Wednesday, February 28, 2018

Tĩnh Tâm - Nữ Giới Trong Tân Ước

Tinh Tam NGTTU

Thứ Năm Tuần II Mùa Chay – Năm B - II – 1-3-2018

Thu Nam II MC
Luca 16:19-31
19 "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.23 "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta kêu lên: "Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!25 Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.27 "Ông nhà giàu nói: "Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!29 Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.30 Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.31Ông Áp-ra-ham đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Trước hết phải nói ngay rằng: giầu không phải là cái tội và nghèo cũng chẳng phải là cái phúc.  Luca đã không hề lãng phí một tí mực nào để tôi có thể kết luận rằng Chúa Giêsu lên án cái giầu của viên phú hộ mà ca tụng cái bần cùng của La-da-rô, trái lại tác giả cho thấy qua câu chuyện này, Chúa Giêsu lên án rất mạnh chủ nghĩa “mắc-kê-nô” (mặc kệ nó), tức thái độ dửng dưng của người phú hộ NGÀY NGÀY YẾN TIỆC LINH ĐÌNH nhưng lại làm ngơ trước sự hiện diện của La-da-rô, người đồng loại, ở trước nhà ông ta.  Đây chính là tội và là tội đáng trách.  Luca viết rất khéo: người phú hộ không có tên; trong khi đó người hành khất có tên là La-da-rô, không lẫn lộn với tôi được.  Điều này cho thấy, mỗi độc giả của Luca có thể là viên phú hộ, trong đó có thể có tôi.  Giờ cầu nguyện này là lúc tôi tự hỏi: Ai là người nghèo quanh tôi?  Tôi giúp được không?  Tôi quảng đại đủ không?  Họ có thể cần tiền, cần một lời an ủi, cần một tiếng cảm thông, cần một tiếng hỏi thăm, hoặc chỉ cần một cái ôm động viên.  Lạy Chúa xin cho con biết nhạy bén và quảng đại trước nhu cầu của những người khốn khó quanh con.
2.    Câu chuyện của Chúa Giêsu hôm nay cũng khẳng định rằng, mỗi người sẽ chỉ có một đời để sống.  Kitô giáo không tin vào thuyết luân hồi để rồi, nếu có sống gian ác ở đời này thì vẫn còn kiếp khác để làm lại.  Bởi vì tôi sẽ không có một kiếp khác nữa để sống, hãy sống tốt cho hết mình, sống bác ái trong mọi cơ hội, sống yêu thương trong từng bước đi, cử chỉ và lời nói nhân ái với mọi người.  Những lời trên là của Chúa Giêsu, tôi tin không?  Nếu tin, tôi muốn xin Chúa giúp tôi sống tốt như tôi chỉ có một cơ hội duy nhất để sống.  Nếu Chúa Giêsu nói mà tôi cũng chẳng tin, thì dù lời người thân có hiện về, tôi cũng chẳng tin đâu.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, February 27, 2018

Thứ Tư Tuần II Mùa Chay – Năm B - II – 28-2-2018

Thu Tu II MC

Mát-thêu 20:17-28

17 Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông:18 "Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người,19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy."20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.21 Người hỏi bà: "Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy."22 Đức Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi."23 Đức Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được."24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Ở vào những giây phút căng thẳng và đầy lo âu đến mất mạng của Thầy Giêsu vậy mà các môn đệ, cùng người nhà của mình chỉ lo tranh dành chỗ nhất, chức này chức kia trong Nước trời.  Bài đọc từ Phúc âm Mát-thêu hôm nay nghe sao mà buồn bởi nó nói lên một cái gì đó có thể rất thật với tôi trong cuộc sống hôm nay.  Có phải không khi ba hay mẹ già yếu, đứa nọ chừa đứa kia không muốn chăm sóc cho các ngài, khi các ngài sắp lìa đời, ở ngay những giây phút đau buồn ấy, con cái đứa dành cái nhà, đứa đòi cái xe, đứa không muốn đóng góp làm đám tang.  Tôi nghĩ gì về sự tham lam, sự phụ bạc trong cuộc sống của tôi, gia đình tôi, cộng đoàn xứ đạo tôi hôm nay?  Quả là bài đọc này không chỉ nói đến Gia-cô-bê và Gioan, mà Chúa đang nói với tôi hôm nay.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Tôi tâm sự, tôi hỏi ý Chúa tôi nên làm gì trong hoàn cảnh mà tôi đang đối diện hôm nay.
2.      Hôm nay Chúa Giêsu đưa ra một chuẩn mực về lãnh đạo theo Kitô giáo.  Một người lãnh đạo theo Kitô giáo là người trở nên đầy tớ của mọi người.  Điều này mới khó làm sao.  Bởi một khi đã có một tí chức vụ, một ít danh dự mà phải cúi mình, sao khó quá.  Điều này xảy ra nhan nhảm trong mọi thành phần dân Chúa và xã hội, từ linh mục, tu sĩ đến giáo dân.  Khi ấy sao mà có quá nhiều tiếng nói xúi bẩy, nâng đỡ để có thể dễ dàng từ một người khiêm tốn, dễ thương trở thành một kẻ hống hách, trịch thượng, đè đầu đè cổ người khác.  Ôi lời Chúa sao mà khó thực hiện quá.  Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức ơn gọi của con là phục vụ và phục vụ trong yêu thương giống như Chúa, chứ không phải là làm cha thiên hạ.
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Monday, February 26, 2018

Thứ Ba Tuần II Mùa Chay – Năm B - II – 27-2-2018

Thu Ba II MC

Mát-thêu 23:1-12

1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:2 "Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".8 "Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Những lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay có thể là một thách đố cho tôi là linh mục, tu sĩ nam nữ, là phụ huynh, là thầy cô giáo, là người lãnh đạo cộng đoàn… bởi nhiều khi cũng như các Kinh sư và Pha-ri-sêu, tôi nói, tôi dạy người khác nhưng tôi lại không làm những điều tôi dạy.  Tôi áp đặt lên người khác những luật lệ, những đòi hỏi, những lời chỉ trích mà chính tôi cũng không mang nổi.  Giờ cầu nguyện này có thể là lúc tôi khiêm tốn nhìn lại bản thân: Đâu là những lần tôi nói mà không hành?  Đâu là những gánh nặng mà tôi đang áp đặt lên người khác đến nỗi họ không vác nổi, trong khi đó tôi chưa hề thử vác những thứ đó?  Tôi xin Chúa cho tôi biết khiêm nhường, biết sống thật và biết độ lượng với mọi người.
2.      Lời Chúa Giêsu hôm nay chắc hẳn không phải cấm đoán tôi không được gọi ba của tôi là “cha,” cũng không phải không được gọi linh mục là “cha.”  Điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây chính là đừng lạm quyền, đừng có thái độ hống hách kiểu cha chú với mọi người.  Bởi ai cũng bất toàn và ai cũng là anh chị em của tôi.  Tôi sẽ dễ thể hiện thái độ cha chú với người khác và với Chúa một khi tôi có một chút quyền hành trong tay, một chút tiền đủng đỉnh trong nhà băng, một chút danh vọng, một chút học thức, một chút thông minh…Tôi muốn cầu nguyện cho chính tôi biết từ bỏ những thái độ hống hách, miệt thị người khác.  Lạy Chúa xin cho con biết khiêm nhường và luôn biết nương tựa vào Chúa.  
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, February 25, 2018

Thứ Hai Tuần II Mùa Chay – Năm B - II – 26-2-2018

Thu Hai II MC

Luca 6:36-38

36 "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Có thể tôi có đã có suy nghĩ, “Chúa mà cũng nhỏ mọn, chấp chiếm với tôi về sự tha thứ vậy sao: Hễ tôi có tha thứ cho người khác thì Chúa mới tha thứ cho tôi?”  Lời Chúa hôm nay có lẽ không phải nói Chúa nhỏ mọn, cho bằng—sẽ thật trớ trêu khi tôi chỉ muốn Chúa tha thứ và đối xử độ lượng với tôi, trong khi đó tôi chẳng biết sống độ lượng với người khác.  Nếu tôi có thái độ như vậy, tôi quả là người giả hình.  Dẫu tha thứ là một điều rất khó, tôi muốn xin Chúa giúp tôi như thế nào để tôi có thể tha thứ cho người khác?  Tôi tâm sự với Chúa về khó khăn này được không và xem Ngài nói gì với tôi?
2.      Chúa Giêsu nói: Ngài sẽ đong lại cho tôi bằng cái đấu đã dằn, đã lắc và đầy tràn cho những gì tôi làm cho người khác.  Điều này có nghĩa là, Chúa sẽ không bao giờ để tôi thiệt thòi; Ngài sẽ cho lại tôi ngoài sức tưởng tượng của tôi, hơn nhiều so với những gì tôi đã tha thứ cho người khác.  Tôi tin ở lời của Ngài không?  Tôi dám làm những gì Ngài đang mời gọi tôi làm cho anh chị em xung quanh tôi không?  Tôi xin Chúa cho tôi can đảm và vững tin ở Chúa, nếu tôi còn nghi ngờ và lưỡng lự.  Trong giờ cầu nguyện này cũng có thể là lúc tôi banh vạt áo để cho Chúa đổ vào.  Nhớ hãy kiếm vạt áo cho rộng, kẻo không lớn đủ cho những ân sủng Ngài sẽ đong lại cho tôi.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, February 24, 2018

Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay – Năm B - II – 25-2-2018

Chua Nhat II MC

Mác-cô 9:2-8

2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Hôm nay, Giáo hội cho tôi đọc lại biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi với ba môn đệ.  Có thể đã có lần tôi thầm nghĩ: “Ba môn đệ này thật may mắn vì đã được Chúa tỏ mình một cách đặc biệt.”  Nghĩ như vậy là không đúng.  Chúa vẫn biến hình với tôi mỗi ngày.  Giờ cầu nguyện này có thể là lúc tôi nhìn lại đời sống của tôi, xin Chúa giúp tôi nhận ra đâu là những lúc Chúa đã biến hình với tôi?  Tôi nhận ra không?  Có thể Chúa đã biến hình qua một nghĩa cử của một ai đó trong đời sống, khiến tôi sửng sốt về họ?  Người đó có thể là mẹ, bố, anh chị em, con cái, hàng xóm, đồng nghiệp của tôi?  Tôi cũng nhớ lại có bao giờ tôi đã biến hình trước người khác chưa?
2.     Biến cố biến hình trong bài đọc hôm nay xảy ra cũng gần vào lúc Chúa Giêsu bước vào cuộc tử nạn.  Ở biến cố này Chúa Giêsu đã nghe được tiếng nói của Chúa Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu.”  Có lẽ lời này đã giúp Chúa Giêsu mạnh mẽ bước vào cuộc tử nạn, cảm thấy mình được Chúa Cha yêu thương.  Trong giờ cầu nguyện này tôi cũng muốn xin Chúa cho tôi được nghe Chúa nói lời yêu thương với tôi, để tôi có thể can đảm tiếp tục bước đi trong cuộc sống, dẫu có nhiều khó khăn thử thách.  Tôi nói cho Chúa nghe lòng ao ước này.      
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, February 23, 2018

Thứ Bảy Tuần I Mùa Chay – Năm B - II – 24-2-2018

Thu Bay I MC

Mát-thêu 5:43-48

43 "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Lời Chúa Giêsu hôm nay, một lần nữa, cho tôi thấy đời sống cầu nguyện, đời sống đức tin Kitô hữu của tôi là càng ngày càng phải giống Chúa hơn, suy nghĩ giống Chúa hơn, yêu thương giống Chúa hơn.  Thiên Chúa yêu thương cả người lành kẻ dữ và cho mưa xuống trên cả người công chính cũng như kẻ bất lương.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn xin Chúa huấn luyện tôi, cho tôi càng ngày càng biết bao dung hơn, một trái tim dám tha thứ và dám yêu thương hơn, không chỉ ở khác biệt mà còn ở những mối hận thù nữa.
2.      Lời Chúa Giêsu hôm nay khiến tôi phải suy nghĩ lại về thái độ và cách nghĩ của tôi: "Đạo nào cũng là đạo."  Dĩ nhiên đạo nào cũng dạy tôi phải ăn ngay ở lành, đạo nào cũng dạy tôi làm người trước khi làm thánh, cho nên đạo nào cũng là đạo, điều này đúng và tôi không nên dèm pha và miệt thị các đạo khác.  Nhưng lời Chúa Giêsu hôm nay đòi hỏi tôi phải đi xa hơn những gì các kinh sư và Pha-ri-sêu dạy, hơn cả những gì luật buộc, hơn cả những gì các đạo khác dạy, phải yêu thương và cầu nguyện cho cả kẻ thù, cả những người làm hại, cả những ai vu oan cáo vạ cho tôi.  Tôi muốn giữ mãi những lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay trong tim, và tôi muốn nương tựa vào Chúa, xin Ngài ban sức mạnh giúp tôi dám đưa những gì Chúa dạy từ trong tim đến đôi tay, dám yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, suốt cả cuộc đời của tôi.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, February 22, 2018

Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay – Năm B - II – 23-2-2018

Thu Sau I MC

Mát-thêu 5:20-26

20 "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.21 "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Chúa Giêsu trong Phúc âm Mát-thêu hôm nay đòi hỏi tôi phải công chính hơn những kinh sư và Pha-ri-sêu thì mới được vào Nước trời.  Những kinh sư và Pha-ri-sêu là những bậc thầy trong dân lúc bấy giờ, ấy vậy mà Chúa Giêsu đòi hỏi tôi phải công chính hơn họ.  Dầu là bậc thầy trong dân, họ là những người giữ luật rất khắt khe, biến lề luật trở thành ngẫu tượng và tôn sùng nó.  Giờ phút này tôi muốn nhìn lại cách sống đạo của tôi xem có tình thương trong đó không?  Nhiều khi có thể vì lề luật, tôi quên mất Chúa và đánh mất anh chị em xung quanh.  Tôi xin Chúa cho tôi biết mở lòng, và xin Ngài hàn gắn những vết thương do tôi đã gây ra với tha nhân, chỉ vì cách sống đạo nghiêm khắc của tôi.
2.      Chúa Giêsu cũng nói đến, theo lẽ thường: ai giết người, người ấy đáng bị đưa ra tòa, nhưng Ngài nói cả những người giận hờn, mắng nhiếc nhau cũng đáng bị đưa ra tòa.  Có phải Chúa Giêsu quá khắt khe không?  Không.  Ngài muốn nói đến cái gốc rễ của tội, phải được chặn đứng, và chữa trị từ gốc.  Bởi có giận hờn mới dẫn đến chửi bới, và rồi chém giết lẫn nhau.  Giờ cầu nguyện này, tôi xin Chúa giúp tôi nhìn ra những mầm mống của tội.  Những gì đang có nguy cơ đẩy tôi vào những tội ác nghiêm trọng hơn?  Xin Chúa giúp tôi được giải hòa và chữa lành từ những yếu đuối nhỏ bé, để tâm hồn tôi thực sự bình an, tức được ở trong Nước Trời.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, February 21, 2018

Thứ Năm Tuần I Mùa Chay – Năm B - II – 22-2-2018

Thu Nam I MC

Mát-thêu 7:7-12

7 "Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.8 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.9 Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá?10 Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?11 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Hôm nay Giáo hội lại cho tôi nghe lời Chúa Giêsu dạy về cầu nguyện, một trong ba cách thực hành trong Mùa Chay, nhưng ở góc độ khác.  Chúa Giêsu dạy tôi hai điều về cầu nguyện: thứ nhất, nếu tôi cần gì hãy nói lên, hãy gõ, hãy tìm, hãy xin, đừng im lặng, mặc dù Chúa biết tôi cần gì.  Điều này rất quan trọng trong cầu nguyện.  Thánh Inhaxio, vị sáng lập của Dòng Tên, đã từng đề nghị những người làm linh thao, trước khi bước vào giờ cầu nguyện phải biết mình muốn gì, hãy nói lên với Chúa điều ấy.  Tôi thật sự đang muốn gì trong giờ cầu nguyện này?  Tôi muốn nói cho Chúa nghe và để ý Chúa phản ứng thế nào về điều tôi muốn xin?   
2.     Thứ hai Chúa Giêsu dạy phải kiên trì trong cầu nguyện.  Điều này không có nghĩa là Chúa thường làm ngơ những gì tôi xin, cũng chẳng phải Chúa rất khó khăn trước những gì tôi xin cho bằng, Chúa muốn tôi thật sự thấu tỏ điều tôi xin, thấu tỏ những gì tôi muốn cũng là Chúa muốn.  Cầu nguyện là càng lúc tôi càng trở nên suy nghĩ giống Chúa, ước mơ giống Chúa, trở nên “ý Cha thể hiện dưới đất (trong lòng và trong cách nghĩ của tôi) cũng như trên trời,” chứ không phải là ý con thể hiện dưới đất cũng như trên trời.  Có điều gì tôi cần xin trong lúc này không?  Tôi có thể bắt đầu ngay bây giờ và để ý xem ý tôi đang muốn có giống ý Chúa đang muốn cho tôi không?  Chúa nhìn điều tôi đang xin như thế nào?  Tôi nói chuyện với Ngài.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, February 20, 2018

Thứ Tư Tuần I Mùa Chay – Năm B - II – 21-2-2018

Thu Tu I MC

Giô-na 3:1-10

1 Có lời ĐỨC CHÚA phán với ông Giô-na lần thứ hai rằng:2 "Hãy đứng dậy, đi đến Ni-ni-vê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi."3 Ông Giô-na đứng dậy và đi Ni-ni-vê, như lời ĐỨC CHÚA phán. Ni-ni-vê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường.4 Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: "Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ."5 Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ.6 Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro.7 Vua cho rao tại Ni-ni-vê: "Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước.8 Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình.9 Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết."10 Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.
(Trích Sách Isaia bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Sách Giô-na là một quyển sách rất nổi tiếng trong Bộ Cựu Ước.  Nổi tiếng có lẽ ở ngay nhân vật chính của câu chuyện, Giô-na, làm người đọc nhớ hoài về ông ta là một tiên tri, đã ở trong bụng cá ba đêm ngày, sau đó được cá nhả trên bờ và rồi ông đi rao giảng lời Chúa cho dân Ni-ni-vê.  Dĩ nhiên câu chuyện này không có thật, nhưng là một ngụ ngôn.  Toàn bộ câu chuyện chỉ muốn nói đến đầu óc hẹp hòi của dân Chúa, chỉ muốn xét đoán và trừng phạt người khác, nhưng Thiên Chúa thì bao dung luôn tha thứ, Thiên Chúa luôn là hy vọng và là một cơ hội cho mọi tội nhân.  Tôi là ai?  Một tội nhân ư?  Tôi có thể đến với Chúa ngay trong lúc này.  Tôi đang muốn lên án và bất khoan dung với ai ư?  Hãy đọc lại câu chuyện Giô-na để học ở Chúa lòng bao dung.  Tôi đang có thành kiến, óc xét đoán với ai ư?  Hãy nhớ rằng Thiên Chúa không bao giờ đứng về phía tôi ở những suy nghĩ xét đoán, thành kiến đâu.
2.      Dẫu dân Ni-ni-vê là một dân tội lỗi, nhưng khi nghe lời tiên tri rao giảng, họ có những hành động hoán cải ngay lập tức, trở về với Chúa bằng những việc làm cụ thể.  Tôi có hành động cụ thể nào biểu lộ sự trở về, sự hoán cải của tôi ngay từ ngày hôm nay?  Tất nhiên không chỉ xếp hàng đi xưng tội mà thôi, nhưng còn bằng những việc làm cụ thể ngoài tòa hòa giải nữa.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, February 19, 2018

Thứ Ba Tuần I Mùa Chay – Năm B - II – 20-2-2018

Thu Ba I MC

Mát-thêu 6:7-15

7 "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.9 "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: "Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,10 triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;12 xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con;13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.14 "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tôi muốn học ở lời dạy của Chúa Giêsu, kể từ hôm nay tôi sẽ không lải nhải trong cầu nguyện nữa, tôi sẽ không phải đọc hết kinh này đến kinh khác nữa, nhưng ngay trong giây phút của giờ cầu nguyện ngày, tôi chỉ muốn ở với Chúa, Đấng đang ngắm nhìn tôi.  Tôi muốn gọi  Chúa bằng tiếng rất thân thương mà Chúa Giêsu dạy tôi hôm nay: “Bố/Mẹ ơi!” và tôi ngắm nhìn Ngài, để ở với Ngài, để Ngài ôm tôi vào lòng và để tôi cảm nghiệm tình thương của Ngài đang dành cho tôi.  Tôi muốn ở lại với Ngài trong thinh lặng cả giờ cầu nguyện này.  Ở với Ngài, được Ngài yêu thương thế là đủ và không cần phải xin xỏ điều gì nữa, Ngài biết tôi cần gì và sẽ tự động cho tôi.  Điều quan trọng tôi phó thác, tôi mở lòng và tôi tin tưởng ở Ngài.
2.      Điểm thứ hai trong lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay đó là: tha thứ.  Đây là điều mà chỉ tôi mới có thể làm được, còn Chúa thì bó tay.  Nếu tôi không tha thứ cho người khác, tôi sẽ mãi sống trong mất bình an và thù hận, và Chúa chẳng có cách nào có thể giúp tôi bình an được.  Nói các khác Thiên Chúa không thể làm cho tôi, điều mà tôi có thể tự làm cho chính tôi.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn nhìn lại đời sống của tôi: Có một ai mà tôi không thể tha thứ trong lúc này chăng?  Một mối bất hòa nào trong tôi mà Chúa rất quan tâm và muốn tôi được hòa giải và bình an chăng?  Trước hết tôi xin Chúa cho tôi sức mạnh để dám tha thứ, sau nữa tôi xin Chúa sự khôn ngoan phân biệt trường hợp nào có thể tha thứ nhưng không thể hòa giải được và trường hợp nào có thể tha thứ và hòa giải được.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, February 18, 2018

Thứ Hai Tuần I Mùa Chay – Năm B - II – 19-2-2018

Thu Hai Tuan I MC

Mát-thêu 25:31-46

31 "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống;38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc?39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?"40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống;43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng."44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?"45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy."46Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời."
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Ở ngay những ngày đầu của Mùa Chay, vậy mà Giáo hội lại cho tôi đọc lại cuộc phát xét cuối cùng của Chúa, nhưng lại không cho tôi nghe lại việc chay tịnh.  Như vậy Giáo hội muốn nhấn mạnh rằng, cuối đời chắc chắn Chúa sẽ không quan tâm tôi đã ăn mấy bữa no, mấy bữa đói, phạm bao nhiêu luật chay trong Mùa Chay, cho bằng Ngài sẽ nhớ rõ tôi đã làm gì cho những anh chị em kém may mắn xung quanh tôi.  Họ đang tù đầy, tôi thăm không?  Họ đang đói ăn, tôi cho họ ăn không?  Họ đang trần truồng, tôi cho họ mặc không? Họ đang đau yếu, tôi làm gì cho họ đây?  Một khi tôi làm cho họ, Chúa sẽ nhớ mãi việc làm của tôi đến suốt đời, và Ngài kể đó là việc tôi đã làm cho chính Chúa.  Giờ cầu nguyện này là lúc tôi muốn nghe thật rõ lời mời gọi này của Chúa đối với tôi.  Tôi muốn nghe cho thật rõ, và mở lòng cho những thúc đẩy của Chúa.    
2.      Giờ cầu nguyện này tôi cũng muốn quan sát cho tường ai là những người đang đau khổ, túng thiếu, tù đầy quanh tôi.  Tôi có thể làm gì được cho họ, bằng tất cả khả năng của tôi.  Trước hết, tôi có một danh sách tên của những người đau khổ để tôi có thể cầu nguyện cho họ không?  Sau khi cầu nguyện, tôi sẽ làm gì một cách cụ thể cho họ?  Tôi có thể xin Chúa giúp tôi có một số ý tưởng phục vụ. 
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Saturday, February 17, 2018

Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm B - II – 18-2-2018

Chua Nhat I MC

Mác-cô 1:12-15

12 Thần Khí liền đẩy Người [Giêsu] vào hoang địa.13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."
(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Ở ngay Chúa nhật I Mùa Chay, tôi lại được chiêm ngắm một mẫu gương của cầu nguyện và chay tịnh, Chúa Giêsu.  Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa.  Chữ hoang địa của Thánh Kinh thường ám chỉ đến một nơi thanh vắng, không ồn ào, không bận rộn, để rồi tôi có thể ở đó một mình với Chúa mà thôi.  Nhưng điều này không có nghĩa là thần dữ không xuất hiện.  Chúng có mặt ở mọi nơi và luôn tìm cách giựt tôi khỏi Chúa.  Giờ cầu nguyện mỗi ngày của tôi có thể gọi là những khoảnh khắc sa mạc.  Như Chúa Giêsu, tôi xin cho được Thánh Thần thúc đẩy tôi bước vào giờ cầu nguyện này.  Tôi muốn ở bên Chúa, được tiếp sức bởi Chúa.  Tôi có thể chia sẻ với Chúa về những sự dữ đang xảy ra trong tôi và nghe Ngài nói gì với tôi.  Tôi muốn xin một sự hướng dẫn của Ngài.
2.      “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!”  Đã gọi là Tin Mừng thì sao lại phải sám hối?  Đúng ra cách dịch rõ hơn và sát nghĩa hơn đó là, hãy thay đổi não trạng để có thể đón nhận Tin Mừng.  Tin Mừng này không giống tin vui hằng ngày mà tôi vẫn nghe, Tin Mừng này là một tin rất lớn có thể làm cho tôi hạnh phúc, vui sướng mãi mãi.  Tin Mừng này không chỉ cho hôm nay mà còn là cho sự sống đời đời của tôi.  Vì thế nếu chỉ mang một não trạng hẹp hòi, bình thường sẽ không bao giờ hiểu được, không bao giờ lĩnh hội được, không bao giờ có thể đón nhận được hết những gì mà Tin Mừng đang mang đến.  Tin Mừng đó chính là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đang ở bên và ở trong tôi.  Tôi thấy không?  Tôi nhận ra không?  Tôi xin Chúa cho tôi một não trạng mới, và sự mở lòng để đón nhận Tin Mừng này.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, February 16, 2018

Chúc Mừng Năm Mới Mậu Tuất 2018

Thiep Xuan Hanh Pham 2018

Thứ Bảy Sau Thứ Tư Lễ Tro – Năm B - II – 17-2-2018

Thu Bay Sau Thu Tu Le Tro

Isaia 58:9b-12

Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người,10 nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.11 ĐỨC CHÚA sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ.12 Nhờ ngươi, người ta sẽ tái thiết những tàn tích cổ xưa, ngươi sẽ dựng lại những nền móng của các thế hệ trước, người ta sẽ gọi ngươi là người sửa lại những lỗ hổng, là kẻ tu bổ phố phường cho người ta cư ngụ.
(Trích Sách Isaia bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.   Bài đọc ngày hôm nay nói đến một việc làm cụ thể trong Mùa Chay, làm việc bác ái.  Nhiều người Công giáo vẫn thường nghĩ Mùa Chay đến rồi, véo vài đồng bạc và thẩy cho cái đám ăn mày thế là xong bổn phận của một người Kitô hữu!  Thật buồn, cách này chẳng “bác ái” tí nào, “bố thí” thì đúng hơn!  Bác ái là nỗ lực xóa bỏ bất công trong xã hội; bác ái là đứng về phía của những người bị áp bức; bác ái là xây lại tình người, chỉ những bác ái kiểu này tôi mới có thể xứng danh là một Kitô hữu.  Tôi muốn sống Mùa Chay này như thế nào?  Tôi đọc lại những hướng dẫn của Isaia và hoạch định một việc làm bác ái cụ thể cho Mùa Chay này.  Tôi có thể bắt đầu từ trong gia đình như, thay đổi cách ăn nói và ứng xử với nhau trong gia đình, thay đổi cách nghĩ, một cách tích cực và đầy nhân bản, về những người nghèo, di dân, tị nạn, ngoại kiều, người cao tuổi, nữ giới, đồng tính, cũng như trẻ thơ.  Sau nữa tôi có thể đóng góp tiền bạc, thời gian và tài năng cho những chương trình từ thiện như viện tế bần, viện mồ côi, viện dưỡng lão, viện thanh thiếu niên phạm pháp, viện bảo vệ môi trường, viện giúp những người hoàn lương… 
2.      Mùa Chay là một cơ hội của sửa đổi, của phục hồi, nói chung là mùa của hy vọng và chữa lành.  Hy vọng cho những gì đã già nua và đổ vỡ.  Tôi có thể là một hy vọng cho người khác được chăng?  Tôi có thể đem hy vọng cho người khác được chăng?  Tôi có thể là người giải hòa, đem bình an cho gia đình tôi và những nhóm bạn của tôi được chăng?  Tôi có thể kết thúc giờ cầu nguyện này bằng lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phan-xi-cô: Lạy Chúa từ nhân! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thưong vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, February 15, 2018

Thứ Sáu Sau Thứ Tư Lễ Tro – Năm B - II – 16-2-2018

Thu Sau sau Thu Tu Le Tro

Mát-thêu 9:14-15

14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?"15 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Lối sống đạo kiểu so sánh này có thể rất thường thấy nơi nhiều người Công giáo, trong đó có thể cũng có cả tôi nữa.  Lối sống đạo so sánh này nói lên một lối sống đức tin nặng hình thức bề ngoài.  Nếu tôi thật sự sống đạo bằng cả một ý thức tâm linh, tôi sẽ không còn so sánh như, “Tại sao tôi ăn chay còn người khác thì không?”, “Tại sao tôi phải đi lễ còn người đạo khác thì không?”, “Tại sao tôi không được ly dị còn người đạo khác thì được?”  Trong giờ cầu nguyện này, trong Mùa Chay này, tôi muốn đến với Chúa bằng tương quan riêng tư với Ngài.  Tôi không đến với Chúa vì phải, hay bắt buộc, hoặc sợ tội, nhưng vì lòng mến, muốn ở bên Chúa trong những giây phút quý báu này.
2.      Chúa Giêsu trả lời bằng việc giúp các môn đệ ý thức đến những gì mình làm.  Chắc chắn không thể vừa ăn tiệc cưới vừa ăn chay được.  Những việc làm đạo đức phải thật sự đi với hoàn cảnh, đi với thời điểm thích hợp nhất của nó.  Dù tôi muốn ăn chay, muốn hãm mình hay không, điều quan trọng là bàn chuyện này với Chúa xem sao, nếu Ngài muốn tôi sẽ ăn chay, sẽ hãm mình theo ý Chúa, chứ không phải theo ý của tôi, cùng với ơn Chúa chứ không phải nỗ lực của bản thân.  Tôi muốn ăn chay không?  Tôi muốn ăn chay hãm mình kiểu nào?  Bây giờ là lúc tôi bàn chuyện này với Chúa.  Cuối cùng việc ăn chay của tôi làm sao dẫn tôi đến gần Chúa hơn, chứ không phải là chyện giảm cân, cũng không phải để mọi người khen.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, February 14, 2018

Thứ Năm Sau Thứ Tư Lễ Tro – Năm B - II – 15-2-2018

Thu Nam Sau Thu Tu Le Tro

Đệ Nhị Luật 30:15-20

15 Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ.16 Hôm nay tôi truyền cho anh (em) phải yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh (em) được sống, được thêm đông đúc, và ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), chúc phúc cho anh (em) trong miền đất anh (em) sắp vào chiếm hữu.17 Nhưng nếu anh (em) trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng,18 thì hôm nay tôi báo cho anh (em) biết: chắc chắn anh (em) sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh (em) sắp sang qua sông Gio-đan để vào chiếm hữu.19 Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em): tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống,20 nghĩa là hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất ĐỨC CHÚA đã thề với cha ông anh (em), là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài."
(Trích Sách Đệ Nhị Luật bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Có hai sự thật về niềm tin của tôi mà Lời Chúa hôm nay muốn nói tới: Thứ nhất, đức tin là một quà tặng, và quà tặng chỉ có giá trị khi tôi thực sự được tự do lựa chọn và đón nhận nó.  Không ai có thể ép buộc người khác tin, cả Chúa cũng không làm như vậy.  Một khi tôi có lựa chọn, khi ấy tôi mới có trách nhiệm; một khi tôi có trách nhiệm về những gì tôi chọn, khi ấy tôi mới thấy đức tin có ảnh hưởng đến đời sống của tôi như thế nào và mới thấy đức tin lớn dần mỗi ngày.  Có thể nói những ngày thơ bé tôi được rửa tội, tôi được học các lớp giáo lý là những cơ hội cha mẹ tôi muốn giới thiệu tôi về đức tin, nhưng một khi tôi trưởng thành tôi phải tự chọn lấy đức tin của tôi, không thể vịn cớ vì bố mẹ tôi rửa tội cho tôi nên tôi là người Công giáo, rồi sống chẳng có một trách nhiệm gì với đức tin của tôi.  Giờ cầu nguyện mỗi ngày và ngay giây phút này đây, tôi muốn đọc lại những lời trên của Sách Đệ Nhị Luật và làm một chọn lựa cho đời sống đức tin của tôi. 
2.    Thứ hai, Thiên Chúa luôn là nguồn của sự sống, tình yêu, hạnh phúc và mọi điều thiện hảo.  Thiên Chúa không phải là nguồn gốc của sự ác, sự chia rẽ, tai ương và chết chóc.  Tôi muốn chọn bên nào?  Đức tin là một sự chọn lựa liên tục, mỗi ngày trong cuộc sống.  Đức tin không phải là chọn một lần là xong.  Trong giây phút này và ngày hôm nay tôi muốn chọn lại đức tin mà cha mẹ đã giới thiệu cho tôi khi còn bé, người khác đã chỉ bảo cho tôi?  Có thể tôi muốn chọn Chúa, nhưng có những ngăn trở, có những khó khăn để chọn Chúa chăng?  Tôi nói chuyện với Ngài về những khó khăn này.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, February 13, 2018

Thứ Tư Lễ Tro – Năm B - II – 14-2-2018

Mát-thêu 6:1-6, 16-18

1"Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.5 "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.6Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh…16 "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Bài Phúc âm hôm nay nói đến ba việc làm thông thường của Mùa Chay mà người Công giáo nào cũng thường làm đó là: CẦU NGUYỆN, ĂN CHAY, và LÀM VIỆC BÁC ÁI.  Nhưng tại sao phải làm những việc này hôm nay và làm những điều này có ích lợi gì?  Trước hết phải nói ngay rằng, chẳng cứ Mùa Chay tôi mới phải làm ba điều này, mà tôi cần làm suốt cả cuộc đời.  Bởi chung quy ba điều này đều nói đến một sự hoán cải toàn diện, từ tương quan giữa tôi với Chúa (cầu nguyện), giữa tôi với tha nhân (làm việc bác ái), và giữa tôi với chính bản thân (ăn chay).  Nhìn cả ba khía cạnh này, ai mà lại không có thiếu sót, và ai không cần hoán cải?  Tôi muốn bắt đầu từ việc làm giữa tôi với Chúa ngay trong giờ cầu nguyện này.  Tôi muốn có một lịch trình cầu nguyện Mùa Chay của tôi như thế nào?  Tôi bàn chuyện này với Chúa, để ngay hôm nay, Chúa và tôi cùng đi với nhau những bước đi mới, hiểu nhau nhiều hơn, và thương nhau nhiều hơn, từ đó tôi sẽ biết phải ăn chay thế nào và làm việc bác ái ra sao. 
2.      Cả ba việc làm trên, Chúa Giêsu đều cảnh báo một điều, đừng làm “như bọn đạo đức giả,” nhưng hãy làm những việc này trong âm thầm và khiêm nhường.  Tôi sẽ chỉ có thể gặp được Chúa khi tôi khiêm nhường, thủ thỉ với Chúa, Đấng đang ở tận nơi sâu kín nhất của lòng tôi.  Tôi chỉ có thể làm việc bác ái có hiệu quả nhất khi tôi làm bằng cả sự khiêm nhường.  Tôi chỉ có thể gặp được chính mình và có một sự biến đổi tận căn, khi tôi khiêm nhường để thấy rằng tôi bất toàn, tôi yếu đuối.  Tôi muốn làm một cuộc cách mạng đức tin cho chính tôi, ngay hôm nay.
Phạm Đức Hạnh, SJ