Tuesday, October 31, 2023

Thứ Tư Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 1-11-2023 – Lễ Các Thánh Nam Nữ

Thu Tu XXX TN

Khải Huyền 7:2-4, 9-14

2Tôi là Gio-an, tôi thấy một thiên thần mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên. Thiên thần ấy lớn tiếng gọi bốn thiên thần khác, là những vị được quyền phá hại đất liền và biển cả. 3 Thiên thần ấy nói: “Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta”. 4 Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en. 9 Sau đó, tôi thấy: một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ.  Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. 10 Họ lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” 11 Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô 12rằng: “A-men!  Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời!  A-men!” 13 Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi tôi: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy?  Họ từ đâu đến?” 14 Tôi trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó.”  Vị ấy bảo tôi: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao.  Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.”

(Trích Sách Khải Huyền, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay trích từ Sách Khải Huyền, văn bản cuối cùng của toàn bộ Kinh Thánh.  Và khá nhiều người hoảng sợ chạy trốn khỏi nó.  Tuy nhiên, thay vì bỏ chạy, tại sao tôi không tự hỏi mình “không khí của đoạn văn này là gì?”  Bản văn ấy có nói với tôi ngày hôm nay không?  Tôi nghĩ gì về “đám đông…từ mọi quốc gia, từ mọi bộ tộc, mọi dân tộc và ngôn ngữ, đứng trước ngai và trước Chiên Con, mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế”.  Tôi có biết những người này không?  Hãy hình dung tất cả… nó trông như thế nào trong trí tưởng tượng của tôi?

2.     Bây giờ tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa: tôi có nghe thấy đám đông hát mừng Chúa không?  Họ đang nói gì?  Cuối cùng, hãy xem liệu tôi có thể thu thập tất cả những suy ngẫm đã đến với mình trong thời gian suy ngẫm này và biến chúng thành một lời cầu nguyện lên Chúa hay không.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 30, 2023

Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 31-10-2023

Thu Ba XXX TN

Rô-ma 8:18-25

18Thưa anh em, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. 19 Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. 20 Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy 21là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. 22 Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. 23 Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. 24 Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? 25 Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.

(Trích Thư Rô-ma, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay cho tôi thấy Thánh Phao-lô đang muốn củng cố với các Kitô hữu của ngài ở Rô-ma rằng, Thiên Chúa thật sự đang nắm quyền trên mọi sự và Ngài biết Ngài đang làm gì.  Ngài biết rằng họ đang “đau khổ”, nhưng một vinh quang lớn hơn sắp được tỏ ra cho họ.  Hãy hình dung tôi cũng đang nhận được bức thư này của Phao-lô, và lần đầu tiên tôi được đọc những dòng chữ này của Phao-lô, phản ứng của tôi là gì?  Thánh Phao-lô nói về “sự tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa”.  Tôi nghĩ điều này có thể có ý nghĩa gì đối với những Kitô hữu ở Rô-ma?  Ngày hôm nay thì những lời này có ý nghĩa gì với tôi?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa.  Có một từ, cụm từ, hay ý tưởng nào mà tôi cảm thấy đang nói với hoàn cảnh sống của tôi hôm nay?  Tôi muốn nhìn lại tất cả những phản ứng của tôi đối với trích thư đáng chú ý này và xem, liệu tôi có thể kết hợp chúng lại với nhau trong một lời cầu nguyện thể hiện vị thế của tôi hay không.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, October 29, 2023

Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 30-10-2023

Thu Hai XXX TN

Luca 13:10-17

10Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường. 11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm.  Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” 13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. 14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát.  Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!” 15 Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia!  Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? 16 Còn bà này là con cháu ông Áp-ra-ham, bà ấy bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?” 17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay trình thuật về một trong những lần Chúa Giêsu giảng trong hội đường Do-thái vào ngày Sa-bát.  Tôi có thể hình dung khung cảnh của hội đường lúc ấy.  Mọi người tụ tập vào mỗi ngày Sa-bát và mọi sự vẫn diễn ra như bình thường.  Nhưng sự xuất hiện của Chúa Giêsu làm cho mọi sự thay đổi khá nhiều.  Tôi muốn đặt mình vào trong bối cảnh của hội đường Do-thái lúc đó.  Một người nữ đau khổ cũng có mặt trong hội đường.  Chúa Giêsu đã để ý đến bà ta và Ngài gọi bà ta đến để chữa cho bà ấy lành.  Hãy để ý đến sự phản ứng khác biệt giữa bà ấy và ông trưởng hội đường.  Tôi cảm thấy bị đánh động ở điều gì?

2.     Tôi đọc lại câu chuyện trên một lần nữa.  Tôi cảm thấy giật mình ở điều gì khi đọc lại câu chuyện trên?  Tôi muốn tập hợp tất cả những suy nghĩ đang diễn ra trong đầu tôi lúc này và biến chúng thành một lời cầu nguyện với Chúa Giêsu.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 28, 2023

Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên – Năm A – 29-10-2023

CN XXX TN

Xuất Hành 22:20-26

20Đức Chúa phán thế này: Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập. 21 Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. 22 Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. 23 Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút. 24 Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi. 25 Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn. 26 Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ?  Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.

(Trích Sách Xuất Hành, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay từ Sách Xuất Hành, cho tôi thấy một số hàm ý cụ thể về đức tin vào Thiên Chúa.  Đây là Thiên Chúa đã đưa dân của Ngài thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai-cập…  Đấng đã hứa sẽ cho họ một vùng đất làm của riêng.  Tôi có thể thấy các lệnh truyền ở đây xuất phát từ những kinh nghiệm đó như thế nào?  Thiên Chúa tỏ ra nhiệt tình chăm sóc các góa phụ, trẻ mồ côi, ngoại kiều giữa dân chúng.  Điều đó có thể gợi ý gì về cách Chúa nhìn xã hội của tôi ngày nay?  Nếu đây là những mối quan tâm của Chúa, thì những người thuộc các cộng đoàn quanh tôi, những người tự nhận là Kitô hữu, có ý nghĩa gì? 

2.     Hãy để ý phản ứng của tôi đối với lời Chúa, khi tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa.  Tôi muốn dành cả thời gian còn lại của giờ cầu nguyện này, nói với Chúa về mối quan tâm của tôi đối với những người nghèo, những người thiếu thốn nhất, đang ở quanh tôi.  Tôi xin Chúa giúp tôi nhận ra, ý muốn của Ngài muốn tôi làm gì cho những vấn đề đói nghèo và di dân ngày nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 27, 2023

Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 28-10-2023 – Lễ Thánh Si-mon và Giu-đa, Tông Đồ

Thu Bay XXIX TN

Luca 6:12-19

12Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, 16Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội. 17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng.  Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật.  Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là lễ kính hai Thánh Tông Đồ Si-mon và Giu-đa.  Bài đọc hôm nay nói về cách Chúa Giêsu chọn nhóm Mười Hai Tông Đồ.  Trước hết, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm với Chúa Cha, trước khi chọn các Tông đồ.  Chứng tỏ đây là việc làm quan trọng và Chúa Giêsu cũng chuẩn bị kỹ cho việc làm này.  Tôi có thói quen giống Chúa Giêsu không trước khi làm điều gì, đặc biệt những chuyện quan trọng như sinh con, gởi con đi học, tiễn con đi học xa, dựng vợ gả chồng cho con…  Tôi có bàn chuyện với Chúa về những việc làm của tôi, mời gọi Ngài cùng can dự vào những việc trong đời sống của tôi, đặc biệt, có Ngài là trung tâm trong đời sống của tôi?  Có điều gì quan trọng tôi cần làm trong ngày hôm nay, trong tuần này hoặc thời gian này?  Tôi bàn chuyện này với Chúa trong giây phút này được không?  Tôi muốn Chúa là trung tâm và làm chủ trong những quyết định này được không? 

2.     Sau khi chọn các Tông đồ, Chúa Giêsu dẫn họ đến với dân chúng để chứng kiến những nhu cầu của dân chúng và chứng kiến những gì Ngài sẽ làm cho dân chúng, để rồi sau này, Ngài cũng sai họ đi làm y như Ngài đã làm cho dân chúng, đó là: chữa lành, trừ quỷ, giải thoát cho những người bị giam cầm hoặc bị đối xử bất công.  Tôi đọc lại bài đọc trên và hình dung khung cảnh Chúa Giêsu và các môn đệ đang hiện diện với đám đông năm xưa.  Tôi quan sát từng nhu cầu của từng người kêu cầu Chúa Giêsu và Ngài đã đáp trả ra sao.  Tôi là một trong những môn đệ cũng có mặt ở đó, tôi phản ứng như thế nào trước những nhu cầu của dân chúng?  Tôi cảm nhận gì trước những hành động của Chúa Giêsu.  Tôi hình dung Chúa cũng đang hiện diện trước mặt tôi lúc này và chỉ cho tôi những nhu cầu của thế giới quanh tôi ngày hôm nay.  Tôi phản ứng như thế nào trước những vấn đề của thế sự hôm nay: chuyện người di dân và tị nạn, những người nghèo đói không nhà cửa, những người già cô đơn, những người bệnh tật, những trẻ em bị bán làm mãi dâm, những người thất nghiệp, những thành phần thiểu số bị bỏ rơi hoặc kỳ thị…  Chúa Giêsu không xua trừ ai, Ngài đón nhận tất cả và chăm sóc họ.  Có thể Ngài cũng bảo tôi phải chăm sóc những vấn nạn trong xã hội quanh tôi, họ không phải đi đâu hết.  Tôi cảm thấy thế nào?  Tôi sẽ làm gì?  Tôi quyết tâm gì?  Tôi nói chuyện với Chúa trong những giây phút còn lại của giờ cầu nguyện này.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 26, 2023

Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 27-10-2023

 Thu Sau XXIX TN

Rô-ma 7:18-25a

18Thưa anh em, tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi.  Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. 19 Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. 20 Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. 21 Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. 22 Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; 23nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. 24 Tôi thật là một người khốn nạn!  Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? 25a Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!

(Trích Thư Rô-ma, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể cảm thấy thật gần với những gì Phao-lô bộc bạch về chính mình trong bài đọc hôm nay.  Phao-lô cảm nhận một sự giằng co liên tục trong đời sống nội tâm của ngài, giữa điều thiện và điều xấu.  Nhiều khi ngài đã không làm được điều thiện ngài muốn, mà lại cứ làm điều xấu ngài không muốn.  Ngài xác định, chỉ nhờ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô mới có thể giúp ngài chiến thắng được những nghiêng chiều về điều xấu.  Tôi có kinh nghiệm này không?  Những lúc bị giằng co tôi nương nhờ ai để chiến thắng chính mình: nương nhờ người khác, bản thân, hay Thiên Chúa?  Có một sự giằng co nào đang xảy ra trong lúc này, mà tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu và xin Ngài giúp đỡ?  Hãy bộc bạch với Ngài tất cả.

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên thật chậm và để ý những lời nào đang nói với tôi, nâng đỡ tôi, hướng tôi đến sự thiện.  Tôi xin Chúa giúp tôi có thêm nghị lực và lòng ao ước muốn làm sự thiện.  Tôi có thể đọc những lời của Phao-lô song song với những lời của Thánh Inhaxio Loyola, trong Quy Tắc Phân Biệt Thần Loại như sau: QUY TẮC I: “Đối với những người sa ngã hết tội trọng này sang tội trọng khác, kẻ thù thường quen bày cho họ những vui thú bề ngoài, xui họ tưởng đến những khoái lạc và vui thú giác quan để dễ cầm giữ và thúc đẩy họ tiến sâu vào thói hư và tội lỗi. Với những người như thế, thần lành dùng phương pháp ngược lại, bằng cách thôi thúc cho lương tâm cắn rứt họ bằng luật tự nhiên của lẽ phải” (Linh Thao #314).  QUY TẮC II: “Nơi những người tiến mạnh trong việc diệt trừ tội lỗi và đang tiến lên hơn mãi trên đường phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, thì lại có phương pháp ngược lại với quy tắc thứ nhất. Vì khi đó, đường lối riêng của thần dữ là cắn rứt, làm buồn phiền và đặt chướng ngại bằng cách gây băn khoăn lo lắng với những lý lẽ giả tạo để người ta khỏi tiến tới, còn cách thức riêng của thần lành là làm cho can đảm và sức mạnh, an ủi, nước mắt, ơn soi giục và an nghỉ, giảm bớt và hủy diệt các trở ngại để cho người ta tiến lên trong đàng lành” (Linh Thao #315).

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 25, 2023

Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 26-10-2023

Thu Nam XXIX TN

Luca 12:49-53

49Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! 51 Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao?  Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. 53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể cảm thấy bài đọc hôm nay thật khó hiểu đến mức khó chịu.  Những lời của Chúa Giêsu rất mạnh mẽ, đòi hỏi tất cả những ai muốn theo Ngài phải có một thái độ và lối sống dứt khoát, rõ ràng.  Tôi phải hiểu thế nào và làm thế nào để dung hòa những điều Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay với cách nhìn và hiểu thông thường của tôi về Ngài?  Hãy chú ý cách tôi ngồi nói chuyện về “sự chia rẽ” này…  Có phải Chúa Giêsu mong đợi thông điệp của Ngài sẽ nuôi dưỡng sự chia rẽ trong gia đình, cha chống lại con trai, mẹ chống đối con gái?  Điều này đúng với trải nghiệm của tôi đến mức nào?  Theo quan điểm của tôi, điều gì về lời dạy của Chúa Giêsu sẽ gây ra nhiều bất đồng như vậy?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa, thật chậm và thật kỹ, để ý những lời của Chúa Giêsu có thể được coi là “tin tốt” như thế nào.  Trong thời gian còn lại của giờ cầu nguyện này, tôi muốn nói chuyện với Chúa Giêsu như bạn với bạn về những lời đầy thách đố của Ngài.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, October 24, 2023

Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 25-10-2023

Thu Tu XXIX TN

Rô-ma 6:12-18

12Thưa anh em, đừng để tội lỗi thống trị thân xác phải chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác. 13 Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa.  Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa. 14 Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng. 15 Vậy thì sao?  Chúng ta cứ phạm tội ư, vì chúng ta không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng?  Không đời nào! 16 Anh em không biết sao?  Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính. 17 Tạ ơn Thiên Chúa!  Trước kia anh em làm nô lệ tội lỗi, nhưng nay anh em đã hết lòng vâng theo quy luật đạo lý đã đào tạo anh em. 18 Anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ sự công chính.

(Trích Thư Rô-ma, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trong bài đọc hôm nay, Thánh Phao-lô mời gọi những ai nghe lời ngài hãy nhận ra rằng, đôi khi chúng hành động như “công cụ của sự ác”.  Tôi có thể nhận ra khả năng đó, thực tế hay tiềm năng, trong cuộc sống của chính tôi đến mức nào?  Thay vào đó, Phao-lô mời gọi cộng đoàn hãy hành động như “công cụ của sự công chính”.  Hãy nhớ lại một vài lần chính tôi đã hành động theo cách này.  Trong phần thứ hai của bài đọc, Thánh Phao-lô nhắc nhớ và củng cố lại căn tính của đời sống Kitô hữu.  Chúng ta không đơn giản chỉ là “công cụ” của tội lỗi hay sự công chính, mà đúng hơn là “nô lệ” của chúng.  Phản ứng của tôi trước sự thay đổi giọng điệu này là gì?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một lần nữa và chú ý đến cách Phao-lô nhìn thấy kết quả của cuộc chiến giữa tội lỗi và sự công bình như thế nào.  Tôi dành cả phần thời gian còn lại của giờ cầu nguyện nói với Chúa bằng chính lời nói của tôi về phản ứng của tôi trước lời mời trở thành “nô lệ của sự công chính”.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, October 23, 2023

Thứ Ba Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 24-10-2023

Thu Ba XXIX TN

Luca 12:35-38

35Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ.  Thầy bảo thật anh em -- chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hình hình ảnh trung tâm trong bài đọc hôm nay, đó là: những người hầu chờ đợi chủ đi ăn cưới về trong đêm.  Tôi thấy mình giống ai nhất trong bài đọc hôm nay?  Những đầy tớ kiên nhẫn?  Ông chủ về muộn?  Điều khiến tôi ấn tượng nhất có thể là, khi tôi đặt mình vào một trong những nhân vật của bài đọc.  Dụ ngôn hứa hẹn một sự đảo ngược vai trò của những người đầy tớ canh cửa.  Ngay lập tức, chủ sẽ phục vụ họ.  Điều đó sẽ như thế nào đối với người hầu và người chủ?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên thật chậm một lần nữa, chú ý xem những dòng chữ này nói gì về lối sống của tôi hiện nay.  Tôi muốn xin Chúa chỉ cho tôi những gì Ngài muốn tôi rút ra từ thời gian cầu nguyện này và để ý đến phản ứng của Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ


Sunday, October 22, 2023

Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 23-10-2023

 

Luca 12:13-21

13Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” 14 Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” 15 Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

16Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17mới nghĩ bụng rằng: ‘Mình phải làm gì đây?  Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!’ 18 Rồi ông ta tự bảo: ‘Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm.  Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!’ 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc!  Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’ 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay bắt đầu với việc một người đến xin Chúa Giêsu làm quan tòa trong một vụ tranh chấp tài sản trong gia đình.  Điều này cho tôi biết điều gì về cách người đó nhìn Chúa Giêsu?  Tôi chia sẻ quan điểm này đến mức nào?  Chúa Giêsu dùng câu hỏi này để kể dụ ngôn về lòng tham.  Ở nơi khác, Chúa Giêsu khen ngợi người ta vì sự khôn ngoan và tầm nhìn xa của họ.  Vậy chính xác thì người đàn ông giàu có trong câu chuyện này đã làm gì sai?  Lời đầu tiên của Chúa Giêsu nói với người giàu ở đây là “Đồ ngu!”  Tôi có tưởng tượng những lời đó được nói ra một cách gay gắt, lên án người đàn ông đó không?  Hay “buồn nhiều hơn giận”?  Giọng điệu phản ứng của Chúa là gì?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý xem bài đọc có nói gì với tôi về tài sản của tôi hay thái độ của tôi đối với chúng không.  Hãy để ý bài đọc kết thúc với lời khuyến khích hãy trở nên “giàu có nơi Thiên Chúa”.  Tôi dành cả phần còn lại của giờ cầu nguyện này nói chuyện với Chúa như bạn với bạn về cách tôi cảm thấy những mời gọi và thách thức mà Chúa Giêsu nói với tôi qua bài đọc.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng lời nguyện từ Sách Khôn Ngoan: Con chỉ xin hai điều,Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa.  Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: "ĐỨC CHÚA là ai vậy?" hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con” (Kn 30:7-9).

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, October 21, 2023

Chúa Nhật Tuần XXIX Thường Niên – Năm A – 22-10-2023

CN XXIX TN 

I-sai-a 45:1, 4-6

1Đức Chúa phán với kẻ Người đã xức dầu, với vua Ky-rô: Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó, Ta tước khí giới của các vua, mở toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa. 4 Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en, Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta. 5 Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta.  Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, 6để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta.  Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác.

(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay từ Sách I-sai-a, tôi được nghe Chúa nói trực tiếp với người lãnh đạo mà Ngài đã chọn.  Tôi có thể cảm nhận được sự tôn kính sâu sắc mà Chúa dành cho Ky-rô không?  Chúa gọi Ky-rô là “người được Ngài xức dầu”.  Chúa đã “nắm lấy tay hữu ông ta”.  Tôi có thể tưởng tượng cảm giác đó sẽ như thế nào không?  Ky-rô có nghĩa là “mở cửa”.  Ở mức độ thực tế hơn nhiều, nhưng cũng không kém phần được Chúa linh ứng: có cánh cửa nào Chúa muốn tôi mở để có thể giúp đỡ người khác không?

2.  Tôi đọc lại bài đọc trên và để cho những lời của Chúa hấp dẫn tôi.  Điều gì khuấy động trong tôi khi đọc lại bài đọc trên?  Tôi dành thời gian còn lại của giờ cầu nguyện này, nói chuyện với Chúa, chính Thiên Chúa đã bổ nhiệm hoàng đế Ky-rô, Thiên Chúa cũng có việc nào đó muốn dành cho tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, October 20, 2023

Thứ Bảy Tuần XXVIII Thường Niên – Năm A – 21-10-2023

Thu Ba XXVIII TN

Luca 12:8-9, 11-12

8Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng, “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa… 11 Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay Chúa Giêsu cảnh báo riêng với các môn đệ về việc làm chứng cho Ngài giữa cuộc đời.  Nếu họ tuyên xưng Ngài trước mặt thiên hạ thì Ngài cũng tuyên xưng họ trước mặt Chúa Cha, nếu họ chối bỏ Ngài trước mặt thiên hạ thì Ngài cũng chối bỏ họ trước mặt Chúa Cha.  Tôi cảm thấy lời khuyến cáo này có áp dụng cho tôi?  Có khi nào tôi cũng cảm thấy hãnh diện hay xấu hổ vì thuộc về Chúa Kitô?  Điều gì khiến tôi tự hào hoặc xấu hổ về Chúa Kitô?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu về những khoảnh khắc ấy.  Có khi nào tôi nghĩ Chúa Kitô cũng tự hào hay xấu hổ về tôi? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên thật chậm một lần nữa và để ý những chữ, những câu đánh động tôi.  Tôi dừng lại ở chữ hoặc câu ấy và nói chuyện với Chúa như bạn với bạn về những cảm nhận rất ấn tượng ấy.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Sáng Danh, ước gì trong mọi việc tôi làm và mọi lời tôi nói trong ngày hôm nay sẽ góp phần vinh danh Thiên Chúa.    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, October 19, 2023

Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên – Năm A – 20-10-2023

Thu Sau XXVIII TN

Rô-ma 4:1-8

1Thưa anh em, phải nói sao về ông Áp-ra-ham, tổ phụ dân tộc chúng tôi?  Ông đã được gì? 2 Giả như ông Áp-ra-ham được nên công chính vì những việc ông đã làm, thì ông có lý do để hãnh diện, nhưng không phải là hãnh diện trước mặt Thiên Chúa. 3 Thật vậy, Kinh Thánh nói gì?  Ông Áp-ra-ham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính. 4 Người nào làm việc, thì lương trả cho người ấy không được kể là ân huệ, mà là nợ. 5 Trái lại người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính. 6 Đó là điều vua Đa-vít nói khi ca tụng hạnh phúc của người được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm: 7“Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! 8 Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!”

(Trích Thư Rô-ma, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Báo cáo 'trường đời' của tôi sẽ như thế nào?  “Cố gắng hết sức” luôn là một điều tốt.  Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không cần phải cố gắng chút nào?  Áp-ra-ham tin ở Thiên Chúa và mặc dù ông có một đời sống vâng phục Thiên Chúa, nhưng chỉ cần tin là đủ.  Cố gắng hết sức dường như không thành công.  Tôi đọc những lời này của Thánh Phao-lô như thế nào?  Chấp nhận tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa là điều mà Thánh Ignatius Loyola hướng tới.  Tôi có thể chấp nhận tình yêu và ân sủng của Chúa đến mức nào?

2.     Tôi đọc lại thật chậm bài đọc trên một lần nữa, đôi khi tôi có thể cần phải dừng lại một chút.  Chú ý đến những gì khuấy động trong tôi.  “Lạy Chúa, tôi tin.  Xin giúp đỡ sự vô tín của tôi” là lời cầu xin chân thành và tuyệt vọng của một người đã gặp được Chúa.  Tôi muốn dành thời gian còn lại của giờ cầu nguyện, xin Chúa giúp tôi biết chấp nhận món quà ân sủng và tình yêu của Ngài.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng lời nguyện của Thánh Inhaxio Loyola: Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.  Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện.  Amen.”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, October 18, 2023

Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên – Năm A – 19-10-2023 – Lễ Thánh John de Brébeuf và Isaac Jogues, Linh Mục, cùng Các Bạn Tử Đạo

Thu Nam XXVIII TN

Luca 11:47-54

47Khi ấy, Đức Giê-su nói với mấy nhà thông luật rằng: “Khốn cho các người!  Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! 48 Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng. 49 Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: ‘Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng – chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia.’ 50 Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, 51từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện.  Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu. 52 Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật!  Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.” 53 Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, 54gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Tôi có thể cảm thấy nóng trong người khi đọc bài đọc hôm nay.  Trước hết, Chúa Giêsu rất tức giận những nhà thông luật vì thói đạo đức giả của họ; sau đó, họ giận ghét Chúa Giêsu ra mặt.  Trong bài đọc hôm qua, Chúa Giêsu đã so sánh những người theo Người như chiên giữa bầy sói.  Ở đây tôi chứng kiến ​​Chúa Giêsu nói thẳng với ‘bọn sói’ đó, mà Ngài không một chút sợ hãi.  Tôi cảm thấy thế nào khi nghe Chúa nói một cách mạnh mẽ với những kẻ chống đối Ngài?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên và đặt mình vào bối cảnh đó để cảm nhận sự căng thẳng, cảm nhận sự xung đột trong bài đọc.  Tôi dành cả thời gian còn lại của giờ cầu nguyện để nói chuyện với Chúa như bạn với bạn.  Tôi có thể hỏi Ngài, xem Ngài sẽ phản ứng thế nào trước một cuộc xung đột mà tôi đang phải giải quyết vào lúc này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, October 17, 2023

Thứ Tư Tuần XXVIII Thường Niên – Năm A – 18-10-2023 – Lễ Thánh Luca, Thánh Sử

Thu Tu XXVIII TN

Luca 10:1-9

1Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.  Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi.  Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.  Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.  Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay cho tôi thấy một chỉ dẫn rõ ràng của Chúa Giêsu dành cho bảy mươi hai môn đệ, trước khi sai họ đi rao giảng, làm công việc dọn đường cho Ngài đến.  Chỉ dẫn này nghe không thoải mái và dễ dàng chút nào.  Những môn đệ này sẽ bị hại, vì họ như là chiên đi vào giữa bầy sói, mà lại không được mang theo gì cả, nhưng họ phải rao giảng sự bình an.  Tôi nghĩ Chúa Giêsu đã chọn những loại người nào?  Chúa Giêsu sai họ đi từng cặp.  Tôi có kinh nghiệm gì đồng hành cùng ai đó trên hành trình đức tin chưa?  Có cả niềm vui lẫn thử thách đúng không?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên và để ý đến từng chữ trong lời dặn dò của Chúa Giêsu.  Hãy đặt mình vào trong bối cảnh ấy.  Hãy xem bảy mươi hai môn đệ ấy đón nhận những chỉ dẫn của Chúa Giêsu như thế nào.  Tôi ở đâu trong số đó?  Ngài sẽ gởi tôi đi đến những nơi đâu sau giờ cầu nguyện này?  Hãy để cả phần giờ cầu nguyện còn lại nói chuyện với Chúa Giêsu như bạn với bạn.  Tôi có thể nói về những hướng dẫn tôi cần trên hành trình đức tin của tôi và để ý Chúa Giêsu sẽ nói gì.

Phạm Đức Hạnh, SJ