Luca 1:39-47
39 Hồi ấy,
bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà
vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà
Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và
bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng:
"Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang
cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với
tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì
đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì
đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em." 46 Bấy
giờ bà Ma-ri-a nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47thần
trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”
(Trích Phúc âm Luca,
bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Theo truyền thống, Mẹ Maria đã hiện ra hai lần với Juan Diego, người Aztec, một bổn đạo mới, vào ngày 9 tháng 12 và một lần nữa vào ngày 12 tháng
12 năm 1531. Trong lần hiện ra đầu tiên,
Mẹ đã yêu cầu xây dựng một nguyện đường tại Đồi Tepeyac, nơi Mẹ hiện ra. Tuy nhiên, vị giám mục lúc ấy đã đòi hỏi một dấu
chỉ của Mẹ trước khi ngài chấp thuận cho xây nguyện đường. Đức Mẹ sau đó hiện ra lần thứ hai với Juan
Diego và trao cho anh ta những bông hoa hồng, để khi gặp giám mục, Mẹ sẽ cho biết
dấu chỉ. Khi Juan Diego gặp giám mục,
anh ta đã mở tà áo choàng của mình và hàng chục bông hồng rơi xuống sàn, làm lộ
ra hình của Mẹ được in chìm bên trong chiếc áo choàng - hình ảnh này ngày nay vẫn
được tôn kính tại Vương cung thánh đường Guadalupe. Mẹ Guadalupe có một vị trí đặc biệt trong lối sùng đạo bình dân rất được phổ biến tại Mexico. Mẹ còn đóng một vai trò quan trọng như một biểu
tượng quốc gia của Mexico. Vai trò của Mẹ Guadalupe trong lịch sử Mexico không chỉ
giới hạn ở các vấn đề niềm tin, Mẹ còn đóng một vai trò quan trọng trong phong
trào chủ nghĩa bản sắc dân tộc Mexico. Năm
1810, Miguel Hidalgo y Costilla đã tôn vinh Mẹ là Đấng bảo trợ cho cuộc nổi dậy
mà ông đang lãnh đạo chống lại người Tây Ban Nha. Hình ảnh của Đức Trinh Nữ Guadalupe xuất hiện
trên các biểu ngữ của phe nổi dậy và tiếng hô xung trận của phe nổi dậy là
"Mẹ Guadalupe Muôn Năm". Trong
một cuộc phục hưng tôn giáo ở Mexico vào cuối thế kỷ 19, các nhà giảng thuyết đã
tuyên bố rằng, nền tảng của Mexico có thể có niên đại vào thời điểm Đức Mẹ
Guadalupe hiện ra, bởi Mẹ đã giải phóng giáo dân khỏi nạn thờ ngẫu tượng và hòa
giải người gốc Tây Ban Nha với những người bản xứ trong cùng một lối sùng đạo
chung. Những nông dân nổi dậy của
Emiliano Zapata đã mang biểu ngữ của Mẹ khi họ tiến vào Thành phố Mexico năm
1914, và trong cuộc nội chiến ở Mexico năm 1926–29, các biểu ngữ của những người
nổi dậy đã mang hình ảnh của Mẹ. Mẹ như
là biểu tượng của niềm tin và quốc gia, vẫn còn đóng một vai trò quan trọng, được
chứng thực bởi hàng trăm ngàn người hành hương kính viếng nguyện đường của Mẹ mỗi
năm.
2.
Hôm nay Lễ Kính Đức
Mẹ Guadalupe, lời Chúa trong bài đọc hôm nay diễn tả Mẹ đi thăm và chia sẻ niềm
vui với người chị họ là bà Ê-li-sa-bét.
Đây là hình ảnh đặc trưng của Mẹ Maria.
Trong lịch sử Giáo hội, Mẹ Maria luôn là người mẹ đầy yêu thương, quan
tâm và săn sóc con cái của Mẹ, đặc biệt những khi họ gặp khổ đau. Mẹ không chỉ cưu mang Đấng Emmanuel (Thiên
Chúa ở cùng chúng ta), nhưng còn như là hiện thân của Thiên Chúa luôn ở cùng với
con người trong mọi hoàn cảnh. Lịch sử
cho thấy, ở đâu có sự bắt bớ và chiến tranh, ở đó Mẹ đã hiện ra để an ủi và bảo
vệ con cái của Mẹ. Sự kiện Mẹ hiện ra ở
Fatima, ở Lộ-Đức, ở Mexico, ở La-vang và nhiều nơi khác trên thế giới từ xưa đến
nay là bằng chứng. Mẹ còn là hình ảnh
linh thiêng rất gần gũi với mọi tín hữu; chính vì thế, lòng sùng kính Mẹ với
Kinh Mân Côi có lẽ phổ biến và mạnh nhất trong Giáo hội. Tôi muốn học nhân đức nào của Mẹ để giúp những
người thân chung quanh đi qua những khó khăn và đau khổ của đại dịch lúc này?
Hôm nay cũng đã gần lễ Giáng Sinh, ngày mà Mẹ vui nhất vì đã sinh ra Đấng
Cứu Thế. Chắc chắn Mẹ đã hồi hộp, lo sợ, vui mừng lẫn lộn. Tôi muốn đi vào những cảm xúc của Mẹ khi ấy, và xin cho được những cảm xúc như Mẹ trong việc chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài
hát, “Kìa Bà Nào,” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=6hDftiAzHFk
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment