Sunday, May 31, 2020

Thứ Hai Tuần IX Thường Niên – Năm A – 1-6-2020 - Lễ Kính Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ Giáo Hội

Thu Hai IX TN
Mác-cô 12:1-12

1 Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục. Người nói: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh.  Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. 2 Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. 3 Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. 4 Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ.  Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. 5 Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn.  Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. 6 Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ 7 Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi!  Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.’ 8 Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. 9 Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì?  Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. 10 Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao?  Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 11 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!” 12 Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy.  Thế là họ để Người lại đó mà đi.

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Mùa Phục Sinh đã chấm dứt, hôm nay Giáo hội trở lại với những bài đọc của Mùa Thường Niên.  Bài đọc hôm nay là một dụ ngôn, Chúa Giêsu dùng để nói với những lãnh đạo Do-thái.  Chúa Giêsu như tố cáo họ đã không làm tròn bổn phận là những tá điền đối với vườn nho, tức cộng đoàn đức tin mà họ đã được trao gởi trông coi, nhưng còn đối xử ác độc đối với tất cả những đầy tớ làm công cho vườn nho nữa.  Vườn nho mà Chúa Giêsu nói năm xưa là dân riêng của Chúa, nhưng cũng là cộng đoàn dân Chúa ngày nay.  Tôi có thể thấy rõ Chúa Giêsu kể dụ ngôn này để sửa dạy những lãnh đạo trong Giáo hội và xứ đạo của tôi.  Tôi muốn dành những giây phút này cầu nguyện cho những vị lãnh đạo trong Giáo hội, như Đức Giáo Hoàng, các giám mục và các tu sĩ nam nữ, đặc biệt những vị mục tử mà tôi quen biết, hoặc những vị đang sống không đúng với vai trò và trách nhiệm của họ với đoàn chiên.  Tôi cầu nguyện cho họ trở nên có trách nhiệm và giống Chúa Giêsu hơn trong việc phục vụ đoàn chiên Chúa.

2.      Dù Chúa Giêsu kể dụ ngôn này cho những lãnh đạo giáo hội và cộng đoàn, nhưng qua dụ ngôn này mà tôi được biết, Thiên Chúa yêu quý vườn nho, tức đoàn chiên của Ngài biết mấy, trong đó có tôi.  Ngài đặt rất nhiều hy vọng ở vườn nho này, nên chăm sóc rất kỹ: rào dậu, đào bồn đạp nho và xây tháp canh.  Ngài không chỉ quý và hy vọng ở vườn nho, Ngài còn là chủ vườn có trách nhiệm: đặt các tá điền trông coi và gởi những đầy tớ đến thu hoa lợi.  Có khi nào tôi nhận thấy Chúa rất yêu quý và chăm sóc tôi kỹ lưỡng lắm không?  Là chủ vườn rất yêu quý vườn nho của mình, nếu ở nhà chắc chắn ngày ngày Ngài đều ra vườn nho, sờ từng chiếc lá xem có bị sâu, ngắm từng cành nho, nói với từng gốc nho về mong ước của Ngài với từng cây nho.  Nếu đi xa, chắc Ngài cũng luôn nhớ và thăm hỏi vườn nho như thế nào và đã sinh trái chưa.  Tôi cảm thấy như thế nào khi được là cây nho trong vườn nho của Chúa, được chăm bón và vun xới cẩn thận?  Tôi để ý Chúa yêu thương bảo bọc tôi ra sao.  Có khi nào tôi thấy khó chịu vì sự chăm sóc quá chu đáo của Ngài đối với tôi?  Có khi nào tôi nghĩ cuộc sống mà tôi có được như ngày hôm nay là nhờ sự chăm sóc và yêu thương của Chúa?  Trong giây phút này, tôi muốn để ý, mỗi ngày và trong giây phút này, Chúa đang ngắm nhìn tôi, nói chuyện với tôi về ước mơ của Ngài về tôi như thế nào.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?   

Phạm Đức Hạnh, SJ


Saturday, May 30, 2020

Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm A – 31-5-2020

CN CTT
Tông Đồ Công Vụ 2:1-11

1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.

5 Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. 6 Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến.  Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. 7 Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? 8 Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? 9 Chúng ta đây, có người là dân Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, và A-xi-a, 10 có người là dân Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cập, và những vùng Li-by-a giáp giới Ky-rê-nê; nào là những người từ Rô-ma đến đây; 11 nào là người Do-thái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!”

(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, như là mốc, khởi điểm thời đại của Chúa Thánh Thần và là ngày sinh nhật của Giáo hội.  Bởi nhờ Chúa Thánh Thần mà các tông đồ không còn sợ hãi, hoang mang và khép kín trong phòng nữa, nhưng đã tung cửa ra các ngã đường, chia sẻ tin mừng Phục Sinh của Chúa Kitô đến cho mọi người.  Thế là, Giáo hội ra đời, và tôi được đón nhận đức tin!  Ngày hôm nay mỗi khi mừng sinh nhật, người ta thường tổ chức tiệc mừng, viết thiệp, tặng quà, trao cho nhau những lời chúc, hát mừng sinh nhật, cắt bánh…  Hôm nay tôi sẽ làm gì để mừng sinh nhật Giáo hội?  Chắc chắn không phải là những hình thức bề ngoài, nhưng là chiều sâu tâm linh.  Có thể trong những giây phút này của giờ cầu nguyện, tôi muốn cám ơn, muốn nói chuyện với Chúa Thánh Thần, như một người mẹ, đã sinh ra Giáo hội?  Tôi sẽ chúc gì, ước gì cho Giáo hội, “trước khi cắt bánh,” và sẽ diễn tả khuôn mặt của Giáo hội như thế nào trong tuổi mới, bởi Giáo hội cũng là tôi?

2.       Bài đọc hôm nay trình mày một khung cảnh rất sôi động, đông đúc và ồn ào của mọi loại người, tựa như một đại tiệc sinh nhật.  Dù rất huyên náo và ồn ào, nhưng đầy yêu thương và sự thông hiểu nhau.  Bài đọc mô tả, khi nhận được Thánh Thần, tất cả mọi người thuộc đủ mọi dân nước đã có thể am tường, nói được tiếng mẹ đẻ của nhau.  Đây là kiểu nói đầy tính biểu tượng để nói về một viễn cảnh tương lai của Giáo hội, nơi mọi dân mọi nước đều được đón nhận ơn cứu độ từ Tin Mừng Phục Sinh.  Ơn cứu độ, theo suy nghĩ của người Do-thái, chỉ dành riêng cho họ, dân riêng của Chúa, mà thôi, thế nhưng hôm nay với ơn Chúa Thánh Thần, mọi người đều được cứu độ.  Một ý nghĩa biểu tượng nữa đó là, mọi người đều nói và hiểu tiếng mẹ đẻ của nhau, dù đến từ mọi dân mọi nước khác nhau.  Vậy tiếng mẹ đẻ của tôi là gì?  Đây không phải như các nhóm tâm linh nào đó hay xì xèo, lẩm bẩm những tiếng lạ nào đó, mỗi khi cầu nguyện, mà không ai hiểu, và chính đương sự cũng chẳng hiểu.  Bản văn Kinh Thánh hôm nay thuộc loại sách đức tin nên, chắc chắn, tiếng mẹ đẻ mà bản văn nói ở đây không có nghĩa là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp…, nhưng là tiếng chung của nhân loại: tiếng yêu thương.  Chính tình yêu mà mọi người có thể hiểu nhau, dù là dân nước nào đi nữa.  Phải chăng bao lâu nay tôi thường dùng những tiếng hận thù, nghi kỵ, ganh ghét, chia rẽ, quyền lực, kỳ thị…, nên chẳng ai hiểu tôi?  Phải chăng bao lâu nay tôi cứ ngỡ những tiếng này là tiếng mẹ đẻ của tôi, nên bây giờ có ai nói yêu thương và tha thứ, tôi cảm thấy như họ nói tiếng lạ?  Hoặc, mỗi khi tôi nói tiếng yêu thương và tha thứ, tôi cứ cảm thấy ngượng miệng, đến trẹo cả lưỡi mà vẫn không phát âm chuẩn?  Tiếng mẹ đẻ của tôi là tiếng yêu thương, tôi muốn tập nói tiếng mẹ đẻ này cho thành thạo.  Tôi tin là tôi đã được ơn cứu độ từ Chúa Kitô Phục Sinh, và đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần không?  Nếu thật sự tôi đã nhận được ơn cứu độ và Thánh Thần, tôi muốn, kể từ ngày sinh nhật hôm nay của Giáo hội, quyết tâm tập nói tiếng mẹ đẻ của tôi mỗi ngày.  Tôi quyết tâm tập nói nói tiếng này cho giỏi, không ngọng, không cà-lăm, không bị lỗi.  Tôi có thể xin Chúa Thánh Thần giúp tôi thực hiện quyết tâm này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện và mừng sinh nhật Giáo hội bằng bài hát, “Bài Ngữ Pháp của Tôi,” của Hà Xuân Huy, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=EeTA5mofbI0           

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, May 29, 2020

Thứ Bảy Tuần VII Phục Sinh – Năm A – 30-5-2020


Thu Bay VII PS

Gioan 21:20-25

20 Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: "Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?"21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, còn anh này thì sao?" 22 Đức Giê-su đáp: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?  Phần anh, hãy theo Thầy." 23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết.  Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: "Anh ấy sẽ không chết", mà chỉ nói: "Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?" 24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra.  Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. 25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Có một điểm rất được nhấn mạnh trong Phúc âm Gioan, đó là: kinh nghiệm cá vị với Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu trong Phúc âm Gioan thường làm việc trực tiếp với từng người, chẳng hạn như: Ni-cô-đê-mô, người đàn bà bên bờ giếng, người mù từ thuở mới sinh, người môn đệ Chúa Giêsu yêu tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly…và bài đọc hôm nay là Phê-rô.  Sau khi Phê-rô xác quyết với Chúa Giêsu rằng, ông rất yêu Chúa Giêsu, Ngài đã gọi ông, “Hãy theo Thầy!” (21:19). Trong bài đọc hôm nay, Phê-rô thấy môn đệ Chúa Giêsu yêu mến, nên hỏi Ngài về người đó.  Nhưng Chúa Giêsu đã nói Phê-rô, đó không phải việc của Phê-rô, phần Phê-rô chỉ biết theo Thầy thôi.  Điều này cũng có nghĩa là, theo Chúa Giêsu là một hành trình mang tính cá vị và riêng tư.  Sẽ không thể có chuyện theo Chúa Giêsu vì a-dua, vì đám đông, cũng chẳng phải vì ai, kể cả cha mẹ, nhưng phải là một quyết định mang tính cá vị và riêng tư.  Đời sống đức tin của tôi bao lâu nay có phải là một hành trình mang tính cá vị và riêng tư với Chúa Giêsu không?  Ngày nào đức tin của tôi là một sự lựa chọn tự do hoàn toàn, mang tính cá vị và riêng tư với Chúa Giêsu, ngày ấy đức tin của tôi thật sự bén rễ, trưởng thành và sinh hoa trái.  Tôi có nhận thấy tương quan cá vị, riêng tư và thân mật với Chúa Giêsu rất phong phút trong tôi không?  Tôi trả lời sao với Chúa Giêsu và Ngài nói gì với tôi về tương quan giữa Ngài và tôi? 
2.      Bài đọc hôm nay là phần kết của Phúc âm Gioan, trong hai câu cuối cùng xác định một lần nữa kinh nghiệm riêng tư và mang tính cá vị với Chúa Giêsu là rất quan trọng.  Đó chính là những kinh nghiệm của các độc giả hai ngàn năm qua đã gặp Chúa Giêsu, khi họ tương tác rất riêng tư và thân mật với Ngài.  Họ chính là những môn đệ được Chúa Giêsu yêu, luôn tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu.  Họ nhiều vô số kể, trong đó có tôi.  Bởi vậy Gioan viết: Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.”  Như vậy mỗi khi gặp Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện hoặc trong đời sống mỗi ngày, nếu tôi viết lại tất cả những kinh nghiệm ấy, một cách nào đó, tôi đang “viết tiếp Tin Mừng Gioan,” hoặc tôi đang viết Tin Mừng của tôi.  Đâu là những kinh nghiệm riêng tư, cá vị và rất thân mật của tôi với Chúa Giêsu?  Hãy để những kinh nghiệm này dẫn tôi vào thật sâu trong cung lòng của Thiên Chúa.  Tôi có thể đọc lại cho Chúa Giêsu nghe những kinh nghiệm này không?  Tôi có thể kể cho mọi người nghe những kinh nghiệm này không?    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, May 28, 2020

Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh – Năm A – 29-5-2020


Thu Sau VII PS

Gioan 21:15-19

15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy."16 Người lại hỏi: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn dắt chiên của Thầy."17 Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?" Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: "Anh có yêu mến Thầy không?" Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc chiên của Thầy.18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn."19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: "Hãy theo Thầy."

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Bài đọc hôm nay là một đoạn văn nổi tiếng trong Phúc âm Gioan, trong đó tôi gặp mẩu đối thoại giữa Chúa Giêsu Phục Sinh và Phê-rô.  Chúa Giêsu hỏi Phê-rô ba lần rằng, ông có yêu mến Ngài không.  Điều này dễ làm tôi liên tưởng đến ba lần Phê-rô đã chối Chúa Giêsu, tại cuộc thương khó trước phục sinh (Ga 18:15-27).  Sự liên tưởng này có thể giúp tôi nhìn rõ hơn tình yêu rất lớn của Chúa Giêsu dành cho Phê-rô.  Chắc chắn khi gặp lại Chúa Giêsu, Phê-rô đã rất bối rối và xấu hổ, vì đã chối Thầy.  Tuy nhiên, tình yêu rất lớn và không hề trách móc của Chúa Giêsu đối với Phê-rô, đã giúp ông nhiều lắm, đổi đời hoàn toàn.  Ông trở nên yêu Chúa Giêsu nhiều hơn, dấn thân vì tình yêu này cho đến chết.  Tôi có kinh nghiệm được Chúa Giêsu tha thứ, giống như Phê-rô, bao giờ chưa?  Tôi đã được biến đổi như thế nào khi được Chúa Giêsu yêu?  Tôi đã có quyết tâm gì và làm gì để diễn tả lòng biết ơn vì sự tha thứ và yêu thương của Chúa Giêsu?  Tôi có tâm tình gì muốn nói với Chúa Giêsu trong lúc này? 
2.      Giả sử trong giờ cầu nguyện này, Chúa Giêsu cũng hỏi tôi: “Con có yêu mến Thầy không?”  Tôi sẽ trả lời như thế nào với Ngài?  Có thể Chúa Giêsu không chỉ hỏi tôi một lần, nhưng hỏi ba lần, tôi cảm thấy thế nào?  Sau mỗi lần hỏi Phê-rô, Chúa Giêsu đều trao trách nhiệm cho ông chăm sóc đàn chiên của Chúa.  Biết đâu Chúa Giêsu cũng nhờ tôi chăm sóc ai đó chăng.  Tôi có sẵn sàng và quảng đại đến mức nào cho sự tin cậy của Chúa Giêsu?          
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, May 27, 2020

Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh – Năm A – 28-5-2020


Thu Nam VII PS

Gioan 17:20-26

20 Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con,21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một:23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24 Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con.26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa."

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Chương 17 Phúc âm Gioan là một chương đầy ắp tâm tình của Chúa Giêsu với Chúa Cha về những người Ngài thương mến.  Bài đọc hôm nay là phần cuối của chương, trong đó Chúa Giêsu xin Chúa Cha, trước nhất, cho tất cả mọi người thuộc về Ngài được yêu thương nên một với nhau, như Ngài với Chúa Cha.  Đây là một ước mơ lớn của Chúa Giêsu dành cho Giáo hội, trước khi bước vào cuộc tử nạn.  Giáo hội tôi, giáo xứ tôi, đoàn thể tôi và gia đình tôi có lỗi với Chúa Giêsu rất nhiều vì những chia rẽ chúng tôi gây ra cho nhau, hoặc chính tôi là nguyên nhân gây chia rẽ.  Kể từ năm 1908 Giáo hội đã bắt đầu ý thức cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội.  Đặc biệt kể từ Công Đồng Vatican II, Giáo hội đã ấn định tuần thứ ba tháng Giêng hằng năm, cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các giáo phái trong Kitô giáo.  Tôi đã làm gì để tạo sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu với nhau?  Tôi quyết tâm như thế nào cho việc hàn gắn mọi chia rẽ trong Giáo hội, giáo xứ, đoàn thể và gia đình tôi?  Tôi muốn quỳ gối trước Chúa Giêsu trong giây phút này và xin ơn hiệp nhất.  
2.      Khi yêu ai, tôi thường muốn ở bên người đó, muốn mọi sự tốt đẹp nhất cho người đó, lo lắng cho sự an toàn và niềm vui cho người đó.   Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay cũng thế.  Ngài ước ao và xin Chúa Cha cho tất cả những người Ngài thương mến luôn được ở với Ngài trong mọi lúc: Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con!”  Tôi cảm thấy thế nào về lời cầu xin và lòng ao ước này của Chúa Giêsu về tôi?  Tôi ao ước và xin Chúa Giêsu ở với tôi trong mọi lúc không?  Tôi sẽ làm gì để có được sự kết hiệp với Chúa Giêsu trong mọi ngày sống của tôi?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát: “Bài Ca Hiệp Nhất,” do Lm. Thành Tâm, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=TGvy8yBpzRM 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, May 26, 2020

Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh – Năm A – 27-5-2020


Thu Tu VII PS

Gioan 17:13-19

[Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, 13 bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Chương 17 Phúc âm Gioan là một chương thật đẹp, ở đó tôi có thể đọc thấy những tâm tình rất thân thương và đầy trìu mến, Chúa Giêsu cầu nguyện cho những người Ngài thương mến, trước khi bước vào cuộc tử nạn.  Trước hết, Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ tất cả những người Ngài thương mến, bởi họ sẽ bị thế gian chống đối và ghét bỏ.  Tôi cảm thấy như thế nào về tâm tình của Chúa Giêsu trao gởi tôi cho Chúa Cha?  Đời sống đức tin của tôi đang bị thử thách, khiến tôi muốn chùn bước, khiến tôi không còn sức để cầu nguyện ư?  Hãy trở về với lời nguyện này của Chúa Giêsu, và để Chúa Giêsu cầu nguyện trong tôi.  Tôi muốn tín thác vào Chúa Cha trong lúc này.
2.      Thứ đến, Chúa Giêsu xin Chúa Cha dùng sự thật mà thánh hiến những người Ngài thương mến.  Sự thật chính là phương thức mạnh mẽ nhất làm cho con người được tự do và thực sự được giải thoát.  Sự thật thì tôi biết; tự do tôi cũng khao khát, nhưng nếu cộng cả hai thứ này, liệu tôi có can đảm để được Chúa Cha thánh hiến không?  Dù biết rằng, “Thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng,” tôi có thật sự có tự do và sẵn sàng để được Chúa Cha “đã tật” không?  Tôi muốn nói gì cùng Chúa Cha?  Tôi xin có lòng ao ước sự thật và can đảm để được Chúa Cha thánh hiến chăng, hay tôi xin Chúa Giêsu hoãn lời cầu nguyện của Ngài?    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, May 25, 2020

Thứ Ba Tuần VII Phục Sinh – Năm A – 26-5-2020 – Lễ Thánh Phi-lip-phê Nê-ri


Thu Ba VII PS

Tông Đồ Công Vụ 20:17-27

17 Hồi ấy, từ Mi-lê-tô, ông Phao-lô sai người đi mời các kỳ mục trong Hội Thánh Ê-phê-xô. 18 Khi họ đến gặp ông, ông nói với họ: “Anh em biết, từ ngày đầu tiên đặt chân đến A-xi-a, tôi đã luôn luôn cư xử với anh em thế nào. 19 Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do-thái. 20 Anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em; trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia. 21 Tôi đã khuyến cáo cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp phải trở về với Thiên Chúa, và tin vào Đức Giê-su, Chúa chúng ta.
22 “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, 23 trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. 24 Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa. 25 Giờ đây tôi biết rằng: tất cả anh em, những người tôi đã đến thăm để rao giảng Nước Thiên Chúa, anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa. 26 Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng: nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can. 27 Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa.”

(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn lắng nghe tâm tình của Phao-lô với Cộng đoàn Ê-phê-xô.  Ngài đúng là một vị mục tử hết mình vì đoàn chiên, hết mình cho sứ vụ truyền giáo mà Chúa đã mời gọi ngài.  Tôi muốn xem lại, có bao giờ tôi đã sống vai trò và nhiệm vụ của tôi, giống như Phao-lô, đối với những người mà tôi có trách nhiệm chưa?  Họ đã được hưởng những hoa quả gì từ đời sống phục vụ của tôi?  Tôi có bao giờ đã gặp được một vị mục tử nào như Phao-lô không?  Tôi đã đón nhận được những hoa quả nào từ vị mục tử ấy?  Tôi muốn cầu nguyện cho những vị mục tử trong Giáo hội, đặc biệt những vị mà tôi đã gặt gỡ hoặc quen biết, để họ càng ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn, hay ít ra cũng giống Phao-lô.
2.      Tâm hồn Phao-lô sao đẹp quá!  Đi đến đâu ngài cũng hết mình đến đó.  Tuy vậy, ngài không bao giờ muốn xây cho mình “một tháp chuông”, hay không có triệu chứng của “mọc rễ” ở bất cứ nơi nào, để rồi không còn muốn đi đâu nữa.  Trái lại, ngài luôn lắng nghe tiếng gọi của Thánh Thần, sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để lên đường đến những nơi xa lạ, dù xiềng xích và gông cùm đang chờ ngài ở đó.  Ngài quả là một con người tự do và hết mực yêu mến Chúa Giêsu: “Mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa.”  Tôi có triệu chứng mọc rễ, không muốn lên đường cho sứ vụ mới, cho công việc mới không?  Cái nguy hiểm của việc ở lâu với một công việc, tại một nơi nào đó sẽ dễ làm cho tôi trở nên nhàm chán, thiếu óc sáng tạo, ù lì trong công việc, thậm chí không còn phục vụ ai nữa mà chỉ muốn mọi người phục vụ mình.  Tôi muốn đọc lại nhiều lần những lời này của Phao-lô để bắt chước, trở nên con người của tự do và yêu mến Chúa Giêsu hơn, mỗi ngày.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, May 24, 2020

Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh – Năm A – 25-5-2020

Thu Hai VII Ps
Gioan 16:29-33
29 Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng: “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy.  Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31 Đức Giê-su đáp: “Bây giờ anh em tin à? 32 Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình.  Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.  Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.  Nhưng can đảm lên!  Thầy đã thắng thế gian.”

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Bài đọc hôm nay có thể nói là một suy tư của cộng đoàn Gioan thời gian đầu của Giáo hội.  Nên nhớ, Phúc âm Gioan được viết khoảng năm 90, tức là gần 60 năm sau khi Chúa Giêsu chết và phục sinh.  Trải qua gần 60 năm nghiệm ngẫm những gì Chúa Giêsu đã giảng dạy và đã làm, cũng như nói về chính mình, giờ đây họ mới hiểu tất cả những điều ấy và công nhận rằng, Chúa Giêsu là Đấng từ Thiên Chúa mà đến.  Gioan viết là Chúa Giêsu nói, “Bây giờ anh em tin à?”  Câu hỏi này không phải là một lời trách móc, và có thể không phải là của Chúa Giêsu, nhưng là của cộng đoàn Gioan muốn nói rằng, cuối cùng họ đã nhận ra căn tính của Chúa Giêsu.  Việc nhìn nhận Chúa Giêsu đích thực là Đấng được Thiên Chúa sai đến là rất quan trọng.  Bởi nếu Chúa Giêsu không thực sự như vậy, các đau khổ và bắt bớ mà các Kitô hữu đang phải trải qua quả là vô nghĩa, và không có sức đi tới.  Có khi nào tôi đã nghiệm ngẫm về những gì Chúa Giêsu đã nói và làm chưa?  Tôi có biết Ngài là ai?  Sự nhận biết này có giúp tôi gắn bó với Thiên Chúa hơn không?  Sự nhận biết này có giúp tôi tìm thấy ý nghĩa của những đau khổ mà tôi đang phải chịu, hoặc có giúp tôi mạnh mẽ tiến tới trong cuộc sống này, hơn là co cụm lại chính mình? 
2.      Năm 90, tức thế kỷ I, là thời kỳ Giáo hội đang hình thành và cũng bị bách hại kinh hoàng nhất.  Vì thế, không một lời nào mạnh và cần thiết có thể an ủi các Kitô hữu lúc bấy giờ cho bằng, lời bình an.  Không một điều gì có thể giúp cho các Kitô hữu tiên khởi giữ vững đức tin cho bằng, cảm thấy Chúa Giêsu vẫn luôn ở với họ.  Không một điều gì làm cho các Kitô hữu tự hào và gắn bó với Chúa Giêsu cho bằng, nhận ra những đau khổ và bắt bớ mà họ đang phải chịu, chính Chúa Giêsu cũng đã từng chịu.  Bởi thế, Phúc âm Gioan được hình thành là một điều rất cần thiết cho các cộng đoàn Kitô hữu những lúc bị bách hại, qua đó họ được nghe lại những lời yêu thương, quan tâm và chăm sóc của Chúa Giêsu đang nói với họ.  Chúa Giêsu nói, “Các con sẽ phải khốn khó.  Nhưng hãy can đảm lên!”  Tôi cảm thấy thế nào về lời cảnh báo và khích lệ này từ Chúa Giêsu?  Đời sống đức tin của tôi lúc này như thế nào?  Tôi có cần sự bình an, mối quan tâm và tình yêu của Chúa Giêsu, hầu giúp tôi vững tin và vững bước trước mọi khó khăn?  Tôi muốn tâm tình với Chúa Giêsu. 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, May 23, 2020

Chúa Nhật Tuần VII Phục Sinh – Năm A – 24-5-2020 - Lễ Thăng Thiên


CN Than Thien

Mát-thêu 28:16-20

16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Phúc âm Mát-thêu có một kiểu viết đầy tính biểu tượng, chẳng hạn: mỗi khi nói về cộng đoàn đức tin hay giáo hội, ngài hay dùng hình ảnh chiếc thuyền.  Khi nói về mạc khải của Chúa, ngài hay dùng hình ảnh núi.  Trong quan niệm của Do-thái giáo, núi là bệ đỡ cho vòm trời, là bệ chân của ngai Thiên Chúa, tức vòm trời.  Điều này tôi thấy rõ trong Cựu ước, mỗi khi Mô-sê và các tiên tri muốn gặp Chúa, họ đều lên núi.  Bài đọc hôm nay nói, các môn đệ đã lên trên núi và gặp Chúa Giêsu phục sinh.  Trên đó, Ngài đã mạc khải cho họ thấy quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Ngài, và rồi Ngài sai các môn đệ đi loan truyền cho thế giới biết về quyền năng ấy.  Quyền năng ấy là gì?  Quyền năng ấy chính là tình yêu rất lớn lao của ba ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Hãy đi loan báo cho muôn dân và làm phép rửa nhân danh quyền năng này.  Bởi thế trong hai ngàn năm qua Giáo hội không ngừng mời gọi mọi người thực hành nhiệm vụ này: làm cho thế giới nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người vô điều kiện.  Bao lâu nay tôi đã sống và cảm nghiệm mầu nhiệm tình yêu của Chúa như thế nào?  Bao lâu nay tôi đã loan tin vui, tin mừng, tin cứu độ hay loan tin buồn, tin ác, tin trừng phạt?        
2.      Hôm nay Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời, và câu cuối của bài đọc hôm nay rất đáng chú ý, khi Chúa Giêsu nói: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.  Như vậy dù mừng lễ Chúa Lên Trời, không có nghĩa là Chúa Giêsu bay lên trên trời xanh, bỏ lại tôi bơ vơ, nhưng vẫn ở cùng tôi mọi ngày cho đến tận thế.  Chúa Giêsu về trời là kết hiệp với Chúa Cha, nhưng Chúa Cha lại đang ở trong cung lòng sự sống của tôi.  Như vậy, Chúa Giêsu về trời nhưng vẫn ở bên tôi và ở rất sâu trong tôi.  Nên để gặp Ngài, tôi không cần phải lên núi, nhưng vào trong nơi sâu kín nhất của tâm hồn tôi (Mt 6:6), nơi Ngài luôn hiện diện trong tôi mọi ngày cho đến tận thế.  Mát-thêu có một lối viết rất khéo.  Nếu Mát-thêu mở đầu phúc âm của ngài bằng một câu giới thiệu về Chúa Giêsu, Ngài là Đấng Immanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1:23), ngài kết thúc phúc âm cũng bằng một câu của Chúa Giêsu rằng, sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28:20).  Đây cũng là lời Chúa vẫn hứa xuyên suốt Kinh Thánh.  Mỗi khi Chúa chọn ai, Ngài luôn luôn hứa một điều: ở cùng họ.  Hai ngàn năm qua Giáo hội nhớ mãi lời hứa này, và luôn nhắc nhở và chúc cho nhau nhiều lần trong mọi Thánh lễ, khi chủ tế nói: Chúa ở cùng anh chị em!  Tôi ý thức và cảm thấy thế nào về lời hứa của Chúa Giêsu?  Tôi có thường xuyên trở về cung lòng của tôi để gặp Chúa Giêsu không?  Tôi đã gặp Chúa ở đâu trong ngày sống của tôi hôm nay?  Tôi đã nghe thấy Ngài hoặc cảm thấy sự nâng đỡ của Ngài như thế nào trong những khó khăn của ngày hôm nay?  Tôi muốn ý thức hơn và cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Giêsu luôn ở trong tôi, mỗi khi tôi nghe lời chúc của Giáo hội trong mọi Thánh Lễ tôi tham dự.  Tôi muốn trở về với lòng tôi để gặp gỡ Chúa Giêsu và tôn thờ Ngài, ngay trong giây phút này.         
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, May 22, 2020

Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh – Năm A – 23-5-2020


Thu Bay VI PS

Gioan 16:23b-24

23b Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy.  Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)


Gợi ý cầu nguyện

1.  Bài đọc hôm nay có thể làm tôi nghĩ ngay rằng, Chúa Giêsu nói về cầu nguyện.  Đúng vậy.  Tuy nhiên, Ngài lại chẳng nói gì đến hai chữ “cầu nguyện,” nhưng chỉ nói chữ “xin.”  Hai chữ cầu nguyện có thể làm tôi nghĩ ngay đến việc đọc một bản kinh đã soạn sẵn từ sách, hoặc đã thuộc lòng.  Trong khi đó chữ “xin” làm cho tôi hướng đến một cuộc nói chuyện, trao đổi với Thiên Chúa.  Tôi xin, rồi chờ xem Chúa nghe tôi thế nào, và có cho điều tôi xin không.  Chúa Giêsu khuyến khích tôi xin cùng Chúa Cha, để niềm vui của tôi được nên trọn vẹn.  Như vậy Ngài muốn tôi xin gì?  Nên nhớ, trước khi Chúa Giêsu nói các môn đệ nên xin Chúa Cha thì họ đang trong tâm trạng buồn bã, hoang mang vì sắp phải xa Ngài; đồng thời, Ngài cũng cảnh báo về sự ghen ghét, bắt bớ và giết hại xẽ xảy đến trước nhất là cho Ngài, sau là họ.  Vì thế, như để chuẩn bị và trấn an trước khi những bắt bớ xảy đến, Chúa Giêsu nói rất nhiều về việc họ phải nên một với Ngài ở mức độ sâu đậm nhất như thân mình với chân tay, một tương quan mà Chúa Cha và Ngài luôn có.  Như vậy, điều Chúa Giêsu khuyến khích tôi xin, đó là được bình an.  Không có cách gì tôi được bình an cho bằng, được nên một với Chúa Cha.  Tôi có cần và khao khát ơn bình an của Chúa không?  Tôi có thể xin cùng Chúa Cha.  Tôi muốn xin cho được sự che chở bằng sự nên một với Ngài.    
2.  Phúc âm Gioan không có chữ “cầu nguyện,” chữ cầu nguyện trong Phúc âm Gioan là “ở lại.”  Như vậy, cầu nguyện còn là ở lại trong Thiên Chúa một cách sâu đậm nhất, và nên một như Chúa Cha trong Chúa Con và Chúa Con trong Chúa Cha, như Chúa Giêsu là cây nho và tôi là cành nho.  Điều này cũng có nghĩa là, khi tôi ở với Thiên Chúa trong mức độ sâu kín nhất thì việc cầu nguyện không còn bằng lời nữa; hay đúng hơn, mọi ngôn từ lúc này đều thừa thãi và què quặt, không có khả năng diễn thả hết tâm tình Chúa và tôi.  Tôi muốn đi vào tương quan thân mật này với Chúa ngay bây giờ.  Tôi muốn được rớt tỏm vào cung lòng Thiên Chúa, được Ngài ôm tôi trong lòng của Ngài và hôn tôi đến xẹp cả mũi.     
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, May 21, 2020

Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh – Năm A – 22-5-2020


Thu Sau VI PS

Tông Đồ Công Vụ 18:9-11

9 Khi ông Phao-lô đang ở Cô-rin-tô, thì vào một đêm, Chúa bảo ông trong một thị kiến rằng: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, 10 vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.” 11 Ông Phao-lô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời Thiên Chúa.

(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Triều đại Giáo hoàng của Đức cố Thánh Cha Gioan Phao-lô II đã gắn liền với hai chữ, “Đừng sợ!”  Bởi đây chính là hai chữ đầu tiên mà ngài đã gởi ra cho toàn thế giới khi vừa được chọn làm Giáo hoàng.  Đây không phải là ý nghĩ độc đáo của ngài, nhưng chắc chắn ngài đã được gợi hứng từ Kinh Thánh.  Nếu đọc toàn bộ Kinh Thánh, tôi có thể bắt gặp lời trấn an của Chúa, “Đừng sợ!”, được lập đi lập lại đến hơn 300 lần.  Cụ thể như tôi thấy, trong bài đọc hôm nay, Chúa đã trấn an Phao-lô đừng sợ, khi ngài vừa mới chân ướt chân ráo đến Cô-rin-tô.  Như vậy, nếu mỗi ngày tôi chỉ cần chọn một lời trấn an này của Chúa từ Kinh Thánh để được an ủi và vững tâm sống, tôi có thể có đủ lời trấn an “để xài” gần trọn một năm!  Nói như vậy cũng có nghĩa là, Thiên Chúa luôn quan tâm đến cuộc sống đầy gian khó, đau khổ chất chồng, nên Ngài an ủi tôi từng ngày.  Tôi đang có nỗi sợ gì trong lúc này?  Tôi thổ lộ cùng Chúa được không?  Tôi để ý xem Chúa trấn an tôi thế nào.  Ai quanh tôi đang có nỗi sợ nào, tôi bắt chước Chúa, trấn an họ được không?
2.      “Đừng sợ!”  Lời trấn an này có thể làm tôi nghĩ ngay đến những nỗi sợ đối với kẻ thù hữu hình, hoặc một thể chế tham nhũng, tàn ác và bất công.  Tuy nhiên, đây mới chỉ là thứ sợ hãi mang tính xã hội, loại bạo quyền này thấp hèn nhất.  Cuộc đời này còn có thứ sợ hãi về tâm lý, về tâm linh nữa, cứ vây quanh, ám ảnh tôi ngày đêm.  Nỗi sợ tâm lý như: sợ đối diện với chính tôi, đối diện với cái nghèo, thiếu thốn vật chất, hoặc sự kém cỏi thông minh và tài năng nơi tôi.  Nỗi sợ tâm linh như: sợ đối diện với sự bất toàn và những vấp ngã tội lỗi lớn nhỏ trong tôi.  Hai nỗi sợ này nằm rất sâu trong tôi, và bám chặt vào xương tủy tôi, chẳng rời xa tôi một giây.  Chúng như là nhà tù không có tường vây, cũng chẳng có cửa khóa then cài, nhưng không dễ gì mà tôi có thể thoát ra được.  Chúng quyền năng lắm, ám ảnh tôi ngày đêm, đến mức, đi đâu tôi cũng phải đóng kịch, phải đeo mặt nạ.  Chúng lấy đi tất cả sự tự do của tôi và gông cùm cuộc đời tôi trong bóng đêm.  Dù quyền năng đến đâu, những nỗi sợ xã hội và tâm lý chỉ nhất thời, chúng chỉ có thể giam hãm tôi ở cuộc đời này mà thôi.  Khi chết, tôi sẽ thoát hai thứ sợ này.  Chỉ có nỗi sợ tâm linh là quyền năng hơn cả.  Nó không chỉ giam hãm tôi ở đời này, mà cả sau khi chết nữa.  Chính vì sợ nó có thể giam hãm tôi cả đời sau mà một số người, như để đánh lừa chính mình, họ phủ nhận có đời sau để bớt sợ!  Dù là nỗi sợ nào đi nữa, hãy nghe lời khuyên của Chúa Giêsu: “Các con đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn.  Đúng hơn, các con hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10:28).  Điều này có nghĩa là, chỉ có Thiên Chúa là Đấng có thể giải thoát tôi khỏi mọi nỗi sợ thể lý, tâm lý, và tâm linh, cả đời này lẫn đời sau.  Tôi có đang có nỗi sợ nào?  Tôi sợ Chúa vì tôi tội lỗi ư?  Tôi sợ nên thánh vì cảm thấy mình yếu đuối ư?  Hãy xem lại cuộc đời của các thánh.  Oscar Wilde nói: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội nhân nào cũng có một tương lai.”  Hãy tin tưởng vào lòng thương xót vô biên của Chúa.  Đừng sợ vì Chúa luôn ở cùng tôi và thương tôi đến điên dại!  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “You Are Mine,” do David Haas, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=14pPevY5sd8
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, May 20, 2020

Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh – Năm A – 21-5-2020



Thu Nam VI PS

Tông Đồ Công Vụ 18:1-8
1 Hồi ấy, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô. 2 Tại đây, ông gặp một người Do-thái tên là A-qui-la, quê ở Pon-tô, vừa mới từ I-ta-li-a đến, cùng với vợ là Pơ-rít-ki-la, vì hoàng đế Cơ-lau-đi-ô đã ra lệnh cho mọi người Do-thái phải rời Rô-ma.  Ông Phao-lô đến thăm hai ông bà, 3 và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều. 4 Mỗi ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp.
5 Khi ông Xi-la và ông Ti-mô-thê từ Ma-kê-đô-ni-a xuống, thì ông Phao-lô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô. 6 Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người!  Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại.” 7 Ông rời bỏ chỗ ấy, đến nhà một người tên là Ti-xi-ô Giút-tô.  Ông này là một người ngoại tôn thờ Thiên Chúa, nhà ở sát bên hội đường. 8 Ông Cơ-rít-pô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà.  Nhiều người Cô-rin-tô đã nghe ông Phao-lô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa.

(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện
1.      Bài đọc hôm nay ghi nhận một hình ảnh thật đẹp về Phao-lô, một vị mục tử, một nhà truyền giáo.  Dù là lãnh đạo cộng đoàn, dù là một nhà truyền giáo bận rộn, dù bị xua đuổi từ thành này qua thành khác vì Tin Mừng, nhưng Phao-lô đã không để mình trở nên gánh nặng cho ai, nhưng đã tự kiếm sống bằng công việc tay chân của mình.  Tôi đã gặp hay đã nghe về một nhà truyền giáo nào như vậy chưa?  Lịch sử Giáo hội đã có biết bao nhiêu nam nữ tu sĩ khác đã sống hết mình và chết với đoàn chiên của họ, mà tôi có thể đã biết hoặc đã nghe về họ.  Các nhà truyền giáo đã đến Việt Nam, chẳng hạn như Đức cha Jean Cassaigne (Gioan Cát-sanh) người Pháp, đã phục vụ tại trại cùi Di-linh, Lâm Đồng, và đã chết như một người cùi và với người cùi Việt Nam.  Các nhà truyền giáo đã đến Mỹ, chẳng hạn như Cha Joseph de Veuster, người Bỉ, còn được biết với tên quen thuộc là, Cha Damien, đã phục vụ những người cùi, và đã chết như một người cùi tại Molakai, Hawaii.  Tôi muốn tạ ơn Chúa vì những chứng nhân quanh tôi, đã sống và chết cho ơn gọi Tin Mừng.  Đời sống của Phao-lô và của các nhà truyền giáo trong Giáo hội thôi thúc tôi thế nào về đời sống đức tin của tôi hôm nay?  Tôi cũng muốn cầu nguyện cho những nhà truyền giáo và những mục tử quanh tôi hôm nay.  Xin cho họ được giống Chúa Giêsu, hết mình vì đoàn chiên.
2.      Sau một tuần kiếm sống như mọi người, cuối tuần Phao-lô đã “hóa thân” thành mục tử giữa các hội đường và cộng đoàn để rao giảng về Chúa Giêsu.  Đời sống không là gánh nặng cho ai, sự thông thái và lòng nhiệt huyết của Phao-lô vì Tin Mừng, đã lôi kéo rất nhiều người tin theo Chúa Giêsu.  Dù bị chối từ chỗ này, không bỏ cuộc, Phao-lô đã đi đến những chỗ khác, tiếp tục rao giảng về Chúa Giêsu.  Sở dĩ Phao-lô và các nhà truyền giáo đã sống và làm được như vậy là vì họ tìm thấy Tin Mừng mà họ rao giảng, cho họ sức sống và niềm vui.  Ngày nay, để rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, trước nhất tôi phải cảm nhận Tin Mừng, không phải là tin dữ, tin buồn, nhưng thực sự là tin vui, tin hy vọng, tin ấy đang cho tôi sức sống, nhờ vậy chính cuộc đời tôi sẽ trở thành niềm vui với mọi người.  Tôi có thể làm gì để gọi là truyền giáo trong ngày hôm nay?  Tôi sẽ chọn thái độ sống nào để Tin Mừng được nhận biết qua từng ngày sống của tôi?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Đẹp Thay,” của Mi Trần, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=aJvFxTctIH0
Phạm Đức Hạnh, SJ