Tuesday, November 30, 2021

Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng – Năm C –1-12-2021

Thu Tu I MV

Mát-thêu 15:29-37

29Khi ấy, Đức Giê-su đến ven Biển Hồ Ga-li-lê.  Người lên núi và ngồi ở đó. 30 Dân chúng lũ lượt kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa.  Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành, 31 khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy.  Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en.

32 Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn.  Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường.” 33 Các môn đệ thưa: “Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no?” 34 Đức Giê-su hỏi: “Anh em có mấy cái bánh?”  Các ông đáp: “Thưa có bảy cái bánh và một ít cá nhỏ.” 35 Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất. 36 Rồi Người cầm lấy bảy cái bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông. 37 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay chứa đựng toàn những hình ảnh hy vọng.  Trước hết, dân chúng lũ lượt kéo đến bên Chúa Giêsu, như nguồn hy vọng rất lớn lao đối với họ.  Họ là những người què quặt, hy vọng gặp Chúa Giêsu để được đi lại như bình thường.  Họ là những người đui mù, hy vọng gặp Chúa Giêsu để được sáng mắt.  Họ là những người câm điếc, hy vọng gặp Chúa Giêsu để được nói năng nghe ngóng bình thường.  Họ là những người nghèo đói, hy vọng gặp Chúa Giêsu để được no thỏa.  Hôm nay đang trong tuần đầu tiên của Mùa Vọng, mùa của hy vọng.  Đức tin của tôi, tin vào Chúa Giêsu, có đang là một hy vọng cho những lo lắng và khó khăn trong đời sống của tôi không?  Chúa Giêsu có thật sự là nguồn hy vọng chính trong cuộc đời của tôi không?  Tôi lấy giây phút này để nhìn lại đức tin của tôi và được ngắm nhìn thật sâu vào Chúa Giêsu, nguồn hy vọng lớn nhất và duy nhât của đời tôi.

2.      Phần thứ hai của bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, nuôi một đám đông dân chúng đã theo Ngài suốt ba ngày đường.  Trong cách kể của Mát-thêu cho tôi thấy, trước khi làm phép lạ, Chúa Giêsu bày tỏ nỗi ưu tư của Ngài cho các môn đệ về dân chúng đang đói lả, như thể Ngài muốn các ông phải chăm sóc cho dân chúng, muốn các ông cũng phải đem niềm hy vọng cho dân chúng.  Tôi đã và đang là niềm hy vọng cho những ai bao lâu nay?  Tôi có thể trở thành niềm hy vọng hoặc đem niềm hy vọng đến với những ai hôm nay?  Nên nhớ, dù những gì tôi có chẳng là gì, chẳng thấm vào đâu, nếu biết đặt vào bàn tay của Chúa, mọi sự sẽ trở nên siêu thường.  Tôi muốn nhìn vào những gì tôi có, dù chúng nhỏ như thế nào, nhưng muốn đặt vào bàn tay của Chúa để Ngài làm phép lạ, biến những gì tôi có thành niềm hy vọng lớn cho mọi người quanh tôi và thế giới này.  Tôi tin không?  Tôi muốn không?  Tôi quảng đại với Chúa đủ không?  Tôi tâm tình với Chúa Giêsu mọi suy nghĩ và ưu tư của tôi về gia đình, cộng đoàn, đất nước và thế giới hôm nay, và để ý Ngài sẽ dùng tôi như thế nào hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Monday, November 29, 2021

Thứ Ba Tuần I Mùa Vọng – Năm C –30-11-2021 – Lễ Kính Thánh An-rê Tông Đồ

Thu Ba I MV

Mát-thêu 4:18-22

18Khi ấy, Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người. 21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an.  Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền.  Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là lễ kính Thánh An-rê, Tông Đồ.  Theo Phúc âm, An-rê là một trong những môn đệ đầu tiên đã đi theo Chúa Giêsu.  Bài đọc hôm nay mô tả ông đang cùng người em đánh cá thì gặp Chúa Giêsu đi trên bờ biển hồ Ga-li-lê.  Chúa Giêsu gọi ông và em của ông là Si-môn, mà sau này gọi là Phê-rô, họ đã bỏ mọi sự đi theo Chúa Giêsu.  Tôi thấy gì trong cách gọi của Chúa Giêsu?  Ngài tuyển dụng những cộng sự viên ngay lúc họ đang bận rộn giữa những công việc thường ngày, chứ không phải đang cầu nguyện trong thánh đường.  Điều này cho tôi thấy, Chúa có thể tìm gặp tôi ở mọi nơi và mọi lúc, chứ không phải chỉ là trong thánh đường hoặc khi tôi đang tĩnh tâm cầu nguyện.  Như vậy, có lẽ tôi cần nhắc nhở tôi, phải tỉnh táo hơn, nhạy bén hơn, ý thức hơn mỗi khi Chúa đến và gọi tôi, dù tôi đang ở trong nhà thờ, hay đang bận bịu tại công sở, hoặc đang chăm sóc gia đình, hoặc đang vui chơi bên bạn bè.  Tôi muốn lấy giây phút này của cầu nguyện mà gặp gỡ Chúa, để xem Ngài muốn tôi giúp Ngài điều gì trong ngày hôm nay.  Tôi cũng muốn được sống trong liên đới gần gũi với Chúa, để xem Ngài đến với tôi như thế nào trong ngày hôm nay.

2.      Bài đọc hôm nay Mát-thêu mô tả, khi Chúa Giêsu gọi hai ông An-rê và Si-mon và họ đã mọi sự theo Ngài ngay lập tức; rồi cả Gia-cô-bê và Gioan cũng bỏ mọi sự cùng cha của họ mà đi theo Chúa Giêsu ngay lập tức.  Chỉ trong một đoạn vắn ngắn, Mát-thêu đã lập lại hai lần: “ngay lập tức.”  Điều này nói lên thái độ dứt khoát của các ông.  Tôi muốn nhìn vào đời sống và ơn gọi của tôi: Tôi có thái độ dứt khoát và quả quyết như thế nào khi nghe tiếng gọi của Chúa?  Cái gì khiến tôi không thể có thái độ dứt khoát và quả quyết như các môn đệ trong bài đọc hôm nay?  Có phải lòng tin của tôi chưa đủ mạnh?  Có phải tình yêu của tôi đối với Chúa chưa nồng nàn?  Có phải vì những đam mê cuộc sống đang hấp dẫn tôi hơn cả Chúa?  Tôi suy xét và xin Chúa Giêsu giúp tôi suy xét ơn gọi của tôi cho tường.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, November 28, 2021

Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng – Năm C –29-11-2021

Thu Hai I MV

Isaia 2:1-5

1Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. 2 Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.  Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, 3nước nước dập dìu kéo nhau đi.  Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.  Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời Đức Chúa phán truyền. 4 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc.  Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.  Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. 5 Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường!”

(Trích Sách Isaia, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay được trích từ Sách Isaia.  Đây là tập sách dầy thứ hai sau Thánh Vịnh và là một trong những sách quan trọng và có giá trị nhất của Kinh Thánh Cựu Ước.  Sách này do Isaia và các đồ đệ của ông viết, trong một khoảng thời gian kéo dài nhiều thế kỷ, từ năm 740-500 TCN, tức là khoảng thời gian dân Do-thái đang bị lưu đầy và hậu lưu đầy.  Sách bao gồm ba phần chính: Isaia I, từ chương 1-39; Isaia II, từ chương 40-55, và Isaia III, từ chương 56-66.  Đặc nét của Sách này, đó là trình bày sự trung thành trong niềm tin qua những thử thách của cuộc đời và niềm hy vọng cho dân Chúa trong nhiều thế kỷ.  Chính vì thế mà Sách Isaia cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong Phụng vụ Kitô giáo, đặc biệt Mùa Vọng và Mùa Chay. 

2.      Bài đọc hôm nay là những lời hy vọng cho dân giữa cảnh lưu đầy.  Giữa cảnh lưu đầy tối tăm và khổ ải ấy mà Isaia có thể gióng lên những lời đầy hy vọng và hứa hẹn, như tôi thấy trong bài đọc hôm nay, quả là siêu thường.  Tôi đọc lại những lời trên của Isaia và thử hỏi chính tôi: Giữa thế giới đang rối loạn vì đại dịch trong lúc này, tôi có thể nói và làm gì để đem lại hy vọng, sự bình an và niềm an ủi đến mọi người quanh tôi?  Giữa lúc đất nước tôi đang có nhiều chia rẽ và hận thù, tôi có thể nói gì và làm gì để hàn gắn những chia rẽ và bất ổn hiện nay?  Giữa lúc cộng đoàn tôi đang chia năm xẻ bảy, nhóm này ganh tị nhóm kia, đoàn thể này nói xấu đoàn thể nọ, tôi có thể làm gì để tạo sự hiệp nhất trong giáo xứ?  Giữa lúc gia đình tôi đang lục đục, cãi cọ và nghi kỵ nhau, tôi có thể làm gì để hàn gắn và đem lại sự hòa hợp trong gia đình?  Tôi ngồi bên Chúa, cùng với những lời của Isaia, mà bàn bạc và để được Chúa sai đi làm sứ giả của hy vọng, an bình và hiệp nhất, như Isaia đã được Chúa sai đi năm xưa.         

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, November 27, 2021

Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng – Năm C –28-11-2021

CN I MV

I Thê-xa-lô-ni-ca 3:12-4:2

3/12Thưa anh em, xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. 13 Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.

4/1Vả lại, thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa. 2 Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giê-su mà ra những chỉ thị nào cho anh em.

(Trích Sách Isaia, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Chúa Nhật I Mùa Vọng cũng là ngày đầu của Năm Phụng Vụ mới, năm nay là Năm C.  Trong đời thường, vào mỗi dịp đầu năm, người ta thường có những quyết tâm (resolution) cho cả một năm mới sẽ phải sống như thế nào, ăn uống ra sao, và làm việc như thế nào để có một năm mới khỏe mạnh hơn, đẹp hơn, tốt hơn, hạnh phúc hơn, đáng yêu đáng mến hơn.  Hôm nay ngày đầu của Năm Phụng Vụ mới, tôi có quyết tâm gì cho đời sống đức tin của tôi, để cả năm mới sẽ khác hơn và tốt hơn năm cũ?  Tôi sẽ quyết tâm xây đắp tương quan như thế nào giữa tôi với Chúa, để năm mới này càng ngày tôi càng biết Chúa tường tận hơn, thương Chúa tha thiết hơn và theo Chúa gần cận hơn?  Tôi sẽ quyết tâm xây đắp tương quan như thế nào giữa tôi với tha nhân, để năm mới này mọi nơi tôi đến, mọi người tôi gặp đều đầy ắp những yêu thương và an hòa?  Tôi ngồi bên Chúa trong những giây phút đầu năm này và bàn với Chúa về những quyết tâm của tôi. 

2.      Bài đọc hôm nay là một lời khích lệ và cũng là lời khuyên tôi phải làm gì cho năm mới này.  Tôi đọc lại nhiều lần những lời trên của Phao-lô để được nâng đỡ về những điều hay lẽ phải mà tôi đã làm trong cả năm qua; đồng thời biết phó thác và được hướng đến những gì tôi có thể và muốn làm trong năm mới này.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, November 26, 2021

Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên – Năm B –27-11-2021

Thu Bay XXXIV TN

Luca 21:34-36

34Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Gần đến cuối năm, các bài đọc cũng cùng xu hướng với cuộc sống thường nhật của mọi người, đó là tổng kết cuối năm, nhìn lại một năm đã qua, và chuẩn bị cho năm mới sắp đến.  Chỉ còn một ngày nữa, Giáo hội sẽ kết thúc một Năm Phụng Vụ và bắt đầu Năm Phụng Vụ mới, vào Chúa nhật này.  Bài đọc hôm nay mời gọi tôi phải coi lại đời sống, phải đề phòng những gì đang ru ngủ tôi, làm tôi không còn tỉnh táo và nhạy bén trước sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời này và mỗi giây phút Chúa đến trong ngày sống của tôi.  Hôm nay, tôi muốn xem lại cuộc sống của tôi trong một năm qua.  Tôi có đang say, đang mê những gì hơn cả Chúa?  Đời sống tâm linh của tôi có còn tỉnh táo, nhạy bén với những giá trị Nước Trời nữa không, hay những giá trị trần thế đang mê hoặc tôi?  Tôi ngồi bên Chúa mà xét mình và tính sổ cuối năm với Chúa.

2.       Chúa Giêsu mời gọi tôi hãy tỉnh thức để có thể đứng vững khi Chúa đến.  Đây chính là thái độ của người Kitô, không sợ Chúa đến bất cứ khi nào, nhưng vui mừng và mong mỏi.  Tôi phải vui mừng, mong mỏi với tất cả tin tưởng chờ Chúa đến như thế nào?  Cách thức nào có thể giúp tôi mong chờ Chúa đến đúng nghĩa nhất?  Tôi đọc lại những lời trên của Chúa Giêsu và cùng bàn với Ngài một hướng đi đúng, chờ đợi Chúa một cách đúng đắn nhất, lạc quan nhất cho cả năm mới sắp đến. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Thursday, November 25, 2021

Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên – Năm B –26-11-2021

Thu Sau XXXIV TN

Luca 21:29-33

29Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn.  Người nói: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. 30 Khi nhìn cây đâm chồi, thì anh em biết là mùa hè đã gần đến. 31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. 32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ và cũng là cho chính tôi: phải biết đọc ra những dấu chỉ của thời đại.  Ngài nói: Khi nhìn cây đâm chồi, thì anh em biết là mùa hè đã gần đến.  Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.”  Mà những điều đó là những điều gì vậy?  Ở ngay trước bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói: Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.  Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.  Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.  Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc." (Lc 21:25-28).  Không thể hiểu những điều Chúa Giêsu nói theo nghĩa đen, như nhiều người vẫn tung tin trên các trang mạng xã hội hoặc cầm bảng ở các góc đường rằng, tận thế đến nơi vì động đất chỗ này, chiến tranh chỗ kia, loạn lạc chỗ nọ…  Phải hiểu Tin Mừng được viết trong bối cảnh văn thóa 2000 năm trước, với cái nhìn rất khác về vũ trụ so với thế giới tôi đang sống ở kỷ 21.  Ở thời điểm và văn hóa thời xa xưa đó, mỗi khi nói về Thiên Chúa, người ta hay dùng kiểu nói mạnh mẽ đến long trời lở đất.  Mặt khác động đất, thiên tai là một sự tuần hoàn của vũ trụ, ở đâu và thời đại nào cũng có những chuyện này xảy ra.  Chiến tranh và đấu đá lẫn nhau, thể chế này lên thể chế khác bị lật đổ, tất cả là chuyện thường tình trong cuộc sống.  Chỉ có điều khác ở ngày nay, đó là: phương tiện thông tin internet quá nhanh và bao trùm cả thế giới, nên mọi chuyện xảy ra bất cứ góc biển chân trời nào cũng được biết đến trong tích tắc, chính vì thế cho tôi dễ cảm thấy choáng ngợp, sao nhiều chuyện xảy ra quá!  Là Kitô hữu, không nên nhìn vào những chuyện lớn trong vũ trụ mà hoang mang, nhưng quan trọng là phải biết đọc ra những dấu chỉ thời gian theo cách hiểu của Giáo hội đang nói ngày nay. 

2.       Vậy dấu chỉ của thời gian ngày nay là gì?  Khi nào thì tận thế, khi nào là quá trễ đối với tôi?   Nếu tôi có thể xem cây biết mùa, xem trời biết có mưa hay nắng, tôi có biết xem cuộc đời tôi, đâu là những dấu hiệu tôi đang xa dần và đánh mất Thiên Chúa, đánh mất gia đình và bản thân?  Đâu là những dấu hiệu cho biết tôi đang ở trong Thiên Chúa, gia đình tôi sẽ được bình yên và hạnh phúc?  Đâu là những dấu chỉ cho biết người phối ngẫu, cha mẹ và con cái của tôi đang có những khó khăn, nỗi buồn, ưu tư nào, và họ đang ở đâu, tôi biết không?  Tôi có còn trong trái tim của họ hay tôi đã đánh mất họ rồi?  Tôi có còn là người đáng tin tưởng và biết lắng nghe, để họ dám chia sẻ tất cả với tôi?  Nếu tôi không nhận ra những dấu chỉ kinh thiên động địa đang xảy ra trong tôi, trong gia đình, trong cộng đoàn, quả thật, tận thế đang xảy ra với tôi rồi.  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu, xin Ngài giúp tôi nhạy bén trước những gì đang xảy ra trong tôi và quanh tôi, để cứu vãn tình thế, để không bao giờ tôi mất Chúa và người thân. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Wednesday, November 24, 2021

Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên – Năm B –25-11-2021 – Lễ Tạ Ơn Tại Hoa Kỳ

Thu Nam XXXIV TN

Luca 17:11-19

11Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê12Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người mắc bệnh phong đón gặp Người.  Họ dừng lại đằng xa 13và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin rủ lòng thương chúng tôi!” 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.”  Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Sa-ma-ri17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” 19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi!  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.       Hôm nay là Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) tại Hoa Kỳ.  Theo truyền thống, hằng năm người Mỹ mừng Lễ Tạ Ơn để cảm tạ Thiên Chúa về mùa màng cùng muôn ơn lành Ngài đã ban trong một năm qua.  Lễ Tạ Ơn năm nay có lẽ mang một ý nghĩa đặc biệt hơn với tôi chăng vì một năm đại dịch Covid, dù vẫn chưa dứt, nhưng tôi vẫn còn đây.  Tôi có thể cảm tạ Chúa về món quà sức khỏe, không chỉ thoát bệnh Covid, mà thoát nhiều chứng bệnh khác nữa.  Không chỉ tạ ơn Chúa về sức khỏe, nhưng còn công ăn việc làm, gia đình và cuộc sống.  Tôi muốn sống như là một con người thật sự, như là một Kitô hữu đích thực, luôn biết ơn Thiên Chúa, biết ơn con người và biết ơn cuộc đời.  Tôi bày tỏ lòng biết ơn Chúa trong giây phút này.

2.       Bài đọc hôm nay có thể rất quen thuộc với tôi, chuyện mười người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Ngài.  Chúa Giêsu thất vọng về chín người kia không biết ơn.  Có khi nào tôi đã sống vô ơn với Chúa và với tha nhân không?  Sự vô ơn đã làm cho cuộc đời tôi nghèo nàn và xa cách như thế nào?  Tôi sẽ làm gì để làm ngắn lại những khoảng cách ấy?  Vô ơn không chỉ làm tổn thương những người đã giúp đỡ tôi, mà còn là dấu chỉ của một sự thiếu hiểu biết, thiếu trưởng thành, thiếu nhân cách.  Bởi, biết ơn là bài đọc thứ hai, ai cũng được học sau bài học yêu thương.  Ngày hôm nay tôi muốn chọn cách thức biết ơn Chúa, cuộc đời và tha nhân như thế nào?  Tôi có thể lấy giây phút này để ngẫm suy và hỏi ý Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Tuesday, November 23, 2021

Thứ Tư Tuần XXXIV Thường Niên – Năm B –24-11-2021 – Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Thu Tu XXXIV TN

Luca 9:23-26

23Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 26 Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có thể đã có lần nào đó tôi đã thầm than: Cứ nghĩ đến Chúa, cứ nói theo Chúa là phải nghỉ đến từ bỏ.  Mệt quá!  Sợ quá!  Thế nhưng trong cuộc đời này, có giây phút nào mà tôi không phải chọn lựa đâu?  Sáng sớm vừa mở mắt ra, hãy còn ở trên giường, tôi đã phải chọn: hôm nay sẽ phải mặc quần áo nào, ăn gì buổi sáng, gặp những ai trong ngày, nói những gì…  Đã chọn cái này thì phải bỏ cái kia.  Sự chọn lựa càng lớn, càng quan trọng, việc từ bỏ càng là thách đố bấy nhiêu.  Chúa Giêsu hôm nay đặt một điều kiện cho tôi: Nếu muốn theo Ngài, tôi phải từ bỏ chính mình.  Có lẽ đây là một sự từ bỏ lớn nhất và khó khăn nhất trong cuộc đời.  Từ bỏ chính tôi, tức là trở nên trống rỗng để Chúa được ở tròn đầy trong tôi, tức là để Chúa làm chủ đời sống của tôi, tức là tôi trở nên một với Chúa, nói năng, suy nghĩ và ưu tư giống Chúa.  Tôi dám xin ơn này với Chúa trong giây phút này không?  Tôi nhìn vào gương của các thánh tử đạo Việt Nam mà tôi mừng kính hôm nay.  Các Ngài đã từ bỏ chính mình để được Thiên Chúa trọn vẹn.  Tôi cũng muốn từ bỏ chính tôi để được mất hút vào trong Thiên Chúa. 

2.      Không như Phật giáo, mỗi người phải tự cứu lấy mình; không như Do-thái giáo, họ vẫn đang chờ Đấng Cứu Thế đến; không như Hồi giáo, Thiên Chúa không nhập thể để cứu độ con người nhưng làm việc qua Tiên tri Mohamed; chỉ có Kitô giáo là tôn giáo duy nhất được gọi là tôn giáo cứu độ; tức là tôi tin vào một Thiên Chúa đã nhập thể, sinh ra làm người để ở với tôi và quan trọng là để cứu độ tôi, bởi tôi không thể tự cứu tôi.  Có khi nào tôi đã chủ quan mà bất cần Thiên Chúa?  Tôi cảm thấy an nhiên tự tại, chẳng cần chúa bà nào cứu tôi?  Sự tự mãn rằng, chẳng cần Thiên Chúa, đã dẫn tôi và gia đình tôi đến đâu?  Tôi có thật sự bình an?  Tôi có thật sự làm chủ cuộc đời, sức khỏe, tương lai của tôi?  Tôi nghĩ gì về câu hỏi của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.  Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”  Tôi nhìn lại đời sống của tôi xem, linh hồn tôi còn hay đã mất rồi?  Tôi đã đánh đổi linh hồn, lương tâm, bản thân cho cái gì?  Tôi nói chuyện và đàm đạo với Chúa Giêsu trong giây phút này.         

Monday, November 22, 2021

Thứ Ba Tuần XXXIV Thường Niên – Năm B –23-11-2021

Thu Ba XXXIV TN 

Đa-ni-en 2:31-45

31Ngày ấy, ông Đa-ni-en nói với vua Na-bu-cô-đô-nô-xo rằng: “Tâu bệ hạ, ngài đã có một giấc chiêm bao.  Giấc chiêm bao ấy như thế này: một pho tượng, một pho tượng lớn, sáng chói, đứng sừng sững trước mặt ngài, coi thật dễ sợ. 32 Đầu pho tượng ấy bằng vàng ròng, ngực và hai cánh tay bằng bạc, bụng và hai bắp đùi bằng đồng, 33 hai bắp chân bằng sắt, hai bàn chân nửa sắt nửa sành. 34 Ngài đang mải nhìn thì bỗng có một tảng đá tách ra, dù không có bàn tay nào đụng tới, nó đập vào pho tượng trúng hai chân nửa sắt nửa sành, khiến hai bàn chân vỡ tan ra. 35 Bấy giờ tất cả cùng vỡ tan: cả sắt, sành, đồng, bạc lẫn vàng, giống như rơm rác trên sân phơi lúa mùa hè bị gió cuốn đi không để lại dấu vết gì. Còn tảng đá làm vỡ pho tượng thì trở thành một hòn núi lớn choán hết mặt đất. 36 Đó là giấc chiêm bao, còn ý nghĩa của nó thì xin tâu trước bệ hạ. 37 Tâu bệ hạ, ngài là vua các vua, Đức Chúa Trời đã ban cho ngài vương quốc, quyền hành, thế lực và vinh quang. 38 Con cái loài người, thú vật ngoài đồng, chim chóc trên trời, dù chúng ở đâu thì Đức Chúa Trời cũng giao vào tay ngài và đặt ngài làm chủ tể mọi loài.  Cái đầu bằng vàng chính là ngài vậy. 39 Sau triều đại ngài, sẽ xuất hiện một vương quốc khác kém hơn ngài.  Rồi một vương quốc thứ ba nữa, vương quốc bằng đồng, sẽ thống trị cả mặt đất. 40 Còn vương quốc thứ tư vững như sắt. Cũng như sắt nghiền nát và đập tan tất cả vương quốc đó - khác nào sắt phá vỡ - cũng sẽ nghiền nát và phá vỡ tất cả. 41 Bàn chân và các ngón chân mà ngài thấy nửa bằng đất sét, nửa bằng sắt là một vương quốc sẽ bị phân chia, nhưng sẽ có một phần sức mạnh của sắt, vì ngài thấy sắt pha lẫn với đất sét. 42 Các ngón chân phần bằng sắt, phần bằng đất sét là một vương quốc nửa mạnh nửa yếu. 43 Việc ngài thấy sắt pha với đất sét nghĩa là các vương quốc sẽ làm cho các chủng tộc pha lẫn với nhau, nhưng không gắn bó với nhau được cũng như sắt không hoà lẫn được với đất sét. 44 Trong thời đại các vua này, Đức Chúa Trời sẽ lập một vương quốc không bao giờ bị tiêu diệt, vương quốc ấy không bị giao cho một dân khác, nhưng nó sẽ đập tan và tiêu diệt tất cả mọi vương quốc này, đến muôn đời nó sẽ đứng vững; 45 cũng như ngài đã thấy tảng đá bị tách khỏi núi dù không có bàn tay nào đụng tới, tảng đá ấy đập tan cả sắt, đồng, đất sét, bạc và vàng.  Thiên Chúa cao cả đã cho đức vua biết chuyện gì sẽ xảy ra sau này.  Giấc chiêm bao đúng là như thế và ý nghĩa chắc chắn là như vậy.”

(Trích Sách Đa-ni-en, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Tuần này Giáo hội bắt đầu cầu nguyện và suy niệm với Sách Đa-ni-en.  Đây là một tập sách đầy thú vị, được viết bằng ba ngôn ngữ: Do-thái, A-ram và Hy-lạp, lẫn lộn trong các chương.  Người Do-thái chỉ công nhận những phần viết bằng tiếng Do-thái và A-ram vào Kinh Thánh của họ.  Các giáo phái Tin Lành cũng công nhận như thế; chỉ có Công giáo là công nhận tất cả các phần viết bằng ba thứ tiếng vào trong Kinh Thánh.  Nhiều người cho rằng Sách ngày được viết ra khoảng thế kỷ 6 TCN, tức cuối thời lưu đầy ở Ba-by-lon và ngay sau đó.  Tuy nhiên, dựa vào ngôn ngữ học, có người cho rằng, Sách này được viết ra khoảng thế kỷ 2 TCN.  Sách gồm ba thể loại: 1) Thể văn “Midrash haggadah”, tức thể văn nghiên cứu; 2) Thể văn “Pesher midrash”, tức thể văn giải thích những biến cố lịch sử theo chiều kích tâm linh; 3) Thể văn “Apocalypsis”, tức thể văn khải huyền, tiên đoán những vấn đề cánh chung.  Hiện nay vẫn chưa rõ ai là tác giả của Sách Đa-ni-en, và đây cũng là chuyện thường xảy ra thời bấy giờ.  Các tác giả thời ấy thường mượn tên người nổi tiếng làm tác giả cho sách của họ.  Vì thế, Đa-ni-en không phải là tác giả của Sách này, mà chỉ là nhân vật nổi tiếng và quan trong trong Sách nên, người ta đã lấy tên của ông đặt tên cho Sách.

2.      Để hiểu bài đọc hôm nay, tôi cần phải đọc thêm phần đầu của chương 2, trong đó mô tả Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo của Ba-by-lon, một ông vua quái ác, ham sống và sợ chết.  Ông là người ác độc.  Đêm ngủ, ông mơ một giấc mơ rất lạ kỳ, khó hiểu và điều đó khiến ông sợ.  Chính vì thế mà, sáng ngày, ông triệu tập tất cả các phù thủy, chiêm tinh, pháp sư và đồng bóng trong nước, đòi buộc họ phải giải thích ý nghĩa giấc mơ của ông là gì.  Tuy nhiên, cái ác của ông vua này đó là: ông không nói cho mọi người biết ông đã mơ gì, nhưng bắt họ phải đoán ông đã mơ thấy gì và giải thích ý nghĩa của giấc mơ ấy.  Ai kể sai sẽ bị giết, còn ai kể đúng sẽ được thưởng chức lớn quyền cao.  May mắn trong số ấy, Đa-ni-en đã mạnh dạn nói về giấc mơ của Vua và giải thích ý nghĩa của giấc mơ ấy, như tôi thấy trong bài đọc hôm nay.  Và Đa-ni-en đã nói đúng.  Người Do-thái rất tin vào giấc mơ; họ tin rằng Thiên Chúa liên lạc với con người qua giấc mơ.  Chính vì thế, có đến 3/5 số trang của Kinh Thánh nói về giấc mơ.  Điều rất đẹp của bài đọc hôm nay, đó là: Thiên Chúa đã dùng ngay những yếu tố văn hóa và niềm tin của thời đại để mạc khải về Ngài.  Tôi có tin vào giấc mơ không?  Tôi có tìm ý Chúa và sự hiện diện của Ngài trong các giấc mơ của tôi không, hay chỉ dùng niềm tin vào giấc mơ để đánh số đề?  Nếu không tin vào giấc mơ như là cách Thiên Chúa thông truyền với tôi, vậy tôi kinh nghiệm Chúa thông truyền với tôi như thế nào trong mọi ngày sống?  Tôi có nhận ra sự hiện diện và thông truyền của Ngài?  Tôi đã lắng nghe và đáp trả một cách nghiêm túc với Chúa như thế nào, hay tôi đã dập tắt tiếng nói của Ngài trong tôi?  Tôi nói chuyện với Chúa trong giây phút này.      

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, November 21, 2021

Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên – Năm B –22-11-2021 – Lễ Thánh Cecilia, Đồng Trinh Tử Đạo

Thu Hai XXXIV TN

Hô-sê 2:16b, 17b, 21-22

16bĐức Chúa phán như sau: “Này, Ta sẽ đưa dân ta vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. 17b Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai-cập. 21 Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và  chính trực, trong ân tình và xót thương; 22 Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.”

(Trích Sách Hô-sê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có rất nhiều phương pháp cầu nguyện.  Tuy nhiên, dù tôi có áp dụng phương pháp nào của cầu nguyện đi nữa, nếu đỉnh cao của cầu nguyện không đưa tôi đến sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, nếu cùng đích của cầu nguyện không giúp tôi xây đắp một tương quan sâu đậm với tha nhân, mà chỉ tập trung vào bản thân tôi mà thôi, tôi không phải là Kitô hữu nữa và tôi đã cầu nguyện lạc đường.  Mà cái tương quan mật thiết giữa tôi với Chúa, không chỉ là tương quan của hai người hiện diện trong một căn phòng, mà là tương quan của hai vợ chồng đang ái ân nên một với nhau như Sách Hô-sê và Diễm Ca mô tả, hoặc như cây với cành mà Chúa Giêsu trong Gioan 15:1-8 mong đợi.  Tôi muốn xin cho được nên một với Chúa trong lúc này. 

2.      Bài đọc hôm nay là những lời thật đẹp từ Sách Hô-sê.  Trong đó, Hô-sê mô tả tương quan giữa Thiên Chúa và con người như một cặp tình nhân hẹn hò với nhau nơi vắng vẻ, để ở đó chỉ có hai người mà thôi, không bị ai quấy rầy hoặc không để bất cứ cái gì chi phối lấy mất đi thời gian riêng tư thân mật ấy.  Như vậy có thể nói, Hô-sê đã đưa ra một định nghĩa về cầu nguyện: Cầu nguyện là hẹn hò với Thiên Chúa, Đấng yêu thương tôi và mặn nồng với tôi.  Điều này cũng giống như Chúa Giêsu sau này trong Mát-thêu 6:6 mời gọi tôi mỗi khi cầu nguyện, hãy vào nơi kín đáo nhất mà cầu nguyện cùng Chúa Cha, Đấng thấu tỏ mọi bí ẩn trong tôi.  Tôi đọc lại những lời tỉ tê trên của Chúa đang nói với tôi.  Tôi muốn hẹn hò với Chúa ngay trong giây phút này, tại góc kín nhất của cuộc đời tôi, nơi đó chẳng ai thấy, chẳng ai biết, chẳng bị ai lấy đi những giây phút riêng tư giữa tôi với Chúa, nơi đó tôi được ở thật gần, thật sâu với Đấng luôn yêu thương, mặn nồng với tôi và tôi mặn nồng với Ngài.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng những lời mặn nồng mà Teresa Avila đã tỏ tình với Chúa, qua bài hát: “Tình Khúc,” do Ân Đức sáng tác, qua sự trình bày của Diệu Hiền và Ca đoàn St. Paul, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=ZuNzNAyJ7dM

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, November 20, 2021

Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên – Năm B –21-11-2021 - Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

CN XXXIV TN

Gioan 18:33b-37

33bKhi ấy, quan Phi-la-tô nói với Đức Giê-su rằng: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” 34 Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” 35 Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao?  Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi.  Ông đã làm gì?” 36 Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.  Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái.  Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” 37 Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?”  Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua.  Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật.  Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua.  Bài đọc hôm nay cho tôi một cái nhìn đúng về Chúa Kitô, Ngài là vua của ai và là vua như thế nào.  Trước hết, Chúa Kitô không phải là vua của thế gian này, mà là vua Nước Trời.  Bởi thế, mọi so sánh Chúa Kitô Vua với những hình ảnh các ông vua bà hoàng trần thế, dù họ có tốt đến mấy đi nữa, đều là một so sánh khập khiễng, thậm chí dễ bị bóp méo và xuyên tạc.  Chẳng có một hình ảnh của bất cứ lãnh đạo nào trên thế giới có thể so sánh được với hình ảnh Chúa Kitô Vua vũ trụ; chưa kể, chúng có thể cản trở tôi nhận biết và đến thật gần bên Chúa Giêsu trong giây phút này.  Cách hiểu đúng nhất và ít sai nhất về Chúa Kitô Vua là chiêm ngắm cuộc tử nạn của Ngài, mà bài đọc hôm nay chỉ là một phần nhỏ mô tả hình ảnh thực về Chúa Kitô Vua, lúc Ngài bị bắt và bị đem ra xét xử.  Để hiểu rõ và nhận thức rõ Chúa Kitô Vua trong ngày lễ này, có lẽ trong giây phút này, tôi muốn đọc lại toàn bộ cuộc thương khó của Chúa Giêsu trong các phúc âm như: Gioan chương 18-19, Mát-thêu chương 26-27, Luca chương 22-23, hoặc Mác-cô chương 14-15.  Tôi muốn tôn thờ Chúa Kitô Vua như được mô tả qua cuộc thương khó trong các phúc âm không?  Chúa Kitô Vua có thật sự là vua của tôi không?  Tôi tỏ lòng thờ phượng, kính tin Ngài trong giây phút này.

2.      Thứ đến, Chúa Kitô Vua đến để làm chứng cho sự thật, và ai thuộc về sự thật thì nghe Ngài.  Tôi đã và đang sống theo sự thật như thế nào?  Sự thật giải thoát tôi ra sao?  Điều gì khiến tôi không dám sống thật, nói thật, nghĩ thật?  Tôi đang sợ gì và cái gì đang giam hãm tôi trong nỗi sợ ấy?  Tôi muốn nói gì với Chúa Kitô Vua trong giây phút này?  Tôi muốn xin gì cùng Vua của tôi để tôi được tự do và hạnh phúc hơn?  

Phạm Đức Hạnh, SJ     

Friday, November 19, 2021

Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên – Năm B –20-11-2021

Thu Bay XXXIII TN

Luca 20:27-38

27Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su.  Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy.  Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” 34 Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần.  Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một cuộc đối thoại giữa nhóm Xa-đốc với Chúa Giêsu về sự sống đời sau và sự sống lại.  Con vật cũng như con người đều khát vọng sống.  Chính vì thế mà con người và con vật đều có nhu cầu đã thành bản năng, phải sinh con cái để duy trì giống nòi.  Tuy nhiên, con người khác con vật ở chỗ, con người không chỉ ham muốn sống ở đời này bao lâu có thể, nhưng còn khát vọng được sống mãi mãi ở đời sau nữa.  Bởi thế ở thời đại nào cũng có những người bận tâm về số phận của những người thân của họ đã chết.  Người ta xin lễ, cầu kinh để mong sao người thân của họ được sống đời đời bên Chúa; đồng thời mong rằng, một ngày nào đó họ sẽ được gặp lại người thân của họ.  Tuy nhiên, câu hỏi cần phải đặt ra, đó là: Tại sao tôi không bước vào cõi vĩnh hằng bên Chúa ngay từ giây phút này, mà phải chờ sau khi chết?  Chỗ nào có Thiên Chúa, nơi đó là thiên đàng, nơi đó con người đã đi vào trong vĩnh cửu rồi.  Tôi có thể bước vào cõi vĩnh hằng ấy ngay trong giây phút này của giờ cầu nguyện.  Tôi muốn trầm lắng thật sự, ý thức sự hiện diện của Thiên trước mặt tôi ngay trong giây phút này.  Tại sao tôi phải chờ đến sau khi chết rồi nhờ người này người kia xin lễ, đọc kinh cầu nguyện tôi mới vào thiên đàng?  Tôi cho rằng, nếu không tìm cách vào thiên đàng ngay ở cuộc đời này, chắc cũng chẳng bao giờ vào được thiên đàng sau khi chết.  Tôi đem chuyện thiên đàng và sự sống vĩnh cửu bàn hỏi với Chúa Giêsu trong giây phút này.

2.      Câu cuối cùng trong bài đọc hôm nay thật thú vị.  Chúa Giêsu nói: “Đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống.”  Như vậy, trong con mắt của Thiên Chúa, chẳng ai chết bao giờ.  Giống như tác giả Thánh Vịnh 139 đã cảm nghiệm: Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?  Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.  Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.  Con tự nhủ: ‘Ước gì bóng tối bao phủ tôi và ánh sáng quanh tôi thành đêm tối!’  Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày, bóng tối và ánh sáng cũng như nhau” (Tv 139:7-12).  Những lời này và lời Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay có là một hy vọng cho tôi, có cho tôi một cái nhìn mới về cách sống của tôi hiện nay không?  Tôi phải sống như thế nào để cảm nghiệm thiên đàng ngay trong giây phút này?  Tôi sẽ sống như thế nào để không lạc xa thiên đàng qua từng chọn lựa của cuộc sống?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu. 

Phạm Đức Hạnh, SJ 

Thursday, November 18, 2021

Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên – Năm B –19-11-2021

Thu Sau XXXIII TN

Luca 19:45-48

45Khi ấy, Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán 46 và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” 47 Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ.  Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. 48 Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nối tiếp bài đọc hôm qua về câu chuyện Chúa Giêsu khóc thương đền thờ Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá vì đã không nhận biết những gì đem lại bình an cho họ, không nhận biết ngày giờ Thiên Chúa viếng thăm họ; bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu vào trong đền thờ ấy và đánh đuổi tất cả những người đã biến đền thờ thành hang trộm cướp, thành nơi buôn bán.  Đây là một biến cố được ghi nhận trong cả bốn phúc âm.  Như vậy, từ ban đầu Giáo hội đã rất coi trọng nơi thờ phượng; nơi ấy phải được thanh tẩy, phải được coi là một nơi mọi người có thể gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa, không phải qua một trung gian nào, không phải qua một thủ tục nào, không thể có chuyện hối lộ, đổi chác hay mua bán trong việc dân chúng đến gặp gỡ Thiên Chúa.  Trước hết, trong giây phút này tôi muốn nhìn vào tâm hồn tôi có là đền thờ của Chúa hay cũng là nơi đầy xấu xa, tội lỗi, ích kỷ, tham lam, độc ác, tối tăm và thối tha, khiến không chỉ Chúa chẳng vào được mà bất cứ ai cũng không dám vào.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Tôi muốn Chúa dọn dẹp tâm hồn tôi như thế nào?  Có một chướng ngại vật nào lớn nhất đang ngăn cách tôi với Thiên Chúa không?  Tôi muốn phá bỏ nó ra sao?     

2.      Sau nữa tôi cũng để ý, có khi nào tôi cũng là rào cản khiến người khác không thể gặp được Chúa trong tâm hồn tôi?  Tôi đã đặt ra những khó khăn, những điều kiện nào, khiến người khác thật khó lòng gặp được Chúa qua tôi?  Tôi cũng nhìn vào gia đình, cộng đoàn giáo xứ của tôi, có đang là nơi mà mọi người bất kể họ là ai, lương hay giáo, thánh thiện hay tội lỗi, họ có tìm gặp thấy Chúa trong gia đình tôi và xứ đạo của tôi không?  Tôi phải làm gì để mọi người cảm thấy gia đình tôi, xứ đạo tôi là một thiên đàng, nơi đó được tôn trọng, yêu thương, được nghỉ ngơi, tự do, bình an, và được gặp Chúa?  Tôi muốn lấy câu chuyện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ trong bài đọc hôm nay mà suy ngẫm cả ngày.  Tôi muốn lấy câu nói của Thánh I-nha-xi-ô Loyola làm đèn soi cho mỗi ngày sống của tôi: “Người nào mang Chúa ở trong tim, sẽ mang cả thiên đàng ở mọi nơi người ấy đến.”  

 Phạm Đức Hạnh, SJ