Sáng Thế 3:9-15, 20
9Sau khi con người ăn trái cây, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và
hỏi: “Ngươi ở đâu?” 10 Con người thưa: “Con nghe thấy
tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” 11 Đức
Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm
ngươi ăn không?” 12 Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho
ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” 13 Đức
Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con,
nên con ăn.” 14 Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi
đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi
loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải
ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. 15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và
người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh
vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”
(Trích Sách Sáng
Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Trước hết, bài đọc hôm nay thuộc vào thể văn tiền lịch sử, trong đó đầy tính thần thoại, cùng với ngôn ngữ mang đậm mầu sắc biểu tượng nhằm, nói về những chân lý của cuộc đời. Dù thần thoại, nhưng xin đừng vội cho đây là câu chuyện bịa đặt chẳng có gì thật trong đó và chẳng đáng cho tôi suy tư và cầu nguyện. Robert A. Johnson nói về thần thoại như sau: “Thần thoại là một loại văn chương đặc biệt. Chúng thường không được viết hoặc tạo ra bởi một cá nhân duy nhất, mà là sản phẩm của trí tưởng tượng và kinh nghiệm tập thể của cả một thời đại và nền văn hóa. Thần thoại dường như phát triển dần dần: Một số chủ đề nhất định xuất hiện, được trau chuốt và cuối cùng được làm tròn qua cách kể của người này người kia về những vấn đề nào đó mà nó diễn tả đúng những quan tâm của con người… Thần thoại, do đó, khắc họa một hình ảnh tập thể. Chúng diễn tả về những gì rất thật của mọi người” (Robert A. Johonson – SHE – Understanding Feminine Psychology. Harper & Row, Publishers. New York: 1986, p. 2). Bởi thế, tôi không nên đọc bài đọc hôm nay bằng con mắt của lịch sử, hoặc bằng cái hiểu của khoa học thực nghiệm; nếu có, tôi sẽ gặp bế tắc và giờ cầu nguyện của tôi sẽ bị chia trí. Chẳng hạn như: Vậy, ngày xưa rắn biết nói hả? Hoặc, trước khi cám dỗ loài người, rắn có chân sao? Thay vào đó, tôi cần nhìn câu chuyện đang nói về những gì rất thật về con người, trong đó có tôi, đó là: sự thoái thác, việc trốn tránh trách nhiệm về những việc làm sai trái. Đây là cái gì rất phổ biến trong mọi người. Người ta thường tìm đủ mọi lý do để biện hộ, hoặc đổ lỗi cho người khác về những sai trái của họ. Hiếm có người dám nhìn nhận trách nhiệm của mình trong những thất bại và lỗi lầm. Kế đến, cám dỗ là những gì rất thật, rất gần trong đời sống mà không dễ mấy người đã thắng được. Bởi, cám dỗ bao giờ cũng đến bằng những gì và con người rất đẹp, rất hấp dẫn, rất thích, rất cần, rất dễ nghe, rất đáng tin cậy, rất gần gũi với tôi, khiến tôi không dễ chối từ, như E-và rất gần và đáng tin đối với A-đam, và như con rắt lươn lẹo, đầy khôn manh.
2. A-đam và E-và sau khi phạm tội đã cảm
thấy xấu hổ vì thấy mình trần truồng trước mặt Thiên Chúa. Tôi hiểu cách nói này như thế nào? Thiên Chúa chính là tiếng nói lương tâm trong
lòng mỗi người. Mỗi khi phạm tội, lương
tâm là tiếng nói mạnh nhất, trong suốt nhât, ray rứt tôi nhất và làm cho tôi
cảm thấy xấu hổ với chính mình. Tôi có
kinh nghiệm này không về chính mình và về người khác? Thái độ nào thường xảy ra những lúc ấy? Thoái thác, lẩn tránh, biện hộ, bào chữa
những lúc ấy như thế nào? Ai là nạn nhân
trong việc đổ lỗi? Tôi được Chúa mời gọi
phải lớn lên như thế nào? Tôi cầu nguyện
cho những người đã là nạn nhân của lối sống vô trách nhiệm của tôi.
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment