Công Vụ Tông Đồ 6:8-10, 7:54-60
6/8Thời đó, ông Tê-pha-nô
được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong
dân. 9 Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của
nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số
người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô. 10 Nhưng
họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.
7/54Khi nghe những lời ông
nói, họ giận điên lên, và nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô. 55 Được
đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy
Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. 56 Ông nói: “Kìa, tôi
thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” 57 Họ
liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông 58 rồi
lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân
chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. 59 Họ
ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy
hồn con.” 60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy
Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế
rồi, ông an nghỉ.
(Trích Công vụ Tông đồ, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ
từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)
Gợi ý cầu nguyện
1. Hôm
qua Giáo hội mới mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, một ngày lễ đầy vui mừng, hy vọng, yêu
thương và rất tráng lệ. Hôm nay, Giáo hội
lại mừng lễ Thánh Tê-pha-nô tử đạo! Hai
bức tranh đối lập nhau quá lớn giữa sống và chết, giữa vui mừng và đau khổ. Như vậy, Giáo hội đã muốn nhắc nhở tôi con đường
theo Chúa, không phải ngày nào cũng là ngày Giáng Sinh với ca hát và quà cáp
tưng bừng, nhưng sẽ có những ngày sợ không còn máu mặt, đau khổ, trốn chui trốn
nhủi, bị đánh đập và bị giết. Tôi cảm thấy
nào về con đường theo Chúa? Tôi chuẩn bị
và sẵn sàng theo Chúa như thế nào trong năm nay? Tôi cần Chúa giúp gì trong hành trình theo
Ngài?
2.
Ba cuộc tử đạo nổi bật nhất trong Tân Ước,
đó là: cuộc tử đạo của Thánh Gioan Tẩy Giả, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và cuộc
tử đạo của Thánh Tê-pha-nô. So sánh ba
cuộc tử đạo này tôi thấy, có một mốc điểm rõ ràng giữa Do-thái giáo và Kitô
giáo. Thánh Gioan Tẩy Giả là giao điểm
giữa Cựu Ước và Tân Ước. Kể từ Thánh
Gioan trở về Cựu Ước đã có rất nhiều những cuộc cấm và bách hại đạo, nhưng phải
từ sau Thánh Gioan tôi mới thấy có sự khác biệt nơi các vị tử đạo. Trong tường thuật về cuộc tử đạo của Thánh Gioan
không thấy có sự tha thứ, nhưng kể từ khi Chúa Giêsu bị tử hình trên thánh giá,
sự tha thứ đã xuất hiện. Từ trên thánh giá
trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu đã cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ
cho những người đã giết Ngài. Kể từ đó, Thánh
Tê-pha-nô cũng đã cầu nguyện cho những người giết ngài, trước khi ngài chết. Rồi, biết bao nhiêu Kitô hữu khác đã bị giết
hại, các ngài cũng đã dám cầu nguyện xin ơn tha thứ cho những người đã giết các
ngài. Họ đã theo sát những gì Chúa Giêsu
đã dạy: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ các con (Mt 5:43-44). Tôi có thể sống lời dạy tha thứ của Chúa Giêsu
như Thánh Tê-pha-nô đã sống qua không?
Tôi có đang gặp khó khăn với một ai, và cảm thấy rất khó thương họ
không? Trong giây phút này, tôi muốn quỳ
xuống và cầu nguyện cho người ấy. Tôi
cũng xin Chúa chữa lành những vết thương do người ấy gây nên, và xin ơn can đảm
để dám yêu người. Tôi kết thúc giờ cầu
nguyện hôm nay bằng bài hát, “Mây Ơi Mưa
Xuống,” của Nguyễn Duy, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=8rAv7wX6aJw
Phạm Đức Hạnh, SJ
0 comments:
Post a Comment