Diễm Ca 2:8-14
8Tiếng người tôi yêu
văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới,
nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi.
9Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương,
tựa hồ chú nai nhỏ.
Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà,
nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song.
10Người yêu của tôi lên tiếng bảo:
“Dậy đi em, bạn tình của anh,
người đẹp của anh, hãy ra đây nào!
11Tiết đông giá lạnh đã qua,
mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.
12Sơn hà nở rộ hoa tươi
và mùa ca hát vang trời về đây.
Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta.
13Vả kia đã kết trái non,
vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào.
Dậy đi em, bạn tình của anh,
người đẹp của anh, hãy ra đây nào!
14Bồ câu của anh ơi,
em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo.
Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng,
vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng.”
(Trích Sách Diễm Ca,
bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1.
Bài đọc hôm nay,
trích từ Sách Diễm Ca, diễn tả thật đúng chủ đề của Tuần IV Mùa Vọng: tình
yêu. Là người Do-thái hoặc Kitô hữu, chắc
đại đa số đã nghe biết về Sách Diễm Ca.
Đây là một tập thơ tình, viết vào khoảng thế kỷ V, T.C.N, và thuộc vào
loại Sách Khôn Ngoan trong kho tàng văn chương Kinh Thánh Do-thái giáo. Một điểm cần lưu ý ở những Sách Khôn Ngoan,
đó là: Hầu hết những tập sách này đều bắt bằng câu: “… của Vua Sa-lô-môn.” Tuy
nhiên, không có gì chắc chắn Sa-lô-môn là tác giả. Danh xưng Sa-lô-môn, trong văn chương
Do-thái, thường để chỉ về mẫu người yêu của phái nữ; mặt khác, theo truyền thuyết
lịch sử Do-thái, Sa-lô-môn được xem như là nhà hiền triết. Đồng thời, ngày xưa tác giả không nêu tên của
mình trong các tác phẩm, nhưng thường lấy tên của những người nổi tiếng làm tác
giả cho sách của mình. Nội dung Sách Diễm
Ca bao gồm năm bài thơ tình và hai đoản thơ phụ trương, với những lời lẽ yêu
thương trao đổi giữa nam và nữ, rất lãng mạn, đậm tình tứ, thậm chí có những chỗ
nghe rất dung tục. Chính vì thế, tập thơ
tình này đã gây nhiều tranh cãi về tác giả, xuất xứ, nội dung, đặc biệt nhất,
đó là: Tại sao những trao đổi giữa nam và nữ đầy lãng mạn và dung tục như vậy lại
đem vào Kinh Thánh, một nơi hết sức tôn nghiêm?
Đối với người Việt Nam, bị ảnh hưởng nặng bởi Khổng giáo, có lẽ còn cảm
thấy khó chịu hơn nữa, khi những lời lẽ rất mùi mẫm của chốn phòng the, rất kín
đáo ấy, lại công bố trước nhà thờ, và rồi còn tung hô: Đó là lời Chúa! Đối với người Do-thái, Sách Diễm Ca được xem
như là kết tinh của toàn bộ Kinh Thánh, nó gắn liền với Sách Xuất Hành; bởi vậy,
Người Do-thái đọc Sách Diễm Ca vào Tuần Lễ Vượt Qua hằng năm. Câu nói chủ chốt của toàn tập thơ tình này
chính là: “Tôi thuộc trọn về người tôi
yêu, người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn” (Dc 6:3). Hôm nay, giáo hội mời gọi tôi suy niệm về một
trong những bài thơ tình của Sách Diễm Ca, nói về giấc mơ của người con gái
đang mơ tìm và trốn tìm người yêu của mình, trong bối cảnh gần lễ Giáng Sinh,
chắc hẳn rằng, giáo hội đã không muốn tôi đọc tập thơ tình này và dừng ở tình
yêu con người trần tục, nhưng muốn tôi đi xa hơn những gì trí tưởng tượng và sự
hấp dẫn xác thịt có thể lôi kéo tôi, để qua đó, tôi có thể cảm nghiệm và nên một
với Thiên Chúa, Đấng tôi yêu. Tuần này
là Đại Lễ Giáng Sinh, tôi đã sẵn sàng và mong chờ như thế nào về Đấng Cứu Thế,
Đấng yêu tôi đến si mê đến điên dại vì tôi?
2.
Trong tập thơ tình
Diễm Ca, người Do-thái hiểu chữ “chàng” là ám chỉ về Thiên Chúa, Đấng Mê-si-a, và
người Kitô hữu hiểu chữ này ám chỉ về Chúa Kitô, và “nàng” chính là dân Do-thái
xưa, hoặc dân Chúa ngày nay, là chính tôi.
Tôi muốn đọc lại bài thơ trên nhiều lần, và để ý đến lời yêu thương đầy
tính phóng dụ, những âm thanh đầy nhạc tính trong các lời thơ, những khung cảnh
của hai người mơ mộng tìm về nhau, mong được thấy mặt nhau, mong được thì thầm
tỏ tình bên tai nhau… Tôi thả hồn vào những
lời thơ và để ý Chúa cũng đang dõi tìm và mong được thấy mặt tôi, như tôi đang
mong được thấy mặt của Ngài. Tôi cũng để
ý Chúa sẽ thì thầm và tỏ tình với tôi như thế nào, và tôi tỏ tình với Ngài ra
sao. Tôi xin cho được ơn nên một với
Thiên Chúa, và Chúa nên một với tôi. Tôi
kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Tình Khúc,” của Ấn Đức, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=sSgHo0ULknw
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment