Thursday, December 17, 2020

Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng – Năm B – 18-12-2020

Thu Sau III MV

Mát-thêu 1:18-24

18Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se.  Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có thể làm tôi thắc mắc: Tại sao Thiên Chúa không chọn cách thức sinh ra bình thường như mọi người là, chờ Đức Mẹ lập gia đình với Giuse hẳn hoi, rồi Đức Mẹ mang thai bởi quyền năng của Chúa Thánh thần, như vậy có phải đơn giản hơn không?  Đằng này, Đức Mẹ mang thai Chúa bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, trước khi Mẹ về chung sống với Thánh Giuse, như vậy làm cho vấn đề thật khó hiểu và phức tạp, đồng thời đặt Giuse vào tình trạng khó nghĩ và Đức Mẹ vào thế đầy nguy hiểm.  Bởi vì Mẹ có thể bị gia đình, hàng xóm chối bỏ và bị ném đá đến chết!  Băn khoăn của tôi có thể đúng, nhưng đó là những suy nghĩ của con người.  Làm sao tôi có thể hiểu được đường lối của Thiên Chúa, bởi như Isaia đã từng nói: “Tư tưởng của Ta [Thiên Chúa] không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55:8)!  Tôi nghĩ Thiên Chúa muốn nói gì với con người qua cách thức nhập thể này?  Tôi nghĩ Chúa muốn tỏ bày cho tôi những gì về Ngài qua cách thức nhập thể này?  Tôi chỉ có thể hiểu được phần nào cách thức nhập thể này bằng cách nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa ngay trong giờ cầu nguyện này.    

2.      Mà hình như Thiên Chúa của tôi là Thiên Chúa của những ngạc nhiên thì phải!  Những chuyện lạ rất thường xảy đến trong những lúc con người rơi vào thế bí, vào thế hiểm nguy, tưởng chừng không có giải pháp nào nữa, tưởng chừng có thể chết được.  Mà cuộc đời này lại đầy dẫy những ngạc nhiên một cách lạ lùng, khó hiểu.  Giống như Martin Luther đã từng ngạc nhiên nói: “Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng từ một cây cong.”  Tôi cũng có thể thấy những chuyện lạ đầy ngạc nhiên, xuất hiện hầu như trên từng trang Kinh Thánh.  Tôi có thấy những chuyện lạ đã xuất hiện trong chính cuộc đời của tôi, từ bé cho đến bây giờ, không?  Tôi có thấy những chuyện rất lạ xuất hiện trong gia đình và cuộc đời quanh tôi bao giờ chưa?  Tôi lý giải những chuyện lạ ấy như thế nào?  Tôi muốn nhìn lại mọi góc cạnh của cuộc sống của tôi và để ý, đâu là những chuyện lạ đã xảy đến trong cuộc đời của tôi, có phải chúng là những can thiệp nhãn tiền của Thiên Chúa trong cuộc đời của tôi không?  Chúa muốn nói gì với tôi qua những chuyện lạ lùng ấy?  Mát-thêu kết thúc bài đọc hôm nay bằng câu: “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’”.  Sau khi nhìn lại những chuyện lạ đã xảy đến trong cuộc đời của tôi, tôi có thể nói với cả thế giới rằng: Thiên Chúa luôn ở cùng tôi?

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment