Friday, March 31, 2017

Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay – 01-04-2017

Thu Bay Tuan IV MC
Giê-rê-mi-a 11:18-20
18 ĐỨC CHÚA đã báo cho tôi và tôi đã biết. Bấy giờ Người cho tôi thấy âm mưu của chúng.19 Phần con, con khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt, con đâu biết chúng đang mưu tính hại con. Chúng bảo nhau: "Cây đương sức, nào ta chặt nó đi, loại nó ra khỏi đất dành cho kẻ sống, để không còn ai nhớ đến tên tuổi nó nữa!"20 Nhưng, lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh, Ngài công minh khi xét xử, Ngài thấu suốt tâm can từng gang tấc, con thấy Ngài trị tội chúng thật là đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.
(Trích Sách Giê-rê-mi-a theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:

1.     Tiên Tri Giê-rê-mi-a đã ví mình như một con chiên bị đem đi làm thịt.  Dù chỉ trong một vài chữ ngắn ngủi cũng đủ để thấy ông đang run sợ trước sự bắt bớ và hãm hại.  Tuy vậy, ông vẫn trông cậy ở Chúa.  Tôi muốn nhìn vào kinh nghiệm của tôi: trong những lúc gian nan thử thách, tôi thường trông cậy vào ai và vào cái gì?  Sự nương tựa vào Chúa, vào ai đó, hay cái gì đó đã giúp tôi đến đâu?  

2.     Có lẽ ông tìm lại được sức mạnh để dám đối diện với sự ác bằng cách nhận ra Chúa công minh, thấu suốt tâm can trong từng gang tấc.  Lời của tiên tri có là một an ủi giúp tôi nhận ra Chúa đang là sức mạnh trong tôi và là hy vọng giúp tôi đối diện với sự ác chăng? 

3.     Có một thế lực sự ác nào đang xô đẩy đời sống môn đệ của tôi trong lúc này?  Tôi muốn xin ơn gì cùng Chúa để giúp tôi vượt qua khó khăn và thử thách trong lúc này?

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, March 30, 2017

Thứ Sáu Tuần IV Mùa Chay – 31-03-2017

Thu Sau Tuan IV MC
Khôn Ngoan 2:12-22
12 Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.13 Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa, xưng mình là con của Đức Chúa.14 Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta, thấy mặt nó thôi là ta chịu không nổi.15 Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị.16 Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn. Nó tuyên bố rằng thật lắm phúc nhiều may, hậu vận của người công chính. Nó huênh hoang vì có Thiên Chúa là Cha.17 Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.18 Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.19 Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.20 Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm." Sai lầm của phường vô đạo. 21Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra mù quáng.22 Chúng không biết những bí nhiệm của Thiên Chúa, chẳng trông chờ người thánh thiện sẽ được thưởng công, cũng không tin kẻ tinh tuyền sẽ được ân thưởng.


(Trích Sách Khôn Ngoan theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Các bài đọc vào những ngày cuối Mùa Chay dường như muốn chuẩn bị cho người Kitô hữu ý thức về sự bắt bớ, hãm hại như cái giá của việc theo Chúa.  Cái giá đó là, sự sống tốt của tôi có thể là một cái gai, một sự phiền toái đối với mọi người đang sống trong bóng tối.  Có lẽ chính ở điểm này mà chữ “thế gian” thường được nói trong Phúc âm Gioan thể hiện đúng nghĩa nhất.  Nhưng chính ở sự bắt bớ và hãm hại đến thiệt thân là một câu hỏi đối với chính bản thân tôi: Tôi còn muốn theo Chúa, chọn Chúa nữa hay thôi?  Tôi trả lời trực tiếp với Chúa trong giờ cầu nguyện này.

2.     Đám người gian ác đang muốn giết người công chính trong Sách Khôn Ngoan có thể nói là đại diện cho những thế lực chống lại Thiên Chúa qua việc chối bỏ sự thiện hảo, tình yêu thương và tính trung thực, liêm khiết.  Hiểu như vậy tôi có thể thấy có lẽ tôi không bị bắt bớ bằng gươm súng hay tù đầy bằng xà-lim, nhà đá, nhưng có thể tôi đang bị bắt bớ và vây hãm bởi những giá trị trần thế đầy quyến dũ và mê hoặc khiến tôi có thể bán đứng anh chị em xung quanh chỉ vì đồng tiền, không dám sống lương thiện và làm ngơ không dám thi thố một nghĩa cử bác ái.  Tôi nghĩ tôi có đang sống cho những gì là chân thật, tuyệt mỹ và bác ái chăng?  Đây chính là những cách thức theo Chúa ngày nay.  Tôi muốn làm lại chọn lựa này để tôi thật sự sở hữu đức tin của tôi. 

3.     Bài đọc trên cũng cho tôi thấy rõ hơn lịch sử của Kitô giáo là một lịch sử của bắt bớ.  Ai theo Chúa để mong sống bình yên không bắt bớ, gian nan, người đó đang lạc đạo rồi.  Kitô giáo không phải là một tôn giáo ru ngủ trước bất công, không phải là một tôn giáo dành cho những con người hèn nhát, nhưng là dành cho những người mạnh mẽ, dám dấn thân, dám chết vì chân, thiện, mỹ cũng như vì tình yêu Thiên Chúa và đồng loại.  Tôi còn dám chọn niềm tin Kitô giáo nữa hay thôi?  Tôi hãy thẳng thắn trả lời với chính mình và với Chúa.   
Phạm Đức Hạnh, SJ   


Wednesday, March 29, 2017

Thứ Năm Tuần IV Mùa Chay – 30-03-2017

Thu Nam Tuan IV MC
Xuất Hành 32:7-8
7 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: "Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập.8 Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: "Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập."

(Trích Sách Xuất Hành theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô .net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài đọc về thờ bò vàng trong Sách Xuất Hành không chỉ nói đến một biến cố lịch sử lâu đời của dân Do-thái mà còn muốn nói đến việc thờ ngẫu tượng trong lịch sử loài người ở mọi nền văn hóa và qua mọi thời đại.  Tôi có thể thấy việc thờ ngẫu tượng đang xảy ra ngay ngày hôm nay và ngay trong chính con người của tôi.  Khi tôi biến một việc làm, một nếp sống hay một ai đó quan trọng đến mức không dễ thay thế được, không có Thiên Chúa và tình yêu trong đó, khi ấy tôi đã biến chúng thành bò vàng để thờ và thành thần tượng rồi.  Khi ấy Thiên Chúa sẽ bị loại vào hàng thứ yếu. Đâu là những cái gọi là thần tượng trong đời sống tôi lúc này? 
2.     Có lẽ ai ai cũng biết thờ ngẫu tượng là sai, thế nhưng không dễ gì trút bỏ, không dễ gì chấp nhận rằng tôi đang thờ ngẫu tượng, hoặc không dễ gì để tôi có thể chọn Chúa là nhất, trên hẳn mọi thứ trong cuộc đời của tôi.  Tôi xin Chúa giúp tôi sáng suốt nhận định đâu là ngẫu tượng trong đời sống mà tôi đang thờ, trên cả Chúa?  Đồng thời xin cho tôi có được một lòng khao khát yêu Chúa trên hết và mãi mãi. 
Phạm Đức Hạnh, SJ 






Tuesday, March 28, 2017

Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay – 29-03-2017

Thu Tu Tuan IV MC
Gioan 5:19-30
19 Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: "Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy.20 Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc.21 Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.22 Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử,23 để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.24 Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. 25 Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống.26 Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy,27 lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người.28 Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con29 và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.30 Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.
(Trích Phúc âm Gioan theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô .net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Có một sự gắn bó mật thiết, một sự đả thông rất trong suốt giữa Chúa Cha và Chúa Con, đến mức tuy hai mà một và tuy một mà hai.  Điều này nói lên tình yêu tuyệt hảo giữa Chúa Cha và Chúa con, không một chút dị biệt.  Trong giây phút này, tôi có thể chiêm ngắm tình yêu của hai ngôi vị dành cho nhau để tôi có thể thấy tình yêu ấy cũng đang thể hiện trong tôi mỗi khi tôi sống và hành xử với tất cả tình yêu và sự chân thành đồng thời luôn hướng về sự thật. 
2.     Có một ý tưởng xuyên suốt toàn bộ Thánh kinh đó là tất cả mọi người được mời gọi để làm theo thánh ý Chúa Cha.  Đây chính là đỉnh cao của ơn gọi Kitô  hữu, bắt chước Chúa Giêsu trong mọi lúc, làm theo thánh ý Chúa chứ không làm theo ý tôi.  Tôi tự xét mình xem mọi việc tôi đang làm, lối sống tôi đang có, có đang là làm theo ý Chúa Cha chăng?  Nếu không, tôi cần phải thay đổi ra sao? 

3.     Nhận định ý Chúa là một nét đặc trưng trong linh đạo Thánh Inhaxio, vị sáng lập Dòng Tên.  Ngài nói có ba trường hợp người tín hữu cần phải làm một quyết định: 1) Khi biết rõ phải làm điều gì; 2) Khi cảm thấy bối rối về việc mình làm; 3) Khi không thấy chắc chắn cũng không thấy bối rối.  Khi làm quyết định cần phải soi vấn đề tôi quyết định có phản ảnh nguyên lý nền tảng và mục tiêu cuộc đời như Chúa đã dựng nên tôi hay không? Có một suy nghĩ hay vấn đề gì mà tôi đang bận tâm, cần phải quyết định chăng?  Tôi có thể cầu nguyện để xin ơn soi sáng trong chọn lựa của tôi.  
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 27, 2017

Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay – 28-03-2017

Thu Ba Tuan IV MC
Ê-dê-ki-en 47:1-10,12
1 Người ấy dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này: có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông. Nước từ phía dưới bên phải Đền Thờ chảy xuống phía nam bàn thờ.2 Người ấy đưa tôi ra theo lối cổng bắc và dẫn tôi đi vòng quanh theo lối bên ngoài, đến cổng ngoài quay mặt về phía đông, và này: nước từ phía bên phải chảy ra.3Người ấy đi ra phía đông, tay cầm dây đo, đo năm trăm thước rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến mắt cá chân.4 Người ấy đo năm trăm thước nữa rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến đầu gối. Người ấy lại đo năm trăm thước nữa rồi dẫn tôi đi qua nước: nước ngập đến ngang lưng.5 Người ấy còn đo năm trăm thước nữa: đó là một con sông, tôi không thể đi qua được vì nước đã dâng cao, khiến không thể đi qua mà chỉ bơi mới được thôi.6 Người ấy bảo tôi: "Ngươi có thấy không, hỡi con người? " Rồi người ấy dẫn tôi trở lại bờ sông.7 Khi tôi trở lại, thì này: có rất nhiều cây cối ở hai bên bờ sông.8 Người ấy bảo tôi: "Nước này chảy về miền đất phía đông, xuống vùng A-ra-ba, rồi đổ ra biển Chết và làm cho nước biển hoá lành.9 Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống. Sẽ có rất nhiều cá, vì nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống. 12 Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết: mỗi tháng các cây đó sẽ sinh trái mới nhờ có nước chảy ra từ thánh điện. Trái dùng làm lương thực còn lá để làm thuốc."
(Trích Sách Ê-dê-ki-en theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanduckito.net/kinhthanh/cuu%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Những bài đọc tuần này đầy tràn những hình ảnh của sự sống mới.  Bài đọc ngày hôm nay cũng thế.  Nước là biểu tượng của sự sống.  Ở đâu có nước, ở đó sự sống.  Hình ảnh nước chảy luôn đem đến cái gì mới và sự sống.  Nước tràn ngập từ đền thờ chảy ra nói lên một sự sống mới chan hòa khắp nơi.  Tôi cảm thấy thế nào về hình ảnh này?  Dòng nước này có thể đang thanh luyện tôi trong giờ cầu nguyện ngày?  Dòng nước này có thể đang tưới mát những vùng đất khô trong cuộc đời của tôi?  Dòng nước này đang cho tôi một cái gì mới mẻ trong tâm hồn tôi?  Hãy để cho tất cả những điều này được xảy ra trong đời sống của tôi lúc này.
2.     Bài đọc này có làm tôi ý thức đến thân xác tôi là đền thờ của Thiên Chúa ngự chăng?  Hình ảnh thân xác là đền thờ của Chúa là một cách diễn tả rất thường gặp trong các thư của Phaolo.  Tôi cũng ngắm nhình chính thân xác tôi có đang dồi dào sức sống trong lúc này chăng?  Dòng nước làm cho các cây hai bên dòng nước xanh tươi, sinh hoa kết trái và hoa lá nó dùng làm thuốc chữa bệnh.  Cuộc đời tôi có đang mang đến cho mọi người xunh quanh một sức sống mới, một sự chữa lành chăng?  Tôi để ý đến điều này và làm cho nó thành hiện thực trong đời sống mỗi ngày của tôi.
3.   Đoạn văn trên nói đến dòng nước đem đến sức sống phì nhiêu, cây cối xanh tươi và có rất nhiều loại cá, một môi trường xanh mà thế giới ngày nay đang mơ ước.  Tôi muốn nhớ tới môi trường sống đang bị hủy hoại chung quanh tôi.  Là người Việt Nam, tôi nghĩ đến quê hương tôi đang chật vật với tình trạng môi trường đang bị hủy hoại do việc xây dựng kỹ nghệ thiếu kiểm soát, cụ thể là Formosa, đang trở thành quốc nạn.  Tôi cầu nguyện cho những nạn nhân của hủy hoại môi trường.  Tôi đóng góp được gì cho vấn đề ngăn chặn và chữa lành môi trường sinh thái ở Việt Nam cũng như ngay tại nơi tôi đang sống?  Tôi muốn có một quyết tâm cụ thể để bạo vệ môi trường sinh thái của hành tinh này.  
Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, March 26, 2017

Thứ Hai Tuần IV Mùa Chay – 27-03-2017

 Thu Hai Tuan IV MC
Isaia 65, 17-21
17Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. 18Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. 19Vì Giê-ru-sa-lem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. 20Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn; vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa. 21Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái.
(Trích Sách Isaia theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://kinhthanhvn.net/sach-i-sai-a-2-nhom-phien-dich-cgkpv/)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Rõ ràng Isaia đang nói về một viễn tưởng thiên đàng mai sau, lời ông là một hy vọng cho cuộc sống, giúp họ vượt qua cảnh sống đầy khó khăn. Nơi thiên đàng đó mọi người sẽ có một cuộc sống viên mãn với Thiên Chúa. Lời của Isaia ngày hôm nay không còn là một viễn tưởng bởi thiên đàng đó đã có ngay trong cuộc sống này khi Thiên Chúa xuống thế, cắm lều và ở giữa cuộc đời này.  Tôi nhận ra sự hiện diện của thiên đàng hay không là tùy ở tôi.  Tôi có thể kinh nghiệm thiên đàng này ngay trong phút giây của giờ cầu nguyện này, bằng cách trầm mình trong sự hiện diện của Chúa.

2.     Dấu chỉ của tôi kinh nghiệm về thiên đàng, về Thiên Chúa là cuộc đời tôi được biến đổi, trở nên hạnh phúc hơn, chan hòa yêu thương hơn.  Liệu người khác gặp tôi họ có thể cảm thấy như ở trong thiên đàng không?  Họ có cảm thấy như họ cũng được gặp Chúa không?  Tôi muốn sống, muốn thể hiện một cuộc sống có Chúa đang sống trong tôi ngay hôm nay. 
Phạm Đức Hạnh, SJ 

Saturday, March 25, 2017

Chúa Nhật IV Mùa Chay – 26-03-2017

Chua Nhat IV MC
Gioan 9:1-41
1 Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. 2Các môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?" 3Đức Giê-su trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. 4Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. 5Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian."
6Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, 7rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa" (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.
8Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: "Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?" 9Có người nói: "Chính hắn đó!" Kẻ khác lại rằng: "Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!" Còn anh ta thì quả quyết: "Chính tôi đây!" 10Người ta liền hỏi anh: "Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế?" 11Anh ta trả lời: "Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: "Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy." 12Họ lại hỏi anh: "Ông ấy ở đâu?" Anh ta đáp: "Tôi không biết."
13Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. 14Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. 15Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: "Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy." 16Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát"; kẻ thì bảo: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" Thế là họ đâm ra chia rẽ. 17Họ lại hỏi người mù: "Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Người là một vị ngôn sứ!"
18Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. 19Họ hỏi: "Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được?" 20Cha mẹ anh đáp: "Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. 21Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được." 22Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. 23Vì thế, cha mẹ anh mới nói: "Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó."
24Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi." 25Anh ta đáp: "Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được!" 26Họ mới nói với anh: "Ông ấy đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?" 27Anh trả lời: "Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?" 28Họ liền mắng nhiếc anh: "Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. 29Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến." 30Anh đáp: "Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! 31Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. 32Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. 33Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì." 34Họ đối lại: "Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?" Rồi họ trục xuất anh.
35Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?" 36Anh đáp: "Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?" 37Đức Giê-su trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây." 38Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin." Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.
39Đức Giê-su nói: "Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!"
40Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng: "Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?" 41Đức Giê-su bảo họ: "Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn!"
(Trích Phúc âm Luca theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài Phúc âm tuy dài nhưng không thể cắt ngắn được vì nơi đây chứa đựng một điều rất đẹp về cái giá của đức tin.  Tôi có thể đọc lại trình thuật này.  Rõ ràng Gioan không có ý tường trình việc anh mù được Chúa Giêsu chữa cho khỏi mù, một cách khôi hài.  Gioan muốn mượn câu chuyện của anh mù để nói về tiến trình phát triển của đức tin và cái giá của đức tin.
2.   Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn ngắm nhìn tiến trình phát triển đức tin của anh mù: Từ: tôi không biết ông ấy là ai, chỉ nghe đó là Đức Giêsu, đến người ấy là một ngôn sứ, đến ông ấy phải là bởi Thiên Chúa, và cuối cùng tin nhận và phủ phục trước Chúa Giêsu. Anh đã phải tranh đấu như thế nào để có một đức tin như vậy? 
3.  Tôi để ý hành trình đức tin của anh mù này, đầy cô đơn và thử thách. Chính cha mẹ anh ta cũng không muốn hệ lụy.  Anh bị chính những người lãnh đạo giáo hội đuổi anh khỏi đền thờ.  Tuy vậy, anh không nản lòng và vẫn quyết tin vào Chúa, chỉ vì anh đã kinh nghiệm trực tiếp với Chúa Giêsu.  Tôi có một kinh nghiệm riêng tư nào với Chúa Giêsu không?  Nếu không, chắc chắn tôi không đứng vững được trước cô đơn và bách hại.  Tôi có thể kinh nghiệm Ngài ngay trong giờ cầu nguyện này.  Hãy nói chuyện với Chúa Giêsu.  Tôi cần đi vào tương quan riêng với Chúa Giêsu, chứ không thể chỉ tin ở một mớ giáo lý, đọc ba câu kinh sáng tối cho qua, đi lễ một cách miễn cưỡng vật vờ.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, March 24, 2017

Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay – 25-03-2017 – Lễ Truyền Tin

Thu Bay Tuan III MC
Luca 1:26-38
26Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." 29Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. 30Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." 34Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" 35Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." 38Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
(Trích Phúc âm Luca theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Trong linh thao khi chiêm niệm bài cầu nguyện này, Thánh Inhaxio mời gọi người làm linh thao hãy hình dung bối cảnh truyền tin này và đặt mình vào trong bối cảnh, chứ đừng đứng ở ngoài nhìn vào một cách thụ động.  Chính tôi đang chứng kiến cảnh Ngôi Hai Thiên Chúa làm người.  Hãy để ý xem tôi là ai trong căn phòng khi thiên thần hiện đến? Tôi nghe thấy gì? Tôi nhìn thấy gì? Tôi ngửi thấy gì? Tôi nếm thấy gì? Tôi cảm thấy gì? Tôi phản ứng ra sao? Tôi nói gì?  Tôi làm gì? Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn hiện diện tròn đầy bằng cả ngũ quan của tôi trước mầu nhiệm cao cả này.
2.     Các thánh Giáo Phụ nói rằng, tin Thiên Chúa xuống làm người là một tin lớn chấn động thiên cung và ngạc nhiên đến nỗi các thiên thần giật mình té khỏi ghế! Giờ đây không chỉ có Mẹ Maria, mà chính tôi cũng có Chúa nữa. Tôi muốn chiêm ngắm và cảm nghiệm Thiên Chúa đang lớn lên trong tôi ngay lúc này. Tôi phản ứng và biết ơn ý định cao cả này của Chúa đang dành cho tôi ra sao?

3.     Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng Kinh Kính Mừng.  Tôi đọc một cách chậm rãi để nghe thật rõ lời chào của thiên thần nói với Mẹ.  Tôi ngắm nhìn phản ứng của Mẹ trước lời chào này.  Tôi có tâm tình gì muốn nói với Mẹ trong lúc này?
Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, March 23, 2017

Thứ Sáu Tuần III Mùa Chay – 24-03-2017

Thu Sau Tuan III MCMác-cô 12: 28-34
28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?"29 Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!"
(Trích Phúc âm Mác-cô theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Nếu được hỏi về giáo lý, tôi có thể đọc vanh vách Mười Điều Răn và kết thúc dễ dàng bằng câu: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.”  Ấy thế, tôi sống thế nào mới là vấn đề.  Trong giờ cầu nguyện này tôi có thể nhìn lại đời sống của tôi. Chúa Giêsu hay bất cứ ai có thể nhận ra tôi đã yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí không và hết sức lực tôi chăng?  Nếu chưa, tôi cần phải làm gì để thể hiện tình yêu của tôi đối với Ngài?  Tôi có quyết tâm gì?

2.     Giá mà Chúa Giêsu nói rằng chỉ có một điều răn quan trọng là yêu mến Chúa thì hay quá, nhưng Ngài lại nói thêm điều răn yêu người cũng quan trọng không kém.  Tôi có thể dễ dàng yêu Chúa trong lòng, trong nhà thờ, nhưng yêu anh chị em xung quanh không chỉ trong cầu nguyện mà còn ở ngoài nhà thờ, quả là điều không dễ.  Tôi có thể sống đạo tách ly khỏi cuộc đời này một cách dễ dàng, nhưng đem đạo vào đời, vào giữa những đau khổ và bất công trong cuộc sống để rồi làm cho nó đẹp hơn, hạnh phúc hơn, đòi hỏi rất nhiều ở niềm tin, sự hy sinh, lòng quảng đại và dấn thân.  Tôi có thể cầu nguyện cho chính tôi có được ý thức sống đức tin giữa đời trong lúc này.  Tôi có thể bàn chuyện với Chúa về cách thức biến đổi cuộc đời ở mọi nơi tôi sống và trong mọi tương quan của tôi với mọi người.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, March 22, 2017

Thứ Năm Tuần III Mùa Chay – 23-03-2017

Thu Nam Tuan III MC
Luca 11, 14-20
14 Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên.15 Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: "Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ."16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời.17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: "Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia.18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được? ... bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông.20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.
(Trích Phúc âm Luca theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Hai hình ảnh nổi bật trong đoạn trên đó là ma quỷ và Chúa Giêsu.  Ma quỷ hành hạ người ta, khiến người ta trở nên câm; trong khi đó, Chúa Giêsu chữa lành, mở miệng giúp người ta có thể nói năng bình thường.  Tôi có thể bỏ qua một bên sự bận tâm như: Có thật Chúa Giêsu trừ quỷ trong đoạn văn trên không?  Vấn đề tôi cần quan tâm trong giờ cầu nguyện này là: Đâu là thế lực của sự ác đang bịt miệng tôi khiến tôi có miệng mà như câm, không thể nói lên sự thật, không thể nói những tiếng yêu thương, không thể ca tụng Thiên Chúa?  Thế lực sự ác có thể là một ai đó, một tổ chức nào đó, có thể là tiền bạc, sự bận rộn, hoặc tâm hồn bệnh hoạn.  Tôi xin Chúa giúp tôi nhìn ra những sự ác này và xin Ngài giải câm cho tôi.

2.     Công việc của Chúa Giêsu trong suốt quá trình rao giảng của Ngài là mở miệng kẻ câm, chữa lành người què, phục hồi kẻ điếc, và làm cho người chết sống lại.  Tôi có thể học ở Chúa Giêsu thái độ sống này và tôi cũng có thể làm những gì mà Chúa Giêsu đã từng làm, cho mọi người mà tôi tiếp xúc gặp gỡ mỗi ngày, đó là mỗi khi tôi làm bất cứ điều gì tôi đều làm với tất cả yêu thương, vì yêu thương và cho yêu thương.  
Phạm Đức Hạnh, SJ  

Tuesday, March 21, 2017

Thứ Tư Tuần III Mùa Chay – 22-03-2017

Thu Tu Tuan III MC
Matthêu 5, 17-19
17 "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
(Trích Phúc âm Matthêu  theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanducKitô.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Nhìn toàn bột Phúc âm Matthêu, tôi có thể thấy Chúa Giêsu được trình bày như một Mô-sê mới.  Mô-sê cũ ban lề luật cho dân, Mô-sê mới cũng có thể làm điều đó, nhưng Ngài đã không làm.  Ngài chỉ kiện toàn luật cũ.  Không phải luật cũ đã sai, nhưng con người hiểu sai.  Người ta đã dùng luật và giải thích luật một cách khắt khe, bất chấp tình thương đối với con người.  Họ biến luật trở thành ngẫu tượng và sùng bái nó.  Tôi có thái độ này đối với luật Chúa chăng?  Trong giờ cầu nguyện này tôi muốn nhìn lại lối sống đạo của tôi xem có máy móc, không có lý trí và tình thương của tôi trong đó? 

2.     Có lẽ không ai sống mà không cần luật, cũng như không ai sống mà không cần tình yêu.  Luật Chúa là một bộ luật của yêu thương, tôi có thể dùng luật của ngài như cây thước hoặc như cái roi.  Tôi để ý tôi đang dùng luật theo kiểu nào?  Tôi muốn xin Chúa giúp tôi nhận ra, lớn lên trong cách thi hành luật.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, March 20, 2017

Thứ Ba Tuần III Mùa Chay – 21-03-2017

Thu Ba Tuan III MCMatthêu 18, 21-22
21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? "22 Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."
(Trích Phúc âm Matthêu  theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanduckito.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Mối bận tâm của Phê-rô về tha thứ có thể là mối bận tâm của mọi người và của tôi đang phải đối diện mỗi ngày.  Tôi đang có khó khăn về tha thứ?  Tôi có thể bàn hỏi với Chúa về vấn đề này.  Tha thứ không bao giờ dễ, nếu tôi có thể cầu nguyện cho người mà tôi đang khó tha thứ, tha thứ và tiến trình chữa lành có thể đã bắt đầu rồi.  Nếu tôi không thể cầu nguyện cho người tôi đang oán hận, hãy xin Chúa cho tôi có lòng ao ước muốn tha thứ và dám tha thứ.
2.    Tha thứ thường khó xảy ra vì những hiểu lầm về tha thứ.  Tha thứ không có nghĩa là phải quên. Tha thứ không có nghĩa là xí xóa, bỏ qua, hay coi nhẹ việc làm sai trái mà người khác đã xúc phạm đến tôi.  Tha thứ là tôi chọn làm chủ chính tôi, tự giải thoát tôi khỏi hận thù, không để cho kẻ ác kia tiếp tục giam tôi trong đau khổ.  Đâu là những ngục tối hận thù đang giam hãm tôi?  Tôi phá đổ nó được không?  Tôi có thể xin Chúa giúp tôi việc này.  80% những người có thể tha thứ thú nhận là phải có ơn Chúa. 
3.     Tha thứ không có nghĩa là làm ngơ trước bất công và bỏ qua lẽ công bằng đối với kẻ đã làm điều ác, điều sai trái. Hãy tha thứ, nhưng cần đòi hỏi xử công bằng. Tha thứ không đồng nghĩa với hòa giải.  Tha thứ có thể dẫn đến hòa giải, chứ không phải là hòa giải.  Tha thứ chỉ cần một bên, trong khi đó hòa giải đòi hỏi cả hai bên. Tha thứ là miễn phí, tin tưởng phải có giá của nó. Một khi có sự tin tưởng, tha thứ đó mới có thể dẫn tới hòa giải. Tôi đang có quyết định muốn tha thứ ư?  Hãy bàn chuyện này với Chúa để có một việc làm cụ thể, một hướng đi đúng đắn.
4.     Henry Lacordaire nói, “Bạn muốn hạnh phúc trong giây lát ư? Hãy trả thù.  Bạn muốn hạnh phúc mãi mãi ư? Hãy tha thứ.” Tôi có thể đã thừa hưởng một sự bạo hành và oán thù từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhưng tôi có tự do chọn để không tiếp tục truyền sự bạo hành và oán thù trên con cháu tôi từ nay trở đi.  Tôi xin Chúa giúp tôi dám tha thứ để con cháu tôi được thật sự tự do và hạnh phúc. 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, March 19, 2017

Thứ Hai Tuần III Mùa Chay – 20-03-2017 – Lễ Thánh Giuse

Thanh Giuse
Matthêu  1, 18-24
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
(Trích Phúc âm Matthêu  theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://www.chungnhanduckito.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài đọc trên có thể nói là kinh nghiệm rất đẹp về phân định ý Chúa của Giuse.  Trước hết là sự dằn vặt nội tâm, giữa yêu thương và ruồng bỏ, giữa ý tôi và ý Chúa; kế tiếp là đón nhận sự soi sáng nội tâm qua báo mộng của thiên thần, và cuối cùng là chọn lựa cách thức nào đưa mình gần Chúa và mọi người hơn.  Tôi có thể học nơi Thánh Giuse sự phân định ý Chúa trong mọi chọn lựa của đời sống tôi chăng? 
2.     Cho dẫu Giuse được xem là người công chính, nhưng ông không tránh khỏi những dằn vặt nội tâm giữa ý riêng và ý Chúa, một cái gì rất người.  Tôi có thể nói chuyện với Giuse về những gì tôi đang dằn vặt lúc này?  Tôi có thể nói chuyện và xin ngài giúp tôi lắng nghe tiếng Chúa ra sao trong những vấn đề tôi phải chọn lựa lúc này. 
3.     Phúc âm Matthêu  là phúc âm đã nhắc đến Giuse nhiều nhất và lần nào nhắc đến ngài đều là lúc ngài đang ngủ, thậm chí đang mơ.  Tuy vậy, ông là người rất tỉnh.  Ông đọc được ý Chúa trong mơ, một dấu chỉ của một người yêu Chúa rất nhiều.  Bởi khi yêu người ta trở nên nhạy bén với người mình yêu trong mọi lúc, kể cả khi ngủ.  Tôi có được lòng mến Chúa như Giuse chăng?  Lòng tôi có luôn tỉnh thức và nhạy bén trong mọi lúc chăng?  Nếu không rất khó có thể nghe được tiếng Chúa.  Hãy xin Chúa cho tôi được một lòng ao ước yêu Chúa mãnh liệt.
Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, March 18, 2017

Chúa Nhật III Mùa Chay – 19-03-2017

Chua Nhat III MC
Gioan 4:5-15, 19b-26, 39a, 40-42
5Vậy, Người đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. 6Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. 7Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: "Chị cho tôi xin chút nước uống!" 8Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. 9Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: "Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?" Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. 10Đức Giê-su trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: "Cho tôi chút nước uống", thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống."  11Chị ấy nói: "Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ? 12Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy." 13Đức Giê-su trả lời: "Ai uống nước này, sẽ lại khát. 14Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời." 15 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: "Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước." 
19 Người phụ nữ nói với Người: "Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ... 20Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa." 21Đức Giê-su phán: "Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. 23Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật."  25Người phụ nữ thưa: "Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự." 26Đức Giê-su nói: "Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây." 
39 Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. 40Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. 42Họ bảo người phụ nữ: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian."
(Trích Phúc âm Gioan theo bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ http://kinhthanhvn.net/tin-mung-gio-an-nhom-phien-dich-cgkpv/)
Gợi ý cầu nguyện:
1.     Bài Phúc âm trên chỉ là trích đoạn trong một bài dài của Chúa nhật III Mùa Chay.  Nếu quý vị có giờ có thể đọc nguyên bài dài sẽ nhận thấy nhiều nét đẹp trong trình thuật này.  
2.     Đây là một cuộc đối thoại rất đặc biệt trong Phúc âm Gioan mà từ thời gian đầu của Giáo hội cho đến nay, Giáo hội luôn dùng bài này trong các giáo xứ có người dự tòng.  Nếu để ý, tôi có thể thấy, cuộc đối thoại giữa người đàn bà và Chúa Giêsu tiến triển như một tiến trình phát triển đức tin.  Bà gọi Chúa Giêsu bằng các danh xưng khác nhau từ xa lạ đến gần, từ khinh thường đến tôn thờ--Mới đầu chỉ là người Do-thái (xa lạ và thù địch đối với bà là người Samari), sau là một ngôn sứ và cuối cùng là Mê-si-a.  Tôi có thể nhập cuộc với bà trong giờ cầu nguyện này chăng?  Tôi có thể nói gì với Chúa về cách tôn thờ Thiên Chúa trong hoàn cảnh của tôi hôm nay?  Xin Ngài giúp tôi càng ngày càng trở nên gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu hơn.
3.     Bài phúc âm kết thúc bằng một câu thật hay: “Họ bảo người phụ nữ: ‘Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.’”  Đức tin là phải lớn lên như thế.  Không thể dựa dẫm mãi, vì bố mẹ tôi rửa tội cho tôi nên tôi vẫn còn tin, vẫn còn giữ đạo.  Không thể như vậy được, mà phải nói: “Không phải vì cha mẹ tôi đã rửa tội cho tôi nên tôi tin nữa, mà vì chính tôi đã có kinh nghiệm riêng với Chúa.  Chính tôi đã gặp Ngài và tôi sống đức tin bằng cả niềm xác tín của tôi.”  Tôi có thể nói chuyện và gặp gỡ Chúa Giêsu thường xuyên để xây đắp tình thân với Ngài mỗi ngày mạnh mẽ hơn chăng? 
Phạm Đức Hạnh, SJ