Friday, January 1, 2021

Thứ Bảy Tuần I Giáng Sinh – Năm B – 2-1-2021 – Lễ Thánh Basil Cả và Gregory Nazianzen, Giám Mục và Tiến Sĩ Hội Thánh

Thu Bay GS

Gioan 1:19-28

19Đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” 20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” 21 Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào?  Ông có phải là ông Ê-li-a không?”  Ông nói: “Không phải.” - “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?”  Ông đáp: “Không.” 22 Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến?  Ông nói gì về chính ông?” 23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. 24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. 25 Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?” 26 Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước.  Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. 27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” 28 Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.

(Trích Phúc âm Gioan, bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay cho tôi thấy, những tư tế và các Thầy Lê-vi từ Giê-ru-sa-lem đến điều tra về căn tính và việc làm của Gioan Tẩy Giả.  Như vậy, chứng tỏ Gioan đang rất nổi tiếng.  Gioan nổi tiếng đến nỗi, họ tưởng ông là Đấng Kitô, Ê-li-a, hoặc một ngôn sứ nào đó.  Nên nhớ, Đấng Kitô nghĩa là Đấng Cứu Thế mà nhiều tiên tri trước kia đã loan báo.  Ngài sẽ xuất hiện với đầy quyền năng và sẽ giải thoát dân.  Dân chúng đã rất tin tưởng vào lời các tiên tri và họ đang mong chờ.  Ê-li-a là một tiên tri lớn của Cựu Ước, xuất hiện vào khoảng thế kỷ 9 T.C.N, được ví ngang hàng với Môi-sê.  Ông đã bảo vệ và cứu Do-thái giáo khỏi nạn ngẫu thần giáo Ba-an.  Dù được ví ngang hàng với những nhân vật lớn mà toàn dân nể phục và mong chờ, Gioan đã rất thẳng thắn chối.  Ông đã rất khiêm nhường mà nhận rằng: Ông chỉ là tiếng hô trong hoang địa, hãy sửa đường cho Đức Chúa đi.  Giờ cầu nguyện này, tôi muốn hình dung hình ảnh Gioan rất nổi tiếng, nhưng có đời sống rất đơn sơ: sống trong hoang địa, mặc áo bằng da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng.  Vậy mà, ông vẫn dám nói: Ông chẳng là gì, Đấng đến sau ông mới quan trọng.  Như vậy, trước hết, sự khiêm nhường của Gioan quả là phi thường.  Nếu có ai hỏi tôi về căn tính của tôi, tôi sẽ trả lời như thế nào?  Đặc biệt khi tôi đã có địa vị, thành danh trong xã hội, được nhiều người biết đến và yêu mến, tôi sẽ trả lời với thái độ nào?  Sau nữa, ngay giữa đời sống khổ hạnh ấy, Gioan vẫn nói tốt về Thiên Chúa.  Như vậy, lòng đạo đức của ông quả là tột bậc.  Có bao giờ tôi nghèo khổ đến cạp đất mà ăn, nhưng vẫn vui vẻ mở miệng ca tụng Thiên Chúa không?  Tôi muốn chiêm ngắm Gioan và học ở ông sự khiêm nhường, dám từ bỏ mình, và lòng đạo đức của ông, yêu mến Chúa đến hết mình.  

2.      Kể từ hôm nay cho đến ngày 5 tháng 1, Giáo hội sẽ dùng bài đọc từ Phúc âm Gioan, từ Lời Mào Đầu 1:1 đến hết câu chuyện Chúa Giêsu làm phép nước thành rượu tại tiệc cưới ở Cana, 2:12.  Nếu quan sát kỹ tôi sẽ nhận ra ngay, Gioan cấu trúc đoạn 1:1-2:12 theo bảy ngày, một tuần làm việc của Chúa Giêsu.  Bảy ngày này nhắc nhở tôi về bảy ngày trong chương đầu tiên của Kinh Thánh, thuộc Sách Sáng Thế.  Bài đọc hôm nay, nằm trong phần bảy ngày làm việc của Chúa Giêsu, với lời chứng của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu.  Như vậy, Gioan muốn nói sự xuất hiện và làm việc của Chúa Giêsu là khởi đầu cho một cuộc tạo dựng mới.  Cuộc tạo dựng cũ đã qua đi, đã bị hư hại bởi tội, nay Chúa Giêsu đem mọi sự mới trở lại.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi có thể quan sát, và để ý Chúa đang quan sát: Giáo hội của tôi, giáo xứ của tôi, gia đình của tôi, đặc biệt trong tâm hồn tôi, có điều gì cần phải đổi mới không?  Tôi sẽ làm gì để đổi mới những góc cạnh ấy?  Tôi nghĩ Chúa sẽ làm gì để đổi mới những góc cạnh ấy?  Tôi nhận thấy Chúa đang làm gì cho công cuộc đổi mới này?  Tôi muốn cộng tác như thế nào với Chúa cho công cuộc đổi mới ấy, ngay trong lúc này và ngay trong ngày hôm nay?  Tôi kết thúc giờ cầu nguyện này bằng bài hát, “Sống Khiêm Nhường,” qua đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=9MJVEibY5gY

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment