Wednesday, November 30, 2022

Thứ Năm Tuần I Mùa Vọng – Năm A –1-12-2022

Thu Nam I MV

Mát-thêu 7:21, 24-27

21Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu!  Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 24 Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay, nói với các môn đệ về thái độ đúng của niềm tin.  Vấn đề này thật thích hợp với tôi khi đang ở những ngày đầu của Năm Phụng Vụ mới, như một lời nhắc nhở cần phải có một thái độ đúng về niềm tin cho cả năm và cho cả cuộc đời còn lại của tôi.  Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định, không chỉ nói “Lạy Chúa!  Lạy Chúa!” mà đã đủ để nói rằng tôi tin hay tôi yêu mến Chúa, để được cứu độ, nhưng lòng tin cần phải đi đôi với việc làm cụ thể, lắng nghe và làm theo thánh ý Chúa.  Có lẽ trong giờ cầu nguyện này, tôi cần xem lại chính tôi và trả lời với Chúa về thái độ niềm tin của tôi.  Bao lâu nay, có phải tôi chỉ toàn cho Chúa ăn bánh vẽ, bằng những lời kinh bi bô bi ba trên môi, đầy giả hình mà chẳng có lòng, đi lễ mỗi tuần như một thói quen vì luật buộc, mà chẳng bằng những việc làm cụ thể Chúa mời gọi tôi?  Bao lâu nay, tôi tin Chúa, đi lễ, cầu nguyện, làm việc bác ái vì những thôi thúc của một lòng mến Chúa, vì nhạy bén trước những tiếng mời gọi của Chúa luôn thúc đẩy tôi, hay vì để lập công vào thiên đàng, hay tệ hơn nữa, để được mọi người khen tụng?  Tôi lấy lời Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay để soi gương.

2.     Kế tiếp Chúa Giêsu nói đến đức tin là một chọn lựa.  Chọn tin yêu Chúa và làm những gì Ngài muốn nơi tôi, một sự chọn lựa khôn ngoan; chọn tin Chúa chỉ vì hình thức, vì đám đông, vì lề luật, vì thưởng phạt, vì bố mẹ đã rửa tội cho tôi khi còn bé nên giờ đành phải tin, một chọn lựa ngu đần.  Sự chọn lựa đức tin kiểu ngu đần luôn làm cho tôi thiếu tự tin, mất tự do, luôn sợ hãi và chẳng giúp ích gì cho sự sống của tôi ở đời này, lẫn đời sau.  Giờ đây, tôi muốn đọc lại những lời dạy trên của Chúa Giêsu và làm lại chọn lựa cho chính mình: Tôi sẽ chọn trở thành người khôn có Chúa, hay tôi chọn trở thành người ngu đần không có Chúa?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, November 29, 2022

Thứ Tư Tuần I Mùa Vọng – Năm A –30-11-2022 – Lễ Thánh An-rê Tông Đồ

 Thu Tu I MV

Mát-thêu 4:18-22

18Khi ấy, Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người. 21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an.  Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền.  Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Giáo hội tạm ngưng những bài đọc theo chủ đề của Mùa Vọng, để mời gọi tôi cầu nguyện theo bài đọc của ngày lễ kính Thánh An-rê Tông đồ.  Dẫu thế, tôi cũng vẫn có thể tìm thấy sự liên hệ giữa bài đọc này với tinh thần của Mùa Vọng.  Bài đọc hôm nay kể lại biến cố Chúa Giêsu tìm người cộng tác với công việc của Ngài.  Trước hết, tôi để ý đến bối cảnh của các môn đệ đầu tiên khi Ngài gọi họ, đó là: giữa đời thường, giữa những công việc bận rộn hàng ngày, không một ai đang rảnh rỗi hoặc đang trong khung cảnh cầu nguyện trong nhà thờ.  Chúa Giêsu đến ngay những lúc họ đang rất bận rộn với gia đình và sự nghiệp của họ và gọi họ.  Có lẽ không một thời gian nào bận rộn nhiều cho bằng những ngày này trong năm, khi mà năm hết tết đến, biết bao nhiêu thứ phải tính sổ, phải lo, phải chuẩn bị cho những mua sắm, sửa sang, tiệc tùng và quà cáp.  Có thể chăng, giữa những bận rộn của tôi hôm nay, Chúa Giêsu cũng đến và gọi tôi theo Ngài?  Tôi nhận biết không?  Tôi nghe thấy không?  Tôi dám theo Ngài như các môn đệ năm xưa?  Chắc chắn, Chúa Giêsu không đòi tôi phải rũ áo đi tu, bán hết tài sản chia cho người nghèo, rồi lang thang đầu đường xó chợ rao giảng lời Chúa cho mọi người.  Không.  Theo Chúa Giêsu không chỉ là đi tu, nhưng là tìm thấy và cộng tác với Ngài giữa những bề bộn của cuộc sống quanh tôi.  Theo Chúa Giêsu là biết đặt đúng những giá trị ưu tiên trong cuộc sống; trong đó, những giá trị Nước Trời phải chiếm vị thế ưu việt.  Các môn đệ dù đang bận rộn với gia đình và sự nghiệp, họ đã nhận ra và chọn, phải thật sự bận rộn và ưu tiên nhất cho công việc của Chúa.  Tôi có thể làm được như họ không?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về những gì đang xảy ra trong tôi.

2.     Một người nào đó đã nói: “Trong việc tạo dựng tôi, Chúa không cần hỏi ý tôi; nhưng trong việc cứu độ tôi, Ngài cần có tôi cộng tác.”  Câu này thật thích hợp với ý nghĩa của bài đọc hôm nay.  Chúa Giêsu đi tìm sự cộng tác của con người để cứu độ con người và bao lâu nay Ngài mỏi mòn chờ đợi sự đáp trả của mọi người.  Đã hai ngàn năm rồi, con người đáp lại tiếng gọi của Ngài chưa được bao nhiêu.  Biết bao nhiêu dòng tu đang phải đóng cửa, biết bao nhiêu nhà thờ phải đóng cửa, biết bao nhiêu giáo dân bỏ nhà thờ vì càng ngày càng ít người muốn đi tu, càng ngày càng hiếm những vị mục tử nhân lành.  Biết bao nhiêu con cái hư hỏng vì thiếu những người cha người mẹ trưởng thành, trách nhiệm và gương mẫu.  Biết bao nhiêu trẻ em phạm pháp và tự tử vì thiếu sự dấn thân của những bậc huynh trưởng.  Biết bao nhiêu người đói khổ và thanh thiếu niên phạm pháp vì thiếu những cán sự xã hội có tâm.  Biết bao nhiêu trường đào tạo các tiến sĩ dỏm vì giới lãnh đạo không có tâm mà cũng chẳng có tầm.  Biết bao nhiêu những chia rẽ bất hòa trong gia đình và ngoài xã hội vì đâu đâu cũng đầy dẫy những người tự xưng là Kitô hữu mà tối ngày chỉ ngồi lê đôi mách và thiếu trầm trọng những sứ giả hòa bình…  Tôi dành giây phút này và để ý Chúa Giêsu đang cậy nhờ tôi điều gì trong ngày sống hôm nay và cuộc đời còn lại của tôi?  Tôi xin Ngài thức tỉnh lòng tôi biết trở nên nhạy bén và biết rung cảm trước những vấn nạn của đời sống gia đình, cộng đoàn và xã hội quanh tôi.  Tôi xin cho được quảng đại và dám đáp lại tiếng gọi của Chúa.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát, “Chứng Nhân Tình Yêu,” sáng tác của Nguyễn Duy, do Angelo Band trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=dwyQpJr_kNc

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, November 28, 2022

Thứ Ba Tuần I Mùa Vọng – Năm A –29-11-2022

Thu Ba I MV

I-sai-a 11:1-10

1Ngày ấy, từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.
2Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa. 3 Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú, Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, 4nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.  Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà. 5 Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành. 6 Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.  Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. 7 Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. 8 Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. 9 Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển. 10 Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.  Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.

(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được trích từ Sách I-sai-a.  Sách này xuất hiện khoảng bảy trăm năm trước công nguyên, tiên báo về về sự suy tàn của Vương triều Đa-vít, kêu gọi dân chúng thay đổi đời sống, nhưng rồi họ đã không nghe nên đã bị ngoại xâm đánh chiếm và dân chúng bị bắt đi lưu đầy bên Ba-by-lon.  Trong cảnh lưu đầy làm tôi xứ người đầy khốn cực và nhục nhã không thấy tương lai, I-sai-a đã gióng lên những tiếng đầy hy vọng giúp dân đừng tuyệt vọng.  Ông trình bày một Đấng Mê-si-a sẽ xuất hiện cứu dân thoát cảnh lầm than.  Chính vì thế mà Sách I-sai-a được xem là một tập sách rất quan trọng đối với người Do-thái.  Nhưng không chỉ người Do-thái, trong Tân Ước của người Kitô, đặc biệt là các thư của Thánh Phao-lô đã trích dẫn Sách I-sai-a rất nhiều, chỉ sau Sách Thánh Vịnh, ở đó những lời mà I-sai-a tiên báo về Đấng Mê-si-a như đã trở thành hiện thực nơi cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu.  Chính vì vậy mà có người gọi Sách I-sai-a là “Tin Mừng Thứ Năm”, sau bốn Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô, Luca và Gioan.  Trong phụng vụ của Kitô giáo, Sách I-sai-a cũng thường được trích dẫn rất nhiều trong các dịp lễ lớn trong năm, như: Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh.

2.     Bài đọc hôm nay là một bản tin đầy hy vọng, mở ra một khung trời đầy thơ mộng, yêu thương, hạnh phúc như cảnh vườn địa đàng, giúp dân chúng sống vui, sống mạnh mẽ, sống lạc quan và hy vọng.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể tập trung vào những hình ảnh mà I-sai-a loan báo.  Tôi đọc thật chậm những lời từ Sách I-sai-a, gạch dưới và dừng lại ở những hình ảnh đánh động tôi nhất, rồi nói chuyện với Chúa.  Tôi để ý những hình ảnh mà I-sai-a nói nâng đỡ tôi như thế nào?  Tôi cũng tự hỏi, chuyện gì đang xảy ra trong cuộc sống quanh tôi?  Tôi có thể bắt chước I-sai-a cũng gióng lên những tiếng đầy hy vọng, giúp mọi người trở nên mạnh mẽ và yêu đời hơn không?  Những ai đang bi quan, yếm thế, sầu não và bế tắc, tôi có thể là hy vọng, là yêu thương, đem lại cho họ một sức sống và hy vọng mới được không? 

Phạm Đức Hạnh SJ

Sunday, November 27, 2022

Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng – Năm A –28-11-2022

Thu Hai I MV

Mát-thêu 8:5-11

5Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” 7 Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.”  Viên đại đội trưởng đáp: 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. 9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi.  Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.” 10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. 11 Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm qua, các bài đọc của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng mời gọi tôi phải biết thức tỉnh.  Chắc chắn lời Chúa không gọi tôi phải thức tỉnh, không nên ngủ về mặt thể lý, nhưng là thức tỉnh những giá trị tinh thần và niềm tin.  Bài đọc hôm nay như muốn nhắc nhở tôi trong Mùa Vọng này, cần phải thức tỉnh trước nhất là, tình yêu và niềm tin.  Trước hết, tôi để ý đến tình thương của viên đại đội trưởng đối với đầy tớ của ông.  Tôi có thấy gì lạ ở ngay hai câu đầu tiên của bài đọc hôm nay?  Viên đại đội trưởng là một người lính La-mã, thuộc giới đô hộ đang đô hộ trên đất nước Do-thái lúc bấy giờ.  Ông có người đầy tớ, chắc hẳn đầy tớ ấy là người Do-thái, đang đau liệt giường.  Ấy vậy mà, dù là chủ, ông đã đích thân đi tìm Chúa Giêsu để xin Ngài chữa cho đầy tớ của ông.  Ông đã làm một chuyện mà chẳng người La-mã nào làm và cũng chẳng có ông chủ nào làm cho đầy tớ của họ.  Chứng tỏ, ông rất thương đầy tớ của ông, thương như người nhà của ông.  Giữa ông và đầy tớ dường như không có sự cách biệt giữa chủ và tớ, giữa đô hộ và  bị đô hộ, giữa người có niềm tin và người không có niềm tin.  Chỉ một câu rất ngắn của bài đọc đã đủ thức tỉnh tôi về tình thương.  Có lẽ tôi dừng ở điểm này để nhìn vào chính tôi:  Đâu là những góc cạnh trong đời sống của tôi cần được thức tỉnh về tình thương?  Có phải đó là tương quan giữa tôi với mọi người thân trong gia đình, đặc biệt là những người tôi đang bất hòa?  Tương quan giữa tôi với những người trong xóm, trong cộng đoàn, trong sở làm, trong trường học?  Tương quan giữa tôi với những người không cùng quan điểm chính trị, không cùng niềm tin tôn giáo, không cùng trình độ học vấn, không cùng mầu da, không cùng sắc tộc, không cùng đẳng cấp tiền bạc, không cùng phái tính, không cùng khuynh hướng tính dục (sexual orientation)?  Tôi nói chuyện với viên đại đội trưởng và Chúa Giêsu để được thức tỉnh về tình thương, một lời mời gọi quan trọng trong Mùa Vọng này. 

2.     Thứ đến là thức tỉnh về niềm tin.  Viên đại đội trưởng này là người La-mã, không có niềm tin, đặc biệt chẳng thể tin vào Chúa Giêsu, một người Do-thái.  Ấy vậy mà ông đã đích thân đến cầu cạnh Chúa Giêsu.  Ông lại còn tin Chúa Giêsu đến mức, không đòi hỏi Ngài phải đến nhà ông ta, phải đụng vào đầy tớ của ông mới chữa được, nhưng chỉ cần phán một lời thì đầy tớ của ông sẽ được lành.  Đây quả là một niềm tin hiếm thấy, đến nỗi Chúa Giêsu cũng phải ngạc nhiên, khiến Ngài phải thốt lên: “Tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế.”  Câu nói của ông đã trở thành quá nổi tiếng đến mức, bất cứ Thánh lễ nào của người Công giáo dâng mỗi ngày trên toàn thế giới, trước khi rước lễ, đều phải nhắc câu nói của ông với Chúa Giêsu, trong bài đọc hôm nay!  Tôi là một người có niềm tin, tôi tin Chúa đến mức nào?  Liệu Chúa Giêsu có nói với hơn một tỉ Kitô hữu ngày nay: “Tôi không thấy một Kitô hữu nào có lòng tin như thế”?  Liệu Chúa Giêsu có nói với giáo xứ của tôi, gia đình của tôi, rằng Ngài chưa hề thấy ai trong giáo xứ và gia đình tôi có lòng tin bằng viên đại đội trưởng trên?  Tôi lại nói chuyện với viên đại đội trưởng và với Chúa Giêsu, làm thế nào để tôi có niềm tin mạnh mẽ hơn trong Mùa Vọng này?  Cái gì đang làm cho niềm tin của tôi, của gia đình tôi vào Chúa Giêsu không còn mạnh nữa?  Lạy Chúa xin thêm đức tin cho con!            

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, November 26, 2022

Chúa Nhật Tuần I Mùa Vọng – Năm A –27-11-2022

CN I MV

I-sai-a 2:1-5

1Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc, đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem. 2 Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.  Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, 3nước nước dập dìu kéo nhau đi.  Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.  Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời Đức Chúa phán truyền. 4 Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc.  Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.  Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. 5 Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường!”

 (Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là ngày đầu tiên của Năm Phụng Vụ mới, có thể nói hôm nay là ngày Mồng Một Tết của giáo hội.  Bài đọc hôm nay mang nhiều nét của những gì là mới mẻ, hy vọng và đầy hứa hẹn.  Tưởng đây cũng là một trong những ý chính của Mùa Vọng.  Mùa Vọng năm nào cũng trở lại, nhưng năm nay có lẽ tôi cần hiểu rõ và xác định cho tôi: Mùa Vọng là gì và tôi sẽ sống Mùa Vọng năm nay như thế nào?  Một định nghĩa phổ biến về Mùa Vọng mà ai cũng biết, đó là: Mùa Vọng là mùa chờ đợi Chúa đến.  Chúa đã đến một lần trong cung lòng của Trinh nữ Maria, hai ngàn năm trước; hôm nay tôi cùng với giáo hội chờ đợi đến ngày kỷ niệm biến cố giáng sinh ấy; đồng thời tôi cũng chờ đợi Chúa đến lần thứ hai với cả nhân loại trong ngày cánh chung, và tôi chờ Chúa đến với đời sống cá nhân của tôi.  Chính vì suy nghĩ này mà Mùa Vọng ngày xưa giống như Mùa Chay, trong đó mọi người sống trong ủ dột, sầu não, đấm ngực ăn năn bởi Chúa có thể đến bất đắc kỳ tử!  Dĩ nhiên, sửa tâm sửa tính là điều đẹp để không chỉ sẵn sàng đón chờ Chúa đến mà còn, làm cho những người xung quanh cũng được dễ thở bởi sự thay đổi của tôi.  Tuy nhiên, nói là chờ đợi Chúa, chứ thực tâm tôi có chờ đợi Chúa không, hay tôi đang chờ, đang ngóng cho Lễ Giáng Sinh mau đến, vì khi ấy sẽ có biết bao nhiêu mặt hàng bán đại hạ giá, sẽ có rất nhiều tiệc tùng và quà cáp?  Nhưng quan trọng hơn hết, tôi phải hỏi lại: Ai chờ ai?  Tôi chờ Chúa hay Ngài đang chờ đợi tôi?  Bởi trong cuộc sống thực tế, thường chỉ có người lớn chờ người trẻ, cha mẹ chờ đợi con cái đi chơi khuya về, chứ ít khi con cái chờ cha mẹ.  Tôi có thể xác định hướng đi của Mùa Vọng này sao cho khác với mọi mùa vọng khác, đó là: Tôi muốn mau mau đi về, đi gặp Chúa, Đấng luôn chờ đợi tôi đêm ngày. 

2.     Bài đọc hôm nay thật đẹp, thốt lên từ môi miệng của I-sai-a:Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.  Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.”  Cách đây đã gần ba ngàn năm, vậy mà lời của I-sai-a vẫn còn thích hợp và cần thiết trong thế giới của tôi hôm nay, đặc biệt tại cuộc chiến đầy bất công đang diễn ra trên đất nước Ukraine.  Chính vì thế mà câu này đã được khắc trên tường lớn, mặt tiền của Trụ Sở Liên Hiệp Quốc, ở New York.  Tôi đọc lại câu trên và tôi muốn cầu nguyện cho câu này trở thành hiện thực trên đất nước Ukraine lúc này.  Đây chính là một việc làm cụ thể của Mùa Vọng mà tôi cần làm để thỏa nỗi mong chờ của Thiên Chúa.  Thiên Chúa còn chờ đợi gì ở tôi, gia đình và cộng đoàn tôi?  Một sự giải hòa trong cộng đoàn, một sự tha thứ trong gia đình, một tâm hồn thống hối ăn năn chăng?  Tôi ngắm nhìn Chúa xem Ngài đang mong chờ gì ở tôi trong giây phút này, và tôi muốn đáp ứng sự chờ mong này của Ngài. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, November 25, 2022

Thứ Bảy Tuần XXXIV Thường Niên – Năm C –26-11-2022

Thu Bay XXXIV TN

Luca 21:34-36

34Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là ngày cuối cùng của một năm Phụng Vụ trong giáo hội, và bài đọc hôm nay cũng mang những hình ảnh đầy sợ hãi khiến nhiều người dễ nghĩ về những ngày cuối đời, hay ngày tận thế.  Hiểu như vậy có đúng không?  Để hiểu được đoạn văn trên, có lẽ tôi phải nhìn vào bối cảnh của đoạn văn được viết ra.  Trước hết, Luca đặt những lời giảng này của Chúa Giêsu ở cuối chương 21.  Như vậy, đây là những lời nói sau cùng của Chúa Giêsu trước khi Ngài bị bắt rồi bị giết, ở chương 22 và 23.  Thêm vào đó, những lời giảng này được viết giống văn phong của Sách Khải Huyền, nói về những cuộc bắt đạo.  Có lẽ Luca viết như thế là vì, lúc bấy giờ cũng đang xảy ra những cuộc bắt đạo gắt gao trong cộng đoàn của ngài, nên để động viên và khuyến khích các Kitô hữu đau khổ mà ngài viết những lời này.  Luca như mượn những lời từ môi miệng Chúa Giêsu để nhắc nhở các tín hữu: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời.”  Như vậy, dù ngày hôm nay là ngày cuối cùng của năm Phụng vụ, cũng là những ngày cuối năm, tôi không nên hiểu những lời Chúa Giêsu nói ở đây là về ngày tận thế; tôi càng không nên bi quan hay sợ hãi về ngày Chúa đến.  Bởi Chúa đến là một niềm vui mà tôi phải hy vọng, mong đợi một cách hồ hởi, như vợ chờ chồng đang chinh chiến ở xa, như trẻ thơ chờ cha mẹ, như cha mẹ già ngóng trông con cái. 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa và tự hỏi: Đâu là những cuộc bách hại đạo mà tôi đang gặp phải trong lúc này, khiến đức tin của tôi bị lung lay, có thể mất?  Những cuộc bách hại đạo ấy đến từ đâu?  Tôi gọi tên nó ra trước mặt Chúa Giêsu trong lúc này.  Có phải chúng đến từ cám dỗ của những thành công của tôi về vật chất, từ lối sống tiêu thụ của tôi, khiến tôi không còn cần đức tin nữa, không còn cần Chúa nữa?  Có phải chúng đến từ cuộc sống quá bận rộn, khiến tôi không còn giờ cho Thiên Chúa nữa?  Có phải chúng đến từ những thất bại, mất mát và đau khổ trong cuộc sống, khiến tôi nghi ngờ Thiên Chúa?  Có phải chúng đến từ những người thân trong gia đình, khi con cái không còn muốn thực hành niềm tin như cha mẹ nữa?  Có phải chúng đến từ đời sống tội lỗi, thiếu đạo đức và bê tha của tôi?  Có phải chúng đến từ sự tự mãn rằng tôi là một người đạo đức, giữ luật rất tốt?  Có phải chúng đến từ sự thất vọng về giáo hội?  Dù cuộc bách hại đức tin là gì và đến từ đâu đi nữa, chỉ có một cách duy nhất có thể giúp tôi giữ vững đức tin và sống đức tin một cách mạnh mẽ, đó là làm theo lời dạy của Chúa Giêsu: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…, hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.”  Tôi muốn thành tâm cầu nguyện trong lúc này.  Tôi muốn đưa ra cả một kế hoạch cầu nguyện và sống thể hiện niềm tin bằng những việc lành, cùng lối sống gương mẫu mỗi ngày, kể từ hôm nay trở đi.  Tôi bàn chuyện này với Chúa Giêsu. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, November 24, 2022

Thứ Sáu Tuần XXXIV Thường Niên – Năm C –25-11-2022

Thu Sau XXXIV TN

Luca 21:29-33

29Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn.  Người nói: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. 30 Khi nhìn cây đâm chồi, thì anh em biết là mùa hè đã gần đến. 31 Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. 32 Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 33 Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn để dạy các môn đệ như Ngài vẫn làm.  Dụ ngôn hôm nay thật ngắn, chỉ cho các môn đệ về cách đọc những dấu chỉ của thời gian, một cách đầy hy vọng.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể xin Chúa ơn này chăng, là biết đọc những dấu chỉ của Chúa đang nói với tôi trong cuộc sống?  Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh rất lạc quan và đầy sức sống để hướng tôi đến những cái gì cũng đầy niềm vui và hứa hẹn trong tương lai, đó là: hình ảnh cây đâm chồi.  Mùa xuân đâm chồi thì mùa hè sẽ đơm bông kết trái, một hình ảnh rất lạc quan.  Giữa những khổ đau của cuộc đời, trong cộng đoàn, trong gia đình và trong chính cuộc đời của tôi, vẫn có những chồi non nào đang trổ sinh?  Có thật là chẳng có một tí mầm sống, hy vọng nào trong đời sống quanh tôi, hay bởi tôi mù lòa khiến cho tôi không nhận ra những chồi non đang mãnh liệt vươn lên đến mức không gì ngăn cản được?  Tôi ngồi bên Chúa trong lúc này để xin Ngài giúp tôi biết nhìn ra những sức sống và niềm hy vọng quanh tôi.  Khi nhìn cuộc đời với những chồi non đang vươn sống, tôi cảm thấy thế nào?  Tôi xin Chúa giúp tôi luôn biết hy vọng và hướng mình đến những hoa quả đang chờ tôi trong tương lai. 

2.     Có một cái nhìn rất sai lệch nơi nhiều người về sự xuất hiện của Triều Đại Thiên Chúa, đó là: sợ.  Nếu nói tôi tin Chúa, một Đấng đầy yêu thương, nhân từ hơn bất cứ người nào trên trần đời yêu thương tôi, vậy tôi phải mong chờ để gặp Thiên Chúa ấy chứ, phải mong chờ để Triều Đại của Ngài mau đến chứ.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói về sự xuất hiện của Triều Đại Thiên Chúa như là hoa quả từ những tháng ngày cây đâm chồi một cách mãnh liệt.  Bởi thế, Triều Đại Thiên Chúa là những gì mà mọi người nên hy vọng và mong chờ bằng cả niềm vui hồ hởi, như nông phu chờ thu hoa lợi, khi nhìn thấy cây đâm chồi nảy lộc; như trẻ thơ chờ mong mẹ đi chợ về.  Tôi có thấy Triều Đại Thiên Chúa đã đến trong cuộc đời của tôi, trong gia đình, cộng đoàn và xứ đạo tôi?  Nếu chưa, ít ra tôi có thấy những chồi non nào đang nhú lên trong tôi hoặc trong gia đình và cộng đoàn của tôi, báo hiệu những hoa quả sắp trổ sinh?  Không phủ nhận, “đời là bể khổ”, như Đức Phật đã nói.  Nhưng cũng cần phải nói rằng, cuộc đời này cũng đong đầy bằng rất nhiều niềm vui và hạnh phúc, bởi Chúa đã xuống thế làm người, ở trong cuộc đời này, ở với tôi và trong tôi, ở trong gia đình và cộng đoàn của tôi.  Nơi nào có Chúa, nơi đó là thiên đàng.  Nơi nào không có Chúa, hoặc nơi nào dù có Chúa mà tôi vẫn chẳng nhận ra sự hiện diện của Ngài, nơi đó là hỏa ngục.  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi nhận ra những mầm non và những hoa quả của Triều Đại Thiên Chúa trong tôi và trong gia đình, cũng như trong cộng đoàn của tôi.  Tôi có thể làm gì để mọi người nhận biết Triều Đại Thiên Chúa đang ở đây rồi, trong tôi, trong gia đình và cộng đoàn của tôi?  Thánh Inhaxio Loyola nói: "Người nào mang Chúa trong tim sẽ mang cả thiên đàng bên mình ở mọi nơi người ấy tới – He who carries God in his heart bears heaven with him wherever he goes."  Hôm nay tôi quyết định biến những nơi nào thành thiên đàng?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Đâu Có Tình Yêu Thương,” sáng tác của Lm. Vinh Hạnh, do Tam Ca Bido Studio trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=BvMOo_bnpII

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, November 23, 2022

Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên – Năm C –24-11-2022 – Lễ Thánh An-rê Dũng Lạc và Các Bạn Tử Đạo (Việt Nam) – Lễ Tạ Ơn (Hoa Kỳ)

Thu Nam XXXIV TN

Luca 17:11-19

11Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người mắc bệnh phong đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin rủ lòng thương chúng tôi!” 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.”  Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Sa-ma-ri17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” 19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi!  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay đã trở nên rất quen thuộc với nhiều Kitô hữu.  Đây là một bài đọc rất đẹp mà tôi có thể tìm thấy những ý tưởng rất phong phú để suy niệm và cầu nguyện trong giây phút này.  Trước hết câu 18 của bài đọc hôm nay cho tôi biết, trong mười người bị phong cùi này chỉ một người là người Sa-ma-ri, dân ngoại, còn chín người kia là người Do-thái, tức là những người có niềm tin vào Thiên Chúa.  Chính vì thế, họ biết luật Mô-sê dạy gì về họ, những người bị phong cùi; cho nên khi thấy Chúa Giêsu, câu 12, họ không chạy lại gần Ngài, nhưng “dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng” với Chúa Giêsu.  Luật Mô-sê dạy gì về những con người như họ?  Luật dạy rằng: Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13:45-46).  Trong đời sống bình thường, người Do-thái có một hiềm khích lớn với người Sa-ma-ri; họ là kẻ thù không đội trời chung của nhau, chỉ vì khác niềm tin.  Ấy vậy mà những người bị phong cùi này, mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, sống dở chết dở, bị xã hội xa tránh và ruồng bỏ, bị xếp vào loại cặn bã của xã hội, lại không có một sự ngăn cách giữa lương và giáo với họ, tất cả là anh em và có thể sống chung với nhau.  Chỉ sau khi họ đã được chữa lành, sự khác biệt giữa họ mới nổi lên, xác định và chia rẽ: ai là người Do-thái và ai là người Sa-ma-ri.  Câu chuyện những người bị phong cùi này nghe sao giống đời sống của tôi, của gia đình, hàng xóm và xứ đạo tôi!  Những lúc còn cảnh hàn vi, ai ai cũng gần gũi, yêu thương đùm bọc lẫn nhau; nhà nào có việc gì chỉ cần ới một tiếng là có nhau, không một chút quản ngại; nhưng khi đã có một chút của ăn của để, tôi bỗng dưng xa cách mọi người; tôi dọn nhà đi xa hơn không muốn ở với những người nghèo nữa, nhà nào cũng bắt đầu xây tường thật cao kín, đặt máy quay xunh quanh, nuôi nhiều chó dữ, và gặp nhau phải làm hẹn…!  Cái gì đang là những tường thành chia cách tôi với những người xung quanh?  Có phải học thức, tiền bạc, vóc dáng, niềm tin, quan điểm chính trị đang là những bức tường rất cao chia cách giữa tôi với những người trong gia đình, trong cộng đoàn và hàng xóm?  Đây có phải là lối sống đẹp của người Kitô?  Thiên Chúa đã xuống thế làm người, ở trong kiếp cùng đinh của xã hội, để kéo mọi người xích lại gần nhau hơn, tôi có đang sống và làm giống Chúa Kitô?  Tôi hỏi và bàn chuyện này với Ngài.

2.     Giáo hội Hoa Kỳ luôn chọn bài đọc này cho Thánh Lễ Tạ Ơn hàng năm.  Lý do rất rõ ràng, đó là bài đọc nói về mười người mắc bệnh phong cùi, nhưng đã được Chúa Giêsu chữa lành.  Trong số đó, chỉ có người ngoại giáo trở lại cám ơn Ngài, còn chín người trong đạo kia lại vô ơn.  Có thể nói, Hoa Kỳ là một nước mà phần lớn là hữu thần, không vô thần.  Sự hữu thần này bắt nguồn từ thời lập quốc và thể hiện rõ trên hệ thống tiền tệ của Mỹ.  Nếu tôi để ý, từng tờ giấy bạc của Mỹ, từ một đồng đến một trăm, từ tiền cắc đến tiền giấy, cái nào cũng khắc ghi rất rõ, câu: “In God We Trust” (Chúng Con Đặt Tin Tưởng Nơi Chúa).  Vậy nếu là hữu thần, tôi cần sống biết ơn như thế nào, không thể như chín người Do-thái kia?  Biết ơn không chỉ là dấu chỉ của một nhân cách trưởng thành, nhưng còn là căn tính của người Kitô.  Hôm nay là ngày Lễ Tạ Ơn, tôi muốn sống một ngày đầy biết ơn.  Trước hết, tôi biết ơn Chúa điều gì nhất trong năm qua, trong tháng qua, trong tuần qua, trong ngày hôm nay?  Giữa gia đình, bạn bè và cộng đoàn, ai là người mà tôi biết ơn nhất trong năm qua, trong tháng qua, trong tuần qua và trong ngày hôm nay?  Tôi muốn dành giây phút này và ngày hôm nay để cám ơn Chúa, cám ơn cuộc đời, cám ơn mọi người.  Thi sĩ nổi tiếng của Anh William Shakespeare (1564-1616), viết: “Gió đông thổi cứ thổi cơn, nhưng không lạnh bằng lòng của kẻ phụ ơn -- Blow, blow, thou winter wind, Thou art not so unkind as man’s ingratitude”.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, November 22, 2022

Thứ Tư Tuần XXXIV Thường Niên – Năm C –23-11-2022

Thu Tu XXXIV TN

Luca 21:12-18

12Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. 14 Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. 15 Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. 16 Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp.  Họ sẽ giết một số người trong anh em. 17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

 (Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Có một điều rất nổi bật trong Phúc âm Luca, đó là: sự đòi hỏi có tính quyết liệt, dứt khoát cho cái giá của một người môn đệ.  Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu không dụ các môn đệ theo Ngài bằng những chiếc bánh vẽ, nhưng nói rõ: Bất cứ ai muốn đi theo Ngài rồi cũng sẽ phải chịu muôn vàn thiệt thòi, bị chống đối và bắt bớ đủ đường và cuối cùng sẽ bị giết.  Những gì Chúa Giêsu nói đã thành hiện thực nơi chính bản thân Ngài và nơi hàng triệu Kitô hữu đã và đang theo Ngài.  Tôi thấy sợ không?  Tôi còn muốn theo Chúa Giêsu nữa hay thôi?  Bao lâu nay tôi đã theo Chúa Giêsu vì điều gì và vì mục đích nào?  Có phải theo Chúa Giêsu để xin gì được nấy, để có một cuộc sống êm ả, hay để mỗi ngày trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, để sống giống Ngài, nghĩ giống Ngài, hành xử giống Ngài, để Ngài sống tôi sống, để Ngài chết tôi chết theo?  Nếu tôi theo Chúa Giêsu để tìm một cuộc sống dễ dãi, muốn gì được nấy, tôi đã lầm to, bởi chính Chúa Giêsu đã không có một cuộc sống dễ dãi, nhưng sống hết mình vì mọi người và cho mọi người, rồi cuối cùng cũng bị chết treo trần trụi trên thập giá.  Tôi nhìn lên thánh giá, hoặc ôm thánh giá trong lòng để trả lời với Chúa Giêsu về thái độ và quyết tâm của tôi khi theo Ngài.       

2.  Tôi đọc lại bài đọc trên và nhìn vào đời sống đức tin của tôi.  Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ hãy ghi lòng tạc dạ rằng, họ sẽ bị bắt bớ và bị chống đối, không chỉ bởi những người ngoài và xa lạ, nhưng bởi cả những người thân quen ruột thịt như: các cha, các sơ, cha mẹ, anh chị em trong nhà, khi họ chống đối không tin Thiên Chúa, sống trái với những giá trị của Tin Mừng, đi ngược với chân lý và tình yêu.  Có khi nào tôi đã bị khinh khi, hiểu lầm, chê trách, chống đối, ngăn cản, bị bắt bớ và bị đe dọa đến cả tính mạng, chỉ vì tôi sống những giá trị của Tin Mừng?  Cái giá của đời môn đệ, đó là nhiều khi tôi phải can đảm để dám sống khác biệt, can đảm vì phải bơi ngược dòng, can đảm vì phải cô đơn độc hành.  Chẳng hạn bị cho là ngu, là khùng vì tôi đã dám tha thứ cho người nào đó đã hãm hại hoặc lợi dụng tôi?  Có thể tôi bị cho là điên vì sống thanh đạm, trong khi đó cuộc đời là sở hữu càng nhiều tiền, càng lao vào con đường công danh càng nhiều càng tốt.  Có thể đã bị hăm dọa, mỉa mai, nói móc họng khi tôi cố gắng sống kết hiệp với Thiên Chúa bằng việc đi lễ, cầu nguyện mỗi ngày, tĩnh tâm mỗi năm?  Có thể đã bị xỉa xói là khờ, là ngu xuẩn vì tôi đã sống liêm chính, không gian lận thuế má, không lấy cắp đồ trong sở, không tham lam của công?  Có thể đã bị cho là giả hình khi tôi muốn sống bác ái qua việc từ thiện cho trại cùi, bệnh viện, nhà hưu, viện mồ côi, trại tù, viện tế bần, hoặc thăm viếng những cô nhi quả phụ?  Có thể bị cho là rởm, là kỳ dị khi tôi giữ gìn môi trường cho sạch, ngôi nhà chung của nhân loại, bằng cách lượm những mẩu rác nơi công cộng, tái chế phế liệu bằng cách bỏ đúng thùng rác cho mỗi thứ rác?  Tôi nhìn lại đời sống của tôi, tìm về Chúa Giêsu để được thêm sức mạnh, và chọn cách thức làm môn đệ của Chúa Giêsu như thế nào trong ngày hôm nay và ở những lãnh vực nào.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, November 21, 2022

Thứ Ba Tuần XXXIV Thường Niên – Năm C –22-11-2022 – Lễ Thánh Xê-xi-li-a Trinh Nữ, Tử Đạo

Thu Ba XXXIV TN

Hô-sê 2:16b, 17b, 21-22

16bĐức Chúa phán như sau: “Này, Ta sẽ đưa dân ta vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. 17bỞ đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai-cập… 21Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; 22Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.”

(Trích Sách Hô-sê, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay tôi suy niệm và cầu nguyện với một đoạn trích từ Sách Tiên tri Hô-sê.  Sách Hô-sê xuất hiện vào khoảng thế kỷ 8 trước công nguyên, một thời kỳ đen tối trong lịch sử Ít-ra-en, khi mà thù trong, giặc ngoài nổi lên như ong; chưa kể, tôn giáo thì hổ lốn, người ta bất trung với Thiên Chúa, chạy theo thờ các thần ngoại bang.  Đây là một tập sách rất phức tạp trong Bộ Kinh Thánh Cựu Ước bởi chính bối cảnh lịch sử phức tạp đã vậy, tác giả còn vận dụng những cách so sánh mới lạ, khó hiểu; nhưng quan trọng hơn đó là, bản văn gốc bị hư hại nhiều khiến cho nhiều câu chữ bị mất nghĩa, do đó mà bản văn đã bị thêm thắt khi biên dịch và viết lại.  Tuy nhiên, đây cũng là một tập sách rất nổi tiếng, bởi đây là lần đầu tiên trong kho tàng Kinh Thánh Do-thái đã có người dám dùng những hình ảnh và ngôn từ trong hôn nhân nam nữ và tình mẫu tử trong gia đình để diễn tả về tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.  Hô-sê đã dùng chính hôn nhân của ông, một người đã si mê cưới một người mà ông yêu say đắm, nhưng người đó lại không chung thủy.  Tuy vậy, ông vẫn yêu và đi tìm người ấy trở về, nhưng về rồi, người ấy lại bỏ đi, cứ thế.  Qua đó, ông nói về tình yêu chung thủy của Thiên Chúa đối với con người, Ngài luôn bị con người, người yêu của Ngài, ruồng bỏ!

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý, Thiên Chúa tỏ tình với tôi ra sao, Ngài si mê tôi đến mức muốn cưới tôi?  Hình ảnh sa mạc trong bài đọc hôm nay không có ý nói về một chốn hoang vu nào đó, nhưng như những nơi rất riêng tư kín đáo mà những người yêu nhau thường hẹn hò, ở đó sẽ không bị ai quấy rầy, không ai có thể cướp đi những khoảnh khắc riêng tư của họ.  Tôi có kinh nghiệm hẹn hò kín đáo và rất riêng tư, thân mật như vậy với Thiên Chúa bao giờ chưa?  Những giây phút cầu nguyện mỗi ngày, những ngày đi tĩnh tâm năm của tôi có phải là những khoảnh khắc hẹn hò, khoảnh khắc sa mạc giữa tôi với Chúa, rất riêng tư, rất thân mật, hay đó chỉ là những khoảnh khắc giữa chợ đời, ồn ào, bận rộn, thiếu tập trung và luôn bị chi phối bởi những lo toan và bận rộn trong ngày?  Thiên Chúa luôn muốn và chờ đợi tôi có được một thời gian rảnh để hẹn hò với Ngài, còn tôi khao khát hẹn hò với Chúa như thế nào?  Tôi có thể có một khoảnh khắc sa mạc, hẹn hò với Chúa trong giây phút này không?  Tôi xin Chúa cho tôi được nếm cảm tình yêu của Ngài, được nghe thấy Ngài tỉ tê, được Ngài thèm, được Ngài ôm hôn âu yếm, ghì chặt để không còn một khoảng cách nào giữa tôi với Ngài, nhưng tan chảy vào nhau.  Lạy Chúa, xin cho con được thuộc trọn về Chúa như Chúa hằng muốn thuộc trọn về con.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyên hôm nay bằng bài hát: “Tình Chúa Trung Kiên,” sáng tác của Gm Nguyễn Năng và Lm Nguyễn Hưng, do Tấn Đạt trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=9iDN7UshTsg

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, November 20, 2022

Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên – Năm C –21-11-2022 – Lễ Đức Mẹ Dâng Mình vào Đền Thờ

Thu Hai XXXIV TN 

Luca 21:1-4

1Khi ấy, Đức Giê-su đang giảng dạy trong Đền Thờ.  Người ngước mắt lên nhìn, thì thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. 2 Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. 3 Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. 4 Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, tuy thật túng thiếu, đã bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có thể rất gần với tôi và cũng có thể là một thách đố đối với tôi.  Thánh Luca mô tả việc Chúa Giêsu quan sát những người bỏ tiền dâng cúng trong đền thờ, Ngài lấy làm đắc ý và nói với các môn đệ về nghĩa cử quảng đại của một bà góa nghèo.  Trong xã hội xưa, đặc biệt trong những xã hội nặng tính phụ hệ như Do-thái, đàn bà bị miệt thị, bị đối xử ngang hàng với đồ vật; họ không có tiếng nói và địa vị nào trong xã hội, cũng không được sở hữu bất cứ thứ gì, tất cả đều lệ thuộc vào đàn ông.  Bởi thế, nếu một người đàn bà có chồng, mà chồng chết mà lại không có con trai, bà ấy trở thành góa bụa, không những thế, bà góa ấy rất dễ rơi vào tình trạng vô gia cư và phải đi ăn xin.  Bởi thế, Chúa Giêsu vừa trông thấy bà góa này, Ngài đã có thể biết ngay bà là một bà góa nghèo.  Ấy vậy mà, bà đã rất quảng đại, dâng cúng cho đền thờ tất cả những gì bà ấy có để nuôi thân, dù cái bà có chẳng là gì, chỉ là hai đồng kẽm.  Điều này nói lên bà có lòng tin và yêu mến Chúa rất nhiều, bà quảng đại đến thiệt thân.  Tôi nghĩ gì về bà góa nghèo này?  Tôi giống ai trong câu chuyện trên: bà góa nghèo hay những người giầu, bỏ tiền vào đền thờ?  Tôi tin Chúa, nhưng đức tin của tôi có mạnh đến mức dám quảng đại đến thiệt thân?  Tôi cảm thấy thế nào khi sống quảng đại?  Chúa có thể cũng rất đắc ý về tôi?  Tôi cảm thấy thế nào khi sống eo hẹp?  Tôi nói chuyện với Chúa về tấm lòng thật của tôi.

2.     Lưu ý, câu chuyện Chúa Giêsu quan sát những người dâng cúng nằm ở chương 21, tức là gần cuối hành trình rao giảng của Chúa Giêsu.  Điều này nói gì với tôi?  Hình ảnh bà góa nghèo dám cho đi tất cả, không giữ lại gì cho mình, phải chăng đây cũng là hình ảnh của Chúa Giêsu, bởi Ngài đã dám cho tôi tất cả, đến thiệt thân, chết trên thập giá?  Tôi nghĩ gì về Thiên Chúa tôi tôn thờ?  Tôi có thể bắt chước, dám cho đi và cho đi một cách quảng đại, đến thiệt thân?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về lòng ao ước của tôi, muốn đáp trả lại tình yêu rất lớn lao của Chúa luôn dư dật trong tôi.       

Phạm Đức Hạnh, SJ  

Saturday, November 19, 2022

Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên – Năm C –20-11-2022 – Lễ Chúa Kitô - Vua Vũ Trụ

CN XXXIV TN

Luca 23:35-43

35Khi ấy, Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” 36 Lính tráng cũng chế giễu Người.  Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” 38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.” 39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” 40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” 42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” 43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ.  Giáo hội dùng Chúa Nhật này để tôn kính Chúa Kitô là Vua vũ trụ, như để hướng mọi người đến cùng đích của đời sống là Chúa Kitô, Ngài chính là vua của mỗi người.  Tưởng cũng cần lưu ý khi mừng lễ này, hoặc mỗi khi nghe tước hiệu Chúa Kitô là Vua.  Tước hiệu Chúa Kitô là Vua dễ làm cho tôi liên tưởng đến những ông vua trần thế.  Nhìn vào lịch sử ở các nước trên thế giới, đặc biệt là lịch sử Việt Nam, chẳng có được mấy ông vua đáng cho hậu thế kính trọng.  Bởi tục lệ cha truyền con nối đã tạo ra biết bao nhiêu ông vua bù nhìn, ngu xuẩn, bất tài, tàn độc, hoang dâm và vô dụng, tối ngày sống sa hoa bằng những tiệc tùng trong cung đình, bao quanh bởi muôn vàn cung phi và nàng hầu, hà khắc với dân và chẳng biết gì đến những đau khổ của dân.  Chẳng hạn như: Lê Long Đĩnh (986-1009) nổi tiếng là một ông vua dâm đãng và quái ác, thích tìm thú vui trên những đau khổ của người khác bằng cách, róc mía trên đầu các nhà sư; Lê Uy Mục (1488-1509) mà sử sách gọi là Vua Quỷ, do thói hoang dâm và tàn bạo; Lê Tương Dực (1495-1516) dân chúng gọi là Vua Lợn, thích tiêu khiển bằng cách bắt những thiếu nữ trẻ đẹp khỏa thân chèo thuyền cho ông thưởng ngoạn trên Hồ Tây, sau đó hành lạc và cho giết họ trước mặt mình.  Hôm nay, tôi tôn kính Chúa Kitô là vua của tôi và là vua của vũ trụ, cần tránh liên tưởng Ngài đến bất cứ hình ảnh của bất kỳ vua nào trên trần thế.  Chẳng hạn một hình ảnh rất sai lệch mà nhiều nhà thờ, nhiều gia đình Công giáo Việt Nam vẫn trưng bày, đó là hình ảnh Chúa Kitô họa theo chân dung của một ông hoàng Tây phương thời trung cổ, với áo cẩm bào, đầu đội mão triều thiên ba tầng cẩn bằng vàng và ngọc thạch, trên tay đang mang một cây trượng cùng với một nét mặt nghiêm nghị lạnh như tiền, nếu không nói là dữ tợn!  Đây không phải là hình ảnh Chúa Kitô Vua mà tôi tôn thờ.  Hình ảnh đúng nhất về Chúa Kitô Vua đó là, hình ảnh Chúa Kitô trên thập giá, như bài đọc hôm nay mô tả. 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên thật chậm và nhiều lần.  Tôi dừng lại ở những chi tiết đánh động tôi nhất.  Tôi chiêm ngắm Chúa Kitô trên cây thập giá là vua của tôi, vì yêu tôi vô điều kiện, sẵn sàng chịu đánh đập đến tàn khốc, chết tất tưởi trần như nhộng trên thập giá giữa những người trộm cướp, bị xỉ nhục, bị khinh khi, bị chối từ, nhưng không hề lên tiếng oán trách ai, kể cả những người giết Ngài, mà chỉ cầu nguyện và tha thứ cho họ.  Chỉ có hình ảnh này của Chúa Kitô mới xứng đáng tôi tôn thờ, mới diễn tả đúng nhất về Ngài là vua của cả vũ trụ.  Tôi phủ phục, tôi tôn thờ, tôi muốn ở bên Chúa Kitô trong giây phút này.  Tôi muốn bắt chước Chúa Kitô, tập sống và chết cho tha nhân mỗi ngày, như Ngài đã chết cho tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Thập Giá Ngất Cao,” sáng tác của Lm Hoàng Kim, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=F9VZfQ2Yd1I

Phạm Đức Hạnh, SJ