Thursday, June 30, 2022

Thứ SáuTuần XIII Thường Niên – Năm C –1-7-2022

Thu Sau XIII TN 

Mát-thêu 9:9-13

9Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm.  Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người. 10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?" 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Sau khi Chúa Giêsu chữa người bại liệt, Ngài bỏ nơi đó và đi ngang qua trạm thuế.  Chúa Giêsu thấy Mát-thêu, một người thu thuế đang ngồi ở trạm thuế.  Ngài gọi ông: “Hãy theo tôi!”  Lập tức, ông đứng dậy và đi theo Ngài.  Thái độ của Mát-thêu có gì lạ không?  Tại sao ông có thể mau mắn và dứt khoát đến như vậy?  Phải chăng ông đã nghe biết nhiều về Chúa Giêsu và chờ cơ hội được gặp Ngài đã lâu lắm rồi?  Hôm nay Chúa Giêsu gọi và ông đã đi theo ngay.  Có khi nào Chúa Giêsu cũng gọi tôi ngay trong giờ cầu nguyện này?  Tôi đáp trả tiếng gọi của Ngài như thế nào?  Bằng thái độ nào?  Tôi cúi xuống tận lòng của tôi để nhìn cho rõ thái độ và lòng ao ước của tôi muốn gặp Chúa Giêsu đến mức nào.

2.     Bỏ chỗ người được chữa khỏi bị bại liệt, Chúa Giêsu đến với Mát-thêu, vậy mà những người Pha-ri-sêu cũng có ở đây!  Sao mà người Pha-ri-sêu ở đâu nhiều thế, họ nhiều như vi trùng covid vậy?  Nói thế thôi, chứ đây là cách viết của các tác giả Tin Mừng, nhằm để nói, ai cũng mang tính Pha-ri-sêu trong mình.  Ai cũng có thể trở thành Pha-ri-sêu bất cứ khi nào, mỗi khi tôi không tin vào Thiên Chúa, mỗi khi tôi bi quan yếm thế, mỗi khi tôi xét nét chỉ trích người khác.  Đặc biệt, mỗi khi tôi tự kiêu cho mình là công chính, đạo đức hơn người, và ơn cứu độ chỉ dành cho những người công chính như tôi, còn tất cả những người khác chỉ đáng xuống hỏa ngục!  Tôi cần để ý đến câu trả lời của Chúa Giêsu, khôn ngoan, nhân ái và cao đẹp làm sao: Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần…Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.  Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi!"  Tôi muốn học thuộc lòng câu nói này của Chúa Giêsu.  Tôi muốn khắc trên đá, ghi vào tim những lời này của Chúa Giêsu, để hiểu cho đúng về Thiên Chúa và để học đức nhân từ như Chúa, mỗi khi căn bệnh Pha-ri-sêu trong tôi nổi lên.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, June 29, 2022

Thứ NămTuần XIII Thường Niên – Năm C –30-6-2022

Thu Nam XIII TN

Mát-thêu 9:1-8

1Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. 2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường.  Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!" 3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: "Ông này nói phạm thượng." 4 Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: "Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? 5 Trong hai điều: một là bảo: "Con đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn? 6 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: "Đứng dậy, vác giường đi về nhà!" 7 Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. 8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Văn hóa Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều bởi giáo lý Phật giáo.  Bởi vậy, hễ một ai gặp những khó khăn, xui xẻo hoặc rủi ro nào, người ta dễ kết luận: Đó là nghiệp!  Nhân quả!  Người Do-thái cũng có một cái nhìn gần giống như vậy.  Một ai đó bị bệnh hoặc gặp những tai ương trong cuộc sống, họ thường cho rằng đó là tội.  Nếu chẳng phải là tội của đương sự, cũng là tội của cha mẹ, tổ tiên của đương sự.  Nói chung, việc tin vào thuyết nhân quả, nghiệp, hoặc tội là những cách lý giải bình dân về đau khổ mà rất nhiều dân tộc trên thế giới đều lý giải như vậy, không hẳn chỉ là triết lý của Phật giáo hay Do-thái giáo.  Trong hầu hết các phép lạ chữa bệnh, Chúa Giêsu đều không nói: “Con hãy được lành bệnh,” mà nói: “Tội con đã được tha!”  Sau đó Ngài nói, “Hãy đi trình diện với các tư tế”, để được tái sát nhập vào cộng đoàn.  Cách nói này khá thú vị; bởi, Chúa Giêsu không chỉ chữa lành người ta về mặt thể lý, tấm lý, nhưng còn tâm linh và xã hội nữa.  Tưởng đây cũng là phương thức chữa trị ngày nay, gọi là Wholistic approach, tức là giải pháp chữa trị toàn diện; trong đó, con người cần được chữa trị không chỉ về thể lý, tâm lý, tinh thần, mà còn xã hội và tâm linh nữa.  Tôi vẫn thường nghe nói: “Tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện.”  Câu nói này rất thật với cái nhìn của giới khoa học ngày nay; trong đó, đời sống thể lý, tâm lý, tinh thần, xã hội, tâm linh tương tác lẫn nhau và ảnh hưởng lẫn nhau.  Hôm nay đọc lại câu chuyện chữa lành người bại liệt ở trên, tôi có thấy bài này cũng đang nói về tôi?  Có một góc cạnh nào đó trong đời sống của tôi: thể lý, tâm lý, tinh thần, xã hội, tâm linh đang bị bệnh và cần được Chúa Giêsu chuẩn đoán và chữa lành không?  Tôi đến gặp Chúa Giêsu.            

2.     Một điểm nữa cũng thường thấy trong các câu chuyện chữa lành của Chúa Giêsu, đó là: các kinh sư và pha-ri-sêu thường rất khắt khe, bắt bẻ Chúa Giêsu đủ đường và giải thích mọi sự đầy tiêu cực.  Có khi nào tôi cũng giống những kinh sư và pha-ri-sêu nhìn cuộc đời đầy vấn đề, nhìn mọi người quanh tôi ai cũng có muôn vàn điều cần phải sửa, cần phải thăng tiếng, ngoại trừ tôi?  Người nào đó đã nói: “Người bi quan nhìn đâu cũng thấy đèn đỏ; người lạc quan nhìn đâu cũng thấy đèn xanh; chỉ có người khôn ngoan là mù mầu!”  Tôi đang là loại người nào?  Chỉ có Thiên Chúa là biết rõ tôi nhất, tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu và để ý xem Ngài sẽ nói tôi là ai? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, June 28, 2022

Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – Năm C –29-6-2022 – Lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ

Thu Tu XIII TN

Mát-thêu 16:13-19

13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? "14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."15 Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? "16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay đã rất quen thuộc với nhiều Kitô hữu.  Tuy nhiên, trong ngày lễ kính hai vị thánh lớn của Giáo hội: Phê-rô và Phao-lô, tôi cũng muốn đọc lại bài đọc trên, tập trung vào những câu hỏi của Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ ngày xưa: 1) Người ba bảo Thầy là ai?  2) Các con bảo Thầy là ai?  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn lập lại câu trả lời xưa của tôi cho Chúa Giêsu nghe.  Có thể tôi chưa bao giờ có câu trả lời cho hai câu hỏi trên, hôm nay tôi muốn trả lời cho Chúa Giêsu Nghe.  Dĩ nhiên, câu trả lời phải là của riêng tôi, phát xuất từ đáy lòng và kinh nghiệm tương quan cá vị giữa tôi với Chúa Giêsu, không thể vay mượn từ bất cứ ai, kể cả từ giáo hội hay từ Kinh Thánh.  Tôi trả lời trực tiếp cho Chúa Giêsu và để ý Ngài sẽ nói gì với tôi. 

2.     Hôm nay là đại lễ kính hai Thánh Phê-rô và Phao-lô.  Hai vị thánh được ví như hai cột trụ của Giáo hội.  Dù hai vị rất khác nhau về mọi mặt, quá khứ, kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu, cá tính, sứ vụ truyền giáo…, nhưng hai vị đều có chung một điểm rất giống nhau, đó là: lòng mến với Chúa Giêsu.  Có lẽ trong lịch sử giáo hội, đặc biệt trong các tông đồ, chẳng ai có thể so sánh nổi tình yêu của hai vị này dành cho Chúa Giêsu.  Chính nhờ lòng mến đã làm nên sự trội nổi của hai vị và làm nên giáo hội hôm nay.  Hai vị đã làm tất cả, sẵn sàng chịu đựng mọi sự miễn sao có được Chúa Giêsu.  Tôi muốn nói gì với hai vị trong ngày lễ của các ngài?  Tôi học được gì ở hai vị trong ngày lễ của các ngài?  Tôi muốn có một cố gắng hay quyết tâm gì để phát triển đức tin và lòng mến đối với Chúa Giêsu trong ngày lễ của các ngài?     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, June 27, 2022

Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên – Năm C –28-6-2022 – Lễ Thánh Irenaeusa, Giám Mục và Tử Đạo

 Thu Ba XIII TN

Mát-thêu 8:23-27

23Đức Giê-su xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. 24 Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. 25 Các ông lại gần đánh thức Người và nói: "Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!" 26 Đức Giê-su nói: "Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!"  Rồi Người chỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ.  27 Người ta ngạc nhiên và nói: "Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?"

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay thật thú vị.  Thánh Mát-thêu dường như có chủ đích trong việc ghi nhận câu chuyện hôm nay vào ngay sau bài đọc hôm qua.  Trong bài đọc hôm qua, Chúa Giêsu nói với người kinh sư rằng, “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8:20).  Mát-thêu như thể chứng minh cho lời Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm qua rằng, Chúa Giêsu không có giờ để ngủ, không có một chỗ bình yên, nhưng đầy tròng trành vì sóng gió.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể chiêm ngắm và quan sát cả chiếc thuyền.  Tôi thấy gì và nghe thấy gì trên đó?  Chúa Giêsu ngủ.  Thuyền tròng trành như thế vậy mà Ngài vẫn ngủ được.  Chắc chắn, Ngài phải rất mệt.  Tôi còn thấy sự đối nghịch giữa Chúa Giêsu và các môn đệ: Ngài rất bình an và ngủ, trong khi đó các môn đệ vất vả chèo chống và sợ hãi.  Tôi có thể đặt câu hỏi: Tại sao Chúa Giêsu đang ở trên thuyền với họ vậy mà họ vẫn sợ đến chết được?  Họ có biết Chúa Giêsu là ai?  Họ có tin Chúa Giêsu không?  Đây có phải là câu chuyện của tôi không?  Có khi nào tôi đã gặp đủ mọi khó khăn, thử thách và sóng gió trong cuộc đời?  Tôi là một Kito hữu, tức là có Chúa ở trong mình, rước lấy Chúa vào lòng mỗi khi đi lễ, ấy vậy mà tôi vẫn hoảng loạn, vẫn chao đảo, vẫn cảm thấy như Chúa ngủ trước mọi sóng gió cuộc đời, còn tôi phải chèo chống một mình?  Đức tin của tôi ở đâu?  Đức tin có giúp tôi thấy Chúa và có giúp tôi bình an?  Tôi trò chuyện với Chúa Giêsu về những giây phút sóng gió ấy.

2.     Cái hay và có thể nói là rất đẹp của các môn đệ đó là, họ đã đánh thức Chúa Giêsu dậy, đã cầu cứu đến Chúa Giêsu.  Tôi đã làm gì trong những lúc khó khăn và đầy sóng gió của cuộc đời?  Tôi đã vái tứ phương, đã coi bói đủ thầy, đã thử đủ mọi thứ thần chú, nhưng lại không chạy đến với Chúa?  Có thể tôi đã cầu nguyện cùng Chúa, nhưng chẳng tin lắm?  Cầu nguyện như một thói quen, cầu nguyện cho có, cầu nguyện nhưng chẳng tin Chúa sẽ can thiệp?  E.C. McKenzie (1896-1956), một dân biểu thuộc Tiểu bang Lousiana, có lần đặt câu hỏi về niềm tin với mọi người thế này: “Tại sao có nhiều người đi lễ và cầu nguyện với “Kinh Lạy Cha” mỗi tuần, nhưng lại sống cả tuần như những kẻ mồ côi – Why is it that so many church members say “Our Father” on Sunday and go around the rest of the week acting like orphans?  Câu hỏi này có đang áp dụng cho tôi?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về niềm tin của tôi, đặc biệt niềm tin ngay trong giờ cầu nguyện này.  Tôi có đang ngồi trước mặt Chúa, cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, đang nói trực tiếp với Ngài như bạn với bạn, hay với bức tường?  Nếu tôi đang ngồi trước mặt Chúa trong lúc này, tôi có bình an hay bụng vẫn đánh trống, thấp thỏm ngồi không yên, lo lắng đủ chuyện?    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, June 26, 2022

Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên – Năm C –27-6-2022 – Lễ Thánh Cyril Alexandria, Giám Mục và Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Hai XIII TN 

Mát-thêu 8:18-22

18Khi ấy, thấy xung quanh có đám đông, Đức Giê-su ra lệnh sang bờ bên kia. 19 Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 20 Đức Giê-su trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” 21 Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” 22 Nhưng Đức Giê-su bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay, Thánh Mát-thêu ghi nhận, có rất nhiều người đi theo Chúa Giêsu, trong số đó có một kinh sư và một môn đệ.  Hai người này đến xin đi theo Chúa Giêsu.  Tôi để ý đến cách trả lời của Chúa Giêsu, với mỗi người mỗi khác.  Nhờ vậy tôi có thể thấy, để được đi theo Chúa Giêsu cần có những điều kiện nào.  Thứ nhất, với người kinh sư Chúa Giêsu nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”  Theo Chúa Giêsu không phải là để được vinh quang và có một cuộc sống dễ dãi.  Theo Chúa Giêsu nhiều khi là không có giờ ăn, không có cái để ăn, không giờ để ngủ và không có chỗ để ngủ.  Có khi nào tôi đã mơ theo Chúa để được cái này hay cái kia?  Có khi nào tôi theo Chúa để xin gì được nấy; để rồi, khi xin hoài mà chẳng được, tôi chán nản bỏ cầu nguyện, chẳng muốn đi lễ, thậm chí oán trách Chúa và bỏ đạo?  Tôi đọc lại câu trả lời trên của Chúa Giêsu với viên kinh sư, hoặc tôi có thể ôm thánh giá trong lúc này để thấy ai thiệt hơn ai, ai oan ức hơn ai, và để thấy tôi giận Chúa, chán nản và kêu trách Chúa có đúng không?  Keith McClellan, một tu sĩ Dòng Biển Đức nói: “Khi cuộc đời nghiệt ngã và đầy bất công, hãy cứ cầu nguyện.  Chúa là nạn nhân, không phải nguyên nhân.”

2.     Thứ hai, với người môn đệ muốn đi theo Chúa Giêsu, Ngài nói: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.”  Chúa Giêsu có quá khó, có đòi hỏi người ta quá đáng?  Cha mẹ chết, con cái phải lo ma chay cho xong, rồi muốn làm gì thì làm.  Đây không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đây còn là một nghĩa cử đạo đức cao đẹp và là đạo hiếu, một trong những điều quan trọng trong Mười Điều Răn.  Thực ra, đây là một kiểu nói phóng đại để muốn nói rằng, theo Chúa là một việc làm nghiêm túc bởi nó quan trọng như việc chôn cất người thân, không thể muốn làm thì làm không làm cũng không sao.  Theo Chúa Giêsu còn là một việc làm cấp bách, không thể có chuyện lưỡng lự nửa đi nửa ở, chân trong chân ngoài.  Tôi nhìn lại đời sống theo Chúa của tôi bao lâu nay?  Có khi nào tôi thấy việc theo Chúa Giêsu chỉ là chuyện bên lề của cuộc sống, theo Chúa khi tôi muốn, khi có hứng, khi có giờ, hoặc khi chẳng đặng đừng?  Tôi có thể nói với Chúa Giêsu về thái độ theo Chúa của tôi.  Tôi sẽ nói như người môn đệ kia?  Tôi để ý Chúa Giêsu sẽ đáp lại tôi ra sao.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Tôi Xin Chọn Người,” của Ngọc Kôn, qua đường dẫn sau đây: https://www.youtube.com/watch?v=HJeoGbjLMtU

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, June 25, 2022

Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên – Năm C –26-6-2022

 CN XIII TN

Ga-lát 5:1, 13-18

1Thưa anh em, chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta.  Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa… 13 Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do.  Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. 14 Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 15 Nhưng nếu anh em cắn xé nhau thì hãy coi chừng: anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy! 16 Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. 17 Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. 18 Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.

(Trích Thư Ga-lát, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có một điểm rất nổi bật trong các thư của Phao-lô, đặc biệt trong thư gởi cộng đoàn Ga-lát, đó là: sự tự do đích thực nhờ tin vào Chúa Kitô Giêsu.  Phao-lô nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các thư của ông, đó là: tự do là một đặc sủng của người theo và thuộc về Chúa Kitô.  Ơn cứu độ của tôi nằm ở đó, tức là nhờ Chúa Kitô Giêsu mà tôi được tự do thật sự, không phải lề luật.  Ai thuộc về Chúa Kitô Giêsu, người ấy thuộc về thần khí, người ấy được tự do thật sự.  Ai không thuộc về Chúa Kitô Giêsu, người ấy còn sống trong Lề Luật và trong xác thịt.  Lưu ý, Phao-lô viết Lề Luật (chữ hoa), tức ngài muốn nói đến lề luật cũ, Luật Mô-sê, một lối sống đạo bị đè bẹp và trói buộc bởi muôn vàn thứ luật lệ, tiếng tăm, cả nể, hình thức bề ngoài, phô trương giả hình.  Trong khi đó, ai thuộc về Chúa Kitô Giêsu, người đó trở nên một tạo vật mới, sống trong Chúa Kitô Giêsu và Chúa Kitô Giêsu sống trong người đó, trở nên một với Ngài.  Đây chính là sự tự do mà Phao-lô đang nói đến.  Tôi có thể lấy lời khuyên của Phao-lô để xét mình, “Nếu anh em cắn xé nhau thì hãy coi chừng: anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!”  Sự cắn xé nhau trong gia đình, trong đoàn thể, trong xứ đạo của tôi đến từ đâu?  Có phải đến từ lối sống nặng tính xác thịt mà Phao-lô đang nói?  Đó là lối sống bề ngoài, trọng hình thức, thích phô trương, sợ mất mặt, ích kỷ quá độ, cái tôi thái quá, không thể khiêm nhường để lắng nghe nhau, đặc biệt không một chút khiêm nhường khi làm lỗi?  Chúng tôi đã đang cắn xé nhau bao lâu rồi?  Trong thất cả những hiềm khích cắn xé nhau, Chúa Kitô Giêsu đang xô đạp dưới chân tôi như thế nào?  Nếu tôi dám xô đạp Chúa Kitô Giêsu dưới chân tôi, chuyện tiêu diệt lẫn nhau là không thể tránh.  Tôi muốn nói gì và xin gì với Chúa Kitô Giêsu trong giây phút này?

2.     Phao-lô giải thích thêm: “Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.  Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.”  Lưu ý, “xác thịt” mà Phao-lô nói không có ý chỉ nói đến nhục dục.  Nhục dục chỉ là một phần trong tính xác thịt, vẫn còn chạy theo những hấp dẫn, đòi hỏi và ràng buộc của trần đời, một lối sống không có Chúa Kitô Giêsu, khiến tôi không được tự do thật sự.  Tôi có thể hỏi chính tôi trong giờ cầu nguyện hôm nay: Tôi có thật sự tự do?  Tôi có đang bị lối sống xác thịt ràng buộc và giam hãm?  Tôi có cảm thấy có một sự giằng co trong con người tôi hiện nay giữa sự tự do thuộc về Chúa Kitô Giêsu và sự ràng buộc trong những sợ hãi bởi những sự chỉ trích, sợ chê bai mất mặt, khiến tôi không dám sống thật như Chúa Kitô Giêsu mong đợi?  Tôi muốn chạy đến với Chúa Kitô Giêsu, bởi chỉ có Ngài và trong Ngài, tôi mới được thật sự tự do và bình an.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời nguyện sau: Lạy Chúa Giêsu, sống cho Chúa thật là điều khó.  Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.  Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.  Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.  Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái.  Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.  Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.  Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu.  Amen.”

Phạm Đức Hạnh SJ

Friday, June 24, 2022

Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên – Năm C –25-6-2022 – Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria

 

Luca 2:41-51

41Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm. 46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế?  Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” 49 Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con?  Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. 51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.  Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm qua là lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, hôm nay là lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.  Giáo hội có một thói quen, lễ kính Chúa Giêsu hôm trước luôn kèm với lễ kính Đức Mẹ ở hôm sau.  Không phải vì ngày lễ của Mẹ quan trọng như ngày lễ của Chúa Giêsu, bởi Mẹ cũng chỉ là thụ tạo, không thể ngang hàng với Thiên Chúa; vì thế, lễ kính Mẹ được mừng ngay sau lễ kính Chúa là để hướng mọi người về Chúa Giêsu.  Bài đọc hôm nay là một ví dụ.  Dù hôm nay là lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ, nhưng bài đọc không nói gì về ý nghĩa của trái tim vô nhiễm, mà chỉ nói về thiên tính trong nhân tính thân xác của Giêsu.  Tôi cần để ý đến câu trả lời của Chúa Giêsu: “Sao cha mẹ lại tìm con?  Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”  Lưu ý, tôi không nên chú ý về câu trả lời của Chúa Giêsu với Mẹ Maria.  Bởi, Luca không có ý nhấn mạnh về nhân tính của Chúa Giêsu, nên tôi không nên bận tâm về tính đạo đức gia đình giữa mẹ và con.  Bởi như thế tôi sẽ dễ cho rằng, sao Chúa Giêsu trả lời quá hỗn hào với Mẹ!  Theo Thánh Luca, trẻ Giêsu đã nhận ra thiên tính của mình khi mới 12 tuổi.  Ngài nhận thấy vai trò của mình trong cuộc đời này, không chỉ là bổn phận trong gia đình với Thánh Giuse và Mẹ Maria, nhưng quan trọng hơn đó là bổn phận đối với Chúa Cha.  Như vậy, bài đọc hôm nay hướng tôi về thiên tính của Chúa Giêsu.  Từ bé, Chúa Giêsu đã đi tìm thánh ý Chúa Cha.  Điều này nhắc nhở tôi như thế nào về đời sống đức tin của tôi?  Hằng ngày tôi kiếm tìm thánh ý Chúa Cha như thế nào?  Tôi mau mắn, tôi quên mình kiếm tìm thánh ý Chúa mỗi ngày?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa Giêsu về lòng ao ước tìm kiếm thánh ý Chúa và những khó khăn, ngại ngùng trong việc kiếm tìm thánh ý Chúa, và xin được giúp đỡ.

2.     Hôm nay cũng là lễ của Mẹ.  Tôi muốn đi vào tâm trạng rất người của Mẹ.  Mẹ cũng như bao nhiêu người mẹ trên mặt đất này đã vất vả, lo lắng, sợ hãi khi không thấy con, Chúa Giêsu.  Mẹ đi như thế nào trong ba ngày tìm con?  Mẹ hỏi những ai, Mẹ đến những chỗ nào có thể nghĩ ra được là con mình đang ở đó?  Mẹ ăn được không, Mẹ ngủ được không?  Đến khi gặp con rồi, Mẹ mừng như thế nào, Mẹ đã trách móc con, như bao nhiêu người mẹ khác?  Mẹ cảm thấy như thế nào khi nghe được những lời từ miệng của con mình?  Mẹ không hiểu Con mình nói gì và cũng không tránh khỏi những nỗi đau vì những lời ấy.  Thế nhưng, Thánh Luca lại viết: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.”  Mẹ không chỉ ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng, nhưng cũng nhớ biết bao nhiêu câu hỏi trong đầu của Mẹ trong ba ngày ấy.  Tôi muốn đi vào trong tâm hồn của Mẹ, muốn được nói chuyện với Mẹ, muốn Mẹ kể cho biết Mẹ nghĩ gì, Mẹ ghi nhớ những điều ấy trong lòng vì vui, vì không hiểu, vì nhận ra một điều gì lạ đang xảy ra nơi con của Mẹ?  Tôi muốn bắt chước Mẹ, bắt chước Chúa Giesu học vâng nghe thánh ý Chúa với lời kinh sau:Lạy Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ Đồng Trinh Maria.  Ngày hôm nay con xin dâng mình con, dâng sự sống con, dâng các việc lành con làm, dâng hết mọi sự thuộc về con.  Nhất là, con xin bằng lòng chịu mọi sự khó Chúa định, có ý đền tạ Trái Tim Vô nhiễm nguyên tội và đau đớn của Mẹ, bù lại những tội lỗi con và tội lỗi mọi người xúc phạm đến Trái tim Mẹ, cùng Trái tim Chúa Giêsu Con Mẹ, cũng là như chính Trái tim Mẹ vậy.  Con xin hợp ý cùng những kẻ dâng mình đền tạ liên tiếp Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ.  Nguyện xin Mẹ cho chúng con được vào ẩn náu trong Trái tin Mẹ  và nhờ Trái tim Mẹ mà đến cùng Trái tim Cực thánh Chúa Giêsu Con của Mẹ, lại xin Mẹ bầu cử cùng Chúa đổ ơn tha thứ và ơn thương xót xuống cho mọi người trên thế gian, cùng làm cho mọi người nhận biết và kính mến Trái tim Mẹ ở đời này, để ngày sau được cùng Trái tim Mẹ hát mừng Tạ ơn Chúa Ba Ngôi trên nơi vĩnh phúc đời đời.  Amen.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, June 23, 2022

Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên – Năm C –24-6-2022 – Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Thu Sau XII TN

Luca 15:3-7

3Khi ấy, Đức Giê-su kể cho những người Pha-ri-sêu và các kinh sư dụ ngôn này: 4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? 5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. 6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’ 7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay Lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, tức là kính tình yêu của Chúa Giêsu đối với nhân loại.  Bài đọc hôm nay rất đẹp và rất thích hợp cho ngày lễ; trong đó, Chúa Giêsu tự ví Ngài như người mục tử đi tìm cho bằng được một con chiên lạc.  Khi tìm thấy, người mục tử ấy vác chiên lên vai về khoe với hàng xóm và mời mọi người cùng chia vui với mình.  Tôi có thể cảm thấy khó chịu trong dụ ngôn này vì hai điểm: Thứ nhất, dường như Thiên Chúa ưa thích người tội lỗi hơn người thánh thiện thì phải.  Thế thì tôi cần gì phải thánh thiện, cần gì phải sống tốt?  Cứ đi lạc, cứ phạm tội để được Chúa đi tìm và ẵm vác trên vai!  Không phải thế.  Thiên Chúa không yêu người tội lỗi hơn người công chính.  Dụ ngôn trên thật sự cho tôi thấy, chẳng có ai là công chính trước mặt Thiên Chúa, kể cả chín mươi chín con chiên không đi lạc lẫn con chiên đi lạc.  Nên nhớ, Chúa Giêsu kể dụ ngôn này cho các kinh sư và Pha-ri-sêu, tức những người tự cho mình là công chính, không cần ăn năn hối cải; họ chính là những con chiên tự cho mình chẳng bao giờ đi lạc.  Chính vì thế, họ không cần ơn cứu độ, không cần thánh tâm Chúa Giêsu.  Thứ hai, mặc dù chỉ có một con chiên lạc, nhưng vị mục tử vẫn còn đến chín mươi chín con khác kia mà, sao vị mục tử lại vất vả đi tìm con chiên lạc như vậy?  Mục tử này có tham hay có lẩn thẩn không?  Không.  Mỗi một người là một mẩu nghệ thuật trong bức tranh puzzle, nếu chỉ thiếu một mẩu nào đó cũng làm cho bức tranh thiếu hoàn hảo.  Hiểu như vậy tôi mới thấy tại sao Chúa Giêsu vất vả đi tìm cho bằng được tôi, và khi tìm được rồi thì vui mừng vác tôi trên vai mà khoe với mọi người là vì không một ai trong cuộc đời này có thể thay thế được tôi trong thánh tâm Chúa Giêsu.  Tôi cảm thấy như thế nào khi dụ ngôn này kể riêng cho tôi?  Tôi cảm thấy như thế nào khi dụ ngôn này kể về tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong giây phút này? 

2.      Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn hình dung Chúa Giêsu vui và hạnh phúc biết chừng nào, khi Ngài tìm thấy tôi?  Tôi để ý xem Chúa Giêsu sẽ nói gì với tôi?  Tôi cảm thấy như thế nào, khi Ngài không trách mắng, nhưng vác tôi lên vai của Ngài?  Ngài vừa đi vừa nói gì với tôi?  Tôi để ý Ngài khoe với mọi người như thế nào về tôi?  Tôi có tâm tình gì với Chúa Giêsu trong lúc này?   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, June 22, 2022

Thứ Năm Tuần XII Thường Niên – Năm C –23-6-2022 – Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Thu Nam XII TN

Luca 1:57-66, 80

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được!  Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.”  Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”  Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

80Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh.  Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong lịch phụng vụ của Giáo hội chỉ có ba nhân vật được mừng cả ngày sinh lẫn ngày tử, đó là: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Gioan Tẩy Giả.  Như vậy, Gioan quả là con người quan trọng và đặc biệt.  Đặc biệt từ lúc mẹ ông mang thai ông, một sự kiện lạ tùng.  Bởi cả hai cha mẹ ông đều là những người hiếm muộn.  Khi ông được thụ thai trong lòng mẹ, cha của ông đã bị câm cho đến ngày ông chào đời và được đặt tên, khi ấy ông mới nói được.  Quan trọng vì ông là một điểm nối giữa các tiên tri thời Cựu ước với thời Tân ước.  Ông được Chúa Giêsu khen là người quan trọng nhất trong tất cả mọi người nam đã được sinh ra.  Ông là sứ giả đi trước loan báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế.  Giáo hội chỉ mừng có ba vị trên; trong khi đó, người đời và đặc biệt trong văn hóa Việt Nam mừng ngày sinh ngày tử của mọi người.  Cuộc đời con người ai cũng là một câu chuyện đầy thú vị, đầy nhiệm mầu.  Gioan đã nhận ra những việc lạ lùng Thiên Chúa làm trong cuộc đời của ông, khiến ông muốn sống đáp trả lại tình thương ấy của Thiên Chúa.  Từ một con người đặc biệt, ông trở thành con người quan trọng trong lịch sử cứu độ.  Năm nào tôi cũng mừng sinh nhật, nhưng tôi đã nhận ra những dấu ấn của Thiên Chúa trong cuộc đời của tôi như thế nào?  Tôi đáp trả lại tình thương của Chúa như thế nào trong từng ngày sống của tôi?    

2.     Bài đọc hôm nay mô tả những người thân cận của gia đình Gia-ca-ri-a đến chia vui và đặt tên cho Gioan.  Họ đã theo những suy nghĩ và phong tục của con người khi đặt tên cho Gioan, nhưng Thiên Chúa thì không nghĩ như con người nghĩ.  Khi Gia-ca-ri-a nghĩ và làm theo ý muốn của Thiên Chúa, miệng ông mở ra và ông nói được.  Khi nói được, sau bao nhiêu ngày tháng bị câm, điều đầu tiên Gia-ca-ri-a đã làm là ca tụng Thiên Chúa.  Có lẽ tôi chưa bao giờ câm và bây giờ vẫn không câm, nhưng tôi có ca tụng Chúa không?  Mỗi giờ cầu nguyện của tôi có là một giờ ca tụng Thiên Chúa về bao nhiêu điều tôi đã được đón nhận từ Chúa, hay tôi chỉ thấy đây là điều tôi phải làm và làm trong nặng nề, mệt mỏi, thậm chí làm một cách vô hồn?  Hóa ra tôi vẫn câm sao?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 

Phạm Đức Hạnh, SJ