Tuesday, October 31, 2017

Thứ Tư XXX Thường Niên – Năm Lẻ –1-11-2017 – Lễ Các Thánh

Thu Tu XXX TN - Le Cac Thanh
1 Gioan 3:1-3
1 Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa -mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.  Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.2 Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.3 Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch.
(Trích Thư Gioan I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, đời sống tâm linh của một con người bắt đầu từ khi người ấy nhận ra mình được Chúa yêu.  Và đời sống ấy sẽ trưởng thành hơn khi càng ngày càng đi vào thật sâu trong tình yêu với Thiên Chúa.  Thánh Gioan hôm nay chỉ cho tôi thấy điều này: Tôi là con của Thiên Chúa.  Điều thánh Gioan nói có làm cho tôi vui không?  Hãnh diện không?  Tôi có thể kiểm chứng lời của ngài trong giờ cầu nguyện này bằng cách, hỏi xem tôi là ai trong con mắt của Chúa?  Chúa thương tôi đến mức nào?
2.     Hôm nay Ngày Lễ Các Thánh, tức mừng những người đã được hưởng phúc thiên đàng, nhưng Giáo hội lại cho tôi nghe về thư Gioan, ở đó nhấn mạnh đến tương quan của mỗi người với Thiên Chúa.  Như vậy thiên đàng không phải là một nơi chốn, một không gian mà tôi phải bay lên, mà là một tương quan tôi cần đi vào với Thiên Chúa.  Tôi muốn đọc lại những lời Thánh Kinh trên và chiêm ngắm tôi và các thánh đang ở trong Thiên Chúa như thế nào?  Tôi có thể thấy lờ mờ, nhưng các thánh thì thấy nhãn tiền.  Tôi có thể nói chuyện với một vị thánh nào mà tôi yêu mến và hỏi xem họ thấy Thiên Chúa thế nào.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 30, 2017

Thứ Ba XXX Thường Niên – Năm Lẻ –31-10-2017

Thu Ba XXX TN
Luca 13:18-21
18 Vậy Người nói: "Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì?19 Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được."20 Người lại nói: "Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì?21 Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men."
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Lời Chúa hôm nay đầy lạc quan.  Chúa Giêsu ví nước trời khởi đầu từ những gì rất nhỏ bé đến mức không ai để ý, nhưng sức lớn mạnh của nó thì khó lường.  Đồng thời hạt đã gieo, men đã trộn chắc chắn sẽ có hiệu quả.  Tôi có bao giờ thấy tôi là hạt cải, là nắm men mà Thiên Chúa đã gieo vào trong cuộc đời này không?  Dù tôi có tài hay không có tài, đừng coi thường chính mình, hãy tin vào việc Chúa làm chắc chắn tôi sẽ có ảnh hưởng lớn trong mọi nơi tôi sống.  Tôi có thể ngồi bên Chúa trong lúc này và bàn chuyện xem Chúa có ước mơ gì khi Ngài gieo tôi vào cuộc đời này?
2.      Nước trời là một cái gì đó tích cực, đầy yêu thương và hoan lạc.  Tôi có thể bắt chước Chúa, ngay trong giây phút này, ngay sau giờ cầu nguyện này, ngay trong ngày hôm nay, tôi bắt đầu gieo yêu thương ở mọi nơi tôi đến, cho dù đó chỉ là một cử chỉ rất nhỏ bé, khiêm nhường, hãy cứ gieo, bổn phận của tôi là gieo, tôi sẽ không lường được những gì tôi gieo trong yêu thương hôm nay sẽ gặt hái rất nhiều hoa quả trong tương lai.  Tôi bắt đầu lên đường trong tin tưởng và hy vọng.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 29, 2017

Thứ Hai XXX Thường Niên – Năm Lẻ –30-10-2017

Thu Hai XXX TN
Luca 13:10-17
10 Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường.11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!"13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!"15 Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao? "17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Đây là một trường hợp hiếm họa trong phúc âm khi Chúa Giêsu chữa lành cho người ta.  Thông thường Ngài hỏi họ xem họ có muốn được lành không.  Nhưng trong trình thuật trên Ngài không hỏi bà bị còng lưng, nhưng đã chữa ngay cho bà khi Ngài vừa trông thấy bà.  Luca thêm một chi tiết nhỏ nhưng cần thiết, bà đã bị bệnh đến 18 [1+8=9] năm, nghĩa là đã lâu lắm rồi!  Chúa Giêsu thấy được sự mệt mỏi, khắc khoải, khổ tâm của bà đã kéo dài triền miên hầu như cả đời bà, làm cho bà kiệt quệ về thân xác, mòn mỏi về tinh thần, héo mòn về hy vọng.  Ngài chữa ngay.  Có một góc cạnh nào trong đời sống tôi cũng đang ở tình trạng như bà cụ này chăng?  Tôi muốn gì ở Chúa?  Tôi kêu cầu Ngài nữa hay thôi?
2.     Hành động chữa bệnh ngay lập tức, bất kể đó là ngày Sa-bát, khiến lãnh đạo Do-thái tức giận.  Chính ở chi tiết xung khắc giữa Chúa Giêsu và các lãnh đạo Do-thái mà Luca muốn cho tôi thấy lòng trắc ẩn của Thiên Chúa lớn như thế nào, vượt trên cả lề luật, không chậm trễ, dù có phải phạm luật nhưng cứu được người hãy cứ cứu người.  Tôi có được sự tỉnh táo trong cách sống đạo như vậy chăng?  Trọng người hơn trọng luật.  Tôi xin Chúa giúp tôi có được thái độ sống nhạy bén này và can đảm sống vì tình người.   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 28, 2017

Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm Lẻ –29-10-2017

Chua Nhat XXX TN
Xuất Hành 22:20-26
20 Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập.21 Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp.22 Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu.23 Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút.24 Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.25 Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn.26 Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.
(Trích Sách Xuất Hành bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài đọc hôm nay thật đẹp.  Đẹp ở chỗ là dù Sách Xuất Hành đã được viết ra khoảng 500 năm trước Chúa giáng sinh, nhưng trong đó đã chứa đựng những tư tưởng rất nhân bản vượt thời gian.  Bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến sự tiếp nhận khách ngoại kiều, không được ngược đãi áp bức họ.  Điều này, ngay cả hôm nay, nhân loại vẫn chưa làm được.  Đó đây khắp nơi trên thế giới đang nổi lên những phong trào chống người di dân.  Quả thật con người của thế kỷ 21 vẫn mọi rợ và tàn ác, sống thiếu nhân bản hơn những người của thời Sách Xuất Hành.  Tôi có tư tưởng bài ngoại không?  Tôi đối xử như thế nào với những người di dân và tị nạn trên thế giới và xung quanh tôi?  Tôi đọc lại những lời trên để xin Chúa trôi luyện tính nhân bản trong con người tôi. 
2.     Điều nhân bản thứ hai trong bài đọc trên đó là vấn đề cho vay tiền, nhưng không được tính lãi.  Có mấy dân tộc hôm nay, có mấy gia đình hôm nay cho người ta vay tiền mà không lấy lãi?  Thậm chí còn ăn lời cắt cổ nữa.  Cứ nhìn vào những tổ chức mãi dâm, những công ty lao động như nô lệ, biết bao nhiêu nạn nhân vì hoàn cảnh nghèo, gia đình lại gặp hoạn nạn phải vay tiền, nhưng đã bị các chủ nợ ăn lời cắt cổ đến nỗi họ không đủ tiền trả đành phải bán mình, bán con.  Thân phận của những con người đó bị xô đẩy từ nhà chứa này qua nhà chứa khác, từ nước này qua nước khác.  Tôi có được một chút nhân bản nào như những gì trong bài đọc hôm nay?  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn cầu nguyện cho chính tôi biết sống nhân bản hơn mỗi ngày.  Tôi cũng cầu nguyện cho rất nhiều những nạn nhân của tình trạng buôn người trên thế giới, cho họ sớm thoát cảnh nô lệ tủi nhục.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 27, 2017

Thứ Bảy XXIX Thường Niên – Năm Lẻ –28-10-2017 – Lễ Thánh Simon và Giu-đa

Thu Bay XXIX TN
Luca 6:12-19
12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Một điểm nổi bật trong toàn bộ Phúc âm Luca đó là hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện.  Trong Phúc âm Luca Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều, lúc đầu ngày, lúc xế chiều, khi bắt đầu làm một việc gì quan trọng, sau khi hoàn tất một việc…  Hôm nay trước khi chọn nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đã cầu nguyện nhiều ngày, và suốt đêm.  Tôi cũng muốn bắt chước Chúa Giêsu, khởi đầu hay kết thúc ngày hôm nay tôi muốn có một giờ cầu nguyện.  Tôi muốn bắt đầu ngay bây giờ.

2.     Chúa Giêsu chọn nhóm Mười Hai và rồi xuống núi cùng với họ, dân chúng bu quanh các ngài và xin Chúa chữa lành đủ mọi bệnh tật và muốn được nghe Ngài giảng.  Ngài đã đón tiếp họ và chữa lành họ.  Dường như Luca muốn nói đến một đời sống cầu nguyện thường làm cho người ta trở nên nhạy bén hơn trước những đau khổ của mọi người xung quanh.  Cầu nguyện sẽ thúc đẩy hoặc sẽ trở thành nguồn lực giúp tôi vươn đến mọi người.  Tôi thấy tôi như thế nào sau cầu nguyện?  Năng nổ, hoạt bát, nhanh nhẹn trước những khổ đau của mọi người xung quanh hay ù lì, dựa dẫm người khác, thụ động và dửng dưng trước những đau khổ và bất công của anh chị em xung quanh?  Tôi xin Chúa cho tôi được quảng đại và can đảm dấn thân giống Chúa.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 26, 2017

Thứ Sáu XXIX Thường Niên – Năm Lẻ –27-10-2017

Thu Sau XXIX TN
Rô-ma 7:18-25
18 Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không.19 Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.20 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.21 Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.22 Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa;23 nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi.24 Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?25 Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Như vậy, nếu theo lý trí, thì tôi làm nô lệ luật của Thiên Chúa; nhưng theo xác thịt, thì tôi làm nô lệ luật của tội.
(Trích Thư Rôma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Cầu nguyện là một thao luyện giúp tôi nhìn rõ con người của tôi hơn và nhìn rõ tương quan giữa tôi với Chúa hơn.  Phao-lô quả là một con người cầu nguyện, con người của Chúa, ông đã rất thành thật về chính mình.  Những lời ông nói hôm nay về những dằn vặt trong ông giữa sự thiện và sự ác.  Tôi có những dằn vặt giống Phao-lô không?  Nói đúng hơn, ngay trong lúc này tôi đang có những dằn vặt nào không?  Tôi có thể tâm sự với Phao-lô trong giờ cầu nguyện này, biết đâu ngài chẳng chỉ cho tôi một ánh sáng giúp tôi đối diện dằn vặt này tốt hơn.
2.    Phao-lô nhận thấy rằng nơi trái tim ông có một lòng tin yêu Chúa, ông muốn làm những gì được thúc đẩy bởi tình yêu này, nhưng đồng thời ông cũng cảm thấy một nội lực thúc đẩy ông làm những điều trái với tình yêu ấy.  Nhiều khi nội lực ấy rất mạnh mẽ, chiếm hữu con người của ông.  Tôi có nhận thấy điều này cũng xảy ra trong tôi không?  Cái hay của Phao-lô là nhìn thấy con người ta không thể tự do hoàn toàn, nhưng luôn bị một nội lực khác lôi kéo làm điều trái với ý muốn của Chúa, vì thế ông đã trở nên nương tựa vào Chúa nhiều hơn để được tự do.  Còn tôi, tôi làm gì khi bị nội lực chiếm hữu và điều khiển tôi?  Có ơn gì tôi muốn xin Chúa trong lúc này?  
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 25, 2017

Thứ Năm XXIX Thường Niên – Năm Lẻ –26-10-2017

Thu Nam XXIX TN
Luca 12:39-46
49"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!51 "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Lời Chúa hôm nay thật mạnh mẽ, Chúa Giêsu cũng dùng những từ ngữ rất khiếp sợ.  Lời mạnh mẽ trước nhất đó là “ném lửa,” và ngài khắc khoải cho lửa ấy bùng phát.  Lửa bao giờ cũng đại diện cho sức mạnh, sự biến đổi tận gốc.  Tôi nhận thấy lửa này đã được “ném” vào trong cuộc đời tôi chưa?  Có một sức sống mới nào đã được đặt vào trong tôi và Chúa Giêsu đang mong ước cho nó bùng phát?  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn để ý đến ngọn lửa này và bàn chuyện với Chúa sao cho lửa này bùng phát trong tôi.
2.      Lời mạnh mẽ thứ hai là sự chia rẽ, trước nhất từ gia đình.  Điều này không phải là Chúa vui thích sự chia rẽ cho bằng sự hiện diện của Chúa sẽ phân minh giữa thật và giả, giữa thiện và ác.  Ai thuộc về Chúa chắc chắn sẽ bị nhiều người ghét bỏ, chẳng phải từ người ngoài mà thôi mà còn từ chính những người thân thuộc của mình.  Lòng ao ước sự công chính, sự nhiệt thành trong những gì là chân thiện mỹ của tôi có thể làm cho nhiều người rất khó chịu.  Tôi sẽ không dễ sống công chính, bình an, chân thật nếu tôi muốn theo Chúa.  Tôi muốn Chúa giúp tôi điều gì trong lúc này?  Tôi đang chứng kiến những nỗi đau, sự chia rẽ nào vì theo Chúa?  Tôi có thể tâm sự với Ngài trong lúc này. 
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Tuesday, October 24, 2017

Thứ Tư XXIX Thường Niên – Năm Lẻ –25-10-2017

Thu Tu XXIX TN
Luca 12:39-46
39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu.40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?"42 Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta.44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa,46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Càng vào những ngày cuối Năm Phụng Vụ, Giáo hội lại mời mọi người sống trong tỉnh thức và sẵn sàng.  Sẵn sàng vì Chúa trở lại rất bất ngờ mà ai biết chuẩn bị, ai sẵn sàng thì người đó thật có phúc.  Hình ảnh Chúa Giêsu dùng hôm nay là một hình ảnh rất gần gũi với con người, một người quản gia.  Chính tôi là quản gia cuộc đời của tôi.  Tôi có thể xem lại tôi đã chăm sóc cho con người của tôi ra sao, về mặt tinh thần?  Có một góc cạnh nào đó trong đời sống tâm linh của tôi đang héo mòn, chết khô chăng?  Tôi cần xem lại góc cạnh đó, kẻo Chúa đến khi ấy Ngài sẽ rất buồn vì tâm hồn tôi đói khô, không sức sống.

2.     Tôi nghĩ tôi là người quản gia như thế nào?  Trung tín hay thờ ơ?  Quan tâm hay hà khắc?  Nếu Chúa đến Ngài sẽ mời tôi ngồi vào bàn ăn và Ngài sẽ đứng phục vụ tôi chăng?  Hay Ngài sẽ thất vọng và loại tôi khỏi sự sống?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong giây phút này?
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Monday, October 23, 2017

Thứ Ba XXIX Thường Niên – Năm Lẻ –24-10-2017

Thu Ba XXIX TNLuca 12:35-38
35 "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Nếu cầu nguyện mà buồn ngủ, đây là chuyện bình thường, và còn ngủ đâu mới thánh hơn khi ngủ trong giờ cầu nguyện, trong Chúa!  Phúc âm Luca không nói đến sự tỉnh táo trong giờ cầu nguyện cho bằng nói đế sự tỉnh thức trong cuộc sống, mà nhà Phật gọi là giác ngộ.  Có lẽ tôi cần hỏi trong chính mình trong giờ cầu nguyện này: Tôi đang tỉnh hay đang ngủ?  Ngày nào tôi sống bằng cuộc sống của tôi, đi bằng đôi chân của tôi, ngày đó tôi thật sự tỉnh, ngày đó tôi hoàn toàn tự do và tôi có thể nghe tiếng gõ của Chủ và mở cửa ngay.  Tôi muốn đi vào trong giờ cầu nguyện này bằng ơn xin cho được tự do thật sự để sống chứ không ngủ nữa.
2.      Luca nói Chủ có thể đến vào khoảng canh hai hoặc canh ba, tức khi mọi người đều mệt mỏi, đã lún sâu trong những đam mê và bám víu thế trần, những lúc này không dễ tỉnh tí nào, tức không dễ có một sự tự do thật sự trong tâm hồn.  Nếu Chủ đến với tôi trong lúc này, tôi tỉnh thức nhận ra ngài không?  Tôi tỉnh đủ để mở cửa cho ngài không?   
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 22, 2017

Thứ Hai XXIX Thường Niên – Năm Lẻ –23-10-2017

Thu Hai XXIX TN
Rô-ma 4:18-22
18 Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông [Abraham] vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế.19 Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết.20 Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa,21 vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện.22 Bởi thế, ông được kể là người công chính.
(Trích Thư Rôma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Cái trớ trêu của niềm tin đó là không thể dùng lý trí để hiểu, cũng không thể dùng những cách thông thường để lý giải.  Những khi an lành, mọi sự như trong tầm tay, ai cần và ai nói đến đức tin làm gì.  Nhưng đức tin thật sự cần khi tôi chẳng còn gì để bám víu, chẳng có lý giải nào giúp tôi đi qua những khó khăn hiện tại, khi ấy đức tin thật có giá trị.  Tôi có kinh nghiệm này không?  Tôi tin vào ai?  Tôi tin vào cái gì? 
2.     Nếu sự việc có thể lý giải bằng lý trí và con tim thì không cần đức tin làm gì.  Nhưng nhiều khi lý trí và con tim đều trở nên què quặt, rỗng tuếch, khi ấy tôi mới thấy niềm tin thật hữu ích.  Chính ở niềm tin mà Abraham đã trở thành mẫu mực của niềm tin, không một ai đã trải qua khó khăn như ông mà vẫn còn tin.  Tôi có thể đọc lại đoạn văn trên và xin Abraham chia sẻ kinh nghiệm đức tin của ông với tôi để từ đó niềm tin của tôi vào Chúa được thêm vững mạnh.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 21, 2017

Chúa Nhật XXIX Thường Niên – Năm Lẻ –22-10-2017

Chua Nhat XXIX TN
Mát-thêu 22:15-22
15 Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy.16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?"18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!19 Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!" Họ liền đưa cho Người một quan tiền.20 Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?"21 Họ đáp: "Của Xê-da." Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."22 Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     “Hãy trả cho Xê-da những gì thuộc về Xê-da, hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa,” thế là công bằng.  Có thể nói giờ cầu nguyện mỗi ngày là lúc tôi làm việc theo lẽ công bằng này.  Tôi ngồi đây để nhìn lại một ngày sống có những gì là của Thiên Chúa đã ban tặng cho tôi hôm nay, tuần này?  Tôi cám ơn Chúa.  Đây là cách thức tôi trả lẽ công bằng với Chúa.  Tôi nhìn lại cuộc sống của tôi, đâu là những cái tôi nhận được từ Chúa, tôi đem ra dùng vào mục đích sinh lợi cho bản thân và cho tha nhân, đây là cách thức tôi sống biết ơn Thiên Chúa.
2.     Có thể nhiều khi ngày tàn và tuần qua, tôi chẳng tha thiết cầu nguyện.  Nếu có cầu nguyện, chắc cũng chỉ vì sợ nếu không cầu nguyện thì có tội.  Có thể một ngày sống tôi cũng nhận rất nhiều của trần thế, đến mức giầu có của trần thế khiến tôi cũng chẳng cần đến Chúa và chẳng thèm những gì của Chúa nên tôi chẳng có lý do gì để cám ơn Chúa.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn xem đâu là những thứ thuộc về trần thế và đâu là những thứ thuộc về Thiên Chúa.  Cái nào đang dẫn tôi đến sự sống, niềm vui và bình an đích thực?  Tôi có thể ngồi đây thống kê và phân loại để rồi cân nhắc cuộc sống tôi phải làm gì cho đúng và hợp lý hơn.  Điều này không dễ làm chút nào.  Nhận ra của trần thế và trả về cho trần thế không dễ chút nào.  Nhưng nếu không làm thì trong tôi không thể có những gì của Chúa.  Tôi xin Chúa cho tôi một ánh sáng.  Tôi xin Chúa cho tôi một sự can đảm.  

 Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 20, 2017

Thứ Bảy XXVIII Thường Niên – Năm Lẻ –21-10-2017

Thu Bay XXVIII TN
Luca 12:8-10
8 "Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.10 "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Nhiều người vẫn nghĩ tuyên xưng Chúa trước mặt thiên hạ là mỗi khi ăn ở chốn công cộng thì phải làm dấu thánh giá, khi làm như vậy thì cảm thấy an tâm với lời dạy ở trên, nếu không làm thì cảm thấy mặc cảm tội lỗi.  Nhưng tuyên xưng như thế có thật sự là cách mà Chúa muốn hay tôi phải làm những gì khác hơn nữa?  Một đời sống bác ái gương mẫu, một đời sống luân lý mẫu mực, một tâm hồn tha thiết trước những bất công trong xã hội?  Đây có lẽ là cách tuyên xưng đẹp và đúng nghĩa nhất mà Chúa mong đợi ở tôi.  Tôi thấy tôi đã tuyên xưng Chúa như thế nào giữa gia đình tôi, giữa cộng đoàn xứ đạo và xã hội tôi?  Tôi muốn dùng lời Chúa trên để xét mình trước mặt Chúa trong giờ cầu nguyện này. 

2.     Một trong những thắc mắc mà nhiều người vẫn có về đoạn Thánh Kinh hôm nay, tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội gì mà ghê vậy?  Chúa yêu thương vô điều kiện kia mà?  Tôi sẽ phạm tội này khi tôi khước từ tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.  Thiên Chúa không thể tha thứ cho tôi nếu tôi không muốn sự tha thứ đó.  Tôi có thể có tội này chăng?  Dù tôi biết rằng Chúa đã tha thứ cho tôi, nhưng chính tôi không thể tha thứ cho tôi?  Dù tôi biết rằng Chúa trông chờ từng phút được thấy tôi an vui, tự do, nhưng chính tôi lại tự trói tôi trong những dằn vặt của quá khứ?  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi được tự do ngay trong giờ cầu nguyện này.     
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 19, 2017

Thứ Sáu XXVIII Thường Niên – Năm Lẻ –20-10-2017

Thu Sau XXVIII TN
Luca 12:4-7
4 "Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa.5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa.7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     “Đừng sợ” là chủ đề chính trong lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay.  Vì chỉ trong một đoạn ngắn ngủi, Chúa Giêsu đã nhắc đến 5 lần đừng sợ.  Có một nỗi sợ nào đang chiếm ngự lòng tôi lúc này không?  Lời Chúa Giêsu có làm cho tôi an tâm hơn chăng?  Tôi muốn đọc lại lời của Chúa Giêsu trên một cách chậm rãi, để cho những lời chấn an của Chúa vang sâu, chiếm ngự và xóa tan đi mọi sợ hãi trong tôi lúc này.
2.     Chúa Giêsu chấn an các bạn của Ngài bằng những lời trên.  Tôi có phải là bạn của Chúa không?  Ngài nói với tôi những lời trên ra sao?  Tôi đọc lại và để ý Ngài nói với tôi bằng cung dọng nào?  Khoảng cách Ngài nói với tôi như thế nào?  Ngài có nhìn vô tôi hay tôi có nhìn vô Ngài không?  Ánh mắt của Ngài như thế nào khi nói những lời này với tôi?  Tay Ngài để đâu, có đặt trên vai tôi không?  Tôi cũng để ý lòng tôi biến chuyển thế nào khi Ngài nói trực tiếp với tôi, tôi có xúc động nào, Ngài có xúc động gì…?  Tôi ở lại với những cảm nghiệm này và cám ơn Ngài khi tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 18, 2017

Thứ Năm XXVIII Thường Niên – Năm Lẻ –19-10-2017

Thu Nam XXVIII TN
Rô-ma 3:21-31
21 Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng.22 Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai.23 Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,24 nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su.25 Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm.26 Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giê-su được nên công chính.27 Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện! Dựa vào luật nào mà hãnh diện? Vào việc làm chăng? Không, nhưng dựa vào lòng tin.28 Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy.29 Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do-thái thôi? Thiên Chúa không là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa sao? Có chứ! Người cũng là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa,30 vì chỉ có một Thiên Chúa, Đấng làm cho người được cắt bì nên công chính vì họ tin, và làm cho người không được cắt bì nên công chính cũng bởi họ tin.31 Vậy có phải là chúng ta dựa vào đức tin mà huỷ bỏ Lề Luật chăng? Không phải thế! Trái lại, chúng ta củng cố Lề Luật.
(Trích Thư Rô-ma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Lời của Phao-lô hôm nay như một ánh đèn soi vào giữa sự lẫn lộn về lối sống giữa đạo cũ (dựa vào Lề Luật Mose) và đạo mới (tin vào Đức Kitô Giêsu), giữa lối sống đạo lẩm cẩm, nặng hình thức, nặng lễ nghi, nặng lề luật mà thiếu trái tim.  Tôi có đang bị trong lối sống đạo lẩm cẩm này không?  Tôi đọc lại lời của Phao-lô để được ngài chỉ dẫn.
2.     Tôi có đang đi lễ vì luật buộc?  Tôi có đang đọc kinh tối sáng vì sợ chết “lòi mắt ra”?  Tôi có đang làm việc bác ái vì để hưởng thiên đàng?  Ngày nào tôi còn sống đạo vì phần thưởng mai sau trên thiên đàng hay vì hình phạt dưới hỏa ngục, ngày đó tôi còn ở trong đạo cũ, tôi chưa ở trong Chúa Kitô, đạo mới.  Tôi đọc lại những lời trên của Phao-lô để xét mình.  Giờ cầu nguyện này cũng là một thái độ dứt khoát của tôi với lối sống cũ, để bước vào lối sống mới làm tất cả chỉ vì yêu Chúa, chỉ vì không muốn bỏ lỡ một cơ hội nào để ở với Chúa, là người yêu của tôi.  Tôi có thể ở với Ngài ngay cuộc sống này.

 Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 15, 2017

Thứ Hai XXVIII Thường Niên – Năm Lẻ –16-10-2017 – Lễ Thánh Margareta Alacoque

Thu Hai XXVIII TN
Luca 11:29-32
29 Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.
(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bướng bỉnh, cứng đầu, thiếu lòng tin và vô ơn có lẽ là bốn điều phổ biến trong tương quan giữa con người với Chúa.  Tôi có bốn thứ này không?  Dù Chúa làm cho tôi đến mấy đi nữa vẫn không cảm thấy thỏa mãn, “được voi, đòi tiên.”  Dù Chúa cho tôi biết bao nhiêu điều mỗi ngày nhưng tôi vẫn không có đủ lý do để cám ơn Ngài, “ăn cháo đái bát.”
2.     Dù Chúa tìm mọi cách để bày tỏ sự hiện hữu của Ngài và tình yêu bao la của Ngài, nhưng tôi vẫn cứ hoài nghi và kiếm tìm.  Tôi muốn đọc lại những lời trên và nhìn lại đời sống đức tin của tôi xem Chúa đang ở đâu và tôi đang ở đâu?  Tôi nhận ra sự hiện diện của Ngài trong ngày sống của tôi chăng?  Đặc biệt tôi nhận ra sự hiện diện của Ngài ngay trong giây phút này chăng? 
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Saturday, October 14, 2017

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên – Năm Lẻ –15-10-2017

Chua Nhat XXVIII TNMát-thêu 22:1-10
1 Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng:2 "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình.3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! "5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn,6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng.9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới."10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Dụ ngôn tiệc cưới nước trời nói lên hai điều: 1) Tiệc cưới đó dành cho các khác được mời, nói theo ngôn ngữ của Phúc âm Mát-thêu, tức dân riêng của Chúa; 2) Tiệc cưới cuối cùng mở cho mọi người.  Tôi có thấy tôi là dân riêng của Chúa không và tôi đáp trả lời mời gọi này như thế nào?  Tôi không phải là dân Do-thái, nhưng dân Công giáo, dân Thiên Chúa giáo, tôi phúc đáp lời mời của Chúa như thế nào?

2.     Tiệc cưới ban đầu mở cho dân riêng nhưng khi dân riêng không thèm đếm xỉa thì tiệc này mở cho mọi người, đầu đường xó chợ.  Tôi thấy nỗi lòng của Chúa như thế nào khi mở tiệc cưới cho con Ngài, mời mà chẳng ai thèm đi?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 
Phạm Đức Hạnh, SJ