Tuesday, May 31, 2022

Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh – Năm C –1-6-2022 – Lễ Thánh Justin, Tử Đạo

Thu Tu VII PS

Gioan 17:11b-19

11bKhi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con.  Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật đẹp và không cần một lời giải thích.  Chúa Giêsu cầu nguyện cho những người Ngài thương mến.  Tôi có thể đọc lại nhiều lần để có thể nghe được Chúa Giêsu đang cầu nguyện cùng Chúa Cha cho tôi, ngay trong giây phút này.  Tôi để ý tâm tình đầy yêu thương của Chúa đang dành cho tôi, người mà Ngài thương mến.  Tôi cảm thấy như thế nào khi Ngài nói chuyện với Chúa Cha về tôi, và trao gởi tôi cho Chúa Cha?  Tôi ở lại với những tâm tình mà tôi đang cảm nhận từ Chúa Giêsu.

2.      Tôi để ý đến câu nói của Chúa Giêsu: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ [những người mà Ngài thương mến, trong đó có tôi]”.  Tôi muốn được Chúa Cha thánh hiến không?  Tôi có sợ sự thật không?  Tôi có yêu mến sự thật không?  Tôi xin Chúa cho tôi dám can đảm đối diện với sự thật và sống theo sự thật để tôi được tự do.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, May 30, 2022

Thứ Ba Tuần VII Phục Sinh – Năm C –31-5-2022 – Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Elizabeth

Thu Ba VII PS

Luca 1:39-45

39Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét. 41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

 (Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là Lễ Đức Mẹ đi thăm Bà Elizabeth.  Trong khi nhiều lễ kính Đức Mẹ nằm trong số những lễ đầu tiên được Giáo Hội, Đông và Tây cử hành rộng rãi khắp nơi, Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Elizabeth lại được hình thành khá muộn, thế kỷ 13 hoặc 14.  Khởi đầu từ lòng sùng kính Đức Mẹ của Thánh Bonaventure, sau đó được Dòng Phanxico chấp nhận và phổ biến rộng rãi vào năm 1263.  Năm 1389, ĐGH Urban VI đã chấp nhận lòng sùng kính này và thiết lập thành một ngày lễ chính thức được đưa vào phụng vụ, phổ biến một cách rộng rãi toàn Giáo hội, với một mục đích là cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội.  Tôi muốn dành giờ kinh hôm nay cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội hiện nay.    

2.      Câu chuyện Đức Mẹ đi thăm Bà Elizabeth xảy ngay sau khi Mẹ được thiên thần truyền tin cưu mang Đấng Cứu Thế.  Thiên thần đã báo cho Mẹ biết là Bà Elizabeth, mặc dù đã già và bị mang tiếng là hiếm muộn, nay cũng đã có thai được sáu tháng.  Mẹ được tin mang thai Đấng Cứu Thế là một chuyện đầy ngạc nhiên, ngoài sức tưởng tượng của Mẹ và của loài người.  Chuyện Bà Elizabeth được mang thai cũng là chuyện rất khó tin với mọi người.  Cả hai việc mang thai này đều bởi Thiên Chúa, một món quà và việc làm vượt trên khả năng và trí tưởng tượng của con người.  Chia sẻ niềm vui với người khác là một việc làm rất tự nhiên của con người.  Một khi tôi vui, hạnh phúc, yêu thương, bình an, việc chia sẻ với mọi người là một việc làm tự nhiên, không ai có thể dấu được.  Bà Elizabeth cảm thấy vui, hạnh phúc, hãnh diện, đặc biệt vì được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm.  Giờ cầu nguyện mỗi ngày là mỗi dịp tôi cũng được Thiên Chúa ghé thăm.  Tôi nhận ra điều này không?  Tôi có hãnh diện, hạnh phúc, vui vì được Thiên Chúa ghé thăm, như Bà Elizabeth?  Niềm vui của Bà Elizabeth trào dâng, lòng tôi có trào dâng một niềm vui vì được Chúa ghé thăm tôi mỗi ngày?  Tôi bắt đầu một ngày sống như thế nào khi nhận ra Thiên Chúa ghé thăm tôi mỗi ngày?  Ai là những người đang cần đến những niềm vui, bình an, sức sống, hy vọng, hạnh phúc mà tôi cần chia sẻ lúc này?  Tôi bắt chước Mẹ, cũng chia sẻ những cảm nhận này với mọi người xung quanh và làm cho họ cũng được vui, được yêu thương, được sống tròn đầy như tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời nguyện của Thánh Bê-na-đô: Lạy Mẹ, bước theo MẸ con không lạc hướng.  Kêu cầu MẸ con không thất vọng.  Lĩnh ý MẸ con không sai lầm.  Tựa vào MẸ con không vấp ngã.  Nhờ ơn MẸ con về tới bến.  Amen”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, May 29, 2022

Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh – Năm C –30-5-2022

Thu Hai VII PS

Gioan 16:29-33

29Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng: “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy.  Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31 Đức Giê-su đáp: “Bây giờ anh em tin à? 32 Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình.  Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.  Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.  Nhưng can đảm lên!  Thầy đã thắng thế gian.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Dụ ngôn là câu chuyện ngắn với những hình ảnh đơn sơ, những ngôn từ mộc mạc được dùng để diễn tả một điều gì sâu kín, cao siêu mà người ta rất khó diễn tả trong những câu nói thông thường.  “Dụ ngôn” trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “đặt ở bên cạnh”, trong so sánh.  Vì thế dụ ngôn, có nghĩa là một cái gì đó được đặt bên cạnh một cái gì đó tốt đẹp, để nhờ cái tốt, cái sáng của cái này giúp cho ta dễ hiểu hơn những gì chưa rõ, khó hiểu hoặc không thể diễn tả được bằng cách thông thường từ cái kia.  Bài đọc hôm nay các môn đệ thưa với Chúa Giêsu về việc họ đã tin ở Chúa Giêsu mà không cần dụ ngôn nữa.  Điều này cho thấy, các môn đệ không cần một hình ảnh nào hay câu chuyện nào để hiểu về Thiên Chúa nữa, mà họ đã nhận thấy chính con người và cuộc đời của Chúa Giêsu là dụ ngôn giúp họ hiểu và tin vào Thiên Chúa.  Và Chúa Giêsu đã đáp lại họ: “Bây giờ anh em tin à?”  Liệu Chúa Giêsu cũng hỏi tôi câu hỏi này không?  Tôi có thể thấy, hiểu và tin một Thiên Chúa như thế nào qua Chúa Giêsu?  Tôi chia sẻ suy nghĩ của tôi cho Chúa trong lúc này và để ý Ngài sẽ nói gì với tôi về những suy nghĩ ấy của tôi?   

2.      Trong mẩu đối thoại ngắn ngủi giữa Chúa Giêsu và các môn đệ từ bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu dường như không tin là các môn đệ hiểu đúng về Ngài, hoặc hiểu được những kế hoạch của Ngài.  Họ có thể tin và hiểu về một Thiên Chúa như một vị cứu tinh sẽ đến giải phóng dân tộc họ khỏi nô lệ, một vì cứu tinh đầy quyền năng mà họ sẽ được giữ những chức vụ quan trọng này, quan trọn kia.  Nhưng Chúa Giêsu đã cho các môn đệ hiểu rõ hơn về những gì Ngài sẽ sắp phải trải qua, và chính họ cũng sẽ phải trải qua vì họ thuộc về Ngài.  Chúa Giêsu muốn trấn an họ trước khi những gian nan thử thách xảy đến.  Tôi có thể xin Chúa cũng củng cố niềm tin và trấn an tôi trước những thách đố niềm tin mà tôi đang phải đối diện chăng? 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Saturday, May 28, 2022

Chúa Nhật Tuần VII Phục Sinh – Năm C –29-5-2022 – Lễ Thăng Thiên

CN VII PS

Tông Đồ Công Vụ 1:1-11

6Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” 7 Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và  kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.  Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” 9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. 10 Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11 và nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời?  Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là lễ Thăng Thiên, mừng Chúa Giêsu lên trời.  Bài đọc hôm nay kết thúc bằng một câu rất đáng cho tôi chú ý.  Hai người đàn ông mặc áo trắng xuất hiện nói với các môn đệ đang đăm đăm ngắm nhìn Chúa Giêsu mất hút trong đám mây, nói: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời?  Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.”  Dù Chúa Giêsu được về trời thật và chính các môn đệ đã chứng kiến, nhưng câu nói trên là một câu nói đầy biểu tượng, nhằm để nhắc nhở họ phải trở về với đời thực, đừng cứ ngắm nhìn trời mãi.  Điều này cũng dễ thấy ở một số Kitô hữu ngày nay, rất mực đạo đức, rất sùng đạo, trông có vẻ rất yêu mến Chúa; tuy nhiên, đời sống của họ khi nào cũng cứ như ở trên mây, chẳng thực tế một chút nào.  Dường như họ sống ở đời này nhưng chỉ mong về một cõi thiên đàng mai sau, không thấy thiên đàng đang ở ngay bên.  Chúa Giêsu đã về trời, điều đó tốt và là một hy vọng lớn cho tôi, một ngày nào đó tôi cũng lại được gặp Chúa trên trời; nhưng, tôi cũng không nên quên, Thiên Chúa đã xuống làm người để biến cả cuộc sống của tôi tại dương thế này cũng thành thiên đàng.  Bởi thế, ngày nào tôi còn sống ở dương thế này, hãy tìm và cảm nghiệm thiên đàng ngay ở đây.  Nếu tôi không tìm thấy và cảm nghiệm được thiên đàng ngay ở cuộc đời này, tôi sẽ chẳng thể nào vào được thiên đàng mai sau.  Tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu, tôi có thể xin Chúa Thánh Thần giúp tôi biết tìm thiên đàng tại dương thế này.

2.      Trước khi về trời, Chúa Giêsu nói với các môn đệ:  “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”  Như vậy tôi không thể cứ sống trên mây, nhưng cần phải trở về với đời thực để làm chứng cho Chúa Giêsu tại Giu-đê, Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem.  Nếu Giu-đê, Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem là nơi các môn đệ đã sinh ra, lớn lên, lập nghiệp, là nơi cha mẹ, bà con hàng xóm và bạn bè của họ ở đó, thì Giu-đê, Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem của tôi hôm nay cũng chính là gia đình, xứ đạo, xóm làng, sở làm của tôi.  Tôi phải trở về những nơi này và biến những nơi này thành thiên đàng tại thế.  Thánh Inhaxio Loyola nói: "Người nào mang Chúa trong tim sẽ mang cả thiên đàng bên mình ở mọi nơi người ấy tới – He who carries God in his heart bears heaven with him wherever he goes."  Tôi có thấy Chúa trong gia đình và người thân, bạn bè của tôi hiện nay?  Người ta có thấy Chúa trong tôi không?  Tôi sẽ làm gì để gia đình tôi trở thành một thiên đàng?  Tôi sẽ làm gì để mọi người gặp tôi là gặp thiên đàng?  Tôi nói chuyện với Chúa trong lòng tôi lúc này và quyết tâm biến tâm hồn tôi là một thiên đàng đối với mọi người.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, May 27, 2022

Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh – Năm C –28-5-2022

Thu Bay VI PS

Gioan 16:23b-24

23bKhi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy.  Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời nhắn nhủ đầy ân tình của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ nghe thật thân thương.  Tôi hình dung những lời ấy Chúa Giêsu cũng đang nói với tôi: “Thật, Thầy bảo thật với con: Con mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho con nhân danh Thầy.”  Tôi cảm thấy thế nào về lời này của Chúa Giêsu?  Tôi ước ao được nghe những lời này từ Chúa Giêsu không?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và để ý Ngài sẽ nói với tôi những gì, và tâm tình của Ngài như thế nào.

2.      Chúa Giêsu khuyến khích: “Cứ xin đi, các con sẽ được, để niềm vui của các con nên trọn vẹn.”  Tôi có tin ở lời của Chúa Giêsu không?  Nếu không, tại sao không?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu về sự không tin của tôi lúc này.  Nếu những lời này Chúa Giêsu nói cho tôi lúc này, tôi có dám xin và sẽ xin gì?  Tôi tin tưởng như thế nào trong lời cầu xin của tôi?  Một mục sư người Mỹ sống tại Texas, Max Lucado nói về cầu nguyện như sau: “Sức mạnh của cầu nguyện là ở Đấng đón nghe những lời tôi nguyện cầu, chứ không ở tôi cầu nguyện – The power of prayer is in the One who hears it and not in the one who says it.”  Tôi trầm mình bên Chúa Giêsu trong giây phút này.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, May 26, 2022

Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh – Năm C –27-5-2022 – Lễ Thánh Augustine of Canterbury, Giám Mục

Thu Sau VI PS

Tông Đồ Công Vụ 18:9-18

9Khi ông Phao-lô đang ở Cô-rin-tô, thì vào một đêm, Chúa bảo ông trong một thị kiến rằng: “Đừng sợ!  Cứ nói đi, đừng làm thinh, 10 vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.” 11 Ông Phao-lô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời Thiên Chúa.

12Thời ông Ga-li-on làm thống đốc tỉnh A-khai-a, người Do-thái nhất tề nổi dậy chống ông Phao-lô; họ đưa ông ra toà 13 và nói: “Tên này xúi giục người ta tôn thờ Thiên Chúa trái với Lề Luật.” 14 Ông Phao-lô toan mở miệng, thì ông Ga-li-on đã nói với người Do-thái: “Hỡi người Do-thái, giả như có gì là trái Luật hay phạm pháp, thì lẽ đương nhiên là tôi sẽ chịu khó nghe các ông. 15 Nhưng đây lại là những chuyện tranh luận về giáo thuyết, danh từ, luật lệ riêng của các ông, thì các ông hãy tự xét lấy.  Phần tôi, tôi không muốn xét xử những điều ấy.” 16 Rồi ông đuổi họ ra khỏi toà án. 17 Mọi người liền túm lấy ông Xốt-thê-nê, trưởng hội đường, mà đánh túi bụi ngay trước toà án.  Nhưng ông Ga-li-on chẳng bận tâm gì về việc này.

18Ông Phao-lô còn ở lại Cô-rin-tô khá lâu, rồi từ giã các anh em và vượt biển sang miền Xy-ri, cùng với bà Pơ-rít-ki-la và ông A-qui-la.  Trước đó, tại Ken-khơ-rê, ông xuống tóc, vì có lời khấn.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nhật ký truyền giáo trong bài đọc hôm nay tiếp nối hành trình rao giảng của Phao-lô tại Cô-rin-tô.  Sau khi bị những người Do-thái chống đối, Phao-lô rũ áo và nói với họ: Đúng ra lời Chúa phải được rao giảng cho mấy người trước, nhưng vì mấy người không muốn đón nhận nên từ nay ông sẽ giảng lời Chúa cho dân ngoại, và nhiều người ở Cô-rin-tô đã tin theo.  Trong một đêm khi Phao-lô đang ở Cô-rin-tô, Chúa đã hiện ra an ủi ông, sau khi bị thử thách và chống đối bởi nhiều người Do-thái, Chúa nói: “Đừng sợ!  Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.”  Tôi cảm thấy như thế nào về những lời này của Chúa đối với Phao-lô?  Có khi nào tôi cũng được Chúa sai đi và thôi thúc tôi loan báo tin mừng cho mọi người?  Tôi có đang gặp những chống đối nào và ở đâu trong việc sống đức tin và rao giảng đức tin hôm nay?  Tôi cần Chúa an ủi như thế nào lúc này?  Tôi nói chuyện với Chúa.

2.      Những người Do-thái chống đối Phao-lô và đem ông ra tòa.  Tuy nhiên, ông không nao núng và sợ hãi.  Bởi đâu ông có được sự bình an và nhiệt tình trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu như vậy?  Tôi xin Chúa cho tôi cái tinh thần mà đã giúp Phao-lô hăng say cho việc loan báo tin mừng, hầu tôi cũng hăng say loan báo tin mừng trong thế giới của tôi hôm nay.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời nguyện của Cha Cố Pedro Arrupe SJ, Cựu Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên: “Lạy Chúa, xin cho con Thần Khí của Chúa, một sức mạnh thần linh mà đã biến đổi rất nhiều người, khiến họ có thể làm được những việc phi thường và cuộc sống phi thường – Lord, I need your Spirit, that divine force that has transformed so many people, making them capable of extraordinary deeds and extraordinary lives.”

 Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, May 25, 2022

Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh – Năm C –26-5-2022 – Lễ Thánh Philip Neri, Linh Mục

Thu Nam VI PS

Tông Đồ Công Vụ 18:1-8

1Hồi ấy, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô. 2 Tại đây, ông gặp một người Do-thái tên là A-qui-la, quê ở Pon-tô, vừa mới từ I-ta-li-a đến, cùng với vợ là Pơ-rít-ki-la, vì hoàng đế Cơ-lau-đi-ô đã ra lệnh cho mọi người Do-thái phải rời Rô-ma.  Ông Phao-lô đến thăm hai ông bà, 3 và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều. 4 Mỗi ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp.

5Khi ông Xi-la và ông Ti-mô-thê từ Ma-kê-đô-ni-a xuống, thì ông Phao-lô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô. 6 Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người!  Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại.” 7 Ông rời bỏ chỗ ấy, đến nhà một người tên là Ti-xi-ô Giút-tô.  Ông này là một người ngoại tôn thờ Thiên Chúa, nhà ở sát bên hội đường. 8 Ông Cơ-rít-pô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà.  Nhiều người Cô-rin-tô đã nghe ông Phao-lô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Trang nhật ký truyền giáo hôm nay thật đẹp và dễ thương.  Đời sống của các tông đồ thật khác với đời sống của các linh mục, tu sĩ nam nữ và các giám mục ngày nay quá.  Các tông đồ ngày xưa vừa phải bôn ba kiếm sống, làm đủ thứ nghề này nghề kia trong tuần và cuối tuần dốc hết mình vào việc rao giảng lời Chúa.  Đời sống của các tông đồ xưa nghe giống đời sống của giáo dân ngày nay hơn.  Các giáo dân ngày nay, trong tuần ai cũng phải bôn ba đủ thứ công việc để nuôi thân và nuôi gia đình, chỉ có cuối tuần mới có thể đến giúp giáo xứ dạy giáo lý, bán quán hay dọn dẹp khuôn viên giáo xứ.  Đẹp quá!  Dễ thương vô cùng!  Hóa ra, đời sống Kitô hữu hai ngàn năm qua cũng không khác nhau lắm.  Tôi có kinh nghiệm giống Thánh Phao-lô xưa không?  Tôi thường dành cuối tuần cho Chúa và công việc của Chúa như thế nào?  Tôi để ý Chúa đang vui vì những đóng góp của tôi ra sao?  Có những khó khăn nào trong phục vụ đã làm tôi nản lòng?  Tôi nói chuyện với Phao-lô lúc này.  Phao-lô bị chống đối, đánh đập, xua đuổi, bỏ tù… vậy mà ngài vẫn không bỏ cuộc.  Còn tôi? 

2.      Các Kitô hữu tiên khởi sống hết mình với cộng đoàn, sẵn sàng xả thân vì Nước Trời; ấy vậy, họ bị bách hại đủ đường.  Dù bị bách hại chỗ này, họ trốn chạy đến nơi khác và tiếp tục rao giảng lời Chúa.  Chính vì thế mà lời Chúa được lan rộng khắp nơi.  Chính nhờ đời sống gương mẫu đầy hy sinh đã tạo một ảnh hưởng lớn trên những người nghe giảng, khiến nhiền người muốn vào đạo.  Tôi có khó khăn nào trong việc rao giảng lời Chúa không?  Trong gia đình chẳng hạn?  Tôi đã rao giảng lời Chúa bằng lời nói, hay bằng gương sáng của tôi?  Đã mấy ai thật sự muốn theo Chúa vì lời nói của tôi, hay vì đời sống và gương lành của tôi?  Tôi đọc lại trang nhật ký truyền giáo trên và muốn làm mới lại tinh thần truyền giáo trong tôi.  Lạy Chúa xin ban cho con Thần Khí Chúa, Thần Khí mà đã đốt lửa nhiệt thành trong tâm hồn các Kitô hữu năm xưa, khiến họ dám dấn thân hết mình và làm mọi sự để được lợi cho mọi người là được biết Chúa Giêsu Kitô và thuộc trọn về Ngài, để con cũng nhiệt thành rao giảng Nước Trời cho mọi nơi con sống và hiện diện.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, May 24, 2022

Thứ Tư Tuần VI Phục Sinh – Năm C –25-5-2022

Thu Tu VI PS

Tông Đồ Công Vụ 17:22-28

22 Một hôm, đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. 23 Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: ‘Kính thần vô danh’.  Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị. 24 Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. 25 Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. 26 Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. 27 Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. 28 Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: ‘Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.’

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trang nhật ký truyền giáo của Phao-lô khi ngài mới đến rao giảng ở A-thê-na, Hy-lạp.  Tôi để ý đến phản ứng của Phao-lô trước cách tôn thờ của người A-thê-na.  Họ sùng đạo, họ tôn thờ và phủ phục trước thần linh, nhưng rất mơ hồ.  Họ chẳng biết gọi thần linh của họ là gì và nền tảng niềm tin của họ ra sao.  Có khi nào Phao-lô đến thăm tôi, cộng đoàn xứ đạo của tôi, ngài cũng thất vọng mà thốt lên những lời trên?  Tôi và cộng đoàn tôi tin Thiên Chúa nào?  Mạnh mẽ đến mức nào?  Hay, tôi và cộng đoàn tôi chỉ tin vậy vậy thôi, cũng mơ hồ lắm, khiến mỗi giờ kinh làm như cái máy, chỉ dùng đầu mà không dùng tim, miệng cầu xin đó nhưng lòng chẳng tin lắm, để rồi cầu kinh xong thì cũng đi vái tứ phương, đến thầy này coi bói, đến chùa kia xin quẻ, bùa ngải thì đeo đầy mình, hoặc chạy theo hết phép lạ này đến phép lạ khác?  Niềm tin Kitô giáo không dạy như vậy và không mơ hồ như vậy.  Tôi muốn đọc lại niềm tin mà Kitô giáo và các tông đồ đã rao giảng hai ngàn năm qua, để được củng cố và xác tín vào những gì tôi tuyên xưng: Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.  Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác xuống ngục Tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.  Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.  Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này. Các Thánh thông công.  Tôi tin phép tha tội.  Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.  Tôi tin hằng sống vậy.  Amen.  

2.      Phao-lô khẳng định, Thiên Chúa mà ông đang rao giảng là một Thiên Chúa đích thực, sống động, không bất động như trong các pho tượng, một Thiên Chúa có trước muôn loài và làm nên muôn loài, và ở trong Thiên Chúa ấy mà tôi sống, tôi cử động, tôi hiện hữu.  Tôi ngồi đây trước mặt Chúa, hít thở thật sâu và thả lỏng cơ thể để cảm thấy biết ơn Chúa về tất cả những gì tôi đang có: sự sống, hơi thở, bầu khí trong lành, khả năng đập của con tim, của những lá phổi, của ngũ quan, của cơ bắp...  Lần gần đây nhất tôi biết ơn và cám ơn Chúa về buồng phổi của tôi đang làm việc rất tốt là khi nào?  Tôi đã lạm dụng nó ra sao?  Khi nào tôi đã cám ơn Chúa về cặp mắt tôi vẫn còn sáng để trông thấy mọi vẻ đẹp của cuộc sống?  Đôi tai vẫn còn nghe được những điều hay lẽ phải trong cuộc sống?  Răng, lưỡi, miệng, vẫn còn thưởng thức được những món ăn ngon?...  Lạy Chúa, chính ở trong Chúa mà con sống, con cử động, con hiện hữu, con tạ ơn Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, May 23, 2022

Thứ Ba Tuần VI Phục Sinh – Năm C –24-5-2022

Thu Ba VI PS

Tông Đồ Công Vụ 16:22-34

22Hồi ấy, đám đông ở Phi-líp-phê nổi lên chống ông Phao-lô và ông Xi-la. Các quan toà, sau khi đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn. 23 Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận. 24 Được lệnh đó, người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại.

25Vào quãng nửa đêm, ông Phao-lô và ông Xi-la hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa; các người tù nghe hai ông hát. 26 Bỗng nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển.  Ngay lúc đó, tất cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người buột tung ra. 27 Viên cai ngục choàng dậy và thấy các cửa ngục mở toang, liền rút gươm định tự tử, vì tưởng rằng các người tù đã trốn đi. 28 Nhưng ông Phao-lô lớn tiếng bảo: “Ông chớ hại mình làm chi: chúng tôi còn cả đây mà!” 29 Viên cai ngục bảo lấy đèn, nhảy bổ vào, run rẩy sấp mình dưới chân ông Phao-lô và ông Xi-la, 30 rồi đưa hai ông ra ngoài và nói: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ?” 31 Hai ông đáp: “Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ.” 32 Hai ông liền giảng lời Chúa cho viên cai ngục cùng mọi người trong nhà ông ấy. 33 Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ông đi, rửa các vết thương, và lập tức ông ấy được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. 34 Rồi ông ấy đưa hai ông lên nhà, dọn bàn ăn.  Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa.

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một câu chuyện thật đẹp về những chứng nhân đức tin.  Tại sao các tông đồ có thể chịu đựng được biết bao nhiêu đau khổ cho những gì họ rao giảng?  Nếu không vì lòng mến Chúa Giesu Kito và nếu không vì sự thật là, chính họ đã được gặp gỡ Chúa Giesu Phục Sinh, không ai có thể chịu đựng được như vậy.  Bị bắt bớ, đánh đập và tù đầy, họ vẫn không một lời ca thán, trái lại rất vui mừng chịu đựng vì Chúa Giesu Phục Sinh và để cứu rỗi các linh hồn.  Tôi có thể cảm thấy như có lửa đang bừng cháy trong đời sống của các tông đồ, đến nỗi không một ai và không một cái gì có thể làm họ chùn bước và bỏ cuộc.  Có khi nào niềm tin của tôi cũng rất mạnh mẽ không?  Tôi đã có được sức mạnh từ đâu?  Có phải từ Chúa Giesu hay từ một ai khác?  Có khi nào tôi đã hèn nhát, thiếu nhiệt huyết trong việc sống và chia sẻ đức tin ở những nơi tôi sống và hiện diện?  Lý do tại sao tôi thiếu sự hiện huyết và lòng quả cảm sống đức tin giữa đời?  Tôi có thể nói chuyện với các tông đồ hoặc với Chúa Giesu trong giây phút này.

2.      Một chi tiết khá thú vị trong bài đọc hôm nay, đó là: Các tông đồ, dù bị giam cầm vẫn ca tụng Thiên Chúa, hát thánh vịnh vang cả trại giam.  Tại sao họ có thể lạc quan như vậy?  Có khi nào tôi cũng rất lạc quan trước những xáo trộn xảy ra trong cuộc đời của tôi, của gia đình tôi và cộng đoàn của tôi?  Chắc chắn, thái độ lạc quan của tôi trong những lúc bấn loạn, không chỉ giúp tôi thật bình tĩnh và chấp nhận mọi nghịch cảnh, nhưng những người xung quanh cũng ngạc nhiên về thái độ bình tĩnh và lạc quan của tôi.  Tôi nghĩ sự bình tĩnh và thái độ lạc quan giữa những bấn loạn, đến từ đâu?  Có phải từ một đời sống gắn bó kết hiệp với Chúa?  Tôi dâng lên Chúa một ngày sống của tôi cho Ngài.

Phạm Đức Hạnh SJ

Sunday, May 22, 2022

Thứ Hai Tuần VI Phục Sinh – Năm C –23-5-2022

Thu Hai VI PS

Gioan 15:26-16:4a

15/26Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

16/1“Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường.  Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4a Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay gồm hai lời nhắn nhủ rất cần thiết trong đời sống đức tin của tôi hiện nay.  Thứ nhất, Chúa Giêsu nói về Thần Khí Sự Thật, phát xuất từ Chúa Cha, sẽ đến và làm chứng về Ngài, Chúa Con.  Như vậy ngay từ đầu Giáo hội đã được mặc khải về một Thiên Chúa, nhưng ba ngôi vị.  Đây không phải là những gì Giáo hội đặt ra, nhưng được mặc khải, và truyền thống ấy vẫn còn được tuyên tín một cách mạnh mẽ, có tính nền tảng, trong đời sống đức tin của mọi Kitô hữu ngày nay.  Bởi thế, có những nhóm người dù không hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, nhưng Giáo hội vẫn kể họ là Kitô hữu và công nhận phép rửa của họ, vì họ tin vào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.  Chẳng hạn như Chính Thống, Tin Lành Luther, Protestant, Anh Giáo…  Nếu một ngày nào đó họ gia nhập Giáo hội Công giáo, họ không buộc phải lãnh phép rửa nữa.  Trong khi đó, có những nhóm tự xưng và tự hào là tin vào Thiên Chúa, hoặc Chúa Giêsu, nhưng Giáo hội không công nhận phép rửa của họ và không kể họ là Kitô hữu, vì họ không tin mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.  Chẳng hạn như các tín hữu Đạo Mormon, tín hữu Đạo Chứng Nhân Giê-hô-va…  Nếu một ngày nào đó các anh chị em này gia nhập Giáo hội Công giáo, họ vẫn phải chịu phép rửa trong Công giáo.  Như vậy để thấy, mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi quan trọng và có tính nền tảng như thế nào đối với đức tin Kitô giáo.  Chúa Giêsu nói khi Thần Khí Sự Thật đến, Ngài sẽ làm chứng về Ngài, và cả tôi nữa cũng làm chứng về Ngài.  Tôi cảm thấy như thế nào về lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu?  Tôi sẽ làm chứng về Chúa Giêsu như thế nào?  Tôi chẳng thể làm chứng về Chúa Giêsu, nếu tôi không biết Ngài.  Tôi muốn dành giây phút này, mỗi ngày, để nói chuyện với Chúa Giêsu, để có một tương quan sâu đậm với Ngài và để hiểu Ngài hơn.    

2.      Lời nhắn nhủ thứ hai, Chúa Giêsu nói: “Sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.”  Lời nhắn nhủ này thật quan trọng và tôi phải cẩn thận biết bao, bởi nhiều khi tôi làm điều này, sửa lỗi người kia, uốn nắn người khác mà tôi tưởng là tôi đang phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, nhưng tôi lại là người cuồng tín và khủng bố, đang phá đạo nhiệt tình nhất và chống lại Thiên Chúa mạnh mẽ nhất, giống như Phao-lô trước khi trở lại.  Blaise Pascal (1623-1662), một thần học gia, khoa học gia, triết gia, nhà toán học và nhà vật lý học, nói về những người cuồng tín như sau: “Người ta không bao giờ làm điều ác một cách nhiệt tình và vui vẻ cho bằng khi họ cảm thấy điều họ làm là do xác tín của niềm tin của họ – Men never do evil so completely and cheerfully as when they do it from religious conviction.”  Còn Albert Einstein (1879-1955), một nhà vật lý học nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất thế giới từ trước đến giờ, nói: “Khoa học mà không có tôn giáo thì khập khiễng; tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng – Science without religion is lame; religion without science is blind.”  Điều này thật đúng trong lịch sử Giáo hội và lịch sử thế giới, bao nhiêu ngàn năm qua.  Chính những người tự xưng là tin Chúa, bảo vệ đạo Chúa mù quáng, đã giết Chúa Giêsu.  Chính những người tự xưng là tin Chúa, bảo vệ đạo Chúa một cách mù quáng, đã là những người khủng bố giết rất nhiều người vô tội trong những năm qua.  Chính những người tự xưng là đạo đức, tin Chúa, thờ Chúa, bảo vệ đạo Chúa một cách mù quáng, đã xua đuổi những người thân của họ ra khỏi nhà, khỏi danh sách dòng tộc và bạn bè của họ, khỏi nhà thờ, cấm không cho người khác lên rước lễ…  Một số người cho mình là đạo đức, có chức sắc trong nhà thờ, chính họ lại bắt ép con cái phải phá thai khi chúng lỡ mang thai trước khi đám cưới, chỉ vì sợ mất mặt với giáo xứ; hoặc, tống cổ con cái ra khỏi nhà chỉ vì chúng là đồng tình luyến ái…  Tại sao họ lại làm điều này?  Chúa Giêsu cho tôi câu trả lời: Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy.”  Tôi là Kitô hữu bao lâu nay, năng đi lễ, siêng cầu kinh đêm ngày, tôi biết Chúa Cha đến mức nào và biết Chúa Giêsu được bao nhiêu?  Nếu tôi biết Chúa, tôi mới có thể yêu Ngài.  Nếu tôi yêu Chúa, tôi sẽ không làm những điều trên.  Trong giây phút này, tôi muốn hỏi chính mình: Ai là người đang cần tình yêu, sự nâng đỡ của tôi?  Có lẽ, ai là người mà tôi cảm thấy khó yêu, khó nâng đỡ nhất trong lúc này?  Tôi muốn ngồi bên Chúa Giêsu, bên Chúa Thánh Thần, bên Chúa Cha trong lúc này để được Ngài tỏ bày chính Ngài cho tôi, và để tôi được biết cách đối xử trước những vấn đề rất nan giải trong gia đình và cộng đoàn bằng sự khôn ngoan và yêu thương của Chúa. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Saturday, May 21, 2022

Chúa Nhật Tuần VI Phục Sinh – Năm C –22-5-2022

CN VI PS

Tông Đồ Công Vụ 15:1-2,22-29

1Hồi ấy, có những người từ miền Giu-đê đến An-ti-ô-khi-a dạy các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ.” 2 Ông Phao-lô và ông Ba-na-ba chống đối và tranh luận khá gay go với họ.  Người ta bèn quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba và một vài người khác lên Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này. 22 Bấy giờ các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi An-ti-ô-khi-a với ông Phao-lô và ông Ba-na-ba.  Đó là ông Giu-đa, biệt danh là Ba-sa-ba, và ông Xi-la, những người có uy tín trong Hội Thánh. 23 Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau :

“Anh em Tông Đồ và kỳ mục chúng tôi gửi lời chào anh em gốc dân ngoại tại An-ti-ô-khi-a, tại miền Xy-ri và Ki-li-ki-a. 24 Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. 25 Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, 26 những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 27 Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: 28 Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: 29 là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi.  Chúc anh em an mạnh.”

(Trích Tông Đồ Công Vụ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay đề cập đến một vấn đề tưởng là xưa cũ, nhưng đó đây trong Giáo hội ngày nay vẫn xảy ra những chuyện tương tự.  Ở đâu và thời nào cũng có những con người rất khắt khe, giữ luật một cách máy móc và như là cùng đích của cuộc sống, thiếu sự uyển chuyển, không có chỗ cho yêu thương và cảm thông.  Những người Do-thái ngày xưa nào đó, không được ủy thác, nhưng chỉ vì mộ đạo, đã rao giảng những sự khắt khe của lề luật khiến cho cộng đồng Kitô hữu bị chia rẽ và hoang mang.  Sự hoang mang lớn đến mức các tông đồ phải vào cuộc, phải lên Giê-ru-sa-lem để giải quyết vấn đề.  Tôi có thấy gia đình và cộng đoàn tôi cũng đang có những xáo trộn và hoang mang về những cách thực hành đức tin, về chuyện đi đứng trong nhà thờ, về chuyện giữ chay, về chuyện rước lễ…?  Những xáo trộn và hoang mang đến từ đâu?  Có phải từ sự thiếu lắng nghe nhau?  Có phải từ sự cố chấp?  Có phải từ sự bắt ai cũng phải giống tôi, không giống coi như là sai, không giống coi như là chia rẽ?  Tôi đã làm gì và có thể làm gì để gia đình và cộng đoàn được hòa hợp hơn?  Tôi đọc lại bài đọc trên và xin Chúa một hướng dẫn.

2.      Tôi để ý tinh thần cởi mở, yêu thương và uyển chuyển, nhưng cũng rất cứng rắn của Phao-lô và Ba-na-ba trong cách hướng cộng đoàn đến một sự tự do của lòng mến Chúa.  Các ngài quyết không đặt những gánh nặng nào lên đời sống đức tin của các tín hữu, nhưng sự tự do và niềm tin vào Chúa Giêsu.  Sự uyển chuyển, cởi mở và đầy yêu thương chỉ có được khi tôi bám rễ thật sâu trong Chúa Giêsu Kitô.  Nếu tôi không có một tương quan mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, tôi sẽ phải bám víu những ràng buộc của lề luật và những lễ nghi bên ngoài.  Tôi ngồi bên Chúa Giêsu trong lúc này và tâm sự với Ngài tất cả những nỗi lòng của tôi về đời sống đức tin trong gia đình và cộng đoàn của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, May 20, 2022

Thứ Bảy Tuần V Phục Sinh – Năm C –21-5-2022

Thu Bay V PS

Gioan 15:18-21

18Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó.  Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà.  Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.  Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Sau những lời trăn trối, nhắn gởi các môn đệ phải thương yêu nhau, Chúa Giêsu cũng dặn dò các môn đệ phải cẩn thận vì, sau khi người ta bắt và giết Ngài, người ta cũng sẽ hãm hại các môn đệ như vậy.  Những lời dặn dò đầy thân thương trìu mến của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ nghe như những lời dặn dò của mẹ mỗi khi ra khỏi nhà, dành cho con dại: ở nhà con phải đóng cửa, không được mở cửa cho người lạ mặt, không được nghe theo người lạ dụ dỗ…  Tôi cảm thấy gì ở những lời dặn dò của Chúa Giêsu?  Thiên Chúa không bao giờ gởi những đau khổ đến cho tôi; trái lại, Ngài cho tôi biết, không một đau khổ nào tôi phải gánh chịu mà Ngài chẳng hay biết, bởi chính Ngài đã đi vào trong mọi đau khổ của kiếp người và cuối cùng chịu chết trên thập giá vì yêu tôi.  Ngài luôn canh chừng mọi đau khổ có thể xảy đến cho tôi, nên dặn tôi phải cẩn thận.  Có những đau khổ nào tôi đang phải đối diện?  Tôi đem than thở cùng Chúa ngay trong giây phút này.  Có những đau khổ nào sẽ đến với tôi trong ngày hôm nay?  Tôi xin ơn can đảm và học phó thác trong bàn tay của Chúa.

2.      Có khi nào tôi đã than: Theo Chúa sao khổ quá, sao bất công quá?  Tôi nhìn lên Thánh giá trong lúc này để thấy, tôi đã chẳng tuyên tín vào Chúa Giêsu, Đấng vô tội ấy vậy mà đã bị đối xử, xỉ nhục và giết một cách quá bất công đó sao?  Có khi nào tôi nghĩ theo Chúa thì cuộc đời tôi sẽ suông sẻ, bình an và hạnh phúc; thậm chí, xin gì được nấy?  Tôi đọc lại bài đọc trên để thấy, chính Thiên Chúa của tôi mà con bị hãm hại và bị giết, tôi là ai mà cuộc đời này buông tha?  Chính Con một Thiên Chúa cầu xin khi bị treo trên thập giá mà còn cảm thấy như Chúa Cha bỏ rơi mình, tôi là ai mà lại nghĩ rằng xin gì thì sẽ được?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng lời Kinh Sáng sau: Lạy Chúa Giêsu, một ngày mới đang mở ra trước mắt con.  Mỗi ngày đều là một bất ngờ.  Con không rõ những gì sẽ xảy đến cho con, nhưng con biết chắc mình được sống trong vòng tay yêu thương của Chúa, nên con thấy vui tươi và bình an.  Mỗi ngày đều là một quà tặng của Chúa.  Cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả thành công và thất bại, tất cả đều là quà tặng của Tình yêu, tất cả đều đưa con đến gần Chúa.  Lạy Chúa Giêsu, Con muốn giang tay chào đón ngày mới.  Con muốn tận dụng từng phút giây trong ngày để tôn vinh Chúa, để phục vụ tha nhân và phát triển con người mình.  Ước gì con luôn sống dưới ánh mắt Chúa và để Chúa làm chủ mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của con.  Và ước gì, khi đêm về, con có thể tự hào mình đã biến hôm nay thành quà tặng để dâng lại cho Chúa.  Amen.”

Phạm Đức Hạnh, SJ