Wednesday, May 31, 2023

Thứ Năm Tuần VIII Thường Niên – Năm A –1-6-2023 – Lễ Thánh Justin, Tử Đạo

Thu Nam VIII TN

Mát-thêu 5:13-16

13Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời.  Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?  Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. 14 Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.  Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. 16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là lễ kính Thánh Justin, một trong những vị thánh tử đạo vào những ngày đầu trong lịch sử Giáo hội và là một trong những vị thánh nổi tiếng về những bài giảng mang tính giáo lý đức tin, vẫn còn được dùng cho đến ngày nay.  Đời sống của thánh nhân là một lời chứng hùng hồn, ngay cả khi bị bắt, trên đường bị điệu đi xử, các tín hữu đi theo khóc thương ngài, nhưng ngay cả những lúc ấy, ngài cũng vẫn khuyên các giáo dân phải sống đức tin, làm chứng cho Chúa Kitô.  Đời sống của thánh nhân thật gần với những gì mà bài đọc hôm nay muốn tôi suy niệm.  Trước hết, Chúa Giêsu dạy tôi phải trở nên muối ướp đời.  Chúa Giêsu dùng một hình ảnh rất cụ thể và cần thiết trong đời sống.  Không ai có thể nấu ăn ngon mà không cần đến muối.  Muối không chỉ giữ cho thức ăn không bị hư thối, nhưng còn làm cho thức ăn thêm đậm đà.  Dù sự thiết thực của muối đóng vai trò rất quan trọng trong nấu ăn, nhưng muối chỉ làm đúng chức năng của nó khi nó chấp nhận tan biến vào trong thức ăn, không ai còn nhìn thấy muối nữa khi bữa ăn ngon được dọn ra trên bàn, nhưng bất cứ ai cũng phải công nhận, đã có muối trong thức ăn.  Chúa Giêsu nói tôi phải là muối, tức là trở nên một phần thiết yếu và thực tế trong cuộc sống.  Tôi đã là muối ở những chỗ nào, với những ai và tác động biến đổi tích cực ra sao?  Tôi có còn khả năng làm và sống chức năng muối của tôi nữa không?  Tôi lấy giây phút này nhìn lại đời sống, xin cho tính năng muối trong tôi tiếp tục tác động mạnh trên đời sống của mọi người tôi gặp và ở mọi nơi tôi hiện diện.

2.     Hình ảnh thiết thực nữa mà Chúa Giêsu mời gọi tôi thể hiện tính năng Kitô trong đời sống, đó là: ánh sáng.  Cũng như muối, ánh sáng là cái ai cũng cần, nó giúp tôi nhìn rõ đường đi, tránh được những chướng ngại vật, và giúp tôi an toàn; nhưng đặc biệt nhất, nó giúp tôi có sức sống, nhìn ra những vẻ đẹp rất đa dạng trong cuộc sống.  Chúa Giêsu nói tôi hãy làm ánh sáng và mời gọi tôi hãy chiếu sáng trong cuộc đời này để, thế giới bớt đi tối tăm, tránh được những chướng ngại vật, tránh khỏi những hiểm nguy, và đặc biệt nhất nhận ra Thiên Chúa, sự sống và vẻ đẹp trong cuộc đời này.  Tôi đã chiếu sáng như thế nào trong đời sống này?  Mỗi nơi tôi đến, mỗi người tôi gặp, họ có thêm sức sống, có nhìn thấy những vẻ đẹp trong cuộc sống qua tôi, hay chỉ nhìn thấy bóng đêm, đau khổ, chia rẽ và chết chóc trong tôi?  Tôi lấy giây phút này để nhìn lại chức năng ánh sáng trong tôi, và quyết tâm sống đúng chức năng ánh sáng của mình, như Chúa Giêsu nói: Ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha của các con, Đấng ngự trên trời.” 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, May 30, 2023

Thứ Tư Tuần VIII Thường Niên – Năm A –31-5-2023 – Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Ê-li-sa-bét

 Thu Tu VIII TN

Luca 1:39-45

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

 (Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là lễ Đức Mẹ đi thăm Bà Ê-li-sa-bét, một việc làm xảy ra ngay sau khi Đức Mẹ được truyền tin mang thai Đấng Cứu Thế.  Bài đọc hôm nay có thể giúp tôi tập trung vào hai nhân đức cần thiết của một người theo Chúa.  Thứ nhất đó là việc chia sẻ niềm vui đến cho người khác.  Dấu chỉ của một con người gặp và có Chúa, đó là lòng tràn ngập vui mừng, cảm thấy cuộc đời hết sức đẹp, đầy yêu thương và không thể giữ riêng trong lòng, nhưng muốn chia sẻ ngay cho người khác.  Việc làm của Mẹ Maria đi thăm bà Ê-li-sa-bét cho thấy, cảm nghiệm niềm vui và yêu thương đang trào tràn trong lòng của Mẹ, muốn chia sẻ với người khác, chứng tỏ cảm nghiệm ấy đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ thần dữ.  Mẹ đi chia sẻ để người khác cũng cảm nghiệm được niềm vui như Mẹ đang có.  Trong khi đó, những cái gì đến từ thần dữ chỉ là niềm vui hào nhoáng bên ngoài, chóng qua và thường để lại những cảm giác bất an, buồn chán, hụt hẫng.  Cảm nghiệm ấy thường có tính huyênh hoang, ồn ào, ích kỷ; nếu có chia sẻ cho ai biết niềm vui đó cũng chỉ để là, muốn được sự chú ý của mọi người.  Đó là chưa kể, việc chia sẻ mang một thái độ trịch thượng cho rằng, vì tôi đạo đức, vì tôi giỏi nên mới được những ơn riêng thế này hoặc thế khác, còn các người khác có tu đến vạn kiếp chắc gì đã được như tôi!  Hôm nay tôi muốn nhìn vào đời sống của tôi, đâu là những ân sủng Chúa ban, đâu là những món quà tôi đã nhận được từ Chúa?  Ơn sủng và món quà ấy đã biến đổi cuộc đời tôi như thế nào, đã thúc đẩy tôi đến với tha nhân ra sao và đã góp phần làm cho xã hội này tốt đẹp hơn như thế nào?  Tôi bắt chước Mẹ Maria, chia sẻ với tha nhân những gì Chúa đã đặt để vào đời sống của tôi, một cách khiêm nhường và đầy lòng yêu mến.

2.     Nhân đức thứ hai trong bài đọc hôm nay đó là nhạy bén nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống.  Vừa thấy Mẹ Maria, Bà Ê-li-sa-bét đã nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong Maria ngay; mà không chỉ có bà ấy, cả Gioan trong bụng của bà cũng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và đã nhảy mừng.  Làm sao Bà Ê-li-sa-bét và Gioan có sự nhạy bén về sự hiện diện của Thiên Chúa như vậy?  Tôi có kinh nghiệm như vậy bao giờ chưa?  Tôi có nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong tôi, trong cuộc sống quanh tôi, trong những người thân của tôi?  Sự nhận biết Thiên Chúa đang hiện diện có làm cho tôi vui mừng, nhảy múa, giúp biến đổi mọi người và mọi nơi mà tôi hiện diện?  Nếu tôi không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa quanh tôi, tại sao vậy?  Trong bài giảng về Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu nói: “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8).  Có thể tâm hồn tôi không trong sạch chăng?  Tôi xin Chúa thanh tẩy tâm hồn tôi trở nên sạch trong chăng?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, May 29, 2023

Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên – Năm A –30-5-2023

Thu Ba VIII TN

Mác-cô 10:28-31

28Khi ấy, ông Phê-rô lên tiếng thưa với Đức Giê-su rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” 29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. 31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay tuy rất ngắn, nhưng có thể nói, nó đã diễn tả những gì rất thật về con người và về Thiên Chúa.  Thứ nhất, tôi để ý đến câu nói của Phê-rô với Chúa Giêsu: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”  Để hiểu được câu nói này của Phê-rô, tôi phải hiểu bối cảnh trước câu nói này.  Trước câu nói này là câu chuyện người thanh niên giầu có hỏi Chúa Giêsu, anh ta phải làm gì để được sự sống đời đời.  Sau khi nghe Chúa Giêsu trả lời, anh ta buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.  Rồi Chúa Giêsu quay qua nói với các môn đệ rằng, vào Nước Thiên Chúa khó biết bao, khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim!  Câu nói này của Chúa Giêsu khiến cho Phê-rô sửng sốt mà thốt lên câu nói trên.  Trong bối cảnh như vậy, tôi thấy câu nói của Phê-rô không phải là một câu xác định, nhưng là một câu hỏi.  Ý của Phê-rô muốn hỏi Chúa Giêsu, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy cuối cùng chúng con sẽ được gì?  Chính ở điểm này tôi có thể thấy câu hỏi này diễn tả những gì rất thật về con người, trong đó có thể có tôi.  Cái rất thật của con người đó là, vì lớn lên trong cuộc sống đã quen với chuyện đổi chác, nên tôi có thể đến với Chúa cũng với não trạng đổi chác.  Phê-rô đã bỏ mọi sự không phải chỉ để theo Chúa Giêsu, nhưng là để có một cái lợi lớn nào đó về sau, theo kiểu: “Bỏ con tép bắt con tôm”!  Tôi có theo Chúa Giêsu như Phê-rô?  Tôi có tính toán, đổi chác với Chúa Giêsu, bỏ tép để bắt tôm?  Đây là câu hỏi trọng tâm đối với đời sống đức tin của tôi và trong giờ cầu nguyện này.  Giả sử như, không có thiên đàng (phần thưởng) và hỏa ngục (hình phạt) mai sau, tôi có còn cầu nguyện mỗi ngày, có còn đi lễ, có còn ăn chay, có còn làm việc bác ái?  Hóa ra, tôi cũng chẳng khác Phê-rô, theo Chúa Giêsu chỉ để đổi chác, chứ không vì lòng mến.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này? 

2.     Thứ hai, vì Phê-rô hỏi nên Chúa Giêsu trả lời: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”  Câu trả lời của Chúa Giêsu thật hay và quan trọng, đáng cho tôi suy niệm trong giây phút này.  Dù biết Phê-rô, tôi và con người ai cũng chỉ muốn “đào mỏ” Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn chấp nhận, vẫn cho tôi tất cả mọi sự, lớn gấp bội phần những gì tôi đã bỏ.  Đây chính là bản chất của Thiên Chúa, Ngài rộng lượng và yêu thương tôi vô cùng, bất kể tôi đối xử với Ngài như thế nào.  Tôi muốn theo Chúa ở mức độ nào và với ý đồ như thế nào?  Tôi có thể dừng ở điểm này để suy niệm và nói chuyện với Thiên Chúa.  Tôi để ý Ngài sẽ nói gì với tôi.       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, May 28, 2023

Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên – Năm A –29-5-2023 - Lễ Mẹ Maria, Mẹ của Giáo Hội

Thu Hai VIII TN

Gioan 19:25-27

25Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27 Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.”  Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật thích hợp với ý nghĩa của ngày lễ hôm nay, kính Đức Mẹ là Mẹ của Giáo Hội.  Bài đọc hôm nay cho tôi thấy rõ tước hiệu Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội rất là chính đáng.  Nếu cuộc khổ nạn trên thập giá của Chúa Giêsu và từ cạnh sườn của Ngài khi bị đâm thâu đã làm phát sinh ra Giáo hội, thì đứng gần thập giá có Mẹ Maria, mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ quả là mẹ của Giáo hội.  Nếu Mẹ Maria đã luôn đồng hành qua mọi thăng trầm trong cuộc đời của Chúa Giêsu, đặc biệt trên bước đường thập giá, chắc chắn Mẹ cũng luôn đồng hành cùng Giáo hội.  Hôm nay tôi mừng kính lễ Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì có Mẹ luôn đồng hành?  Lịch sử của những cuộc hiện ra của Mẹ Maria luôn là để an ủi, bảo vệ các con cái của Mẹ, chắc chắn Mẹ cũng luôn bảo vệ Giáo hội trong hai ngàm năm qua.  Tôi có cảm thấy vui và tự tin rằng Mẹ luôn bảo vệ Giáo hội, mặc dù Giáo hội luôn phải những chia rẽ từ bên trong và chống đối từ bên ngoài?  Tôi lấy giây phút này để cầu nguyện cho Giáo hội.  Hôm nay cũng vào những ngày cuối của Tháng Hoa kính Đức Mẹ, tôi muốn xin Mẹ gìn giữ ĐGH Phanxico và các vị chủ chăn trong Giáo hội và bảo vệ Giáo hội. 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên và muốn chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giêsu nói với Đức Mẹ những lời cuối, trao gởi người môn đệ Ngài yêu, tức là Giáo hội, trong đó có tôi, cho Đức Mẹ.  Tôi muốn suy niệm về những lời Chúa Giêsu nói cho Đức Mẹ và nói cho Giáo hội và nói cho tôi, người môn đệ mà Ngài yêu.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng lời Kinh Mân Côi, nhân dịp đang trong những ngày cuối cùng của Thánh Hoa kính Đức Mẹ.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, May 27, 2023

Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên – Năm A –28-5-2023 - Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

CN VIII TN

Công Vụ Tông Đồ 2:1-11

1Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. 5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến.  Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!”

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, và bài đọc hôm nay nêu rõ hai đặc nét của việc lãnh nhận Thánh Thần.  Thứ nhất, Chúa Thánh Thần hiện xuống làm cho người ta có sức mạnh, vượt thắng mọi sợ hãi.  Ngày này năm xưa, sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, các môn đệ sợ chạy toán loạn, rồi ở trong nhà đóng kín cửa lại, vì sợ sẽ bị những người Do-thái tìm giết.  Nhưng Chúa Thánh Thần hiện xuống trên họ, mọi sự bỗng dưng đổi thay.  Họ không còn sợ hãi, nhưng tung cửa ra đi đến mọi nơi, rao giảng về Chúa Giêsu Phục Sinh cho mọi người.  Tôi có kinh nghiệm như thế này bao giờ chưa?  Chẳng hạn, những khi gặp khó khăn và thử thách, tôi trở nên sợ hãi và nhút nhát.  Nhưng sau khi cầu nguyện, tôi cảm thấy như được thêm sức mạnh, dám đứng lên và làm những gì tốt và có ích cho nhiều người, bất chấp mọi sợ hãi.  Hoặc, bao lâu nay tôi sống trong ù lì, ủ rũ, chán nản, chẳng muốn làm gì, nhưng sau khi cầu nguyện hoặc được người khác cầu nguyện, tôi bỗng dưng trở nên như một người mới, đầy nhiệt huyết, hăng say tham gia vào đủ mọi chương trình của cộng đoàn, làm cho bộ mặt của cộng đoàn cũng được mạnh mẽ và tươi mới hơn.  Tôi muốn nói gì với Chúa Thánh Thần về những kinh nghiệm ấy?  Hoặc, nếu tôi đang sống trong tình trạng bi quan, yếm thế, nhút nhát, sợ hãi, ù lì, ủ rũ, thụ động, tôi muốn cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần, xin Ngài đổi mới và thêm sức mạnh cho tôi.

2.     Thứ hai, Chúa Thánh Thần là nguồn yêu thương đầy sáng tạo.  Ngày này năm xưa khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ, họ bỗng dưng vươn đến với mọi người thuộc đủ mọi dân mọi nước và mọi ngôn ngữ.  Bài đọc hôm nay dùng một kiểu nói mang tính biểu tượng.  Các môn đệ đã có thể nói tiếng “mẹ đẻ” của mọi dân tộc và văn hóa khác nhau, ai nghe thấy cũng phải ngạc nhiên.  Tiếng “mẹ đẻ” ở đây không phải là tiếng Do-thái, tiếng Hy-lạp, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tàu, tiếng Việt, hay bất cứ thứ tiếng nào trên thế giới, mà là tiếng mà mọi người đều nói chung khi còn trong bụng mẹ, đó là: yêu thương.  Người con nào cũng học tiếng này đầu tiên khi còn trong bụng mẹ, được bẹ yêu thương, chăm sóc và bảo vệ.  Yêu thương chính là tiếng mẹ đẻ của mọi dân tộc và mọi văn hóa, thuộc mọi thời đại.  Các môn đệ đã đi tới với mọi dân tộc bằng tình thương, bằng những nghĩa cử yêu thương.  Chính vì thế mà ai cũng hiểu và đón nhận một cách nồng nhiệt.  Tôi có kinh nghiệm được người khác nói tiếng yêu thương bao giờ chưa?  Tôi cảm thấy như thế nào những lúc ấy?  Tôi có kinh nghiệm nói tiếng yêu thương với ai chưa?  Họ cảm thấy thế nào với tôi?  Tôi cảm tạ Chúa Thánh Thần đã cho tôi được những cảm nghiệm yêu thương ấy và cơ hội diễn tả tình yêu với mọi người.  Hôm nay là lễ Chúa Thánh Thần, tôi quyết tâm từ nay sẽ tập nói tiếng “mẹ đẻ” mỗi ngày cho thật sõi.  Tôi quyết tâm dùng tiếng “mẹ đẻ” ở những nơi nào và với những ai trong ngày hôm nay?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Thánh Thần Hãy Đến,” sáng tác của Lm. Thành Tâm, do Diệu  Hiền và Phi Nguyễn trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=94LXNKVoQPE

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, May 26, 2023

Thứ Bảy Tuần VII Phục Sinh – Năm A –27-5-2023

Thu Bay VII PS

Gioan 21:20-25

20Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” 21Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” 22 Đức Giê-su đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?  Phần anh, hãy theo Thầy.” 23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết.  Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?” 24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.  Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. 25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm.  Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là những dòng cuối cùng của Phúc âm Gioan.  Những dòng này thật quan trọng và đáng cho tôi suy niệm và để ý thăng tiến trong đời sống đức tin của tôi mỗi ngày.  Thứ nhất, tôi để ý đến câu nói của Chúa Giêsu đối với Phê-rô, khi ông so sánh ơn gọi của ông với người môn đệ Chúa yêu: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?  Phần anh, hãy theo Thầy.”  So sánh, phân bì trong đời sống trần thế và trong đời sống thiêng liêng là một thói quen xấu có thể được tôi nuôi dưỡng mỗi ngày từ khi còn bé.  Tôi hiểu rõ mỗi lần so sánh hay phân bì, luôn để lại trong tôi những cảm giác bất an, không vui, thiếu tự tin và thiếu yêu thương không chỉ với tha nhân, nhưng đặc biệt là với chính tôi.  Phê-rô, dù đã theo Chúa Giêsu bao nhiêu năm và dù đã lớn tuổi, ông cũng có sự so sánh như thế, khi Chúa Giêsu gọi ông.  Ông đã so sánh với người môn đệ Chúa Giêsu yêu.  Nhưng Chúa Giêsu nói ơn gọi của nào là chuyện người đó, không phải là việc của ông, “Phần anh, hãy theo Thầy.”  Tôi có cảm thấy lời này của Chúa Giêsu cũng đang nói với tôi?  Tôi phản ứng và đáp trả ra sao?  Tôi nói với Chúa Giêsu về những cảm nghĩ ấy.   

2.     Thứ đến, Gioan nói về lời chứng của người môn đệ Chúa Giêsu yêu là rất đáng tin.  Phúc âm Gioan không bao giờ nhắc đến tên của người môn đệ Chúa Giêsu yêu.  Đây là kiểu viết rất kín đáo của Gioan nhằm để nói, những người môn đệ Chúa Giêsu yêu chính là những độc giả Phúc âm Gioan, đang rất mực yêu Chúa Giêsu và được Ngài yêu mến, trong đó có tôi.  Chúa Giêsu vẫn tiếp tục làm phép lạ mỗi ngày với tôi, với bất cứ ai trầm mình bên Chúa Giêsu và cầu nguyện mỗi ngày.  Nếu tất cả những kinh nghiệm riêng tư và sâu lắng của tôi hay của bất cứ ai với Chúa Giêsu, nếu viết hết ra, chắc chắn thế giới này không có đủ chỗ để lưu giữ tất cả những kinh nghiệm ấy.  Điều này là một khích lệ lớn đối với tôi mỗi khi bước vào giờ cầu nguyện.  Kinh nghiệm riêng tư, thân tình mỗi ngày giữa tôi với Chúa Giêsu có thể là một lời chứng thật không?  Hùng hồn không?  Đáng tin không?  Tôi muốn cầu nguyện và muốn trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu trong cả ngày sống hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, May 25, 2023

Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh – Năm A –26-5-2023 – Lễ Thánh Phi-li-phê Nê-ri

Thu Sau VII PS

Phi-líp-phê 4:4-9

4Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.  Tôi nhắc lại: vui lên anh em! 5 Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. 6 Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. 7 Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. 8 Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. 9 Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.

(Trích Thư Phi-líp-phê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay trích từ Thư Thánh Phao-lô gởi tín hữu ở Phi-líp-phê.  Phi-líp-phê là thành phố đầu tiên ở Châu Âu được Thánh Phao-lô đến rao giảng Tin Mừng, sau đó Ngài bị tù.  Vì thế, lá thư Phi-líp-phê được viết khi Thánh Phao-lô đang ở trong tù.  Mặc dù đang bị tù đầy, nhưng Phao-lô đã luôn quan tâm, viết thư thăm hỏi và khích lệ các tín hữu trong cộng đoàn mà ngài đã thành lập.  Những lời lẽ trong thư, từ đầu đến cuối, chan chứa tình cảm; đặc biệt nổi bật niềm vui, như tôi thấy trong câu mở đầu của bài đọc hôm nay.  Tại sao Phao-lô đang bị cầm tù, tức là đang bị ngược đãi vì niềm tin, ấy vậy mà ngài vẫn có thể nói những lời khích lệ đầy yêu thương, và khuyên người ta hãy vui lên trong Chúa?  Có khi nào đang gặp những gian nan, bắt bớ, hiểu lầm, khinh khi và thử thách, tôi đã có thể nói được những tiếng yêu thương, hiền hòa, nhã nhặn và đầy lạc quan như Phao-lô?  Tôi đọc lại những lời trên của Phao-lô để tập sống lạc quan, yêu đời và yêu người hơn. 

2.  Ngoài ra Phao-lô còn khuyên: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.”  Tôi có thể nhìn lại một ngày sống, một tuần sống vừa qua của tôi, đâu là những điều chân thật, cao quý, chính trực, tinh tuyền, đáng mến, danh thơm tiếng tốt, đức hạnh và đáng khen còn đọng lại trong tôi?  Tôi để ý những điều này đã giúp chữa lành trong tôi, tìm thấy sự bình an và hướng đi cho tương lai như thế nào?  Tôi cảm thấy bình an không khi đếm được những điều rất tích cực trên?  Tôi đọc lại bài đọc trên thật chậm và để ý tôi muốn tạ ơn Chúa về những điều gì và như thế nào?

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Wednesday, May 24, 2023

Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh – Năm A –25-5-2023

Thu Nam VII PS

Gioan 17:20-26

20Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.  Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. 22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: 23Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. 24 Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. 26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay ở vào phần cuối của chương 17, những lời nói sau cùng của Chúa Giêsu tại Bàn Tiệc Ly, một vài tiếng trước khi Ngài bị bắt.  Trong những giờ phút cuối cùng ấy, Chúa Giêsu tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha, mong sao những người Ngài thương mến biết đoàn kết nên một như Ngài với Chúa Cha.  Điều này như nhấn mạnh hơn những gì Ngài nói trước đó, sau khi rửa chân cho các môn đệ: Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35).  Và đúng như vậy, những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, không phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, giầu hay nghèo, tất cả đều rất mực yêu thương và nên một với nhau.  Đến nỗi, những người dân ngoại đã hết mực khen những Kitô hữu, như Tertullian, một trong những lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu thời bấy giờ đã viết: “Chính những hành động của tình yêu cao thượng đã khiến nhiều người [dân ngoại] kháo với nhau về chúng ta [những Kitô hữu] rằng: ‘Kìa xem họ [những Kitô hữu] yêu nhau như thế nào,…họ sẵn sàng chết vì nhau như thế nào’” (The Apology, ch. 39).  Đây có phải là điều mà thế giới vẫn còn thấy ở trong các giáo xứ, các đoàn thể, các gia đình Kitô hiện nay? Những người ngoại giáo thấy gì khi họ nhìn vào gia đình tôi?  Họ nghĩ gì về sự chia rẽ đau thương của rất nhiều nhóm vẫn xưng Chúa Giêsu là Chúa?  Làm sao tôi có thể duy trì sự chia rẽ như vậy khi đối diện với những lời này của Chúa Giêsu?  Tôi lấy giây phút này để kiểm điểm chính tôi, gia đình và cộng đoàn xứ đạo của tôi.

2.     Ở gần cuối bài đọc hôm nay Chúa Giêsu cầu nguyện: Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con.”  Tình yêu bao giờ cũng muốn ở cùng.  Khi yêu ai, tôi muốn ở cùng người ấy và nên một với người ấy.  Chúa Giêsu cũng muốn như thế, khi Ngài yêu tôi.  Tôi cảm thấy như thế nào với lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu?  Ngài muốn ở cùng với tôi.  Cầu nguyện không chỉ, tôi xin Chúa và chờ Ngài ban ơn; nhưng còn, để nghe Chúa cũng đang xin gì cùng tôi và tôi cũng “ban ơn” cho Ngài.  Tôi yêu Chúa Giêsu đến mức nào?  Tôi có muốn Ngài ở cùng với tôi?  Tôi muốn làm cho ước mơ và lời nguyện của Chúa Giêsu được trở thành hiện thực, ngay trong giây phút này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, May 23, 2023

Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh – Năm A –24-5-2023

Thu Tu VII PS 

Công Vụ Tông Đồ 20:28-38

28Hồi ấy, ông Phao-lô nói với các kỳ mục trong Hội Thánh Ê-phê-xô rằng: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình. 29 Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. 30 Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng. 31 Vì vậy anh em phải canh thức, và nhớ rằng, suốt ba năm, ngày đêm tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ. 32 Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. 33 Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. 34 Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. 35 Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giê-su đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận.” 36 Nói thế rồi, ông Phao-lô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. 37 Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. 38 Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu.

(Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Đầu tuần này, tôi đã nghe Chúa Giêsu nói lời tạm biệt với các môn đệ.  Bây giờ đến lượt Phao-lô, và tôi có một cái nhìn hiếm hoi và cảm động về mối quan hệ cá nhân giữa ngài và cộng đoàn của ngài.  Những lời nào của Phao-lô đánh động tôi nhất?  Phao-lô quan tâm đến sự hiệp nhất và khả năng duy trì tình cộng đoàn của ngài, khi ngài rời khỏi họ.  Đức tin của mỗi người đã lớn dần nhờ niềm tin và sự nâng đỡ của mọi người trong cộng đoàn.  Ai đã từng là một phần của món quà đức tin của tôi?  Trong lúc này, tôi muốn cầu nguyện cho người ấy, cộng đoàn ấy.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa, cố gắng chú ý đến bất kỳ từ ngữ hoặc hình ảnh nào gây ấn tượng nhất với tôi.  Những suy nghĩ và cảm xúc của tôi khi đọc lại bài đọc trên là gì?  Bài đọc hôm nay cho tôi một cái nhìn sâu sắc về đức tin, đức cậy và đức mến của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.  Có phải Chúa đang nói với tôi qua bối cảnh của bài đọc hôm nay, hay có điều gì tôi muốn nói với Chúa về bài đọc trên?  Tôi hãy cho phép những phản ứng của tôi xảy đến một cách tự nhiên từ trái tim của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, May 22, 2023

Thứ Ba Tuần VII Phục Sinh – Năm A –23-5-2023

 Thu Ba VII PS

Gioan 17:1-11a

1Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, giờ đã đến!  Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô. 4 Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha.  Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con. 9 Con cầu nguyện cho họ.  Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10 Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. 11a Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm là khởi đầu của Chương 17 trong Phúc âm Gioan, một chương rất đặc biệt, trong đó Chúa Giêsu cầu nguyện cho tất cả những người Ngài thương mến.  Bài đọc hôm nay cho tôi thấy một cái nhìn thoáng qua về mối quan hệ gắn bó rất mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha.  Chúa Giêsu sắp bước vào cuộc tử nạn, nhưng điều Ngài quan tâm nhất vào lúc này là những người Ngài thương mến.  Ngài cầu nguyện cho họ được vững vàng trong đức tin, đức cậy và đức mến.  Tôi cảm thấy thế nào khi lắng nghe Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi?   Chúa Giêsu cầu nguyện để mọi người Ngài thương có thể chia sẻ sự hiệp nhất và gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên tất cả.  Tôi nghĩ việc Chúa Giêsu cầu nguyện cho những người Ngài thương có ý nghĩa gì?  Hãy để những lời nguyện của Chúa Giêsu vang vọng trong tâm tôi lúc này.

2.     Tôi đọc lại thật chậm bài đọc trên và để ý những từ nào đánh động tôi nhất và muốn ở lại với tôi.  Chúng gợi nên những suy nghĩ và cảm xúc nào trong tôi?  Phúc âm Gioan cho tôi tiếp cận trực tiếp với những suy nghĩ và cảm xúc của Chúa Giêsu vào thời điểm thân mật nhất trong Bữa Tiệc Ly, khi Ngài nói chuyện với các môn đệ và với Chúa Cha.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu khi ngồi lắng nghe Ngài? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, May 21, 2023

Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh – Năm A –22-5-2023

Thu Hai VII PS

Gioan 16:29-33

29Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng: “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy.  Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31 Đức Giê-su đáp: “Bây giờ anh em tin à? 32 Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình.  Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.  Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.  Nhưng can đảm lên!  Thầy đã thắng thế gian.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay ở vào phần cuối cùng của chương 16, chương của những lời từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ.  Trong câu cuối cùng của bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.  Nhưng can đảm lên!  Thầy đã thắng thế gian.”  Chúa Giêsu nói “thắng thế gian” nghĩa là gì?  Bởi, chỉ vài tiếng sau khi nói những lời này, Chúa Giêsu đã bị lột trần trước công chúng, bị đánh đập, bị làm nhục, bị đóng đinh, và bị bỏ rơi bởi những người thân cận nhất.  Tuy nhiên, Ngài hứa hẹn cho những người Ngài thương mến sự tin tưởng và bén rễ sâu trong Thiên Chúa, giống như chính Ngài cũng tin tưởng và bén rễ sâu trong Thiên Chúa.  Tôi có thể nhớ lại xem, có những khoảnh khắc nào mà tôi cảm thấy đã bén rễ sâu trong sự hiện diện của Thiên Chúa?  Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý xem, những từ nào nổi bật đối với tôi.  Những lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly có gợi lên trong tôi những cảm xúc hay phản ứng đặc biệt nào không?

2.     Có bao giờ tôi cảm thấy tin tưởng sâu sắc vào Chúa, bất chấp những thử thách của cuộc sống?  Hoặc, có khi nào tôi đã phải khắc khoải giằng co với niềm tin rằng, Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi mình?  Trong cả hai trường hợp, hãy cố gắng tìm lời để nói bất cứ điều gì trong lòng với Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương trào tràn.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, May 20, 2023

Chúa Nhật Tuần VII Phục Sinh – Năm A –21-5-2023 – Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên

CN VII PS

Công Vụ Tông Đồ 1:12-14

12Sau khi Đức Giê-su được rước lên trời, các Tông Đồ từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem.  Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. 13 Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ.  Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. 14 Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.

 (Trích Công Vụ Tông Đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một bài đọc rất hay mà tôi có thể áp dụng phương pháp cầu nguyện hình dung của Thánh I-nha-xi-ô trong giờ cầu nguyện này.  Trước hết, tôi hình dung tôi là một trong những môn đệ của Chúa Giêsu, vừa trở về Giê-ru-sa-lem sau khi chứng kiến Ngài lên trời.  Tôi cảm thấy thế nào về điều mà tôi vừa chứng kiến?  Tôi nói gì với những người đã cùng đứng đó với tôi?  Họ sẽ nói gì với tôi?

2.     Sau khi về đến Giê-ru-sa-lem, tất cả đều lên trên lầu, nơi mọi người đang tụ tập và đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện.  Từ lâu trong Giáo hội, hai chữ “Lầu trên” đã trở thành ngôn từ biểu tượng để nói về đời sống của các Kitô hữu luôn hiệp nhất với nhau và chuyên chăm cầu nguyện, chờ ngày Chúa Giêsu lại đến.  Bây giờ, tôi cũng là một trong những Kitô hữu đang chờ đợi ngày Chúa Giêsu lại đến, tôi cũng muốn hợp cùng dân Chúa cầu nguyện trong giây phút này.  Tôi sẽ cầu nguyện gì?  Tôi chia sẻ lời cầu nguyện của tôi với Chúa Giêsu.  Tôi cũng xin cho được ơn mạnh mẽ và can đảm để dám trung thành với Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, May 19, 2023

Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh – Năm A –20-5-2023

Thu Bay VI PS

Gioan 16:23b-24

23bKhi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy.  Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Những lời cuối cùng của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, trong bài đọc hôm nay, mời gọi họ hãy tin tưởng trong cầu nguyện.  Một người nào đó đã nói: “Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã ảnh hưởng trên đời sống của những người theo Ngài mạnh mẽ hơn cả trước kia, khi Ngài còn đang rao giảng – Jesus impacted the lives of his followers more powerfully after his death than before it.”  Tôi cảm thấy tự tin đến mức nào khi cầu nguyện với Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa?  Nếu tin, vậy giờ đây tôi muốn cầu nguyện cùng Chúa Giêsu điều gì, hãy nói với Ngài bằng tất cả niềm xác tín. 

2.     Điều gì đã khiến tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện, đặc biệt những khi Chúa dường như chẳng trả lời, hoặc chẳng thèm nghe tôi?  Tôi cảm thấy như thế nào những lúc ấy?  Tôi cảm thấy như thế nào trong lúc này?  Tôi còn muốn cầu nguyện nữa không?  Một người nào đó nói: “Sự chậm trễ của Chúa không phải là Ngài muốn chối từ - God’s delay is not God’s denial.”  Vậy, tôi tiếp tục cầu nguyện.

Phạm Đức Hạnh, SJ