Thursday, March 28, 2024

Thứ Sáu Tuần Thánh – Năm B – 29-3-2024

Thu Sau TT

Híp-ri 4:14-16; 5:7-9

4/14Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa.  Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. 15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. 16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

5/7Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết.  Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; 9và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.

(Trích Thư Híp-ri, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Thứ Sáu Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giesu.  Không có gì tệ hơn khi tôi đang cảm thấy chán nản mà lại có ai đó nói: “Tôi biết bạn đang cảm thấy gì”.  Chúa Giêsu thực sự biết cảm giác của tôi như thế nào bởi chính Ngài đã từng trải qua những lúc xuống tinh thần đến tột độ.  Tác giả sách Híp-ri hôm nay mô tả Chúa Giêsu đã từng trải qua những lúc yếu đuối nhất và dễ bị tổn thương nhất.  Tôi phản ứng thế nào trước hình ảnh của Chúa Giesu trong Thứ Sáu Tuần Thánh này?  Biết Chúa Giêsu đã đi vào thật sâu trong những khốn cùng của con người như thế nào, tôi được mời gọi hãy mạnh dạn đến với lòng thương xót và ân sủng của Ngài.  Đây là những gì tôi được ban tặng qua sự đau khổ của Chúa Giêsu.  Lòng thương xót và ân sủng nào tôi đang tìm kiếm ngay bây giờ?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa để được nhắc nhở về nỗi thống khổ và cô đơn nơi bản chất con người của Chúa Giêsu.  Tôi cũng nhớ rằng, qua đau khổ của Ngài, Ngài trở thành nguồn ơn cứu độ tràn đầy ân sủng cho mọi người.  Đau khổ không phải là đích điểm mà chỉ là phương cách diễn tả tình yêu vô điều kiện và vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho tôi.  Chính vì thế mà Thứ Sáu Tuần Thánh, dù tưởng niệm về cái chết của Chúa Giesu, nhưng lại được gọi là Good Friday (tiếng Anh), có nghĩa là: Ngày Hồng Ân.  Phản ứng nào nảy sinh trong tôi khi tôi suy ngẫm về điều này?  Bài đọc trên nói về Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha.  Đây không phải là thất bại hay đầu hàng, mà là chiến thắng, đạt được, nhờ sự kết hợp thâm sâu với Chúa Cha và sự tự hiến.  Khi suy ngẫm về việc việc tự hiến như vậy có thể có ý nghĩa gì đối với tôi, tôi muốn nói gì với hoặc về Chúa Giêsu chịu đóng đinh?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Dâng Hiến của Thánh I-nha-xi-ô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và cả ý chí con, tất cả những gì con có, và đang làm chủ.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.  Đối với con, thế là đủ. Amen.”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, March 27, 2024

Thứ Năm Tuần Thánh – Năm B – 28-3-2024

Thu Nam TT

Gioan 13:1-15

1Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha.  Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. 2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. 6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy!  Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” 7 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8 Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”  Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10 Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch.  Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.” 12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? 13 Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Giáo hội bước vào Tam Nhật Thánh, đỉnh cao của Phụng vụ Kitô giáo, bắt đầu bằng Thứ Năm Tuần Thánh, hay còn gọi là Lễ Rửa Chân.  Trong bài đọc hôm nay, Chúa Giêsu làm cho các môn đệ, những người Ngài thương mến, một việc làm hết sức khiêm nhường và đầy yêu mến.  Ngài cúi xuống rửa chân cho họ, một việc làm của những người nô lệ, hoặc việc làm của người vợ làm cho chồng, trong văn hóa Do-thái thời bấy giờ.  Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Phê-rô kinh hoàng trước nghĩa cử của Chúa Giêsu!  Chúa Giêsu đã đảo ngược mọi thứ bậc giá trị, địa vị, cùng cách nghĩ của thế giới này.  Ngài thể hiện ý nghĩa của việc trở thành Vua đầy tớ.  Việc làm rửa chân của Chúa Giêsu nói gì với tôi ý tưởng về uy quyền và sự lãnh đạo?  Tôi có thể có những quan niệm lãng mạn về việc rửa chân cho người khác, nhưng trên thực tế, đó có thể là một công việc thấp hèn và dơ bẩn.  Thiên Chúa mời gọi tôi bước theo Ngài vào những trạng huống đầy thử thách trong cuộc sống.  Mà điều này lại nằm ở trung tâm của Bí tích Thánh Thể.  Phản ứng của tôi với lời mời này là gì?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý, bài đọc trên liên quan thế nào đến sự hiểu biết của tôi về Bí tích Thánh Thể và việc trở thành một phần của cộng đoàn của Chúa Giêsu?  Tôi thấy mình muốn nói gì?  Hôm nay là Thứ Năm Tuần Thánh, khi Tin Mừng Thánh Gioan liên kết Bí tích Thánh Thể với việc phục vụ trong khiêm nhường.  Đây là một kiểu thánh thiện rất thực tế và gần gũi.  Những cảm xúc và lời cầu nguyện nào dâng lên trong lòng tôi khi tôi chiêm ngưỡng cảnh rửa chân của Chúa Giêsu?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Dâng Hiến của Thánh I-nha-xi-ô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và cả ý chí con, tất cả những gì con có, và đang làm chủ.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.  Đối với con, thế là đủ. Amen.”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, March 26, 2024

Thứ Tư Tuần Thánh – Năm B – 27-3-2024

Thu Tu TT

I-sai-a 50:4-9a

4Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.  Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. 5 Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. 6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu.  Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. 7 Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.  Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. 8 Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.  Ai tranh tụng với tôi?  Cùng nhau ta hầu toà!  Ai muốn kiện cáo tôi?  Cứ thử đến đây coi! 9 Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?

(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Chỉ còn một ngày nữa cả Giáo hội sẽ bước vào Tam Nhật Thánh.  Các bài đọc của những ngày này cho tôi thấy, Phụng vụ Tuần Thánh đồng nhất nỗi đau khổ đầy kiên nhẫn của Người Tôi Trung với nỗi đau khổ của Chúa Giêsu, nhưng Ngài không phải là kẻ dễ bị khuất phục.  Các bài đọc trình bày những mẩu chuyện rất gay cấn.  Qua đó chúng cho tôi thấy rằng: Tin tưởng vào Thiên Chúa mang lại cho Người Tôi Trung sự tự tin và lòng can đảm.  Tôi đã tìm thấy sức mạnh ở đâu giữa nỗi đau khổ trong trải nghiệm của chính mình?  I-sai-a nhấn mạnh sự giúp đỡ của Chúa như một điều gì đó đáng tin cậy mà mọi người có thể tin, ngay cả khi mọi việc trông có vẻ tồi tệ.  Sự phục tùng Thiên Chúa của Người Tôi Trung không phải là một thất bại mà là một kinh nghiệm về sự kết hợp thâm sâu với Đấng mà mình tôn thờ.  Nó mang lại sức mạnh và khả năng phục hồi và vươn lên trong những lúc khó khăn.  Tôi muốn nói gì về ý tưởng này? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để để ý những lời nào còn vang vọng và đọng lại trong tâm trí tôi?  Tại sao?  I-sai-a mô tả về đau khổ thật sinh động.  Sự đau khổ ấy bao gồm sự sỉ nhục và bạo lực mà Chúa Giêsu phải chịu.  Chúa Giêsu không ca ngợi sự đau khổ, và trong thực tế, đôi khi tôi có thể đã gặp phải những thử thách vô cùng lớn đối với đức tin của mình.  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu về điều này?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Dâng Hiến của Thánh I-nha-xi-ô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và cả ý chí con, tất cả những gì con có, và đang làm chủ.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.  Đối với con, thế là đủ. Amen.”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 25, 2024

Thứ Ba Tuần Thánh – Năm B – 26-3-2024

Thu Ba TT

Gioan 13: 21-33, 36-38

21Khi ấy, đang dùng bữa với các môn đệ, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến.  Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em, có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến.  Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. 24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?” 25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?” 26 Đức Giê-su trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.”  Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. 27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y.  Đức Giê-su bảo y: “Anh làm gì thì làm mau đi!” 28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. 29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y: “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra.  Lúc đó, trời đã tối. 31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. 33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy”…36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?”  Đức Giê-su trả lời: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” 37 Ông Phê-rô thưa: “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được?  Con sẽ thí mạng con vì Thầy!” 38 Đức Giê-su đáp: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư?  Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay đong đầy một nỗi buồn và những lời của Chúa Giêsu nghe thật xót xa – một trong những người bạn của Ngài sẽ phản bội Ngài.  Các môn đệ của Ngài bối rối tự nhủ - chắc chắn Thầy không ám chỉ mình?  Tuy nhiên, đó là tình trạng mâu thuẫn mà nhiều Kitô hữu trải qua: ai cũng yêu Chúa Giêsu, nhưng ai cũng phản bội Ngài theo những cách riêng, dù không muốn.  Tôi cảm thấy thế nào khi hình dung thấy mình trong bối cảnh này?  Phê-rô rất tự tin là ông sẽ vượt qua được thử thách, tuy nhiên như tôi đã biết điều gì sẽ xảy ra, cả sự chối bỏ lẫn sự tha thứ thật lòng.  Tôi có gặp thử thách khi theo Chúa Giêsu không?  Tôi muốn nói gì với Ngài về điều này? 

2.     Khi bước vào khung cảnh này một lần nữa, hãy cho phép nó chạm vào trải nghiệm của chính mình.  Tôi thấy mình phản ứng hay đáp trả với Giuđa, Chúa Giêsu, hoặc Phêrô như thế nào?  Chúa Giêsu bày tỏ nỗi đau rất lớn trong bối cảnh này.  Có thể nỗi đau của Ngài nhắc nhở tôi về những mối quan hệ tan vỡ hoặc những thử thách khác mà tôi đã trải qua.  Hoặc, có thể nó nêu bật những gì Chúa Giêsu sẵn sàng chịu đau khổ vì tôi.  Có điều gì tôi muốn chia sẻ với Chúa Giêsu trong giây phút này không?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Dâng Hiến của Thánh I-nha-xi-ô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và cả ý chí con, tất cả những gì con có, và đang làm chủ.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.  Đối với con, thế là đủ. Amen.”

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, March 24, 2024

Thứ Hai Tuần Thánh – Năm B – 25-3-2024

Thu Hai TT

I-sai-a 42:1-7

1Đức Chúa phán: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người; người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. 2 Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. 3 Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi.  Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. 4 Người không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.
Dân các hải đảo xa xăm đều mong được người chỉ bảo. 5 Đây là lời Thiên Chúa, lời Đức Chúa,
Đấng sáng tạo và căng vòm trời, Đấng trải rộng mặt đất với hoa màu tràn lan, Đấng ban hơi thở cho dân trên mặt đất, ban sinh khí cho toàn thể cư dân. 6 Người phán thế này: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta.  Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, 7để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

(Trích Sách I-sai-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay Giáo hội bước vào Tuần Thánh, đỉnh cao của một Năm Phụng Vụ.  Bài đọc Tuần Thánh hôm nay mở đầu bằng những lời rất đẹp của Tiên tri I-sai-a về Người Tôi Tớ Đau Khổ.  Nhiều người nhận ra những lời này ám chỉ về Chúa Giêsu, nhưng chính tôi cũng đã được Thiên Chúa chọn nhân danh Ngài, được tạo dựng và là hiện thân của Ngài trong thế giới này.  Khi bước vào Mùa Thương Khó, những lời của Tiên tri I-sai-a trong bài đọc hôm nay tác động đến tôi như thế nào?  Người Tôi Tớ Đau Khổ không dùng sức mạnh để cưỡng lại quyền tối thượng của Thiên Chúa.  Ngài là “giao ước với dân”, thực hiện lời hứa của Thiên Chúa, giải thoát bất cứ điều gì đang giam giữ con người.  Có sự giam cầm hay bóng tối nào mà tôi đang khao khát được giải thoát không?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý hình ảnh hoặc cụm từ nào đang chạm đến tâm trí và trái tim tôi?  Chúa đang dẫn tôi đến đâu qua những lời của Tiên tri I-sai-a?  Bài đọc hôm nay giống như một bức chân dung về chính Chúa Giêsu, nhưng cũng đưa ra một chân dung đầy tiềm năng của những người theo Ngài.  Khi những lời này trở nên sống động đối với tôi, tôi thấy mình muốn nói gì với Đấng là “giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước”?  Hãy dành thời gian để nói chuyện với Ngài từ trái tim của tôi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Dâng Hiến của Thánh I-nha-xi-ô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và cả ý chí con, tất cả những gì con có, và đang làm chủ.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.  Đối với con, thế là đủ. Amen.” 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, March 23, 2024

Chúa Nhật Tuần Thánh – Năm B – 24-3-2024 – Lễ Lá

CN TT

Mác-cô 11:1-10

1Mấy ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu.  Bấy giờ, Người sai hai môn đệ 2 và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia.  Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó.  Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. 3 Nếu có ai bảo: ‘Tại sao các anh làm như vậy?’, thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay.” 4 Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra. 5 Mấy người đứng đó nói với các ông: “Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy?” 6 Hai ông trả lời như Đức Giê-su đã dặn.  Và họ để mặc các ông. 7 Hai ông đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên. 8 Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. 9 Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô!  Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! 10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta.  Hoan hô trên các tầng trời!”

(Trích Phúc âm Mác-cô, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá và bài đọc hôm nay dẫn tôi về nguồn gốc của việc tôi mừng Lễ Lá hôm nay là gì và như thế nào.  Trong bài đọc hôm nay, Mác-cô mô tả về một con lừa con đã được dùng cho Chúa Giêsu cỡi khi vào thành.  Con lừa con - cho đến nay chỉ là một con lừa con bình thường - đột nhiên trở thành một con lừa phi thường với vai trò then chốt: góp phần ứng nghiệm lời tiên tri trong Cựu Ước.  Nó bị cột gần cửa, ngay mặt đường.  Nhưng Chúa cần nó.  Theo lời của Tiên tri Gia-ca-ri-a, tôi nghe thấy: “Kìa, đức vua của ngươi đến với ngươi…..khiêm nhường và cỡi trên lưng lừa con”.  Tôi hình dung Chúa Giêsu (và có thể cả con lừa con!) có thể cảm thấy thế nào khi cả hai tiến vào thành Giê-ru-sa-lem?  Tôi nghĩ gì về tuyên bố có chủ ý này của vị Vua Khiêm Nhường, “Các anh đi vào làng trước mặt kia.  Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó.  Các anh cởi dây ra và đem nó về đây.  Nếu có ai bảo: ‘Tại sao các anh làm như vậy?’, thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay,” rồi một đám rước tập tễnh này hoàn toàn trái ngược với bất kỳ đám rước trang trọng công phu nào của người La Mã?  Tôi cảm thấy thế nào khi biết cảnh tượng đó là một lời tiên tri?  Và còn đám đông thì sao?  Bây giờ đang nhiệt tình, đón rước Chúa Giêsu.  Nhóm khác thì đang sôi máu sắp sửa đến đòi máu Ngài? 

2.     Tôi đang ở đâu trong khung cảnh đó?  Hãy để nó mở ra trước mặt mình khi tôi đọc lại bài đọc trên.  Nhìn thấy màu sắc, nghe thấy tiếng ồn, cảm nhận cường độ của khoảnh khắc và tất cả ý nghĩa của nó.  Khi thời gian cầu nguyện sắp kết thúc, tôi muốn nói gì với vị Vua khiêm Nhường này và những gì Ngài sắp phải đối mặt?  Hãy nói điều đó từ trái tim của tôi và hãy nói bằng cả sự thân tình như bạn với bạn.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Dâng Hiến của Thánh I-nha-xi-ô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và cả ý chí con, tất cả những gì con có, và đang làm chủ.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.  Đối với con, thế là đủ. Amen.” 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, March 22, 2024

Thứ Bảy Tuần V Mùa Chay – Năm B – 23-3-2024

Thu Bay V MC

Gioan 11:45-57

45Khi ấy, sau khi ông La-da-rô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây?  Người này làm nhiều dấu lạ. 48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” 49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, 50các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” 51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im.  Người ở lại đó với các môn đệ.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay tiếp nối trình thuật về “phép lạ” cuối cùng của Chúa Giêsu làm cho La-da-rô sống lại, trong Phúc âm Gioan.  Trong số những người đến thăm gia đình của La-da-rô, chắc chắn người thân thì ít, nhưng người hiếu kỳ thì nhiều.  Trong số đó có một số chứng kiến tận mắt việc Chúa làm và đã tin vào Chúa Giêsu, nhưng cũng có những kẻ không tin và đã đi báo cho những người Pha-ri-sêu, một nhóm thường xuyên chống đối Ngài.  Phúc âm Gioan có thể được chia làm hai phần, phần đầu từ chương 1-11 nói về những dấu lạ mà Chúa Giêsu đã làm nhằm để thuyết phục mọi người tin vào Ngài.  Phần hai bao gồm từ chương 12 đến 21 nói về vinh quang của Chúa Giêsu.  Bài đọc hôm nay nằm trong phần cuối cùng của nửa đầu Phúc âm Gioan, tức là sau nhiều dấu lạ Chúa Giêsu đã làm, đặc biệt dấu lạ ngoạn mục nhất đó là Ngài đã làm cho La-da-rô được sống lại, ấy vậy mà vẫn có những người không tin vào Ngài.  Tôi có thể dừng lại ở điểm này và tự hỏi: Tôi có tin vào Chúa Giêsu không?  Niềm tin vào Ngài mạnh đến mức nào và có sức biến đổi đời sống tôi ra sao?  Sau biết bao nhiêu những chứng từ sống và đổ máu để làm chứng về Chúa Giêsu, tôi có tin Ngài không?  Ngắm nhìn vũ trụ, suy ngẫm về cuộc đời của tôi với biết bao nhiêu dấu lạ Chúa làm nhãn tiền mỗi ngày, quanh tôi và trong tôi, tôi tin Ngài không?  Tôi muốn nói gì với Chúa Giêsu trong lúc này? 

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa và để ý những cụm từ nào đánh động tôi nhất.  Tôi để cho những cụm từ ấy dẫn dắt tôi vào thật sâu trong tương quan giữa tôi với Chúa Giêsu.  Tôi muốn nói chuyện với Chúa một cách thân tình như bạn với bạn về tất cả những gì đang xảy ra trong tôi, tất cả những gì tôi ưu tư lo lắng… và để ý xem Ngài đáp trả lại tôi ra sao.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Dâng Hiến của Thánh I-nha-xi-ô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và cả ý chí con, tất cả những gì con có, và đang làm chủ.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.  Đối với con, thế là đủ. Amen.” 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, March 21, 2024

Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay – Năm B – 22-3-2024

Thu Sau V MC

Giê-rê-mi-a 20:10-13

10Khi ấy, ông Giê-rê-mi-a thưa với Chúa rằng, Con nghe biết bao người vu cáo: “Kìa, lão ‘Tứ phía kinh hoàng!’, hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!”  Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.  Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa, rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!”  11 Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng.  Vì thế những kẻ từng hại con sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con.  Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên. 12 Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. 13 Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.

(Trích Sách Giê-rê-mi-a, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay được trích từ Sách Giê-rê-mi-a, nghe thật có hậu!  Bài đọc bắt đầu bằng hình ảnh rất bi quan và tối tăm của Giê-rê-mi-a, nhưng lại kết thúc bằng một niềm vui nhẹ nhàng.  Giê-rê-mi-a, nhà tiên tri bất đắc dĩ, nhưng với một sứ điệp cháy bỏng từ Chúa sẽ không bao giờ phai nhạt.  Thiên Chúa sử dụng tất cả mọi người trong những gì rất người của mỗi người.  Tôi có thể có tính khí của Giê-rê-mi-a.  Cảm giác ở một mức độ rất sâu sắc.  Điều gì đã thường giúp tôi đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ bi quan đến lạc quan, từ sợ hãi đến mạnh mẽ?  Làm thế nào mà Giê-rê-mi-a trong tất cả sự biểu cảm của ông lại bộc lộ những khía cạnh về bản chất của Thiên Chúa?  Làm thế nào những lời đầy bi quan và tối tăm này của Giê-rê-mi-a có thể phản ánh tâm trạng của chính Chúa Giêsu khi Ngài đối mặt với cuộc khổ nạn của Ngài?  

2.     Khi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần nữa, hãy hình dung Chúa Giêsu đã đọc những lời trên của Giê-rê-mi-a và giờ đây tôi cũng đọc chúng.  Tôi có thể ngồi với thế giới bi quan và đen tối của Giê-rê-mi-a, cũng như sự đau khổ đang chờ đợi Chúa Kitô trong tuần Thánh Sắp tới.  Hãy để những lời này vang lên: “Chúa ở cùng tôi như một chiến sĩ oai hùng”.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Dâng Hiến của Thánh I-nha-xi-ô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và cả ý chí con, tất cả những gì con có, và đang làm chủ.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.  Đối với con, thế là đủ. Amen.” 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, March 20, 2024

Thứ Năm Tuần V Mùa Chay – Năm B – 21-3-2024

 Thu Nam V MC

Sáng Thế 17:3-9

3Khi ấy, ông Áp-ram cúi rạp xuống.  Thiên Chúa phán với ông rằng: 4“Phần Ta, đây là giao ước của Ta với ngươi: ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc. 5 Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc. 6 Ta sẽ cho ngươi sinh ra nhiều, thật nhiều: Ta sẽ làm cho ngươi thành những dân tộc, và vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi. 7 Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và với dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác.  Đây sẽ là giao ước vĩnh cửu, do đó Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này. 8 Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Ca-na-an, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.”  9 Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham: “Phần ngươi, hãy giữ giao ước của Ta, ngươi và dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác.”

(Trích Sách Sáng Thế, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là những lời Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham về dòng dõi của ông.  Ngài nói riêng với Áp-ra-ham.  Hãy hình dung khoảnh khắc này.  Hãy hình dung âm thanh.  Và Áp-ra-ham, người có đức tin lớn lao này, phủ phục sấp mặt xuống đất.  Tôi hãy quan sát hiện trường.  Một sự trao đổi thân tình giữa Thiên Chúa và con người.  Hãy cảm nhận chiều sâu, sự thiêng liêng của khoảnh khắc này.  Chúa đưa ra những lời hứa.  Hãy để một phần nhỏ của những lời hứa được thấm sâu vào trong tâm trí tôi khi tôi suy niệm bài đọc trên. 

2.     Một giao ước.  Một sự đồng thuận.  Có tính vĩnh cửu.  Áp-ra-ham trở thành mẫu gương của niềm tin.  Giao ước này vượt xa Áp-ra-ham và gia đình ông.  Nó như thầm báo trước lời hứa trong Tin Mừng, giao ước mới sẽ được Chúa Giêsu lập cho các thế hệ sau này để minh chứng tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.  Khi Tuần Thánh đến gần, hãy để cho những lời quan trọng của Chúa phán với Áp-ra-ham đến với tôi, bởi tôi cũng có phần trong lời hứa ấy.  Hãy tạ ơn Chúa, Đấng đã yêu thương và đã đến trong thế gian.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Dâng Hiến của Thánh I-nha-xi-ô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và cả ý chí con, tất cả những gì con có, và đang làm chủ.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.  Đối với con, thế là đủ. Amen.” 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, March 19, 2024

Thứ Tư Tuần V Mùa Chay – Năm B – 20-3-2024

Thu Tu V MC

Gioan 8:31-42

31Khi ấy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” 33 Họ đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham.  Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ.  Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” 34 Đức Giê-su trả lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. 35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. 36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. 37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. 38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” 39 Họ đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.”  Đức Giê-su nói: “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. 40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa.  Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. 41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.  Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang.  Chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!” 42 Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến.  Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ  https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.     Bài đọc hôm nay là một trình thuật về cuộc đối chất đầy gay gắt giữa những người Do-thái với Chúa Giesu.  Tôi nghe thấy những từ được nói trong bài đọc hôm nay như thế nào?  Cảm nhận cả một bầu khí đầy căng thẳng?  “Chúng tôi là dòng dõi của Áp-ra-ham.”  Những người phản đối Chúa Giêsu bằng cách tự xưng họ thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham, nhưng dường như họ không thể hiện đức tin của tổ tiên vĩ đại của họ.  Chúa Giêsu chỉ cho họ tình yêu, sự tự do trong sự thật; để nhận ra tội lỗi, để trở thành môn đệ đích thực của Ngài bằng cách tiếp tục sống trong lời Ngài… “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi...”  Điều này nói với tôi như thế nào?

2.     Tôi đọc lại bài đọc trên một hoặc nhiều lần và để ý xem, điều gì còn đọng lại trong tôi.  Những cảm xúc nào đã xuất hiện trong tôi khi tôi đọc bài đọc trên.  Dù là cảm xúc nào đi nữa, tôi có thể chọn ở lại với Chúa Giêsu để hỗ trợ khi Người phải đối mặt với sự chống đối dữ dội không?  Hãy xin cho được đồng hành và ở bên Chúa Giesu luôn.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Dâng Hiến của Thánh I-nha-xi-ô: “Lạy Chúa, xin nhận lấy tất cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và cả ý chí con, tất cả những gì con có, và đang làm chủ.  Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại cho Chúa.  Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.  Chỉ xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Chúa.  Đối với con, thế là đủ. Amen.” 

Phạm Đức Hạnh, SJ