Wednesday, August 30, 2017

Thứ Năm XXI Thường Niên – Năm Lẻ –31-08-2017

Thu Nam XXI TN
Mát-thêu 24:42-44
42 "Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Lời Chúa hôm nay là một lời cảnh tỉnh đối với mọi người, cần phải có một sự bén nhạy và tỉnh táo trong đời sống.  Sự bén nhạy này sẽ giúp tôi sẵn sàng trước việc Chúa đến gặp tôi.  Cầu nguyện và sống kết thân với Chúa chính là cách giúp tôi tỉnh táo và sẵn sàng đói gặp Chúa.  Tôi có thể bắt đầu ngay từ giờ cầu nguyện bây giờ.

2.     Thiên Chúa đến có thể hiểu như giờ phút cuối đời của mỗi người.  Liệu tôi có được sự chuẩn bị và sẵn sàng để đón Chúa đến trong mọi lúc chăng?  Sự sẵn sàng, cuộc sống không bám víu và một tình thân gắn bó với Chúa và anh chị em xung quanh đây là thái độ chuẩn bị khôn ngoan nhất, nhưng nói thì dễ nhưng làm không dễ chút nào.  Tôi muốn xin Chúa cho tôi có được tâm hồn có đủ những yếu tố này.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, August 29, 2017

Thứ Tư XXI Thường Niên – Năm Lẻ –30-08-2017

Thu Tu XXI TN
Mát-thêu 23:27-32
27 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.28Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!29 "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính.30 Các người nói: "Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ."31 Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ.32 Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Lời Chúa hôm nay có mạnh mẽ lắm không?  Có làm tôi giật mình hay giận Chúa không?  Có khi nào tôi ham danh lợi, trọng cái tôi của mình, sợ khó và sợ khổ nên chỉ nói mà không làm, chỉ nói cho người khác làm còn bản thân thì không?  Tôi muốn xem lại đâu là những giá trị của niềm tin mà Chúa mời gọi tôi không chỉ nói mà còn hành, không chỉ biết mà còn phải sống nữa.

2.     Lời Chúa hôm nay có thể là một lời xét mình cho mọi người trong Giáo hội.  Thái độ giả hình dường như có ở trong mọi người, không nhiều thì ít.  Trong giờ cầu nguyện này tôi có thể xin Chúa giúp tôi nhận ra những lối sống giả hình của tôi và can đảm sửa đổi.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, August 28, 2017

Thứ Ba XXI Thường Niên – Năm Lẻ –29-08-2017 – Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả

Thu Ba XXI TN
Mác-cô 6:17-29
17 Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê,18 mà ông Gio-an lại bảo: "Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!"19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được.20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê.22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con."23 Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được."24Cô gái đi ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì đây?" Mẹ cô nói: "Đầu Gio-an Tẩy Giả."25 Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: "Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm."26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô.27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục,28 bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.
(Trích Phúc âm Mác- cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Tôi có thể thấy bài đọc ngày hôm nay tràn ngập sự ác.  Để bao che cho việc làm xấu mà người ta đã tìm mọi cách bỏ tù người công chính, tức Gioan.  Tôi có thể thấy lối đi của sự ác không chỉ xảy ra một lần cho Gioan, nhưng còn lập đi lập lại ở khắp nơi cho đến ngày hôm nay.  Có khi nào vì bảo vệ danh dự của mình khi việc làm sai quấy của mình bị phát hiện thì tìm mọi cách chùi dập những người đã đưa chuyện của mình ra ánh sáng?  Tôi muốn cầu nguyện cho tất cả nạn nhân của bất công do tôi hay những người khác vẫn tiếp tục gây nên ngày nay.

2.     Một sự ác trong bài đọc hôm nay nữa vì đam mê sắc dục mà Hê-rô-đê có thể bán đứng mạng sống của một tiên tri.  Một lần nữa đây cũng không phải là một câu chuyện xa xưa nhưng ngày hôm nay cũng vẫn xảy ra đó đây.  Nhiều người chỉ vì tình yêu mà sẵn sàng bán đứng cha mẹ ruột của mình, vì người yêu mà xỉ vả, đánh chửi hoặc bỏ rơi, hất hủi cha mẹ ruột của mình.  Tôi có trong trường hợp này không?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa xin Ngài giúp tôi khôn ngoan và can đảm dám làm những gì trong sự thật, và tình thương.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, August 27, 2017

Thứ Hai XXI Thường Niên – Năm Lẻ –28-08-2017 – Lễ Thánh Augustine

Thu Hai XXI TN
1 Thêxalônica 1:1-10
1 Chúng tôi là Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê, kính gửi Hội Thánh Thê-xa-lô-ni-ca ở trong Thiên Chúa Cha, và trong Chúa Giê-su Ki-tô. Chúc anh em được ân sủng và bình an.2 Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện,3 và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô.4 Thưa anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em,5 vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em; 6 còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban:7 bởi vậy anh em đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a.8 Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa.9 Khi nói về chúng tôi, người ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật,10 và chờ đợi Con của Người từ trời ngự đến, người Con mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, là Đức Giê-su, Đấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến.
(Trích Thư I Thêxalônica bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Đây là một tông thư đầy tâm huyết của Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê.  Họ là những người lãnh đạo cộng đoàn dù bận rộn và dù xa xôi, nhưng luôn quan tâm và nhớ đến các tín hữu của họ trong cầu nguyện và liên đới.  Các tông đồ đã cầu nguyện, đã diễn tả tình thương cho các tín hữu trong cộng đoàn Thêxalônica, cũng chính là cho tôi hôm nay.  Tôi muốn cảm nghiệm những lời đó đang vang vọng trong tôi và đang có sức kéo ơn Chúa rợp bóng trên tôi lúc này. 
2.     Tôi muốn bắt chước các tông đồ, kể từ nay, luôn biết liên đới và cầu nguyện cho những người mà tôi có trách nhiệm.  Tôi đọc lại những lời trên để cho những tâm tình đầy yêu mến và tin tưởng ở Chúa thấm đượm trong con người của tôi.  Tôi có thể cầu nguyện cho những người mà tôi có trách nhiệm, nói với Chúa về những điều hay điều tốt của họ.  Tôi cũng có thể viết thư hoặc gọi điện thăm hỏi họ, khuyến khích họ, nâng đỡ họ, hoặc khen ngợi họ, cho họ biết là tôi vẫn giữ gìn họ trong giờ các giờ cầu nguyện của tôi nhờ vậy họ trở nên mạnh mẽ tiếp tục vươn lên và tiến bước trong cuộc sống.  
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, August 26, 2017

Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm Lẻ –27-08-2017 - Lễ Thánh Monica

Chua Nhat XXI TN
Mát-thêu 16:13-20
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?"14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."15 Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?"16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Có lẽ tôi biết nhiều về Chúa qua những gì người khác nói, nhưng nếu Chúa hỏi tôi trong giờ cầu nguyện này, tôi nói Chúa là ai, tôi trả lời được không?  Câu trả lời của tôi phải đến từ kinh nghiệm bản thân, và từ những rung cảm của con tim giữa tôi với Chúa chứ không phải là lập lại lời người khác kiểu con vẹt.  Tôi muốn đi vào tương quan với Chúa trong giờ cầu nguyện này để có được câu trả lời về Chúa Giêsu là ai một cách rất riêng tư, rất độc đáo, không “đụng hàng.”

2.     Sau khi Phê-rô nói Chúa Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa, Ngài đã bộc bạch những dự định cho ông, cắt đặt ông vào những việc làm của Chúa.  Tôi nghĩ sao khi Chúa gọi tôi cho những dự phóng của Ngài?  Tôi muốn nhận hay từ chối?  Mau mắn hay lưỡng lự?  Tôi cần bàn chuyện với Chúa thêm để nhận ra điều Ngài đang mong đợi nơi tôi và để ý lòng tôi đáp trả như thế nào trước lời mời gọi của Ngài? 
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Friday, August 25, 2017

Thứ Bảy XX Thường Niên – Năm Lẻ –26-08-2017 - Lễ Thánh Luis

Thu Bay XX TN
Mát-thêu 23:1-12
1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Có lẽ lời Chúa hôm nay rất thích hợp cho tôi dùng để xét mình về những việc làm, lời nói và thái độ sống của tôi mỗi ngày.  Có bao giờ tôi nói cho người khác điều mà tôi không làm, hay không thể làm được không?  Chẳng hạn tôi đã hoặc luôn sống dối trá, gian lận và bất công nhưng vẫn mở miệng lên án hoặc đòi buộc người khác phải sống công tâm?  Tôi đã không chịu đi học khi có cơ hội, vậy mà lại cột cổ, đánh đít con cái phải học hành?  Tôi đã không muốn đi tu hoặc đi tu không xong về lập gia đình, nhưng lại bắt con cái phải đi tu?  Tôi muốn ngồi bên Chúa trong lúc này và xét mình để tôi biết sống khoan dung hơn. 
2.  Lời Chúa hôm nay cũng không nói đến những kiểu xưng hô “cha” ở nhà thờ, nhưng là nói đến những thói hống hách kiểu cha chú, kiểu làm cha thiên hạ hoặc, tôn người nào đó một cách quá đáng như thần thánh.  Có ai hay có thái độ nào của tôi đã làm cho hình ảnh của Chúa bị lu mờ và ẩn khuất chăng?  Tôi muốn xem lại điều này.
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Thursday, August 24, 2017

Thứ Sáu XX Thường Niên – Năm Lẻ –25-08-2017

Thu Sau XX TN
Mát-thêu 22:34-40
34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng:36 "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?"37 Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Tôi thấy lạ quá, một người thông luật mà lại hỏi Chúa Giêsu luật nào quan trọng nhất!  Điều này ông ta biết rõ vậy mà vẫn hỏi.  Chứng tỏ câu hỏi không có ý tìm câu trả lời mà thách thức và thử người được hỏi, Đức Giêsu.  Có lẽ tôi chưa bao giờ dám trực tiếp thách thức Chúa, nhưng gián tiếp thì có hoặc thách thức một cách nhẹ nhàng hơn thì có, không phải về luật nhưng về niềm tin và tình thương.  Nếu Chúa cho con thi đậu, trúng mánh, trúng số, khỏi bệnh, vượt biên lọt…, con sẽ yêu Chúa hơn, con sẽ tin Chúa hơn, con sẽ sống tốt hơn, con sẽ ăn chay trường…!  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn nói gì với Chúa về những thái độ này?
2.     Tất cả Luật Mô-sê và sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn: Mến Chúa và yêu người hết mình, hết linh hồn, hết trí khôn.  Tôi đã thử lời dạy này chưa?  Được bao nhiêu phần trăm?  Mến Chúa coi bộ dễ hơn yêu người, nhưng tôi yêu Chúa được bao nhiêu phần trăm của lời dạy rồi?  Nếu tôi yêu Chúa được 100% thì có lẽ yêu người sẽ trở nên dễ hơn.  Bởi tôi chưa yêu Chúa được nên yêu người cũng chẳng xong.  Tôi muốn xin Chúa điều gì trong giờ cầu nguyện này để giúp tôi sống được hai luật này? 
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Wednesday, August 23, 2017

Thứ Năm XX Thường Niên – Năm Lẻ –24-08-2017 – Lễ Thánh Batolomeo Tông Đồ

Thu Nam XX TN
Gioan 1:45-51
45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: "Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét."46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: "Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?" Ông Phi-líp-phê trả lời: "Cứ đến mà xem!"47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối."48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi."49 Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!"50 Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa."51 Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."
(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Ở ngay cuối chương đầu tiên của Phúc âm Gioan tác giả đã muốn giới thiệu với tôi về cách thức làm việc của Thiên Chúa đối với con người.  Thiên Chúa biết rõ về tôi trước khi tôi nhận ra Ngài.  Điều này có làm ngạc nhiên tôi không, khi mà trong giờ cầu nguyện này Chúa gọi tôi bằng chính tên của tôi, Ngài biết rõ những suy nghĩ, và nguyên quán của tôi?  Giờ đây có điều gì mà tôi muốn tỏ bày cùng Chúa và mong Ngài lắng nghe, cảm thông với tôi không?  Tôi muốn bộc bạch tất cả và không che dấu, bởi Ngài biết tất cả.
2.     Thiên Chúa rất kiên nhẫn và quan tâm đến mỗi người, điều quan trọng là tôi muốn mở lòng ra với Chúa và cộng tác với Ngài.  Chúa sẽ chỉ cho tôi nhiều chuyện lạ lùng ngoài sức tưởng tượng và mong đợi của tôi.  Tôi bắt đầu bộc bạch và để lòng lắng nghe.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, August 22, 2017

Thứ Tư XX Thường Niên – Năm Lẻ –23-08-2017

Thu Tu XX TN
Mát-thêu 20:1-16
1"Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ.4 Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng."5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?"7 Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi." Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!"8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất."9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ:12 "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt."13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?"16 Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.   Dụ ngôn của Chúa hôm nay có thể làm tôi tức anh ách về cách trả lương của chủ vườn nho.  Nhưng đây là cách Chúa biểu đạt tình thương.  Nó làm đảo lộn mọi suy nghĩ của tôi.  Thiên Chúa không muốn ai phải khốn khổ, nhưng tình thương của Ngài phải được ban phát cho tất cả, bất kỳ một ai.  Tôi muốn học cách quảng đại và yêu thương này của Chúa ngay ngày hôm nay, tình thương ban phát không dựa theo đặc quyền, đặc lợi nhưng theo nhu cầu.  
2.     Tôi thấy tôi là người làm công đầu ngày ư?  Tôi muốn cảm tạ Chúa đã gọi tôi giúp việc của Ngài.  Tôi là người làm công giữa ngày ư?  Tôi muốn cảm tạ Chúa vì Ngài đã thương gọi tôi vào lúc giữa ngày.  Tôi là người làm công cuối ngày ư?  Tôi muốn cảm tạ Chúa vì Ngài đã đón nhận tôi trong giờ tuyệt vọng.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, August 21, 2017

Thứ Ba XX Thường Niên – Năm Lẻ –22-08-2017

Thu Ba XX TN
Mát-thêu 19:23-30
23 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ của Người: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời.24 Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa."25 Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: "Thế thì ai có thể được cứu?"26 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được."27 Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì? "28 Đức Giê-su đáp: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en.29 Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.30 "Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Lời Chúa hôm nay tiếp nối câu chuyện người thanh niên giầu có bỏ đi.  Những lời hôm nay của Chúa Giêsu chảy dài một nỗi buồn, nghe như đây là thất bại của Chúa Giêsu vậy.  Giảng hay vậy, chữa lành giỏi vậy mà chẳng có mấy người theo.  Tôi đọc thấy tâm tình của Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi muốn theo thật tình đến mức nào, hay chỉ theo kiểu giữ đủ luật buộc như anh thanh niên kia thôi?  Chúa Giêsu đòi hỏi những người theo Ngài phải sống vượt trên cả lề luật, đi xa hơn cả những gì là thói quen và số đông vẫn làm.  Tôi nghĩ sao về đòi hỏi của Chúa Giêsu?  Tôi có thể nói chuyện với Ngài trong lúc này.

2.     Sự đòi hỏi của Chúa Giêsu có quá đáng và quá khó không?  Phê-rô thấy có vẻ là quá đáng và trở nên lo ngại là chẳng mấy ai thực hiện được như Chúa đòi hỏi.  Chúa Giêsu không đổi ý, nhưng Ngài bảo đảm cho lời hứa của Ngài rằng, ai theo Ngài sẽ được gấp bội.  Tôi thấy sao?  Tin tưởng ở Chúa Giêsu được không?  Tôi muốn theo Chúa nữa hay thôi?  Đâu là những cái gọi là giầu có trong tôi khiến tôi không thể vào được nước trời?  Có một điều gì tôi muốn ngỏ cùng Chúa để giúp tôi vững tin và đi theo Chúa mạnh mẽ hơn?  Tôi tâm sự cùng Chúa trong lúc này.   
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Sunday, August 20, 2017

Những cuốn sách bị “thất lạc” hay bị “mất tích” của Kinh Thánh là những sách nào?

Những cuốn sách bị “thất lạc” hay bị “mất tích” của Kinh Thánh là những sách nào?
Những cuốn sách bị coi là “thất lạc,” “bị mất,” hay “bị cấm” của bộ Kinh Thánh có rất nhiều nhưng những cuốn sách ấy không bao giờ được bất cứ một nhóm Do Thái giáo hay nhóm Kitô giáo nào xem là những bản văn được Thiên Chúa linh hứng. Chỉ có những sách được xem là được Thiên Chúa linh hứng mới có sự đảm bảo không thể sai lầm. Hầu hết những bản văn “thất lạc” được viết vào khoảng 200 đến 300 năm sau khi các tông đồ đã chết và được chôn cất khá lâu, và nguồn gốc tác giả cũng như tính chân thực của các bản văn bị tranh cãi cách gay gắt.
Truyền thống Tin Lành gọi những cuốn sách này trong Cựu Ước là Pseudepigrapha, từ ngữ Hy Lạp này có nghĩa là những văn tự “sai lầm,” trái lại những văn tự mà Tin Lành dán nhãn là Apocrypha, thì có nghĩa là những bản văn “huyền bí” [vẫn mang những giá trị thiêng liêng nhưng không được công nhận là những bản văn được Thiên Chúa linh hứng]. Công giáo gọi những cuốn sách bị thất lạc này là deuterocanonical, nghĩa là đệ nhị quy điển.
Một vài ví dụ về Pseudepigrapha (Tin Lành)/ Apocrypha (Công giáo) là những cuốn sách về Ađam và Eva, sách Khải huyền của Môsê, sách Enoch, Khải huyền của Ađam, Khải huyền của Abraham, Tử đạo của Isaia, Các Giao ước của Mười Hai Chi tộc và những sách về Lễ Toàn Xá.
Những sách mà Tin Lành gọi là Apocrypha (sách “huyền bí”) của Cựu Ước, thì Công giáo và Chính Thống giáo Đông Phương gọi là đệ nhị quy điển (deuterocanonical), gồm: Baruc, Maccabê 1 và 2, Tôbia, Giuđitha, Huấn ca, và Khôn ngoan. Bảy cuốn sách này, cộng với vài chương trong Đaniel và Esther luôn luôn có trong Kinh Thánh Cựu Ước của Công giáo và thường được thấy trong Kinh Thánh Tin Lành như là Apocrypha- những sách “huyền bí.”
Trong Tân Ước, cả truyền thống Công giáo lẫn Tin Lành chỉ sử dụng thuật ngữ Apocryphacho những sách bị loại ra, vốn là những sách không bao giờ được coi là được Thiên Chúa linh hứng, như Tin mừng theo Tôma, Tin mừng theo Philippê, Tin mừng theo Giacôbê, Tin mừng theo Nicôđêmô, Tin mừng theo Phêrô, Cái chết của Philato, Tông đồ Công vụ của Anrê, Tông đồ Công vụ của Barnaba, Cái chết của Đức Maria, Lịch sử về Giuse Thợ Mộc, Khải huyền của Phêrô, Khải huyền của Phaolô, và Tin mừng theo Maria Madalena được biết đến qua nhóm Ngộ giáo[1]. Những bản văn này không bao giờ được tính trong bất cứ Kinh Thánh nào. Thay vì phân loại chúng như là những cuốn sách thất lạc, mất tích hay thậm chí bị cấm, hầu hết các Kitô hữu đơn thuần xem những cuốn sách ấy làApocrypha (Ngụy thư)[2].
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc.), 23-24.
[1] Ngộ giáo (Gnosticism) có nhiều chủ trương, trong đó có quan niệm cho rằng con người được cứu độ nhờ tri thức (gnosis) đặc biệt chứ không nhờ Đức Kitô.Thuyết này có nguồn gốc trước Kitô giáo, nhưng cũng len lỏi vào trong Kitô giáo ngay từ thời kỳ đầu. Các Giáo phụ đã phải chống lại thuyết này để bảo vệ sự tinh tuyền của đức tin Kitô giáo- ND. Xem thêm tại http://www.newadvent.org/cathen/06592a.htm
[2] Để dễ phân biệt, chúng tôi xin tóm tắt như sau:
– Cựu Ước:
+ Tin Lành dùng Pseudepigrapha theo nghĩa Ngụy thư; Apocrypha cho những sách “huyền bí.”
+ Công giáo dùng chữ Apocrypha theo nghĩa Đệ nhị Thư quy (deuterocanonical).
– Tân Ước: Cả Tin Lành và Công giáo đều dùng thuật ngữ Apocrypha theo nghĩa Ngụy thư- ND.

http://sjjs.edu.vn/cau-14-nhung-cuon-sach-bi-that-lac-hay-bi-mat-tich-cua-kinh-thanh-la-nhung-sach-nao/

NỖI KHẮC KHOẢI CỦA NGƯỜI NGÔN SỨ

NỖI KHẮC KHOẢI CỦA NGƯỜI NGÔN SỨ
Môn học: Ngôn Sứ
Giáo sư: Cao Gia An, S.J.
Học viên: Đỗ Hùng Dinh, S.J.
Bài viết tìm hiểu nỗi khắc khoải của ngôn sứ Giê-rê-mi-a ẩn chứa trong Khúc Ai Ca (Gr 14:17-22). Tác giả phân tích cấu trúc biền ngẫu đặc trưng trong thơ Do Thái để làm nổi bật nỗi khắc khoải như là đặc tính của một ngôn sứ. Ngôn sứ vừa nên một với hoàn cảnh của dân để thấu cảm, vừa tách mình ra, đứng về phía Thiên Chúa, để ôm ấp và truyền thông sứ điệp của Ngài cho cộng đoàn. Khúc Ai Ca nổi lên như một diễn tả nội tâm đầy giằng co ấy.
Ơn gọi làm ngôn sứ chưa bao giờ tách biệt khỏi cộng đồng dân Thiên Chúa, nhưng đúng hơn, ngôn sứ được gọi từ chính bối cảnh của cộng đồng và cho cộng đồng. Thế nên, người ngôn sứ luôn canh cánh trong lòng một nỗi giằng co, một mặt, ông (/bà) vừa phải nên một để cảm thấu hoàn cảnh của cộng đồng, nhưng mặt khác ông lại vừa như phải tách ra khỏi cộng đồng để đứng về phía Thiên Chúa mà ôm ấp và thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa cho cộng đồng[1]. Khúc ai ca trong Giê-rê-mi-a 14:17-22 phần nào cho thấy nỗi lòng khắc khoải của một vị ngôn sứ trước những giằng co ấy. Đó vừa như những lời được thốt lên từ những chuyển biến trong tâm hồn vị ngôn sứ, đồng thời vừa như phản ảnh chính những khủng hoảng trong cộng đồng[2] trước viễn cảnh sụp đổ tang thương của thành Giê-ru-sa-lem cùng với những đau khổ mà cộng đồng dân Chúa phải hứng chịu[3]. Đứng trước hoàn cảnh khốn cùng không thể tránh khỏi của dân tộc, tâm hồn người ngôn sứ như hòa chung với nỗi lòng của Thiên Chúa để thốt lên tiếng khóc thương cho sự cứng lòng của dân mình[4], nhưng đồng thời, tâm hồn ấy cũng nên một với dân để cảm thấu nỗi hoài nghi và khốn cùng của dân để rồi đã thay cho dân mà thú tội và khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa cho dân với một niềm hi vọng.
Chúng ta có thể nhận thấy bài thơ này (Gr 14:17-22) là một đơn vị độc lập, tách biệt với phần trước và sau bởi hai lời dẫn: “Hãy nói với chúng lời này”[5] (14:17) và “Đức Chúa phán với tôi” (15:1)[6]. Lời thú tội (14:20), nằm ở vị trí trung tâm, vừa đóng vai trò như là câu trả lời cho phần thứ nhất vừa như yếu tố bản lề cho sự chuyển đổi cung giọng từ tiêu cực hoài nghi sang cung giọng tích cực hi vọng, được làm nổi bật nhờ các kỹ thuật thơ ca cùng với cấu trúc quy tâm tương phản:
A
17 Mắt tôi hãy tuôn trào suối lệ cả ngày đêm không ngớt,
vì trinh nữ cô gái dân tôi đã bị đánh nhừ đòn,
vết trọng thương hết đường cứu chữa.
18 Tôi bước ra đồng nội: này kẻ chết vì gươm,
quay trở lại đô thành: nọ bao người đói lả.
Cả ngôn sứ cùng là tư tế
Lang thang khắp xứ mà không hiểu biết gì

B
19a Lạy Chúa, phải chăng Ngài đã quyết từ bỏ Giu-đa?
Phải chăng Xi-on khiến lòng Ngài ghê tởm?
19bVậy cớ sao Ngài đánh phạt chúng con
đến vô phương chữa chạy?
19cChúng con đợi hoà bình,
nhưng chẳng được may lành chi hết!
Mong đến thời bình phục,
mà chỉ thấy rùng rợn khiếp kinh!


C
20 Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác
và cha ông sai lỗi đã nhiều.
Quả chúng con đều đắc tội với Chúa!

B’
21 Vì Danh Thánh, xin Chúa đừng chê bỏ chúng con,
đừng rẻ rúng toà vinh hiển của Ngài.
Dám xin Ngài nhớ lại,
đừng huỷ bỏ giao ước
giữa Ngài với chúng con.
A’
22 Trong số chư thần của các dân tộc,
có thần nào làm được mưa chăng?
Có phải trời đổ được mưa rào,
hay chính Ngài, lạy Ðức Chúa, Thiên Chúa của chúng con?
Chúng con trông cậy nơi Ngài,
vì chính Ngài đã làm ra tất cả những điều đó![7]
Như vậy,  từ cấu trúc này, chúng ta sẽ tìm hiểu sự chuyển biến của các yếu tố tương phản trong những khổ thơ ở các cặp đối xứng từ ngoài vào trong; đồng thời cùng xem xét song song những chuyển động hoán đổi của các yếu tố tích cực thay cho các yếu tố tiêu cực trong cung giọng của bài thơ qua việc tìm hiểu các kỹ thuật biền ngẫu cũng như những hình ảnh biểu tượng; và cuối cùng sẽ lưu tâm đến một vài yếu tố được xem là khác thường trong mạch văn xét như những dấu hiệu của sự phát triển xuyên đại của bản văn.
Theo hướng tiếp cận đồng đại, trước hết, chúng ta nhận thấy ở cặp đối xứng ngoài cùng (A – A’) một sự tương phản mạnh mẽ nhất được thể hiện qua kỹ thuật ẩn dụ rất đặc trưng của Giê-rê-mi-a với việc sắp đặt những yếu tố của một khung cảnh yếu ớt, chết chóc và thất vọng (cc.17-18) đối diện với khung cảnh uy quyền, đầy sức sống và hi vọng (c.22). Hình ảnh suối lệ tuôn trào ngày đêm[8] biểu thị cho sự đau buồn thất vọng[9] được đặt đối lập với hình ảnh của những cơn mưa mang lại sự sống mới của niềm hi vọng[10]. Cũng vậy, tình cảnh khốn cùng của dân được nhân cách hóa nơi hình ảnh người trinh nữ[11] yếu ớt, mỏng manh lại mang nơi mình vết trọng thương là những đau khổ[12] do bị đánh nhừ đòn bởi quân thù và hạn hán được đặt tương phản với hình ảnh một Thiên Chúa quyền năng mạnh mẽ trổi vượt, Đấng có thể ban mưa xuống chứ không phải Ba-an (1V 18:45) hay các thầnngoại. Hơn nữa, sự chết chóc, đói khát bởi gươm giáo và hạn hán được đặt đối lập với hình ảnh mang đầy sức sống mới của những cơn mưa rào. Cái không hiểu biết gì về đường lối của Đức Chúa và về lý do cho hiện trạng đau khổ của dân tộc[13], mà các tư tế và ngôn sứ là những người đúng ra phải là kẻ dẫn dắt dân tới Thiên Chúa, được đặt tương phản với cung giọng đã chân nhận quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã làm ra những điều đó.
Mặt khác, cũng trong cặp đối xứng ngoài cùng này, chúng ta có thể nhận thấy một sự hoán chuyển mạnh mẽ nhất về cung giọng từ tiêu cực sang tích cực. Khởi đầu là cung giọng đau buồn thất vọng được làm nổi bật bằng kỹ thuật sóng đôi (trinh nữ – cô gái; nhừ đòn – trọng thương; bước ra – trở lại; kẻ – người) đậm chất thơ và càng thêm vẻ u ám hơn với những hình ảnh biểu trưng có tính bao hàm (cả về mức độ: trọng thương, nhừ đòn; về đối tượng: tư tế, ngôn sứ, dân đô thành, người đồng nội; về không gian: đô thành, đồng nội; và về thời gian: ngày đêm) trong khổ thơ thứ nhất. Nhưng ngược lại, kết thúc lại là cung giọng đầy an ủi cậy trông được làm nổi bật bởi các câu hỏi tu từ (phải chăng) và kỹ thật lặp ngữ (thần, mưa, chính Ngài, Thiên Chúa) cũng rất thi vị[14] ở khổ thơ cuối.
Kế tiếp, trong cặp đối xứng thứ hai (B – B’), sự hoài nghi bối rối của người đứng trước những đau thương thử thách thốt lên với Thiên Chúa như một lời chất vấn ở khổ thơ thứ hai (c.19) được đặt đối diện với lời cầu xin của người như thể đã bình tĩnh, đã chấp nhận thực tại và cậy trông hơn ở khổ thơ thứ tư (c.21). Nỗi hoài nghi có phải Chúa đã từ bỏ Giu-đa được thay thế bằng giọng cầu xin Chúa đừng từ bỏ chúng con. Lời than trách Chúa đãghê tởm Xi-on được đổi mới bằng tiếng van nài xin Chúa đừng rẻ rúng chúng con là tòa vinh hiển của Ngài[15]. Cũng vậy, cung giọng hoài nghi trước thực tại rùng rợn khiếp kinh, không được may lành rằng cớ sao ngài đánh phạt chúng con được thay bằng lời cầu xin Chúa nhớ lạiđể đừng hủy bỏ giao ước về cảnh thịnh vượng, tràn trề sữa và mật (Gr 11:4) mà Chúa đã lập với cha ông (x. Xh 19:5.6; 24:8) Hơn nữa, chính bởi việc sử dụng các kỹ thuật phủ định (đừng) đã tạo nên một sự tương phản hết sức tinh tế trong các cặp yếu tố song đối được đề cập, nhờ thế càng thể hiện rõ nét sự chuyển đổi trong cung giọng của bài thơ.
Lời giải đáp cho sự chuyển đổi cung giọng ở các cặp đối xứng này được tìm thấy trong lời thú tội ở trung tâm – Lạy Chúa, chúng con nhận rằng mình gian ác, và cha ông sai lỗi đã nhiều. Quả chúng con đều đắc tội với Chúa! (c.20). Một mặt, các yếu tố của nửa trước (A, B) như là sự chuẩn bị cho yếu tố đỉnh cao này: Lời thú tội chính là câu trả lời cho những hoài nghi và vấn nạn của dân (B), đồng thời như là giải đáp cho thực trạng đau thương bi thảm dân phải chịu (A). Chính bởi tội lỗi của chúng ta và của cha ông[16] mà bây giờ chúng ta phải chịu cảnh gươm giáo đói khát như thế. Mặt khác, lời thú tội còn như là yếu tố bản lề khởi đầu cho cung giọng tích cực hi vọng của nửa sau (A’, B’): Chính bởi chúng con đã nhìn nhận tội lỗi của mình[17] thì khẩn xin Đức Chúa đừng ngoảnh mặt làm ngơ, đừng chê bỏ chúng con (B’), vì chính Ngài đã phán rằng sẽ không giận giữ mãi đâu và chúng con hi vọng vào Ngài là Đấng giàu lòng xót thương (Gr 3:12) và quyền năng (A’). Hơn nữa, lời thú tội này càng được nhấn mạnh nhờ kỹ thuật lặp từ (chúng con – cha ông – chúng con) có tính tăng cường (nhận – quả…đều) và ngày càng hướng đến tính tương quan đối với các từ biểu thị lỗi lầm (gian ác – sai lỗi – đắc tội).
Bên cạnh đó, chính sự hoán chuyển hết sức tinh tế của những yếu tố tích cực thay thế cho những yếu tố tiêu cực càng làm nổi bật tính bản lề của lời thú tội. Những yếu tố tiêu cực bắt đầu từ những điều cụ thể (suối lệ, kẻ chết, người đói lả) và mạnh mẽ (trọng thương, nhừ đòn)và dần trở nên trừu tượng (đợi hòa bình, mong thời bình phục) và mờ yếu (chẳng may lành, rùng rợn khiếp kinh) khi tới trung tâm; Ngược lại, những yếu tố tích cực bắt đầu từ trung tâm với tính chất yếu mờ trừu tượng (danh thánh, tòa vinh hiển, giao ước) nhưng ngày càng trở nên rõ ràng mạnh mẽ (mưa rào, cậy trông) về cuối.
Như thế, ngang qua việc phân tích các kỹ thuật thơ ca trong cấu trúc quy tâm tương phản, chúng ta có thể nhận thấy những nhịp chuyển vừa biểu thị những giằng co trong tâm hồn người ngôn sứ vừa phản ảnh khao khát tìm lời giải thích cho thực trạng đau buồn của dân. Một mặt, vị ngôn sứ như thể đóng vai của Thiên Chúa mà khóc thương cho dân của mình, bởi lẽ ông được nhìn thấy trước những tai họa sẽ giáng xuống trên dân bởi sự cứng lòng và lối sống tội lỗi của dân; Mặt khác, ông cũng như thể đặt mình trong tâm trạng của dân mà đau buồn thất vọng trước cảnh tang thương chết chóc dân mà dân phải chịu, để rồi như dấy lên một sự hoài nghi, một vấn nạn rằng đâu là lời giải thích cho hiện tại bi đát này, phải chăng Thiên Chúa đã nỡ từ bỏ dân. Tuy nhiên, nỗi hoài nghi ấy dần dần được thay thế bằng niềm hi vọng khi mà tội lỗi của dân từng bước được nhìn nhận như là lý do cho hoàn cảnh hiện tại. Thế nên, vị ngôn sứ vừa như phải đặt mình làm một để hiểu dân, ông cũng lại vừa như phải tách mình ra để thay cho dân mà thú tội cùng Đức Chúa và khẩn nài Người đừng chê bỏ dân. Cuối cùng, sự thổn thức trong tâm hồn vị ngôn sứ hay cũng chính là những khủng hoảng trong tâm thức của cộng đồng được kết thúc bằng cung giọng hy vọng tin tưởng, ca ngợi quyền năng của Thiên Chúa và trông cậy nơi bàn tay quyền năng của của Người.
Đến đây, sau khi đã tìm hiểu toàn thể bản văn dưới cái nhìn đồng đại, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét những điểm ‘khác thường’ dưới ánh sáng của hướng tiếp cận xuyên đại. Trước hết, ta có thể nhận thấy bước chuyển đột ngột trong cách xưng hô từ câu 14:18 sang 14:19. Trong câu 18, ta có cảm tưởng như đó là một lời tự sự: tôi hãy (tôi muốn), nhưng từ câu 19, một cung giọng của cuộc hội thoại được nhận thấy rõ ràng: lạy Chúa, Ngài – chúng con. Hơn nữa, những yếu tố mà 17-18 đề cập lại là chiến tranh và đói kém trong thành, khác với sự liên tục của cung giọng về hạn hán mà Gr 14:1 đề cập như một dẫn nhập. 
Kế đến, câu 19c có vẻ như một tổng hợp rất tốt về hiện trạng của dân, nhưng dường như vị trí lại khá lạc lõng, không mấy gắn kết với cả câu trước (19ab) và câu sau (20). Nếu như trong 19ab đang là cung giọng hoài nghi vấn nạn, thì đột ngột 19c lại là một tổng hợp miêu tả tình trạng (mà đúng ra đã kết thúc hoặc phải nối tiếp với 18). Hơn nữa, lời thú tội ở 20 như một lời giải đáp của câu hỏi ở 19ab thì hợp lý hơn là bị 19c xen vào giữa mà không thấy nối kết gì. Bên cạnh đó, có thể thấy 19c gần như tương đồng với Gr 8:15 trong bối cảnh lời sấm về sự trừng phạt Giu-đa. Thứ ba, dường như chính lời thú tội là thông điệp chính của cả đoạn cũng là một sự lạc lõng so với toàn bộ sách Giê-rê-mi-a. Trong số 5 lần từחָטָ֖אנוּ [18] (sinned against) xuất hiện trong sách Giê-rê-mi-a (3:25; 8:14; 14:7; 14:20 và 16:10) hay 3 lần của từ עֲוֹ֣ן (guilt – 14:20; 32:18; 50:20) hoặc 2 lần của từ יָדַ֧עְנוּ (make self known – 14:20; 17:19) thì chỉ có 14:20 là mang ý thú nhận tội lỗi. Hơn nữa, dường như khi việc đề cập đến tội lỗi ở các đoạn khác (đặc biệt ở 16:10) thì lại mang nghĩa khiển trách dân không biết hối lỗi.
Giải thích cho các vấn đề này, trước hết có thể nói nhiều tác giả đồng thuận rằng lời thú tội trong câu 20 chính là tâm tình của riêng vị ngôn sứ khi đặt mình đại diện cho dân. Bên cạnh đó, có tác giả cho rằng sở dĩ có sự chuyển giọng ở 18 và 19 hay việc thú tội ở 20 là vì đây là cung giọng của một bài ca than rất thường thấy trong phụng vụ cổ, và cũng giống hình thái của các thánh vịnh ca than, nơi đó Thiên Chúa, ngôn sứ, chư dân như những vai diễn trong một vở kịch. Như vậy 17-18 là vai diễn của vị ngôn sứ, còn giọng thú tội ở 20 như một sự mời gọi người tham dự nghi thức biết hối lỗi ăn năn[19].
Một giải thích khác cho rằng những lời trong 17-18 như thể là lời của chính Thiên Chúa. Bởi lẽ, hai cụm từ hãy nói với chúng  dân ta như thể muốn diễn tả chủ từ của hành động khóc thương này chính là Thiên Chúa. Dù có cho phép những tai họa ập xuống trên dân, nhưng chính Thiên Chúa vẫn đau đớn xót thương cho dân của mình, chỉ vì họ cứng lòng[20]. Như vậy, có thể dịch lại câu 17-18 là: “Hãy nói với chúng lời này: “mắt ta muốntuôn trào suối lệ… vì trinh nữ cô gái dân ta””
Riêng đối với vấn nạn ở câu 19c, dường như có được sự đồng thuận rằng có dấu hiệu của sự tổng hợp của một bàn tay biên soạn sau. Bên cạnh đó, cũng có tác giả cho rằng cả đoạn này (14:17-22) cùng với Gr 15:1-3 làm thành khúc ai ca thứ hai phản ảnh tình trạng hiện tại của dân sau cảnh đổ nát mà thành phải chịu. Hơn nữa, những hình ảnh đói kém và chém giết này rất tương đồng khi đối chiếu với 2V 25:1-3 về nạn đói hoành hành khắp xứ những ngày trước khi Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, và vì thế đó có thể nói đó là cung giọng của thời lưu đày[21]. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu rằng, dưới ánh sáng của cung giọng về chiến tranh và gươm giáo trong Gr 9:17-18 thì 14:17-22 là lời của vị ngôn sứ thốt lên khi được ‘chứng kiến trước’ cảnh tang thương của thành[22].
Thế nhưng, những dấu hiệu của việc biên soạn sau, nếu có, thì cũng là để làm sáng tỏ thông điệp mà bản văn hiện tại muốn truyền đạt, đó chính là nỗi lòng khắc khoải của vị ngôn sứ vừa đứng vào vị thế của Đức Chúa mà mang lấy tâm tình của Người, lại vừa thuộc trọn về dân để ôm ấp những băn khoăn, hoài nghi của dân. Tâm hồn ấy có bị giằng co xâu xé, nhưng cuối cùng niềm cậy trông và hi vọng vẫn như ánh sáng lóe lên giữa bóng đêm u ám. Tuy nhiên, để có thể có được bước chuyển ấy, trong chính nội tâm của mình và trong tư cách đại diện của dân, người ngôn sứ đã phải thốt lên lời thú nhận tội lỗi của dân tộc mình. Chỉ khi ý thức về thực trạng yếu hèn tội lỗi của mình, con người mới biết nhìn lên và nài xin Thiên Chúa là Đấng quyền năng với một niềm hi vọng cậy trông.
Tắt một lời, mặc dù chúng ta có thể nhận thấy một chút bóng dáng của thần học nhân quả, khi mấu chốt của những đau khổ dân phải gánh chịu được giải thích bởi tội lỗi dân đã phạm chống lại Đức Chúa. Tuy nhiên, điểm nổi bật trong Gr 14:17-22 là hình ảnh một vị ngôn sứ vừa đặt mình trong vị thế của Thiên Chúa, lại vừa đồng cảm được với dân, làm một với cộng đồng và từ trong chính vị thế của một cá nhân trong cộng đồng ấy mà ông thốt lên lời thú nhận và nguyện cầu cho dân. Hình ảnh tiên trưng về một vị ngôn sứ là trung gian ấy sẽ được thể hiện rõ nét nơi dung mạo của Đức Giê-su, Đấng là trung gian trọn vẹn của Thiên Chúa và con người[23]. Chính nơi con người Đức Giê-su, chúng ta nhận thấy một Thiên Chúa bao lần đau đớn khóc thương cho sự cứng lòng của con người mà dân thành Giê-ru-sa-lem một lần nữa là đại diện (x. Lc 13:34), và Người không ngừng tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa mà giảng dạy, chữa bệnh, trừ quỷ… (Mt 10:16-17), và tha thứ nguyện cầu cho dân (Lc 23:34). Hơn cả, chính nơi cuộc khổ nạn và phục sinh, Đức Giê-su đã mang lấy trọn vẹn cái yếu đuối và thân phận phải chết của con người mà dâng lên Cha như một hi lễ trên thập giá để cứu độ chúng ta[24].
Là một Ki-tô hữu, ngay từ khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng ta mang lấy sứ mạng trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay. Thế nên, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để tiếp bước Đức Ki-tô, theo cách mà Giê-rê-mi-a đã làm, đó là trở nên trung gian có được một tấm lòng biết mang lấy nỗi khắc khoải của Thiên Chúa và cũng ôm ấp được sự nghi nan ngờ vực của dân Chúa. Thế nhưng, để đồng thời đóng cả hai vai trò như vậy thì chưa bao giờ là dễ dàng cả, đặc biệt khi đứng trước những hoàn cảnh bi thương như thể không có lối thoát của cuộc vật lộn nhân sinh, khi mà con người như thể không tìm đâu được một chút ánh sáng của niềm hi vọng, khi mà một cuộc đời đang bị bao phủ bởi cả bầu trời tăm tối, phải quằn quại trong nỗi cùng cực của mình,… những lúc như thế, chỉ cần có được một tấm lòng cảm thông thôi thì người ngôn sứ đã có thể trở thành ngôn sứ đích thực theo nghĩa là đại diện của Thiên Chúa mà cảm thấu nỗi lòng của dân và để rồi từ đó mà cầu thay nguyện giúp cho những mảnh đời không còn có khả năng cầu nguyện cho chính mình.
THƯ MỤC SÁCH THAM KHẢO
_. Kinh Thánh: Việt ngữ. Dịch và chú giải bởi nhóm CGKPV. Nxb Tôn Giáo, 2011.
Blenkinsopp, Joseph. A History of Prophecy in Israel. Louisville, Kentucky: Westminster John Knox Press, 1996.
Clarke, A. (1999). Clarke’s – Commentary: Jeremiah (electronic ed.). Logos Library System; Clarke’s Commentaries (Je 14:1). Albany, OR: Ages Software.
Fitzgerald, Aloysius, F.S.C, “Hebrew Poetry” in The New Jerome Biblical Commentary, ed.Raymond E. Brown, S.S; Joseph A. Fitzmyer, S.J. and Roland E. Murphy, O.Carm. Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice-Hall, Inc, 1968.
Lundbom, J. R. Jeremiah 1-20: A new translation with introduction and commentary. New Haven; London: Yale University Press, 2008.
Martens, E. A. Jeremiah: Believers church Bible commentary. Scottdale, Pa.: Herald Press, 1986.
O’ Connor, Kathleen M. “Jeremiah” in The Oxford Bible Commentary, ed. John Barton and John Muddiman. New York: Exford University Press, 2001.
Overholt, Thomas W. Jeremiah” in The Harpercollins Bible Commentary, Gen.ed. James L. Mays. New York: HarperCollins Publishers Inc., 1988.
Petersen, David L. The Prophetic Literature – An Introduction. Louisville, Kentucky: Westminster John Knox Press, 1989.
Wesley, J. (1999). Wesley’s Notes: Jeremiah (electronic ed.). Logos Library System; Wesley’s Notes (Je 14). Albany, OR: Ages Software.
[1] X. Joseph Blenkinsopp, A History of Prophecy in Israel (Louisville, Kentucky: Westminster John Knox Press, 1996): 34.
[2] X. David L. Petersen, The Prophetic Literature – An Introduction (Louisville, Kentucky: Westminster John Knox Press, 1989): 110.
[3] Giai đoạn trước khi Giê-ru-sa-lem bị tàn phá năm 586 a.C, nhưng được nhìn dưới lăng kính của nạn đói thảm khốc và cảnh huynh đệ tương tàn trong cộc chiến 597 a.C. Xem: E. A. Martens, Jeremiah. Believers church Bible commentary (Scottdale, Pa.: Herald Press, 1986): 107; và A. Clarke, (1999). Clarke’s – Commentary: Jeremiah (electronic ed.), (Logos Library System); Clarke’s Commentaries (Je 14:1). Albany, OR: Ages Software.
[4] Phải chăng ở đây cũng tương tự như tâm trạng Đức Giê-su khi khóc thương cho thành Giê-ru-sa-lem (Lc 13:33).
[5] Cụm từ này bị khuyết trong bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt của nhóm CGKPV, trong khi lại có ở các bản dịch Anh ngữ (NAB, RSV, NJB) hay chính bản Do-thái (WTT).
[6] Có nhiều tác giả đặt 14:17-22 cùng với 15:1-3 để thành bài Ai ca thứ 2 của Giê-rê-mi-a (song song với bài thứ nhất 4:1-16). Xem: J. R. Lundbom, Jeremiah 1-20: A new translation with introduction and commentary (New Haven; London: Yale University Press, 2008): 691.

[7] Trích từ bản Kinh Thánh: Việt ngữ, Dịch và chú giải bởi nhóm CGKPV (Nxb Tôn Giáo, 2011).
[8] Phần in nghiêng trong bài viết là những trích dẫn trực tiếp từ bản dịch đã nêu.
[9] X. Gr 8:21; Ac 1:16; và cũng x. Lundbom, 691.
[10] X. St 2:5; Lv 26:4; Đnl 11:14.17.
[11] Hình ảnh dân tộc được nhân cách hóa nơi hình ảnh trinh nữ thì rất đặc trưng trong Giê-rê-mi-a (18:13;  31:4; 46:11) và cả trong các truyền thống khác, x. Lundbom, 691.
[12] X. Gr 8:21; 10:19; cũng có thể hiểu đây là vết thương luân lý, là sự sa đọa của đời sống luân lý, x. Lundbom, 691.
[13] Có tác giả cho rằng đây là sự không hiểu biết về nơi sẽ tới bởi sẽ bị lưu đày, hoặc một sự lạc lối vì tội lỗi của họ (Gr 8:10); và Lundbom, 691; hoặc cũng có thể là lang thang kiếm sống, x. Clarke, sdd.
[14] X. Aloysius Fitzgerald, F.S.C, “Hebrew Poetry” in The New Jerome Biblical Commentary, ed. Raymond E. Brown, S.S; Joseph A. Fitzmyer, S.J. and Roland E. Murphy, O.Carm. (Englewood Cliffs, New Jersey: Prentice-Hall, Inc, 1968): 202-5.
[15] Tòa vinh hiển có thể hiểu là Giê-ru-sa-lem (Gr 3:17) hay nhà Đa-vít như J. Wesley (1999). Wesley’s Notes: Jeremiah (electronic ed.). Logos Library System; Wesley’s Notes (Je 14). Albany, OR: Ages Software; hoặc có thể hiểu là dân Xi-on theo cấu trúc đối xứng, cũng như Giu-đa được đặt tương ứng với toàn dân (chúng con).
[16] X. Gr 32:18; Ở đây cũng cho thấy một sự mập mờ rất đặc trưng của Giê-rê-mi-a về việc nhận lỗi, x. Petersen, 105.
[17] Có lẽ trong chính thâm tâm mình, vị ngôn sứ thấu hiểu được tâm tình và niềm chờ mong của Đức Chúa đối với việc hoán cải của dân (x. Gr 3:12-13) nên ông như thể đại diện dân để nhận lỗi và cũng là diễn tả hi vọng của ông đối với dân.
[18] Theo bản Dothái WTT.
[19] X. Lundbom, 691 và Kathleen M. O’ Connor, “Jeremiah” in The Oxford Bible Commentary, ed. John Barton and John Muddiman (New York: Exford University Press, 2001): 501-2.
[20] X. Petersen, 108.
[21] X. O’ Connor, 501-2 và Thomas W. Overholt, Jeremiah” in The Harpercollins Bible Commentary, Gen.ed. James L. Mays (New York: HarperCollins Publishers Inc., 1988): 558.
[22] X. Lundbom, 691.
[23] X. Dt 4:14-15; 8:1-12; cũng xem Gaudium et Spes, 78.
[24] X. 1Cr 15:3; Gl 1:4; Dt 9:14; Pl 2:6-11

http://sjjs.edu.vn/noi-khac-khoai-cua-nguoi-ngon-su/