Saturday, December 19, 2020

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng – Năm B – 20-12-2020

CN IV MV

Luca 1:26-38

26Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.”  Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm qua, Giáo hội đã mời gọi tôi suy niệm bài đọc từ Phúc âm Luca về biến cố thiên thần truyền tin cho Da-ca-ri-a (nam) rằng, vợ chồng ông tuy già và hiếm muộn, nhưng Thiên Chúa sẽ ban cho ông bà một người con trai, mà ông sẽ đặt tên là Gioan.  Bài đọc để suy niệm hôm nay cũng trích từ Phúc âm Luca về biến cố truyền tin cho Đức Mẹ (nữ), sinh Đấng Cứu Thế.  Như vậy, ngay từ những trang đầu tiên của Phúc âm Luca, tôi đã thấy nữ giới có một thế đứng quan trọng trong Phúc âm này, nếu không muốn nói, vấn đề bình đẳng nam nữ là một trong những chủ đề đáng quan tâm đối với Luca.  Trong toàn bộ Phúc âm Luca, tôi sẽ luôn thấy những kiểu viết bình đẳng song song nam-nữ như thế này.  Chẳng hạn, bên cạnh hai câu chuyện của bài đọc hôm qua và hôm nay (Lc 1), tôi còn thấy câu chuyện tiên tri Simeon (nam) và tiên tri Anna (nữ) trong đền thờ đã chúc tụng và nói tiên tri về Chúa Giêsu (Lc 2); trong những phép lạ chữa bệnh, nếu Luca đã ghi nhận Chúa Giêsu vừa trừ quỷ cho một người đàn ông, ngay sau đó ngài cũng không quên viết Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho mẹ vợ Phê-rô (Lc 4:31-39); nếu Chúa Giêsu đã chữa cho người nô lệ của ông đại đội trưởng, liền sau đó Chúa Giêsu đã chữa cho con trai của bà góa Nain được sống lại (Lc 7:1-17); trong những môn đệ theo Chúa Giêsu, không chỉ có Nhóm Mười Hai (nam) nhưng cũng có nhiều người nữ khác đã bán của cải đi theo Chúa Giêsu (Lc 8; Tđcv 1:14); nếu Chúa Giêsu đã chữa cho một người đàn bà trong ngày sa-bát, Ngài cũng chữa cho một người đàn ông trong ngày sa-bát (Lc 13:10-17; 14:1-6); nếu có dụ ngôn người đàn ông gieo hạt cải trong vườn, thì cũng có dụ ngôn người đàn bà trộn men trong bột (Lc 13:18-21); nếu đã có dụ ngôn người đàn ông mất chiên, thì cũng có dụ ngôn người đàn bà mất đồng bạc (Lc 15:3-10); chưa kể trong những người đi nghe Chúa Giêsu giảng, chắc chắn đã có cả đàn ông lẫn đàn bà, bởi vậy nên cách nói của ngài luôn bao gồm cả nam lẫn nữ.  Chẳng hạn, khi Chúa Giêsu muốn làm rõ điểm Ngài muốn nói cho mọi người nghe, Ngài đã đưa bà góa thành Zarephath và ông Naaman người Syria (Lc 4:25-27), hoặc Tiên tri Giô-na và Nữ hoàng Sheba (Lc 11:29-32) để minh họa.  Chưa hết, trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu đã không chỉ có Giuse người Arimathea, mà có cả các bà cũng có mặt để táng xác Ngài (Lc 23:50-56); trong những nhân chứng phục sinh của Chúa Giêsu đã không chỉ có các nam môn đệ mà có cả các nữ môn đệ nữa (Lc 24:1-12).  Cách sắp đặt các câu chuyện song song giữa nam và nữ muốn nói gì với tôi?  Nếu chủ đích Luca muốn cổ xúy bình đẳng nam nữ, thì quả thật, Tin Mừng Luca là một bản văn rất cách mạng, vượt thời gian, mà cả thế giới ngày hôm nay vẫn chưa theo kịp.  Tôi có thái độ và cư xử như thế nào với nữ giới hiện nay, đặc biệt với những người nữ quanh tôi?  Nên nhớ, từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ, giống hình ảnh Ngài (St 1:26-27).  Đó là chưa kể trong thực thế, nữ giới chiếm ½ tổng dân số thế giới--họ là bà, là mẹ, là cô, là dì, là mợ, là thím, là chị, là em gái, là cháu gái của tôi.  Tôi đã tôn trọng nữ giới như thế nào?  Nếu Luca không nhằm cổ xúy chuyện bình đẳng nam nữ, thì ít ra Luca cũng muốn khẳng định rằng, Thiên Chúa có cái nhìn rất khác về nữ giới, không như Do-thái giáo đã coi nữ giới ngang hàng với những sở hữu vật của đàn ông.  Tin mừng Luca đã thật sự là Tin Mừng từ những trang đầu tiên như vậy đó, dám thách thức cả truyền thống Do-thái giáo.  Tôi là người Kitô hữu, tôi có dám thách thức cả truyền thống Nho giáo, trong đó những triết lý hoặc kiểu nói xưa nay chỉ là để phục vụ nam giới như: Tam Cương Ngũ Thường, Tam Tòng Tứ Đức, “Nam tôn nữ ti”, “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”, hoặc là “Nam năm thê bẩy thiếp, nữ chính chuyên một chồng,” hoặc “Nam thực như hổ, nữ thực như hươu” không?  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn suy tư và cầu nguyện cùng với Luca để từ hôm nay tôi có cái nhìn giống Chúa Giêsu, trở nên nhạy bén và cổ vũ bình đẳng nam nữ, ở mọi nơi tôi hiện diện.  Kể từ hôm nay, tôi muốn loại ra khỏi tôi những chuyện cười có tính miệt thị nữ giới.  Kể từ hôm nay, tôi để ý cách xưng hô của tôi, sao cho bao gồm cả nam lẫn nữ mỗi khi họ có mặt, như: “Thưa anh, chị, em”, chứ không thể là: “Thưa anh em”, mặc dù trong khán giả lúc ấy chỉ có một thiểu số là nữ hiện diện.  Được như vậy, chính là tôi đang rao giảng Tin Mừng cho cuộc đời này.  Được như vậy, tôi là một Kitô hữu, chứ không còn là một Khổng Tử hữu nữa.

2.      Suy niệm về sứ vụ loan báo Tin Mừng giải thoát cho mọi người bị giam cầm, không hẳn chỉ là tin vui cho những người đang bị giam trong lao tù, nhưng quan trọng hơn đó là đem Tin Mừng đến không biết bao nhiêu người đang bị giam hãm trong tư tưởng cổ hủ, hẹp hòi và đầy thành kiến về nữ giới.  Đây là sứ mạng của tôi.  Sứ mạng này đối với tôi có thể khó như chuyện Đức Mẹ mang thai Chúa Cứu Thế mà vẫn còn đồng trinh.  Thế nhưng, Đức Mẹ đã xin vâng và nói với Chúa như thế này: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.”  Tôi muốn quỳ trước mặt Chúa và xin cho được can đảm dám nói lời “Xin vâng” với Thiên Chúa trong lúc này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Hoan Ca Maria”, của Kim Long,  qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=BVBOQ-Znoy0

Phạm Đức Hạnh, SJ

 

0 comments:

Post a Comment