Monday, August 31, 2020

Thứ Ba Tuần XXII Thường Niên – Năm A – 1-9-2020

Thu Ba XXII TN 

Luca 4:31-37

31Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. 32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền. 33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: 34“Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?  Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”  Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. 36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào?  Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Sau khi rời hội đường ở quê nhà, Chúa Giêsu sang thành phố Ca-phác-na-um.  Ngài cũng lại vào hội đường ngày sa-bát để giảng dạy và các thính giả lại sửng sốt về những lời của Ngài.  Giờ cầu nguyện này, tôi cũng muốn vào hội đường để nghe Chúa Giêsu giảng dạy.  Tôi để ý những lời của Ngài như đang nói riêng với tôi.  Tôi để ý, xem Ngài đang nói gì với tôi.  Tôi có sửng sốt, ngạc nhiên, vui mừng đón nhận, thờ ơ, chối từ, hoặc bỏ ra khỏi hội đường?  Tại sao tôi lại có những cảm xúc và thái độ như vậy trước lời Chúa Giêsu nói với tôi?  Có phải tôi không tin, hay lời Ngài chất vấn tôi, khiến tôi sợ không dám đối diện?  Tôi chia sẻ với Chúa những gì đang xảy ra trong lòng tôi lúc này.

2.      Cùng với việc giảng dạy, Chúa Giêsu đã trừ cho một anh được khỏi quỷ câm ám.  Đây là hai việc Chúa Giêsu đã làm sau khi công bố lời Chúa tại hội đường quê nhà của Ngài.  Ngài sẽ còn làm nhiều việc khác nữa đúng như những gì lời Chúa mà Ngài đã công bố lần ấy.  Ma quỷ là hình ảnh của sự ác luôn rình rập để hãm hại hoặc xúi bẩy người ta vào con đường chia rẽ, chết, và xa Chúa.  Ngày nay người ta vẫn nói đến chuyện người này bị quỷ nhập, người kia bị ma ám khiến cho nạn nhân xùi bọt mép, nói tiếng lạ, ăn sắt đá, đi ngược trên trần nhà, và phải tìm cha đến trừ quỷ cho những nạn nhân ấy, nhưng họ lại không biết chính họ có thể đang bị ma nhập, quỷ nhập.  Những kiểu ma nhập quỷ ám như thế này không đáng sợ lắm và nạn nhân không có sự chọn lựa.  Ma quỷ xuất hiện trong nhiều hình thức tinh vi khác nhau, và cách sợ nhất đó là nạn nhân có đầy đủ sự tự do chọn lựa trong việc cộng tác với ma quỷ.  Chẳng hạn, ma quỷ có thể đang ở trong tôi, xui khiến tôi làm một điều sai trái như từ chối xin lỗi vợ, chồng, hoặc con cái tôi khi tôi có lỗi, và tôi đã không xin lỗi.  Hoặc tôi có tính ganh tị, tự ti mặc cảm với người này, hiềm khích với người kia khiến tôi mở miệng ra là phải nói xấu, dèm pha đủ cách về người khác.  Kiểu ma nhập quỷ ám này nguy hiểm hơn nhiều, và nó xuất hiện khắp nơi và ở mọi lúc.  Đâu là những cái ác đang điều khiển, giam hãm, trói buộc tôi lúc này?  Tôi muốn xin Chúa Giêsu chữa lành cho tôi không, hay tôi đã quen với sự ác này và cảm thấy thiếu nó là một sự thèm thuồng khó bỏ?  Trừ quỷ thật khó, không phải vì Chúa không làm được, nhưng chỉ vì tôi không muốn cộng tác với Chúa.  Tôi suy nghĩ và nói với Chúa về những thói hư tật xấu trong tôi. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, August 30, 2020

Thứ Hai Tuần XXII Thường Niên – Năm A – 31-8-2020

 

Thu Hai XXII TN

Luca 4:16-22

16Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng.  Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a.  Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: 18Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.  Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19công bố một năm hồng ân của Chúa. 20  Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống.  Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hầu hết các tổ chức tư nhân hay chính phủ, bệnh viện, nhà thờ, hoặc công ty ở các nước Tây phương ngày nay, đâu đâu người ta cũng có Tôn chỉ và Mục đích cho tổ chức của họ.  Tôn chỉ và Mục đích thường được in hoặc ghi trên tường, ngay lối ra vào chính của trụ sở, để mọi người ý thức và làm việc theo đường hướng đã được viết ra ấy.  Có thể nói, lời Kinh Thánh mà Chúa Giêsu công bố trong hội đường ở quê nhà của Ngài, là Tôn chỉ và Mục đích cho sứ vụ rao giảng của Ngài.  Bởi từ đoạn này cho đến dòng chữ cuối cùng của Phúc âm Luca, Chúa Giêsu đã làm y như những gì Ngài công bố trong bài đọc hôm nay, đó là: trừ quỷ, chữa lành, bênh vực những người bị áp bức, và công bố tình thương, sự tha thứ của Chúa cho mọi người.  Mục đích và tôn chỉ sống, hay nói một cách bình dân, phương châm sống của tôi là gì?  Tôi có một hướng đi rõ ràng cho cuộc sống của tôi không, hay ngày nào cũng thức dậy như một bản năng, và để việc này việc kia, người này người kia, cảm xúc này cảm xúc nọ điều khiển tôi, xoay tôi nhưng chong chóng?  Tôi có thể ngồi bàn chuyện này với Chúa và viết cho tôi một phương châm sống, để từ nay cho đến cuối đời, tôi sẽ sống như những gì Chúa và tôi bàn chuyện với nhau hôm nay.

2.     Tôi đọc lại những lời Chúa Giêsu đã công bố trong hội đường năm xưa, có thể đọc đi đọc lại nhiều lần.  Hình dung tôi cũng đang ngồi trong hội đường lúc ấy để nghe Chúa Giêsu công bố lời Chúa.  Tôi nghe thấy gì?  Mọi người trong hội đường lúc ấy sửng sốt, tôi cảm thấy thế nào?  Tôi đón nhận lời Chúa vào lòng ra sao?  Chúa Giêsu đọc xong, Ngài đã đón nhận lời ấy vào lòng và chọn những lời ấy như là phương châm sống cho Ngài.  Tôi cảm thấy được mời gọi cũng làm giống như những gì lời Chúa mà Chúa Giêsu vừa công bố không?  Tôi có thể xin cho lòng ao ước muốn làm những gì Chúa Giêsu đã làm trong cả cuộc đời của Ngài.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, August 29, 2020

Chúa Nhật Tuần XXII Thường Niên – Năm A – 30-8-2020

 

CN XXII TN

Giê-rê-mi-a 20:7-9

7Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ.  Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng.  Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. 8 Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: “Bạo tàn! Phá huỷ!”  Vì lời ĐỨC CHÚA mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. 9 Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.”  Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt.  Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!

(Trích Sách Giê-rê-mi-a bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Cầu nguyện không chỉ là xin ơn, nhưng còn là tạ ơn.  Cầu nguyện không chỉ là ngợi ca, nhưng còn là than vãn.  Dù cầu nguyện với mục đích gì, lời cầu nguyện luôn phải là chân thành, không giả dối.  Lời cầu nguyện của Giê-rê-mi-a trong bài đọc hôm nay thật đẹp.  Ông đã đến với Chúa không bằng công thức, không lời lẽ văn hoa bóng bảy, không xin xỏ, nhưng bộc bạch tất cả những gì đang trào dâng trong lòng ông.  Ông cảm thấy như đã bị Chúa dụ, đánh lừa, xúi ông vào con đường làm ngôn sứ, để lên án sự phản bội và lối sống vô luân của dân đang xa lìa Thiên Chúa, đồng thời tuyên sấm về những án phạt và sự điêu tàn của đất nước.  Chính vì thế mà ông bị rủa xả, nhạo báng và xua đuổi.  Có khi nào tôi cầu nguyện như Giê-rê-mi-a chưa?  Tôi cảm thấy thế nào mỗi khi đến với Chúa với tất cả lòng thành, dám xả giận, thổ lộ, than trách, yêu thương, tỏ tình, vật lộn, nghỉ ngơi với Chúa?  Tôi có cảm thấy hối tiếc, bực tức bị là một Kitô hữu, vì bị gia nhập Kitô giáo từ thời còn bé?  Hôm nay tôi đến với Chúa bằng tâm tình nào?  Tôi nói với Chúa những cảm nghĩ của tôi lúc này.  Tôi để ý xem Chúa nói gì và phản ứng ra sao về thái độ và tâm tình của tôi đang có với Ngài? 

2.      Giê-rê-mi-a giận Chúa hết sức.  Ông quyết không bao giờ nói hay nghĩ về Chúa nữa.  Nhưng ông đã không làm được.  Bởi ông càng cố quên, càng giữ im lặng, lời Chúa càng rạo rực, bừng lên trong ông, khiến ông mệt mỏi, hao mòn.  Có khi nào tôi đã cố tình quên Chúa mà không quên được không?  Có phải đó là những lúc phạm tội?  Tôi ước gì tôi không phải là người Công giáo, ước gì Chúa đã chẳng thấy những tội tôi đang phạm, ước gì có thể chạy trốn được Thiên Chúa, tuy nhiên những lúc phạm tội và sau khi phạm tội, tiếng Chúa và sự hiện diện của Ngài dường như lại mạnh nhất trong tôi.  Chúa đã nói gì với tôi những lúc ấy?  Tôi phản ứng như thế nào trước tiếng nói của Chúa: cộng tác hay chối từ, ăn năn hay cảm tạ?  Tôi muốn làm gì lúc này: xả giận, than trách, xin ơn, tạ ơn, vật lộn với Chúa, hay nghỉ ngơi bên Ngài?  Hãy cho phép chính mình được diễn tả tất cả những gì đang bừng cháy trong lòng lúc này.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, August 28, 2020

Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 29-8-2020 – Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết

 

Thu Bay XXI TN

Mác-cô 6:17-29

17Số là vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục.  Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, 18mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” 19 Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. 20 Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông.  Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe. 21 Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. 22 Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích.  Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” 23 Vua lại còn thề: “oCon xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” 24 Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây?”  Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” 25 Lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.” 26 Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. 27 Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới.  Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, 28bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. 29 Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Ở những nước độc tài như Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam, người dân không được tự do biểu đạt chính kiến riêng, không được phê bình hay chỉ trích chính quyền và những người lãnh đạo, nhưng tại những nước dân chủ như Mỹ và Châu Âu, mọi người đều có quyền phản biện và tranh đấu để thay đổi những sai lệch trong hệ thống chính trị, thậm chí thay đổi cả chính thể của họ.  Ở đâu có phản biện, ở đó có phát triển mạnh.  Phản biện đóng góp rất lớn cho sự phát triển xã hội và quốc gia.  Nhà văn Nguyễn Hưng Quốc viết về ích lợi của phản biện như sau: “Các chính quyền dân chủ lớn mạnh và vững mạnh từ các cuộc thảo luận và phản biện của dân chúng, đặc biệt, từ giới trí thức và các phe đối lập: Chúng giúp mọi người tìm ra một giải pháp tối ưu cho từng vấn đề.  Các chế độ độc tài, ngược lại, duy trì sự tồn tại của chúng trên sự im lặng và sự dửng dưng của mọi người.  Để nhà nước được độc quyền tự tung tự tác.”  Phản biện là một cái quyền căn bản của con người mà ai cũng được học và thực hành từ bé.  Người ta dùng nhiều cách để phản biện, kháng cự, mỗi khi bị áp bức.  Tuy nhiên, tính phản biện cao khi người ta dùng quyền này để tranh đấu cho những lợi ích của tập thể, hơn là cá nhân.  Phản biện bao giờ cũng có cái giá của nó, đôi khi rất đắt, bằng cả mạng sống.  Gioan Tẩy Giả trong bài đọc hôm nay đã dám phản bác thói vô luân của nhà vua, và điều này đã khiến ông phải bị tù và bị giết.  Tôi có thể làm gì và đã tận dụng mọi cách để thể hiện quyền phản biện của tôi, nhằm giúp cho cộng đồng và xã hội tôi tốt đẹp hơn?  Bầu cử là một hình thức bày tỏ chính kiến được nhiều người chấp nhận nhất.  Tôi thấy việc đi bầu là cách thể hiện quyền làm người, quyền phản biện, và ơn gọi Kitô hữu của tôi như thế nào?  Tôi theo dõi, thu tập thông tin đa chiều, từ những nguồn tin đáng tin cậy về các ứng cử viên và chính sách của họ, rồi tôi cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn tôi chọn lựa ứng cử viên nào đáng tin cậy nhất, trước khi bỏ phiếu. 

2.     Một điều có thể làm choáng váng tôi từ bài đọc hôm nay đó là, lòng dạ rất ác độc của Hê-rô-đi-a.  Bà đã khuyên con gái của bà xin vua Hê-rô-đê ban thưởng một điều ác nhân, ác đức, chém đầu Gioan Tẩy Giả.  Dĩ nhiên, tôi sẽ không bao giờ khuyên con cái của tôi, hay bất cứ ai điều mà Hê-rô-đi-a đã khuyên con của bà.  Tuy nhiên, đời sống của tôi có thể đã hoặc đang là gương mù cho con cái và những người trẻ quanh tôi như: mỗi khi ăn uống say sưa, cờ bạc, ngồi lê đôi mách, cãi nhau, gian lận trong làm ăn và thuế má, kỳ thị chủng tộc, thành kiến về những người khuyết tật, phân biệt đối xử với những người nghèo, sống thiếu trách nhiệm với gia đình, giáo hội và xã hội...  Những lối sống xấu xa này không giết người khác ngay lập tức, nhưng có thể giết dần cả một thế hệ tương lai của gia đình, giáo hội và đất nước.  Tôi nói gì với Chúa về lối sống của tôi hiện nay?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Ai Sẽ Lên Tiếng – Who Will Speak,” nguyên tác tiếng Anh do Marty Haugen, lời Việt do Thanh Lâm, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=B76Ut0xw3Kk 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, August 27, 2020

Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 28-8-2020 – Lễ Thánh Augustine

Thu Sau XXI TN 

1 Gioan 4:7-11

7Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.  Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. 8 Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. 9 Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. 10 Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. 11 Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.

(Trích Thư Gioan I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Từ xưa đến nay chưa ai đã có thể đưa ra được một định nghĩa chính xác nhất và hoàn hảo nhất về Thiên Chúa.  Chỉ có Thư Gioan, trong bài đọc hôm nay, mới có thể cho tôi một định nghĩa ít sai nhất về Thiên Chúa.  Ngài viết: “Thiên Chúa là tình yêu.”  Đúng vậy.  Thiên Chúa là tình yêu và Ngài còn vượt trên và xa hơn cả tình yêu, điều mà tôi sẽ không bao giờ tưởng hay hiểu được.  Bằng định nghĩa này, Thánh Gioan như muốn khẳng định: tôi có thể hiểu, cảm nhận và biết một chút ít về Thiên Chúa, ít là hai cách thức sau: 1) Qua sự nhập thể của Con Một Thiên Chúa, làm người, chết và sống lại; 2) Qua tương quan yêu thương giữa tôi với những người xung quanh.  Như vậy, nếu tôi sống đúng với những gì Chúa Giêsu dạy về giới răn yêu thương, tôi sẽ được biết Thiên Chúa.  Bởi thế, trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn tự hỏi: Tôi yêu người như thế nào?  Nếu tôi yêu người, và tôi là một người đáng yêu, tôi đã thuộc về Chúa và biết Ngài.  Ai là những người tôi cần diễn tả yêu thương để qua đó, họ nhận biết Thiên Chúa?  Ai là người mà tôi cảm thấy khó yêu trong lúc này?  Tôi cầu nguyện cho tất cả những người tôi cảm thấy dễ thương và cả những người khó ưa ấy.           

2.      Hôm nay, Giáo hội mừng kính Thánh Augustine (354-430), là con của Thánh Monica, mà Giáo hội mừng kính hôm qua.  Augustine, ngay từ buổi thiếu thời và thanh xuân, là một người tài giỏi, nhưng ông đã có tính tình giống cha, ăn chơi trác táng, khiến cho mẹ của ông, Thánh Monica, phải khóc cạn cả nước mắt.  Nhưng cuối cùng, mẹ của ông đã được vui trước khi nhắm mắt đó là, ông quyết định đổi đời, trở thành người Công giáo.  Cuộc đổi đời của ông có được là nhờ hai nhân vật quan trọng: Thánh Monica và Thánh Ambrosio.  Vốn là một người tài giỏi, sau khi trở lại Công giáo, Augustine đã tiếp tục giảng dạy và viết lách rất nhiều.  Điều này đã khiến cho ông trở thành một triết gia lỗi lạc, rồi trở thành nhà thần học vĩ đại của Công giáo, và cuối cùng trở vị thánh lớn trong Giáo hội.  Tư tưởng của ông đã làm nền cho những suy tư thần học về tội nguyên tổ, ân sủng, sự tự do và tính dục, vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay.  Augutine còn để lại cho cuộc đời một tập sách nổi tiếng, tựa đề: “Tự Thuật” (Confession), một tập sách đã khiến ông được cho là cha đẻ của tâm lý học chiều sâu hiện nay.  Hôm nay là lễ Thánh Augustine, một vị thánh có một quá khứ đầy lỗi lầm và làm cho mẹ của ông quá đau khổ.  Tôi cũng muốn lấy giây phút này để cầu nguyện cho mẹ của tôi, dù còn sống hay đã qua đời, dù khỏe mạnh hay đang đau yếu.  Nếu mẹ đã khuất, xin cho mẹ được nghỉ yên trong sự ban thưởng của Chúa.  Nếu mẹ còn sống, xin Chúa chữa lành những vết thương do tôi gây nên cho mẹ, và gìn giữ mẹ được bình an khỏe mạnh.  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Gánh Mẹ”, do Quách Beem, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=TT7CoL30l2g   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, August 26, 2020

Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 27-8-2020 – Lễ Thánh Monica

Thu Nam XXI TN 

Huấn Ca 26:1-4, 13-16

1Phúc thay ai cưới được vợ hiền,

tuổi thọ sẽ tăng lên gấp đôi.

2Vợ đảm đang khiến chồng được sung sướng,

được an vui suốt cả cuộc đời.

3Vợ hiền là số tốt phận may

dành cho những người kính sợ Đức Chúa:

4Giàu hay nghèo, lòng vẫn cứ an vui,

lúc nào nét mặt cũng tươi cười…

13Vợ có duyên thì chồng hạnh phúc,

vợ khôn khéo thì chồng được nở mặt nở mày.

14Phụ nữ ít nói là quà Đức Chúa ban,

không chi sánh bằng người có giáo dục.

15Phụ nữ nết na là ân phúc tuyệt vời;

không chi quý giá bằng người tiết hạnh.

16Người vợ hiền trong cửa nhà ngăn nắp

đẹp như vầng hồng trên chốn cao xanh của Đức Chúa.

(Trích Sách Huấn Ca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Lời Sách Huấn Ca như nói lên đời sống của người vợ và người mẹ là rường cột của gia đình, giúp làm vinh danh Chúa, và giúp mọi người có một mái ấm hạnh phúc.  Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần lời Sách Huấn Ca trên, và cầu nguyện cho những người đang làm vợ và làm mẹ, mà tôi quen biết.  Tôi cũng cầu nguyện cho những người sẽ bước vào đời sống làm vợ và làm mẹ, xin cho họ được bắt chước những nhân đức mà Sách Huấn Ca ngợi ca.  Tôi cũng cầu nguyện cho chính tôi đang là vợ và là mẹ được sự trợ lực của Chúa, hầu giúp tôi can đảm sống và sống trọn vẹn ơn gọi là vợ và là mẹ mà tôi đã lãnh nhận ngày tôi thành hôn. 

2.      Hôm nay là lễ kính Thánh Monica, một vị thánh tuyệt vời trong Giáo hội.  Monica sinh vào năm 332, tại Thagaste, Bắc Phi, trong một gia đình Công giáo đạo hạnh.  Bà lập gia đình với Patricius, một người ngoại giáo.  Monica đã trải qua một đời sống gia đình với rất nhiều đau khổ, không chỉ với mẹ chồng mà với cả chồng, và con.  Mẹ chồng của Monica là một người đàn bà gắt gỏng, khó chịu, làm khó Monica đủ điều.  Chồng của Monica cũng là một người nóng nảy, thường hành hung bà và sống rất trụy lạc.  Monica sinh được ba người con, và một trong ba người con là Augustine, cũng có một lối sống trụy lạc như cha của mình.  Đời sống gia đình của Monica trải dài bằng những năm tháng của hy sinh, chịu đựng và cầu nguyện trong tiếng than và nước mắt.  Cuối cùng, Monica đã cảm hóa được mẹ chồng và chồng cùng tin vào Chúa, trước khi họ lìa đời.  Tuy nhiên, Monica còn phải vất vả hơn nữa, nước mắt còn chảy nhiều hơn nữa khi Augustine càng ngày càng nổi tiếng, nhưng cũng càng ngày càng sa sút vào con đường lầm lạc và trụy lạc.  Tình yêu của Monica cuối cùng cũng đã vượt thắng được sự sa đọa của Augustine, làm cho Augustine trở về với Chúa, trước khi bà lìa đời năm 387.  Cuộc đời Monia đẹp như một trang Kinh Thánh, và đẹp như một bức tranh thuộc trường phái ấn tượng (Impresionsim).  Chính vì thế, Monica trở thành vị Thánh Bổn mạng của các bà mẹ Công giáo.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong ngày lễ Thánh Monica hôm nay?  Tôi cảm tạ Chúa đã cho tôi có một người mẹ tuyệt vời, đã sinh ra tôi, vất vả nuôi nấng tôi lớn khôn đến ngày nay chăng?  Tôi cầu nguyện cho mẹ, dù còn sống hay đã qua đời, dù khỏe mạnh hay đang đau yếu.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Nhật Ký của Mẹ,” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=KGWJCAc4kGg

 Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, August 25, 2020

Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 26-8-2020

Thu Tu XXI TN 

2 Thê-xa-lô-ni-ca 3:7b-16

7 [Thưa anh em,] khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật. 8 Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. 9 Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước. 10 Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! 11 Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. 12 Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân. 13 Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí! 14 Nếu có ai không vâng theo lời chúng tôi nói trong thư này, anh em hãy ghi lấy tên và đừng giao du với người ấy, để họ biết xấu hổ. 15 Nhưng đừng coi họ như thù địch, trái lại hãy khuyên bảo như người anh em. 16 Chúa là nguồn mạch bình an, xin Người ban cho anh em được bình an mọi lúc và về mọi phương diện.  Xin Chúa ở cùng tất cả anh em.

(Trích Thư Thê-xa-lô-ni-ca II bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Ở đâu và ở thời nào cũng có những con người lười biếng, một gánh nặng trong cộng đoàn và xã hội.  Bởi thế, những lời căn dặn cuối cùng trong thơ của Phao-lô gởi cho cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca có thể cũng là những lời khuyên cho cộng đoàn của tôi ngày hôm nay.  Trước hết, tôi muốn lấy những lời này mà xét mình: Tôi có phải là con người lười biếng không?  Tôi đang mắc phải sự lười biếng nào: lười biếng gánh vác những bổn phận chung, lười biếng thăng tiến bản thân, lười biếng tu luyện bản thân, lười biếng trong đời sống thiêng liêng?  Đời sống của tôi đang là gánh nặng như thế nào cho gia đình, cộng đoàn, xã hội?  Điều gì đã làm cho tôi trở nên biếng nhác như vậy?  Tôi hỏi chính tôi và hỏi Chúa, để ý xem Ngài nói tôi phải làm gì.  Nên nhớ, châm ngôn Hy-lạp có câu: “Lười biếng là mẹ của mọi cái ác,” và thành ngữ Trung Hoa: “Nhàn cư vi bất thiện”, cũng đều là những lời cảnh tỉnh về gánh nặng của sự ươn lười mà Phao-lô nói trong bài đọc hôm nay.  

2.      Thứ đến, giả sử như có ai lười biếng và là gánh nặng trong cộng đoàn, Phao-lô khuyên: Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!  Nếu có ai không vâng theo lời chúng tôi nói trong thư này, anh em hãy ghi lấy tên và đừng giao du với người ấy, để họ biết xấu hổ.  Nhưng đừng coi họ như thù địch, trái lại hãy khuyên bảo như người anh em.”  Phao-lô dường như muốn phân biệt: chỉ có tật xấu, chứ không có người xấu.  Ngài khuyên tôi cần xa tránh cái thói ươn lười, cái tật nhiều chuyện của những người này, chứ không phải xa tránh con người họ, không được coi họ là thù địch và phải lấy lời khuyên mà giúp họ.  Như vậy tôi cần phải tìm hiểu về họ hơn là xét đoán họ, tìm cách giúp họ được chữa trị hơn là chửi bới la mắng họ.  Lời khuyên của Phao-lô phù hợp với suy nghĩ của các nhà tâm lý hiện nay.  Các nghiên cứu tâm lý hiện nay cho thấy, sự ươn lười thường đến từ một trong năm nguyên nhân: Thứ nhất do sống thiếu mục đích; thứ hai do thiếu tự tin; thứ ba do thiếu động lực; thứ tư do thiếu kỷ luật, và thứ năm do sợ thất bại hoặc sợ bị chối từ.  Đồng thời, các nhà tâm lý cũng cảnh báo, đừng lẫn lộn sự lười biếng với chứng mất nghị lực (avolition), một triệu chứng tiêu cực có liên quan đến một số vấn đề của sức khỏe tâm thần như: bệnh trầm cảm (depression), rối loạn ngủ nghỉ (sleep disorders), tâm thần phân liệt (schizophrenia), rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD – Attention-Deficit Hyperactivity Disorder – Một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, làm cho các em rất hiếu động và khó tập trung.  Điều này ảnh hưởng đến khả năng học hành và khả năng giao tiếp của các em).  Tôi cầu nguyện cho những người đang là gánh nặng cho xã hội, cộng đoàn và gia đình vì sự lười biếng của họ, hoặc vì bệnh tật của họ.  Đồng thời tôi cũng cầu nguyện cho tôi biết kiên nhẫn, khôn ngoan và lấy tình thương mà giúp đỡ họ. 

Phạm Đức Hạnh, SJ    

Monday, August 24, 2020

Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 25-8-2020

 

Thu Ba XXI TN

Mát-thêu 23:23-26

23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả!  Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín.  Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. 24 Hỡi những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà. 25 “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. 26 Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Lời Chúa Giêsu quở trách các kinh sư và Pha-ri-sêu năm xưa tưởng chừng đã cũ, nhưng vẫn rất hợp thời với đời sống của tôi ngày hôm nay.  Nếu Chúa Giêsu hiện ra trước mặt tôi trong lúc này, Ngài có quở trách tôi như đã quở trách các kinh sư và Pha-ri-sêu năm xưa, khi họ cẩn thận gạn lọc từng con muỗi nhưng lại nuốt chửng cả con lạc đà?  Phải chăng tôi đã để ý và giữ rất kỹ từng lề luật và truyền thống về cách thực hành đức tin hằng ngày như: đọc bao nhiêu kinh mỗi ngày, ăn chay mấy bữa no mấy bữa đói, xưng tội rước lễ đầy đủ và đi lễ hằng tuần, và Tuần Thánh phải làm những điều gì, nhưng lại chẳng để ý gì đến những bất công áp bức đang xảy ra hằng ngày trong xã hội, do những người khác gây nên, hoặc có thể do chính tôi cộng tác, hoặc gây nên?  Phải chăng tôi đã chẳng quan tâm đến những tiếng than khóc của những người đang trải qua sợ hãi, cô đơn, tủi thân và đau khổ ngay trong gia đình, cộng đoàn của tôi?  Phải chăng tôi đã không chỉ dửng dưng nhưng còn bịt tai và to mồm miệt thị những người thiểu số, người da mầu, người di dân và tị nạn khi họ biểu tình, lên tiếng tranh đấu cho những bất công và áp bức mà họ đã phải chịu hằng thế kỷ? 

2.      Nếu Chúa Giêsu hiện ra trước mặt tôi lúc này, Ngài có quở trách tôi là giả hình, như đã quở trách những người kinh sư và Pha-ri-sêu năm xưa?  Liệu Chúa Giêsu có quở trách tôi, khi tôi để ý rất kỹ phải dùng chữ nào khi nói về Chúa hoặc Phép Thánh Thể, để ý thật kỹ cách đi, đứng, quỳ, ngồi, ăn mặc trong nhà thờ, và rước lễ theo kiểu nào, trong khi đó lòng tôi lại nhảy múa xét đoán, dèm pha và lên án bất cứ ai có những cách diễn tả đức tin khác với tôi?  Tôi rất cẩn thận xét mình trước khi đi lãnh Bí tích Hòa Giải về những điều trong Mười Điều Răn, nhưng lại làm ngơ không đả động đến những thiếu sót tôi thường phạm trong Tám Mối Phúc Thật, trong Cải Tội Bảy Mối, hoặc trong Thương Người Có Mười Bốn Mối?  Tôi nghĩ Chúa Giêsu phải chịu đựng sự giả hình của tôi đến bao giờ nữa?

Phạm Đức Hạnh, SJ     

Sunday, August 23, 2020

Thứ Hai Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 24-8-2020 – Lễ Thánh Ba-tô-lô-mê-ô, Tông đồ

 

Thu Hai XXI TN

Gioan 1:45-51

45Khi ấy, ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!” 47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có hai điều đáng chú ý trong ngày lễ kính Thánh Ba-tô-lô-mê-ô hôm nay.  Thứ nhất, ngày lễ kính Thánh Ba-tô-lô-mê-ô nhưng bài đọc lại không nhắc gì đến người nào tên là Ba-tô-lô-mê-ô, mà chỉ nhắc đến Phi-líp và Na-tha-na-en.  Từ lâu trong Giáo hội đã cho rằng, Na-tha-na-en cũng chính là Ba-tô-lô-mê-ô.  Dựa trên cơ sở nào?  Trước hết, nhiều học giả cho rằng Ba-tô-lô-mê-ô là tên họ, còn Na-tha-na-en là tên gọi.  Vì thế, có thể khi thì ông được gọi bằng tên gọi, khi thì được gọi bằng tên họ.  Thứ đến, trong các Phúc âm Mát-thêu (10:1-4), Mác-cô (3:13-19) và Luca (6:12-16) đều ghi danh sách Nhóm 12 Tông đồ.  Trong các danh sách 12 Tông đồ ở cả ba phúc âm đều không nhắc đến ai tên là Na-tha-na-el, nhưng mỗi lần nhắc đến Phi-líp, Ba-tô-lô-mê-ô cũng được nhắc đến ngay sau đó.  Điều này có một sự trùng hợp trong Phúc âm Gioan.  Mặc dù Phúc âm Gioan không có danh sách Nhóm 12 Tông đồ, nhưng như trong bài đọc hôm nay khi nhắc đến Phi-líp, đã nhắc đến Na-tha-na-en.  Đồng thời, trong 21:2 của Phúc âm Gioan có nhắc đến Na-tha-na-en, một tông đồ trong các tông đồ đã đi đánh cá với nhau.  Như vậy rất có thể, Na-tha-na-en cũng là Ba-tô-lô-mê-ô.  Tuy nhiên ngày hôm nay, vẫn có những người cho rằng Na-tha-na-en và Ba-tô-lô-mê-ô là hai người khác nhau.  Mặc dù ba Phúc âm Mát-thêu, Mác- cô và Luca đều viết rõ tên Ba-tô-lô-mê-ô trong nhóm 12 Tông đồ, ấy vậy mà Giáo hội không trích đoạn của một trong ba phúc âm này để làm bài đọc trong ngày lễ kính Thánh Ba-tô-lô-mê-ô, nhưng lại chọn Phúc âm Gioan nói về Na-tha-na-en, hẳn Giáo hội đứng về phía những người đồng ý rằng: Na-tha-na-en cũng là Ba-tô-lô-mê-ô.  Na-tha-na-en được biết Chúa Giêsu nhờ Phi-líp giới thiệu.  Điều này nói lên một điều rất thật trong đời sống đức tin rằng: chẳng ai đã tự mình biết Chúa, nhưng luôn qua sự giới thiệu, hoặc gương sáng của một ai đó.  Tôi đã đến với niềm tin vào Chúa Giêsu qua ai và gương sáng nào?  Tôi cầu nguyện và cám ơn người đó chăng?  Đồng thời sự giới thiệu của Phi-líp về Chúa Giêsu cho Na-tha-na-en cũng nói lên rằng, chẳng ai vào thiên đàng một mình, nhưng luôn có bạn đồng hành.  Tôi sẽ rủ ai, ai sẽ hoặc đang là những bạn đồng hành của tôi tiến vào Nước Trời?  Tôi cầu nguyện cho tình đồng hành này được khắc khít và lớn rộng mỗi ngày.

2.  Truyền thống vẫn gán cho Thánh Tô-ma một biệt hiệu xấu, đó là: Ông thánh đa nghi.  Trong khi đó, Na-tha-na-en, bài đọc hôm nay nói rằng, ông rất nghi ngờ về Chúa Giêsu, khi Phi-líp giới thiệu.  Tuy nhiên, chẳng ai gọi Na-tha-na-en là ông thánh đa nghi!  Mặc dù nghi ngờ về Chúa Giêsu, nhưng khi Na-tha-na-en gặp được Chúa Giêsu, ông đã là người đầu tiên tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Con Vua Đa-vít.  Sự tuyên tín của ông thật đáng cho tôi bắt chước.  Ông thật xứng với tên gọi Na-tha-na-en, trong tiếng Do-thái, có nghĩa là “món quà của Chúa”, hoặc trong cách đặt tên Việt có thể gọi ông là, “Thiên Ân”.  Na-tha-na-en mặc dù nghi ngờ Chúa Giêsu, nhưng khi gặp được Ngài ông đã tuyên tín mạnh mẽ.  Tôi đã gặp được Chúa Giêsu lâu rồi, niềm tin của tôi với Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi có xác tín mà nói với mọi người rằng, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa không?  Nếu không, ngay trong lúc này, tôi có thể nói chuyện với Na-tha-na-en để được tham vấn, hoặc nói chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu để niềm tin của tôi được mạnh hơn. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, August 22, 2020

Chúa Nhật Tuần XXI Thường Niên – Năm A – 23-8-2020

CN XXI TN 

Rô-ma 11:33-36

33 Thưa anh em, sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào!  Quyết định của Người, ai dò cho thấu!  Đường lối của Người, ai theo dõi được! 34 Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa?  Ai đã làm cố vấn cho Người? 35 Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? 36 Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người.  Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời!  A-men.

 (Trích Thư Rô-ma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay dù rất ngắn, chỉ ba câu, nhưng những lời của Phao-lô có thể là một thách đố đối với tôi.  Thứ nhất, đó là tôi, một trong những người không tin, hoặc chối bỏ đức tin.  Tôi tưởng là có thể hiểu được Thiên Chúa bằng những suy nghĩ và lý luận của tôi.  Tôi đưa ra đủ những câu hỏi và nhét Thiên Chúa vào khuôn mẫu của những câu trả lời cho những câu hỏi ấy.  Nếu tôi không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi ấy, tôi kết luận: Thiên Chúa không hiện hữu!  Hoặc, nếu tôi thấy Thiên Chúa không lọt vừa những câu trả lời ấy, tôi gán ghép cho Thiên Chúa đủ những đặc tính hạn hẹp và tiêu cực như: nếu Thiên Chúa là Đấng vĩnh hằng, yêu thương và toàn năng thế mà thế giới này lại đầy những tai ương và sự chết, vậy chứng tỏ Thiên Chúa là quá quái ác, bất toàn, hoặc chẳng hề hiện hữu.  Thiên Chúa thực sự là để tôi chiêm ngắm và cảm nhận, không phải là để tôi hiểu, bởi Ngài vượt trí hiểu của tôi.  Tôi đọc lại những lời của Phao-lô để chiêm ngắm sự sâu hẳm và không thể dò thấu được của Thiên Chúa.

2.     Thứ hai, đó là tôi, một người tin.  Đối với tôi, và nhiều người, tin một cách mạnh mẽ vào Thiên Chúa, nhưng tôi lại có khuynh hướng nhốt Ngài vào trong cái hộp suy nghĩ nhỏ bé của tôi.  Thiên Chúa phải là những gì tôi nghĩ, Ngài không thể to hơn cái hộp tôi đã nhốt Ngài.  Chẳng hạn, người này không đi lễ, người kia vào nhà thờ không bái cúi, người khác rước lễ bằng tay, tôi kết luận: Chúa rất buồn, bởi tất cả những người này thiếu lòng kính mến Chúa!  Bất chợt, tôi đã biến Thiên Chúa như là một người thiếu tình thương thời thơ ấu nên khi lớn lên trở thành một người có tính nhỏ mọn và xét nét.  Hoặc, mỗi ngày tôi phải đọc bằng này chuỗi Mân-côi, bằng này chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, bằng này những kinh khác để tỏ lòng sùng kính Chúa và Mẹ Maria, nếu không đọc nhiều như vậy Chúa sẽ buồn, Mẹ sẽ không nhậm lời.  Hóa ra, tôi đã biến Thiên Chúa thành một tên vô cảm, Mẹ là một mụ điên, điếc lòi điếc nổ.  Chưa hết, bao nhiêu tội tôi đã phạm từ những ngày thơ bé cho đến giờ, những khi tôi có đầy đủ suy nghĩ, những lúc không tỉnh táo, hoặc những khi thiếu khôn ngoan sáng suốt, dù tôi đã xưng những tội đó và thực lòng ăn năn sám hối, ấy vậy mà tôi cứ lo anh ách phải xưng đi xưng lại mãi những tội cũ ấy.  Hóa ra, tôi biến Thiên Chúa thành một kẻ bủn xỉn, thù vặt, thù dai.  Không.  Thiên Chúa không thể bị nhốt trong chiếc hộp suy nghĩ nhỏ hẹp của tôi.  Ngài cao siêu và yêu thương mọi người đến không tưởng, vô lường, và không thể hiểu thấu.  Tôi đọc lại những lời trên của Phao-lô và chiêm ngắm tình yêu cao vời của Thiên Chúa, vượt trên trí hiểu, trí nhớ của tôi.  Tôi xin cho tôi dám nghĩ và dám tưởng về Chúa hơn cả những gì tôi đã hoặc đang tưởng nghĩ về Ngài.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, August 21, 2020

Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên – Năm A – 22-8-2020 – Lễ Kính Maria Trinh Vương

Thu Bay XX TN 

Isaia 9:1-6

1Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. 2 Chúa đã ban cho họ chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng.  Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. 3 Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. 4 Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa. 5 Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta.  Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. 6 Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít.  Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời.  Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó.  

(Trích Sách Isaia bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Sách Isaia là một tập sách quan trọng trong Cựu Ước, do Isaia và những đồ đệ của ông viết vào khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 6 trước công nguyên. Bài đọc hôm nay là những lời Isaia tiên tri về dân Do-thái sẽ được thoát ách nô lệ bên Babylon.  Lời lẽ của ông đầy hy vọng, nói về một tương lai tươi sáng, khi ấy mọi người sẽ được hồi hương về quê cha đất tổ, sẽ không còn phải chịu đòn roi của kiếp nô lệ, sẽ được hát và thờ phượng Thiên Chúa của họ một cách tự do.  Giữa cảnh nô lệ và bế tắc ấy, vậy mà Isaia vẫn nói được những lời đầy lạc quan và hy vọng cho dân.  Điều này nói gì với tôi?  Giữa tình trạng đại dịch cúm covid-19 lan tràn, giết hại hàng ngàn người trên thế giới hiện nay và kéo dài suốt mấy tháng qua, làm kiệt quệ kinh tế và đảo lộn cuộc sống khắp mọi nơi, tôi có thể như Isaia nói lên những tiếng hy vọng, và gieo cái nhìn tích cực cho thế giới và mọi người quanh tôi không?  Tôi có thể là một que diêm đốt lên giữa màn đêm của đại dịch, giữa những tranh đấu đòi quyền bình đẳng của những người da đen, da mầu, những người đồng tính, hoặc giữa những khó khăn của gia đình tôi không?

2.   Từ ban đầu Giáo hội cũng nhìn bài đọc hôm nay như thể Isaia đã tiên báo về Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra cho nhân loại là Đức Giêsu Kitô.  Quả thật Đấng Cứu Thế ấy đã được sinh ra trong cung lòng của Mẹ Maria, mà ngày hôm nay tôi mừng kính.  Mẹ Maria cũng đóng vai trò như Isaia cưu mang Thiên Chúa trong lòng và đem Chúa đến với mọi người.  Tôi có thể bắt chước Isaia, bắt chước Mẹ Maria cũng sẽ mang Chúa đến với cộng đoàn, công sở, học đường và gia đình tôi.  Tôi nghĩ Chúa muốn tôi giới thiệu Ngài cho những ai mà tôi quen biết và ở những nơi nào trong ngày hôm nay?  Tôi ngồi bên Chúa trong lúc này để xin được chỉ dẫn.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Hãy Thắp Sáng Lên,” qua đường dẫn sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=UW-d-mDBP9U     

Phạm Đức Hạnh, SJ