Wednesday, December 16, 2020

Thứ Năm Tuần III Mùa Vọng – Năm B – 17-12-2020

Thu Nam III MV

Mát-thêu 1:1-17

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. 1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham: 2Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; 3Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; 4A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; 5Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; 6Gie-sê sinh Đa-vít.

Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; 7Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; 8A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; 9Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; 10Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; 11Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

12Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; 13Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; 14A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; 15Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; 16Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

17Như thế, tính chung lại thì: từ ông Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay đã gần đến Lễ Giáng Sinh, kỷ niệm Chúa Giêsu sinh làm người, giáo hội mời gọi tôi đọc và suy niệm về gia phả của Chúa Giêsu.  Trước hết, đừng để bị chia trí trong cầu nguyện về cách viết của Mát-thêu như: ông này sinh ra ông kia, mà không nói bà này sinh ra người kia, đặc biệt ông không hề viết - ông bà này sinh ra người này người kia!  Bởi Do-thái là văn hóa phụ hệ cũng giống như văn hóa Việt Nam, con mang họ cha, nên cách viết gia phả của Việt Nam hoặc Do-thái đều có kiểu nói: ông này sinh ra người kia, chứ không nói bà này sinh ra người này người kia.  Điều quan trọng cần chú ý là nội dung mà Mát-thêu muốn nhắn nhủ tôi qua gia phả này.  Thứ nhất, gia phả Chúa Giêsu có một mạch nối liền bắt đầu từ Áp-ra-ham, nhằm để nói Thiên Chúa trung thành với lời hứa của Ngài.  Dù thời gian có biến thay, có dài dằng dẵng, Thiên Chúa vẫn không quên thực hành lời hứa của Ngài, là ban cho nhân loại một Đấng Cứu Thế.  Hôm nay, Đấng Cứu Thế ấy đã sinh ra trong con người Giêsu, mà tôi sẽ kỷ niệm ngày sinh của Ngài trong một vài ngày sắp đến.  Tôi cảm thấy thế nào khi Thiên Chúa luôn trung thành và giữ lời hứa của Ngài đối với tôi, chẳng bỏ mặc tôi bao giờ?  Trong giây phút cầu nguyện này, tôi muốn nhìn lại cuộc sống của tôi từ khi sinh ra đến bây giờ: Chúa và tôi, ai trung thành hơn ai?  Bao nhiêu lần tôi cảm thấy Chúa bỏ rơi tôi?  Bao nhiêu lần tôi bỏ quên Chúa?  Tôi có thể so sánh sự chênh lệch này và nói với Chúa những cảm nghĩ của tôi. 

2.      Điều quan trọng nữa trong gia phả Chúa Giêsu mà Mát-thêu muốn nói với tôi đó là, những con người trong gia phả này.  Họ thuộc đủ mọi hạng người, vua, tôi, thánh thiện, tội lỗi, gian dâm, loạn luân, gian dối, trộm cắp, phản quốc, giết người, ngoại tình…  Trong một dòng dõi đầy xấu xa như vậy, thế mà Thiên Chúa vẫn chọn để Con Một của Ngài sinh hạ trong dòng dõi ấy.  Điều này cho tôi thấy, Thiên Chúa không hề thất vọng về con người.  Dù con người có xấu xa đến mấy, Thiên Chúa vẫn đến và làm cho mọi người được tốt đẹp hơn.  Tôi có cảm thấy đây là một hy vọng rất lớn đối với tôi không?  Tình yêu của Thiên Chúa vượt trên những yếu đuối của tôi, có cho tôi một hy vọng để đứng lên và trở về với tình yêu ấy không?  Cái gì đang giam hãm tôi, khiến tôi không dám tha thứ cho chính mình, không dám tha thứ cho người khác, không dám trở về với Thiên Chúa?  Tôi có đối xử rộng lượng với đồng loại khi họ vấp té, như Chúa luôn đối xử rất rộng lượng đối với tôi?  Chẳng hạn, nếu cần viết gia phả cho dòng họ của tôi, tôi có định giữ người này và bỏ người kia chỉ vì quá khứ tốt xấu của họ không?  Chẳng hạn trong những ngày gần lễ Giáng sinh, tôi có chỉ viết thiệp Giáng sinh cho người này và không viết cho người kia, chỉ vì họ có những lỗi lầm hoặc xúc phạm đến tôi?  Tôi nói chuyện với Chúa những cảm nghĩ của tôi về mọi người trong các tương quan giữa tôi với họ, và để ý Chúa nói tôi phải làm gì. 

Phạm Đức Hạnh, SJ    

0 comments:

Post a Comment