Monday, February 28, 2022

Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên – Năm C –1-3-2022

Thu Ba VIII TN

Mác-cô 10:28-31

28Khi ấy, ông Phê-rô lên tiếng thưa với Đức Giê-su rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” 29 Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30 mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. 31 Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nối tiếp câu chuyện của bài đọc hôm qua khi Chúa Giêsu nói, người giầu có vào nước Thiên Chúa còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim.  Câu chuyện ấy đã làm cho Phê-rô bối rối, như tôi thấy trong câu chuyện của bài đọc hôm nay, khi ông thốt lên cùng Chúa Giêsu, “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”, như thể để trấn an mình và để nhắc nhở Chúa, nhớ mà trả công cho mình!  Có chắc là Phê-rô đã bỏ hết mọi sự?  Ít ra là tới lúc này, ông đã bỏ sự nghiệp đánh cá, bỏ nhà cửa mà đi lang thang với Chúa Giêsu, nhưng ông đã không bỏ hết tất cả.  Ông vẫn mang theo cái tôi, vẫn mang theo những tính toán đổi chác kiểu thế trần.  Phải đến cuối đời khi ông giang tay ra cho người ta bắt dắt ông đi đến nơi mà ông không muốn đến, khi ấy ông mới bỏ mọi sự.  Hỏi Phê-rô và cũng là hỏi tôi: Tôi đã thật sự dám bỏ tất cả mọi sự để đi theo Chúa Giêsu chưa?  Cho dù đi tu hay lập gia đình, cho dù đã là Kitô cả trăm tuổi, nhưng chưa có mấy ai đã dám từ bỏ tất cả để đi theo Chúa Giêsu!  Nếu thật sự dám, thì dù tôi có to như voi, tôi vẫn có thể chui qua lỗ kim được; nếu chưa dám, thì dù tôi có nhỏ bé như sợi chỉ, chưa chắc tôi có thể chui lọt lỗ kim!  Tôi muốn ngồi đây bàn chuyện với Chúa, thưa với Ngài những thắc mắc đang có trong tôi, như Phê-rô đã thưa với Ngài.    

2.   Chúa Giêsu đã trả lời Phê-rô, “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”  Tôi tin ở những lời này của Chúa Giêsu không?  Các môn đệ đã theo Chúa Giêsu đến cuối đời.  Kết quả là, ai cũng hai bàn tay trắng, chẳng sở hữu gì ở trần thế này, thậm chí bị những người đồng đạo xua đuổi, nghi ngờ, phản bội, bỏ tù và cuối cùng tất cả đều bị giết y như những gì người ta đã làm cho Chúa Giêsu.  Vậy câu nói của Chúa Giêsu thật sự có ý nghĩa gì?  Những lời này có là một thách đố cho đời sống đức tin của tôi không?  Tôi suy ngẫm, tôi cầu nguyện, tôi bàn chuyện với Chúa Giêsu trong lúc này

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, February 27, 2022

Thứ Hai Tuần VIII Thường Niên – Năm C –28-2-2022

Thu Hai VIII TN

Mác-cô 10:17-27

17Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18 Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành?  Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21 Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến.  Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.  Rồi hãy đến theo tôi.” 22 Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

23Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” 24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ.  Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” 27 Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chỉ còn hai ngày nữa cả Giáo hội sẽ bước vào Mùa Chay Thánh, mời gọi mọi người bước vào những ngày tháng chay tịnh, buông bỏ và cầu nguyện.  Bài đọc hôm nay như một chuẩn bị cho những ngày chay tịnh này.  Bài đọc kể, một anh thanh niên giữ đủ các điều răn đến hỏi Chúa Giêsu con đường để đạt đến sự sống đời đời.  Anh ta là một người đạo đức và lại là một người giầu có, nhưng vẫn cảm thấy những gì anh ta thực hành và sở hữu chẳng đưa anh ta đến sự sống đời đời.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi cũng muốn nhìn vào con người của tôi.  Anh thanh niên này giữ đủ các điều răn, có lẽ đạo đức hơn tôi đến mức, Chúa Giêsu cũng có thiện cảm với anh ta, vậy còn tôi?  Tôi giữ được những giới răn nào và liệu những gì tôi đã và đang thực hành có giúp tôi đạt đến sự sống đời đời không?  Tất cả những gì tôi đang sở hữu, có giúp tôi đạt đến sự sống đời đời không?  Tôi muốn bắt chước anh thanh niên giầu có này, tìm câu trả lời ở Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện này.  Lạy Chúa, xin cho con lòng khát khao tìm kiếm những gì dẫn con đến gần Chúa và sự sống đích thực. 

2.      Anh thanh niên giầu có và đạo đức này đã hỏi đúng người, đó là Chúa Giêsu.  Ngài cũng đã cho anh ta câu trả lời: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời.  Rồi hãy đến theo tôi.”  Câu trả lời của Chúa Giêsu có thể cho tôi thấy nhiều góc cạnh của đường đến sự sống đời đời.  Thứ nhất, con đường ấy bắt đầu từ đây trong hiện tại của trần thế này.  Khi tôi làm cho xã hội quanh tôi đẹp hơn mỗi ngày là tôi đã bắt đầu đặt chân trên con đường vĩnh cửu rồi.  Cái thiếu của người thanh niên đạo đức này đó là, giữ đạo chứ chưa sống đạo.  Anh giữ luật rất tốt, nhưng đó chỉ cho riêng anh, theo kiểu: đạo tại tâm; chứ cái giữ đạo tốt ấy chưa biến đổi, chưa cải tạo môi trường sống chung quanh.  Lối giữ đạo này còn ích kỷ lắm!  Thứ hai, con đường của sự sống đời đời không thể là con đường độc hành.  Một người nào đó đã nói: “Không ai có thể vào thiên đàng, nếu không có giấy giới thiệu của những người nghèo.”  Đúng vậy!  Nếu tôi muốn vào hỏa ngục, tôi có có thể đi một mình, bất cần ai; nhưng, tôi không thể vào thiên đàng, nếu không có sự giúp đỡ của những người khác.  Thứ ba, điều kiện để có sự sống đời đời đó là, phải buông bỏ tất cả.  Buông bỏ thật sự, không phải là tôi không sở hữu gì, mà là không để bất cứ cái gì sở hữu tôi.  Buông bỏ để được tự do, cái tự do của con lạc đà chui qua lỗ kim, cái tự do của Chúa Giêsu đi trên mặt nước.  Anh thanh niên đã được Chúa Giêsu cho câu trả lời, nhưng lại buồn rầu bỏ đi; anh ta không chấp nhận câu trả lời ấy.  Tôi dám chấp nhận câu trả lời của Chúa Giêsu không, hay cũng bỏ đi?  Cái gì khiến tôi không thể chấp nhận lời mời của Chúa Giêsu?  Cái gì đang giam hãm tôi khiến tôi không tự do thật sự?  Cái gì đang ru ngủ tôi để, đành mất sự sống đời đời, chứ không thể mất nó?  Tôi có cảm thấy buông bỏ khó lắm đối với tôi không?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu, vì Ngài nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”  Tôi có thể xin Ngài giúp chăng?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, February 26, 2022

Chúa Nhật Tuần VIII Thường Niên – Năm C –27-2-2022

CN VIII TN

Huấn Ca 27:4-7

4Sàng rồi, trấu ở lại sàng,
nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay.
5Có thử lửa mới biết bình thợ gốm,
nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay.
6Xem quả thì biết vườn cây,
nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.

(Trích Sách Huấn Ca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay được trích từ Sách Huấn Ca, viết ra khoảng những năm 200-175 BC, bởi một người Do-thái tên là Ben Sira, con của Joshua, cháu của Sirach, ở Giê-ru-sa-lem.  Bởi vậy sách còn được gọi là Sách Khôn Ngoan của Sirach.  Sách Huấn Ca chỉ được công nhận trong Kinh Thánh của Chính Thống Giáo và Công Giáo, nhưng không được công nhận trong Kinh Thánh của Do-thái, Tin Lành, cũng như Anh Giáo.  Sách tập hợp những lời dạy về luân thường đạo lý, tuy nhiên không có một cấu trúc rõ ràng, bao gồm đủ mọi đề tài như: sáng tạo, nữ giới, tình bạn, tiền bạc, vinh nhục, công bằng, tội lỗi, ăn nói…  Bài đọc hôm nay dạy về tương giao ăn nói và phân định trong đời sống. 

2.      Bài đọc được viết dưới thể thơ, có thể rất dễ cho tôi học thuộc lòng, nhờ vậy mà những lời khôn ngoan này có thể ở mãi trong lòng tôi cả ngày.  Những lời trên của Sách Huấn Ca nghe như hai quy tắc quan trọng của việc phân định thiêng liêng mà Thánh Inhaxio Loyola đã viết ra cách đây 500 năm: 1) “Đang gặp sầu khổ, ta hãy nghĩ rằng, để thử luyện ta, Chúa đã để ta với sức tự nhiên chống trả các xao động và cám dỗ của kẻ thù; như vậy ta vẫn có thể chống trả được, nhờ ơn Chúa vẫn giúp đỡ dù ta không cảm thấy rõ ràng.  Vì Chúa rút bớt lòng sốt sắng nồng nàn, lòng mến bao la và ân sủng mạnh mẽ nhưng vẫn để lại ân sủng đủ cho sự cứu rỗi đời đời (Linh Thao #320); 2)“Cần chú ý nhiều về diễn biến của tư tưởng.  Nếu từ đầu đến cuối đều tốt, hướng hẳn về đường lành, là dấu hiệu của thần lành.  Nhưng nếu diễn biến của tư tưởng đưa ta tới điều xấu hoặc lo ra, hay không được tốt như điều trước đó linh hồn đã định làm, hoặc làm giảm sút, khiến ta lo lắng, bối rối mất sự bình an, yên tĩnh đã có từ trước, đó là dấu hiệu rõ ràng điều ấy bởi thần dữ, kẻ thù của sự tiến tới và phần rỗi ta” (Linh Thao #333).  Tôi có thể đọc lại nhiều lần những lời trên của Sách Huấn Ca và những quy tắc phân định thiêng liêng của Thánh Inhaxio, để chúng giúp tôi ý thức phân định mọi sự trong ngày sống của tôi.  Đâu là trấu là lúa trong đời sống của tôi hiện nay?  Niềm tin và giá trị Kitô giáo của tôi có đang bị thử lửa?  Tôi cũng xem lại nếp sống của tôi có phản ảnh niềm tin Kitô của tôi?  Liệu người ta nhìn tôi, có thể nói về tôi: “Con người này có Chúa!”?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này.  Tôi cần Chúa giúp gì trong lúc này?       

 Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, February 25, 2022

Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên – Năm C –26-2-2022

Thu Bay VII TN

Gia-cô-bê 5:13-16

13Anh em thân mến, ai trong anh em đau khổ ư?  Người ấy hãy cầu nguyện.  Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. 14 Ai trong anh em đau yếu ư?  Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. 15 Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. 16 Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát.  Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực. 

(Trích Thư Gia-cô-bê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nhiều người cho rằng, tác giả của Thư Gia-cô-bê là Thánh Gia-cô-bê, giám mục của cộng đoàn Kito hữu tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem, bị những người Do-thái giết vào năm 62 A.D.  Nếu quả thực như vậy, bài đọc hôm nay có thể cho tôi hiểu được phần nào đời sống của Giáo hội sơ khai ấy: họ chuyên tâm cầu nguyện và chăm sóc lẫn nhau.  Thánh Gia-cô-bê khuyên mọi người: gặp đau khổ, hãy cầu nguyện cùng Chúa; có niềm vui, hãy chúc tụng Chúa; gặp ốm đau hoạn nạn, hãy mời cả Giáo hội cùng cầu nguyện cho mình.  Tôi đang đau khổ ư?  Hãy nghe lời khuyên của Gia-cô-bê, cầu nguyện với Chúa.  Tôi đang tràn ngập niềm vui ư?  Hãy chúc tụng và ngợi khen Chúa.  Tôi đang bối rối và phân vân điều gì ư?  Hãy cầu xin ánh sáng của Chúa.  Keith McClellan, một tu sĩ Dòng Biển Đức đã nói rất đẹp về cầu nguyện như sau:

Cầu nguyện khởi đi từ một trái tim khắc khoải.

Hãy lắng nghe những khắc khoải ấy.

Nếu bạn cần điều gì đó, hãy cầu nguyện.  

Chúa luôn muốn điều tốt cho bạn.

Khi việc cầu nguyện của bạn trở nên khô khan và nhàm chán, hãy tiếp tục.

Bởi đất khô thì cần nhiều nước.

Khi bạn phạm tội và tiếp tục sa ngã, hãy cầu nguyện bằng mọi cách.

Chúa không ngừng yêu thương bạn.

Nếu vì bất kỳ lý do gì, bạn không thể cầu nguyện, hãy thư giãn.  

Ao ước cầu nguyện đã là một lời cầu nguyện.

Khi cầu nguyện mời gọi bạn chấp nhận rủi ro, hãy can đảm.

Chúa sẽ nâng đỡ bạn.

Khi bạn cảm thấy buồn hoặc hối lỗi, hãy cứ tự nhiên khóc.  

Bởi nước mắt là lời nguyện của con tim.

Khi bạn nhận được tin xấu, hãy can đảm.

Cầu nguyện làm bừng lên ánh lửa từ những cục than cháy dở.

Khi bệnh tật, tuổi tác, đau đớn hoặc lo lắng đánh cắp sự tập trung của bạn, hãy thư giãn.

Chúa là một người bạn luôn biết cảm thông.

Cầu nguyện những lúc tĩnh lặng.

Bởi tĩnh lặng hướng bạn đến Vĩnh Cửu.

Cầu nguyện những khi ồn ào.  

Bởi âm thanh là tiếng ồn ào của tạo vật tìm kiếm Chúa.

Khi cuộc đời nghiệt ngã và đầy bất công, hãy cứ cầu nguyện.

Chúa là nạn nhân, không phải nguyên nhân.

Hãy đón nhận niềm vui, khó khăn của bạn bè và hàng xóm.

Bởi cuộc đời chia sẻ thì cầu nguyện cũng được sẻ chia.

Khi trái tim vỡ hòa với tâm tình biết ơn, hãy để nó xảy ra một cách tự nhiên.

Thần khí Chúa đang cầu nguyện trong bạn.

Hãy ôm trọn cả thế giới vào giờ cầu nguyện của bạn.  

Hòa bình tùy ở điều này.

Cầu nguyện khi nghỉ ngơi.  

Ngủ nghỉ là lời cầu của tạo vật được an toàn trong tình yêu của Chúa.

Cầu nguyện khi vừa thức dậy.  

Mọi bình minh đều hướng bạn về Ánh sáng.

Cầu nguyện là thở.  

Hãy làm điều đó một cách nghiêm túc và bạn sẽ tràn đầy sức sống.

2. Thánh Gia-cô-bê còn khuyên, hãy cầu nguyện với tất cả lòng tin.  Bởi lời cầu nguyện của người tin mới đem đến những hoa quả thật sự.  Tôi muốn từ nay không cầu nguyện vì luật buộc, vì thói quen nhàm chán, vì a-dua theo phong trào và đám đông.  Tôi cầu nguyện vì lòng tin, vì lòng mến Chúa.  Tôi có danh sách của những người đau bệnh?  Tôi muốn cầu nguyện cho họ.  Tôi có danh sách của những người đang đau khổ vì đời tu, vì chuyện gia đình, vì công ăn việc làm?  Tôi muốn cầu nguyện cho họ.  Có ai đang có niềm vui mà tôi biết không?  Tôi muốn chúc tụng Chúa vì niềm vui họ đang có.  Cả thế giới đang lo sợ về chiến tranh giữa Nga và Ukraine.  Tôi đáp lời mời của Đức Thánh Cha Phanxico.  Tôi muốn cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt và người dân được sống trong bình an.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, February 24, 2022

Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên – Năm C –25-2-2022

Thu Sau VII TN

Gia-cô-bê 5:12

12Thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề.  Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”, như thế, anh em sẽ không bị xét xử.

(Trích Thư Gia-cô-bê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay dù chỉ một câu, nhưng phải mất cả cuộc đời để thực hành.  Tôi nghĩ gì về lời của Thánh Gia-cô-bê: Thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề.  Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’, như thế, anh em sẽ không bị xét xử.”  Tôi có thấy lời này đang nói cho tôi?  Cho gia đình tôi?  Cho cộng đoàn giáo hội tôi?  Lời khuyên của Thánh Gia-cô-bê cũng giống như lời khuyên của một văn hào nổi tiếng của Mỹ, Mark Twain: “Nếu bạn nói thật, bạn không phải nhớ gì cả -- If you want to tell the truth, you don’t have to remember anything.”  Lời nói của Thánh Gia-cô-bê và của Mark Twain thật đẹp.  Chúng như kim chỉ nam trong địa bàn, giúp tôi biết đi đúng hướng.  Chúng cũng dẫn tôi đến một lời dạy khác của Chúa Giêsu: Nếu các người ở lại trong lời của tôi, thì các người thật là môn đệ tôi; các người sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các người" (Ga 8:31-32). Tôi khao khát sự thật và ao ước sống trong sự thật đến mức nào?  Tôi xin Chúa giúp và tôi muốn tập sống theo những lời khuyên trên, ngay từ hôm nay, “có” nói “có”, “không” nói “không”.

2.       Bài đọc hôm nay chỉ một câu thôi nhưng cũng đủ để tôi suy niệm và cầu nguyện trong giờ này.  Thánh Gia-cô-bê khuyên tôi đừng thề, dù là sự gì, hay là với bất kỳ ai, hoặc với bất cứ thứ gì.  Thề là một cái gì rất gần với đời sống thường ngày của mọi người và là cái gì người ta đã học từ nhỏ.  Có lẽ, vì ai cũng biết mình có những lúc đã không nói thật, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, nên để chứng tỏ với người khác điều mình đang nói là thật, người ta phải thề.  Như vậy thề và gian dối luôn đi đôi với nhau.  Có thể tôi nói dối hoài làm người ta không còn tin tôi lắm, cho nên tôi mới phải thề.  Có thể thế giới quanh tôi, ai cũng điêu ngoa, chẳng biết ai là thật ai là giả, nên tôi mới phải thề.  Có thể khi trao đổi thông tin, tôi chỉ muốn thắng, muốn thuyết phục người nghe, nên tôi mới muốn thề…  Vấn đề cần đặt ra đó là: Tại sao người ta nói dối?  Có những loại nói dối nào?  Ai là loại người hay nói dối nhất?  Có nhiều nguyên do khiến người ta nói dối, có những nguyên do rất phức tạp.  Các nhà tâm lý ngày nay chỉ ra, có ít nhất chín nguyên do khiến người ta nói dối: 1) Nguyên do lớn nhất ở người lớn cũng như trẻ em khi nói dối, là để tránh bị trừng phạt; 2) Vì muốn có được phần thưởng nào đó mà không dễ gì có được; 3) Vì muốn bảo vệ ai đó khỏi bị trừng phạt về lỗi lầm của họ; 4) Vì muốn bảo vệ người khác khỏi bị hại; 5) Vì muốn được ngưỡng mộ; 6) Vì muốn thoát khỏi tình huống tế nhị; 7) Vì muốn khỏi bị mất mặt; 8) Vì muốn bảo vệ sự riêng tư; 9) Vì muốn thể hiện quyền lực đối với người khác bằng cách tuyên truyền, bóp méo sự thật.  Đây là động cơ nguy hiểm nhất và có sức phá hoại lớn nhất, như Hitler đã từng làm, và như nhiều người xấu đang lạm dụng các mạng xã hội hiện nay.  Có ít là sáu kiểu nói dối: 1) Nói dối trắng trợn (Bold-faced lie); 2) Hứa lèo (Broken promises); 3) Bịa đặt (Lie of fabrication); 4) Lọc lừa (Lie of deception); 5) Phóng đại (Exaggeration); 6) Nói dối nhẹ nhàng (White lies).  Nhiều cuộc nghiên cứu cũng cho thấy, nam giới nói dối nhiều hơn nữ giới!  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể kiểm điểm lại chính mình: Tôi thường nói dối với ai, và về vấn đề gì?  Nói dối có đã trở thành bản năng trong tôi?  Việc nói dối của tôi đã gây tác hại như thế nào đến những người xung quanh?  Tôi xin Chúa giúp tôi có sức mạnh dám đối diện sự thật, và tập chừa bỏ thói gian dối trong tôi, mỗi ngày một chút.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, February 23, 2022

Thứ Năm Tuần VII Thường Niên – Năm C –24-2-2022

Thu Nam VII TN

Mác-cô 9:41-50

41Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu. 42 Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. [4445 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. [4647 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, 48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. 49 Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. 50 Muối là cái gì tốt.  Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại?  Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay, mời gọi tôi những cách thức sống đức tin một cách cụ thể: thứ nhất, hướng đến tha nhân và giúp đỡ những ai đang cần.  Dù một việc làm nhỏ bé đến đâu mà tôi làm cho tha nhân, đều có giá trị trước mặt Chúa.  Như vậy, Chúa Giêsu không có ý khuyên tôi chờ, khi nào giầu có mới giúp đỡ tha nhân, khi nào an nhàn mới giúp tha nhân; nhưng, tôi có thể giúp đỡ tha nhân bất cứ khi nào và bằng mọi cử chỉ, trong hoàn cảnh và khả năng của tôi như: thời giờ, tài năng, tiền bạc, sự hiện diện, tình thương...  Tôi ngồi bên Chúa trong giây phút này và để ý xem Ngài đang muốn sai tôi đến với những ai và những nơi nào hôm nay.  Chắc chắn, có những người chỉ cần ở tôi một lời hỏi thăm, một đôi tai lắng nghe, một cái bắt tay ân cần, điều này khi nào tôi cũng có.  Chắc chắn, có những người có nhu cầu lớn hơn, cần đến sự thông minh, đức khôn ngoan của tôi để giúp họ giải quyết một vấn đề nào đó.  Lại có những người cần tôi giúp đỡ về tài chánh…  Tôi dám mở lòng và dám tin rằng Chúa chẳng quên mà bù đắp cho những gì tôi quảng đại với tha nhân?  Nếu có nghi ngờ nơi Chúa, hãy nói chuyện với Ngài trong lúc này.  Nếu tin tưởng ở Chúa, hãy ngồi bên Ngài để được sai đi. 

2.      Nếu hiểu và thực hành những gì Chúa Giêsu dạy trong bài đọc hôm nay theo nghĩa đen, chắc chắn cả thế giới này không một ai còn sáng mắt và chân tay lành lặn, nhưng đều đui mù, què quặt không tay không chân; bởi, chẳng ai mà không mắc tội.  Điều Chúa Giêsu muốn nói với tôi là một Kitô hữu, đó là: tôi phải biết giữ muối trong lòng và sống hòa thuận với nhau.  Nếu cuộc đời tôi không bị ươn thối, tôi mới có thể ướp đời, và tuyệt đối không làm cớ cho bất cứ ai vấp phạm, dù đó là người bé nhỏ nhất.  Tôi đã là muối ở những nơi đâu bao lâu nay?  Muối tôi có còn mặn đủ để ướp đời?  Tôi có thể nhìn vào những nơi tôi hiện diện và để ý sức sống, niềm vui, tình thương, sự hòa hợp đang triển nở như thế nào, nhờ có tôi là muối ở những nơi ấy.  Tôi có thể để ý những nơi tôi hiện diện mà vẫn đầy dẫy những khô cằn, sỏi đá, chia rẽ, hận thù, có phải do tôi chưa sống chức năng muối của tôi hay do muối tôi đã nhạt rồi?  Tôi xin Chúa giúp tôi nhận ra điều này và được biến đổi.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Tuesday, February 22, 2022

Thứ Tư Tuần VII Thường Niên – Năm C –23-2-2022 – Lễ Thánh Polycarp, Giám mục Tử đạo

Thu Tu VII Tn

Mác-cô 9:38-40

38Khi ấy, ông Gio-an nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ.  Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” 39 Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Phúc âm Mác-cô lại dẫn tôi trở về với đề tài ghen tị như Thư Gia-cô-bê đã đề cập trong bài đọc thứ Hai đầu tuần.  Bài đọc hôm nay, các môn đệ Chúa Giêsu ghen tị với những người cũng tin vào Chúa Giêsu và đang làm những điều tốt.  Các môn đệ của Chúa Giêsu đã ngăn cản những người ấy.  Nhưng Chúa Giêsu đã không cho các môn đệ làm như vậy.  Ghen tị là vấn nạn trong mọi cộng đoàn, đạo cũng như đời.  Giáo xứ nào cũng có những nọc độc của ma quỷ chen vào tâm hồn và lối nghĩ của mỗi người làm cho đoàn thể này, nhóm người kia ghen tức nhau.  Họ toàn là những người tốt, thế nhưng khi ngồi lại với nhau, ma quỷ đã làm cho nhóm này thân cha xứ, nhóm kia thân cha phó.  Họ quên mất họ là ai, không lấy lời Chúa làm phương châm sống để khiêm nhường, tập quên mình, để cùng nhau phục vụ giáo xứ, nhưng lại dùng câu nói đầy chia rẽ: “Một rừng không thể có hai cọp” như một triết lý sống, làm gia tăng chia rẽ, ghen tức lẫn nhau và không chấp nhận sự khác biệt để ngồi lại với nhau.  Giáo khu nào cũng nấu quán phục vụ giáo xứ, nhưng chỉ giáo khu tôi mới biết cách nấu, mới nấu ngon, mới toàn tâm toàn ý phục vụ giáo xứ.  Ca đoàn nào cũng hát phụng sự Chúa, nhưng không hát khen nhau.  Ghen tị phát sinh từ sự thiếu tự tin ở chính mình; từ đó, dẫn đến thái độ ích kỷ, bảo thủ và độc quyền.  Chỉ mình tôi là được hơn người, nếu có ai hơn tôi, tôi sẽ dễ cảm thấy bị đe dọa và sẽ tìm mọi cách để triệt hạ người ấy.  Đúng như Hannah Arendt (1906-1975), một văn sĩ Do-thái gốc Đức, người sống sót từ cuộc diệt chủng của Đức Quốc Xã và là một nhà tư tưởng chính trị lỗi lạc có tầm ảnh hưởng rất lớn trên các lý thuyết gia về chính trị học thế kỷ 20th và 21st, nói: "Cái ác thường đến từ một tư duy tồi" (Evil comes from a failure to think).  Trong giây phút này, tôi muốn nhìn vào con người tôi và để ý, nỗi sợ sệt bị thua thiệt đã ở trong tôi bao lâu rồi, nó làm tôi khổ tâm ra sao?  Tôi xin Chúa giúp tôi mạnh mẽ, đối diện với nỗi sợ này và biết mở lòng trước những cách thức Chúa đang làm việc cả trong những người khác nữa với những cách thức riêng, hoàn cảnh và tài năng của họ.  Tôi cầu nguyện cho tình hiệp nhất trong cộng đoàn, đặc biệt lấy hết can đảm cầu nguyện cho những người hơn tôi, những người mà tôi khó ưa bao lâu nay.      

2.      Ghen tị còn làm cho tôi mù quáng trước những gì cao đẹp trong tôi.  Hóa ra, “cỏ hàng xóm khi nào cũng xanh hơn cỏ nhà tôi” xuất hiện trong thái độ và suy nghĩ ở mọi nơi và mọi văn hóa.  Tôi chỉ thấy người khác hơn tôi mà không nhìn thấy trong tôi cũng có những phẩm chất cao đẹp, tài năng riêng mà người khác không có.  Như người nào đó đã nói: “Ghen tị là khi tôi chỉ đếm những ân sủng người khác đã nhận được mà không đếm những ân sủng mà tôi đang nhận” (Jealousy is when you count someone else’s blessings instead of your own).  Giây phút này tôi muốn ngồi đếm lại những ân sủng mà Chúa đã ban cho tôi, cho đoàn thể tôi, khiến tôi và đoàn thể của tôi đã có cơ hội phục vụ Chúa và cộng đoàn bằng những cách thức riêng.  Nhờ sự nhận thức biết được những vẻ đẹp riêng và tài năng riêng của mỗi người mỗi đoàn thể, đang làm cho mỗi người, mỗi đoàn thể trở thành những bông hoa độc đáo trong cánh đồng hoa đa sắc.  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Chung Sống,” sáng tác của Ý Vũ, do Kasim Hoàng Vũ, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=CzgxGmnXlJg

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, February 21, 2022

Thứ Ba Tuần VII Thường Niên – Năm C –22-2-2022 – Lễ Kính Tông Tòa Phê-rô

Thu Ba VII TN

1 Phê-rô 5:1-4

1Anh em thân mến, cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. 2 Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. 3 Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên. 4 Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.

(Trích Thư Phê-rô I, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là lễ kính Tông Tòa Phê-rô, một ngày lễ đã có từ thế kỷ thứ IV.  Mừng lễ này không phải là mừng cái ghế chủ tọa tại Vương cung Thánh đường Phê-rô ở Rô-ma, nhưng là mừng quyền lãnh đạo của Thánh Phê-rô, đã được Chúa Giêsu trao cho chức vụ lãnh đạo các tông đồ, Quyền ấy vẫn còn được truyền lại cho đến ngày nay qua các vị đứng đầu Giáo hội Công Giáo là Đức Thánh Cha.  Mừng quyền lãnh đạo của Thánh Phê-rô, mà cuộc đời của ngài có gì đặc sắc đâu!  Như tôi đã biết, Phê-rô là một ngư phủ học thấp, bộp chộp, nóng nảy, nhiệt tình, yếu đuối, nhưng cũng yêu Chúa Giêsu hết mình.  Cái đẹp của Phê-rô là ở tình yêu, sự mở lòng và tin tưởng ở Chúa Giêsu, chính những cái này làm nên tính độc đáo trong Phê-rô.  Như vậy, lễ này là một niềm vui và hy vọng cho tôi.  Bởi, tôi cũng có rất nhiều yếu đuối giống Phê-rô.  Thiên Chúa sáng tạo từ không thành có; Ngài cũng biến những con người từ tầm thường thành phi thường.  Nếu Phê-rô, một con người kém cỏi và yếu đuối vậy mà Chúa vẫn tin tưởng chọn để trở nên người lãnh đạo giáo hội, tôi cũng có thể làm được nhiều chuyện lớn cho Thiên Chúa và cộng đoàn của tôi, nếu tôi mở lòng và đặt cuộc đời của tôi trong bàn tay của Ngài.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn đặt cuộc sống ngày hôm nay của tôi trong bàn tay của Chúa, để Ngài sẽ dắt tôi đi tới những nơi và những người Ngài muốn tôi gặp và làm những gì Ngài sẽ chỉ cho tôi.  Tôi muốn mở lòng và nhạy bén trước những mời gọi của Chúa trong ngày hôm nay.

2.      Hôm nay là lễ kính Tông Tòa Phê-rô và bài đọc hôm nay là những lời khuyên đầy chân tình và yêu thương của Phê-rô dành cho những người lãnh đạo cộng đoàn, sao cho họ biết chăm sóc đàn chiên với tất cả tình thương, ý thức trách nhiệm và đặc biệt tạo tình hiệp nhất trong giáo hội.  Tôi muốn dành giây phút này cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, các giám mục, các linh mục, các nam nữ tu sĩ, các gia trưởng, các trưởng nhóm, trưởng đoàn được tràn đầy ơn Chúa và biết lấy những lời khuyên của Phê-rô làm kim chỉ nam trong vai trò lãnh đạo của mình.

Phạm Đức Hạnh SJ 

Sunday, February 20, 2022

Thứ Hai Tuần VII Thường Niên – Năm C –21-2-2022

Thu Hai VII TN

Gia-cô-bê 3:13-18

13Anh em thân mến, trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết?  Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan. 14 Nhưng nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp, thì anh em đừng có tự cao tự đại mà nói dối, trái với sự thật. 15 Sự khôn ngoan đó không phải từ trời cao ban xuống, nhưng là sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ. 16 Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. 17 Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. 18 Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính.

(Trích Thư Gia-cô-bê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là những lời khuyên mang tính phân định, rất nhẹ nhàng, thực tế, quan trọng và cần thiết trong đời sống chung.  Chẳng nơi đâu mà không cần những lời khuyên phân định này, bởi đâu đâu cũng có những ghen tương tranh chấp, từ trong dòng tu đến những sinh hoạt giáo xứ bên ngoài, từ trong gia đình đến xã hội bên ngoài.  Thánh Gia-cô-bê nêu rõ hai điểm trái ngược thường xảy ra trong đời sống chung: Thứ nhất, sự khôn ngoan của thế gian, của ma quỷ luôn đưa đến những chia rẽ, ghen tương, tranh chấp và xáo trộn, cùng đủ mọi thứ xấu xa khác.  Thói khôn ngoan này gieo rắc sự dối trá, tính tự cao tự đại và lòng thù hận.  Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là những giây phút hồi tâm.  Tôi nhìn lại bao lâu nay, tôi có đang sở hữu sự khôn ngoan của trần thế?  Sự khôn ngoan của trần thế đang hấp dẫn và lèo lái đời sống của tôi như thế nào bao lâu nay, cụ thể là trong mấy ngày qua, mấy tiếng qua?  Cẩn thận, ghen tị gặm nhấm những nét đẹp tâm hồn và thể xác của người ghen ti, chứ không phải người bị ghen.  Bertie Charles Forbes (1880-1954), một ký giả tài chánh nổi tiếng người Mỹ gốc Scotland, người đã sáng lập tạp chí doanh thương tầm cỡ thế giới chuyên tập trung vào các lãnh vực kinh doanh, đầu tư, công nghệ, khởi nghiệp, lãnh đạo và phong cách sống, đã nói: “Ghen tị là ý thức nội tâm về sự kém cỏi của bản thân.  Nó là một chứng ung thư tâm thần” (Jealousy is an inner consciousness of one’s own inferiority.  It is a mental cancer).  Lạy Chúa, xin chữa chứng ung thư tâm thần này trong con, trong gia đình của con và trong cộng đoàn của con!       

2.      Thứ hai, sự khôn ngoan của Chúa làm phát sinh sự hiền hòa, tính xây dựng, lòng yêu thương và tình đoàn kết.  Đức khôn ngoan này lan tỏa những hương hoa làm tươi mát cuộc đời và có tính bền vững.  Tôi để ý bao lâu nay tôi đã cộng tác với sự khôn ngoan của Chúa như thế nào?  Sự cộng tác này đã đem lại cho tôi những niềm vui ra sao?  Mọi người quanh tôi đang thừa hưởng những hương hoa từ đời sống của tôi luôn kết hiệp với sự khôn ngoan của Chúa như thế nào?  Chúng đang làm phát sinh những ý tưởng mới, năng lực mới trong tôi và trong mọi người như thế nào?  Tôi ngắm nhìn Thiên Chúa xem Ngài đang vui và hãnh diện về tôi trong lúc này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Kinh Hòa Bình,” của Thánh Phanxico, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=qyV9WG8qzC0

Phạm Đức Hạnh, SJ