Tuesday, December 31, 2019

Thứ Tư - Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A – 1-1-2020 – Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa


Thu Tu MTC

Luca 2:8-21

8Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.10 Nhưng sứ thần bảo họ: "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ."13 Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:14 "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."15 Khi các thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau: "Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết."16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm như một bản tin, trong sinh hoạt Hướng Đạo, với những mật mã đòi hỏi người nhận phải giải mã, chứ không thể hiểu theo nghĩa trắng mực đen trên giấy được.  Mục đích là để những người ngoài không nhận biết.  Thiên thần, trong bài đọc hôm nay, cũng nói bằng những mật mã cho các mục đồng về một tin vui rằng, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh và dấu hiệu để nhận biết Ngài, đó là: “Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”  Đây cũng là một bản mật mã cho tôi chăng?  Có thể Chúa đang ở trong tâm hồn hôi thối, nhớp nhúa và tội lỗi của tôi, ngay trong giây phút của giờ cầu nguyện này chăng?  Có thể Chúa đang ở trong những người nghèo khổ và vô gia cư quanh tôi chăng?  Dấu chỉ để nhận ra Đấng Cứu Thế không thể là ở những hình ảnh oai hùng, lộng lẫy của cung điện, tháp ngà, phô trương và ồn ào, nhưng là ở trong những gì yếu đuối, khiêm nhường và tầm thường như một trẻ thơ quấn tã, ở trong máng ăn của súc vật.  Tôi có sẽ “hối hả” tìm gặp Chúa như các mục đồng, khi họ được báo tin không?  Tôi sẽ tìm gặp Chúa ở đâu hôm nay? 

2.     Các mục đồng đã hối hả ra đi tìm gặp Chúa và khi gặp Đấng Cứu Thế rồi, họ đi về mà lòng khấp khởi mừng, vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa.  Có ít nhất là hai cách để tìm gặp Đấng Cứu Thế hôm nay: 1) Lắng nghe tiếng nói của các thiên thần bằng những giao động nhẹ nhàng, phấn khởi, vui tươi, êm ái, hy vọng và yêu thương đang dạt dào trong lòng tôi.  Tôi để ý dõi theo những giao động này, chắc chắn chúng sẽ dẫn tôi đến gặp Chúa.  2) Tôi bắt chước Mẹ Maria, suy đi nghĩ lại trong lòng những gì đang xảy ra quanh tôi, trong lòng tôi.  Chúa ở đâu trong những biến cố này?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng quyết tâm tìm gặp Chúa trong ngày hôm nay, trong Năm Mới này, qua mọi việc tôi làm, qua mọi nơi tôi đến và qua mọi người tôi gặp.  Có người nói: “Khi muốn người ta sẽ tìm đủ cách, và khi không muốn người ta sẽ tìm đủ mọi lý do!”  Câu này có thể nói cho tôi lúc này không?  Tôi sẽ tìm cách nào để gặp Chúa hôm nay?  Tôi sẽ tìm lý do nào để chối bỏ, không tin, không tìm gặp Ngài?  Tôi để lòng tôi được dẫn dắt bởi lời các thiên thần qua bài nhạc, “Kìa Trông Huy Hoàng,” lời của Hoài Đức, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=FpCmxaS_2kE

Phạm Đức Hạnh, SJ

 


Monday, December 30, 2019

Thứ Ba - Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A – 31-12-2019


Thu Ba - BNGS

Gioan 1:1-12

1 Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.  Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.  Điều đã được tạo thành4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay nằm trong phần Lời Mào Đầu của Phúc âm Gioan.  Lời Mào Đầu ấy đã bắt đầu bằng những lời thật cao siêu và khó hiểu.  Bởi vậy Phúc âm Gioan được mang biểu tượng chim đại bàng, một loài chim bay cao nhất trong các loài chim (37.000 ft = 11,277.6 Km), đôi mắt của nó thì tuyệt vời, mỗi mắt có hai võng mạc để có thể nhìn trước và nhìn ngang cùng một lúc, đồng thời vừa bay nó vừa có thể nhắm vào con mồi ở cách xa nó cả 1000 ft (304 m).  Lời từ Phúc âm Gioan cũng mạnh mẽ và quyền năng như thế.  Tôi đọc lại những lời của Gioan nói về Ngôi Lời Thiên Chúa, đã mặc xác phàm như tôi, để tôi có thể cảm nghiệm, được nhấc bổng lên cùng Thiên Chúa, nhưng cũng đem tôi lại trái đất, ngay trong căn phòng nhỏ bé của tôi, vừa đưa tôi đến cùng Thiên Chúa, trước cả khi có thời gian, nhưng cũng đem tôi trở lại hiện tại, bằng thời khắc mà chiếc kim giây đồng hồ của tôi đang dịch chuyển.  Tất cả những điều này đều xảy ra cùng một lúc!  Đây chính là những giây phút vĩnh cửu mà tôi có thể cảm nghiệm và đi vào ngay trong giây phút này.

2.     Gioan nói, Ngôi Lời Thiên Chúa là Ánh Sáng đích thực đã đến thế gian, ở giữa cuộc đời này vậy mà có những người đã không nhận biết Người.  Câu hỏi tôi muốn đặt ra cho chính tôi lúc này, đó là: Tôi đã thật sự biết Ngài không?  Nếu có, lòng tôi sẽ tràn ngập Ánh Sáng.  Nếu có, tôi có thể cảm nghiệm Ánh Sáng ấy đang đẩy lui những bóng tối trong tôi như thế nào?  Nếu có, tôi sẽ được chọn làm con Thiên Chúa!  Tôi muốn ở trong Ánh Sáng ấy ngay giây phút này.  Tôi muốn sống trong Ánh Sáng ấy trọn ngày hôm nay, và cuộc đời tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Mary, Người Có Biết?,” lời Việt do Bích Vân , qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=GAAOGjrne4A

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, December 29, 2019

Thứ Hai - Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A – 30-12-2019


Thu Hai - BNGS

Luca 2:25-40

25Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông.26 Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người,28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:29 "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.30 Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài."33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35 và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."36 Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm,37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê.40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc trong Thánh lễ hôm nay chỉ bắt đầu từ câu 36-40, nhưng bài cầu nguyện hôm nay được trích từ câu 25-40, để thấy được một trong những cái đẹp trong cách viết của Luca.  Cái đẹp đó nằm ở cái nhìn bình đẳng nam nữ, mà hiếm thấy trong não trạng của người thời bấy giờ (2000 năm trước) và của nhiều nơi trên thế giới hiện nay.  Tôi có thể nhận thấy bài đọc này bao gồm, không chỉ có nam tiên tri, Si-mê-ôn, mà cũng có cả nữ tiên tri, An-na.  Cả hai cùng là những người công chính, và cuộc đời của họ gắn bó với Thiên Chúa cũng như đền thờ.  Luca muốn nói gì với tôi hôm nay?  Phải chăng dù là nam hay nữ, tất cả đều là con cái Chúa, tất cả đều có thể được Chúa linh ứng nói tiên tri, được dùng cho công việc của Ngài?  Thế giới ngày nay và Giáo hội chắc còn phải học ở Luca rất nhiều về sự bình đẳng nam-nữ.  Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, phải đến sau Công đồng Vatican II (1962-1965), nữ giới mới được đọc sách thánh và được lên gian cung thánh trong Thánh lễ, và phải gần đây nữ giới mới được giúp lễ và cho rước lễ!  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn cầu nguyện cho sự bình đẳng nam-nữ, đặc biệt tôi cầu nguyện cho mọi người biết tôn trọng nhân phẩm và vai trò của nữ giới trong xã hội, Giáo hội, cộng đoàn, sở làm, trường học và gia đình.  Tôi cũng không quên cầu nguyện cho những nạn nhân của tình trạng buôn người, bạo hành trong gia đình là nữ giới và trẻ em.      
2.  Một trong những phong tục tốt của người Do-thái đó là dâng lễ tạ ơn Chúa, nói theo kiểu Việt Nam là, “Uống nước nhớ nguồn.”  Họ luôn cám ơn Chúa về những gì họ đón nhận được trong cuộc đời.  Thánh Giuse và Đức Mẹ trong bài đọc hôm nay cũng lên đền thờ để cảm ơn Chúa và để được thanh tẩy, sau khi đã được “mẹ tròn con vuông.”  Người Công giáo cũng có thói quen này, đó là cám ơn Chúa sáng tối, mỗi ngày.  Tiếc là nhiều người đã biến việc làm tốt này trở thành luật buộc, nếu không làm thì mắc tội.  Chính vì thế mà việc làm của họ trở nên máy móc, không có hồn, không trái tim trong đó.  Tôi có thói quen cám ơn Chúa sáng tối không?  Tôi làm với thái độ nào?  Sợ tội hay vì lòng mến, với tất cả phép lịch sự tối thiểu với Chúa hay bằng những bước lê nặng nề?  Tôi sống tâm tình biết ơn và tạ ơn thế nào sau một ngày làm việc vất vả, sau một đêm ngủ an lành, sau một năm làm việc, sau khi tốt nghiệp, sau khi lập gia đình, sau khi sinh con, sau khi thành công một công việc nào đó…?  Giây phút này vẫn chưa quá trễ, để tôi sống tâm tình biết ơn và tri ân Thiên Chúa về tất cả những gì tôi đón nhận mỗi ngày.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Chú Bé Đánh Trống,” lời Việt do Viết Chung, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=z3c26GZFsew
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, December 28, 2019

Chúa Nhật - Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A – 29-12-2019 – Lễ Thánh Gia Thất



Mát-thêu 2:13-15, 19-23

CN Thanh Gia That13Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!"14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập…19 Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập,20 báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi."21 Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en.22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê,23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Bài đọc hôm nay sao thật đẹp và gần gũi với tôi!  Bài đọc tập trung vào kiếp đời tị nạn của Gia đình Thánh Gia.  Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giesu không chỉ là những người tị nạn, họ còn là những thuyền nhân tị nạn.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn chiêm nghiệm thật sâu đời sống thuyền nhân tị nạn của Thánh Gia Thất: tâm trạng sợ hãi, hoang mang, trốn chui trốn nhủi trên chính quê hương của mình; rồi tâm trạng sợ hãi hoang mang, lạ lẫm, bị kỳ thị, hà hiếp, phân biệt đối xử trên đất khách, đồng thời những khó khăn về tài chánh, ngôn ngữ, văn hóa để làm lại cuộc đời, lập nghiệp, hội nhập văn hóa nơi xứ người.  Từ đây tôi muốn đi sâu hơn vào kiếp thuyền nhân tị nạn Việt Nam, họ đã mất tất cả, mất gia đình, mất quê hương, mất người thân, cả triệu người đã bỏ mình trên biển cả, đã vất vả khó khăn như thế nào để hội nhập và tạo lập cuộc sống mới.  Tôi xin Chúa chúc lành cho dân tộc tôi, cho những người Việt Nam tị nạn khắp nơi trên thế giới.  Tôi cũng muốn đồng cảm với tất cả những thuyền nhân và tị trên thế giới hiện nay, họ cũng mất tất cả, mất quê hương, mất người thân, gia đình bị phân tán chia lìa.  Tôi cầu nguyện cho họ, tôi không thể dửng dưng trước những khó khăn và đau khổ của hơn 70 triệu người tị nạn trên thế giới hiện nay (https://www.mercycorps.org/articles/worlds-5-biggest-refugee-crises).       

2.     Phúc âm Mát-thêu nói về Giuse nhiều nhất trong Tân Ước, nhưng lần nào nói về Giuse, cũng là những lần ông đang băn khoăn, phân định ý Chúa.  Sự băn khoăn và phân định ấy trào tràn cả trong những giấc ngủ của Giuse.  Tôi có thể học được gì ở Giuse?  Thứ nhất, Giuse là người công chính trước mặt Chúa, nên cả cuộc đời ông luôn dõi tìm và làm mọi sự theo thánh ý Chúa.  Tôi tự hỏi: Tôi có phải là người công chính, hay ít ra, khao khát trở nên công chính không?  Nếu có, tôi muốn tìm hiểu ý Chúa trong những bận tâm của tôi lúc này.  Nếu không, tại sao không?  Cái gì đang ngăn cản tôi không muốn sống công chính?  Tôi có thể xin cho có lòng khao khát nên công chính chăng?  Thứ hai, có điều gì đang khiến tôi băn khoăn, bận tâm không?  Tôi muốn biết, Chúa đang muốn tôi làm gì không?  Tôi muốn bắt chước Giuse đi vào trong tĩnh mịch của đêm vắng, vào thật sâu trong cõi lòng mà chỉ một mình Chúa và tôi thôi, không bị ai hay bất cứ cái gì chi phối, để tôi được nghe thật rõ những gì Chúa muốn chỉ dẫn cho tôi.  Biết ý Chúa đã là khó, dám làm theo ý Chúa khó khăn hơn nhiều.  Tôi xin Chúa cho được can đảm dám thực hiện những gì Chúa mời gọi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Con Phải Làm Gì?,” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=75XnAfK4T3A

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, December 27, 2019

Thứ Bảy - Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A – 28-12-2019 – Lễ Các Thánh Anh Hài

Thu Bay BNGS

Mát-thêu 2:13-18

13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!"14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 "Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

(Trích Phúc âm Mát-thêu bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Kitô giáo đúng nghĩa là tôn giáo nhập thể, đạo cứu độ.  Điểm rất đẹp của niềm tin đó là, thúc đẩy tôi tìm gặp Chúa giữa những bề bộn và ngổn ngang của cuộc sống.  Nếu tôi chỉ tìm sự an phận trong những lời kinh, đóng khung Thiên Chúa trong nhà thờ, và cầu ơn cho riêng mình, tôi không phải là Kitô hữu nữa, tôi không còn theo Chúa Giêsu nữa.  Bài đọc hôm nay đẩy tôi trở lại với thực tế của con đường thập giá mà Chúa Giêsu đã đi qua, nơi sự ghen tương, độc ác, ích kỷ và kinh tởm con người bị phơi bày.  Hê-rô-đê vì độc tài nên trở thành độc ác, vì sợ hãi nên trở nên man rợ, đã giết tất cả các trẻ em từ hai tuổi trở xuống.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn đi vào những cái chết tàn bạo, độc ác và man rợ của các trẻ thơ; đồng thời đi vào những tiếng kêu xé lòng của những cha mẹ chứng kiến con thơ trên tay của họ bị giựt, chém, giết.  Xin cho tôi can đảm dám đối diện, dám ở lại trong những hình ảnh này hầu, giúp tôi trở nên ý thức và biết ngăn chặn những sự ác từ trong lòng tôi, và từ cuộc đời này.    

2.      Bài đọc hôm nay dành cho lễ kính các trẻ thơ, các thánh anh hài, bị giết khi Chúa Giêsu chào đời.  Tuy nhiên, Giáo hội không muốn tôi mừng lễ này chỉ trong cái nhìn lịch sử của 2000 năm trước, nhưng muốn tôi nhìn cho rõ các trẻ thơ ngày hôm nay vẫn đang bị giết và ngược đãi một cách tàn bạo hơn ngày xưa, cả hình thức lẫn số liệu.  Trước hết đó là vấn đề phá thai trên thế giới.  Theo ước tính của Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới (WHO) mỗi năm có khoảng 40-50 triệu vụ phá thai, tức khoảng 125,000 vụ mỗi ngày (https://www.worldometers.info/abortions/).  Dầu với những kỹ thuật khoa học phát triển rất cao, tạo ra những sản lượng lương thực rất phong phú, nhưng vẫn có đến 795 triệu người chết đói mỗi năm, trong đó 15,000 trẻ em chết đói mỗi ngày (https://www.worldhunger.org/world-child-hunger-facts/).  Tình trạng buôn người, theo Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (The Internaltional Labour Organization) ước tính, những tổ chức buôn người mỗi năm kiếm lợi khoảng 150 tỉ Mỹ kim từ 20-40 triệu nạn nhân, trong đó 81% bị cưỡng bức lao động, 25% là trẻ em, và 75% nữ giới và trẻ em gái bị bán vào các ổ mãi dâm (https://www.dosomething.org/us/facts/11-facts-about-human-trafficking).  Tôi muốn dành những giây phút này, cầu nguyện cho các trẻ em bị giết từ trong bào thai, các nạn nhân của tình trạng buôn người do sự độc ác, độc tài, độc đoán, ích kỷ, vô lương tâm của con người.  Tôi cầu nguyện cho sự tàn ác này phải chấm dứt, trước tiên trong lòng tôi, rồi gia đình tôi, cộng đoàn xứ đạo tôi, đất nước tôi và thế giới.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Loài Người Ơi,” của Văn Thiều, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=THDlQdVbZzM&list=RDTHDlQdVbZzM&start_radio=1&t=96

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, December 26, 2019

Thứ Sáu - Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A – 27-12-2019 – Lễ Thánh Gioan Tông Đồ


Thu Sau BNGS

1Gioan 1:1-4

1 Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.2 Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi.3 Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. 4 Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn.

(Trích Thư Gioan I bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Những điều Gioan viết, mà nay tôi gọi là Sách Thánh, không phải là những điều trừu tượng hoặc vô thực, nhưng là những gì có thực mà ngài đã kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa qua một con người cụ thể là Đức Giêsu Kitô, và bằng những giác quan cụ thể: nghe, ngửi, nếm, thấy, và đụng chạm.  Bằng tất cả xác tín, ngài quả quyết rằng: kể cả tôi ngày hôm nay, cũng có thể kinh nghiệm được tình yêu đó của Thiên Chúa một cách cụ thể.  Điều này đã được kiểm chứng bởi kinh nghiệm của các thánh, cụ thể là Thánh I-nha-xi-ô Loyola.  Hôm nay và trong giây phút này của những ngày Lễ Giáng Sinh, tôi có thể bắt chước Thánh I-nha-xi-ô đi vào kinh nghiệm tình yêu với Thiên Chúa một cách cụ thể, qua hình ảnh Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ.  Tôi để ý tập trung các ngũ quan của tôi: thấy, nghe, nếm, ngửi, và đụng chạm được những gì về Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, hoặc trên tay tôi lúc này?  Hãy để những cảm nghiệm này dẫn tôi vào thật sâu và ở thật lâu với Thiên Chúa. 

2.     Gioan viết những lời này với mục đích là cho tôi cũng được cảm nghiệm giống như những kinh nghiệm của ngài về Chúa Giêsu Kitô, như thế niềm vui của tôi sẽ nên trọn vẹn.  Như vậy, đức tin của tôi vào Thiên Chúa không thể là tin vào những suy luận viễn vông, cũng không tin vào một mớ lý thuyết trừu tượng, nhưng tin vào những kinh nghiệm cụ thể giữa tôi với Chúa Giêsu Kitô.  Chỉ khi nào tôi có những kinh nghiệm riêng tư, cụ thể với Thiên Chúa, khi ấy niềm tin của tôi mới bén rễ và lớn mạnh trong tôi, bằng không đức tin của tôi sẽ èo uột và giả tạo.  Chỉ khi nào tôi có những kinh nghiệm riêng tư, cụ thể về Thiên Chúa, khi ấy tôi thật sự sở hữu đức tin của tôi và không ai có thể cướp nó khỏi tôi.  Tôi đọc lại những lời Gioan viết và đi vào những kinh nghiệm rất riêng tư và thật này về Thiên Chúa.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện của tôi với bài hát, “Giáng Sinh Khó Nghèo,” lời Việt của Khải Minh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=PjGmIwPjC2M

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, December 25, 2019

Thứ Năm - Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – Năm A – 26-12-2019 – Lễ Thánh Tê-pha-nô, tử đạo


Thu Nam Tuan Bat Nhat GS

Tông Đồ Công Vụ 7:55-60

55 Được đầy ơn Thánh Thần, ông [Tê-pha-nô] đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa.56 Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa."57 Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông58 rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô.59 Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: "Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con."60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này." Nói thế rồi, ông an nghỉ.

(Trích Tông Đồ Công Vụ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chỉ một ngày sau Lễ Giáng Sinh, bầu khí tưng bừng tràn ngập lòng người, hôm nay Giáo hội mừng lễ Thánh Tê-pha-nô tử đạo.  Điều này như nhắc nhở tôi, đời sống Kitô hữu luôn gắn liền với thập giá, như Chúa Giêsu, Ngài đã sinh ra làm người, sống giữa nhân loại như mọi người và cuối cùng bị chết treo trên thập giá, với một mục đích là để cứu độ, chia sẻ, thông cảm và đi qua mọi đau khổ của kiếp người với tôi.  Bởi vậy, đời sống chứng nhân của tôi cũng phải gắn liền với đau khổ, bắt bớ và thập giá; không thể có một Kitô hữu đúng nghĩa, một nhân chứng Kitô đúng nghĩa nếu tôi xa lạ và dửng dưng với những đau khổ của những người thân trong gia đình, cộng đoàn, đất nước, và thế giới.  Trong giây phút này tôi muốn suy nghĩ về đời sống đức tin của tôi bao lâu nay.  Tôi đang lẩn trốn hay cảm thông với những đau khổ của tha nhân?  Tôi muốn sống chứng nhân như thế nào trong ngày hôm nay?

2.     Ở cuối bài đọc hôm nay, tác giả ghi nhận những lời cuối cùng của Tê-pha-nô: “‘Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.’  Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.’ Nói thế rồi, ông an nghỉ.” (Tđcv 7:59-60).  Đây cũng là những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá (Lk 23:34, 46).  Có thể nói đây là một trong những bằng chứng, Phúc âm Luca và Sách Tông Đồ Công Vụ có cùng một tác giả.  Tuy nhiên điểm đáng chú ý ở đây đó là, kể từ cái chết của Chúa Giêsu, Tê-pha-nô là chứng nhân đầu tiên đã sống đời chứng nhân giống Chúa Giêsu: hy sinh mạng sống vì đức tin, và dám cầu nguyện tha thứ cho kẻ giết mình, đúng như lời Chúa Giêsu dạy (Lk 6:27-28).  Đó chính là niềm tin Kitô giáo.  Tôi yêu mến đức tin này không?  Tôi dám sống đời sống đức tin như vậy không?  Tôi cần những ơn gì để giúp tôi sống đức tin này?  Hãy chia sẻ với Chúa Giêsu và Thánh Tê-pha-nô để được trợ giúp.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Hang Be-lem” của Hải Linh, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=qgloKZhXm8s    

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, December 24, 2019

Thứ Tư - Đại Lễ Giáng Sinh – Năm A – 25-12-2019


GS

Gioan 1:1-13

1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.  Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa.2 Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.3 Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.  Điều đã được tạo thành4 ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.5 Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.6 Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.7 Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.8 Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.9 Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.11 Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.12 Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

(Trích Phúc âm Gioan bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh và bài đọc hôm nay diễn tả trọn vẹn ý nghĩa cao đẹp của ngày lễ, Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người.  Ngôi Lời ấy chính là Ánh Sáng đích thực đã đến trong cuộc đời tăm tối và tội lỗi của tôi.  Giờ cầu nguyện hôm nay có thể là những giây phút trầm tư quỳ bên hang đá tại giáo xứ, hoặc tại nhà của tôi; đẹp hơn cả, nếu tôi có tượng Chúa Hài Nhi trong lòng bàn tay của tôi lúc này để chiêm ngắm, Thiên Chúa nhập thể, Ngài đã làm người như tôi, để ở với tôi, yêu thương tôi, và cứu độ tôi.  Tôi lấy câu nói của bài đọc hôm nay để suy niệm: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.”  Tôi cảm nghiệm Ánh Sáng, Tình Yêu, Niềm Vui, Hy Vọng là chính Chúa đang lan tỏa trong tâm hồn tôi lúc này như thế nào, đặc biệt những góc khuất và tăm tối trong tâm hồn tôi.  Hãy để cho Ánh Sáng của Chúa tràn ngập ở những chỗ đó. 

2.     Câu cuối của bài đọc hôm nay cũng đẹp làm sao và đó là điều quan trọng của Lễ Giáng Sinh!  Thiên Chúa làm người để chỉ cho tôi, nhân phẩm cao quý nhất của tôi là được làm con Thiên Chúa.  Tôi hãnh diện điều này không, khi cha mẹ của tôi là Chúa Cả Trời Đất?  Tôi sẽ chia sẻ niềm vui được làm con Chúa như thế nào trong ngày hôm nay, và trong Năm Mới sắp đến?  Tôi sẽ sống như thế nào để diễn tả đúng tước hiệu là con của Chúa?  Tôi lấy câu cuối bài đọc hôm nay mà nhẩm đi nghĩ lại suốt ngày hôm nay: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”.  Tôi kết thúc bài đọc hôm nay bằng bài hát ca khen Thiên Chúa, “Tiếng Hát Đêm Thanh,” do Lm. Hoàng Hiệp, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=EIPh9chm_4s

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, December 23, 2019

Thứ Ba Tuần IV Mùa Vọng – Năm A – 24-12-2019

Thu Ba IV MV
Luca 1:67-79

67 Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:68 "Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.69 Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,70 như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa:71 sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;72 sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước;73 Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,74 và cho ta chẳng còn sợ hãi,75 để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.76 Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,77 bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên.78 Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,79 soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay nối tiếp bài đọc hôm qua, tức sau một thời gian dài im lặng, hôm nay Da-ca-ri-a đã bắt đầu nói chuyện trở lại.  Lời đầu tiên ông nói là những lời chúc tụng Thiên Chúa thay cho toàn dân, và thay cho gia đình ông.  Có lẽ tôi phải học ở ông điều này.  Trước hết, đâu là những giây phút tôi đi vào tĩnh lặng của một năm, một tháng, một tuần, một ngày sống của tôi?  Chỉ khi nào tôi đi vào những giây phút tĩnh lặng tôi mới có thể nhận ra những việc làm của Chúa cho tôi, cho cuộc đời này và biết ca tụng Ngài.  Tôi muốn dành một vài phút của giờ cầu nguyện này để ở trong tĩnh lặng, trước những giờ cuối cùng của Mùa Vọng, và đặc biệt trước một vài tiếng nữa khi cả thế giới hát mừng ngày Chúa giáng sinh, để suy ngẫm, để thấu hiểu và để tạ ơn những hồng phúc mà tôi, gia đình tôi, cộng đoàn tôi đã lãnh nhận từ Chúa trong năm qua, đặc biệt trong Mùa Vọng này.

2.      Sau khi chúc tụng Chúa, Da-ca-ri-a ngỏ lời với con của ông.  Lời ông nói như bài học đầu tiên ông muốn dạy cho con của ông: Con hãy mang danh Chúa đến suốt đời.  Con hãy trở thành người dọn lối cho Chúa đến.  Con hãy cao rao những điều thiện hảo của Chúa cho mọi người, đặc biệt cho họ biết Chúa sẽ đến và không còn ai phải sống trong tăm tối của tội lỗi nữa.  Đây là những lời khuyên đẹp và cần thiết mà mọi con trẻ cần phải được dạy bảo.  Đây là những lời khuyên, mà cả tôi dù đã lớn bao nhiêu, vẫn cần phải được nhắc nhở, sống đời sống chứng nhân cho Chúa là tình yêu, là hy vọng, là ánh sáng và là ơn cứu rỗi cho muôn người.  Tôi dành những giây phút tĩnh lặng này để định hướng ngày sống của tôi hôm nay, là một chứng nhân của Chúa.

Phạm Đức Hạnh, SJ

 


Sunday, December 22, 2019

Merry Christmas!

GS 2019

Thứ Hai Tuần IV Mùa Vọng – Năm A – 23-12-2019


Thu Hai IV MV

Luca 1:57-66

57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai.58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em.60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an."61 Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả."62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì.63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ.64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê.66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?" Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.    Lễ Giáng Sinh là một sự kiện siêu thường vượt trên mọi sự lạ thường.  Gần đến Đại lễ Giáng Sinh, Giáo hội tiếp tục chuẩn bị cho tôi đón nhận sự kiện siêu thường ấy bằng cách, mời gọi tôi đọc lại những biến cố rất lạ thường, chẳng hạn như câu chuyện của Gioan Tẩy Giả, trong bài đọc hôm nay, ông được sinh ra từ một cặp cha mẹ đã già nua và hiếm muộn.  Qua đó có thể cho tôi thấy, đường lối của tôi không phải là đường lối của Chúa.  Thiên Chúa thường làm những điều lạ thường và siêu thường, vượt trên sự khôn ngoan, hiểu biết, và tưởng nghĩ của tôi.  Như Chúa đã từng nói trong Sách Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các người không phải là đường lối của Ta- sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55:8-9).  Tôi đọc lại bài đọc trên, và ngẫm suy mầu nhiệm siêu thường Chúa xuống thế làm người vì tôi như thế nào.  Làm thế nào để tôi có thể đón nhận trọn vẹn những ân sủng của Mầu nhiệm Nhập Thể, và của ngày lễ sắp đến?  Có điều gì Chúa đã làm cho tôi, mà tôi đã chẳng nhận ra?  Tôi đã nói gì lúc ấy, và tôi muốn nói gì với Chúa lúc này?   

2.     Gia đình Da-ca-ri-a không chỉ lạ thường vì không có con, nhưng hôm nay lại có con, nhưng còn lạ ở tên gọi của họ.  Chẳng hạn, Da-ca-ri-a có nghĩa là Thiên Chúa đã nhớ (The Lord has remembered).  Quả thực, Chúa đã nhớ đến cảnh hiếm muộn và tủi nhục của vợ chồng ông mà cất đi những tủi nhục đó.  E-li-sa-bét có nghĩa là Thiên Chúa giầu có (The Lord is abundance).  Điều này cũng đúng nữa, dù ông bà hiếm muộn và ở cuối đời rồi, Thiên Chúa vẫn có thể làm cho họ được sinh con.  Cuối cùng Gioan có nghĩa là Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu (God is gracious).  Cả một gia đình thật gần với Chúa, mỗi lần họ gọi tên nhau là mỗi lần họ nói về những sự cao đẹp của Chúa.  Điều này cũng giống như người Công giáo Việt Nam hay đặt tên con là Hồng-Ân, Thiên-Ân...  Cách đặt tên nhau có một sự liên hệ với những gì cao đẹp về Chúa, nói gì với tôi?  Một ngày sống, tôi nói về những điều cao đẹp của Chúa như thế nào?  Một ngày đi qua, tôi đã ngồi đếm những ân sủng của Chúa và tri ân Ngài ra sao?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát,Một Chút Gì Rất Chúa,” phổ từ thơ của Trăng Thập Tự, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=AFpTPG8GqMA

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, December 21, 2019

Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng – Năm A – 22-12-2019


CN IV MV

Rô-ma 1:1-7

1 Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.2 Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh.3 Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.4 Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.5 Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ.6 Trong số đó, có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giê-su Ki-tô.7 Kính gửi tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh.
Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.

(Trích Thư Rô-ma bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay có thể là một tiếng thức tỉnh đời sống ơn gọi của tôi.  Thánh Phao-lô mở đầu thư của ngài cho Cộng đoàn Rô-ma và ngài tự hào về ơn gọi của mình, được Chúa tuyển chọn làm tông đồ và là người rao giảng Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô.  Ngày tôi gia nhập Kitô giáo, qua Phép rửa, tôi cũng được mời gọi và sai đi với cùng một sứ vụ như Phao-lô.  Tôi hãnh diện về niềm tin của tôi như thế nào?  Tôi có tự hào là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô không?  Tôi đã rao giảng Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô cho những ai và như thế nào mỗi ngày?  Tôi muốn dành những giây phút của giờ cầu nguyện này để suy ngẫm về ơn gọi chứng nhân Tin Mừng, mà tôi đã được kêu gọi và sai đi kể từ khi tôi lãnh nhận Phép rửa.

2.     Thánh Phao-lô đã kết thúc những lời mở đầu thư của ngài, trong bài đọc hôm nay, bằng lời chúc bình an và ân sủng của Chúa Giêsu Kitô.  Tôi muốn nhớ lại những lời chúc Giáng sinh mà tôi đã viết trong thiệp để gởi đến mỗi người.  Tôi cầu nguyện cho từng người đã nhận lời chúc của tôi, được những ơn như tôi đã chúc cho họ.  Tôi cũng cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho những người đã viết thiệp cho tôi trong Mùa Giáng Sinh này.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, December 20, 2019

Thứ Bảy Tuần III Mùa Vọng – Năm A – 21-12-2019


Thu Bay III MV

Diễm Ca 2:8-14

8 Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi.9 Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương, tựa hồ chú nai nhỏ.  Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song.10 Người yêu của tôi lên tiếng bảo: "Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào!11 Tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi.12 Sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây.  Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta.13 Vả kia đã kết trái non, vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào.  Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào!14 Bồ câu của anh ơi, em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo.  Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng, vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng."

(Trích Sách Diễm Ca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/cuuuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Giáo hội mời gọi tôi đọc một phần của Sách Diễm Ca, xuất hiện vào khoảng thế kỷ X, TCN, trong đó bao gồm những lời thơ đầy trữ tình và mộng mơ.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn thả hồn vào những hình ảnh mà Sách Diễm Ca diễn tả: “Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây…nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi… Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương, tựa hồ chú nai nhỏ…đang đứng sau bức tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song…Người yêu của tôi lên tiếng: "Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi…Sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời…Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê…Vả kia đã kết trái non, vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào…Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào!... Bồ câu của anh ơi…cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng, vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng.  Tôi cảm thấy thế nào trong những vần thơ và tiếng nói êm đềm này?  Hãy cứ ở lại trong những mộng tưởng này, và để những hình ảnh này dẫn tôi đến những gì là yêu thương, thanh thoát, êm đềm, lãng mạn mà chính Chúa đang muốn nói với tôi trong Mùa Vọng này.

2.     Hôm nay đã là ngày cuối của tuần III Mùa Vọng, mùa mong chờ Chúa đến.  Tôi đã sống tâm tình chờ mong Chúa đến như thế nào?  Tôi có chờ Chúa như tâm tình mà Sách Diễm Ca nói với tôi hôm nay không, hay tôi đã chờ Chúa đến trong sợ hãi, trong những bước chân nặng nề, trong một tâm hồn thiếu chuẩn bị?  Nên nhớ Chúa là người yêu của tôi, Ngài mong được nghe tiếng của tôi, mong được thấy mặt tôi, mong được ở bên tôi, ở riêng với tôi, tựa như mỗi khi tôi hẹn hò với người tôi yêu vậy—sửa soạn rất nhiều từ áo quần, đầu tóc, tư tưởng, đến những chia sẻ...  Chỉ còn một vài ngày nữa là đến Lễ Giáng Sinh, tôi muốn sống tâm tình chờ đợi Chúa như Sách Diễm Ca hôm nay dẫn lối.  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện với bài hát, “Hãy Đến Bạn Tình Ta” do Trần Minh Hứa qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=TbLlwGDcyDU

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, December 19, 2019

Thứ Sáu Tuần III Mùa Vọng – Năm A – 20-12-2019


Thu Sau III MV

Luca 1:26-38

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!"35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

(Trích Phúc âm Luca bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.conggiaovietnam.net/kinhthanh/tanuoc.htm)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Trước hết, có một lối viết rất đẹp trong Phúc âm Luca.  Luca thường đặt những cặp đối xứng nam-nữ song song trong cấu trúc phúc âm của ngài nhằm, nêu bật sự bình đẳng về nam nữ.  Chẳng hạn, nếu bài đọc hôm qua nói về câu chuyện truyền tin cho Da-ca-ri-a, cha của Gioan Tẩy giả, bài đọc hôm nay lại nói về câu chuyện truyền tin cho Maria, Mẹ Chúa Giêsu.  Không chỉ có hai câu chuyện này, nhưng tôi có thể tìm thấy ở những chỗ khác trong Phúc âm Luca (4:25-27; 11:29-32; 13:18-19, 20-21; 15:3-7, 8-10; 17:34-35…) cũng có lối viết tôn trọng vấn đề bình đẳng nam nữ, mà ít thấy ở các phúc âm khác.  Điều này cho thấy, ngay từ thế kỷ I, Cộng đoàn Luca đã có một cái nhìn bình đẳng về nam-nữ, mà cả thế giới ngày hôm nay vẫn chưa theo kịp.  Nữ giới chiếm ít nhất 50% dân số thế giới, vậy mà vai trò của họ thường bị lãng quên, họ thường xuyên bị ngược đãi.  Biết bao nhiêu trẻ em gái bị giết từ trong trứng nước, biết bao nhiêu người nữ bị bán làm mại dâm, bị đối xử bất công trong lương bổng, bị phân biệt đối xử trong xã hội và giáo hội.  Giờ cầu nguyện hôm nay tôi muốn tự hỏi, tôi đã có một cái nhìn bình đẳng giữa nam-nữ chưa?  Tôi đã làm những gì để lên tiếng bênh vực về vấn đề bình đẳng này?  Tôi muốn làm điều gì cụ thể trong ngày hôm nay để cổ võ sự bình đẳng trong gia đình, trong giáo hội, trong xã hội quanh tôi?  Có thể không cần phải bắt đầu bằng những chuyện lớn lao, nhưng có thể bằng những việc nhỏ như: dạy con cái về sự bình đẳng nam nữ trong gia đình, không bao giờ nói chuyện hài hước mà có tính miệt thị nữ giới, không dùng những ngôn từ trọng nam khinh nữ…

2.     Cuộc đời Thánh I-nha-xi-ô Loyola đã gắn liền với hình ảnh Đức Bà Đen (Black Madonna), hay còn gọi là Đức Mẹ Núi Montserrat, Tây Ban Nha, nơi ngài đã dâng kiếm, áo, mũ cho Đức Mẹ để trở nên một con người mới của Chúa và Đức Mẹ.  Ảnh Đức Bà Đen, nguyên thủy, thuộc Giáo hội Chính Thống Byzantine, với tên gọi: Χώρα του Αχωρήτου (Chora tou Achoretou – Container of the Uncontainable), tạm dịch là Đấng Hữu Hạn (Đức Mẹ - Container) cưu mang Đấng Vô Hạn (Thiên Chúa – The Uncontainable).   Có lẽ hình ảnh và ý nghĩa này diễn tả thật gần với ý nghĩa của bài đọc về truyền tin hôm nay.  Qua đó tôi cũng được mời gọi, như Đức Mẹ, trở thành người cưu mang Đấng Vô Hạn, đem Ngài đến với mọi người.  Trong giờ cầu nguyện này, tôi muốn chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể, biến cố truyền tin đã xảy ra với Đức Mẹ như thế nào.  Từ đó, tôi muốn được trở thành người cưu mang Thiên Chúa, đến với mọi người mà tôi sẽ gặp, đến mọi nơi mà tôi sẽ đến, và qua mọi việc tôi sẽ làm, trong ngày hôm nay.  Tôi nhớ lại câu nói của Thánh I-nha-xi-ô Loyola và lấy nó làm phương châm sống mỗi ngày của tôi: "He who carries God in his heart bears heaven with him wherever he goes - Người nào mang Chúa trong tim sẽ mang cả thiên đàng bên mình ở mọi nơi người ấy tới." 

Phạm Đức Hạnh, SJ