Thursday, February 28, 2019

Thứ Sáu - Tuần VII Thường Niên I – Năm C – 1-3-2019


Thu Sau VII TN

Huấn Ca 6:5-17

5 Ăn nói dịu dàng thì tăng thêm bạn hữu, phát biểu dễ thương thì tăng thêm lời thân ái.6 Ước chi có nhiều người sống hoà nhã với con; nhưng cố vấn cho con, thì trong muôn ngàn chỉ nên chọn một.7 Nếu con muốn làm bạn với ai thì hãy thử người ấy trước, nhưng đừng vội tin tưởng ngay.8 Vì có kẻ chỉ là bạn nhất thời, ngày con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa.9 Có người là bạn lại trở nên thù, và tiết lộ chuyện cãi nhau, khiến con phải xấu hổ.10 Có người là bạn khi đồng hành với con, nhưng ngày con gặp nạn, nó chẳng còn là bạn nữa.11 Khi con gặp may, thì nó chẳng khác nào chính con: gia nhân con, nó tự do sai bảo.12 Nhưng lúc con sa cơ, nó liền chống lại và lánh mặt con luôn.13 Với quân thù, con hãy tránh xa, còn với bè bạn, con phải coi chừng.14 Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng.15 Không gì đổi lấy được một người bạn trung thành, và giá trị của người bạn ấy, không cân nào lường được.16 Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời, những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy.17 Người kính sợ Đức Chúa thì điều khiển được tình bạn của mình vì bản thân mình thế nào, thì cận thân mình cũng thế.

(Trích Sách Huấn Ca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Lời Chúa trong bài đọc hôm nay đề cập đến một chủ đề thật gần gũi và thiết thực đối với tôi đó là: Tình bạn.  Chẳng ai sống trong cuộc đời này mà không có bạn, không nhiều thì ít.  Nhưng không phải bất cứ ai gọi tôi là bạn mà tôi đã chọn họ là bạn.  Trong danh mục bạn của những người chơi Facebook ngày nay, có những người có đến cả ngàn bạn, nhưng có bao nhiêu người trong đó thực sự là bạn?  Lời Chúa hôm nay nói: Tình bạn tựa kho tàng quý.  Điều này chắc hẳn muốn nói, tìm được một người bạn tốt, khó như tìm ngọc quý.  Tôi muốn đọc lại Cẩm Nang Tình Bạn trong bài đọc trên và kể cho Chúa nghe tên của tất cả những ai đã là bạn với tôi, bạn tốt lẫn bạn xấu.  Họ bây giờ ở đâu?  Cuộc sống của họ bây giờ như thế nào?  Tôi cũng kể cho Chúa nghe, tôi đã là một người bạn như thế nào với mọi người?  Đã từng xấu với ai và đã từng tốt với ai?  Tôi muốn cám ơn Chúa về những người bạn tốt trong cuộc đời, và cám ơn Ngài về những cơ hội cho tôi trở thành một người bạn tốt.  Tôi cũng xin Chúa chữa lành những vết thương do những người bạn xấu gây ra cho tôi và những vết thương do chính tôi đã là bạn xấu của những người khác.      

2.     Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi đặc biệt chú ý đến một người bạn tốt nhất của tôi, đó là Chúa Giêsu.  Ngài luôn đối xử với tôi như là một người bạn tốt của Ngài.  Tôi đã đối xử với bạn Giêsu như thế nào?  Ngài có được là bạn tốt của tôi không?  Tôn muốn nói gì với bạn Giêsu trong lúc này?  Tôi đọc lại tâm sự của Ngài đã một lần nói với tôi: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.  Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:13-15).  Bạn Giêsu đã liều chết vì tôi, hẳn Ngài quý tôi biết chừng nào và không muốn đánh mất tình bạn với tôi.  Tôi nghĩ, tôi sẽ làm gì và hy sinh gì để giữ mãi tình bạn với Giêsu?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, February 27, 2019

Thứ Năm - Tuần VII Thường Niên I – Năm C – 28-2-2019


Thu Nam VII TN

Mác-cô 9:43-50

43 “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.46 [ ]47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.49Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối.50 Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau."

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Trước hết, xin đừng hiểu những gì Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay theo nghĩa đen.  Nếu hiểu theo nghĩa đen, có lẽ trong Nước Trời không ai còn mắt, còn tay hay chân cả, bởi ai cũng phạm tội.  Đó chỉ là một kiểu nói quá, đầy ví von của Chúa Giêsu nhằm nói đến, Nước Thiên Chúa là một cái gì quý nhất trong cuộc đời mà mỗi người phải kiếm tìm và đánh đổi bằng mọi giá.  Vì thế, dù cho một phần nào đó của cơ thể, cái mà tôi rất quý, nếu nó đang cản trở tôi có được Nước Thiên Chúa, tôi cũng nên bỏ.  Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là một thách thức lớn đối với tôi, trong việc kiếm tìm Nước Thiên Chúa?  Có một cái gì mà tôi đang yêu quý hơn cả Nước Thiên Chúa?  Tôi dám đánh đổi không?  Tôi nói với Chúa về khó khăn và ngại ngùng này.  Tôi xin Chúa giúp tôi có được sự khôn ngoan và sức mạnh, dám chọn lựa cái gì đang dẫn tôi đến cổng Nước Trời, ngay tại thế này.

2.     Chúa Giêsu kết thúc lời dạy của Ngài bằng lời khuyên, tôi cần giữ muối trong lòng, để lòng tôi luôn được tươi, không ươn thối, nhờ vậy mọi người mới có thể đến được với tôi.  Giờ cầu nguyện này có thể dễ hơn nếu tôi có lọ muối hay một chút muối trên lòng bàn tay.  Tay mân mê những hạt muối và suy nghĩ về tâm hồn của tôi lúc này.  Tôi thấy tâm hồn tôi lúc này như thế nào?  Có góc cạnh nào đang bị ươn rữa, có chỗ nào trong tâm hồn tôi cần được ướp muối?  Gia đình tôi có đang thiếu muối chăng, khi người này người kia đang trở thành ươn thối, khiến mọi người không ngồi lại với nhau được?  Tôi muốn nói chuyện với Chúa về những mảng ươn thối trong lòng tôi, trong gia đình tôi.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, February 26, 2019

Thứ Tư - Tuần VII Thường Niên I – Năm C – 27-2-2019


Thu Tu VII TN

Huấn ca 4:12-16

12 Ai yêu khôn ngoan là yêu sự sống, ai sớm tìm kiếm khôn ngoan sẽ tràn trề hoan lạc.13 Người nắm được khôn ngoan sẽ được vinh quang làm gia nghiệp, đi tới đâu, họ cũng được Đức Chúa ban phúc lành.14 Ai phụng sự khôn ngoan thì cũng phụng thờ Đấng Thánh, và ai yêu mến khôn ngoan thì được Đức Chúa mến yêu.15 Người nghe theo khôn ngoan, thì xét xử chư dân, ai gắn bó với khôn ngoan sẽ định cư yên hàn.16 Ai tin tưởng vào khôn ngoan, sẽ được khôn ngoan làm gia nghiệp và dòng dõi họ cũng sẽ được thừa hưởng.

(Trích Sách Huấn Ca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Hôm nay tôi lại được tiếp tục nghe những lời khôn ngoan dạy bảo.  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn mở lòng để sự khôn ngoan của Chúa được trào tràn trong tôi.  Tôi suy ngẫm câu đầu tiên của bài đọc hôm nay: “Ai yêu khôn ngoan là yêu sự sống, ai sớm tìm kiếm khôn ngoan sẽ tràn trề hoan lạc.”  Tôi để ý sự khôn ngoan của Chúa đang dâng trào sự sống, niềm vui hoan lạc trong tôi ra sao?

2.     Thiên Chúa là cội nguồn của khôn ngoan, ai yêu khôn ngoan là yêu Thiên Chúa.  Tôi muốn hướng cả ngày sống từ lời nói, suy nghĩ và cử chỉ của tôi trong sự khôn ngoan, và để sự khôn ngoan dẫn tôi gặp Chúa trong mọi người và trong mọi biến cố. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, February 25, 2019

Thứ Ba - Tuần VII Thường Niên I – Năm C – 26-2-2019

Thu Ba VII TN
Huấn ca 2:1-13

1 Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách.2 Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ.3 Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đời, con được cất nhắc lên.4 Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn.
5 Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục.6 Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người.7 Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy trông đợi lòng lân tuất của Người, đừng lìa xa Người kẻo ngã.8 Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy tin vào Người, và các bạn sẽ không mất phần thưởng đâu.9 Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy đợi trông ơn lành, niềm vui không cùng và lòng thương xót.10 Hãy nhìn lại các thế hệ ban đầu mà xem: nào có ai tin vào Đức Chúa mà bị hổ thẹn bao giờ? Hay có ai bền tâm kính sợ Người mà bị bỏ rơi? Hoặc có ai kêu cầu Người mà bị Người khinh dể?11 Vì Đức Chúa là Đấng nhân từ và hay thương xót: Người thứ tha tội lỗi và cứu vớt trong lúc gian truân.12 Khốn thay những tâm hồn hèn nhát, những bàn tay rã rời,
và người tội lỗi lập lờ nước đôi.13 Khốn thay quả tim nao núng vì không tin tưởng: chính vì vậy nó không được chở che.

(Trích Sách Huấn Ca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Lời Chúa trong bài đọc hôm nay mời gọi tôi phải có sự tin tưởng vững mạnh và dứt khoát vào Thiên Chúa, không lập lờ nước đôi.  Tôi muốn nhìn lại đời sống đức tin của tôi xem, tôi thường đã đặt sự tin tưởng ở ai và cái gì trong cuộc đời này: Thiên Chúa, thầy bói, ma thuật, vật chất, hoặc chính bản thân? 

2.     Còn lời nhắn nhủ nào thân thương cho bằng những lời trong bài đọc hôm nay!  Tôi muốn đọc lại những lời trên một hoặc nhiều lần nữa để nhắc nhở và khích lệ tôi cần phải có thái độ như thế nào khi phục vụ tha nhân.  Tôi muốn kết thúc giờ này bằng lời kinh của Thánh I-nha-xi-ô Loyola: “Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại.  Biết phụng sự Chúa như Chúa đã dạy, biết cho đi mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ gian khổ, biết làm việc mà không tìm nghỉ ngơi, biết hy sinh mà không mong đền đáp, một chỉ biết làm theo thánh ý Chúa mà thôi.  Amen.” https://www.youtube.com/watch?v=r80FXztTyq4

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, February 24, 2019

Thứ Hai - Tuần VII Thường Niên I – Năm C – 25-2-2019


Thu Hai VII TN

Huấn ca 1:1-10

1 Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời.2 Cát biển, giọt mưa và tháng ngày của vĩnh cửu, ai đếm được cho hết?3 Trời cao, đất rộng, vực sâu và sự khôn ngoan, ai dò cho thấu?4 Khôn ngoan đã được tác thành trước vạn vật, sự hiểu biết anh minh đã có tự muôn đời.6 Gốc rễ của khôn ngoan đã được mặc khải cho ai? Và những công trình kỳ diệu của khôn ngoan, ai nào biết rõ?8 Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ, ngự trên ngai của Người.9 Đó chính là Đức Chúa. Người đã tạo dựng, đã thấy, đã đếm và làm cho khôn ngoan nổi bật trên mọi công trình,10 nơi mọi phàm nhân, theo lòng quảng đại của Người, và Người đã rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người.

(Trích Sách Huấn Ca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Hôm nay Giáo hội mời gọi tôi bắt đầu đọc Sách Huấn Ca, một loại sách nói về sự khôn ngoan và luân thường đạo lý làm người, viết khoảng thế kỷ thứ ba trước Chúa giáng sinh, và bài đọc hôm nay là lời mở đầu cho quyển sách này.  Khôn ngoan là một cái gì rất gần trong từng phút giây trong đời sống của tôi.  Tôi cần khôn ngoan như hơi thở, như từng nhịp đập của con tim.  Tôi có thể cảm nghiệm được sự khôn ngoan, nhưng đồng thời tôi cũng không thể với tới hay đụng chạm được khôn ngoan.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn chiêm ngắm Thiên Chúa, cội nguồn của khôn ngoan.  Đấng ấy đang ngắm nhìn tôi, đang ở trong tôi và đang hướng dẫn tôi bằng sự khôn ngoan của Ngài.

2.     Ở đời này, mỗi khi gặp một ai khôn ngoan sáng suốt, nói chuyện với họ khi ấy, trí tôi như được mở ra, lắng nghe họ lòng trí tôi sửng sốt, suy nghĩ về những gì họ nói tâm trí tôi cứ mãi trầm trồ cảm phục.  Đối với người thường đã vậy, tôi cảm thấy thật nhỏ bé trước họ, huống hồ là với Thiên Chúa, cội nguồn của mọi sự khôn ngoan!  Tôi muốn nói gì với Ngài trong lúc này?  Tôi muốn xin gì cùng Ngài trong lúc này?  Có lẽ điều tôi cần xin lúc này và mỗi ngày là luôn khôn ngoan tìm về Đấng Khôn Ngoan.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, February 23, 2019

Chúa Nhật - Tuần VII Thường Niên I – Năm C – 24-2-2019


CN VII TN

Luca 6:27-38

27 "Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.36 "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Lời Chúa trong bài đọc hôm nay có thể nói là trọng tâm của giáo lý Kitô giáo.  Giáo lý này đẩy tôi phải đi ngược lại tất cả những gì mà đời thường vẫn làm là “ăn miếng trả miếng,” hoặc là “mắt đền mắt, răng đền răng, mạng đền mạng.”  Như vậy ngày nào tôi còn sống theo thói thường này, ngày ấy tôi chưa là Kitô hữu, chưa là môn đệ của Chúa Kitô.  Lời Chúa quả là một thách đố lớn, tôi còn dám tin và dám tự hào mình là Kitô hữu không?  Theo Chúa Kitô không phải chỉ là đọc kinh hay đi lễ mỗi ngày, nhưng còn dám đi ngược dòng tất cả những gì mà cuộc đời này vẫn xử sự với nhau.  Tôi muốn xin Chúa ơn gì để tôi có thể sống như Chúa mời gọi?  Tôi muốn nói chuyện với Ngài trong lúc này.

2.     Trong giây phút này tôi cũng có thể banh vạt áo của tôi ra để Chúa đổ hồng ân xuống, để Ngài cám ơn tôi.  Tôi nghĩ sao vạt áo tôi có quá nhỏ cho những ân sủng của Chúa muốn cám ơn tôi đang trào tràn, hay vạt áo tôi dù chẳng lớn bao nhiêu nhưng ân sủng của Ngài dành cho tôi chỉ được rất ít, tí teo, bởi tôi đã chẳng sống quảng đại bao giờ?  Tôi muốn suy nghĩ về điều này.  Tôi có thể đọc lại một cách chậm rãi đoạn Lời Chúa ở trên và muốn chọn cho tôi một cách thức sống đức tin ngay sau giờ cầu nguyện này và cho quãng đời còn lại của tôi.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, February 22, 2019

Thứ Bảy - Tuần VI Thường Niên I – Năm C – 23-2-2019 – Lễ Thánh Polycarp


Thu Bay VI TN

Mác-cô 9:2-8

2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.      Bài đọc hôm nay nói Chúa Giêsu đã đem ba ông: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi ra riêng một nơi và ở đó Ngài biến hình trước mắt các ông.  Tôi có thể cảm thấy ganh tị, vì sao các ông lại được may mắn như vậy, còn tôi thì…!  Không phải thế.  Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là lúc tôi nhìn lại cuộc đời của tôi, có khi nào tôi đã gặp một ai đó mà ở họ tôi nhận được rất nhiều yêu thương, niềm vui, hạnh phúc, hoặc sự tha thứ?  Gặp họ dù chỉ một lần, hoặc mỗi khi nói chuyện với họ, tôi như được lớn hẳn lên, được trân trọng, và quý thương.  Phải chăng Chúa đã gởi họ đến trong cuộc đời của tôi, phải chăng qua họ Ngài đã biến hình trước mắt tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này về kinh nghiệm đó, về người đó? 

2.      Đây cũng là lần thứ hai Chúa Giêsu cảm nghiệm được tiếng Chúa Cha từ trời phán, Ngài là Con chí ái của Chúa Cha.  Cầu nguyện là như thế, là nhận ra tôi được Chúa yêu, tôi rất đặc biệt trong trái tim Chúa, tôi là con cưng của Chúa.  Có lẽ giây phút này, tôi không cần phải nói gì và làm gì, chỉ ở với tình yêu Chúa đang dành cho tôi, chiêm ngắm Chúa xem Ngài đang chiêm ngắm tôi thế nào.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, February 21, 2019

Thứ Sáu - Tuần VI Thường Niên I – Năm C – 22-2-2019 – Lập Tông Tòa Phê-rô


Thu Sau VI TN

1 Phê-rô 5:1-4

1 Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai.2 Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.3 Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.4 Như thế, khi Vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát.

(Trích Thư Phê-rô I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Hôm nay Giáo hội kính Tòa Phê-rô, tức kính chức vụ lãnh đạo lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng đã được Chúa Giêsu ủy thác.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn đặc biệt cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô.  Ngay khi lên làm Giáo Hoàng, ngài đã xin cả Giáo hội cầu nguyện cho ngài trước khi ngài chúc lành cho Giáo hội.  Hơn bao giờ hết, ngài cần lời cầu nguyện của tôi ngay lúc này, khi ngài vừa khai mạc một hội nghị quan trọng để giải quyết những vấn đề lạm dụng tình dục trong Giáo hội.  Tôi cầu nguyện cho ngài được đầy ơn Chúa Thánh Thần để ngài dẫn dắt Giáo hội đi qua cơn khủng hoảng này.
2.     Tôi cũng muốn dành thời gian cầu nguyện này, cầu nguyện cho các giám mục, linh mục và các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, tất cả mọi người có trách nhiệm trực tiếp với trẻ em.  Xin cho họ được là những tấm gương mục tử tốt trong mắt các em.  Tôi đặc biệt cầu nguyện cho sự chữa lành nơi các em đã và đang là nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục khắp nơi trên thế giới, trong và ngoài Giáo hội.  Tôi có thể nhắc nhở tôi về bổn phận làm gương sáng trong cuộc đời này bằng cách, đọc lại thư của Phê-rô trong bài đọc hôm nay.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, February 20, 2019

Thứ Năm - Tuần VI Thường Niên I – Năm C – 21-2-2019

Thu Nam VI TN

Mác-cô 8:27-33

27 Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?"28 Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó."29 Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô."30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.32 Người nói rõ điều đó, không úp mở.

(Trích Phúc âm Mác-cô bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Tôi có thể hình dung Chúa Giêsu đang có một câu hỏi trong lòng và đang rất nóng lòng muốn nghe câu trả lời từ các môn đệ, khi các ngài đang trên đường đi đến Xê-da-rê Phi-líp-phê.  Ngài hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?”  Nếu Chúa Giêsu hỏi tôi câu hỏi này, tôi sẽ trả lời Ngài như thế nào?  Có lẽ tôi muốn tập trung trả lời cho Ngài câu hỏi này trong giờ cầu nguyện hôm nay.
2.      Tuy nhiên, dường như Chúa Giêsu không dừng ở câu hỏi trên, Ngài hỏi các môn đệ câu hỏi kế tiếp, “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  Câu hỏi này quả là một thách đố, nhưng đồng thời cũng là một câu hỏi quan trọng, dẫn tôi vào tương quan mang tính cá vị với Thiên Chúa.  Tôi phải biết Thiên Chúa một cách trực tiếp, chứ không còn nghe ai nói nữa.  Tôi muốn tập trung vào câu hỏi này trong phần thứ hai của giờ cầu nguyện hôm nay, trả lời cho Chúa Giêsu nghe: Ngài là ai đối với tôi. 
Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, February 19, 2019

Thứ Tư - Tuần VI Thường Niên I – Năm C – 20-2-2019


Thu Tu VI TN

Sáng Thế 8:6-13, 20

6 Hết bốn mươi ngày, ông Nô-ê mở cửa sổ ông đã làm trên tàu,7 và ông thả con quạ ra. Nó bay ra, lượn đi lượn lại cho đến khi nước khô trên mặt đất.8 Rồi từ trong tàu ông lại thả con bồ câu, để xem nước đã giảm trên mặt đất chưa.9 Nhưng con bồ câu không tìm được chỗ đậu chân, nên trở về tàu với ông, vì còn nước trên khắp mặt đất. Ông bèn giơ tay bắt lấy nó mà đưa vào trong tàu với ông.10 Ông đợi thêm bảy ngày, rồi thả con bồ câu ra khỏi tàu một lần nữa.11 Vào buổi chiều, con bồ câu trở về với ông, và kìa trong mỏ nó có một nhành lá ô-liu tươi! Ông Nô-ê biết là nước đã giảm trên mặt đất.12 Ông lại đợi thêm bảy ngày, rồi thả con bồ câu ra, nhưng nó không trở về với ông nữa.13 Năm sáu trăm lẻ một đời ông Nô-ê, tháng giêng, ngày mồng một tháng ấy, nước đã khô ráo trên mặt đất. Ông Nô-ê dỡ mái tàu ra và thấy mặt đất đã khô ráo…20 Ông Nô-ê dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ.

(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.      Ngày nay, hình ảnh bồ câu ngậm cành ô-liu đã trở thành quen thuộc với thế giới.  Hình ảnh ấy đã phát xuất từ câu chuyện trên, một hình ảnh của hy vọng, của thanh bình và của sự sống mới.  Bồ câu đã đem đến cho gia đình của Nô-ê niềm hy vọng, nó báo cho gia đình ông một sự sống mới đang trổ sinh.  Giờ đây trong lúc đọc lại câu chuyện này và cầu nguyện, tôi có thể hỏi Chúa: Đâu là những dấu chỉ của hy vọng, bình an và sự sống giữa một thế giới đầy chém giết và hận thù ngày nay?  Trong cộng đoàn đầy những chia sẽ và phe nhóm hiện nay?  Trong gia đình đang rối tung vì người này có tính khí bất thường, người kia có những hành vi bất nhã, người khác có tính ích kỷ?  Tôi có thể là một bồ câu mang cành ô-liu đến cho đất nước, Giáo hội, xứ đạo và gia đình tôi lúc này được không? 
2.      Một việc làm rất đẹp và quan trọng mà ông Nô-ê đã làm trước nhất sau khi ra khỏi tàu đó là, dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa.  Tôi có thể bắt chước ông làm việc này mỗi khi thức dậy, hoặc mỗi khi chiều tàn?  Tôi cũng có thể tạ ơn Chúa mỗi khi xong một công việc nào đó, dù lớn, dù nhỏ?  Kể từ hôm nay tôi muốn tạo trong tôi, trong gia đình tôi một nếp sống biết ơn Chúa và biết ơn người.    
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, February 18, 2019

Thứ Ba - Tuần VI Thường Niên I – Năm C – 19-2-2019


Thu Ba VI TN

Sáng Thế 7:1-6

1 ĐỨC CHÚA phán bảo ông Nô-ê: "Ngươi hãy vào tàu, ngươi và cả nhà ngươi, vì Ta chỉ thấy ngươi là người công chính trước nhan Ta trong thế hệ này.2 Trong mọi loài vật thanh sạch, ngươi sẽ lấy bảy đôi, con đực và con cái, còn trong các loài vật không thanh sạch, thì một đôi, con đực và con cái,3 trong các loài chim trời cũng lấy bảy đôi, trống và mái, để giữ giống trên khắp mặt đất.4 Vì bảy ngày nữa Ta sẽ đổ mưa xuống đất trong vòng bốn mươi ngày bốn mươi đêm, và Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất mọi loài Ta đã làm ra."5 Ông Nô-ê làm đúng như ĐỨC CHÚA đã truyền.6 Ông Nô-ê được sáu trăm tuổi khi hồng thuỷ, nghĩa là nước lụt, xảy đến trên mặt đất.
(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Đối với người Do-thái, số “7” và số “40” là những con số hoàn hảo và viên mãn.  Bài đọc hôm nay là một ví dụ rất cụ thể để nói về những con số đầy tính biểu tượng này.  Vì thế Câu chuyện Lụt Hồng Thủy và chiếc tầu Nô-ê phải hiểu theo nghĩa biểu tượng chứ không thể hiểu theo nghĩa đen, không thể hiểu đây là một câu chuyện có thật.  Câu chuyện này chỉ nhằm nói đến một điều khác và rất thật đó là, Thiên Chúa yêu thương người công chính và đứng về phía họ trong những lúc gian truân.  Nô-ê là hình ảnh của người công chính, đối lập với thế giới quanh ông, đầy tội lỗi.  Chính vì thế, ông và những gì thuộc về ông đã được Chúa cứu khỏi lũ lụt.  Chính số tuổi 600 của ông cũng là một con số biểu tượng để nói rằng, người công chính được Chúa cho trường thọ.  Trong giờ cầu nguyện này có lẽ tôi muốn hỏi chính mình:  Nếu có một cuộc trừng phạt lụt hồng thủy ngày nay, liệu tôi có phải là người công chính và sẽ được Chúa thương yêu cứu vớt?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này? 
2.     Bài đọc hôm nay cũng là một câu chuyện cụ thể để nói về niềm tin của một số người luôn đến với Chúa chỉ vì thưởng phạt, chứ không phải vì yêu.  Đối với họ Thiên Chúa như là một quan tòa, luôn xét đoán, thưởng phạt một cách nghiêm khắc.  Tôi nghĩ sao về một hình ảnh Thiên Chúa như vậy?  Thiên Chúa tôi thờ có phải là một vị quan tòa, hay là một Đấng giầu lòng xót thương, luôn cảm thông, yêu thương và lo lắng cho tôi, trước cả khi tôi cầu xin?  Câu trả lời của tôi sẽ chính xác hơn nếu tôi liên tưởng, hoặc ngồi trước Thánh Thể trong lúc này.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, February 17, 2019

Thứ Hai - Tuần VI Thường Niên I – Năm C – 18-2-2019


Thu Hai VI TN

Sáng Thế 4:1-8

1 Con người ăn ở với E-và, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Ca-in. Bà nói: "Nhờ ĐỨC CHÚA, tôi đã được một người."2 Bà lại sinh ra A-ben, em ông. A-ben làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày cấy đất đai.3 Sau một thời gian, Ca-in lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên ĐỨC CHÚA.4 A-ben cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. ĐỨC CHÚA đoái nhìn đến A-ben và lễ vật của ông,5 nhưng Ca-in và lễ vật của ông thì Người không đoái nhìn. Ca-in giận lắm, sa sầm nét mặt.6 ĐỨC CHÚA phán với Ca-in: "Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt?7 Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó."8 Ca-in nói với em là A-ben: "Chúng mình ra ngoài đồng đi!" Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Ca-in xông đến giết A-ben, em mình.

(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Bắt đầu giờ cầu nguyện này, tôi có thể dừng lại ở ngay câu nói của E-và: “Nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người.”  Từ nay trở đi, tôi muốn bắt chước lối nói của cụ tổ E-và của tôi: “Nhờ Đức Chúa, tôi được ngồi đây với Chúa trong giây phút này.”  “Nhờ sự quan phòng của Chúa, tôi đã đi qua một ngày sóng gió mà vẫn bình an.”  “Nhờ tình yêu Chúa, tôi đã có một ngày thật vui.” “Nhờ sự quan tâm gìn giữ của Chúa, gia đình tôi vẫn còn quây quần bên mâm cơm gia đình.”  “Nhờ Chúa thương, công việc làm ăn năm nay dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chưa đến mức phải mất nhà mất cửa, chưa đến nỗi phải ngủ đường ngủ chợ…”

2.     Điều thứ hai tôi muốn dừng lại suy ngẫm trong giờ cầu nguyện này đó là, sự ganh ghét của Ca-in với em là A-ben.  Sự ganh ghét nơi lòng người là mầm bệnh đầu tiên, một thứ tội rất cũ, từ những ngày đầu trong lịch sử loài người.  Sự ganh ghét nảy sinh từ chính trong gia đình, giữa anh chị em ruột thịt với nhau.  Tôi có thể thấy sự ganh ghét xảy ra trong mọi gia đình, khi con cả thấy có em của nó chào đời, lúc ấy con cả mất vị trí độc tôn trong gia đình, tình thương của cha mẹ đã bị san sẻ.  Đối với Ca-in sự ganh ghét cứ lớn dần mãi đến mức phải giết em.  Có sự ganh ghét nào trong tôi mà từ lâu đã trở thành một cản trở cho sự trưởng thành của tôi?  Đã trở thành vết thương mà tôi cứ mang mãi trong lòng, luôn cảm thấy tủi thân như thể tôi là con nuôi của bố mẹ, không được bố mẹ thương như những người khác trong nhà?  Tôi có thể nói chuyện với Chúa trong lúc này, xin Ngài chữa lành những vết thương đó; đồng thời, xin Ngài giúp tôi vượt qua những bước cản đó để tôi được trưởng thành hơn.        

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, February 16, 2019

Chúa Nhật - Tuần VI Thường Niên I – Năm C – 17-2-2019


CN VI TN
Giê-rê-mi-a 17:5-8 5 ĐỨC CHÚA phán như sau: “Khốn thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa rời ĐỨC CHÚA!6 Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người.7 Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân.8 Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.

(Trích Sách Giê-rê-mi-a bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.   Bài đọc hôm nay cho tôi một cái nhìn so sánh giữa việc đặt niềm tin của tôi ở nơi người phàm hoặc nơi Thiên Chúa.  Sự đối lập rõ ràng: Sự chết – Sự sống.  Tôi muốn dùng bài đọc hôm nay để suy xét lại đời sống của tôi.  Đời sống tôi đang xanh tốt, trổ sinh hoa trái hay đang cằn cỗi, héo úa?  Tôi muốn tiếp tục ở trong tình trạng nào?  Giờ cầu nguyện này có thể là lúc tôi phải chọn lựa cái gì đang đưa tôi đến gần sự sống, và sống sung mãn nhất.
2.   Tôi muốn đọc lại nhiều lần và suy ngẫm điều phúc ở trên: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái.”  Tôi muốn để cho những lời này thúc đẩy tôi, nâng đỡ chọn lựa của tôi lúc này, sao cho có một sức sống mới mãnh liệt trong tôi.    
Phạm Đức Hạnh, SJ