Wednesday, March 31, 2021

Thứ Năm Tuần Thánh – Năm B –1-4-2021 - Tam Nhật Thánh

Thu Nam TT 

Gioan 13:1-15

1Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.  Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. 2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. 6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" 7 Đức Giê-su trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." 8 Ông Phê-rô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!"  Đức Giê-su đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy." 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa." 10 Đức Giê-su bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch.  Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch." 12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? 13 Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay, Thứ Năm Tuần Thánh, bắt đầu Tam Nhật Thánh tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.  Theo truyền thống Giáo hội, Thứ Năm Tuần Thánh mang hai ý nghĩa: Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh.  Trước hết, đó là Bí tích Thánh Thể, như tôi thấy trong bài đọc II, 2 Cor. 11:23-26, trong đó Thánh Phao-lô nhắc lại việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể như thế nào.  Những lời thiết lập Bí tích này tựa như những lời trăn trối của một người sắp lìa đời.  Nhưng đây còn quan trọng hơn cả lời trăn trối, bởi Giáo hội không chỉ đón nhận những lời ấy như là những lời vàng ngọc của Chúa Giêsu mà còn là hiện thân của chính Ngài.  Ngài yêu thương tôi, trở nên của ăn nuôi sống cho linh hồn tôi và để ở với tôi mãi, một cách khiêm nhường và âm thầm.  Chính vì thế mà Giáo hội luôn lập lại một cách long trọng và đầy xác tín những lời này trong bất kỳ Thánh lễ nào trong ngày, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, trong suốt hai ngàn năm qua.  Hôm nay có thể là dịp, để nhìn lại cách tôi tham dự Thánh lễ bao lâu nay như thế nào.  Tôi có cử hành và tham dự Thánh lễ như là một việc làm rất nghiêm túc, một nghĩa cử đầy yêu thương, để được cùng tham dự với Chúa Giêsu và các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly năm xưa, hay tôi làm vì luật buộc, hoặc chỉ là điền vào chỗ trống trong ngày của tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu về món qùa Bí tích Thánh Thể? 

2.      Thứ đến, Thứ Năm Tuần Thánh còn là ngày lễ tưởng niệm Chúa Giêsu lập Bí tích Truyền Chức Thánh.  Tuy nhiên, nếu đọc lại các bài đọc hôm nay sẽ chẳng thấy một chỗ nào nói về việc Chúa Giêsu lập Bí tích này.  Trái lại, bài Phúc âm hôm nay chỉ nói về việc Chúa Giêsu phục vụ, rửa chân cho các môn đệ, và Ngài dạy họ về việc phục vụ.  Hóa ra ơn gọi linh mục không phải là một cái chức mà là một sứ mạng được sai đi phục vụ người khác, như Chúa Giêsu đã từng phục vụ.  Trong giây phút này, tôi muốn cầu nguyện cho các bậc lãnh đạo trong Giáo hội: Đức Thánh Cha Phanxico, các Đức giám mục, các linh mục và nam nữ tu sĩ.  Là một linh mục, tôi muốn xem lại đời sống phục vụ của tôi bao lâu nay: Tôi đã phục vụ Chúa và giáo dân như thế nào, hay tôi chỉ bắt người khác phục vụ tôi?  Tôi đọc lại bài đọc trên một cách chậm rãi để được chiêm ngắm thật kỹ từng cử chỉ phục vụ của Chúa Giêsu, sao cho tôi cũng được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong phục vụ tha nhân.  Là một giáo dân, tôi muốn cầu nguyện co các linh mục được thấm nhuần tinh thần phục vụ, được thêm lòng hăng say phục vụ, được trở nên tôi tớ của mọi người, dám mang mùi hôi của chiên.  Tôi cũng muốn cầu nguyện cho các linh mục đã hết lửa trong mình, bỏ bê đoàn chiên, chạy theo những vinh hoa của trần thế và chỉ biết lo vun quén cho bản thân.  Tôi đọc lại bài đọc trên và tiếp tục cầu nguyện cho linh mục được trở nên như hình ảnh phục vụ của Chúa Giêsu, hoặc như những hình ảnh trong bài hát, “Đuốc Sáng Tâm Linh” của Sr. Trầm Hương, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=ZQ85Oo6UuPs

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, March 30, 2021

Thứ Tư Tuần Thánh – Năm B –31-3-2021

Thu Tu TT

Isaia 50:4-9a

4Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.  Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.  5Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.  6Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.  Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.  7Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.  Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. 8Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.  Ai tranh tụng với tôi?  Cùng nhau ta hầu toà!  Ai muốn kiện cáo tôi?  Cứ thử đến đây coi!  9Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?

(Trích Sách Isaia, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Gần đến biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giesu, Giáo hội tiếp tục giúp tôi hiểu rõ hơn về Chúa Giesu.  Chẳng hạn như bài đọc hôm nay, được gọi là Bài Ca về Người Tôi Trung của Chúa.  Phần nhiều các học giả cho rằng, trong Sách Isaia có bốn Bài Ca về Người Tôi Trung của Chúa (Is 41:1-4; Is 49:1-6; Is 50:4-7; Is 52:13-53:12).  Tuy nhiên cũng có các học giả khác, chẳng hạn Bernhar Duhm cho rằng, Is 61:1-3 là bài ca thứ năm.  Bài đọc hôm nay là bài ca thứ ba cũng là bài tôi đã được mời gọi để cầu nguyện trong Chúa Nhật Lễ Lá.  Bài đọc hôm qua là bài ca thứ hai.  Thứ Năm Tuần thánh sẽ là bài ca thứ năm và Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ là bài ca thứ tư.  Như vậy trong những ngày này, Giáo hội muốn tôi đi thật sát với Chúa Giesu trong biến cố tử nạn và phục sinh của Ngài. 

2.      Tôi đọc lại bài đọc trên nhiều lần và ở lại trong những câu những chữ đánh động tôi nhất về tâm tình vâng phục của Chúa Giesu.  Tôi để cho những hình ảnh, như nói trước về cuộc tử nạn của Chúa Giesu, dẫn dắt tôi vào Tam Nhật Thánh, đặc biệt là Thứ Sáu của Tam Nhật Thánh.  Tôi cũng để ý những hình ảnh này đang giúp tôi sống đức vâng phục Thiên Chúa như thế nào trong mọi biến cố và hoàn cảnh sống của tôi.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 29, 2021

Thứ Ba Tuần Thánh – Năm B –30-3-2021

Thu Ba TT

Gioan 13:21-30

21Khi ấy, đang dùng bữa với các môn đệ, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến.  Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến.  Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. 24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” 25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?” 26 Đức Giê-su trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.”  Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. 27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y.  Đức Giê-su bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” 28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. 29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra.  Lúc đó, trời đã tối.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Các Phúc âm Mát-thêu, Mác-cô, Luca nhấn mạnh về nhân tính của Chúa Giêsu; trong khi đó, Phúc âm Gioan nhấn mạnh về thiên tính của Chúa Giêsu, họa hiếm lắm tôi mới thấy những gì rất người nơi Chúa Giêsu trong Phúc âm Gioan.  Bài đọc hôm nay là một trong những hiếm họa ấy.  Chúa Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến, vì Ngài sắp phải rời xa những người Ngài yêu mến; đặc biệt, Ngài biết rằng người thân cận sẽ phản bội mình, rồi tất cả những người thân tín nhất cũng sẽ bỏ rơi mình và từ chối có liên hệ.  Giờ cầu nguyện này, tôi muốn đọc lại bài đọc trên và xin cho được cảm nghiệm sự xao xuyến và đau buồn của Chúa Giêsu.  Tôi sẽ chẳng thể nào biết rõ lý do tại sao những người thân cận nhất của Chúa Giêsu lại phản bội, bỏ rơi và chối từ Ngài.  Điều tôi có thể biết rõ nhất đó là, tôi có phản bội, có bỏ rơi và có chối từ Chúa Giêsu hay không.  Tôi đã, đang và sẽ làm gì để chứng tỏ lòng yêu mến, sự trung thành của tôi đối với Chúa Giêsu trong Tuần Thánh này và trong cả cuộc đời còn lại của tôi?  Tôi muốn trả lời và đoan hứa những gì với Chúa Giêsu trong giờ cầu nguyện này?

2.      Một điểm nữa cũng đặc biệt trong bài đọc hôm nay, đó là: việc làm tội lỗi của Giu-đa.  Chúa Giêsu biết và Giu-đa cũng biết rõ, rằng Giu-đa sẽ phản bội Thầy.  Chúa Giêsu cảnh báo trước, nói xa nói gần, và dù cùng ăn một bánh và chấm một chén với Ngài, Giu-đa vẫn không thay đổi ý định tồi bại ấy.  Sau khi đã ăn và chấm với Thầy, Giu-đa quyết định đi vào trong đêm tối của tội lỗi.  Tôi có nhận thấy tiến trình phạm tội của Giu-đa cũng giống tiến trình phạm tội của tôi?  Dù cho có những cảnh báo và khuyên can từ lời Chúa, luật Giáo hội, tiếng nói lương tâm và những người xung quanh, tôi vẫn cứ bước vào đêm tối của tội lỗi.  Phải chăng luôn có một sức mạnh của bóng tối hấp dẫn và hướng dẫn tôi, giữ chân tôi ở trong bóng đêm, để rồi chối bỏ tất cả những điều hay, điều phải của Chúa mà làm theo ý riêng của tôi và sự hướng dẫn của thần dữ?   Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này?  Xin Chúa đừng buông bỏ tôi, nhưng cứ tìm mọi cách để dẫn tôi đi trong đường ngay và trở về nẻo chính.  Xin Chúa thêm sức mạnh để tôi có đủ can đảm bước theo những mời gọi của Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, March 28, 2021

Thứ Hai Tuần Thánh – Năm B –29-3-2021

 Thu Hai Tuan Thanh

Gioan 12:1-8

1Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở.  Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau.  Cả nhà sực mùi thơm. 4Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: 5“Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” 6Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện đẹp về lòng hiếu khách mà gia đình Mác-ta, La-da-rô và Maria dành cho Chúa Giêsu, họ làm cơm tiếp đón Ngài.  Phúc âm Gioan kể Chúa Giêsu là bạn của gia đình này, chứng tỏ đây là gia đình mà Chúa Giêsu đã thường lui tới trên đường rao giảng.  Giờ đây, Chúa Giêsu không chỉ là bạn mà còn là đại ân nhân của gia đình, vì Ngài đã làm cho La-da-rô sống lại từ cõi chết.  Hiểu như vậy, tôi có thể hình dung được bữa cơm giữa gia đình với Chúa Giêsu thân mật như thế nào, nồng hậu biết bao nhiêu, niềm vui chan hòa lòng người, nói cười rộn rã đầy ắp cả căn phòng.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn hình dung: tôi cũng được ăn ké, hoặc nếu không, ít ra cũng được ăn chực trong bữa cơm này, để cảm nghiệm được niềm vui và lòng biết ơn của mọi người trong gia đình này đối với Chúa Giêsu như thế nào.  Tôi muốn được chiêm ngắm Chúa Giêsu kỹ hơn, xem Ngài đang vui như thế nào trước tấm lòng biết ơn và hiếu khách của gia đình dành cho Ngài, cũng như được thấy những giây phút Chúa Giêsu được thư giãn nghỉ ngơi sau một ngày rong ruổi đó đây rao giảng, đối diện với những chống đối và ganh tức của những người Pha-ri-sêu cùng các kinh sư Do-thái.  Tôi quan sát và để ý lòng tôi đang có những cảm xúc nào, đang hướng về những nhân vật nào trong bài đọc?  Tôi nói chuyện với nhân vật ấy, để qua họ giúp tôi gặp được Chúa Giêsu, hoặc qua Chúa Giêsu giúp tôi gặp được Chúa Cha.

2.      Trong bữa cơm này, chắc chắn tôi bị thu hút nhiều bởi Maria cùng việc làm của cô.  Cô đã lấy được sự chú ý của tất cả mọi người từ việc làm kỳ cục nhưng đầy yêu mến của cô, đó là: lấy cả một bình dầu thơm rất mắc tiền xức chân Chúa Giêsu, rồi lại lau chân Ngài bằng tóc của mình.  Dầu thơm ấy đã làm cả căn phòng thơm ngát, đến mức Giu-đa phân bì, lẩm bẩm, giở thói đạo đức giả.  Tại sao Maria lại làm điều này?  Tôi có thể hỏi Maria.  Việc xức dầu của Maria nói lên tình yêu của cô như thế nào với Chúa Giêsu?  Trong tuần lễ này, tôi sẽ tưởng niệm cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu.  Liệu tình yêu dám chết của Chúa Giêsu dành cho tôi, có đủ để Ngài trở thành bạn hoặc ân nhân của tôi không?  Tôi yêu Chúa đến mức nào?  Có khi nào tôi đã dám “xả láng” với Chúa như Maria không?  Nếu yêu Chúa thật sự, tôi muốn xả láng như thế nào với Chúa trong Tuần Thánh này?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và đưa ra một việc làm cụ thể trong Tuần Thánh này, diễn tả sự quảng đại đến xả láng của tôi đối với Chúa Giêsu. 

Phạm Đức Hạnh, SJ          

Saturday, March 27, 2021

Chúa Nhật Lễ Lá – Năm B –28-3-2021 – Chúa Giêsu Vào Thành Giê-ru-sa-lem Trong Vinh Quang

CN Le La

Phi-li-phê 2:6-11

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

(Trích Thư Phi-li-phê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá, Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Chay và cũng là ngày khởi đầu của Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.  Gọi là Chúa Nhật Lễ Lá vì là ngày tưởng niệm Chúa Giêsu vào Thành Giê-ru-sa-lem, được dân chúng tung hô chào đón, người này dùng cành lá vẫy chào, kẻ khác trải áo của mình xuống đường để cho Ngài đi qua.  Chính vì thế mà thánh lễ hôm nay bắt đầu bằng nghi thức làm phép lá và kiệu lá vào nhà thờ.  Truyền thống hay dùng lá cọ, lá cau hay lá dừa, nhưng không nhất thiết phải như vậy; mỗi nơi có thể dùng cây lá nào phổ biến nhất ở địa phương đó.  Mỗi người sẽ mang lá hoặc sẽ nhận được lá sau khi chủ tế làm phép và kiệu lá đầu thánh lễ.  Sau lễ, mỗi người mang lá về nhà, treo vào ảnh tượng thánh giá hoặc các ảnh tượng khác trên bàn thờ của gia đình để đến trước Mùa Chay năm sau, mỗi nhà thờ lại nhận lại các lá của Lễ Lá năm trước, đốt thành tro và dùng tro đó để xức lên trán vào đầu Mùa Chay.  Hầu hết các giáo phái Kitô như: Công giáo, Tin lành, Anh giáo, Chính thống Đông Phương đều bước vào Tuần Thánh bằng Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay.  Đây là một điểm đẹp của sự hiệp nhất.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn cầu nguyện cho sự hợp nhất và hợp tác giữa các giáo phái Kitô cho hạnh phúc và nền hòa bình của nhân loại.  Khi tôi cầu nguyện cho sự hợp nhất giữa các giáo phái Kitô, tôi cũng muốn từ nay, ý thức hơn, không nói năng hoặc làm bất cứ điều gì gây chia rẽ và hiểu lầm giữa giáo phái của tôi với các giáo phái khác, nhưng luôn tìm những điểm đẹp của nhau và làm cho nhau đẹp hơn, để danh Chúa mãi được tỏa sáng giữa lòng thế giới này.

2.   Bài đọc hôm nay là một đoạn văn tuyệt đẹp ca tụng Chúa Kitô và mầu nhiệm của Ngài.  Từ một Thiên Chúa, Ngài đã bỏ mình trở nên một người phàm; từ kiếp phàm nhân, Ngài chọn làm thân nô lệ; từ thân nô lệ, Ngài chọn cách thế tủi nhục nhất để chết cho nhân loại.  Nét đẹp của Kitô giáo là ở điểm này.  Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa ở chín tầng mây, chẳng biết gì đến những đau khổ của con người; trái lại, Kitô giáo tuyên xưng một Thiên Chúa đã trở nên xác phàm, đi qua mọi đau khổ để chia sẻ và cảm thông với mọi đau khổ của phận người.  Thiên Chúa cứu chuộc tôi không bằng cách làm phép lạ cho mọi đau khổ biến mất, nhưng đồng hành với tôi trong mọi khổ đau.  Tôi cảm thấy như thế nào về tình yêu đồng hành của Thiên Chúa với tôi?  Tôi đọc lại bài đọc trên để cảm nghiệm thật sâu tình yêu cao cả này.  Tôi đọc lại bài đọc trên để học biết đồng hành và chia sẻ với mọi người đau khổ quanh tôi.  Tôi nói gì với Chúa Giêsu về tình yêu cao cả mà Ngài đang dành cho tôi?  Tôi nói gì với Chúa Giêsu khi tôi cùng với Giáo hội bước vào Tuần Thánh, sao cho ý nghĩa và đầy ơn sủng hơn mọi năm?

Phạm Đức Hạnh, SJ       

Friday, March 26, 2021

Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay – Năm B –27-3-2021

 Thu Bay V MC

Gioan 11:45-57

45Khi ấy, sau khi ông La-da-rô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây?  Người này làm nhiều dấu lạ. 48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” 49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, 50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” 51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chuyện Chúa Giêsu làm cho La-da-rô sống lại là một việc làm phi thường.  Chuyện rất ngỡ ngàng này đáng ra phải làm cho tất cả những ai đã thấy tận mắt và nghe tận tai đều tin nhận Chúa Giêsu chứ; nhưng không, vẫn có những người không tin nhận Ngài.  Họ đi thuật lại cho những người Pha-ri-sêu và Thượng Hội Đồng biết để tìm cách bắt Chúa Giêsu.  Có khi nào tôi cũng thấy mình trong những người không tin nhận Chúa, dù tôi đã thấy tận mắt, nghe tận tai những gì Chúa đã làm trong cuộc đời tôi và trước mắt tôi?  Có những kinh nghiệm hay biến cố nào đã xảy ra trong đời tôi, mà ở những lúc đó tôi thấy như là phép lạ, mà những người khác cũng chứng kiến cùng kinh nghiệm lạ lùng ấy với tôi và cuộc đời họ thay đổi hẳn; trong khi đó, niềm tin của tôi chẳng lớn lên được chút nào và đời sống của tôi chẳng biến đổi được bao nhiêu?  Điều gì đã làm cho lòng tôi chai cứng như vậy?  Lòng ao ước được biến đổi mãnh liệt đến bao nhiêu?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu về lòng ao ước, sự chai cứng, hoặc sự biết ơn của lòng tôi.

2.      Cai-pha, một người trong Thượng Hội Đồng, đã nói tiên tri về cái chết của Chúa Giêsu: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.”  Chuyện ấy đã xảy ra đúng như lời ông ấy đã nói.  Chúa Giêsu đã chết để mọi người được sống nhờ danh của Ngài và nhờ tình yêu của Ngài.  Kể từ sau cái chết thay ấy của Chúa Giêsu, lịch sử Giáo hội tràn đầy những tấm gương “chết thay” cho người khác, chẳng hạn như Thánh Maximilian Kôn-bê, Mẹ Tê-rê-xa, các thánh tử đạo Việt Nam…  Mẫu gương chết thay của Chúa Giêsu cho cả nhân loại dạy tôi và mời gọi tôi gì trong cuộc sống này?  Có khi nào tôi đã dám chịu thiệt thòi để người khác được lợi hơn chưa?  Tôi cảm thấy như thế nào khi có thể và dám làm những điều ấy?  Chúa đang mời gọi tôi “chết thay” ở những nơi đâu và cho những ai ngày hôm nay?  Tôi đáp trả lời mời gọi này ra sao?  Tôi chia sẻ với Chúa về nỗi lòng của tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Có Một Tình Yêu,” của Ân Đức, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=miKlNjNDPyo

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, March 25, 2021

Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay – Năm B –26-3-2021

Thu Sau V MC

Gioan 10:31-42

31Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. 32 Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” 33 Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” 34 Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? 35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? 37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó.  Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” 39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ. 40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su.  Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chuyện tranh cãi về căn tính của Chúa Giêsu với những người Do-thái, trong bài đọc hôm nay, đã gay cấn đến nỗi họ muốn ném đá giết Ngài.  Những người Do-thái cho rằng Chúa Giêsu đã phạm thượng vì dám xưng mình là Thiên Chúa.  Tội phạm thượng, hay ngày nay còn gọi là tội báng bổ tôn giáo vốn được xem là tội rất nặng trong hầu hết các tôn giáo.  Có nhiều hình thức báng bổ tôn giáo như: nói hoặc có những hành động xúc phạm đến Thiên Chúa, hay vị sáng lập, hoặc nơi thờ phượng của một tôn giáo nào đó, vẽ tranh biếm họa hoặc viết sách phỉ báng vị sáng lập đạo, giảng dạy những giáo thuyết sai lệch với truyền thống, hoặc bỏ đạo để gia nhập đạo khác…  Theo thống kê của Pew, 2013, hiện nay trên thế giới có khoảng 70 quốc gia xem báng bổ tôn giáo là tội đáng tử hình, trong đó có 32 quốc gia là Hồi giáo.  Có đến 75% những người được hỏi ở Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á ủng hộ luật báng bổ tôn giáo của Hồi giáo; trong đó: 25% ở Đông Nam Á, 50% ở Trung Đông và Bắc Phi, và 75% ở Nam Á ủng hộ án tử hình cho những ai báng bổ tôn giáo.  Dù ai đó có quá đáng, rất khắt khe, nhiệt tâm bảo vệ niềm tin và sẵn sàng giết tất cả những ai dám báng bổ tôn giáo của họ, tôi phải công nhận rằng, hành động của họ nói rất nhiều về sự tự hào cũng như lòng mến của họ đối với niềm tin mà họ tuyên xưng.  Dù tôi có đồng ý hay không đối với những người Do-thái đang chống đối Chúa Giêsu, hành động và thái độ bảo vệ niềm tin của họ đáng cho tôi phải suy nghĩ về thái độ và lòng mến của tôi đối với niềm tin Kitô của tôi.  Tôi yêu mến Chúa Kitô và yêu mến Đạo Kitô đến mức nào, khiến tôi luôn quyết tâm bảo vệ, không để ai xúc phạm đến Chúa Kitô và Đạo Kitô của tôi?  Tôi trả lời Chúa Kitô trong lúc này.  Tôi cũng hỏi Chúa Kitô xem Ngài muốn tôi diễn tả lòng mến và bảo vệ niềm tin Kitô của tôi bằng cách nào?   

2.      Những người Do-thái đã không tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, thế còn tôi thì sao?  Tôi tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không, mãnh liệt đến mức nào?  Tôi đọc lại chuyện tranh cãi ở trên và để ý lòng tôi đang nghiêng chiều về bên nào?  Tôi tin yêu Chúa Giêsu ở trên đầu hay ở cả trái tim, ở lời nói hay ở cả hành động, ở trong nhà thờ hay ở cả ngoài xã hội, ở trong gia đình hay ở cả nơi công sở, ở những lúc bình an hay ở cả những lúc đau khổ, ở quanh những người tôi quen biết và ở cả những lúc tôi ở với những người xa lạ, ở trong biến cố giáng sinh hay ở cả biến cố phục sinh?  Tôi trả lời và nói chuyện với Chúa Giêsu trong lúc này. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, March 24, 2021

Thứ Năm Tuần V Mùa Chay – Năm B –25-3-2021 – Lễ Truyền Tin

Thu Nam V MC

Luca 1:26-38

26Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.  Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” 34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.”  Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Tôi có thể cảm thấy hơi lạ về Lễ Truyền Tin, Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Mẹ, bởi vì chỉ còn đúng một tuần nữa cả Giáo hội sẽ bước vào Tam Nhật Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.  Nghe như thể, Chúa Giêsu vừa được thụ thai trong lòng Mẹ Maria một tuần, Ngài đã chịu đóng đinh trên thập giá.  Vô lý quá!  Tại sao không mừng lễ này xa khỏi Tam Nhật Thánh có phải hay hơn không?  Không.  Phải mừng Lễ Truyền Tin hôm nay, 25 tháng 3, để 9 tháng sau mừng Lễ Giáng Sinh, 25 tháng 12, như vậy mới hợp lý.  Lễ Truyền Tin, đúng ra, phải là lễ long trọng hơn Lễ Giáng Sinh bởi vì, không có việc truyền tin làm sao có lễ Giáng Sinh được?  Tuy nhiên, ngay cả ngày hôm nay khó có ai biết được chính xác giây phút thụ thai của một con người.  Trong khi đó, việc một người nào đó chào đời là điều chắc chắn và hiển nhiên hơn, có lẽ vì lý do này mà Lễ Giáng Sinh được coi trọng hơn.  Tôi có thể bắt đầu giờ cầu nguyện hôm nay bằng một lời kinh quen thuộc, đồng thời cũng là lời chào của Thiên Thần đối với Mẹ Maria: “Kính mừng Maria đầy phúc.  Thiên Chúa ở cùng Mẹ,” xin Mẹ giúp tôi hiểu hơn mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu.

2.      Tôi muốn hình dung bối cảnh truyền tin của thiên thần đối với Đức Mẹ năm xưa.  Tôi đặt tôi vào trong bối cảnh ấy.  Tôi là ai trong căn nhà của Mẹ?  Tôi đã thấy gì khi biến cố truyền tin xảy ra?  Mẹ Maria đang làm gì lúc ấy?  Tôi nghe được gì từ cuộc trao đổi giữa Mẹ và thiên thần?  Mẹ đã phản ứng như thế nào khi được thiên thần hiện ra và khi nghe sứ điệp từ thiên thần?  Tôi hiểu biến cố truyền tin này như thế nào?  Tôi có thể nói chuyện với Ba Ngôi Thiên Chúa, với Đức Mẹ, hầu giúp tôi hiểu mầu nhiệm nhập thể này hơn và biết ơn Mẹ đã nói lời xin vâng với Thiên Chúa, qua đó tôi cũng tập nói lời xin vâng với Thiên Chúa trong cuộc sống của tôi hôm nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Chercher Avec Toi, Marie – Con Tìm Với Mẹ”, do Jean-Claude Gianadda, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=DeqvEhNpEcc

Phạm Đức Hạnh, SJ


Tuesday, March 23, 2021

Thứ Tư Tuần V Mùa Chay – Năm B –24-3-2021

Thu Tu V MC 

Gioan 8:31-42

31Khi ấy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” 33 Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham.  Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ.  Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” 34 Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. 35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. 36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. 37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. 38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” 39 Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.”  Đức Giê-su nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. 40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa.  Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. 41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”

Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang.  Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!” 42 Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến.  Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Cuộc tranh cãi giữa Chúa Giêsu và người Do-thái, trong bài đọc hôm nay, đã đến hồi gây cấn kịch liệt.  Chủ đề tranh cãi tập trung vào hai vấn đề: “nô lệ” và “tự do”; đây cũng là hai vấn đề lớn xuyên suốt lịch sử nhân loại.  Tôi muốn cầu nguyện về hai vấn đề này trong giờ cầu nguyện hôm nay.  Trước hết là vấn đề “nô lệ”.  Tôi muốn lấy câu nói của Chúa Giêsu để suy niệm: “Hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.  Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi.”  Tôi cảm nghiệm như thế nào về câu nói này của Chúa Giêsu?  Cái gì đang giam hãm, điều khiển tôi bao lâu nay, khiến tôi không thể làm được những điều Chúa muốn và lương tâm ngay lành của tôi muốn?  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi cắt bỏ những xiềng xích đang trói buộc tôi.    

2.      Thứ hai là tự do.  Vấn đề tự do luôn gắn liền với vấn đề nô lệ.  Tôi sẽ không thể thoát, được tự do thực sự, nếu không biết mình đang bị giam cầm bởi ai và bởi cái gì.  Tôi sẽ không thể thoát, được tự do thực sự, nếu không biết người tôi đang đeo bám và vật tôi đang theo đuổi.  Chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng duy nhất cho tôi được tự do thật sự và chỉ có sự thật mới là cái tôi cần đeo bám.  Tôi khao khát tự do đến mức nào?  Tôi muốn thoát khỏi vòng nô lệ và sự ràng buộc đến mức nào?  Tôi muốn dành giây phút này chiêm ngắm Chúa Giêsu, kêu xin, bám chặt vào Ngài để tôi được tự do.  Tôi đọc lại lời của Chúa Giêsu đã nói trong bài đọc hôm nay: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.”  Chỉ có sự thật mới là cái tôi cần phải theo bám.  Trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay, mọi người đang bị choáng ngợp, lẫn lộn giữa thật và giả.  Nhưng như lời Chúa Giêsu nói, chỉ có sự thật mới giải thoát tôi.  Tôi xin Chúa cho tôi một đầu óc biết biện phân: lành-dữ, phải-trái, đúng-sai, giả-thật, tốt-xấu, để tôi được thực sự tự do.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 22, 2021

Thứ Ba Tuần V Mùa Chay – Năm B –23-3-2021

Thu Ba V MC

Gioan 8:23-30

23Khi ấy, Đức Giêsu bảo người Do-thái rằng: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới.  Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. 24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.  Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” 25 Họ liền hỏi Người: “Ông là ai?”  Đức Giê-su đáp: “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. 26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông.  Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” 27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. 28 Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. 29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” 30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Càng đến gần biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, Giáo hội càng mời gọi tôi suy niệm những gì rất thật về hai bản tính của Chúa Giêsu: Thiên tính và nhân tính.  Bài đọc hôm nay là việc Chúa Giêsu tỏ mình ra cho người Do-thái về thiên tính của Ngài, nhưng có một số ít người tin, phần nhiều vẫn không tin; trái lại, họ còn cho là Ngài đã phạm thượng, và tìm cách giết Ngài, như tôi sẽ thấy trong Tuần Thánh sắp tới.  Mà chẳng phải chỉ có người Do-thái không tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, cả ngày hôm nay, nhiều người vẫn không tin nhận những gì Ngài nói về Ngài.  Có nhiều người chỉ nhìn nhận Chúa Giêsu như một danh nhân, một bậc hiền triết, chứ không phải Chúa.  Có nhiều Kitô hữu cũng chỉ tin nửa vời vào những gì Chúa Giêsu nói về Ngài, còn vẫn vái tứ phương, thờ đủ mọi thứ.  Cuối cùng Chúa Giêsu chẳng còn là Chúa trong lòng họ nữa, mà chỉ là một trong những THỨ mà họ thờ thôi.  Tôi tin nhận Chúa Giêsu như thế nào và đến mức nào?  Chúa Giêsu thật sự là ai đối với tôi?  Tôi ngồi bên Chúa Giêsu trong lúc này, đọc lại những lời Ngài nói và trả lời cho Ngài biết lòng tin của tôi vào Ngài như thế nào.

2.      Có một điểm nổi bật về Chúa Giêsu trong những gì Ngài nói và làm, đó là: gắn bó mật thiết với Chúa Cha và làm theo thánh ý Ngài.  Đây chính là điểm càng ngày càng nổi bật trong Chúa Giêsu khi Ngài tiến dần đến đỉnh cao của cuộc thương khó trên thập giá.  Tôi cũng muốn suy niệm điểm này trong ngày hôm nay và cả tuần lễ này trước khi bước vào Tuần Thánh.  Tôi muốn tìm sự kết hiệp với Chúa Cha trong mọi lúc và học vâng theo thánh ý Ngài trong mọi ngày sống của tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng lời kinh mà Chúa Giêsu đã dạy, Kinh Lạy Cha, kinh mà Chúa Giêsu luôn muốn tôi xin, sao cho được vâng theo thánh ý Chúa Cha trong mọi lúc.    

Phạm Đức Hạnh, SJ