Saturday, February 29, 2020

Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm A – 1-3-2020


CN I MC

Sáng Thế 2:7-9; 3:1-7

2/7Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.  8Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.  9Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.  3/1Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra.  Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?’  2Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.  3Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.’”  4Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu!  5Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.”  6Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn.  Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.  7Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.

(Trích Sách Sáng Thế bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ từ https://ktcgkpv.org/readings/mass-reading)

Gợi ý cầu nguyện

1.      Bài đọc hôm nay là một trong những bản văn cổ nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại, 1450 TCN.  Tuy nhiên, đây lại là Kinh Thánh, chính vì thế mà bản văn này bị nhiều người ngày nay chỉ trích nhất, vì chẳng thể tin được—làm gì có chuyện Chúa lấy đất nắn thành người, hoặc làm gì có chuyện rắn biết nói.  Sự chỉ trích này đúng thôi.  Nhưng người có niềm tin trưởng thành, ai mà tin vào những điều này, bởi đây chỉ là những biểu tượng nhằm để nói về một cái gì rất thật và sâu xa trong đời sống của con người.  Sự thật ấy là: Không ai tự mình mà có, nhưng tất cả đều đã được sinh ra, được dựng nên bởi một ai đó, và người có niềm tin gọi Đấng ấy là Thiên Chúa.  Đồng thời, càng trưởng thành, con người càng nhận ra một điều nữa: Thân phận con người thật tầm thường, mỏng giòn, yếu đuối và tạm bợ như đất, cứ đứng lên nhưng rồi lại té hoài, cứ hứa sống thánh thiện nhưng rồi lỗi lầm liên miên, sống mãi rồi cũng có ngày chết tiêu tan; ấy vậy mà, Thiên Chúa Hằng Sống lại chọn con người làm cộng sự viên, làm con cưng của Ngài.  Chính đây là những điều người Kitô tin, từ bản văn này.  Tôi nghĩ sao về việc tôi được Chúa sinh ra?  Tôi hãnh diện là con của Chúa, Đấng Tạo Thành Trời Đất không?  Tôi nghĩ sao, khi tôi nhận ra sự bất toàn và yếu đuối chất chồng trong tôi, vậy mà Chúa vẫn yêu thương đón nhận tôi làm bạn của Ngài?  Tôi nói gì với Chúa trong giây phút này?

2.      Chẳng người Kitô hữu trưởng thành nào lại tin vào chuyện con rắn biết nói và biết cám dỗ con người.  Điều mà những người Kitô hữu trưởng thành tin đó là, sự cám dỗ bao giờ cũng diễn ra rất tinh vi, êm đềm, nhẹ nhàng; đặc biệt, nó đến từ những gì rất gần gũi, thân quen và hấp dẫn, khiến tôi không dễ gì nhận ra hoặc cưỡng lại được.  Giờ cầu nguyện hôm nay, tôi muốn nhìn lại đời sống của tôi, đặc biệt những lỗi lầm và vấp té cứ lập đi lập lại hoài trong tôi.  Phải chăng, những yếu đuối ấy đã bắt đầu từ rất lâu trong đời sống, bằng những hình ảnh, lời nói, ý tưởng rất thân thương, gần gũi, nhẹ nhàng, hấp dẫn, và rất có lý, để rồi tôi mãi trơn trượt không đứng dậy được, cứ té hoài như té tuyết?  Tôi muốn nói gì với Chúa về những yếu đuối này?  Tôi để ý Ngài nói gì với tôi, mỗi lần tôi té ngã hoặc mỗi lần tôi đứng dậy?  Ngài đã giúp tôi như thế nào và tôi thật sự muốn Ngài giúp tôi đứng dậy ra sao?            

Phạm Đức Hạnh, SJ

0 comments:

Post a Comment