Thursday, September 30, 2021

Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên – Năm B –1-10-2021 – Lễ Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu, Tiến sĩ Hội Thánh

Thu Sau XXVI TN 

Mát-thêu 18:1-5

1Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. 5 Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nêu rõ hai thang giá trị sống: trần thế và Nước Trời.  Các môn đệ đã mang thang giá trị trần thế, nơi đó luôn có cạnh tranh trên-dưới, mạnh-yếu, trước-sau, và tưởng rằng thang giá trị ấy cũng là cách vận hành trong Nước Trời.  Chúa Giêsu cho các ông thấy thang giá trị trần thế không thể có trong Nước Trời.  Thang giá trị Nước Trời đó chính là sự yêu thương, lòng khiêm hạ và tinh thần phục vụ lẫn nhau.  Thật tuyệt vời khi tôi đã có Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần mang mô hình và thang giá trị của trời cao đặt vào giữa lòng thế giới này.  Thiên Chúa đã trở nên yếu đuối, khiêm hạ, nhỏ bé, phục vụ quên mình và phục vụ cho đến chết, chết trên thập giá.  Thang giá trị Nước Trời ấy đã hiện hữu trong trần thế này, để ở đâu có yêu thương, khiêm nhường và phục vụ lẫn nhau, ở đó là Nước Trời, ở đó là thiên đàng.  Tôi có kinh nghiệm này bao giờ chưa?  Tôi đã gặp được đức hy sinh, tình yêu vô vị lợi và tấm lòng khiêm nhường của ai đó trong gia đình tôi, cộng đoàn xứ đạo tôi chưa?  Có khi nào tôi cũng đã áp dụng thang giá trị Nước Trời vào gia đình và cộng đoàn tôi?  Nó đã gây sức biến đổi và tạo những sức sống ra sao?  Tôi muốn ở bên Chúa Giêsu là thầy dạy, là mẫu gương về thang giá trị Nước Trời và để được sai đi chia sẻ thang giá trị này ở mọi nơi và mọi lúc tôi hiện diện.

2.      Trở nên khiêm nhường, nhỏ bé, âm thầm là một lời mời gọi không dễ thực hiện.  Bởi, khuynh hướng tự nhiên của tôi là muốn được hơn người, muốn được mọi người biết đến, muốn được khen.  Cuộc đời chẳng dạy cho tôi như vậy là gì?  Lời mời gọi này có là thách đố lớn đối với tôi không?  Tôi đang có khó khăn nào về vấn đề này?  Tôi có thể ngắm nhìn thập giá, ôm lấy thập giá trong giờ cầu nguyện này để thấy được sự khiêm hạ của Thiên Chúa như thế nào và để thấy tôi được mời gọi sống đức khiêm nhường ra sao ngay trong gia đình, sở làm và xứ đạo của tôi hôm nay.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

  

Wednesday, September 29, 2021

Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên – Năm B –30-9-2021 – Lễ Thánh Giê-rô-ni-mô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh

Thu Nam XXVI TN 

Luca 10:1-12

1Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.  Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi.  Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.  Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.  Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’ 10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: 11 ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông.  Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.’ 12 Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một bài đọc rất hay, nhưng lại vẫn thường được dùng trong những buổi cổ võ ơn gọi tu trì!  Điều này không sai, nhưng có thể dễ dẫn đến ba thiếu sót nơi người nghe: Thứ nhất, tôi có thể cảm thấy lời Chúa trong bài đọc hôm nay chỉ dành cho những người đang phân định không biết có nên đi tu hay không, mà không ý thức rằng, lời Chúa cũng đang nói riêng cho tôi lúc này, dù tôi là ai đi nữa: Độc thân, lập gia đình hay đang sống đời tu.  Thứ hai, tôi có thể cảm thấy việc rao giảng Tin Mừng là cho những nơi xa xăm, cho những người chưa biết Chúa, nhưng không nhận biết rằng, Tin Mừng luôn phải được rao giảng lại mãi cho tôi, cho gia đình và xứ đạo của tôi, dù đã là người Công giáo bao nhiêu năm.  Thứ ba, tôi có thể cảm thấy việc rao giảng Tin Mừng là việc của các nhà tu, chứ không phải là công việc của tôi, một giáo dân.  Nên nhớ, Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi rao giảng Tin Mừng trong bài đọc hôm nay, đây chỉ là con số biểu tượng để nói về rất nhiều người, nếu không nói là Chúa Giêsu sai tất cả mọi người đi rao giảng Tin Mừng, trong đó có tôi.  Bởi, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi loan tin bình an, chứ không sai đi làm các bí tích.  Mà, bình an thì ở đâu và thời đại nào cũng thiếu vắng.  Thời nào cũng thiếu những thợ mang bình an cho thế giới, tôi có thể là một thợ mang bình an đến cho gia đình, công sở, giáo xứ và quê hương đất nước của tôi trong ngày hôm nay chăng?  Chúa đang nói và nhờ riêng tôi đó, tôi nghe thấy không và tôi nhận lời mời của Ngài không?  Cuộc đời này thật thiếu bình an, tôi muốn trở thành sự bình an, trước khi tôi rao giảng sự bình an.  Cuộc đời này luôn thiếu bình an, tôi muốn rao giảng sự bình an bằng chính cuộc sống và hành động của tôi, chứ không chỉ bằng lời nói. 

2.      Hôm nay là Lễ Thánh Giê-rô-ni-mô, một vị thánh lớn trong Giáo hội.  Nhờ ngài mà Giáo hội có được sự yêu mến lời Chúa một cách rộng rãi, vì ngài đã có công dịch Kinh Thánh và chú giải Kinh Thánh.  Ngài đã nói: “Người nào không biết Kinh Thánh thì không biết Chúa Kitô.”  Tôi đã mang danh Kitô hữu, tức có Chúa Kitô trong tâm hồn, tôi có biết Kinh Thánh chưa?  Nếu chưa, tôi suy nghĩ lại tước hiệu Kitô hữu của tôi.  Nếu tôi biết Kinh Thánh, tôi đã rao giảng Tin Mừng như Chúa Giêsu sai tôi đi hôm nay không?  Nếu chưa, tôi muốn đọc lại những lời dặn dò của Chúa Giêsu và quyết tâm lên đường rao tin bình an ngay trong ngày hôm nay, ở mọi nơi tôi hiện diện.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Lời Kinh Hòa Bình,” do Kim Long sáng tác từ lời kinh của Thánh Phan-xi-cô Assisi, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=qyV9WG8qzC0

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, September 28, 2021

Thứ Tư Tuần XXVI Thường Niên – Năm B –29-9-2021 – Lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en, Ra-pha-en

Thu Tu XXVI TN

Gioan 1:47-51

47 Khi ấy, Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en.  Trong tiếng Anh, chữ “angel” (thiên thần) có nguồn gốc từ tiếng Hy-lạp là “angelos”, nghĩa là sứ giả.  Điều này Giáo hội Công giáo cũng dạy: “Các Thiên thần, tự bản thể, là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa” (GLCG #329).  Ý niệm và niềm tin về sự hiện hữu của các thiên thần phát triển dần theo thời gian.  Chẳng hạn, trong toàn bộ Kinh Thánh có đến 283 lần nhắc đến các thiên thần; trong đó, 107 lần trong Cựu Ước và 176 lần trong Tân Ước.  Niềm tin vào sự hiện hữu của các thiên thần phát triển mạnh hơn khi Kitôgiáo hình thành và được đưa vào trong giáo lý như một chân lý: “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh thường gọi là các Thiên thần, là một chân lý đức tin” (GLCG #328).  Trong số các thiên thần, Giáo hội cũng tin có các tổng lãnh thiên thần như Mi-ca-en, Gáp-ri-en và Ra-pha-en, mà Giáo hội mừng kính hôm nay.  Tôi có thể thấy các tổng lãnh thiên thần được nhắc đến trong Kinh Thánh, như: Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-en trong Thư Giu-đa 1:9.  Ngài thường được diễn tả như một tướng lãnh có cánh, tay phải cầm đòng đang đâm vào con rồng, tức tướng quỷ Lu-ci-fer, tay trái cầm cành thiên tuế.  Trên đầu của cây đòng là giải băng-rôn với dòng chữ: “Ai Bằng Thiên Chúa?”; Tổng lãnh Thiên thần Gáp-ri-en, tiếng Do-thái có nghĩa là “Sứ Giả của Thiên Chúa”, được nhắc đến trong Phúc âm Luca 1:26-38.  Ngài thường được diễn tả như là một thiên thần, tay phải cầm đèn cháy sáng và tay trái cầm tấm gương mầu xanh lam, nói lên sự nhiệm mầu của Thiên Chúa; Tổng lãnh Thiên thần Ra-pha-en, nghĩa là “Thầy Thuốc của Thiên Chúa,” như tôi có thể thấy trong Sách Tô-bi-a 3:17 và 12:15.  Ngài thường được diễn tả như thiên thần, tay phải cầm con cá (dầu của nó đã được Tô-bi-a con dùng để chữa mắt cho Tô-bi-a cha), và tay trái cầm bình bạch ngọc đựng linh dược của các y sĩ vùng Lưỡng Hà Địa.  Bổn phận của các tổng lãnh thiên thần là bảo vệ, chữa lành và loan tin vui của Thiên Chúa.  Hôm nay trong ngày lễ kính các ngài, tôi có thể dành giây phút này nói chuyện với các ngài chăng?  Dù chẳng hiểu về các ngài lắm, tôi có thể xin các ngài giúp tôi hiểu về các ngài chăng?  Có điều gì tôi muốn xin các ngài chữa lành không?  Có thể, tôi xin các ngài giữ gìn tôi, cũng như những người thân của tôi, được bình an trong ngày hôm nay, và đặc biệt, không bao giờ đánh mất Chúa?

2.      Bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc đến các thiên thần: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”  Câu nói này gợi cho tôi nhớ đến giấc mơ của Gia-cóp; trong đó, ông mơ thấy có một chiếc cầu thang bắc từ dưới đất lên tới trời và có rất nhiều thiên thần lên lên xuống xuống trên cầu thang ấy.  Điều này cho tôi thấy, qua câu nói này, Chúa Giêsu đã như ví Ngài như là chiếc cầu thang để Thiên Chúa có thể đi xuống với con người và con người có thể lên với Thiên Chúa.  Tôi muốn đến với Chúa Giêsu trong lúc này và để qua Ngài tôi được gặp Chúa Cha, hoặc tôi muốn đến với Chúa Giêsu để biết rằng Chúa Cha đã đang ở đó chờ đợi tôi.  Tôi sẽ nói gì cùng Chúa Giêsu trong lúc này?  Tôi sẽ nói gì cùng Chúa Cha khi tôi đến với Chúa Giêsu?  Tôi để ý và lắng nghe.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, September 27, 2021

Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên – Năm B –28-9-2021

Thu Ba XXVI TN 

Luca 9:51-56

51Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 52 Người sai mấy sứ giả đi trước.  Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. 54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” 55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. 56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật thú vị.  Chỉ trong năm câu ngắn gọn, Thánh Luca đã cho tôi thấy những gì là rất người trong Gia-cô-bê và Gioan, đó là: tính hiếu chiến; nghe cứ như thể, hai môn đệ này là những người khủng bố quá khích Hồi giáo mà cả thế giới đâu đâu cũng nói tới, cũng sợ.  Vì muốn bảo vệ danh thơm tiếng tốt cho Chúa Giêsu, các ông đã muốn xin lửa từ trời xuống tiêu diện những người đã không đón tiếp Ngài.  Có khi nào tôi đã có thái độ, lối nghĩ và cầu nguyện như Gia-cô-bê và Gioan, trước những điều chướng tai gai mắt đối với tôi?  Chẳng hạn: một người nào đó ngủ gục trong nhà thờ hoặc trong lúc cầu nguyện, hoặc không bái gối, hoặc tỏ vẻ thiếu tôn kính mỗi khi bước vào nhà thờ, hoặc rước lễ bằng tay còn tôi rước lễ bằng lưỡi…?  Tôi nghĩ Chúa Giêsu có ủng hộ và hài lòng về thái độ, cách nghĩ và những lời cầu nguyện đầy tiêu cực và quá khích của tôi những lúc ấy; hoặc mạnh hơn nữa, khi người nào đó có những hành động như xúc phạm đến niềm tin và nhà thờ của tôi, chỉ vì họ thiếu hiểu biết?  Tôi tỏ bày thái độ này với Chúa và để ý những phản ứng của Chúa đối với tôi.

2.      Dù cho dân thành Samari đã không đón tiếp Chúa Giêsu, các môn đệ muốn Chúa tiêu diệt họ; tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không ủng hộ suy nghỉ của các môn đệ.  Thêm vào đó, Chúa Giêsu còn mắng các ông.  Tại sao Chúa lại mắng họ?  Có khi nào tôi đã bị Chúa mắng chưa?  Tôi cảm thấy thế nào những lúc bị Chúa mắng?  Kinh nghiệm ấy đã mở mắt tôi như thế nào về Thiên Chúa, một Thiên Chúa của lòng nhân, luôn bao dung, thứ tha và chậm ghét hờn?  Tôi ngồi bên Chúa để tâm sự và để hiểu Ngài hơn.     

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, September 26, 2021

Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên – Năm B –27-9-2021 – Lễ Thánh Vincent de Paul

 Thu Hai XXVI TN

Luca 9:46-50

46Một câu hỏi chợt đến với các ông: Trong các ông, ai là người lớn nhất? 47 Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình 48và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.  Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”

49Ông Gio-an lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ.  Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.” 50 Đức Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta.  Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật thú vị.  Bởi những lời dạy của Chúa có thể làm cho tâm hồn tôi trở nên siêu thoát, nhẹ như bông.  Trước hết, tôi có thể hình dung cảnh tranh luận và hiềm khích giữa các môn đệ, xem ai sẽ là người quan trọng nhất, một thói nghĩ rất người.  Chúa Giêsu chỉ cho họ cách nghĩ của Thiên Chúa: Ai muốn làm lớn nhất hãy là người nhỏ nhất trong mọi người.  Đây là đường lối của Thiên Chúa, và Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại điều này nhiều lần và ở nhiều chỗ trong các phúc âm, như: người trước nhất sẽ lên sau nhất, người sau hết sẽ lên trước nhất; người lớn nhất phải là người phục vụ những người nhỏ nhất…, nhưng dường như không có mấy người hiểu và chấp nhận.  Bởi đây là đường hẹp nên chẳng mấy người muốn đi trên đó.  Sự tranh luận địa vị lớn nhỏ, quan trọng hay ít quan trọng có đang là vấn đề trong tôi?  Có khi nào tôi phục vụ, và vì không ai cám ơn hay kể công tôi, tôi bực bội, giận dỗi và không còn đến với cộng đoàn nữa?  Có khi nào tôi khoác trên tôi chiếc áo dòng, gắn trên mình những huy chương, huy hiệu, nhãn tên, chức tước để được ưu đãi hơn người khác, được mâm cao cỗ đầy, được ngồi những chỗ nhất, hoặc không phải xếp hàng như mọi người?  Tôi để ý câu nói của Chúa Giêsu, có đang nói cho chính tôi?  Tôi muốn nói gì với Chúa về những lần tôi có thái độ lạm quyền ấy?  Nếu tôi luôn ý thức sống lời Chúa dạy hôm nay, cuộc đời tôi quả sẽ nhẹ như bông.

2.      Thứ đến, phần hai của bài đọc hôm nay mô tả về nỗi bức xúc của Gioan khi thấy những người khác nhân danh thầy của ông mà trừ quỷ.  Tưởng chừng, Chúa Giêsu sẽ ủng hộ suy nghĩ của Gioan, nhưng Ngài lại có suy nghĩ hoàn toàn trái ngược với ông.  Câu nói của Chúa Giêsu đã coi vấn đề mà đang nặng trĩu trong lòng các môn đệ, nhẹ như bông.  Tôi muốn lấy những bức xúc, hoặc sự ghen tức của Gioan mà suy ngẫm trong giờ cầu nguyện này.  Có khi nào tôi cũng bức xúc, ghen tức với những người khác trong cộng đoàn, trong giáo xứ?  Cũng là những ca đoàn phụng sự Chúa qua tiếng hát, ấy vậy mà tôi ghen tức với ca đoàn kia chỉ vì họ hát hay hơn ca đoàn của tôi?  Cũng là những đoàn thể cùng phục vụ giáo xứ và phụng sự Thiên Chúa, ấy vậy mà tôi chỉ thấy đoàn thể của tôi là quan trọng, đáng được hưởng những ưu đãi và sự quan tâm của cha xứ hơn các đoàn thể khác?  Tôi có đang bị vướng trong tình trạng ghen tức giữa các thành phần giáo xứ và cộng đồng?  Nếu có, và nếu tôi có thể nói, sống được điều Chúa Giêsu trả lời cho Gioan, quả thực tôi rất siêu thoát và tâm hồn tôi sẽ nhẹ như bông.  Tôi xin Chúa giúp tôi có được cái nhìn bao dung như Chúa dạy.       

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, September 25, 2021

Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên – Năm B –26-9-2021

CN XXVI TN

Mác-cô 9:42-48

[Khi ấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng]: 42“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. 45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. 47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, 48nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay có nhiều điểm có thể giúp tôi cầu nguyện một cách sống động và có chiều sâu.  Trước hết, Chúa Gieus nói: Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”  Tôi có thể lấy câu này để suy niệm trong giờ cầu nguyện này.  Qua câu nói này, dường như Chúa Giêsu cho tôi thấy Ngài luôn đứng về phía của những người đơn sơ, bé nhỏ và yếu đuối.  Ngài yêu thương và quý trọng họ; đồng thời, Ngài cũng rất nghiêm minh đối với những ai hãm hại họ, lợi dụng lòng tốt và sự đơn sơ của họ.  Tôi có bao giờ lợi dụng những con người nhỏ bé, có tính đơn sơ, tâm hồn khiêm hạ, đầy tin tưởng ở tôi?  Có thể, tôi không chỉ lợi dụng, mà còn lường gạt và hãm hại họ?  Tôi thấy Chúa có vui về tôi không?  Tôi nói gì với Chúa trong lúc này?  Có thể tôi là một trong những con người đơn sơ, nhỏ bé ấy và là nạn nhân của những người khác.  Tôi muốn xin được Chúa chữa lành chăng?  Tôi tin tưởng, mở lòng và cho phép Chúa đụng chạm đến tâm hồn tôi để tôi được chữa lành.  Tôi cũng nhớ đến những nạn nhân của những vụ bạo hành trong gia đình và những trẻ em bị lạm dụng tình dục trong Giáo hội, trong gia đình và môi trường sống quanh tôi.  Tôi cầu nguyện cho sự chữa lành và thế giới được chấm dứt những tình trạng hãm hại đối với những tâm hồn rất đơn sơ bé bỏng.

2.      Kế đến, tôi không thể hiểu theo nghĩa đen những gì Chúa nói trong bài đọc hôm nay.  Bởi, tôi là một con người bất toàn; vì thế, tôi sẽ tiếp tục phạm tội cho đến hơi thở cuối cùng.  Đây là một sự thật!  Như vậy, những gì Chúa Giêsu nói trong bài đọc hôm nay, Ngài không có ý đòi buộc tôi phải móc mắt, cắt tay, chặt chân mỗi khi tôi phạm tội.  Tôi cần ngẫm suy xem, những gì Chúa Giêsu dạy mang một nghĩa như thế nào?  Mắt mũi, chân tay là những cơ phận quan trọng trong một thân thể con người, không có gì có thể quý trọng hơn khiến tôi dám hy sinh chúng.  Ấy vậy, Chúa Giêsu nói móc mắt, cắt chân, chặt tay, Ngài thật sự muốn nói: vì Nước Thiên Chúa mà tôi cần phải đánh đổi tất cả những gì quý giá nhất trong cuộc đời này, quý như mắt mũi tay chân vậy.  Có điều gì mà tôi yêu quý, quyến luyến, bám víu đến mức trở thành những chướng ngại vật cho tôi vào Nước Thiên Chúa không?  Thậm chí, tôi coi chúng quan trọng hơn cả Nước Thiên Chúa?  Tôi muốn xin cho được can đảm dứt bỏ, làm những chọn lựa đúng và quan trọng nhất cho sự sống đời đời của tôi. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, September 24, 2021

Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên – Năm B –25-9-2021

Luca 9:43b-45

Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ: 44“Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa.  Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Có thể tôi cũng bỡ ngỡ không khác gì các môn đệ khi đọc bài đọc hôm nay, bởi câu: “Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm.”  Các môn đệ bỡ ngỡ những việc làm nào của Chúa Giêsu?  Trong bài đọc hôm qua, đó là lần đầu Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài.  Sau lần tiên báo khổ nạn ấy, Luca dành cả một không gian lớn để mô tả về cảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi; sau đó, Ngài chữa một em bé bị quỷ ám, mà các môn đệ đã không chữa được.  Họ đã bỡ ngỡ về những điều đó.  Đang lúc bỡ ngỡ ấy, Chúa Giêsu lại tiên báo với các môn đệ lần thứ hai về cuộc khổ nạn của Ngài, và dặn: “Hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”  Bài đọc hôm nay rất ngắn, nhưng cũng rất tốt để giúp tôi tiếp cận với Thiên Chúa, ít là qua hai cách cầu nguyện: Chiêm niệm và suy niệm.  Thứ nhất, theo Thánh I-nha-xi-ô Loyola, chiêm niệm là hình dung, là đặt mình vào bối cảnh của đoạn Tin Mừng để tôi được gặp Chúa.  Tôi có thể hình dung, tôi cũng đang ở trong nhóm các môn đệ lúc ấy.  Họ đang ngơ ngơ ngác ngác, chưa hoàn hồn về tất cả những gì họ vừa chứng kiến từ Chúa Giêsu.  Tôi cũng thế.  Giữa lúc đang ngơ ngáo, bỡ ngỡ như vậy, Chúa Giêsu tiên báo lần thứ hai về cuộc thương khó của Ngài, và dặn họ phải nghe cho kỹ.  Tôi cũng có mặt ở đó, tôi có nghe kỹ không?  Tôi có hiểu Chúa Giêsu đang nói gì không?  Tôi có nhớ những gì Chúa Giêsu nói không?  Nếu không nghe thấy, trong lúc này, tôi muốn Ngài lập lại không?  Nếu không hiểu Chúa Giêsu nói, trong lúc này, tôi muốn Ngài giải thích không?  Nếu không nhớ những điều Chúa Giêsu nói, trong lúc này, tôi muốn Ngài nhắc nhớ tôi không?  Tôi để ý và chờ đợi tiếng nói của Chúa Giêsu.  Đồng thời, tôi phản ứng như thế nào về những gì Chúa Giêsu nói với tôi và cách thức Ngài tiếp xúc với tôi.   

2.      Thứ hai, suy niệm là lấy những lời Chúa Giêsu nói và suy đi ngẫm lại; tựa như bò nhai cỏ, nhai cho đến khi tất cả miếng cỏ ấy trở thành dinh dưỡng nuôi sống con bò.  Tôi cũng lấy câu nói của Chúa Giêsu trong bài đọc hôm nay, nhai đi nhai lại cho đến khi lời của Ngài trở nên sống động trong tôi, trở thành nguồn sống, sức mạnh trong cả ngày sống và trong cả cuộc đời của tôi.  Chúa Giêsu nói: “Hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”  Miệng tôi đọc đi nhẩm lại và lòng tôi suy cho thấu: Nếu Con Người, tức là Chúa Giêsu, mà bị nộp vào tay người đời, các môn đệ và tôi cũng không thoát!  Tất cả phải nhớ điều này.  Chúa Giêsu không cho các môn đệ ăn bánh vẽ.  Ngài cảnh báo những bắt bớ và thử thách sẽ xảy đến cho tất cả những ai muốn theo Ngài.  Tôi còn nhớ hay tôi đã quên, để rồi trong những thử thách tôi thường oán trách Chúa?  Tôi còn nhớ hay tôi đã quên, để rồi trong mọi lời cầu nguyện của tôi chỉ xin cho cuộc đời khi nào cũng là mầu hồng, nhưng không xin cho được trở nên giống Chúa Giêsu, cho được ở với Ngài trong mọi thử thách, được thấy Ngài cũng đang gánh vác thử thách chung với tôi, và đặc biệt xin cho được làm theo thánh ý Chúa trong mọi lúc?  Tôi có sợ những gì Chúa Giêsu nói không?  Tôi muốn Chúa nâng đỡ tôi như thế nào trong lúc này?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, September 23, 2021

Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên – Năm B –24-9-2021

Thu Sau XXV TN

Luca 9:18-22

18Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình.  Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” 19 Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” 20 Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”  Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai. 22 Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trình thuật quen thuộc mà tôi có thể thấy ở trong cả ba Phúc âm: Mát-thêu (16:13-20), Mác-cô (8:27-30) và Luca (9:18-22).  Tuy nhiên, mỗi thánh sử lại có cách trình thuật khác nhau.  Chẳng hạn, Mác-cô và Mát-thêu đều nêu rõ địa danh, Xê-da-rê Phi-líp-phê, nơi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ về Ngài; trong khi đó, Luca lại để ý đến địa điểm của câu chuyện xảy ra, đó là khi Chúa Giêsu cầu nguyện và các môn đệ cũng có mặt ở đó, và đây là nét đặc biệt của Phúc âm Luca!  Người ta nói rằng, Phúc âm Luca là Phúc âm của Cầu nguyện.  Bởi vì không có một sách nào trong Kinh Thánh nói nhiều đến cầu nguyện cho bằng Phúc âm Luca.  Cũng ở Phúc âm Luca, tôi có thể thấy Chúa Giêsu cầu nguyện rất nhiều: sáng sớm Ngài đi ra một nơi thanh vắng để cầu nguyện; chiều tối Ngài lên trên núi cầu nguyện một mình; trước khi làm một điều gì, Ngài cầu nguyện; sau khi làm một điều gì, Ngài cầu nguyện…  Đặc biệt, chỉ trong Phúc âm Luca tôi mới thấy Chúa Giêsu cầu nguyện cả trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).  Như vậy, ngay ở câu mở đầu của bài đọc hôm nay, Luca đã cho tôi một hình ảnh thật trìu mến và đẹp về Chúa Giêsu, đó là: Chúa Giêsu Cầu Nguyện.  Trong giây phút cầu nguyện này, tôi có cảm thấy vui không, vì tôi đang làm một điều mà Chúa Giêsu cũng rất ưa làm; thậm chí, Ngài đặt cầu nguyện như là ưu tiên hàng đầu trong mọi sinh hoạt hằng ngày của Ngài?  Tôi có nhận thấy Chúa Giêsu đang ngóng chờ tôi đến trong giờ cầu nguyện này không, để Ngài được gặp tôi một cách thân tình?  Tôi đang có những khó khăn hay niềm vui gì lúc này, tôi có thể kể cho Ngài nghe được không?  Có thể tôi đang gặp khó khăn trong cầu nguyện, hãy nói với Ngài, bởi Ngài đang hiện diện rất gần gũi và sâu kín trong tôi, hơn cả tôi tưởng. 

2.      Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, như bạn với bạn, như tôi thấy Luca mô tả trong bài đọc hôm nay.  Chúa Giêsu cầu nguyện, các môn đệ cũng ở đó với Ngài, và Ngài hỏi các môn đệ, nghe họ trả lời, rồi đối đáp lại với họ.  Có thể Chúa Giêsu cũng hỏi tôi những câu hỏi mà Ngài đã hỏi các môn đệ.  Tôi trả lời như thế nào với Ngài?  Hãy để ý mỗi một cách hỏi, Chúa Giêsu đã dẫn các môn đệ đến một sự nhận biết sâu hơn về Ngài.  Thông thường, có ít nhất là ba cách nhận biết về một con người và mỗi cách nhận biết sẽ cho tôi độ chính xác khác nhau về người ấy.  Chẳng hạn như, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: 1) Người ta bảo Thầy là ai? (Câu trả lời cho câu hỏi này có thể không chính xác lắm); nên Ngài hỏi tiếp: 2) Còn các con, các con bảo Thầy là ai? (Câu trả lời cho câu hỏi này chính xác hơn câu trả lời thứ nhất, nhưng vẫn chưa phải là chính xác nhất); phải đến lúc, 3) chính Chúa Giêsu bộc bạch về Ngài cho các ông và tỏ cho họ Ngài có ước mơ gì (Cách này chính xác nhất).  Tôi đã biết Chúa Giêsu ở cách nào hay mức độ nào?  Tôi muốn biết Chúa Giêsu ở mức độ thâm sâu và chính xác nhất không?  Trong lúc này, tôi có thể xin Ngài bộc bạch chính Ngài cho tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ       

Wednesday, September 22, 2021

Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên – Năm B –23-9-2021 – Lễ Thánh Pius of Pietrelcina

Thu Nam XXV TN

Luca 9:7-9

7Khi ấy, tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm.  Thật vậy, có kẻ nói: “Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy.” 8 Kẻ khác nói: “Ông Ê-li-a xuất hiện đấy!”  Kẻ khác nữa lại nói: “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại.” 9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi!  Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”  Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay thật ngắn nhưng cũng rất hấp dẫn và đáng cho tôi suy niệm.  Thánh Luca viết, Vua Hê-rô-đê phân vân về Chúa Giêsu; bởi có người nói Chúa Giêsu là người này, có người nói Chúa Giêsu là người khác.  Thực sự, ông muốn biết Chúa Giêsu là ai.  Giả sử Hê-rô-đê, hoặc bất cứ người nào hỏi tôi: Chúa Giêsu mà tôi tin thờ bao lâu nay, Ngài là ai?  Tôi sẽ trả lời họ như thế nào?  Dĩ nhiên, tôi không thể trả lời theo sách vở, theo giáo lý, theo Kinh Thánh, hoặc theo cách giải thích của bất cứ ai mà tôi đã nghe, nhưng tôi phải trả lời bằng chính kinh nghiệm riêng tư mà tôi có, đầy xác tín về Chúa Giêsu.  Biết đâu Chúa Giêsu cũng muốn nghe tôi trả lời câu hỏi này ngay trong giờ cầu nguyện này?!  Tôi muốn dành giây phút này để trả lời cho Chúa, câu hỏi mà Hê-rô-đê đã băn khoăn.  Nếu tôi không thể trả lời câu hỏi này, tại sao?  Tôi tự xưng là Kitô hữu, là Công giáo bao nhiêu năm rồi, tôi không biết Chúa Giêsu sao?  Nếu tôi biết Chúa Giêsu, vậy tôi biết Ngài ở mức độ nào: thân tình, khắng khít, sợ hãi, đại khái, xa xa, hay qua đường?  Nếu tôi đã nỗ lực tìm kiếm Chúa Giêsu là ai, nhưng tôi vẫn không biết Ngài, trong giây phút này, tôi muốn xin Chúa Giêsu tỏ cho tôi thấy và biết Ngài chăng? 

2.      Hê-rô-đê phân vân không biết Chúa Giêsu là ai và ông muốn tìm cách gặp Ngài.  Tôi có biết Chúa Giêsu là ai không và tôi khao khát tìm gặp Ngài như thế nào?  Tôi có thể xin Chúa Giêsu khơi gợi trong tôi lòng khát khao muốn tìm gặp Ngài, để hiểu Ngài hơn và yêu mến Ngài hơn.  Bởi “vô tri bất mộ,” không biết thì không yêu!

Phạm Đức Hạnh, SJ