Wednesday, September 30, 2020

Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên – Năm A – 1-10-2020 – Lễ Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu, Trinh Nữ và Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Nam 26 TN

Mát-thêu 18:1-5

1 Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. 5 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay Giáo hội mừng kính Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu (1873-1897), một vị thánh rất nổi tiếng trong lịch sử Giáo hội cận đại, và được phong là Tiến sĩ Hội thánh.  Nên nhớ, tước vị tiến sĩ của các thánh trong Giáo hội được dịch từ chữ La-tinh “Doctor” có nghĩa là “Thầy dạy”, cách gọi này không phải để nói về học vị tiến sĩ nào đó mà các ngài đã học, bởi có những vị chưa bao giờ học qua đại học, cụ thể là Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu mà Giáo hội mừng kính hôm nay.  Vì thế, tước hiệu tiến sĩ Hội thánh chỉ để nói về đời sống nhân đức và những gì vị thánh ấy đã viết ra, có tính thần học và giáo lý, đáng để cả Giáo hội học hỏi và bắt chước.  Lịch sử Giáo hội, từ ban đầu cho đến nay, mới chỉ có 36 vị thánh được gọi là thánh tiến sĩ, trong đó bao gồm: 4 thánh là nữ, 18 thánh là giám mục, 12 thánh là linh mục, 1 thánh là phó tế, 1 thánh là giáo dân.  Vậy Thánh Tê-rê-xa có gì để lại cho Giáo hội học hỏi?  Nói đến Thánh Tê-rê-xa là nói đến con đường nhỏ.  Ngài nêu gương và chỉ cho mọi người biết cách nên thánh bằng con đường đơn sơ nhỏ bé, như một trẻ nhỏ.  Người ta không cần phải làm những chuyện vĩ đại và phi thường như: trở thành những nhà thần học uyên thâm, những nhà truyền giáo nổi tiếng thế giới, những học giả viết hằng trăm quyển sách, mới làm thánh.  Không.  Mọi người có thể nên thánh và gặp gỡ Chúa trong những cách sống đơn sơ và việc làm tầm thường mỗi này, như: giặt quần áo, nấu ăn, chăn heo, lau chùi nhà cửa, hoặc vá khâu…  Tôi có thể nên thánh trong cách đơn sơ này, trong ngày hôm nay không?  Tôi muốn cố gắng sống mỗi ngày của tôi cho thật thánh qua cách chào hỏi, nói năng với mọi người, qua tất cả những gì tôi đọc, những gì tôi thấy, những gì tôi đụng chạm, những gì tôi làm, những gì tôi cảm nghiệm, miễn là tôi tập nhận ra sự hiện diện của Chúa trong tất cả những điều đó, nhận ra vẻ đẹp của cuộc sống trong mọi thụ tạo mà tôi gặp.  Đây là con đường nhỏ, cách nên thánh, của Thánh Tê-rê-xa.

2.      Cách thức nên thánh của Thánh Tê-rê-xa cũng không xa với những gì Chúa Giêsu dạy trong bài đọc hôm nay: Hãy trở nên như trẻ thơ để được vào Nước Trời.  Chúa Giêsu không có ý nói đến thể lý của tôi, phải nhịn ăn cho người còm cõi, nhỏ bé, nhưng là tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, không chanh chua, không ganh đua, không tham lam, không độc ác, không khoác lác, không hống hách, nhưng khiêm nhường, phó thác, tin tưởng, mở lòng đón nhận mọi sự như một trẻ thơ.  Con đường khiêm nhường trẻ thơ có thể ví như con đường nước.  Nước bao giờ cũng chảy xuống, chỗ nào càng thấp nước càng thích tràn vô, chỗ nào có kẽ hở nước luôn tìm đến và mở rộng dần.  Bởi vậy, tâm hồn tôi càng mở rộng, càng trũng bao nhiêu, ơn Chúa càng trào tràn trong tôi bấy nhiêu.  Tôi sẽ chọn sống như thế nào trong ngày Lễ Thánh Tê-rê-xa hôm nay?  Tôi sẽ chọn sống như thế nào, kể từ nay trở đi, như lời mời gọi của Chúa Giêsu: Trở nên như một trẻ nhỏ?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu và Thánh Tê-rê-xa trong lúc này về tất cả dự phóng nên thánh của tôi hôm nay.    

Phạm Đức Hạnh, SJ       

Tuesday, September 29, 2020

Thứ Tư Tuần XXVI Thường Niên – Năm A – 30-9-2020 - Lễ Kính Thánh Jerome, Linh Mục và Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Tu 26 Tn 

Luca 9:57-62

57Khi ấy, đang khi Đức Giê-su đi đường cùng các môn đệ, thì có kẻ đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 58 Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” 59 Đức Giê-su nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!”  Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” 60 Đức Giê-su bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” 61 Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” 62 Đức Giê-su bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay kể, Chúa Giêsu đang nói chuyện với các môn đệ thì có ba người đến ngỏ ý muốn theo Ngài.  Có vẻ lối sống của Chúa Giêsu và những lời Ngài giảng đã rất lôi quấn đối với dân chúng, khiến họ muốn đi theo.  Nên nhớ, Chúa Giêsu đã không bao giờ cho người ta ăn bánh vẽ, một thứ mà các chính trị gia ngày nay thường cho các cử tri của họ ăn!  Chúa Giêsu nói thẳng trong lời chiêu mộ của Ngài rằng, ai muốn theo Ngài sẽ phải gặp rất nhiều chông gai: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người (chính Chúa Giêsu) không có chỗ tựa đầu.”  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn đặt mình vào bối cảnh của bài đọc này, để được thấy: Đám đông dân chúng là những ai?  Chúa Giêsu đã giảng những gì?  Họ chăm chú lắng nghe Chúa Giêsu như thế nào và có thái độ như thế nào?  Tôi có cảm thấy Chúa Giêsu và những lời giảng của Ngài cũng hấp dẫn tôi không?  Tôi còn muốn theo Chúa Giêsu nữa hay không, khi Ngài nói rõ những khó khăn của hành trình theo Ngài?  Trong giây phút này, tôi cũng muốn nói chuyện với Chúa Giêsu về lối sống và thái độ của tôi, trước những lời mời gọi của Ngài.

2.      Lời mời gọi theo Chúa Giêsu không chỉ đầy khó khăn, nhưng còn là một lời mời gọi rất cấp bách và đòi hỏi người ta phải dứt khoát.  Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không có ý nói người ta phải coi thường những bổn phận quan trọng nhất trong gia đình như: chôn cất người thân, hoặc từ giã người thân là việc làm chẳng nên.  Kiểu nói phóng đại của Chúa Giêsu chỉ muốn nói rằng: Theo Chúa là một hành động cấp bách và dứt khoát, không có một lý do nào xứng đáng để kiếu từ.  Cấp bách đến nỗi dám đặt ơn gọi này lên trên TẤT CẢ MỌI SỰ trong cuộc sống.  Dứt khoát đến nỗi không còn lưỡng lự, phân vân, như: Theo Chúa thì được gì và mất gì?  Tôi muốn xem lại đời sống ơn gọi theo Chúa của tôi bao lâu nay có luôn là một ưu tiên hàng đầu, có dứt khoát không?  Điều gì đang ngăn trở tôi, trong hành trình theo Chúa Giêsu?  Tôi đang gặp khó khăn gì trong hành trình này?  Tôi cần ơn gì để hành trình theo Chúa Giêsu được trọn vẹn?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu trong lúc này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát, “Tôi Xin Chọn Người,” của Ngọc Kôn, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=HJeoGbjLMtU 

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, September 28, 2020

Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên – Năm A – 29-9-2020 – Lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Rafael và Gabriel

 

Thu Ba 26 TN

Gioan 1:47-51

47 Khi ấy, Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.” 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” 49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” 50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin!  Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay là lễ kính ba tổng lãnh các thiên thần, đó là: Tổng lãnh Thiên Thần Michael, Tổng lãnh Thiên Thần Rafael, và Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel.  Nhiều người cảm thấy rất mơ hồ khi nói về thiên thần.  Mặc dù người Công giáo tin có thiên thần, đồng thời có lễ kính các Thiên thần Bản mệnh, và lễ ba Tổng lãnh Thiên thần như hôm nay, nhưng hầu hết ai cũng chỉ nói một cách mơ hồ về các ngài và tin không mạnh mẽ lắm.  Điều này dễ hiểu thôi, bởi các ngài thuộc loại vô hình.  Giáo lý Công giáo dạy rằng: Thiên thần cũng là những thụ tao của Thiên Chúa nhưng khác biệt và hoàn hảo hơn con người ở chỗ, họ là thuần linh, có trí năng, ý chí, ngôi vị và bất tử (GLCG #330).  Vai trò của các thiên thần trong Giáo hội là trợ giúp các tín hữu bằng cách, bảo vệ và hướng dẫn họ đến sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa (GLCG #334, 336).  Bởi thế mỗi người đều có một thiên thần, gọi là Thiên thần Bản mệnh.  Hôm nay, Giáo hội kính ba tổng lãnh các thiên thần, đó là: Tổng lãnh Thiên Thần Michael, được mệnh danh là sức mạnh của Thiên Chúa; Tổng lãnh Thiên Thần Rafael, thầy thuốc của Thiên Chúa; Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel, sứ giả của Thiên Chúa, như là dịp để tôi biết ơn, yêu mến và ý thức sự hiện diện của các ngài hơn trong đời sống đức tin của tôi.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay tôi có thể chiêm ngắm, đối thoại với các ngài, đặc biệt xin các ngài giúp tôi kết hiệp với Thiên Chúa hơn mỗi ngày. 

2.      Người Công giáo không bao giờ tham dự Thánh lễ một mình, nhưng trong bất kỳ Thánh lễ nào của người Công giáo, mọi người đều được mời gọi hợp cùng với cả triều thần thiên quốc đồng thanh chúc tụng Thiên Chúa và tung hô: Thánh!  Thánh!  Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, trời đất đầy vinh quang Chúa.  Hoan hô Chúa…!  Trong cả triều thần thiên quốc, không chỉ có các thiên thần, còn có thiên thần bản mệnh của tôi, có tất cả các thánh nam nữ, có thánh bổn mạng của tôi, có thánh tôi rất yêu mến, đặc biệt có tổ tiên ông bà cha mẹ của tôi, những người đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa, cùng dẫn tôi vào Thánh lễ, cùng dẫn tôi đến gặp Chúa.  Tôi ý thức điều này không mỗi khi cầu nguyện và mỗi khi tham dự Thánh lễ?  Kể từ hôm ngay, tôi sống ý thức hơn về điều này.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Sunday, September 27, 2020

Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên – Năm A – 28-9-2020

Thu Hai 26 TN

Gióp 1:6-22

6Vậy một ngày kia, các con cái Thiên Chúa đến trình diện ĐỨC CHÚA; Xa-tan cũng đến trong đám họ. 7 Bấy giờ ĐỨC CHÚA phán với Xa-tan: “Ngươi từ đâu tới?”  Xa-tan thưa với ĐỨC CHÚA: “Rảo quanh cõi đất và lang thang khắp đó đây.” 8 ĐỨC CHÚA phán với Xa-tan: “Ngươi có để ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không?  Thật chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toàn và ngay thẳng, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác!” 9 Nhưng Xa-tan thưa lại với ĐỨC CHÚA: “Có phải Gióp kính sợ Thiên Chúa mà không cầu lợi chăng? 10 Chẳng phải chính Ngài đã bao bọc, chở che nó tư bề, nó cũng như nhà cửa và tài sản của nó sao?  Ngài đã ban phúc lành cho công việc do tay nó làm, và các đàn súc vật của nó lan tràn khắp xứ. 11 Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt!” 12 ĐỨC CHÚA phán với Xa-tan: “Được, mọi tài sản của nó thuộc quyền ngươi, duy chỉ có con người của nó là ngươi không được đưa tay đụng tới.”  Rồi Xa-tan rút lui khỏi nhan ĐỨC CHÚA.

13Vậy một ngày kia, các con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu ở nhà người anh cả của họ, 14thì một người đưa tin đến nói với ông Gióp: “Trong lúc bò của ông cày ruộng và lừa cái ăn cỏ bên cạnh, 15dân Sơ-va đã xông vào cướp lấy; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay.” 16 Người ấy còn đang nói thì một người khác về thưa: “Lửa của Thiên Chúa từ trời giáng xuống đã đốt cháy chiên dê và đầy tớ; lửa đã thiêu rụi hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay.” 17 Người này còn đang nói thì một người khác về thưa: “Người Can-đê chia thành ba toán ập vào cướp lấy lạc đà; còn các đầy tớ, chúng dùng gươm giết chết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay.” 18 Người ấy còn đang nói, thì một người khác về thưa: “Con trai con gái ông đang ăn tiệc uống rượu trong nhà người anh cả của họ, 19thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà; nhà sập xuống đè trên đám trẻ; họ chết hết, chỉ có mình tôi thoát nạn về báo cho ông hay.” 20 Bấy giờ ông Gióp trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy 21và nói: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.  ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!” 22 Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa.

(Trích Sách Gióp, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay tôi cùng Giáo hội cầu nguyện với Sách Gióp, một tập sách rất hay, rất nổi tiếng trong kho tàng Sách Khôn Ngoan của Do-thái Giáo, được cho là của ông Gióp, viết vào khoảng năm 2000-1800 T.C.N.  Tuy nhiên, cũng có người cho rằng sách này do Môi-sê, Solomon, hoặc Elihu.  Sách Gióp được cho là tập thi ca đầu tiên trong Kinh Thánh Do-thái Giáo, và có người còn cho rằng đây là tập sách đầu tiên trong toàn bộ Kinh Thánh.  Toàn bộ Sách Gióp là những lý giải về đau khổ: Đau khổ từ đâu mà đến?  Tại sao người công chính phải đau khổ?  Một trong những lý giải trong bài đọc hôm nay về đau khổ đó là: Đau khổ của con người là do Chúa gởi.  Như tôi thấy trong bài đọc hôm nay, Chúa đã cho phép Xa-tan gây tai ương xuống trên gia đình ông Gióp, một người công chính và giầu có, khiến ông mất hết tất cả.  Tôi đồng ý với cách lý giải về đau khổ trong bài đọc hôm nay không?  Một trong những cách lý giải của người Việt Nam về đau khổ, mỗi khi có ai bị đau khổ tang thương nào, người Việt Nam vẫn thường nói: Trời phạt, hoặc Ông Trời có mắt!  Tuy nhiên đó là cách lý giải về đau khổ dành cho những người ác.  Vậy còn người công chính như Gióp thì sao?  Người Việt Nam cũng thường nói, những người công chính bị đau khổ là do Chúa thử!  Tôi nghĩ một người cha người mẹ thương con hết mực có khi nào thử con cái đến tán gia bại sản không?  Dĩ nhiên là không, thế tại sao tôi cứ nói Chúa thử những người công chính đến cùng đường như vậy?  Những cách lý giải về đau khổ của tôi là gì?  Là người tin vào một Thiên Chúa nhân từ vô bờ bến, tôi có thấy những cái nhìn từ văn hóa của tôi về đau khổ có đúng không?  Tôi nói chuyện với Chúa xem Ngài lý giải ra sao về đau khổ?    

2.      Bài đọc hôm nay kết thúc thật có hậu, rất đẹp và rất siêu thoát: “‘Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.  ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!’  Trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa.”  Có khi nào gặp đau khổ và tôi đã nói được như Gióp, hoặc đã không than trách, xúc phạm đến Chúa chưa?  Gióp thật siêu thoát, ông không chấp nhận kiểu lý giải đau khổ là do Chúa gởi đến.  Điều gì đã giúp ông thật tự do và siêu thoát như vậy?  Có phải vì niềm tin và lòng mến của ông với Thiên Chúa, khiến ông có một cái nhìn thật khác với những cách lý giải về đau khổ của người cùng thời với ông?  Tôi muốn nói chuyện với Gióp và học ở ông niềm tin cũng như lòng mến mà ông có với Thiên Chúa. 

Saturday, September 26, 2020

Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên – Năm A – 27-9-2020

 

CN 26 TN

Phi-líp-phê 2:1-11

1Thưa anh em, nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, 2 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. 3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. 4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. 5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su. 6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. 9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ ; 11và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.

(Trích Sách Giảng Viên, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời của Phao-lô gởi cho Cộng đoàn Phi-líp-phê năm xưa vẫn còn thích hợp cho cộng đoàn, gia đình của tôi hôm nay.  Trong đó, Phao-lô chỉ ra những dấu chỉ của một tập thể và cá nhân có Chúa Kitô, đó là: sự tâm đầu ý hợp của mọi thành viên, liên kết với nhau trong cùng một Thần Khí, cùng yêu thương nhau và đem đến cho nhau những niềm vui, sự thân tình và sự cảm thông.  Đời sống của cộng đoàn, của gia đình tôi và đặc biệt là của tôi đang có những dấu chỉ nào nói lên sự hiện diện của Chúa Kitô lúc này?  Tôi lấy giờ cầu nguyện này mà kiểm điểm và cầu xin một sự hoán cải tận căn trong tôi, gia đình và cộng đoàn của tôi.

2.      Phao-lô cũng chỉ ra cách thức đúng nhất tạo nên sự liên kết trong cộng đoàn đó là, tinh thần phục vụ lẫn nhau theo gương Chúa Kitô: khiêm nhường, không tìm tư lợi, và không kể mình là hơn người.  Tôi đọc lại cách thức Chúa Kitô khiêm nhường, tự hạ chính mình như thế nào và bắt chước Ngài.  Hy vọng mỗi ngày tôi trở nên giống Chúa Kitô hơn.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Friday, September 25, 2020

Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 26-9-2020

Thu Bay 25 TN 

Giảng Viên 11:9-12:1,7-8

11/9Này bạn thanh niên, cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc
trong những ngày còn trẻ: cứ chiều theo ước muốn của lòng mình và những gì mắt mình ưa thích.  Nhưng bạn phải biết rằng: về tất cả những điều đó, Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử. 10 Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn, khử trừ đớn đau khỏi thân xác, vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả. 12/1 Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình.  Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi, những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói: “Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả!”… 7 Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình. 8 Ông Cô-he-lét nói: “Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả!”

(Trích Sách Giảng Viên, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Những lời từ Sách Giảng Viên hôm nay rất lạc quan và đầy khích lệ.  Những lời ấy khuyến khích tôi hãy sống hết mình, tận hưởng cuộc đời này như một món quà Chúa cho, và làm cho tâm hồn hạnh phúc.  Kẻo, tôi sẽ phải tiếc nuối, vì mọi sự rồi sẽ qua đi, thời trai trẻ sẽ không còn và sức lực rồi cũng hao mòn, theo năm tháng.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể nhìn lại đời sống của tôi: Bao lâu nay tôi có sống vui, sống khỏe, sống hết mình chưa?  Đâu là những thói quen, những tiêu khiển và lối sống đang làm cho cuộc đời tôi buồn tẻ, tàn lụi và mất dần sinh lực sống?  Tôi nói chuyện với Chúa về những định hướng cho tương lai của tôi, sống sao cho hết mình và tận hưởng mọi ân huệ Chúa ban trong thánh ý Chúa, bắt đầu từ ngày hôm nay.

2.      Những lời từ Sách Giảng Viên hôm nay cũng chỉ cho tôi thấy, tất cả những gì tôi đang có và hiện hữu đều là ân huệ Chúa ban, hãy tưởng nhớ đến Ngài và cảm ơn Ngài luôn.  Tất cả những gì tôi có và đang làm chủ, rồi sẽ trượt khỏi tầm tay của tôi.  Chẳng có gì tôi có thể giữ được trong cuộc đời này, từ hơi thở, sức khỏe, danh vọng, tiền bạc và mọi tương quan…  Tôi sinh ra trong trần truồng, tôi sẽ trở về đất bụi trong trần truồng.  Bởi thế, thái độ đúng nhất và cần nhất là sống mỗi ngày như là ngày đầu tiên, ngày duy nhất và là ngày cuối cùng trong cuộc đời của tôi.  Đồng thời, biết ơn Thiên Chúa và biết ơn mọi người về tất cả mọi sự tôi đang có và tận hưởng.  Trước khi kết thúc giờ cầu nguyện này, tôi muốn dùng bài hát: “Khúc Ca Tạ Ơn” của Thiên Ân để tạ ơn Chúa và cám ơn cuộc đời: https://www.youtube.com/watch?v=vIRzs6i3U-M

Phạm Đức Hạnh, SJ

Thursday, September 24, 2020

Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 25-9-2020

Thu Sau 25 TN

Giảng Viên 3:1-11

1Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: 2một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; 3một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; 4một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; 5một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; 6một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; 7một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; 8một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà. 9 Làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì? 10 Tôi nhìn thấy công việc mà Thiên Chúa giao cho con người phải gắng sức làm. 11 Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.

(Trích Sách Giảng Viên, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay, tôi được đọc một đoạn nổi tiếng nữa của Sách Giảng Viên, diễn tả mọi sự trong đời đều có lúc có thời của nó.  Bài đọc hôm nay có thể rất gần với câu nói của Việt Nam: “Sông có khúc, người có lúc.”  Điều này nói lên hai sự thật: Thứ nhất, Thiên Chúa là Đấng duy nhất làm chủ thời gian và mọi sự; thứ hai, chẳng có gì trong cuộc đời này là vững bền mãi mãi.  Những gì tôi nghĩ là có thể làm chủ được, chỉ là tạm bợ.  Thực thế này có làm cho tôi hy vọng hơn không, khi tôi đang phải đối diện với những đau khổ và mệt mỏi với cuộc sống?  Điều này có thúc đẩy tôi phải buông bỏ, phải trở nên tự do và thanh thoát hơn không, khi tôi đang giữ khư khư sự uất hận về ai đó hoặc về cuộc đời này, hoặc đang ôm mãi trong lòng một nỗi buồn của quá khứ?  Điều này có làm cho tôi bình an hơn không, khi tôi biết nhiều khó khăn sẽ chờ đợi tôi ở phía trước?  Chúa ở đâu trong những lo lắng, sợ hãi, khổ đau, thất vọng, hận thù và mệt mỏi của cuộc sống?  Tôi đọc lại những lời khôn ngoan trên và tìm sự hiện diện của Chúa trong những gì tôi đã trải qua, đang trải qua hoặc sẽ phải trải qua, để thấy tôi không đơn độc, để thấy Chúa luôn đồng hành và đỡ nâng tôi trong mọi lúc, nhờ vậy tôi có thêm ý lực sống, thêm sức mạnh để đi tới và thêm tự tin để đối diện với mọi thực tế của cuộc sống.

2.      Tác giả Sách Giảng Viên cũng nói: Thiên Chúa giao công việc cho con người, vậy phải gắng sức làm.  Đâu là những công việc mà Chúa giao cho tôi hôm nay?  Ai là người tôi sẽ gặp trong ngày hôm nay?  Bản tin nào tôi sẽ gởi ra cho thế giới hôm nay?  Liệu thế giới hôm nay có được đón nhận một bản tin đầy hy vọng, được sống trong bình an hơn và yêu thương hơn, một phần cũng tùy ở tôi cộng tác với Chúa như thế nào.  Tôi muốn nói chuyện với Chúa trước khi tôi khởi đầu, hoặc kết thúc, một ngày sống của tôi hôm nay.  Tôi muốn kết thúc giờ cầu nguyện hôm nay bằng bài hát: “Hãy Ký Thác Đường Đời Cho Chúa,” của Thành Tâm, do Hiền Phạm trình bày, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=mxVzP-p6neM

Phạm Đức Hạnh, SJ

Wednesday, September 23, 2020

Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 24-9-2020

 

Thu Nam 25 TN

Giảng Viên 1:2-11

2Ông Cô-he-lét nói: “Phù vân, quả là phù vân.  Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. 3 Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời? 4 Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. 5 Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. 6 Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. 7 Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy.  Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. 8 Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn.  Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới. 9 Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ? 10 Nếu có điều gì đáng cho người ta nói: “Coi đây, cái mới đây này!”, thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. 11 Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.

(Trích Sách Giảng Viên, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Hôm nay Giáo hội mời gọi tôi cầu nguyện với Sách Giảng Viên, một sách nữa trong kho tàng Sách Khôn Ngoan của Do-thái giáo, được cho là của Vua Salomon, viết ra vào khoảng năm 935 T.C.N.  Những lời của bài đọc hôm nay nằm trong Phần Mở Đầu, nói lên nội dung của cả tập sách: Ý nghĩa cuộc đời này là gì?  Solomon suy ngẫm sự đời và cuộc đời của chính ông, và cảm thấy nhàm chán, buồn tẻ, vì mọi sự cứ xoay vần biến chuyển, đến rồi đi, xuất hiện rồi lại mất, ngoài tầm kiểm soát của con người.  Đặc biệt, khi sống mà chỉ theo sự nổi trôi của cuộc đời, chẳng biết Chúa là ai, Đấng tạo nên và điều khiển mọi sự vần xoay, ông cảm thấy cuộc đời của ông thật vô tích sự, cuộc sống này thật vô nghĩa.  Lời Mở Đầu của Sách Giảng Viên và cũng là tâm sự của Solomon có làm tôi suy nghĩ về cách sống hiện nay của tôi không?  Tôi là một con người, không phải là một con vật, ấy vậy mà mỗi ngày sống của tôi lại cứ vận hành như một cỗ máy, thua kém hơn cả con vật.  Chẳng lẽ tôi cứ sinh ra, lớn lên, lập gia đình, sinh con cái, giành giật từng miếng ăn mỗi ngày, rồi già, rồi chết sao?  Lãng xẹc quá!  Chúa ở đâu trong mỗi ngày sống của tôi?  Ý nghĩa cuộc đời này là gì?  Chỉ khi nào tôi kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất, tôi mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.  Tôi muốn chiêm ngắm Thiên Chúa trong lúc này, suy ngẫm về cuộc đời của tôi, nhìn lại ngày sống hôm nay của tôi và hỏi Chúa về ý nghĩa của cuộc đời. 

2.      Tôi đọc lại bài đọc trên và ngẫm suy về những lời đó, hầu giúp tôi được bình an, thanh thoát, tự do, buông bỏ, không hận thù, không ganh đua, không sợ hãi.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện bằng bài hát, “Phù Vân,” của Xuân Đường, qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=1cD9qTTKfe8

Phạm Đức Hạnh, SJ

Tuesday, September 22, 2020

Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 23-9-2020 – Lễ Thánh Pius of Pietrelcina, Linh mục

Thu Tu 25 TN 

Châm Ngôn 30:7-9

7Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: 8Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa.  Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giầu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, 9kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: “Đức Chúa là ai vậy?” hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.

(Trích Sách Châm Ngôn, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay được trích từ Sách Châm Ngôn, một tập sách thuộc kho tàng Sách Khôn Ngoan của Do-thái giáo, viết ra khoảng thế kỷ thứ 7 T.C.N.  Bài đọc hôm nay là một lời nguyện thật đẹp, chân thành, đơn sơ, nhưng nó nói lên những điều quan trọng nhất mà mọi người cần phải xin trong đời, để luôn kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và luôn được thanh thoát.  Lời  nguyện này đẹp như một chiếc áo giữ ấm tôi những ngày đông lạnh, làm cho tôi tươi mát những ngày hè, và làm đẹp mọi cuộc gặp gỡ giữa tôi với Chúa và mọi người.  Trong giờ cầu nguyện này, trước hết, tôi muốn xin cho biết khao khát ơn xin thứ nhất: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa.  Sự dối trá và lọc lừa có là một lối sống trong tôi bao lâu nay, hay đang ảnh hưởng đến mọi tương quan của tôi như thế nào?  Sự dối trá và lọc lừa đang đục ruỗng lòng tôi, làm ung thư mọi tương quan giữa tôi với Chúa và mọi người ra sao?

2.      Kế đến, tôi muốn xin ơn thứ hai của lời cầu nguyện trong bài đọc hôm nay: “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: ‘ĐỨC CHÚA là ai vậy?’ hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.”  Tôi dám xin ơn này không?  Đây cũng chính là một trong những điều mà Chúa Giêsu dạy tôi phải xin trong Kinh Lạy Cha: "Xin cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày dùng đủ."  Cuộc đời tôi có đang quá đam mê tiền bạc và của cải khiến tôi chẳng còn biết Chúa nữa, chẳng còn giờ cho gia đình và những người xung quanh nữa?  Cuộc sống của tôi có đang quá nghèo, khiến tôi chẳng còn tin Chúa nữa, khiến tôi làm những chuyện ô danh Thiên Chúa và làm nhục lòng tôi?  Tôi muốn tâm sự với Chúa trong lúc này.  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng cách, đọc lại nhiều lần hai ơn xin trong bài đọc hôm nay, để hai lời nguyện này vang lên mãi trong lòng tôi cả ngày hôm nay và cả đời sống của tôi.

Phạm Đức Hạnh, SJ

Monday, September 21, 2020

Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 22-9-2020

 

Thu Ba 25 TN

Luca 8:19-21

19Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” 21 Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

(Trích Phúc âm Luca, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay cho tôi thấy, rất đông dân chúng đi nghe Chúa Giêsu giảng, nhiều đến nỗi người thân của Ngài không thể chen chân vô được.  Đây là một bài đọc có thể rất thích hợp cho tôi dùng phương pháp cầu nguyện của Thánh I-nha-xi-ô Loyola, cầu nguyện bằng ngũ quan.  Trong giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể hình dung cảnh dân chúng chen chúc nhau để nghe Chúa Giêsu giảng.  Tôi đặt mình vào trong đám đông này, và để ý xem tôi nghe, nhìn, đụng chạm, ngửi, cảm thấy gì không?  Những tiếp xúc bằng ngũ quan tôi đang có với Chúa Giêsu, hay với đám đông?  Tôi ở xa hay thật gần bên Chúa Giêsu lúc này?  Tôi để ý cảm xúc, lòng ao ước, thái độ đang diễn ra trong tôi trước đám đông, và trước những lời giảng của Chúa Giêsu.

2.      Câu nói của Chúa Giêsu: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành,” thật thú vị.  Phải chăng tôi vẫn thường nghĩ, giá mà tôi được gặp Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt lúc này, chứ chưa nói gì đến chuyện được là người thân sinh ra Ngài, thì hạnh phúc biết mấy.  Lòng ao ước và sự khao khát này dẫu có đẹp, nhưng sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực được.  Chúa Giêsu hiểu điều này, và Ngài chỉ cho tôi lòng ao ước trong tầm tay của tôi, ai cũng có thể làm được, nhưng sẽ cho tôi niềm hạnh phúc còn lớn hơn cả việc là người thân sinh ra Ngài, đó là: Nghe lời Chúa và đem ra thực hành.  Đẹp quá!  Tôi hằng ao ước làm điều Chúa Giêsu dạy như thế nào?  Tôi ngồi đây trong sự mở lòng, mong được Chúa Giêsu dạy bảo tôi về cách sống, phải làm gì, phải yêu tha nhân như thế nào trong ngày hôm nay, phải hiểu và giải quyết những vấn đề của xã hội quanh tôi như thế nào, và tôi quyết tâm thực hành.  Tôi để ý niềm vui lớn như thế nào khi thực hành những điều Chúa Giêsu dạy. 

Phạm Đức Hạnh, SJ          

Sunday, September 20, 2020

Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 21-9-2020 – Lễ Thánh Mát-thêu, Tông đồ Thánh Sử

 

Thu Hai 25 TN

Mát-thêu 9:9-13

9Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm.  Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!”  Ông đứng dậy đi theo Người. 10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.  Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Một điều rất hiển nhiên trong đời sống đó là, khi yêu ai, hoặc đam mê một cái gì, tôi thường rất tinh nhạy về sự hiện diện của người đó hoặc vật đó, dù người đó hay vật đó có đang ở chỗ nào đó đông đúc và ánh sáng kém, tôi vẫn nhận ra.  Nhận định này thật đúng với sự tinh nhạy của Chúa Giêsu về Mát-thêu, một người tội lỗi.  Chúa Giêsu vừa đi qua phố, giữa chốn đông người qua lại đi tới đi lui, tiếng ồn nói cười của người mua kẻ bán, vậy mà mắt Ngài đã hướng ngay đến người thu thuế Mát-thêu, và Ngài đã gọi ông.  Tại sao Chúa Giêsu lại gọi ông dù ông là người tội lỗi?  Bởi vì Ngài đến trong cuộc đời này là cho người tội lội.  Có thể nói, những người tội lỗi luôn có một chỗ đặc biệt trong trái tim của Chúa Giêsu.  Cả cuộc đời của Ngài chỉ đi “săn lùng” những người tội lỗi, không phải để lên án hay bắt họ vào tù, nhưng là để yêu thương, giải thoát và chữa lành cho họ.  Tôi là loại người nào?  Chúa Giêsu có bỏ qua tôi không, hay Ngài đang gọi và tôi đang xua đuổi Ngài?  Chỉ một cách duy nhất khiến Ngài bỏ tôi đó là, tôi cho tôi là người công chính và không cần đến Ngài.  Tôi lấy giây phút này nhìn lại chính mình, để biết tôi là ai và tôi cần Chúa đến mức nào.    

2.      Một điều nữa cũng đáng cho tôi suy nghĩ trong giờ cầu nguyện hôm nay đó là, thái độ dứt khoát của Mát-thêu.  Vừa nghe Chúa Giêsu gọi, Má-thêu lập tức đứng dậy, bỏ nghề thu thuế, đi theo Chúa Giêsu, trở thành một trong mười hai tông đồ.  Mát-thêu quả là “con cá lớn” mà Chúa Giêsu đã câu được.  Nhờ vậy mà hôm nay tôi có Tin Mừng Mát-thêu, qua đó tôi được biết Chúa Giêsu hơn.  Vấn đề là tôi có cảm thấy bị giao động, được biến đổi và dứt khoát theo Chúa Giêsu không?  Điều gì khiến tôi vẫn bám víu vào lối sống cũ, không thể theo Chúa Giêsu ngay, hoặc không thể theo Ngài một cách dứt khoát?  Tôi cần Ngài giúp không?  Tôi tâm sự với Ngài trong lúc này.   

Phạm Đức Hạnh, SJ

Saturday, September 19, 2020

Chúa Nhật Tuần XXV Thường Niên – Năm A – 20-9-2020

 

CN 25 TN

Mát-thêu 20:1-16a

1Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5 Họ liền đi.  Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ 7 Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’  Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: 12 ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn.  Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi.  Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao?  Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

(Trích Phúc âm Mát-thêu, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Nếu bài đọc hôm qua từ Phúc âm Luca (8:4-8) tôi đã gặp người gieo giống, Thiên Chúa, gieo một cách xả láng, vung vãi thì bài đọc hôm nay từ Phúc âm Mát-thêu (20:1-16a), tôi lại bắt gặp một chủ vườn nho, cũng lại là Thiên Chúa, trả tiền lương cho những người làm công một cách lạ thường, khiến tôi có thể rất dễ kết luận là Chúa bất công.  Tuy nhiên, Chúa không hề bất công, Ngài trả tiền cho người làm từ đầu ngày, đúng như những gì đã thỏa thuận.  Ngài trả tiền cho người đến làm giờ sau chót bằng người làm từ đầu ngày chỉ vì Ngài thương người đến sau, vì nếu không, họ sẽ không có đủ tiền cho họ và gia đình sống ngày hôm ấy.  Như vậy, dụ ngôn của Chúa Giêsu không nhằm nói đến sự công bằng theo nghĩa trần thế, nhưng nói đến lòng nhân từ đầy quảng đại của Thiên Chúa với tất cả mọi người.  Điều đáng lưu ý đó là, Chúa Giêsu kể dụ ngôn này cho các môn đệ, sau khi họ đã tự hào là đã bỏ mọi sự mà theo Ngài (Mt 19:27-30), và Ngài kết thúc dụ ngôn hôm nay bằng câu: “Kẻ sau hết sẽ lên trước hết và kẻ trước hết sẽ lên sau hết!”  Điều này đã xảy ra đúng như vậy.  Vì cuối cùng, các môn đệ cũng sẽ được hưởng Nước Trời như người trộm lành!  Tôi cảm thấy như thế nào về lòng quảng đại của Chúa Giêsu?  Tôi đồng ý hay không đồng ý?  Tôi nói chuyện với Chúa Giêsu trong giây phút này. 

2.      Không chỉ có bài đọc hôm nay mới nói đến Thiên Chúa từ bi nhân hậu, quảng đại một cách lạ thường.  Tôi có thể tìm thấy cách diễn tả này trải dài xuyên suốt cả quyển Kinh Thánh, chẳng hạn: Chuyện Đa-vít khóc thương Ab-sa-lôn (2 Samuel 14-19); Ba dụ ngôn thất lạc trong Luca 15; Chuyện gieo giống Luca 8:4-8; Chúa cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương (Mt 5:43-48); Chúa quan phòng (Lc 12:22-32); Dụ ngôn chủ tha nợ (Lc 7:36-50); Dụ ngôn ông chủ tha nợ (Mt 18:23-35)…  Những cách diễn tả Thiên Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót đến khó hiểu này, thật đúng với điều Isaia mô tả: Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của Đức Chúa.  Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55:8-9).  Trong giây phút này, tôi muốn chiêm ngắm lòng từ bi và nhân hậu của Chúa, hy vọng được hiểu phần nào, và đặc biệt dám áp dụng lòng từ bi và nhân hậu ấy vào đời sống thường ngày của tôi, kể từ hôm nay.

Phạm Đức Hạnh, SJ