho rằng tôi chẳng là gì trong Giáo hội, chẳng có gì để đóng góp cho những ước mơ của Chúa?  Có lẽ trong giây phút này, tôi muốn ngắm nhìn sự hình thành và đóng góp của Giáo hội trong hai ngàn năm qua: Bắt đầu từ 12 tông đồ thất học, để rồi ngày nay có hơn một tỉ người trên thế giới theo Kitô giáo, đóng góp rất nhều cho thế giới về nhiều lãnh vực như: lý thuyết khoa học và thiên văn, âm nhạc, giáo dục, và luật pháp.  Tôi có dám tin quyền năng của Chúa có thể làm cho tôi từ tầm thường đến phi thường, trong Giáo hội và xã hội không?  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 28, 2018

Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên – Năm B – II –29-10-2018


Thu Hai XXX TN

Luca 10:13-17

10 Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường.11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!"13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!"15 Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?"17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Trong tất cả các phép lạ Chúa Giêsu làm, Ngài thường hỏi bệnh nhân trước xem họ có muốn được chữa hay không, trong khi đó Ngài không hỏi ý muốn của người đàn bà trong bài đọc hôm nay.  Có lẽ phải hiểu cách viết của Luca ở câu 11: “Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.”  Đối với người thời bấy giờ, nguyên do của tất cả mọi bệnh tật và quỷ ám là tội lỗi.  Nếu không phải tội của bệnh nhân thì tội của cha mẹ bệnh nhân nên đã gây nên nông nỗi như vậy.  Luca nói bà này đã bị quỷ ám 18 năm (1+8=9), thời bấy giờ xem 9 là con số chỉ sự lâu dài có tính vĩnh viễn.  Như vậy, Luca không chỉ nói bà bị quỷ ám 18 năm, mà là suốt cả cuộc đời, khiến lưng bà còng hẳn xuống không thể đứng thẳng lên được.  Bà ấy bị sự ác đè bẹp đến mức không thể tự mình cất tiếng xin giúp đỡ.  May cho bà, Chúa Giêsu đã đi bước trước chữa lành bà.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn cảm nghiệm sức nặng của sự ác trên cuộc đời của bà này, suốt cả cuộc đời.  Bà trở nên bất lực trước sự ác.  Có sự ác nào đang đè nặng tâm hồn tôi không?  Nó đã ở trong tôi bao lâu rồi?  Nó tác động lên cuộc đời tôi như thế nào?  Tôi cần gì ở Chúa trong lúc này?

2.     Trong giờ cầu nguyện này tôi cũng muốn chiêm ngắm tình thương của Chúa Giêsu.  Ngài đi bước trước, đọc thấy nỗi khổ nơi người đàn bà trước cả khi bà mở miệng kêu cứu.  Chúa Giêsu bất chấp lề luật, Ngài sẵn sàng phạm luật để cứu người.  Tôi nghĩ sao về hành động của Chúa Giêsu?  Tôi có thể bắt chước Chúa Giêsu trở nên nhạy bén trước đau khổ của anh chị em xung quanh chăng?  Tôi dám đi bước trước, thay vì chờ người ta xin giúp đỡ chăng?  Tôi tâm sự với Chúa Giêsu về những suy nghĩ của tôi cho Ngài nghe.  
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 27, 2018

Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên – Năm B – II –28-10-2018


CN XXX TN

Mác-cô 10:46-52

46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!"48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!"49 Đức Giê-su đứng lại và nói: "Gọi anh ta lại đây!" Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!"50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.51 Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được."52 Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Câu chuyện người mù này đã thành nổi tiếng trong Tân ước, vì không chỉ có Mác-cô ghi nhận mà cả Mát-thêu (Mt 20:29-34) và Luca (Lc 18:35-43) cũng có trình thuật này.  Điểm đáng chú ý ở đây là thái độ của anh mù Ba-ti-mê.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn để ý anh mù này: 1) khát vọng gặp Chúa của anh ta, dù xung quanh muốn ngăn chặn; 2) anh ta ao ước được chữa lành, “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy”; 3) anh ta dứt khoát với quá khứ, dũ bỏ áo choàng, gia tài quý nhất của một người hành khất.  Lòng ao ước muốn gặp Chúa của tôi đến mức nào?  Tôi mau mắn hay dè chừng?  Tôi có sáng tạo như anh mù, tìm đủ mọi cách để gặp Chúa?  Có ai hay cái gì đang ngăn cản tôi gặp Chúa, tôi dám dứt bỏ để gặp Ngài không? 
2.      Tưởng cũng cần lưu ý, ngôn ngữ của Kinh Thánh nói về mù lòa và sáng mắt là để nói đến tình trạng tội lỗi dẫn đến cảnh mù lòa nội tâm, và sự sáng mắt là do gặp được Chúa, không còn phải ở trong tối tăm tội lỗi nữa.  Tôi muốn xem lại chính tôi có đang mù lòa không?  Nếu không mù, sao tôi không thấy Chúa trong đời sống của tôi, hay chỉ thấy lờ mờ?  Nếu tôi mù, tôi có dám xin Chúa chữa không, hay tôi đã quen sống trong tăm tối và không muốn ra ánh sáng nữa?   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 26, 2018

Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – II –27-10-2018


Thu Bay XXIX TN

Luca 13:1-9

1 Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.2 Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao?3 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.4 Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?5 Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy."6 Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy,7 nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?8 Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.9 May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.       Hóa ra văn hóa Do-thái cổ thời và văn hóa của xã hội tôi hôm nay cũng chẳng khác nhau là mấy.  Phải chăng mỗi khi có ai gặp tai ương, tôi đã dè bỉu nạn nhân: “Cho đáng đời! Chắc ăn ở thế nào nên Trời mới phạt!  Đúng là Ông Trời có mắt!”  Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay nói tôi phải coi chừng, vì một lời phê phán như vậy là không đúng.  Không đúng ít vì hai lý do: 1) Thứ nhất, Thiên Chúa không bao giờ nhỏ mọn như tôi nghĩ.  2) Thứ hai, trước khi xét người, hãy xét mình trước, không chừng tôi cũng xấu xa như người, hay còn tệ hơn nữa.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xem lại đời sống của tôi, đặc biệt những yếu đuối trong tôi mà từ trước đến giờ tôi đã không ý thức.  Tôi cũng xem lại những lần và những lời tôi phê phán người khác, tôi xin cho được ơn nhận biết và lớn lên từ những bất toàn trong tôi.    
2.       Một điểm đẹp nữa trong bài đọc hôm nay đó là sự kiên nhẫn của Chúa trước những bất toàn của tôi.  Khi mọi người xung quanh muốn đốn chặt tôi, Chúa lại kiên nhẫn chờ đợi tôi, hy vọng tôi sẽ sinh hoa thơm quả ngọt.  Giờ cầu nguyện này tôi muốn suy nghĩ về hành động chờ đợi đầy kiên nhẫn này của Chúa trước những bất toàn và lối sống héo úa của tôi.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 25, 2018

Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – II –26-10-2018


Thu Sau XXIX TN

Ê-phê-sô 4:1-6

1 Vậy, tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.2 Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.3 Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.4 Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng.5 Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa.6 Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.

(Trích Thư Ê-phê-sô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Lời Thư Ê-phê-sô hôm nay phải là lời nguyện và lời nhắn nhủ dành cho tôi, gia đình tôi, cộng đoàn xứ đạo tôi, đất nước tôi và thế giới tôi đang sống: HIỆP NHẤT và HÒA HỢP.  Ở đâu, bất cứ tổ chức nào và thời đại nào cũng cần sự hiệp nhất.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn xem, tôi có đang sống như những đề nghị của tác giả thư Ê-phê-sô cho gia đình tôi, xứ đạo tôi chưa?  Trong bao nhiêu đề nghị: khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, bác ái, chấp nhận bất toàn của nhau, hòa hợp, tôi muốn chọn một đề nghị để thực hành trong ngày sống của tôi hôm nay, giữa gia đình và cộng đoàn.  Mỗi ngày tôi muốn tập một đề nghị trên. 
2.       Hơn bao giờ hết, gia đình, Giáo hội và xã hội tôi đang sống hôm nay đang gặp nhiều khó khăn có thể dẫn đến những nguy cơ chia rẽ.  Tôi muốn dành giây phút này, cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong gia đình, Giáo hội và đất nước mà tôi đang sống và cũng đang có trách nhiệm nữa.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 24, 2018

Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – II –25-10-2018

Thu Nam XXIX TN

Luca 12:49-50

49 "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Nếu có một đoạn Thánh Kinh nào nói về ước mơ của Chúa, có lẽ phải là đoạn Thánh Kinh hôm nay.  Tôi có thể thấy Chúa Giêsu có một ước mơ tình yêu nồng cháy cho con người.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn chiêm ngắm ước mơ tình yêu này của Chúa Giêsu và để ý xem ước mơ này đã và đang lan tỏa trong cuộc đời này như thế nào.  Đặc biệt, tôi để ý ước mơ tình yêu này có đang thành tựu và ảnh hưởng trên cuộc đời tôi ra sao. 

2.      Có khi nào tôi nghĩ Chúa đang có ước mơ gì cho tôi và về tôi không?  Nếu có thì ước mơ đó là ước mơ gì?  Tôi muốn hỏi Chúa trong giờ cầu nguyện này về ước mơ của Ngài cho tôi.  Tôi cũng muốn tự hỏi lòng mình, “Tôi có thể làm gì để những ước mơ của Chúa được thành tựu và triển nở trong tôi?”  Đồng thời tôi cũng muốn xem lại những ước mơ trong đời của tôi, có ước mơ nào của tôi giống ước mơ của Chúa không?  Tôi xin cho tôi ngày càng dám ước mơ lớn và đẹp giống Chúa hằng ước mơ.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, October 23, 2018

Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – II –24-10-2018


Thu Tu XXIX TN

Luca 12:35-38

39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu.40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?"42 Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta.44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa,46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Bài đọc hôm nay nối tiếp dụ ngôn hôm qua, trong đó Chúa Giêsu cảnh tỉnh tôi phải sẵn sàng.  Có bao giờ tôi thấy có Chúa là một điều quý nhất trên đời hơn cả con cưng, vàng bạc, hoặc kim cương mà tôi đã bằng mọi giá để có được, hoặc bằng mọi giá để bảo vệ để khỏi bị mất không?  Nếu có tôi sẽ thấy những gì Chúa Giêsu nói rất có lý.  Nếu có Chúa là một vinh hạnh, là một sự rất giầu có trong cuộc đời, tôi sẽ luôn nhớ đến Ngài, canh cánh sợ mất Ngài, và tìm mọi dịp để ở bên Ngài.  Giờ cầu nguyện và ngày sống hôm nay của tôi có thể là những giây phút tôi ở bên Chúa, chiêm ngắm Ngài, hoặc làm việc chung với Ngài chăng?  Trong giây phút này tôi muốn ngồi bên Chúa và chiêm ngắm Ngài.  Nếu tôi làm được điều này trong lúc này và mỗi ngày thì PHÚC lớn cho tôi!

2.      Có bao giờ tôi nghĩ: tôi chính là quản gia mà Chúa cắt đặt để ban phát ơn sủng của Ngài cho mọi người trong gia đình, cộng đoàn hoặc công xưởng tôi không?  Tôi đã làm như thế nào?  Nếu Chúa đến trong lúc này, Ngài sẽ gặp tôi là một quản gia trung tín, chu đáo, đầy trách nhiệm hay là quản gia bất lương, đánh đập chửi bới và bỏ đói ân sủng với mọi người mà Chúa đã giao cho tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 22, 2018

Thứ Ba Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – II –23-10-2018


Thu Ba XXIX TN
Luca 12:35-38

35"Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Hôm nay đã gần vào những ngày cuối năm, Giáo hội bắt đầu hướng tôi đến những suy nghĩ có tính quan trọng và dứt khoát hơn trong cuộc sống.  Hai chữ “SẴN SÀNG” đã gói trọn ý nghĩa của bài đọc hôm nay.  Chúa Giêsu nói tôi phải sẵn sàng cho cái quan trọng nhất của cuộc đời, đó là ngày giờ Chúa đến.  Bởi với một đầu óc hẹp hòi, bận rộn với những giá trị trần thế không thể giúp tôi cảm nhận được trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc có Chúa.  Tôi muốn chuẩn bị cho tôi có được tinh thần sẵn sàng ngay từ những giây phút cầu nguyện mỗi ngày.

2.      Chúa Giêsu nói nếu tôi biết sẵn sàng, sẽ là một cái phúc cho tôi.  Lời nói của Ngài có mạnh đủ khiến tôi muốn thay đổi chăng?  Lời nói của Ngài có mạnh đủ khiến tôi háo hức chờ đợi Chúa đến bất kỳ giây phút nào chăng?  Tôi suy nghĩ về câu nói của Chúa Giêsu và muốn tạo một mốc đổi đời trong cuộc sống đức tin của tôi.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 21, 2018

Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – II –22-10-2018


Thu Hai XXIX TN
Luca 12:16-21

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,17 mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!18 Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Bài đọc hôm nay có thể là tiếng chuông cảnh tỉnh về thái độ sống đức tin thờ ơ, tưởng rằng tôi còn trẻ, tưởng rằng tôi giầu, tưởng rằng tôi khỏe nên chẳng cần Chúa và thần chết cũng còn ở xa.  Chúa Giêsu hôm nay nói với tôi chẳng có gì là đảm bảo.  Thiên Chúa có thể gọi tôi về với Ngài bất cứ khi nào.  Thần chết có thể đến bất cứ khi nào.  Giờ cầu nguyện này tôi muốn xem lại lời cảnh báo của Chúa Giêsu và sống ý thức hơn trong tương quan với Chúa một cách nghiêm túc hơn.

2.     Chúa Giêsu nói tôi cần phải làm giầu trước mặt Chúa, điều đầu tiên và cần thiết nhất.  Tôi muốn xem lại, tôi đang giầu hay nghèo trước mặt Chúa?  Có một cái gì tôi có thể tự hào là giầu trước mặt Chúa không? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 20, 2018

Chúa Nhật Tuần XXIX Thường Niên – Năm B – II –21-10-2018


CN XXIX TN
Do-thái 4:14-16

14 Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

(Trích Thư Do-thái bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Đau khổ vốn đã bám chặt vào kiếp nhân sinh không dễ gì tách biệt.  Biết bao tôn giáo đã xuất hiện nhằm giúp con người bớt khổ, hai trong các tôn giáo đó phải kể là Phật giáo và Kitô giáo.  Đối với Phật giáo, cội rễ của mọi đau khổ là ở lòng tham; buông bỏ lòng tham đời sẽ bớt khổ.  Kitô giáo lại lý giải đau khổ bằng một con đường khác.  Chúa Giêsu đến trong cuộc đời này không dạy tôi tránh khổ hay diệt khổ, trái lại Ngài đi vào trong đau khổ, gánh lấy khổ đau mà rỉ tai tôi rằng: Cha đồng hành cùng con trong mọi đau khổ!  Bài đọc hôm nay diễn tả trọn vẹn ý nghĩa này của Kitô giáo.  Tôi muốn đọc lại Thư Do-thái trên để nhắc nhở mình rằng: không bao giờ tôi phải cô đơn trong những đau khổ của tôi bởi có Chúa luôn ở cùng. 

2.      Dù có một ai trong cuộc đời này thương tôi hết mình, nhưng chắc chắn người đó không mang đau khổ giùm tôi được.  Tôi sẽ mãi mãi phải mang đau khổ của riêng tôi.  Tuy nhiên vì tình yêu, sự thấu cảm, đỡ nâng và hiện diện của họ mà tôi được thêm sức để có thể tiếp tục gánh mang những đau khổ của tôi.  Đó là cách thức Chúa Giêsu đang làm cho tôi và cho mọi người.  Tôi có thể làm như vậy bên những người đồng loại không?  Giờ cầu nguyện này, xin cho tôi được thấu cảm những khổ đau của anh chị em xung quanh và biết đỡ nâng họ. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 19, 2018

Thứ Bảy Tuần XXVIII Thường Niên – Năm B – II –20-10-2018

Thu Bay XXVIII TN
Ê-phê-sô 1:15-20
15 Bởi vậy, cả tôi nữa, từ khi được nghe nói về lòng tin của anh em vào Chúa Giê-su, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh,16 tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi.17 Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người.18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh,19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực,20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời.
(Trích Thư Ê-phê-sô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Lá thư của Phao-lô gởi cho cộng đoàn của ngài đầy ắp tâm tình như của một người cha đầy yêu thương dành cho con cái.  Thật hạnh phúc cho tôi khi tôi được đọc những dòng chữ này trong giờ cầu nguyện hôm nay.  Tôi có thể xin Phao-lô cầu nguyện cho tôi được Thần trí khôn ngoan nhận ra Chúa trong giây phút này và trong ngày sống của tôi.  Tôi cũng xin cho được thấy đâu là hy vọng nhờ việc được biết Chúa Giesu và thuộc trọn về Ngài.
2.      Tôi bắt chước Phao-lô muốn cầu nguyện, viết thư, hoặc gởi một tin nhắn điện thoại đến người nào đó mà tôi rất quý mến và thương yêu để họ được nghe, được nhận những lời đầy yêu thương, chân thành và quan tâm của Chúa qua tôi.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 18, 2018

Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên – Năm B – II –19-10-2018 – Lễ Thánh John de Bredeuf, Isaac Jogues và các Bạn Tử Đạo


Thu Sau XXVIII TNLuca 12:4-7

4 Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa.5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa.7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Lời Chúa Giêsu nhắn nhủ với tôi là bạn hữu của Ngài: Đừng sợ những ai chỉ giết được thân xác tôi mà không làm gì được tôi sau đó, nhưng phải sợ Đấng có thể đầy ải tôi sau khi chết, đó là Chúa.  Có một ai hay một cái gì đang là nỗi sợ trong tôi lúc này?  Nỗi sợ này ám ảnh tôi bao lâu rồi?  Tôi có thể chia sẻ với Chúa Giêsu về nỗi sợ này không?  Giờ cầu nguyện là lúc tôi có thể làm điều này, để từ nay tôi không còn sợ nữa.
2.      Chúa Giêsu nói ngay cả tóc trên đầu tôi cũng được đếm cả rồi.  Đây chỉ là kiểu nói phóng đại nhằm nói rằng Chúa quan tâm đến tôi vượt trên sự tưởng tượng của tôi.  Có một điều gì tôi đang lo lắng mà Chúa không biết chăng?  Như vậy tôi còn lo không?  Chúa Giêsu nói tôi còn quý hơn chim sẻ gấp bội.  Nếu Chúa chẳng quên một con chim đã bị bán thì làm sao Ngài quên tôi được?  Những lời này có làm tôi bình an hơn không?  Trong giờ cầu nguyện này tôi có thể ngắm nhìn sợi tóc hoặc con chim, xem tình thương của Chúa lớn lao đối với tôi biết chừng nào?   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 17, 2018

Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên – Năm B – II –18-10-2018 – Lễ Thánh Luca


Thu Nam XXVIII TN
Luca 10:1-19
1 Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.2 Người bảo các ông:3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!"6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng.  Tôi để ý lời căn dặn của Chúa Giêsu: Thầy sai am em đi như CHIÊN CON đi vào giữa BẦY SÓI.  Nhưng Ngài cũng dặn đừng mang theo tiền, bao bị và giày dép.  Hình ảnh đối lập quá lớn.  Theo lẽ thường, càng đến những chỗ hiểm nguy, tôi sẽ càng phải phòng thủ, càng phải chuẩn bị kỹ.  Chúa Giêsu không muốn tôi làm như vậy.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn chiêm ngắm hình ảnh đối lập này.  Tôi đặt mình là CHIÊN CON sẽ đi vào giữa BẦY SÓI.  BẦY SÓI ở đây có thể là ngày sống của tôi đầy những khó khăn, chờ đợi tôi mỗi ngày, từ trong nhà đến sở làm.  Tôi sẽ nương tựa vào ai để có sức mạnh, để được sự giúp đỡ?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này trước khi khởi đầu ngày sống của tôi? 
2.      Chúa Giêsu còn dặn, đừng đòi hỏi.  Hãy đón nhận mọi sự như được ban tặng.  Phần tôi chỉ làm một điều, đem BÌNH AN đến cho mọi người.  Tôi muốn xem lại trong mọi việc tôi phục vụ, tôi đã đặt bao nhiêu điều kiện, gánh nặng đối với người mà tôi phục vụ?  Trong những việc tôi làm, những người mà tôi tiếp xúc gặp gỡ mỗi ngày, tôi đã gieo rắc sự BÌNH AN hay BẤT HÒA?  Nước Trời chính là SỰ BÌNH AN mà tôi đang chia sẻ.
Phạm Đức Hạnh, SJ