Friday, June 30, 2023

Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên – Năm A – 1-7-2023

Thu Bay XII TN
Mát-thêu 8:5-13

5 Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: 6"Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm." 7 Người nói: "Chính tôi sẽ đến chữa nó."  Viên đại đội trưởng đáp: 8"Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. 9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi.  Tôi bảo người này: "Đi!", là nó đi, bảo người kia: "Đến!", là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này!", là nó làm." 10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Tôi bảo thật các ông, tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. 11 Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. 12 Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng." 13 Rồi Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng rằng: "Ông cứ về đi!  Ông tin thế nào thì được như vậy!"  Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện rất thú vị về niềm tin.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể tập trung, trước hết là thái độ của viên đại đội trưởng và của Chúa Giêsu đối với người đầy tớ đang đau liệt ở nhà.  Viên đại đội trưởng, là một người La-mã, có một người đầy tớ, chắc chắn không phải là người đồng chủng, nhưng là một người Do-thái hoặc là một người thuộc dân tộc nào đó đã bị bắt hoặc bán làm đầy tớ.  Như vậy, hai người này không có gì liên hệ với nhau, xét về huyết thống và chủng tộc, thậm chí địa vị giữa hai người này cũng quá chênh lệch: một chủ-một tớ.  Ấy thế mà, ông ta lại rất thương người đầy tớ ấy.  Ông đi tìm thầy chạy thuốc để chữa cho người đầy tớ ấy.  Ông đã gặp Chúa Giêsu, một người xa lạ với ông ta, và Chúa Giêsu cũng chẳng có liên hệ gì với người đầy tớ kia.  Tuy nhiên, khi vừa gặp viên đại đội trưởng cầu xin, Chúa Giêsu đã hứa chữa ngay.  Tôi có thể dừng ở thái độ của viên đại đội trưởng và của Chúa Giêsu đối với người đầy tớ đang đau đớn liệt giường, và tự hỏi: Điều gì đã khiến ông đại đội trưởng phải tìm thầy chạy thuốc cho đầy tớ của ông ta?  Là một người chủ và là một người thuộc giai cấp thống trị, theo lẽ thường, thì những người đầy tớ nô lệ, nếu bị bệnh mà chẳng tự lo cho khỏi và cho khỏe lại để phục dịch thì sẽ bị tống cổ ra khỏi nhà, hoặc sẽ bị đem bán cho người khác;  hoặc, lo thầy thuốc làm chi, nếu đầy tớ này chết thì sẽ có đầy tớ khác.  Ông đại đội trưởng này là một người như thế nào?  Điều gì đã khiến cho Chúa Giêsu nhận lời chữa lành cho đầy tớ của kẻ ngoại bang đang thống trị trên đất nước của Ngài?  Ngài làm vì nể viên đại đội trưởng hay vì thương người đầy tớ?  Có khi nào tôi đã bỏ công bỏ sức làm một nghĩa cử tốt nào đó cho một người không cùng đẳng cấp, không cùng mầu da, không cùng chủng tộc, không cùng niềm tin với tôi?  Kinh nghiệm ấy giúp tôi hiểu hơn về thái độ của viên đại đội trưởng và của Chúa Giêsu đối với người đầy tớ kia như thế nào?  Kinh nghiệm của tôi về tình thương của Chúa như thế nào?  Tôi có cảm thấy Chúa cũng mau mắn giúp tôi mỗi khi tôi cầu xin, hay tôi đã cầu nguyện hoài mà Ngài chẳng đoái hoài?  Tôi nói chuyện với Chúa trong giây phút này về những cảm nghiệm ấy.

2.     Chúa Giêsu đã thấy đức tin của người ngoại bang này rất mạnh và Ngài đã dùng ông như là mẫu gương cho những người thường tự hào là “dân riêng của Chúa.”  Ông đại đội trưởng này quả là mẫu gương lớn cho mọi Kitô hữu đến nỗi, mọi người Công giáo đều lập lại câu nói của ông trong mọi Thánh lễ: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin phán một lời thì tâm hồn con sẽ được lành mạnh.”  Liệu Chúa Giêsu cũng đang mượn đức tin của người ngoại bang này làm gương cho tôi là một Kitô hữu, là một người Công giáo, là một giáo lý viên, là một người đi lễ mỗi tuần và cầu nguyện mỗi ngày chăng?  Tôi lập lại câu nói của viên đại đội trưởng trong mọi Thánh lễ như thế nào?  Như một con vẹt, hay với tất cả niềm xác tín của tôi ở Chúa Giesu, Đấng tôi chuẩn bị rước vào lòng?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu về niêm tin của tôi? 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, June 29, 2023

Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên – Năm A – 30-6-2023

Thu Sau XII TN

Mát-thêu 8:1-4

1 Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. 2 Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." 3 Người giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi. 4 Rồi Đức Giê-su bảo anh: "Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết."

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một câu chuyện thật ngắn, nhưng lại cưu mang những điều cần thiết cho đời sống cầu nguyện của tôi.  Trước hết, tôi để ý đến lời của anh bị phong hủi cầu xin với Chúa Giêsu: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."  Lời cầu xin này tuyệt đẹp.  Bởi trước hết, nó thể hiện một sự tự do trong cầu nguyện.  Anh phong hủi không cầu nguyện xin Chúa Giêsu làm cho anh ta điều anh ta cần, muốn, nhưng xin làm như ý Ngài muốn.  Có khi nào tôi cầu nguyện như vậy chưa?  Tôi cảm thấy như thế nào khi cầu nguyện với tất cả sự tự do?  Phong hủi là một chứng bệnh ghê sợ nhất lúc bấy giờ, người nào mắc phải chứng phong hủi, coi như sống mà như chết.  Trong tình trạng tuyệt vọng như vậy, vậy mà anh ta vẫn dám cầu xin theo ý Chúa, chứ không theo ý anh ta.  Như vậy để thấy, lời cầu nguyện của anh phong hủi thể hiện một sự tin tưởng, phó thác trọn vẹn ở Chúa Giêsu mạnh như thế nào.  Khi tôi cầu nguyện, tôi có tin tưởng và phó thác không, hay cầu nguyện thì cầu vậy thôi chứ chẳng tin sẽ được gì?  Để rồi dù cầu nguyện với Chúa, nhưng tôi cũng phải quay qua cầu nguyện với các thần khác nữa, cho chắc ăn?  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn suy ngẫm lời cầu nguyện của anh phong hủi và bắt chước.  Có điều gì đang làm tôi bận tâm, lo lắng, khổ sở trong lúc này?  Tôi đến với Chúa Giêsu và tôi sẽ nói với Ngài như thế nào, có dám nói như anh phong hủi không?    

2.     Dĩ nhiên, Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu ấy lớn hơn tất cả những gì tôi có thể tưởng nghĩ, tình yêu ấy thấu hiểu từ xa, trước cả khi tôi cầu xin; đồng thời, trong tình yêu bao giờ cũng muốn điều thiện, điều hảo cho người mình yêu.  Bởi thế khi anh phong hủi xin, Chúa Giêsu đã trả lời: "Tôi muốn, anh sạch đi."  Thiên Chúa tôi tôn thờ là như vậy đó.  Ngài thương tôi và hằng quan tâm đến những gì cần thiết và quan trọng trong đời sống của tôi.  Tôi có tin như vậy không?  Tôi có kinh nghiệm được Chúa thương tôi, hơn sức tôi tưởng không?  Dù là tin hay không tin, dù có kinh nghiệm tốt hay rất thất vọng về Chúa, tôi muốn gặp Ngài trong lúc này.  Tôi sẽ nói gì?  Đối chất chăng?  Tạ ơn chăng?  Phủ phục chăng?  Hãy làm và nói với Chúa bằng tất cả xác tín của mình, để ý Ngài sẽ nói gì với tôi.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, June 28, 2023

Thứ Năm Tuần XII Thường Niên – Năm A – 29-6-2023 – Lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô

Thu Nam XII TN

2 Ti-mô-thê 4:6-8, 16b-18

6Anh thân mến, phần tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. 7 Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. 8 Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện…16bMọi người đã bỏ mặc tôi. 17 Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. 18 Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử.  Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời.  Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời.  A-men.

(Trích Thư Ti-mô-thê II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là lễ kính hai vị thánh lớn, như hai cột trụ của Giáo hội: Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô.  Bài đọc hôm nay cũng được trích từ thư II của Phao-lô gởi cho Ti-mô-thê, cùng thư của bài đọc trong Thánh lễ hôm qua.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể đi vào những cảm nghiệm rất cô đơn trong cuộc đời phục vụ của Phao-lô, khi mọi người lìa bỏ ngài; nỗi buồn mang mác đang tràn về trong tâm hồn ngài vì biết rằng giờ tử đạo đang đến gần và như thế ngài sẽ phải lìa xa những người mà ngài đã sinh ra họ trong đức tin, nhưng ngài lại rất vững mạnh trong đức tin vì thấy Chúa không bao giờ bỏ rơi ngài.  Tôi ở lại trong những cảm nghiệm này của Phao-lô để thấy những cảm nghiệm của ngài có thể giúp tôi trong đời sống phục vụ và đời sống đức tin như thế nào.  Tôi nói chuyện với Phao-lô, cũng có thể nói chuyện với Phê-rô nữa, để đức tin mạnh mẽ và tâm hồn phục vụ của các ngài có thể nâng đỡ tôi.

2.  Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý những chữ nào, những câu nào, hoặc tâm tình nào đánh động tôi mạnh nhất.  Tôi ở lại trong những chữ, câu và tâm tình ấy, nói chuyện với Chúa Giêsu, với Thánh Phao-lô về những cảm nghiệm ấy.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, June 27, 2023

Thứ Tư Tuần XII Thường Niên – Năm A – 28-6-2023 – Lễ Thánh I-rê-nê, Giám Mục Tử Đạo

Thu Tu XII TN

2 Ti-mô-thê 2:22b-26

22bAnh thân mến, anh hãy cố gắng trở nên người công chính, giàu lòng tin và lòng mến, ăn ở thuận hoà cùng những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch. 23 Còn những tranh luận điên rồ và ngu xuẩn, anh hãy gạt ra một bên, vì biết rằng những thứ ấy sinh ra cãi cọ. 24 Thế mà người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng gian khổ. 25 Người ấy phải lấy lòng hiền hoà mà giáo dục những kẻ chống đối: biết đâu Thiên Chúa lại chẳng ban cho họ ơn sám hối để nhận biết chân lý, 26và biết đâu họ sẽ tỉnh ngộ, thoát khỏi cạm bẫy ma quỷ đã dùng để bắt giữ họ và khiến họ làm theo ý nó?

 (Trích Thư Ti-mô-thê II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay trích từ Thư II của Phao-lô gởi cho Ti-mô-thê, một môn đệ thân tín của ngài.  Phao-lô viết thư này vào cuối đời của ngài, trong tâm trạng cô đơn khi nhiều người thân tín đang lìa bỏ ngài; đồng thời, dù ngài đã nỗ lực phục vụ, rao giảng hết mình, và gầy dựng cộng đoàn, nhưng vẫn có những người luôn chống phá.  Có thể nói Phao-lô viết thư này bằng tất cả tâm huyết và như là chúc thư tinh thần, trong đó bao gồm những lời khuyên rất ân cần và quan tâm cho Ti-mô-thê là một người lãnh đạo cộng đoàn và là người của Chúa. 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý những lời này có thể áp dụng cho tôi ngày hôm nay chăng?  Dù tôi có thể không phải là giám mục hay linh mục, nhưng tôi cũng có thể là cha, là mẹ, là thầy cô, là huynh trưởng, là đoàn trưởng.  Tôi đọc lại bài đọc trên và ở lại với những chữ hay câu nào đánh động tôi nhất.  Tôi để cho những lời ấy hoặc câu ấy lắng thật sâu trong tâm hồn, bén rễ trong tim và trổ sinh hoa trái trong tâm trí; nhờ vậy, mọi người tiếp xúc với tôi cũng được hưởng nhờ hiệu năng của lời Chúa trổ sinh trong tôi.  Trong giây phút này, tôi có thể đem những cảm nghĩ từ những lời trong thư của Phao-lô nói chuyện với Chúa. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, June 26, 2023

Thứ Ba Tuần XII Thường Niên – Năm A – 27-6-2023

Thu Ba XII TN

Mát-thêu 7:12-14

12Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó. 13 Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. 14 Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong bài đọc hôm nay thật thực tế, nhưng cũng rất quan trọng trong đời sống đức tin.  Thứ nhất, tôi có thể tập trung suy niệm ở câu nói đầu tiên của bài đọc: Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.”  Điều Chúa Giêsu dạy nghe thật hiển nhiên ngay trong đời sống thường ngày và rất dễ làm.  Thế nhưng trong thực tế, tôi có rất hẹp hòi trong việc vươn đến với tha nhân, hoặc làm gì cũng luôn nghĩ đến cái lợi cho tôi trước nhất?  Có điều gì tôi rất muốn tha nhân làm cho tôi?  Tôi có đi bước trước làm cho tha nhân chưa?  Có điều gì tôi không muốn tha nhân làm cho tôi, nhưng tôi lại cứ làm cho tha nhân?  Chẳng hạn: nói hành nói xấu, xét đoán tiêu cực về người khác, bất khoan dung, không muốn tha thứ, tham lam, gian dối, lừa lọc, trộm cắp…?  Tôi muốn tâm sự với Chúa Giêsu về đời sống của tôi liên quan đến điều Chúa Giêsu dạy ở trên.

2.     Thứ hai, Chúa Giêsu mời gọi tôi hãy phân định và chọn lựa giữa muôn vàn con đường dẫn tôi đến hạnh phúc, nhưng cái nào thật sự đưa tôi đến niềm hạnh phúc đích thực.  Giữa bao nhiêu con đường dẫn tôi đến cuộc sống sung sướng hạnh phúc, nhưng con đường nào dẫn tôi đến sự sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa?  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn phân định lối sống của tôi bao lâu nay và xin Chúa cho tôi sức mạnh dám chọn lựa đúng.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, June 25, 2023

Thứ Hai Tuần XII Thường Niên – Năm A – 26-6-2023

Thu Hai XII TN 

Sáng Thế 12:1-9

1ĐỨC CHÚA phán với ông Áp-ram: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi.  Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. 3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa.  Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc." 4 Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông.  Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran. 5 Ông Áp-ram đem theo vợ là bà Xa-rai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kha-ran. Họ ra đi về phía đất Ca-na-an và đã tới đất đó. 6 Ông Áp-ram đi qua đất ấy, đến nơi gọi là Si-khem, đến cây Sồi Mô-re.  Thời bấy giờ, người Ca-na-an đang ở trong đất ấy. 7 ĐỨC CHÚA hiện ra với ông Áp-ram và phán: "Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi."  Tại đây ông dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA, Đấng đã hiện ra với ông. 8 Từ chỗ ấy, ông sang miền núi, ở phía đông Bết Ên. Ông cắm lều giữa Bết Ên ở phía tây và Ai ở phía đông.  Tại đây ông dựng một bàn thờ để kính ĐỨC CHÚA và ông kêu cầu danh ĐỨC CHÚA. 9 Rồi ông đi từ chặng nọ qua chặng kia đến miền Ne-ghép.

(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Từ bỏ có lẽ là điểm chung ở mọi tôn giáo.  Tôn giáo nào cũng dạy người ta cần phải từ bỏ những bám víu vật chất để cho những giá trị tinh thần cao cả hơn.  Nhưng, từ bỏ không bao giờ là dễ dàng, đặc biệt khi những gì tôi có và làm chủ là những cái rất chính đáng mà tôi đã vất vả để có nó.  Đồng thời, từ bỏ còn khó hơn nữa khi tôi đã lớn tuổi và gắn bó với những cái tôi sở hữu đã rất lâu.  Bài đọc hôm nay nói Chúa mời gọi Áp-ram từ bỏ xứ sở, quê cha đất tổ để đến một vùng đất mới, khi ông đã bảy mươi lăm tuổi!  Điều gì đã khiến cho Áp-ram dám từ bỏ như vậy?  Tôi có kinh nghiệm từ bỏ bao giờ chưa và đã từ bỏ những gì?  Sự từ bỏ ấy đến từ những lời mời gọi của Chúa, hay của một ai đó, hoặc là tự ý tôi?  Kinh nghiệm từ bỏ ấy như thế nào?  Tôi chia sẻ với Chúa về kinh nghiệm từ bỏ ấy. 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý lời Chúa hứa với Áp-ram, rằng sẽ cho ông trở thành cha của nhiều dân tộc.  Trớ trêu!  Áp-ram đã bảy mươi lăm tuổi rồi mà vẫn chưa có một người con nào.  Tôi nghĩ, Áp-ram có dễ tin ở những lời Chúa hứa không?  Tôi có bao giờ cũng cảm thấy trớ trêu về những gì Chúa nói không?  Áp-ram đã tin và thực sự ông đã trở thành cha của nhiều dân tộc; không những thế, ông còn có Chúa Giêsu sinh ra trong hậu duệ của ông nữa.  Cảm nghĩ nào đang khuấy động trong tôi lúc này từ việc đọc lại bài đọc trên?  Có khi nào Chúa cũng đang mời gọi tôi từ bỏ và lên đường cho những gì thuộc về Chúa chăng?  Tôi cần từ bỏ gì để được thuộc về Chúa trọn vẹn hơn?  Lời mời gọi này có là một thách đố lớn đối với tôi?  Tôi nói chuyện với Chúa về những cảm nghĩ ấy.  

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, June 24, 2023

Chúa Nhật Tuần XII Thường Niên – Năm A – 25-6-2023

Thu Bay XI TN

Giê-rê-mi-a 20:10-13

10Ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói: Lạy Đức Chúa, con nghe biết bao người vu cáo, “Kìa, lão ‘Tứ phía kinh hoàng!’, hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!”  Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.  Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!” 11 Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng.  Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con.  Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên. 12 Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. 13 Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.

(Trích Sách Giê-rê-mi-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Giê-rê-mi đang bị bắt bớ sau khi chia sẻ lời tiên tri của mình.  Trong phần đầu của bài đọc, tôi biết ông đã trải qua cuộc bách hại này như thế nào.  Ông nói: “Khủng bố ở khắp mọi nơi.  Tố cáo hắn, chúng ta hãy tố cáo hắn!  Tất cả những người bạn thân của tôi đang chờ tôi vấp ngã.”  Có lẽ tôi cũng đã từng trải qua một trải nghiệm như thế này, hoặc một loại nghịch cảnh khác.  Tôi có thể nhớ lại điều này là như thế nào không?  Những cảm giác xung quanh tôi vào thời điểm này?  Giê-rê-mi nói: “Nhưng Đức Chúa ở cùng tôi như một Chiến binh oai hùng, vì vậy những kẻ bắt bớ tôi sẽ vấp ngã”.  Giữa tất cả những điều này, Giê-rê-mi biết rằng Chúa ở cùng ông, và những kẻ bắt bớ ông sẽ không thắng nổi.  Tôi dành một chút thời gian để nói chuyện với Chúa về những gì đã hoặc đang xảy ra với tôi.

2.  Tôi đọc lại bài đọc, để ý cách mà sự tự tin của Giê-rê-mi đã biến thành lời cầu nguyện, sau đó là lời ngợi khen: “Hãy hát mừng Chúa, hãy ngợi khen Chúa”.  Tôi muốn kết thúc buổi cầu nguyện hôm nay bằng cách dành một chút thời gian để cùng ngợi khen Giê-rê-mi, người đã biết Chúa và tin cậy nơi Ngài trong lúc gặp nghịch cảnh.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, June 23, 2023

Thứ Bảy Tuần XI Thường Niên – Năm A – 24-6-2023 – Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả

Thu Bay XI TN

Luca 1:57-66

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. 59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được!  Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.”  Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ.  Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”  Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong lịch Phụng Vụ của Giáo hội chỉ có ba ngày lễ mừng sinh nhật, đó là: Lễ sinh nhật của Chúa Giêsu (Lễ Giáng Sinh), lễ sinh nhật của Đức Mẹ, và lễ sinh nhật của Thánh Gioan Tẩy Giả.  Đồng thời, chỉ có hai vị được Giáo hội kính cả ngày sinh lẫn ngày tử, đó là: Chúa Giêsu và Thánh Gioan Tẩy Giả.  Hôm nay là Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả.  Tôi có thể điểm qua những nét đặc biệt trong đời sống của ngài.  Khi còn trong bào thai, Thánh Gioan Tẩy Giả không chỉ nhảy mừng trong lòng mẹ, khi được Mẹ Maria đang mang thai Chúa Giêsu đến thăm, sau này khi đi rao giảng, ngài còn được Chúa Giêsu khen: Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an” (Lc 7:28).  Gioan đã dành cả đời sống của mình để sống cho và sống vì Thiên Chúa trong một nếp sống ẩn tu đầy khắc khổ nơi sa mạc, và rồi kết thúc cuộc đời bằng cái chết cho những gì ngài rao giảng.  Như vậy đủ để thấy, Thánh Gioan Tẩy Giả đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống đức tin của mọi Kitô hữu.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể đọc lại bài đọc trê và tập trung, trước hết: thái độ của những người láng giềng đến chúc tụng Thiên Chúa và chia vui với gia đình bà Ê-li-sa-bét, khi biết Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót đối với gia đình bà.  Chúc tụng ai đó về những điều thiện hảo, những thành công và những phúc lành mà họ đã nhận được là một thái độ lịch thiệp và là một nghĩa cử cao đẹp rộng lượng.  Tôi có hay làm việc này trước những thành công ai đó?  Lần mới nhất mà tôi đã khen tụng, tán thưởng về những thành công và phúc lành của ai đó là khi nào?  Tôi cảm thấy như thế nào với người đó và với Chúa khi làm điều ấy?  Giờ cầu nguyện hôm nay cũng có thể là giây phút tôi nhận biết những ân huệ Chúa hằng ban cho tôi mỗi ngày.  Tôi muốn chúc tụng Chúa.  Tôi cũng để ý, Chúa tán thưởng và hãnh diện về những thành quả trong cuộc sống của tôi ra sao.

2.     Điểm thứ hai tôi có thể tập trung trong giờ cầu nguyện hôm nay, đó là: mọi người ngạc nhiên trước những gì Chúa làm cho gia đình nhà bà Ê-li-sa-bét, vượt xa hẳn những thói quen, truyền thống và ý nghĩ của họ.  Có khi nào tôi cũng có kinh nghiệm như những người hàng xóm của bà Ê-li-sa-bét?  Tôi nghĩ một đường, dự phóng và sắp xếp mọi sự theo ý tôi, nhưng Chúa lại cho những điều lạ lùng xảy đến cho tôi, vượt quá sự tưởng nghĩ và dự phóng của tôi?  Việc làm ấy của Chúa đã nâng đỡ niềm tin của tôi ra sao?  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này?  Chúc tụng và ngợi khen Chúa như Da-ca-ri-a chăng?          

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, June 22, 2023

Thứ Sáu Tuần XI Thường Niên – Năm A – 23-6-2023

Thu Sau XI TN

Mát-thêu 6:19-21

19Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. 20 Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. 21 Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó”.  Tôi có thể đặt câu hỏi với chính mình: “Ai hay cái gì đang là kho tàng của tôi?”  Chúa Giêsu, Nước Trời có đang là kho tàng của tôi?  Cái gì đang lấy hết sức lực, ý chí, cùng sự bận tâm của tôi từ sáng cho đến tối, khiến cho Chúa Giêsu hoặc Nước Trời mất chỗ đứng trong lòng tôi?  Chúa Giêsu nói: “Đừng tích trữ của cải dưới đất… nhưng hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời”.  Tôi có thể xác định kho báu nào, nếu có, tôi đang cất giữ ở cuộc đời này?  Kho báu nào tôi nghĩ tôi đang cất giữ trên thiên đàng?  Tôi muốn dâng những suy nghĩ của tôi cho Chúa.  

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý, những chỉ dẫn nào của Chúa Giêsu nổi bật nhất đối với tôi.  Khi kết thúc thời gian cầu nguyện này, tôi hướng trái tim và cái nhìn của tôi về Chúa và ánh sáng của Ngài, để dành thời gian tắm mình trong sự hiện diện của Ngài; đặc biệt, để cho thời gian giữa Chúa và tôi trở thành kho báu của tôi trong ngày hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, June 21, 2023

Thứ Năm Tuần XI Thường Niên – Năm A – 22-6-2023

Thu Nam XI TN

Mát-thêu 6:7-15

7Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. 11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; 13xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’ 14 Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay khởi đầu bằng lời khuyên của Chúa Giêsu về cầu nguyện -- đừng lải nhải nhiều lời.  Tôi có kinh nghiệm bị ai lải nhải nhiều lời bên tai chưa?  Chúa Giêsu nói Chúa Cha cũng sợ tôi lải nhải nhiều lời.  Kiểu cầu nguyện như vậy vừa lẩm cẩm, vừa thiếu đức tin, lại vừa có cái nhìn lệch lạc về Thiên Chúa.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi có thể hình dung khuôn mặt của Thiên Chúa khó chịu như thế nào, khi bị tôi hay ai đó càm ràm, lẩm bẩm, lải nhải nhiều lời mỗi khi cầu nguyện.  Tôi muốn nói gì với Chúa trong lúc này về thái độ và cách thức cầu nguyện của tôi bao lâu nay?

2.     Chúa Giêsu dạy tôi cách cầu nguyện sao cho đẹp lòng Chúa Cha.  Ngài dạy tôi nhiều điều trong cách cầu nguyện này.  Trong giờ cầu nguyện này tôi có thể tập trung vào điều đầu tiên: Chúa Giêsu dạy tôi khi cầu nguyện, hãy cầu nguyện trong tâm tình thân mật như cha với con.  Giờ cầu nguyện này, tôi có thể gọi Chúa bằng những tiếng thân mật nhất như tôi vẫn gọi ba, hoặc mẹ của tôi chăng?  Tôi hình dung và để ý Chúa sẽ vui như thế nào khi tôi gọi Ngài là: “Ba ơi!”, hoặc “Mẹ ơi!”.  Tôi để ý tôi cảm thấy như thế nào khi gọi Thiên Chúa bằng những tiếng thân mật như vậy?  Tôi để sự thân mật ấy dẫn tôi vào cuộc trò chuyện thân mật với Chúa cho đến hết giờ cầu nguyện, nói về mọi vấn đề mà tôi hằng quan tâm và ấp ủ trong tim.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, June 20, 2023

Thứ Tư Tuần XI Thường Niên – Năm A – 21-6-2023 – Lễ Thánh Aloysius Gonzaga, SJ

 Thu Tu XI TN

2 Cô-rin-to 9:6-11

6Thưa anh em, tôi xin nói điều này: gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều. 7 Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương. 8 Vả lại, Thiên Chúa có đủ quyền tuôn đổ xuống trên anh em mọi thứ ân huệ, để anh em vừa được luôn đầy đủ mọi mặt, vừa được dư thừa mà làm mọi việc thiện, 9theo như lời đã chép: Kẻ túng nghèo, Người rộng tay làm phúc; đức công chính của Người tồn tại muôn đời. 10 Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào. 11 Anh em sẽ được sung túc mọi bề để làm mọi việc thiện cách rộng rãi. Những việc chúng ta làm sẽ khiến người ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

(Trích Thư Cô-rin-tô II, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể hình dung một người gieo giống trên cánh đồng, người đó gieo vãi bằng tay, vung tay ra xa bao nhiêu có thể.  Anh ta lặp đi lặp lại việc vung tay gieo hạt như vậy cho đến khi gieo hạt xong.  Anh ta hiểu rằng: càng gieo nhiều, sẽ có thể càng gặt hái được nhiều.  Tôi để ý chuyện gì xảy ra khi hình dung như vậy?  Bài đọc hôm nay mời gọi tôi trở thành người cho đi cách quảng đại và vui vẻ, giúp đỡ người nghèo, và nếu làm được như vậy, tôi sẽ được phúc lành dư đầy.  Kinh nghiệm của tôi về cho và nhận là gì?  Giờ đây, tôi muốn dành giây phút này để nhìn vào đôi bàn tay của tôi, nhớ lại cách tôi phân phát, sự cho đi của mình?  Có lẽ tôi cảm thấy mình có bàn tay to lớn, hào phóng và rộng mở giống như người gieo giống mà tôi vừa hình dung, hoặc có thể tôi cảm thấy sự cho đi của tôi rất hẹp hòi.  Tôi có sẵn sàng đón nhận thử thách hoặc thay đổi thói quen trong lĩnh vực này của cuộc sống?  Chúa có thể đặt để điều gì trong lòng tôi về vấn đề này?

2.     Tôi muốn đọc lại bài đọc trên và lưu ý những gì được nói về tấm lòng rộng lượng của Thiên chúa.  Tôi hình dung một lần nữa, người gieo giống trong cánh đồng.  Lần này, người gieo hạt đã đến để thu hoạch vụ mùa bội thu của mình.  Hình ảnh hạt trổ thành cây và đơm bông bây giờ trông như thế nào?  Tôi muốn dành một chút thời gian để trò chuyện với Chúa về ý nghĩa của lời Chúa trong bài đọc hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, June 19, 2023

Thứ Ba Tuần XI Thường Niên – Năm A – 20-6-2023

Thu Ba XI TN

Mát-thêu 5:43-48

43Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng, “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi?  Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu?  Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu nói với tôi phải yêu kẻ thù.  Điều gì hoặc ai là người xuất hiện trong tâm trí lúc này khi tôi nghe thấy hai chữ: “kẻ thù”?  Có thể là một người nào đó đã làm tôi thất vọng?  Hoặc, có thể là một ai đó mà tôi cảm thấy rất mệt mỏi về họ?  Hoặc, có thể là một ai đó đang thách thức niềm tin của tôi?  Chúa Giêsu cũng nói, “Hãy cầu nguyện cho những người bắt bớ mình.”  Hãy tưởng tượng tôi đang ngồi với Chúa Giêsu trong lúc này, tôi có thể thoải mái nói chuyện với Ngài về kẻ thù này hay kẻ thù kia không?  Chúa Giê-su nói: Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu?  Tôi muốn dành giây phút này tưởng tượng, với sự giúp đỡ của Chúa, tôi có thể chào đón những kẻ thù này theo một cách mới.  Hãy tưởng tượng những gì có thể xảy ra.

2.     Giờ đây tôi đọc lại bài đọc trên, suy ngẫm xem, tôi cần điều gì để cho phép lời chào mới này với kẻ thù có thể xảy ra… can đảm hay tha thứ?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng cách, cầu nguyện cho những người mà tôi nghĩ tới trong giây phút này, đặc biệt đó là những người tôi khó ưa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, June 18, 2023

Thứ Hai Tuần XI Thường Niên – Năm A – 19-6-2023

Thu Hai XI TN

Mát-thêu 5:38-42

38"Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi. 

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Lối sống được trình bày trong đoạn Kinh Thánh có thể nhắc nhở tôi về các ơn sủng của Thánh Thần, như: yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, rộng lượng, trung tín, mềm mại, tiết độ, và đó là những lý tưởng tuyệt vời.  Tôi có thể phát hiện bất kỳ điều nào trong số này trong chính mình vào lúc này?  Có lẽ có những lúc tôi thực sự muốn bày tỏ những ước muốn xác thịt của con người là trả thù, tìm cách trả thù, giữ tài sản của mình và chỉ cho đi những gì tôi đòi hỏi.  Tôi có liên quan đến bất kỳ mong muốn nào vào lúc này không?  Tôi có thể nhớ khoảng thời gian mà tôi đã sống theo những thực hành được trình bày trong đoạn văn này không?  Kết quả là gì?

2.  Tôi đọc lại bài đọc trên và chú ý điều gì đang khuấy động trong tôi khi tôi nghe những từ này…chỉ chú ý mà không phán xét…  Khi tôi đọc lại bài đọc, những từ nào nổi bật nhất đối với tôi?  Tôi muốn dành giây phút này để trò chuyện với Chúa Giêsu về điều này như một người bạn với một người bạn.  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi ngày hôm nay, trong bất kỳ tình huống nào xảy đến với tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ